Viên Tướng Của Nhà Vua

Chương 13

Docsach24.com

ặc dù giữa anh rể tôi và tôi không có mối dây liên hệ tình cảm nào, nhưng từ sau ngày gặp gỡ Jonathan trong căn phòng bí mật đêm hôm đó, tôi cảm thấy kính trọng và mến anh hơn. Bây giờ tôi mới biết rằng công vụ mà Jonathan đang thừa hành và khiến anh phải vắng nhà thường xuyên, không phải là không quan trọng. Thái độ đôi khi nóng nảy của anh đối với những người trong gia đình, không làm tôi ngạc nhiên nữa, bởi vì anh đang bận tâm đến công việc đại sự. Tôi cũng kính trọng anh ở điểm đặt lòng tin nơi tôi sau hành động xâm nhập không thể tha thứ được của tôi vào căn phòng bí mật. Tôi chỉ tiếc rằng không tận mắt xem thấy cầu thang trong cột chống và căn phòng ngầm dưới đất, nhưng tôi không thể quá lạm dụng lòng tốt của anh. Tôi tưởng tượng thấy lại những tấm thảm che vách lung lay trước gió và cái lỗ lớn đen ngòm trong tường.

Vào thời buổi ấy, chiến tranh đang lan tràn đến mức đáng lo ngại. Quân đội miền tây của chúng tôi được đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của cháu Vua, tức ông hoàng Maurice, người chủ trương dốc toàn lực đánh một trận quyết định với quân nổi loạn. Ông hoàng Rupert, em của Maurice, cố gắng thuyết phục đức Vua gửi ngay đến miền tây vài ngàn kỵ binh, nhưng luôn vấp phải sự cản trở của Hồi đồng tư vấn. Do đó, kỵ binh không được đến.

Chúng tôi biết được tin này qua lời kể của Richard đang sôi sục nóng nảy bởi vì chàng chưa nhận được một khẩu sung thần công nào mà thượng cấp đã hứa. Chàng tuyên bố thẳng thừng trước mặt mọi người rằng quân đội miền tây của chúng ta chỉ là một đạo quân ô hợp gồm toàn những người bệnh tật không làm được gì hết, rằng ông hoàng Maurice chỉ biết có ngồi chờ địch quân mở cửa mời vào. Nếu Essex và đạo quân phản loạn quyết định tiến về miền tây – Richard nói – thì chỉ gặp kháng cự của một đám lính bệnh hoạn và một vài tướng lãnh nghiện rượu. Tôi không thể làm gì với bốn người của tôi và một đứa trẻ ngồi chồm hổm trước thành Plymouth.

Essex quyết định tiến quân về miền tây và vào khoảng tuần thứ ba của tháng sáu, địch quân đã có mặt ở Weymouth và Bridport. Ông hoàng Maurice, mà uy tín đã bị giảm, vội vã rút quân về Exeter.

Ở đó, ông hoàng Maurice gặp Hoàng hậu, tức dì của ông ta, cũng vừa đến từ Bristol bằng kiệu để tránh lọt vào tay quân thù. Chính ở Exeter mà Hoàng hậu hạ sinh đứa con trai cuối cùng, và sự kiện này càng làm nặng gánh trách nhiệm cho ông hoàng Maurice và bộ tham mưu. Maurice quyết định nên đưa Hoàng hậu sang Pháp càng nhanh càng tốt, và cho rằng đó là giải pháp khôn ngoan nhất. Hai tuần sai khi sanh Hoàng tử, tuy còn yếu ớt và xanh xao, Hoàng hậu đã phải lên đường đi Falmouth.

Anh rể tôi là một trong những người đứng nghênh đón Hoàng hậu khi đi qua Bodmin, và anh ta mô tả lại cảnh đáng thương của Hoàng hậu khốn khổ trong tình thế tuyệt vọng.

