Việc Máu

Chương 20

Lockridge và McCaleb đi theo một loạt đường cao tốc từ Whittier cho đến khi tới Xa lộ Thung lũng Linh dương, xa lộ này cuối cùng sẽ đưa họ đến góc Đông Bắc của hạt. Hầu như suốt dọc đường Lockridge toàn lái xe một tay, tay kia cầm harmonica đưa lên miệng. Điều đó khiến McCaleb chẳng thấy an toàn lắm, nhưng cũng nhờ vậy mà ông khỏi phải nghe những lời ba hoa vô nghĩa.

Khi họ đi qua Vasquez Rocks, McCaleb nhìn ngắm địa hình và định vị nơi người ta đã tìm ra cái xác rốt cuộc đã dẫn ông đến chỗ quen biết Jaye Winston. Địa hình nghiêng và lởm chởm do dịch chuyển kiến tạo của nơi này trông thật đẹp trong ánh nắng chiều. Mặt trời rọi lên mặt đá phía trước ở góc thấp, đẩy bật các kẽ nứt vào bóng tối sâu hoắm. Trông vừa đẹp lại vừa nguy hiểm. Ông tự hỏi phải chăng chính điều đó đã lôi kéo Luther Hatch đến nơi này.

“Anh tới đây bao giờ chưa, Vasquez Rocks này?” Buddy hỏi sau khi nhét cây harmonica vào giữa hai chân.

“Rồi.”

“Đẹp phải không. Đặt theo tên một anh chàng liều mạng người Mexico đã trốn chui trốn nhủi ở mấy khe đá này cách đây chừng trăm năm sau khi cướp nhà băng hay gì đó. Nơi này có quá nhiều chỗ để trốn tới nỗi người ta chả bao giờ tìm được anh chàng và thế là anh chàng trở thành truyền thuyết.”

McCaleb gật đầu. Ông thích câu chuyện đó. Ông ngẫm nghĩ về việc những câu chuyện ông từng biết về nơi này chốn nọ thì sao lại khác đến vậy. Những chuyện đó luôn luôn bao gồm những xác chết, những việc làm đẫm máu. Không truyền thuyết. Chẳng anh hùng.

Họ đến vừa kịp trước giờ cao điểm nên thoát được dòng người xe rời thành phố đi nghỉ cuối tuần; vừa qua năm giờ một chút là họ tới Lancaster. Họ giong xe chầm chậm qua một khu vực gọi là Địa ốc Hoa Sa mạc để tìm căn nhà nơi James Cordell cư ngụ khi còn sống. McCaleb nhận thấy sa mạc thì có lắm nhưng hoa với nhà thì chẳng nhiều nhặn gì cho khớp với nghĩa của cái tên. Khu này được xây trên vùng đất phẳng như cái chảo và hầu như ngày nào cũng nóng như chảo rang. Các căn nhà đều xây theo kiểu Tây Ban Nha, mái lợp ngói màu đỏ thùng rượu, cửa sổ uốn vòng cung, cửa cái ở đằng trước. Có hàng tá khu xây dựng tương tự thế này rải rác khắp Thung lũng Linh dương. Các căn nhà đều rộng rãi và khá thích mắt. Mua các căn nhà này để ở hầu hết là những gia đình muốn tránh tình trạng đắt đỏ, tội phạm và dân cư đông đúc của Los Angeles.

Địa ốc Hoa Sa mạc hình như mời chào khách mua nhà ba giải pháp thiết kế khác nhau. Do vậy mà trong khi ngồi xe đi qua khu này, McCaleb nhận thấy khoảng một phần ba các nhà là y hệt nhau, đôi khi thậm chí có những căn kề cận giống nhau như đúc cùng khuôn, khiến ông nhớ lại một vài khu xây dựng ngay sau Thế chiến thứ hai ở Thung lũng San Fernando.

