Có lần tôi đi khám răng ở bệnh viện trung tâm Tel Aviv, tình cờ gặp một vị phụ huynh lớp con gái tôi cũng đưa cô con gái sáu tuổi của mình đến đây, hai cha con đang đứng đợi ngoài sảnh. Đợi được một lúc, cháu bé giãy giụa đòi đồ uống. Cha cháu tiện tay lấy một cốc nước lọc miễn phí từ máy bán hàng tự động ở bên cạnh, đặt vào tay con gái. Tất nhiên không phải là người cha này không mua được đồ uống cho con, vì máy bán hàng tự động đang bán một tệ một cốc Cocacola hoặc nước chanh; hay là anh ta quá nghèo chăng? Hoàn toàn không phải vậy, công ty cung cấp dụng cụ thể thao của anh ta nằm ở trung tâm thành phố nơi chúng tôi sinh sống, hiện đang kinh doanh rất tốt.
Vậy, rốt cuộc vì nguyên nhân gì người cha này lại hành động như vậy? Tôi nhớ, câu trả lời của anh ta là nước lọc cũng có thể giải khát được rồi, không cần tốn tiền mua đồ uống khác. Chúng ta không nên cho con cái hưởng thụ đời sống vật chất quá cao ngay từ khi chúng còn nhỏ. Quan niệm của người cha này đại diện cho cách nghĩ của hầu hết các bậc phụ huynh Do Thái.
Người Do Thái cho rằng, ham muốn của con người là vô hạn, nhưng chúng ta chỉ có thể thỏa mãn được rất ít, còn vô số ham muốn khác thì vĩnh viễn không thể đáp ứng được. Chính vì vậy, họ muốn con em mình hiểu: Phạm vi hưởng thụ của mỗi người đều có giới hạn, bỏ ra một đồng thì phải biết phát huy hết giá trị của một đồng ấy. Dù con có bao nhiêu tiền đi nữa cũng tuyệt đối không được mua những thứ không cần thiết và không phù hợp với mình. Còn nếu con muốn thỏa mãn những mong muốn xa xỉ hơn, thì con bắt buộc phải có điều kiện sống tốt hơn nữa dựa vào sự nỗ lực của chính mình, chứ không thể mượn tay người khác.
Cũng theo người Do Thái, cha mẹ khéo léo từ chối những đòi hỏi không hợp lý của con mới thể hiện tình yêu thương con cái sâu sắc, còn nếu cứ một mực chiều theo và thỏa mãn mọi yêu cầu của con, chỉ là nuông chiều con mà thôi. Nuông chiều không phải là yêu thương, nó thực chất là “hại” con dưới vỏ bọc “yêu” con. Khi con trẻ đưa ra các đòi hỏi, phụ huynh cần xử lý yêu cầu theo từng trường hợp cụ thể của con mình, nếu là yêu cầu không hợp lý, phụ huynh cần biết từ chối một cách hiệu quả. Chỉ những vị phụ huynh thất bại mới không biết từ chối đòi hỏi của con, hấp tấp đáp ứng những yêu cầu đó.
Ở lớp múa, con gái tôi có một người bạn nhỏ tên là Sasa, nhà cô bé rất giàu. Một lần con gái tôi nhận lời mời đến nhà bạn chơi, khi trở về con bé mang theo nhiều cảm xúc: “Mẹ à, nhà Sasa là một tòa biệt thự to đùng, đồ dùng trong nhà cực kỳ cao cấp. Nhưng, phòng của Sasa bé tí tẹo, hơn nữa, đồ dùng bên trong đều rất cũ kỹ, không hợp thời.” Tôi hỏi con gái tại sao lại vậy, con bé trả lời, “Sasa nói với con là, cha mẹ bạn ấy rất yêu thương bạn ấy, họ sẽ làm hết sức mình tạo điều kiện học tập và phát triển tốt nhất cho bạn ấy, nhưng cũng chính vì yêu thương bạn ấy nên họ mới không cho bạn ấy điều kiện sống sung sướng nhất. Bởi vì bạn ấy cần và cũng có thể đạt được điều kiện sống thật tốt dựa vào sự cố gắng của chính mình”.
Câu chuyện cha mẹ Sasa khéo léo từ chối yêu cầu của con đã khắc sâu sự khác biệt giữa hai nền văn hóa giáo dục của Trung Quốc và Israel, đồng thời tạo lửa quyết tâm học hỏi kinh nghiệm giáo dục gia đình của người Do Thái trong tôi.