- Hoàng hậu dù sao cũng chỉ là một người đàn bà – Jonathan nói – và anh rùng mình khi nghĩ đến số phận của ngài như thế nào nếu chẳng may rơi vào tay quân phản loạn. Đối với những người bảo hoàng ở Cornouailles này, ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi được tin Hoàng hậu đã đến Falmouth mà không gặp trở ngại gì và đã lên thuyền đi Pháp.

Essex và quân nổi loạn không ngừng tăng cường lực lượng. Trong lúc này chỉ có con sông Tamar ngăn cách chúng với Cornouailles. Người duy nhất thích thú thấy quân địch tới là Richard.

- Nếu chúng ta dụ cho tên Essex này tới Cornouailles – Richard nói – một vùng xa lạ đối với Essex, nơi đó chỉ có những con đường mòn hẹp và những hàng rào cao. Trong trường hợp này, với đạo quân của đức Vua và của Rupert đánh sau lưng và cắt đứt mọi đường rút lui, chúng ta có thể bao vây và tiêu diệt quân địch dễ dàng.

Tôi còn nhớ anh ta vui vẻ xoa tay vào nhau và cười như một đứa học trò ngày hôm trước kỳ nghỉ hè. Nhưng Jonathan và những vị khách khác tới dùng bữa ở Menabilly chiều hôm đó, không đồng ý với Richard.

- Nếu có giao tranh ở Cornouailles – Francis Bassett nói – vùng này sẽ bị tàn phá. Francis Bassett cùng với anh tôi, có nhiệm vụ tuyển mộ binh lính chiến đấu vì đức

Vua và nhiệm vụ đó khá khó khăn.

- Xứ này quá nghèo không thể nuôi nổi một đạo quân – Francis nói thêm – Tốt nhất nên chận đánh chúng bên kia con sông Tamar. Chúng tôi tin tưởng nơi Richard và đồng Đội của anh giao chiến với địch quân ở vùng Devon và như thế tránh hiểm nguy cho vùng

Cornouailles.

- Này người nhân hậu – Richard nói trong khi Francis Bassett đỏ mặt vì thẹn và tất cả chúng tôi đều cảm thấy khó chịu – Tôi rất kính trọng những kiến thức của anh về nuôi bò và nuôi heo. Nhưng, lạy Chúa! Hãy để cho những người lính chuyên nghiệp chúng tôi nói về nghệ thuật tác chiến. Mục đích của chúng ta hiện nay là tiêu diệt quân thù, điều mà chúng ta không thể làm được ở Devon, vì địa thế nơi đó không thuận lợi cho việc bao vây. Một khi chúng qua sông Tamar, chúng mới bị mắc bẫy. Nỗi lo sợ duy nhất của chúng tôi là chúng sử dụng ưu thế của kỵ binh để tiêu diệt quân của ông hoàng Maurice ở đồng bằng trống, trong vùng Devon.

- Như thế có nghĩa là anh chấp nhận cho vùng Cornouailles này bị san bằng – Jonathan nói – dân cư không có nơi trú ngụ và chịu khổ đau mà không được cứu trợ?

- Quỷ bắt cái lâu đài của anh đi! – Richard nói – Các bạn của chúng ta có thấy đổ máu một chút thì đã sao nào? Nếu anh cảm thấy không đủ sức chịu khổ để phò đức Vua, thì cứ bắt tay với quân thù đi!

Bầu không khí khá căng thẳng khi Richard nói xong và ít phút sau đó, mọi người rời khỏi bàn ăn. Điều lạ lùng mà tôi không thể giải thích nổi, là từ khi Richard trở về trong cuộc đời tôi, tôi ít xa lánh mọi người và có thói quen dùng bữa dưới nhà ăn, thay vì ở trên phòng như mọi khi. Không phải lúc nào tôi cũng thích cô độc.

Sau bữa ăn chiều, trời chưa tối, Richard đẩy xe cho tôi đi dạo một vòng.

- Nếu Essex tới gần Tavistock – chàng nói – và anh bó buộc phải thôi bao vây

Plymouth, anh có thể gửi đến em con chó con của anh được không?

