Hoảng loạn chỉ là tạm thời, triệu chứng bệnh cũng không kéo dài quá lâu.
Tông Anh xoay người nhìn ra cửa, có vẻ Thịnh Thanh Nhượng sợ quấy rầy giấc ngủ của cô nên không vội gõ cửa.
Cô thở phào nhẹ nhõm, tựa bên cửa sổ nghỉ ngơi trong chốc lát. Qua cơn gió Tây trong buổi chiều tà, cô cảm nhận được mùa thu đã thực sự đến Thượng Hải.
Thịnh Thanh Nhượng đứng ngoài cửa khoảng nửa tiếng, Tông Anh chủ động ra mở cửa, thấy anh một tay cầm cặp tài liệu, một tay ôm hai bộ quần áo, bùn trên quần áo đã khô, mặt cũng đã rửa, nhưng vẻ mệt mỏi càng đậm.
Cô hỏi: “Mọi chuyện đã giải quyết đâu vào đấy rồi chứ?”
Thịnh Thanh Nhượng gật đầu đáp “Ừ”, đưa bộ quần áo trên tay cho cô, Tông Anh lại giơ tay lên nhìn đồng hồ, nói: “Còn vài tiếng thôi, không cần thay.”
Hiện tại là 6 giờ tối, còn bốn tiếng nữa là đến mười giờ.
Hai người đều thiếu ngủ một thời gian dài, lúc này chớp được một khoảnh khắc bình yên, không thừa sức nói chuyện, ăn ý lựa chọn giành giật từng giây để nghỉ ngơi.
Sở chỉ huy ở chiến khu rất tồi tàn, cửa sổ không khép chặt, gió mang theo hơi ẩm của ban đêm tràn vào, không có đèn, không có giường, trong bóng tối chỉ có vài bó rơm khô và mấy tấm vải che mưa rách rưới nằm dưới đất, vừa chạm vào tường, bụi liền rơi lả tả.
Thịnh Thanh Nhượng tựa vào tường ngủ, Tông Anh ngồi kề bên anh. Khi màn đêm buông xuống hoàn toàn, nhiệt độ nhanh chóng hạ xuống, gió đêm mỗi lúc một mạnh. Tại đây, tại chiến khu, một nơi có thể thay đổi bất cứ lúc nào, được ngủ một lát cũng vô cùng hiếm hoi, huống hồ bên cạnh còn có đồng bạn đáng tin cậy.
Trong nhịp hít thở đều đặn của Thịnh Thanh Nhượng, Tông Anh mơ một giấc mơ dài, bắt đầu từ khi cô đứng trước bàn phẫu thuật, đến khi cuộc phẫu thuật kết thúc, ca bệnh phức tạp, nhưng cuối cùng vẫn thành công.
Lúc hai người đang ngủ say, lão Tứ đến đưa cơm tối. Anh ta tự tay mở cửa, vửa mở gần một nửa, lập tức nhìn thấy hai bóng người ngồi kề bên nhau ngủ trong góc nhà, ánh trăng len vào phòng, trải lên người họ lớp ánh sáng dịu dàng, trông thật tĩnh mịch.
Anh ta nhìn vài giây, cuối cùng đóng cửa lại, chỉ đặt cơm tối trước cửa.
Sau trung thu, ánh trăng càng ngày càng mờ, di chuyển dần dần đến giữa bầu trời. Lão Tứ bố trí canh phòng xong lại đến, thấy cơm tối vẫn đặt ở cửa, không ai động chạm tới.
Anh ta bỗng mở cửa, định thông báo họ có thể tranh thủ rời đi trong đêm, đưa mắt tìm kiếm khắp phòng, lại phát hiện bên tường không còn hai người kia nữa.
Lão Tứ sửng sốt, đi vài bước vào phòng, chỉ thấy trên đống rơm đặt một bộ quần áo anh ta mượn của y tá – Tông Anh cũng chưa thay.
Bên cạnh bộ quần áo để một tờ giấy, trên tờ giấy sạch sẽ trắng tinh chỉ có hai chữ ngắn ngủi – “cảm ơn”.
Quần áo để lại, nhưng người đi nơi nào?
Anh ta khom người cầm bộ quần áo rồi ra ngoài, gặp sĩ quan phụ tá đang đi tới từ phía đối diện, liền hỏi: “Trông thấy hai người kia đi khỏi đây không? Họ đi từ lúc nào? Đi bằng gì?!”
Đối mặt với một loạt câu hỏi liên tiếp, mặt sĩ quan phụ tá đầy hoang mang, anh ta bỏ mũ xuống, chỉ nói: “Tôi không biết.”