Hồi đó, tôi đang gặp phải nhiều vướng mắc trong vấn đề nuôi dạy con gái, vì không đồng tình với câu tục ngữ “nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái.” Chính quan niệm giáo dục của cha mẹ Sasa đã củng cố cách nghĩ của tôi, đó là: Nuôi con gái trong giàu sang từ lúc nó còn nhỏ, sau này lớn lên khi gặp trắc trở trong cuộc sống nó phải làm sao? Làm việc gì cũng đều phải có giới hạn, cha mẹ cần giảng giải cho con gái tất cả các nguyên tắc hoặc một số nguyên tắc nhất định. Tương tự như các bé trai, các bé gái cũng gặp phải muôn vàn khó khăn trở ngại trong quá trình phát triển. Từ thuở nhỏ, trên con đường học vấn, không phải vì bạn là nữ giới nên nhà trường hạ thấp điểm xét tuyển so với nam giới; thi rớt vì kém một điểm đều phải ngậm ngùi tiếc nuối. Đến khi bước ra xã hội, môi trường cạnh tranh khốc liệt, đối thủ vô tình, tuyệt đối sẽ không thông cảm hoặc cho bạn một lối thoát vì bạn là nữ giới. Nhất là sau khi bước vào cuộc sống hôn nhân, những cô gái con nhà giàu quen được thỏa mãn mọi mặt, không biết làm ăn, không am hiểu thế sự, làm sao đối diện với cuộc sống thực tế đây?
Tôi từng từ chối một số đòi hỏi của cô con gái, trong đó có chuyến đi nghỉ ở Biển Đỏ.
Vào học kỳ cuối năm 2002, Muội Muội bắt đầu kỳ nghỉ hè, tôi muốn con bé mở mang tầm mắt nên cho nó cùng tham gia một đoàn du dịch tới Biển Đỏ.
Mùa hè, trời nóng bức, khó chịu, tôi không buồn đi đâu, bèn ngồi ở bậc tam cấp hóng mát cùng một vài người trong đoàn.
Một mình con gái tôi tới quầy cà phê dưới khách sạn, uống cà phê.
Một lúc sau, một người cùng đoàn bước tới bậc tam cấp, cùng ngồi hóng mát với chúng tôi, cô ấy nhận ra Muội Muội, biết nó là con gái tôi. Trông thấy tôi, cô ấy buột miệng nói: “Ơ, vừa nãy em uống cà phê ở dưới quầy khách sạn, em thấy con gái chị cho người phục vụ tận 10 Euro.” Cà phê trong khách sạn có giá 10 Euro một cốc, sao con bé lại cho số tiền ngang với tiền cà phê? Tôi hơi khó hiểu, nhưng chưa vội tra hỏi con gái.
Giờ nghỉ ngày hôm sau, Muội Muội vẫn muốn xuống quầy uống cà phê. Tôi lẳng lặng đi theo con bé, tìm hiểu đầu đuôi sự việc.
Con bé tới quầy cà phê, vừa ngồi vào chỗ, một nam nhân viên phục vụ điển trai đi đến bên cạnh con bé, chào hỏi rất ân cần, nhiệt tình và còn bắt chuyện với nó một lúc. Tôi im lặng quan sát con gái, phát hiện ra nó boa cho nam nhân viên này 10 Euro khi anh ta chuẩn bị đi.
Sau khi con gái trở về phòng khách sạn, tôi không sừng sộ lên giáo huấn nó, tôi hiểu con bé đã dậy thì, nó muốn xây dựng hình ảnh một cô gái lịch thiệp và tôn nghiêm trước mặt nam nhân viên phục vụ đó.
Tôi nhẹ nhàng hỏi con gái: “Muội Muội, mẹ nghe nói con boa cho người phục vụ quầy cà phê rất nhiều tiền à?”
Con bé không lên tiếng. Tôi kéo bàn tay nhỏ nhắn của nó: “Muội Muội, như thường lệ, tiền boa là 10% giá thành. Nếu con cảm thấy thái độ phục vụ của họ rất nhiệt tình, chu đáo, không dám rút ra 10%, vậy thì con có thể thưởng thêm khoảng một hai Euro. Cuộc sống của chúng ta không quá giàu sang, không thể lãng phí như thế được con ạ. Phẩm hạnh của một người không được đánh đổi bằng tiền như vậy. Mẹ hy vọng việc con làm thật sự thông minh.”