Ý nghĩ sống ở một trong các căn nhà mình mới đi qua khiến lòng ông nặng trĩu. Đó không phải bởi vì bất cứ điều gì ông thấy. Mà là bởi khoảng cách giữa nơi này với đại dương, với cảm giác được biển làm cho tươi mới. Ông biết ông sẽ chẳng bao giờ sống nổi ở một khu như thế này. Ông sẽ khô héo dần mà lụi tắt như một trong mấy cây cỏ lăn mà họ đều đặn chạy ngang qua trên đường đi.

“Đây rồi,” Buddy nói.

Anh ta chỉ con số ghi trên một thùng thư và McCaleb gật đầu. Họ tạt xe vào. McCaleb để ý rằng chiếc Chevy Suburban mà ông đã thấy trên cuốn băng quay hiện trường vụ án đang đỗ ở lối xe vào, dưới một vòng bóng rổ. Có một ga ra lộ thiên, đầu này là chiếc xe tải nhỏ, đầu kia ken chặt những xe đạp và hộp này thùng nọ, một bàn thợ rồi lại thêm một đống bừa bộn nữa. Dựng vào vách trong ga ra là một tấm ván lướt sóng. Đó là một tấm ván dài đã cũ, khiến McCaleb nghĩ hẳn là James Cordell từng có lúc biết đôi điều về đại dương.

“Tôi không biết sẽ ở đây bao lâu,” ông nói.

“Ngoài này lát nữa nóng lắm. Có khi tôi vào trong với anh cũng được mà. Tôi sẽ im như thóc.”

“Trời đang mát dần đấy Buddy ạ. Nhưng nếu anh thấy nóng thì cứ mở điều hòa. Chạy loăng quăng chút đỉnh. Có khi quanh đây có mấy đứa nhóc bán nước chanh không chừng.”

Ông chui ra khỏi xe trước khi có cuộc tranh luận nào kịp bắt đầu. Ông sẽ không đưa Lockridge vào cuộc điều tra và biến nó thành một vụ dành cho dân tài tử. Trên đường đến chỗ lối xe vào ông dừng lại nhìn vào trong chiếc Suburban. Đằng sau xe chất đầy dụng cụ, ở các ghế trước cũng bừa bộn trăm thứ bà giằn. Ông cảm thấy phấn chấn. Có thể ông gặp may. Trông như chiếc xe nằm đó đã lâu không ai đụng tới.

Vợ góa của James Cordell tên là Amelia. McCaleb biết điều đó từ các báo cáo. Ông chưa kịp chạm tay vào cửa trước hình vòm cung thì một phụ nữ đã mở cửa ra. Ông đồ rằng đó là chị ta. Jaye Winston có nói chị sẽ gọi điện trước để cho khi ông đến thì mọi việc sẽ suôn sẻ.

“Bà Cordell?”

“Vâng, là tôi.”

“Tên tôi là Terry McCaleb. Thám tử Winston có gọi điện nói về tôi chưa?”

“Có, bà ấy có gọi.”

“Tôi đến có phải lúc không?”

“Khi nào là phải lúc khi nào không phải lúc?”

“Xin lỗi. Tôi nói không đúng lắm. Bà có thể nói chuyện với tôi một lát được không?”

Chị ta là một phụ nữ thấp bé, tóc nâu, đường nét nhỏ nhắn. Mũi chị ta đỏ au, McCaleb đoán rằng chị ta hoặc đang cảm lạnh hoặc vừa mới khóc. McCaleb tự hỏi liệu có phải cú gọi của Jaye Winston đã khiến chị ta lâm vào tâm trạng này không.

Chị ta gật đầu rồi mời ông vào, đi trước để dẫn ông vào một phòng khách chỉn chu ngăn nắp, chị ngồi xuống sofa còn ông ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Có một hộp giấy ăn trên cái bàn uống cà phê giữa hai người. Tiếng tivi từ một phòng khác vẳng tới. Nghe như đang chiếu phim hoạt hình.

“Có phải kia là cộng sự của ông đang chờ trong xe không?” chị ta hỏi.

“Ờ, là lái xe của tôi.”