- Chó con nào? – tôi ngạc nhiên hỏi – Em không biết anh có nuôi chó con.

- Anh muốn nói thằng con của anh đấy. Em có thể lo cho nó giùm anh và thử dạy bảo

Đôi đều cho cái đầu óc ngu đần của nó được không?

- Em sẵn lòng nếu anh nghĩ rằng nó hạnh phúc khi ở với em.

- Anh biết chắc rằng về ở với em, nó sẽ sung sướng hơn ở với bất cứ người nào khác trên đời này. Dì Abbot của anh ở Harland thì quá cao tuổi còn vợ của Bevil tức chị dâu của anh ở Stowe thì quá hãnh diện với bầy con của chị khiến anh không muốn gửi con anh vào nhà đó. Vả lại, chị ấy cũng chưa bao giờ tỏ vẻ quan tâm đến anh.

- Anh nói chuyện này với Jonathan chưa?

- Nói rồi. Anh ta đồng ý. Nhưng anh tự hỏi em làm thế nào với thằng Dick? Nó đần

Độn lắm.

- Em sẽ yêu nó, Richard, bởi vì nó là con của anh.

- Nhìn thấy nó, anh cũng phát chán. Lúc nào nó cũng tỏ vẻ sợ sệt, nhút nhát. Người thầy giám hộ nó, cho anh biết rằng chỉ hơi sướt da là nó đã bật khóc rồi.

- Dick mới gần mười bốn tuổi – tôi nói – đừng nên đòi hỏi nó nhiều quá. Hãy cho nó một hay hai năm để tập tính dạn dĩ.

- Nếu nó giống mẹ nó, anh sẽ đuổi nó ra khỏi nhà – Richard nói – Anh không thích những đứa khóc nhè ở gần anh.

- Nhưng, mẫu người như anh khiến nó không thể bắt chước được. Nếu em là nó, em không muốn có một người cha mang tiếng “chồn khát máu” như anh.

- Nó đã đến tuổi dậy thì – Richard nói – Quá lớn để được nuông chiều và quá nhỏ để nói chuyện phải trái. Kể từ hôm nay, Honor, nó thuộc quyền em. Anh sẽ dẫn nó đến đay, tuần tới.

Như đã thỏa thuận, với sự đồng ý của Jonathan, Dick Grenvile và người giám hộ là Herbert Ashley đến Menabilly, làm tăng thêm dân số trong nhà. Ngày họ đến tôi cảm thấy vui vẻ lạ lùng và cùng đi với chị Mary xem xét căn phòng dành riêng cho họ bên dưới cái tháp đồng hồ.

Tôi đã dành một phần lớn thời gian để sửa soạn trang phục – mặc chiếc áo màu xanh mà tôi ưa thích nhất – và ngồi cho Matty chải tóc. Tôi tự cảm thấy thật khôi hài khi phải mất thì giờ vì một cậu bé chẳng họ hàng gì với tôi. Gần một giờ trưa, tôi nghe tiếng vó ngựa trong hoa viên. Sốt ruột, tôi nhờ Matty kêu hai người hầu đưa tôi xuống dưới tầng trệt. Tôi muốn gặp Dick trong vườn vì nghĩ rằng ở ngoài trời, dưới ánh nắng, dễ nói chuyện thông cảm hơn là ở giữa bốn bức tường.

Tôi ngồi đợi trong vườn, thì chợt cổng rào mở. Một thanh niên đi ngang qua thảm cỏ, tiến tới trước mặt tôi. Dáng người nó cao lớn, với những lọn tóc hồng nâu của họ Grenvile, cái mũi xấc xược và vẻ cứng cỏi khiến tôi nhớ đến Richard.

- Cháu là Joe Grenvile. Người ta phái cháu đến đay để mời bà về. Một tai nạn nhỏ đã xảy ra. Thằng Dick đáng thương bị ngã ngựa khi chúng cháu vào săn và nó bị một vết tét trên đầu. Người ta đã bế nó lên phòng của bà và người hầu phòng của bà đang lo cầm máu cho nó.