Dù tốn nhiều lời, nhưng tôi kiên trì không nổi nóng, không giận dữ, tôi chỉ muốn con gái mình hiểu: Tại sao con bé không nên làm việc này. Tôi biết, con cái ở thế yếu nên rất dễ kích động, nếu tôi nặng lời quát mắng, con bé sẽ phản ứng gay gắt, điều đó sẽ khiến nó cảm thấy tủi thân, bất mãn. Lần sau gặp lại chuyện này, mẹ con tôi vẫn lại căng thẳng. Nên, khi nhìn ánh mắt của con, tôi hiểu mình cần tôn trọng tâm trạng con bé, đồng thời giảng giải cặn kẽ đạo lý cho nó hiểu, sau này không phải nhắc lại chuyện này nữa.
Hai mẹ con tôi nói chuyện, trao đổi mất một buổi tối. Trong chuyến du lịch ngày hôm sau, chúng tôi đi tham quan một khách sạn bảy sao nổi tiếng. Nhìn cách bài trí khách sạn xa hoa lộng lẫy, Muội Muội tựa vào vai tôi, thủ thỉ: “Mẹ đợi sau này con trưởng thành, có thể sống bằng sức lao động của mình, con sẽ mời mẹ tới những khách sạn như thế này nghỉ ngơi.”
“Ừ! Mẹ tin sẽ có ngày như vậy!” Lời con gái nói như một làn gió mát thổi vào lòng tôi. Tôi thật sự cảm thấy rất an ủi vì không ngờ cô con gái mới lớn lại hiểu mẹ đến vậy. Quả nhiên, sau này tôi không phải nhắc lại chuyện này nữa, giữa hai mẹ con tôi cũng không còn khúc mắc gì, hơn nữa rất ít khi con bé có những việc làm tương tự như vậy.
Đôi khi, muốn từ chối yêu cầu của con cái, cha mẹ cũng cần tạm nhân nhượng chúng vì lợi ích lâu dài, lùi một bước để tiến ba bước. Nhất là khi cư xử với con cái ở độ tuổi dậy thì.
Một ngày cuối tuần tôi bảo con gái: “Muội Muội, mẹ con mình đi hiệu sách chọn mấy cuốn từ điển nhé.” Tôi rất muốn con bé đi cùng tôi tới hiệu sách của Tel Aviv một chuyến. Nhưng con bé trả lời: “Không được đâu mẹ, con muốn đi dạo phố mua quần áo trước.” Lúc này Muội Muội học trung học, con bé đang ở tuổi thích làm điệu.
Khi đó, tôi lùi một bước, cùng con gái đi mua sắm trước, quyền uy và yêu cầu của người làm mẹ phải gác sang một bên.
Chúng tôi tới trung tâm mua sắm của thành phố Tel Aviv, lần lượt ghé vào các gian hàng thử quần áo, Muội Muội mặc thử mấy cái áo hai dây bắt mắt. Mặc dù tôi không tán thành con bé mua mấy bộ quần áo kiểu này, nhưng tôi vẫn ngồi im trên ghế sô pha, quan sát nó. Con bé vừa mặc thử quần áo, vừa lén nhìn sắc mặt của tôi. Đi dạo trung tâm mua sắm cả một ngày trời làm lỡ việc tới hiệu sách, nhưng tôi kiềm chế sự khó chịu trong lòng, từ đầu đến cuối, vẫn kiên nhẫn cùng con gái thử quần áo. Tôi nghĩ: “con bé đang thăm dò sự nhẫn nại của bà mẹ già này đây mà.” Giác quan thứ sáu của người mẹ mách bảo tôi vậy!
Sáng sớm hôm sau, Muội Muội vừa ngủ dậy đã chạy đến trước mặt tôi, vui vẻ nói: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ con mình đi hiệu sách nhé, hay là mẹ muốn đến chỗ nào khác, con sẽ đi cùng mẹ.” Con gái tôi trưởng thành trong môi trường giáo dục gia đình “khéo léo từ chối sự thỏa mãn”, khi “lùi để tiến” tôi đã xoay chuyển được tình thế, thôi thúc con gái tự xem xét lại yêu cầu của mình, từ giây phút ấy con bé đã trưởng thành hơn.