“Anh ấy có muốn vào không? Ngoài ấy có khi nóng lắm đấy.”

“Không, anh ta không sao đâu.”

“Ông là điều tra viên tư à?”

“Về lý thì không. Tôi là bạn của gia đình người phụ nữ bị giết ở Công viên Canoga. Tôi không biết Thám tử Winston nói gì với bà, nhưng hồi trước tôi làm ở FBI và có chút ít kinh nghiệm trong mấy chuyện này. Sở Cảnh sát trưởng, chắc bà biết rồi, và Sở Cảnh sát Los Angeles đã, ờ, đã không thể làm cuộc điều tra vụ này tiến triển bao nhiêu trong mấy tuần trở lại đây.

Tôi đang cố làm những gì trong sức mình để giúp.”

Chị ta gật đầu.

“Trước hết, tôi rất tiếc về sự cố đã xảy ra với ông nhà và gia đình ta.”

Chị ta chau mày, gật đầu.

“Tôi biết một người xa lạ có nghĩ gì đi nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với bà, nhưng bà có thể nhận lòng cảm thông của tôi. Đọc tập hồ sơ của cảnh sát trưởng, tôi biết James là người tốt.”

Chị ta mỉm cười nói: “Cám ơn. Chỉ là thật buồn cười khi nghe người ta gọi anh ấy là James. Hồi trước ai cũng gọi anh ấy là Jim hay Jimmy thôi. Và ông nói đúng, anh ấy là người tốt.”

McCaleb gật đầu.

“Tôi có thể trả lời những câu hỏi nào, ông McCaleb? Tình thực là nào tôi có biết gì về chuyện đã xảy ra đâu. Thành thử khi bà Jaye gọi tôi bối rối chẳng hiểu ra sao cả.”

“Là thế này, trước hết...” Ông thò tay vào túi xách, mở túi, lôi ra tấm ảnh Polaroid mà Graciela đã đưa ông vào hôm cô đến chỗ thuyền ông. Ông đưa ngang qua bàn cho Amelia Cordell. “Bà thử nhìn rồi bảo tôi xem liệu bà có nhận ra người phụ nữ trong ảnh không, hay liệu bà có cho rằng đó có thể là một người mà chồng bà có quen biết không.”

Chị ta cầm bức ảnh nhìn đăm đăm, vẻ mặt nghiêm trang, mắt chuyển qua chuyển lại với những cử động nhỏ trong khi dường như chị đang nghiên cứu kỹ mọi điều trên bức ảnh. Cuối cùng chị ta lắc đầu.

“Không, chắc là không. Có phải cô ta là người...”

“Phải, cô ta là nạn nhân trong vụ cướp thứ hai.”

“Đây là con cô ấy à?”

“Phải.”

“Tôi không hiểu. Làm sao mà chồng tôi biết cô này được - có phải ông gợi ý là họ có thể có...”

“Không, không, tôi chẳng gợi ý gì cả bà Cordell. Chỉ là tôi đang cố... Nào, nói rất thật tình thì, bà Cordell ạ, có đôi điều đã nảy sinh trong quá trình điều tra, nó có thể chỉ ra - và tôi phải nhấn mạnh từ có thể - rằng ở đây không phải chỉ có những gì mắt nhìn thấy mà là nhiều hơn thế.”

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là có thể cướp không phải là động cơ ở đây. Hoặc không phải là động cơ duy nhất.”

Chị ta ngây ra nhìn ông trong một thoáng và McCaleb biết chị ta vẫn đang hiểu không đúng về mọi chuyện.

“Thưa bà Cordell, tôi hoàn toàn không muốn gợi ý rằng chồng bà và người phụ nữ này có quan hệ gì với nhau dù theo kiểu gì đi nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng một nơi nào đó, một lúc nào đó, chồng bà với người phụ nữ đó đã bước ngang qua đường đi của hung thủ. Thế nên ta thấy quả thực là có mối quan hệ. Nhưng đó là mối quan hệ giữa các nạn nhân và hung thủ. Có thể chồng bà và các nạn nhân khác đã cắt ngang đường tiến của hung thủ ở những điểm khác nhau, nhưng tôi cần nắm rõ mọi chuyện, chính vì vậy tôi mới đưa bà xem tấm ảnh. Bà chắc là không nhận ra cô ta chứ?”