Hai người “biến mất” quay lại năm 2015, ngày sắp tàn, hôm nay là ngày Quốc Tế Hoà Bình được xác lập bởi nghị quyết 55/282 của Liên Hiệp Quốc.
Trăng thanh gió mát, hai người đứng bên đường quốc lộ, đèn giao thông luân phiên thay đổi, tất cả những chuyện trải qua ban ngày tựa như một giấc mơ.
Buổi tối ở ngoại thành, người đi đường lác đác, trong vòng một trăm mét không có một bóng người, dãy biệt thự sáng đèn xa xa là nơi họ rời đi buổi sáng – nơi ở của Hình Học Nghĩa.
Hai người băng qua đường cái đến khu biệt thự, chiếc xe đỗ ngoài cửa đã biến mất từ lâu, từ ngoài nhìn vào, các cửa sổ đều tối om, bên trong hẳn không có ai.
Tông Anh che mặt, đeo găng tay, một lần nữa đi tới cửa trước, mở nắp đậy thiết bị mật mã, nhập bốn số 0, 9, 1, 4, nhưng khoá điện tử lại vang tiếng nhắc nhở sai lầm lạnh lùng – mật mã đã bị sửa lại.
Cô bật đèn pin cường quang soi cẩn thận, vân tay trên bảng cũng bị xoá sạch.
Đối phương rất cẩn thận.
Tông Anh hạ nắp đậy xuống, ngẩng đầu nhìn lên thư phòng tầng hai, rèm cửa sổ sát đất bị kéo ra khoảng 40 – 50 cm, chắc hẳn sáng nay họ kéo ra để kiểm tra xem có ai trốn trong góc tường không.
Người đó là thư ký Thẩm ư? Người đi cùng anh ta là ai? Chẳng lẽ là Lữ Khiêm Minh?
Lữ Khiêm Minh đến để xử lý di vật của Hình Học Nghĩa sao? Ông ta muốn tìm thứ gì?
Tông Anh nhíu mày suy nghĩ trong chốc lát, nhất thời không ra nghĩ đầu mối, lại không vào nhà được, đành phải rút khỏi phạm vi theo dõi của camera, đề nghị Thịnh Thanh Nhượng: “Chúng ta về trước đã, vết thương trên tay anh cần được xử lý.”
Hai người ra đường cái bắt xe, vất vả lắm mới bắt được một chiếc, mượn đèn đường, tài xế xe taxi quan sát họ vài lần, cẩn thận hỏi: “Hai người từ đâu đến đây? Sao quần áo bẩn thế?”
Tông Anh thản nhiên bịa cớ: “Trên đường từ quê lên đây gặp tai nạn giao thông.”
Tài xế xe taxi bán tín bán nghi, mãi đến khi Tông Anh lấy giấy chứng minh ra, lúc này mới đồng ý chở họ.
Xe chạy như bay trong bóng đêm, cả chặng đường hanh thông, không trở ngại, lúc về chung cư 699 đã gần mười hai giờ khuya.
Xuống xe vào chung cư, bảo vệ trông thấy quần áo hai người dính máu liền giật mình, Thịnh Thanh Nhượng cũng trả lời qua loa bằng cái cớ vừa rồi.
Thang máy đi lên, hai người đều giữ im lặng.
Lần đầu tiên họ đi chung thang máy cũng ở chung cư 699, thang máy chung cư của bảy mươi mấy năm trước vừa nặng nề lại chậm chạp, khi đó chiến tranh còn chưa bùng nổ, ánh nắng rực rỡ, trẻ con cười đùa ẫm ĩ trong vườn hoa, trên đường xe cộ qua lại tấp nập, trong phút chốc, hết thảy đều không còn nữa.
Hai người đi tắm, thay quần áo sạch ngồi trong phòng khách, ti vi chiếu bản tin thời sự buổi đêm, trái lại càng làm nổi bật sự yên tĩnh quái dị.
Tông Anh đứng dậy lấy hộp thuốc, mang ghế mây ra ngồi đối diện Thịnh Thanh Nhượng, ngẩng đầu ra lệnh: “Tay.”
Thịnh Thanh Nhượng giơ tay lên, Tông Anh mượn ánh sáng trên đầu, cầm nhíp kẹp bông sát trùng, cẩn thận khử trùng vết thương cho anh.
Rượu cồn gây kích thích mạnh lên vết thương mới khiến Thịnh Thanh Nhượng không kìm được nhíu mày.