Cũng có người bạn hỏi tôi: “Vào thời điểm đó, quán cơm Trung Quốc của nhà bà đã kinh doanh hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao, sao phải gây khó dễ cho con bé? Bà không sợ làm tổn thương tình cảm mẹ con sao?”
Tôi cho rằng, chính vì thu nhập gia đình tăng lên, nếu không nâng cấp quan niệm giáo dục gia đình, các bậc cha mẹ sẽ vô tình làm hại con mình. Nếu tôi làm một người mẹ sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu của con, tạo cho con những thói hư tật xấu như chỉ biết đòi hỏi, không biết cảm ơn, không biết trân trọng, dẫu con có cho tôi là người mẹ yêu thương nó nhất trên đời, thì đó cũng vẫn là sự thất bại trong cách dạy con của tôi, là “lấy tình yêu mua sai lầm” và đi ngược lại với tâm huyết của mình.
Những lúc tụ tập với bạn bè, chúng tôi thường dành phần lớn thời gian để nói chuyện về con cái. Một người bạn cũ của tôi có cậu con trai mới mười lăm tuổi, trên người thằng bé mặc toàn hàng hiệu, trong khi cha mẹ ăn mặc khá giản dị. Có lần, tôi đi mua sắm cùng gia đình ông bạn ấy, vào trong cửa hàng chuyên bán hàng hiệu Nike, cậu ấm nhà họ nũng nịu nói: “Con chỉ đi được giày Nike thôi, đi giày này chân con mới không bị đau.” Mẹ thằng bé lập tức nói với nhân viên bán hàng: “Phiền cô lấy cho chúng tôi đôi tốt nhất.” Con gái một người họ hàng của tôi tham gia buổi tiệc sinh nhật của bạn học cùng lớp, nó muốn cha mẹ giúp mình chuẩn bị món quà đắt đỏ, vì các bạn khác đều tặng những món quà rất đắt tiền: túi thể thao hàng hiệu, mỹ phẩm nhập khẩu, thẻ tập thể dục… Đó là hệ quả của việc một số trẻ coi mình có nhiều hay ít bạn tới chúc mừng sinh nhật, độ nặng nhẹ của những món quà nhận được là tiêu chí đánh giá mình có “thể diện” hay không.
Không có gì là đáng trách khi các bậc cha mẹ muốn đáp ứng đòi hỏi của con cái, chỉ có điều rất nhiều những ví dụ về sự thất bại của giáo dục gia đình đều xuất phát từ căn nguyên phụ huynh thỏa mãn quá mức nhu cầu của trẻ. Họ cho rằng chỉ có đáp ứng tất cả mong muốn của con mới chứng tỏ là họ yêu thương con cái. Nhận thức sai lầm này khiến không ít phụ huynh đi vào vòng luẩn quẩn. Họ thỏa mãn mong muốn của con để cho con vui vẻ, nhưng khi ham muốn của con tăng lên chóng mặt, họ lại phải đầu tư thêm nhiều thứ thì mới mong có thể đáp ứng được yêu cầu của con. Trên thực tế, quá theo đuổi hưởng thụ vật chất, ngược lại sẽ làm con cái bị tổn thương, vì từ nhỏ cha mẹ đã truyền cho con những tư tưởng sai lệch, khiến chúng lầm tưởng bản thân mình sẽ mãi được thỏa mãn trước, thỏa mãn quá mức và thỏa mãn vô hạn. Điều đó làm ảnh hưởng tới cách nhìn của con cái về người khác, về xã hội và về thế giới trong suốt cuộc đời chúng.
Người xưa nói: “Con hư tại mẹ.” Đứng trước những đòi hỏi của con cái, các bậc phụ huynh cần phải biết phán đoán đúng sai, kiên quyết từ chối yêu cầu vô lý. Học làm người cha người mẹ tốt đã khó, học làm người cha người mẹ “tàn nhẫn” lại càng khó hơn. Trong một siêu thị đông người qua lại, con cứ đứng lỳ ở quầy bánh kẹo, không ngừng gào khóc; bạn bè hay họ hàng tới nhà làm khách, con lăn đùng ngã ngửa ra nhà, khóc lóc om sòm… Gặp những tình huống như vậy, các bậc cha mẹ sẽ phản ứng thế nào? Phụ huynh bắt buộc phải nói “không” với con em mình. Phần lớn trẻ em hiện nay đều là con một. Chính sự dung túng và nuông chiều của cha mẹ đã tạo cho chúng tính buông thả, tự coi mình là trung tâm. Trước những yêu cầu ngày càng quá đáng cùng với tính cách ngày càng ngỗ ngược của con trẻ, không nỡ nói “không” với con trở thành một vấn đề nan giải, làm phiền não mỗi vị phụ huynh. Nhưng vì sự phát triển bền vững của con em chúng ta, các bậc cha mẹ hãy nhẫn tâm nói “không”, tuyệt đối không được chậm trễ.