“Chắc.”

“Trong vài tuần trước vụ nã súng chồng bà có lý do gì để đến Công viên Canoga một thời gian ngắn không?”

“Theo tôi biết thì không.”

“Liệu ông ấy có quan hệ làm ăn gì với Thời báo Los Angeles không? Cụ thể hơn là liệu có lý do gì để ông ấy đến chỗ nhà máy thuộc tờ báo này ở Chatsworth không?”

Một lần nữa chị ta trả lời không.

“Liệu có vấn đề khó xử nào trong công việc không? Có gì đó khiến ông ấy có thể muốn kể cho một nhà báo biết không?”

“Như là gì?”

“Tôi không biết.”

“Cô ấy là nhà báo à?”

“Không, nhưng nơi cô ấy làm việc thì có các nhà báo. Có thể là đường đi của họ giao cắt với hung thủ ở đó.”

“Ừm, tôi không cho là vậy. Nếu có chuyện gì làm Jimmy bứt rứt thì hẳn anh ấy đã kể với tôi rồi. Anh ấy bao giờ cũng vậy mà.”

“OK. Tôi hiểu.”

Suốt mười lăm phút sau đó McCaleb hỏi bà Cordell nhiều câu về việc hàng ngày chồng chị thường làm gì, anh ta đã làm những gì trong mấy tuần trước vụ nã súng. Ông dùng hết ba trang giấy để ghi chép, nhưng ngay giữa lúc đương làm vậy, ông đã thấy các ghi chép này chẳng có vẻ gì là hữu ích. Jimmy Cordell có vẻ là một người hay lam hay làm, rảnh được lúc nào thì hầu hết ở bên vợ con. Trong mấy tuần trước khi chết anh chuyên tâm lo vụ các đoạn ống dẫn nước đi qua vùng trung tâm của bang, nên vợ anh tin rằng anh chẳng hề có lúc nào xuống vùng phía Nam cả. Chị cho rằng từ trước Giáng sinh cho tới khi chết anh chẳng hề xuống vùng Thung lũng hay những khu vực khác của thành phố.

McCaleb gập sổ lại.

“Tôi rất cám ơn bà đã dành thời gian, bà Cordell. Điều cuối tôi muốn hỏi là trong các vật sở hữu của chồng bà có món nào bị thất lạc không?”

“Vật sở hữu của anh ấy? Ông nói thế nghĩa là sao?”

Amelia Cordell dẫn McCaleb ra ngoài sân đến chỗ chiếc Chevy Suburban. Họ đã bàn với nhau xong về quần áo và các vật dụng kim hoàn của chồng chị. Chẳng có gì mất cả, chị cam đoan thế, cũng giống như băng video quay ở máy ATM dường như khẳng định. Vậy chỉ còn chiếc Suburban mà thôi.

“Chưa ai vào trong xe chứ?” ông hỏi trong khi chị mở khóa xe.

“Tôi lái thẳng từ văn phòng cảnh sát trưởng về đây. Thực tình đó là lần duy nhất tôi lái chiếc này. Jimmy mua nó chỉ để đi làm thôi. Anh ấy bảo nếu hai chúng tôi dùng nó để đi lại mà không phải để làm ăn thì anh ấy không làm sao xoay xở được cả. Hiện giờ tôi không đi chiếc này là bởi nó cao quá đối với tôi, cứ phải trèo vào rồi lại trèo ra suốt thì vất quá.”

McCaleb gật đầu rồi khom người vào trong xe qua cánh cửa để ngỏ bên phía người lái. Ghế sau được gấp lại và khoang chứa hàng đầy ắp các thiết bị giám sát, một cái bàn vẽ gấp lại và những dụng cụ khác. McCaleb nhanh chóng bỏ qua hết các thứ này. Đấy chỉ là thiết bị, chứ không phải một cái gì đó có tính cá nhân.