Tông Anh ngước mắt lên, nhìn chân mày của anh, lại nghiêng người lấy thuốc bột: “Anh bị thương khá nặng, phải chú ý chăm sóc, bảo vệ, hãy mang thuốc mỡ bên mình, mỗi ngày bôi một lần.”
Lúc này, Thịnh Thanh Nhượng đột nhiên hỏi cô: “Tông tiểu thư, vì sao vừa rồi cô đứng trước cửa mà không vào?”
Tông Anh thành thật trả lời: “Mật mã đã thay đổi.”
“Là hai người đến buổi sáng đổi sao?”
Tay Tông Anh thoáng khựng lại, cô vứt miếng bông dùng để bôi thuốc vào thùng rác cạnh chân: “Nếu không có gì bất ngờ, hẳn là họ.”
“Cô biết hai người kia không?”
Tông Anh nhớ tới khuôn mặt của thư ký Thẩm và Lữ Khiêm Minh, nói: “Một trong số họ là lão làng ở Tân Hi giống mẹ tôi, ông ta rời khỏi Tân Hi đã nhiều năm, hiện tại có cơ ngơi của chính mình, nhưng vẫn liên tục giữ cổ phần của Tân Hi, hơn nữa còn chiếm số lượng lớn.”
Cô thay miếng bông khác, tiếp tục bôi thuốc cho anh, nghe thấy Thịnh Thanh Nhượng nói: “Ông ta có quan hệ thế nào với Hình Học Nghĩa?”
Tông Anh ngẫm lại, nói: “Quan hệ cá nhân bình thường, chắc hẳn sau khi rời khỏi Tân Hi họ cũng ít khi liên lạc.”
“Ít khi liên lạc, lại đột nhiên xuất hiện…” Thịnh Thanh Nhượng trầm ngâm nói, “Có lẽ mục tiêu của ông ta cũng giống chúng ta, đều vì di vật của Hình Học Nghĩa?”
Hai người kia lên tầng rồi đến thẳng thư phòng, hướng đi rõ ràng, mục tiêu rõ ràng.
Xem ra, cuộc điện thoại mẹ Tông Du nhận lúc đứng trong hành lang rất có thể là do thư ký Thẩm gọi.
Nhờ có sự thông báo của bà ta, họ mới đến nhà Hình Học Nghĩa vào giờ đó.
Vậy mục đích của họ là “xử lý” di vật ư? Nhưng trong nhà Hình Học Nghĩa chẳng qua chỉ có chút tài liệu công tác và nhật ký, có thứ gì đáng để “xử lý” đây?
Do đó Tông Anh trả lời: “Cũng có thể không giống. Chúng ta đi tìm chứng cứ, còn ông ta muốn che giấu chứng cứ, động cơ khác nhau.”
“Ông ta muốn che giấu điều gì? Có liên quan đến vụ án của mẹ cô hay vụ án của Hình Học Nghĩa không?” Hỏi xong, Thịnh Thanh Nhượng lại nói: “Sau khi Hình Học Nghĩa chết, có phải ông ta từng đến tìm cô không?”
Tông Anh bỗng ngước mắt nhìn lên: “Sao anh biết?”
Thịnh Thanh Nhượng nói: “Đột nhiên hẹn gặp thường phải có nguyên nhân, ít khi vừa hay nghĩ đến hoặc nổi hứng. Ông ta tìm cô, liệu có phải để thăm dò thực hư không?”
Tông Anh nhớ lại chi tiết cuộc nói chuyện hôm đó, chỉ có hai điểm mấu chốt.
Một là Lữ Khiêm Minh hỏi cô, vụ án của Hình Học Nghĩa đã có kết luận chưa, hai là ông ta cho rằng Nghiêm Mạn không tự sát.
Điểm thứ nhất Tông Anh không để tâm, trái lại về điểm thứ hai, không hiểu sao lúc đó lại khiến Tông Anh có cảm giác được tán thành, thậm chí có lúc còn nảy sinh chút cảm kích.
Hiện tại nhớ lại, chuyện này thật kỳ lạ, ông ta tỏ ra hữu hảo như vậy, rõ ràng từ đầu tới cuối đều có ý thăm dò ý định của cô.
Tông Anh nhíu mày, sa vào mớ hỗn độn giữa sợ hãi xen lẫn với nghi hoặc.
Thấy mạch suy nghĩ của cô bị gián đoạn, Thịnh Thanh Nhượng không hỏi nữa, chỉ nói: “Cô đừng vội, nếu ông ta cũng đi tìm di vật, ít nhất chứng tỏ phương hướng của chúng ta không sai. Điểm mấu chốt vẫn nằm ở di vật của Hình Học Nghĩa.”