- Ngài Richard có cùng tới đây với cháu không? – tôi hỏi trong khi nó đẩy xe cho tôi.

- Có, thưa bà, và chú ấy đang nổi giận nguyền rủa Dick là vụng về. Trong một giờ nữa chú Richard và cháu sẽ phải lên đường ngay. Essex đã tiến quân vào Tiverton. Ông hoàng Maurice đã rút một số đơn vị dưới quyền chỉ huy của chú Richard về. Hiện nay chỉ còn có người của ta án ngữ gần Plymouth.

Chúng tôi qua cửa hoa viên và gặp Richard đang đi qua đi lại trong hành lang.

- Em có thể tưởng tượng được rằng thằng chó con đó lại ngã ngựa ngay trước cửa nhà em không? – Chàng rống lên – Ôi cái thằng điên khùng! Em nghĩ thế nào về Joe? – Chàng vừa hỏi vừa vỗ vai người thanh niên đang hãnh diện nhìn chàng – Anh sẽ huấn luyện nó thành một chiến binh giỏi. Nào, Joe, hãy đi lấy bia cho hai chú cháu mình giải khát.

- Còn Dick? – tôi hỏi – Em có cần phải lên với nó không?

- Cứ để cho các bà và người giám hộ săn sóc nó. Rồi đây em sẽ tha hồ mà chán ngấy nó. Anh chỉ ở đây trong một giờ, vì thế anh phải giữ em lại.

Chúng tôi vào căn phòng nhỏ ở cuối hành lang. Richard ngồi xuống, uống bia và cho tôi hay rằng quân của Essex sẽ tiến vào Tavistock trước cuối tuần này.

- Nếu chúng tiến vào Cornouailles, chúng sẽ mắc bẫy của chúng ta – Richard nói – và nếu đạo quân của đức Vua theo sát sau lưng chúng, phần thắng sẽ về ta.

- Sẽ có đánh nhau ở đây không? – tôi nghi ngại hỏi.

- Khó có thể trả lời em được. Cái đó còn tùy thuộc Essex sẽ đánh ở phía bắc hay nam. Quân địch sẽ đi về Liskeard và Bodmin, nơi đó phe ta sẽ tìm cách chặn chúng lại. Em hãy cầu nguyện cho tháng tám u ám này, Honor. Bây giờ anh phải đi. Anh sẽ ngủ đêm ở Launceston.

Chàng đặt ly bia lên bàn và sau khi đóng cửa lại, đến ngồi sụp bên ghế tôi.

- Em toàn quyền dạy bảo thằng chó con. Nếu tình hình xấu đi và có giao tranh gần đây, em hãy dấu nó dưới giường em. Essex sẽ sung sướng bắt được con anh làm con tin. Em còn yêu anh không?

- Em vẫn yêu anh mãi mãi.

- Vậy thì đừng chú ý đến những bước chân ngoài hành lang và hãy ôm anh đi.

đối với chàng, ôm tôi vào lòng trong năm phút, làm cho tôi sợ, rồi sau đó lại lên ngựa ra đi, đầu óc chỉ bận tâm đến những công việc đang chờ đợi, điều ấy khá dễ. Nhưng còn tôi, ở lại trên ghế, tóc rối bù, áo nhầu nát, không thoát ra khỏi những suy nghĩ, bất lực, tình thế lại khác. Tôi đã chọn con đường cho tôi, tức là chấp nhận chàng trở về trong cuộc đời. Tôi phải chấp nhận và làm quen với cơn sốt tình cảm mãnh liệt dâng lên trong lòng, mà không gì có thể làm nguôi được.