Ông tập trung chú ý vào phần trước chiếc xe. Một lớp bụi đường phủ kín mọi thứ. Cordell chắc hẳn toàn vặn kính cửa sổ xuống những khi lái xe trên sa mạc. Dùng một ngón tay, ông mở một cái túi nơi cửa xe thì thấy nó nhét đầy những biên lai đổ xăng và một cuốn sổ nhỏ có gáy xoắn ốc, trong sổ này Cordell ghi chép các chặng đường đi, ngày tháng và nơi đến. McCaleb lấy cuốn sổ ra lật lật các trang để xem có chuyến đi nào đến phía Tây Thung lũng không, nhất là Chatsworth hay Công viên Canoga. Không ghi gì như thế cả. Có vẻ Amelia đã nói đúng về chồng mình.

Ông lật tấm che nắng ở bên người lái xuống thì thấy có hai tấm bản đồ gấp lại. McCaleb cầm chúng đi vòng ra đầu xe, trải rộng ra trên mui xe. Một tấm là bản đồ các trạm xăng ở miền Trung California, còn tấm kia là bản đồ giám sát trên đó vẽ đường ống dẫn nước và các tuyến đường cho phép đi đến đó. McCaleb tìm xem có ghi chú khác thường nào của Cordell trên mấy tấm bản đồ không, nhưng chẳng thấy. Ông gấp lại rồi để vào chỗ cũ.

Giờ ông ngồi vào ghế người lái, nhìn quanh. Ông lưu ý tới kính ghế sau, liền hỏi Amelia Cordell liệu chồng chị có hay treo gì nơi kính ghế sau không, mấy món đồ nho nhỏ xinh xinh hay đại loại thế. Chị bảo chị không nhớ có gì như thế cả.

Ông kiểm tra ngăn đựng găng tay và bảng điều khiển trung tâm. Ở đó có thêm nhiều giấy tờ và vài băng nhạc nghe bằng máy stereo, nhiều cây bút mực và bút chì cơ khí, rồi thì một xấp thư từ đã mở. Cordell thích nhạc đồng quê. Xem chừng chẳng có gì bị mất cả. Chẳng có gì khiến ông phải nghĩ là đã mất.

“Bà có biết liệu ông ấy vốn thích một loại bút mực hay bút chì đặc biệt nào đó không? Kiểu như một cây bút đặc biệt ai đó tặng ông ấy làm quà chẳng hạn?”

“Chắc là không. Tôi chẳng nhớ gì như thế cả.”

McCaleb gỡ dải cao su bọc xấp thư ra, nhìn qua các phong bì. Có vẻ là thư từ của bộ phận chuyên trách, ghi chép các cuộc họp, báo cáo về các vấn đề của đường ống dẫn nước mà Cordell có nhiệm vụ kiểm tra. McCaleb ràng dải cao su trở lại quanh xấp thư rồi đặt vào hộp găng tay như cũ. Amelia Cordell lặng lẽ quan sát ông.

Trong một cái thùng để mở giữa hai hàng ghế có một máy nhắn tin và một cặp kính râm. Lúc dừng ở chỗ máy rút tiền, Cordell đang về nhà vào ban đêm. Điều đó giải thích tại sao anh ta không đeo kính, nhưng còn cái máy nhắn tin thì hơi khó hiểu.

“Bà Cordell này, bà có biết tại sao máy nhắn tin của ông ấy lại ở đây không? Tại sao ông ấy lại không mang theo mình?”

Chị ta nghĩ một chút rồi nói: “Anh ấy thường không giắt nó vào thắt lưng khi đi đường trường vì anh ấy bảo bất tiện quá. Anh ấy bảo nó cứ thúc vào chỗ thận anh ấy. Đôi lần anh ấy còn để quên. Để quên trong xe nên để nhỡ tin nhắn, ông hiểu đấy. Theo tôi nhớ thì tại như vậy thôi.”