Đột nhiên bị cha mẹ từ chối yêu cầu, trẻ sẽ có những biểu hiện thường thấy như cáu gắt, nhịn ăn, khóc lóc. Lúc này đây, một số cha mẹ mềm lòng sẽ thỏa hiệp với con, đáp ứng yêu cầu của con, kỳ thực làm vậy là không thể được: Sau này cha mẹ càng khó từ chối yêu cầu của con, dần dà không thể từ chối nổi. Vì vậy, vào lúc thích hợp, việc cha mẹ nên làm là tỏ rõ thái độ cứng rắn, phớt lờ trẻ, nhất quyết từ chối đòi hỏi vô lý của chúng.
Tất nhiên, nói “không” theo phương pháp sai lầm hoặc nói “không” trong hoàn cảnh không thích hợp thì cũng vô dụng như không nói gì. Điểm quan trọng ở đây là phụ huynh cần phải biết nói “không” với con cái trong thời điểm nào và nói theo cách nào.
Trẻ em bây giờ trưởng thành sớm hơn so với chúng ta thời trước, chúng biết thăm dò ý tứ người lớn qua lời nói và sắc mặt, chúng hiểu rất rõ cha mẹ là chỗ dựa quan trọng nhất của mình. Nên nếu cha mẹ thẳng thừng từ chối yêu cầu của trẻ, chúng sẽ cảm thấy rất khó chấp nhận và bắt đầu hoài nghi hay là cha mẹ không yêu mình nữa. Như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm hồn trẻ. Cha mẹ cần nghĩ cách thay đổi sự chú ý của con cái để cho chúng hiểu rằng, chúng ta không mua đồ cho chúng không có nghĩa là chúng ta không yêu thương chúng. Đồng thời chúng ta cũng cần dạy con cách đưa ra mong muốn của mình. Phải để trẻ hiểu rằng, chỉ có cách thỉnh cầu, thương lượng, cha mẹ mới có thể đáp ứng yêu cầu của con. Còn một khi con ăn vạ, phá bĩnh, khóc lóc, vòi vĩnh thì chẳng những cha mẹ không thể dễ dàng chấp thuận yêu cầu của con, mà còn nghiêm khắc phê bình.
Trước sau tôi luôn lấy “trì hoãn sự thỏa mãn” làm quan điểm chủ đạo trong quá trình nuôi dạy ba đứa con, và bọn trẻ cũng đánh giá lẫn nhau theo tiêu chí này.
Dĩ Hoa tổ chức tọa đàm “Đến với Trung Quốc” ở trường học, mỗi người bỏ ra 10 agorot mua vé vào cửa nghe tọa đàm đều được nếm thử nem rán chính hiệu của gia đình chúng tôi. Cân nhắc đến giá thành của món ăn, Dĩ Hoa nhờ Huy Huy cắt mỗi cái nem rán thành mười phần, xếp ngay ngắn vào trong lòng chiếc đĩa điểm tâm nhỏ. Buổi tọa đàm đó, Dĩ Hoa tiếp đón tất cả hai trăm khán giả, vé vào cửa thu về 2000 agorot. Ngoài 500 agorot nộp cho nhà trường làm phí thuê địa điểm, Dĩ Hoa còn dư 1500 agorot. Về sau Dĩ Hoa liên tục kiếm được những khoản thu nhập không nhỏ dựa vào sáng kiến của mình, sau khi mua đủ loại quà cáp cho em trai và em gái, thằng bé bắt đầu đua đòi dùng hàng hiệu như mua quần jean Levis.
Thấy con trai mặc toàn hàng hiệu, tôi kể cho nó nghe Chuyện của nhà vua: “Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua rất giàu có, sống xa xỉ phung phí, nước vo gạo trong cung điện thường lẫn rất nhiều gạo. Một hòa thượng nghèo sống ở chỗ dòng nước vo gạo chảy qua, hằng ngày dùng một cái bát nhỏ, cẩn thận gạn lấy những hạt gạo còn sót lại.