Chàng ra dấu bằng tay gọi Joe, sĩ quan tùy tùng. Cả hai lên đường đi Launceston. Có lẽ họ sẽ ăn một bữa thịnh soạn ở đó và tìm một vài thú vui nhất thời trước khi bắt tay vào công việc ngày hôm sau. Tôi quá hiểu con người Richard, nên không thể tin chàng sống cuộc đời khổ hạnh được.

Tôi vuốt lại mái tóc, kéo lại cổ áo bằng đăng- ten và giật chuông gọi người hầu đưa tôi lên phòng.

Trong hành lang, tôi gặp Frank Penrose, người em họ và là nhân viên của anh rể tôi,

Đang sôi nổi nói chuyện với một người trẻ tuổi, nước da xám, cằm lẹm.

- Xin giới thiệu với cô Honor – Frank nói bằng giọng đường mật thường ngày – đây là ông Ashley. Học trò của ông ta đang nằm nghỉ trên giường của cô. Lợi dụng cơ hội này, ông Ashley uống với tôi vài ly cho vui.

Ashley chào tôi một cách ngượng nghịu.

- Ngài Richard đã cho tôi hay rằng bà là mẹ đỡ đầu của đứa bé và kể từ bây giờ tôi phải nhận lệnh của bà. Điều này thật khác thường, nhưng tôi sẽ cố gắng thích nghi với hoàn cảnh.

Tôi nghĩ thầm “Người này chỉ là một kẻ kiêu căng đần độn”, nhưng tôi vẫn lịch sự nói:

- Xin ông đừng nói thế, ông Ashley, ông cứ tiếp tục công việc của ông như ở Buckland. Tôi không hề có ý định can thiệp vào việc làm của ông, nếu có, chỉ để cho đứa bé được hạnh phúc.

Các người hầu khiêng tôi lên phòng và rút lui. Đứa bé đang cuộn mình trên chiếc ghế đặt trước lò sưởi. Một đứa trẻ nhỏ con, với đối mắt u buồn, mái tóc đen. Đầu cuốn băng khiến mặt nó càng thêm tái xanh. Nó vừa nhìn tôi, vừa không ngừng cắn móng tay.

- Cháu khỏe hơn không? – tôi dịu dàng hỏi nó.

Nó nhìn tôi hồi lâu, không trả lời. Sau đó, nó hất đầu hỏi lại:

- Ông ấy đi chưa?

- Ông nào? – tôi hỏi.

- Cha cháu.

- đi rồi. Cha cháu đã đi Launceston với người bà con của cháu

Nó suy nghĩ.

- Khi nào ông ấy trở lại?

- Cha cháu sẽ không trở lại. Ông ấy còn tham dự một buổi họp ở Okchampton vào ngày mai hoặc ngày mốt. Trong thời gian này, cháu cứ ở đây. Cha cháu không nói cho cháu biết dì là ai à?

- Cháu nghĩ dì là Honor. Cha cháu nói rằng cháu sẽ ở với một bà thật đẹp. Tại sao dì lại ngồi trên ghế đó?

- Tại vì dì không thể đi được. Dì bị tật nguyền.

- Có đau lắm không?

- Không. Không đau lắm. Dì đã quen rồi. Cháu còn thấy đau đầu nữa không? Nó đưa tay sờ vải trắng trên đầu với vẻ mỏi mệt.

- đầu cháu bị chảy máu – nó nói – Có máu dưới lớp vải băng.

- Không sao đâu. Rồi cháu sẽ khỏi thôi.

- Cháu sẽ giữ mãi miếng băng này, nếu không máu còn chảy nữa – nó nói – Dì hãy nói với bà hầu phòng đừng đụng vào miếng băng này nữa.

- được lắm – tôi nói – Dì sẽ nói với bà ấy.

Tôi lấy một miếng vải thêu và bắt đầu làm việc để đứa bé không mang ý nghĩ là tôi kiểm soát nó và để cho nó quen với sự hiện diện của tôi

- Mẹ cháu cũng biết thêu – nó nói sau một hồi lâu im lặng – Mẹ cháu đã thêu hình khu rừng với những con hoẵng đang chạy.