Tông Anh bừng tỉnh, nghiêng người lấy băng gạc trong hộp thuốc, cầm tay anh, bắt đầu băng bó, đồng thời hỏi: “Anh thấy Hình Học Nghĩa làm những chuyện này có kỳ quặc không?”
Thịnh Thanh Nhượng hỏi ngược lại: “Ý cô là mật mã, nhật ký hay cắt báo?”
“Tất cả.”
“Mật mã dùng 0914, chứng tỏ ngày mẹ cô qua đời rất quan trọng với ông ta; nội dung nhật ký chỉ cố chấp viết theo một phong cách, mỗi ngày ân cần thăm hỏi cũng không ám chỉ rõ ràng; về phần những mẩu báo được cắt ra…” Nói tới đây, anh ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Tông Anh: “Mặc dù mỗi người có động cơ khác nhau, nhưng đổi lại là tôi, nếu cất giữ thông tin của một người kỹ càng như thế, vậy cô ấy chỉ có thể là người tôi yêu.”
Tay Tông Anh khựng lại.
Thịnh Thanh Nhượng nói tiếp: “Loại trừ khả năng Hình Học Nghĩa có sở thích đặc biệt, tổng hợp lại chỉ có thể cho thấy rõ ràng ông ta có tình cảm rất sâu sắc với mẹ cô.”
Ý anh rất rõ ràng, Hình Học Nghĩa rất có khả năng có tư tình với Nghiêm Mạn, nhưng đây cũng là đáp án Tông Anh không thích nghe nhất.
Vì một khi xen lẫn với tư tình, sẽ rất khó phân biệt – rốt cuộc Hình Học Nghĩa sắm vai gì trong toàn bộ câu chuyện.
Ông ta làm những chuyện này vì gây tội lội mà áy náy? Hay đơn thuần vì hoài niệm người đã khuất?
Tin thời sự buổi đêm trên đài địa phương kết thúc, nam phát thanh viên trên ti vi nói bằng giọng vững vàng nhất quán: “Sau đây chúng tôi xin phát một tin vắn, mười rưỡi tối nay, một biệt thự ở khu Bảo Sơn gặp hoả hoạn, công tác phòng cháy đang được tiến hành, tạm thời không có thương vong…”
Màn hình chuyển sang phát hình ảnh vụ tai nạn, theo tầm mắt Thịnh Thanh Nhượng, Tông Anh quay đầu nhìn về phía màn hình tivi, qua đám khói tại hiện trường, không khó nhận ra toà nhà đang bốc cháy kia – nhà của Hình Học Nghĩa.
Tông Anh không kìm được đứng dậy, bản tin nhanh này nhanh chóng kết thúc, màn hình lại quay về studio, nam phát thanh viên bắt đầu đọc bản tin tiếp theo.
Thịnh Thanh Nhượng cúi đầu cố định chắc chắn lớp băng vải trên tay, nói một câu “Nếu trận hoả hoạn cũng là ngoài ý muốn, vậy quá trùng hợp”, sau đó cầm cặp tài liệu, lấy một cuốn sổ tay cũ kỹ ra, ngẩng đầu nhìn bóng lưng Tông Anh, nói: “Cả ngày đều không có thời gian rảnh để nói với cô, buổi sáng lúc cô quyết định đi, tôi tìm thấy thứ này…”
Tông Anh xoay người cúi đầu, số năm in trên bìa quyển sổ ghi chép công việc chính là năm Nghiêm Mạn qua đời.
Thịnh Thanh Nhượng nói tiếp: “Vì đột nhiên có người lên lầu, tôi không kịp đặt về chỗ cũ, trên đường đến sư bộ tôi mới có thời gian mở ra xem…” Anh nói, đoạn lật đến một trang, xoay quyển sổ lại, đưa cho Tông Anh.
Trang kia viết: “Ngày 14 tháng 9, ngày này, tôi nuốt sống lương tâm của mình.”
—
Lời tác giả:
“Nuốt sống lương tâm”, tôi nhớ mang máng là câu này nằm ở đoạn Chương Di kể chuyện về Sử Lương cho mẹ nghe.
Lại nói, Sử Lương là nữ luật sư vô cùng giỏi thời dân quốc, cũng là người đầu tiên nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư Pháp của Trung Quốc hiện đại.
Nếu ai có hứng thú về luật sư thời dân quốc, xin đề cử quyển “Mạch nước ngầm lịch sử – khí phách của luật sư và xuân thu dân quốc” và quyển “Trật tự thất thủ: Năm thành luỹ Giang Nam trong thời kỳ đầu kháng chiến”.