Gặp năm mất mùa, kho thóc của nhà vua trống rỗng.
Hòa thượng nghèo đem số gạo tích lũy nhiều năm, dâng lên nhà vua.
Nhà vua lấy làm lạ: ‘Sao nhà ngươi lại có gạo ngon như vậy?’
Hòa thượng hỏi ngược lại: ‘Ngài có nhận thấy đây đều là gạo chảy ra từ hoàng cung không?’
Nghe xong Chuyện của nhà vua mặt Dĩ Hoa đỏ bừng.
“Con không phải là nhà vua!” Dĩ Hoa hơi hối hận.
Tôi và Huy Huy trêu: “Dĩ Hoa, mẹ và em con cũng chưa nói chúng ta là vị hòa thượng kia mà!”
Từ quan niệm “trì hoãn sự thỏa mãn”, Dĩ Hoa và Huy Huy nắm được quy tắc luân chuyển của cải, ngoài ra chúng còn hiểu rõ tỷ lệ giữa công sức và thành quả trong công việc. Những bài học cuộc sống từ thuở nhỏ mang đến cho Huy Huy sự giàu có về vật chất và tinh thần, giúp nó từ con sông nhỏ vươn ra biển lớn. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những bí quyết giúp Huy Huy trở thành triệu phú thế giới trước năm ba mươi tuổi. Huy Huy thường nói: “Tất cả đều là nhờ ơn mẹ tôi, vì bà yêu thương chúng tôi bằng quan niệm ‘trì hoãn thỏa mãn’ để chúng tôi không tiêu tiền tiết kiệm, nên đến lúc muốn đầu tư, mở tài khoản ra là đã có vốn rồi.”
Kiểu gia đình “421” hiện nay (tức là một gia đình gồm có ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ và một đứa con) khiến trẻ trở thành nhân vật trung tâm của cả nhà. Làm sao từ chối yêu cầu của con cái là một vấn đề mới đặt ra trước mắt đông đảo phụ huynh chúng ta. Tục ngữ nói rất phải: “Ngọc không mài không thành đồ vật.” Chúng ta cần phải biết, “khéo léo từ chối sự thỏa mãn” cũng là một cách yêu con. Xét về ý nghĩa này, có thể thấy “khéo léo từ chối thỏa mãn” là một cách yêu con ở tầng bậc cao hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn.
Nghệ thuật nói “không” với con
1. Cha mẹ cần nói “không” với con bằng thái độ tôn trọng chúng. Hầu hết trẻ em đều có tâm lý chống đối, nếu bạn ép buộc con làm theo yêu cầu của mình thì dẫu lý do có hợp lý đến đâu, chúng cũng không bao giờ chịu tiếp thu. Đôi khi dạy bảo một đứa trẻ lanh lợi, chúng ta cần dùng một chút “mưu trí”, khéo léo thay đổi phương pháp nhằm đạt được mục đích của mình.
2. Cha mẹ đưa ra lý do chính đáng, giải thích cho con cái hiểu tại sao cha mẹ lại nói “không” với chúng. Khi không thể ngăn chặn những hành vi không đúng của con, bạn nên uốn nắn con bằng một thái độ bao dung, ôn tồn nhã nhặn, kiên trì nhẫn nại, vì điều này có liên quan mật thiết tới quá trình trưởng thành, xây dựng tính cách của trẻ. Nếu phụ huynh chưa đưa ra được lý do chính đáng để nói “không” với trẻ thì tốt nhất họ phải có những lời nói, cử chỉ làm gương cho con cái, quán triệt trẻ đưa ra mong muốn hợp lý của mình.
3. Cha mẹ nói “không” một cách sáng tạo, dạy con cái nhận biết ngôn ngữ cơ thể biểu thị ý “dừng lại.” Cha mẹ nên lựa chọn cách nói “không” phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải đưa ra ý tích cực bằng lối diễn đạt có sức thuyết phục để trẻ tiếp nhận ý kiến “có thể làm” của bạn, từ đó làm dịu căng thẳng khi bạn đưa ra mệnh lệnh “không thể làm.” Chúng ta cũng cần tránh để cho trẻ mơ tưởng, ví dụ trước khi bước vào cửa hàng nào đó, bạn cần nói cho con biết, bạn đưa con đến đây để cùng mua quà cho người khác, chứ không phải mua đồ chơi cho con. Chúng ta nhắc trước như vậy để cho trẻ không mơ tưởng đến chuyện mua đồ chơi ngay từ đầu.