- Ồ, thế thì đẹp lắm – tôi nói.

- Mẹ cháu đã làm ba miếng phủ dựa ghế bành rất đẹp ở Fitzford. Chắc dì chưa bao giờ đến Fitzford?

- Chưa, Dick.

- Mẹ cháu có rất nhiều bạn, nhưng cháu chưa hề nghe nói đến tên dì.

- Dì không biết mẹ cháu, Dick. Dì chỉ biết cha cháu.

- Dì có thương ông ấy không? – nó hỏi giọng hơi xẵng và ngờ vực.

- Tại sao cháu hỏi thế?

- Tại cháu không thương ông ấy. Cháu ghét cha cháu. Cháu mong ông ấy bị chết ngoài chiến trường.

Tôi nhìn đứa bé đang gặm lưng bàn tay.

- Tại sao cháu ghét cha cháu dữ vậy? – Tôi điềm nhiên hỏi.

- Ông ấy là một con quỷ. Ông ta đã định giết mẹ cháu. Ông ta đã muốn ăn cắp tài sản của mẹ cháu, rồi giết mẹ cháu.

- Ai nói với cháu thế?

- Mẹ cháu đã nói.

- Cháu có thương mẹ nhiều không?

- Cháu không biết. Cháu nghĩ là có. Mẹ cháu rất đẹp, đẹp hơn dì nhiều. Mẹ cháu đang

ở Luân đôn với chị cháu. Cháu rất muốn về ở với mẹ.

- Có thể, sau khi chiến tranh chấm dứt, cháu sẽ gặp lại mẹ cháu.

- Nếu Luân đôn không quá xa, thì cháu đã tự trốn đi rồi. Nhưng cháu chỉ sợ bị lính bắt. Dì biết không? Người ta đáng nhau ở khắp nơi, ở Buckland, người ta chỉ nói về chiến tranh. Tuần trước cháu gặp một người bị thương. Người ấy được khiêng trên cái băng ca mình dính đầy máu.

Dick có vẻ sợ hãi.

- Tại sao cháu lại sợ máu đến thế? – tôi hỏi.

Đôi má xanh của nó đỏ bừng.

- Cháu không nói rằng cháu sợ - nó trả lời nhanh.

- Không, nhưng dì biết cháu không thích máu, dì cũng vậy. Không thích thú gì, nhưng dì không sợ khi thấy chảy máu.

- Còn cháu không dám nhìn thấy máu. Từ nhỏ, cháu đã sợ nó. Đó không phải lỗi cháu.

- Chắc hồi cháu còn nhỏ, đã có lần cháu thấy máu phải không?

- đó là điều mẹ cháu kể lại. Mẹ cháu đang bế cháu trên tay. Cha cháu xông tới đánh vào mặt mẹ cháu. Máu chảy rơi xuống tay cháu. Cháu không nhớ gì hết, nhưng mẹ cháu quả quyết với cháu rằng điều ấy đã xảy ra.

Tôi cảm thấy thương hại Dick.

- đừng nói đến chuyện đó nữa, Dick. Chúng ta hãy đổi đề tài đi.

- Dì hãy cho cháu biết, khi bằng tuổi cháu, dì đã làm gì? Dì có anh, có chị không?

Tôi sắp xếp trong đầu một câu chuyện cốt để cho nó quên chuyện khủng khiếp kia đi. Mắt nó không rời tôi nữa, và khi Matty vào phòng, mang theo nước uống và bánh ngọt, nó không còn bị kích động như lúc nãy nữa, nó nói bông đùa với Matty và vồ ngay mấy miếng bánh. Kế đó tôi đọc chuyện cho nó nghe. Nó nằm co quắp bên cạnh ghế của tôi, và khi tôi đóng sách lại, nó ngẩng đầu lên và mỉm cười với tôi. Lần đầu tiên, tôi nhận ra nụ cười của Richard, chứ không phải của mẹ nó.