McCaleb gật đầu. Giữa khi ông đang ngồi nghĩ xem kiểm tra gì nữa đây thì cửa dành cho khách đột nhiên bật mở và Buddy Lockridge dòm vào.

“Chuyện gì vậy?”

McCaleb phải nheo mắt để nhìn anh ta vì nắng rọi vào xe qua vai Buddy.

“Tôi gần xong rồi Buddy. Sao anh không đợi trong xe?”

“Mông tôi đau quá trời.” Anh ta nhìn qua vai McCaleb mà gật đầu với Amelia Cordell. “Xin lỗi, thưa bà.”

McCaleb bực mình vì sự kỳ đà cản mũi nhưng vẫn giới thiệu với Amelia Cordell rằng Lockridge là người cộng tác với mình.

“Vậy chúng ta đang tìm cái gì đây?” Buddy hỏi.

“Chúng ta á? Chỉ là tôi đang tìm xem có cái gì bị mất ở đây không. Sao anh không đợi trong xe?”

“Kiểu như cái gì đó mà người ta có thể lấy được. Tôi hiểu.”

Anh ta lật tấm che nắng phía hành khách xuống. McCaleb đã kiểm tra chỗ đó rồi, chẳng có gì.

“Tôi xem chỗ đó rồi Buddy à. Sao anh không...”

“Cái gì kia, một tấm ảnh à?”

Anh ta trỏ về phía bảng đồng hồ. McCaleb nhìn theo hướng ngón tay anh ta nhưng chẳng thấy gì.

“Anh nói gì thế?”

“Kia kìa. Thấy bụi không? Xem như là tấm ảnh hay gì đấy. Có thể anh ta dán ở đấy một cái thẻ đỗ xe phòng khi cần tới.”

McCaleb lại nhìn nhưng vẫn chưa thấy cái mà Lockridge đang chỉ trỏ và nói tới. Ông chuyển sang bên phải và cúi người về phía Buddy, rồi thì ngoái đầu lại để nhìn bảng đồng hồ.

Giờ thì ông thấy.

Một lớp bụi đường đã bám vào tấm chắn bằng nhựa sạch đậy lên mặt kính đồng hồ tốc độ và các máy đo khác. Một bên tấm nhựa đó là một ô chữ nhật ngay hàng sắc cạnh không hề bám tí bụi nào. Một cái gì đó đã được để dựng lên trên tấm chắn bằng nhựa này, mới gần đây thôi. McCaleb nhận ra mình may mắn đến nhường nào. Có khi ông đã chẳng bao giờ nhận ra nó, có thể vậy lắm chứ. Chỉ có thể thấy rõ nó nếu nhìn từ ghế dành cho khách và nếu mặt trời rọi vào ở góc thấp.

“Bà Cordell này,” McCaleb nói, “bà làm ơn đi qua đây nhìn ngang qua cửa kia xem sao?”

Ông đợi. Lockridge lùi lại để chị ta có thể nhìn vào. McCaleb trỏ cái đường viền trên tấm chắn bằng nhựa. Nó dài khoảng mười hai phân và rộng khoảng chín phân.

“Chồng bà có giữ một tấm ảnh của bà hay các cháu ở đây không?”

Chị ta chầm chậm lắc đầu.

“Ôi chao, thật tình tôi không biết. Ảnh thì anh ấy có nhưng tôi chả biết anh ấy để ở đâu nữa. Cũng có thể là để đây nhưng tôi không biết. Tôi có bao giờ lái xe này đâu. Đi đâu chúng tôi cũng lấy chiếc Caravan, cho dù chỉ có Jim với tôi cũng vậy. Như tôi đã nói, tôi không thích trèo lên đây mà.”

McCaleb gật đầu.

“Liệu có người nào mà ông ấy cùng làm việc có thể biết, có thể là họ ngồi cùng xe này với ông ấy để đi làm hoặc đi ăn trưa, có ai như vậy không?”