4.Trẻ em bây giờ trưởng thành sớm hơn so với chúng ta thời trước, chúng biết thăm dò ý tứ người lớn qua lời nói và sắc mặt, chúng hiểu rất rõ cha mẹ là chỗ dựa quan trọng nhất của mình. Nên, nếu cha mẹ thẳng thừng từ chối yêu cầu của trẻ, chúng sẽ cảm thấy rất khó chấp nhận, thậm chí còn nghĩ rằng cha mẹ không yêu mình nữa. Nhưvậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm hồn của trẻ. Cha mẹ cần nghĩ cách thay đổi sự chú ý của con cái để cho chúng hiểu rằng, chúng ta không mua đồ cho chúng không có nghĩa là chúng ta không yêu chúng.
5. Chúng ta cũng cần dạy con cách đưa ra mong muốn của mình đối với cha mẹ. Chúng ta phải cho trẻ hiểu rằng, chỉ có cách thỉnh cầu, thương lượng, cha mẹ mới có thể đáp ứng yêu cầu của con. Còn một khi con ăn vạ, phá bĩnh, khóc lóc vòi vĩnh thì chẳng những cha mẹ không thể dễ dàng chấp thuận yêu cầu của con, mà còn nghiêm khắc phê bình.
6. Giữ vững lập trường. Sau khi từ chối yêu cầu của con, phụ huynh không được thay đổi quyết định, cho dù phụ huynh phát hiện ra việc làm của mình có phần không thỏa đáng, thì vẫn có thể bù đắp sau, chứ tuyệt đối không nuốt lời ngay lúc đó, đặc biệt cha mẹ không nên thay đổi quyết định chỉ vì con quấy khóc làm nũng. Bởi vì làm vậy chẳng những tạo cho con ấn tượng cha mẹ nói mà không giữ lời, nói một đằng làm một nẻo, ảnh hưởng đến uy tín của cha mẹ trong mắt con cái, mà còn khiến con có suy nghĩ cha mẹ cần phải “bù đắp” cho những giọt nước mắt của con, gián tiếp ủng hộ hành vi khóc lóc của con. Cha mẹ cần nhớ kỹ, giữ vững quyết định ban đầu là biện pháp hiệu quả nhất chống lại hành vi lấy “nước mắt” làm vũ khí của con.
7. Sau khi từ chối yêu cầu của con, phụ huynh cần giảng giải cho chúng hiểu thứ gì mới thật sự có giá trị, từ đó giúp trẻ nhận ra cha mẹ làm vậy vì muốn dành cho chúng thứ tốt hơn, đồng thời con cái cũng cảm nhận được sự hiền từ và vĩ đại của người cha, sự dịu dàng và quan tâm của người mẹ trong suốt cuộc đời mình.
8. Phụ huynh tránh tùy tiện nói “không”, vì làm vậy sẽ khiến cho con cái cảm thấy cái “tôi” của mình bị kìm nén, bó buộc, ngoài ra chúng còn nảy sinh tâm lý chống đối mạnh mẽ.
9. Cha mẹ không nên cung cấp cho con quá nhiều thông tin hay những hình dung quá mức, tránh tạo thành gánh nặng tâm lý của trẻ. Khi kinh tế gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, tốt nhất cha mẹ không nên nói với con cái rằng: “Nhà mình rất khó khăn!” Thay vào đó, cha mẹ có thể nói với con những câu như: “Từ tháng này trở đi chúng ta cần tiết kiệm một chút, vì nhà mình có một vài kế hoạch chi tiêu quan trọng hơn.” Hoặc khi cha mẹ được tăng lương, có thể nói: “Sau này nhà mình sẽ có nhiều tiền mua sách và đi du lịch hơn, vì những cố gắng của cha mẹ trong công việc đã được công nhận.”
10. Cha mẹ bồi dưỡng cá tính lành mạnh và cân bằng cho con cái trong cán cân giữa “được” và “không.” Tính cách quyết định số phận. Cá tính lành mạnh, cân bằng sẽ đảm bảo cho con có một cuộc sống hạnh phúc sau này.