Trong khi lái xe từ Xa lộ Thung lũng Linh dương về lại thành phố, họ đi qua một dãy ô tô ken chặt kéo dài dường như vô tận ở các làn ngược chiều. Những người đi làm xa đang về nhà hoặc du khách rời thành phố đi nghỉ cuối tuần. McCaleb hầu như không nhận thấy. Ông đắm mình suy nghĩ. Ông hầu như không nghe thấy Lockridge nói gì, cho mãi đến khi anh ta phải lặp lại lần thứ hai.

“Tôi xin lỗi, gì vậy?”

“Tôi nói là hồi nãy hình như tôi đã giúp anh, nhìn ra cái ấy đấy mà.”

“Ừ thì đúng, Buddy. Tôi thì tôi chắc đã không nhìn ra. Nhưng tôi vẫn cứ muốn anh ngồi trong xe. Tôi trả tiền anh chỉ để làm thế này thôi mà, để lái thôi.”

McCaleb dùng cả hai tay ra hiệu ý nói cái xe.

“Ừ đó, nếu tôi ngồi trong xe thì giờ này chắc anh vẫn còn ở đó tìm tìm kiếm kiếm rồi.”

“Làm sao mà biết được.”

“Vậy anh không định cho tôi biết anh đã tìm ra gì à?”

“Chẳng gì hết Buddy ạ. Tôi chả tìm ra gì sất.”

Ông nói thế là nói dối. Amelia Cordell đã đưa ông vào lại trong nhà, cho ông dùng điện thoại nhà để gọi đến cơ quan chồng chị. Buddy thì ông mời về lại xe để đợi. Trong nhà, McCaleb nói chuyện với cấp trên trực tiếp của James Cordell, ông này cho biết tên và số điện thoại của một số giám sát viên chuyên trách bảo trì đường ống mà Cordell hẳn đã cùng làm việc hồi đầu tháng Giêng. Rồi McCaleb gọi cho trạm đường ống Lone Pine để nói chuyện với Maggie Mason, một trong các giám sát viên đó. Chị này cho biết có cùng đi ăn trưa với Cordell hai lần trong vòng một tuần trước vụ nã súng. Cả hai lần Cordell đều lái.

Tránh câu hỏi chủ chốt, McCaleb hỏi Mason xem chị ta có để ý thấy trên bảng đồng hồ chiếc Suburban có vật gì mang tính cá nhân không. Chẳng chút đắn đo, chị ta liền nói trên bảng đồng hồ có một bức ảnh chụp gia đình Cordell. Chị ta bảo thậm chí chị còn cúi về phía trước để xem. Chị ta nhớ đó là ảnh chụp vợ Cordell với hai đứa con gái nhỏ của hai vợ chồng ngồi trên lòng cô.

Trên đường về nhà, McCaleb cảm thấy một cảm giác lẫn lộn vừa kinh sợ vừa phấn chấn dâng lên trong lòng. Kẻ nào đó, ở nơi nào đó, đang giữ cái hoa tai của Gloria Torres và bức ảnh gia đình của James Cordell. Giờ thì ông biết cái ác của hai vụ giết người đó đúc kết lại dưới dạng một kẻ giết người không phải vì tiền, không phải vì sợ, cũng chẳng phải để trả thù các nạn nhân của hắn. Cái ác này đi xa hơn thế nhiều. Kẻ này giết là để vui thú và để hiện thực hóa một cuồng tưởng điên rồ cháy rực như con vi rút bên trong óc hắn.

Cái ác ở mọi nơi. McCaleb biết điều đó rõ hơn hầu hết người khác. Nhưng ông cũng biết rằng người ta không thể gặp nó dưới dạng trừu tượng. Nó cần được hiện thân thành xương thịt, thành hơi thở, thành một con người mà ta có thể truy lùng và tiêu diệt. Giờ thì McCaleb có kẻ đó rồi. Ông thấy tim ông bừng lên vì phẫn nộ, nhưng cũng vì một niềm vui khủng khiếp.