Sau đó, khi ý đồ về cuốn sách này đã chín muồi, tác giả của nó, thoạt đầu đã muốn thay đổi tên của nữ nhân vật chính để không làm bạn đọc bị nhầm lẫn. Ông suy đi tính lại rất lâu xem có nên gọi là Veronika quyết chết hay không, hay bằng những cái tên như Blaska, hoặc Edvina, hoặc Marisa, hoặc bằng một cái tên Slovenia nào đó nữa, nhưng cuối cùng ông quyết định để mọi cái như nó vốn có, tức là, giữ nguyên tên thật. Bởi thế, ông đã quyết định, khi nào xong cuốn sách này xuất hiện người phụ nữ mà o oj cùng ăn tối trong restaurant, thì cô ấy sẽ được gọi là “Veronika bạn của tác giả”. Còn với chính nhân vật nữ của cuốn tiểu thuyết này, thì có lẽ, không cần phải cho ấy thêm một định ngữ bổ sung nào nữa bởi vì trong tác phẩm này, cô ấy thực sự là nhân vật chính rồi còn gì, mà nếu cứ lần nào cùng gọi cô ấy bằng cái tên “Veronika tâm thần” hoặc “Veronika quyết chết” thì nhàm chết đi được. Bởi thế nào đi nó thì bản thân tác giả cùng Veronika người bạn gái của ông chỉ xuất hiện trong một chương – đúng chương này mà thôi.
Bên bàn ăn trong restaurant, Veronika đã kể chuyện rằng, những gì mà cha cô đang làm khiến cô hoảng sợ tới mức nào – nhất là nếu để ý đến việc cả một cở sở dưới quyền của ông lại có thái độ rất ghen tức với tiếng tăm của mình, còn bản thân ông thì lao đầu vào các bản luận án có thể sẽ đem lại cho ông sự nổi tiếng trong giới khoa học.
Đại khái thì ông có biết bản thân cái từ “Asylum” - nhà thương tâm thần - từ đâu mà ra không? – cô ấy hỏi – tất cả bắt đầu từ thời Trung cổ, khi người nào cũng có quyền tìm kiếm một nơi nương náu trong các nhà thờ, các thánh đường. Thế nào là quyền được cư trú thì bất kể một người văn minh nào cũng hiểu! còn làm sao cha tôi, giám đốc của một nơi được gọi là “nhà thương” lại có thể hành động như thế với con người được cơ chứ?
Paul Coelho rất muốn biết cặn kẽ hơn về mọi chuyện xảy ra, chính bởi vì ông có lý do hết sức xác đáng – việc ông quan tâm đến câu chuyện của Veronika cũng rất phải lẽ thôi.
Mà nguyên do là thế này: Chính bản thân ông đã từng bị đưa vào viện tâm thần hay “nhà thương” như cái cách người ta vẫn thường gọi bệnh viện dạng đó. Và chuyện này không chỉ xảy ra có một lần, mà tới những ba lần – vào các năm 1965, 1966, 1967. Nơi giam giữ là một bệnh viện tư của bác sĩ Eiras ở Rio de Janeiro.
Cho đến giờ, ông vẫn không rõ lý do thực sự về việc mình phải nhập viện: có thể lối xử sự kỳ quắc của ông đã khiến cha mẹ ông lo sợ, rốt cuộc buộc phải dùng đến cái cách cực chẳng đã này – lối xử sự mà theo họ, khi thì quá rụt rè khép nép, khi thì quá buông thả phóng túng – và cũng có thể, mọi sự thực ra là do cái ước muốn trở thành “nghệ sĩ tự do”, tức là sớm muộn gì cũng trở thành một kẻ du thủ du thực và rồi chết bờ chết bụi đâu đó.
Đôi lúc nghĩ lại thời kỳ đáng buồn này trong cuộc đời mình, cái điều mà phải nói thật là cũng không thường xuyên lắm – Paul Coelho càng thêm tin chắc rằng, nếu có ai thực sự bị điên, thì đó chính là tay bác sĩ chẳng hề suy xét gì, không chút lưỡng lự nào đã quyết định tống ông vào bệnh viện tâm thần (mặt khác chuyện này cũng dễ hiểu: trong những trường hợp tương tự thì nhà nào cũng thế thôi, để bảo vệ gia đình, người ta thích đổ lỗi cho người ngoài hơn, cốt sao không làm tổn hại đến uy tín của cha mẹ, những người mà, có lẽ, đã hành động theo những động cơ tốt đẹp nhất mà thậm chí không biết để làm gì).
Paulo phá lên cười, khi nghe về lá thư tuyệt mệnh kỳ lạ của Veronika, trog đó nàng kết tội cả thế giới rằng, thậm chí một tờ tạp chí nổi tiếng được xuất bản ở ngay chính trung tâm châu Âu mà cũng không biết Slovenia nằm ở đâu.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện có người nảy ra ý định tự tử vì một nguyên nhân vớ vẩn đến thế!
Chính vì thế mà không có một sự phản ứng nào với lá thư của cô ấy – Ngồi bên bàn ăn, Veronika bạn của tác giả buồn rầu nhận xét – Mà chả nói đâu xa, mới hôm qua đây thôi, khi tôi đăng ký phòng ở khách sạn, người ta cứ nghĩ Slovenia là một thành phố nào đó ở Đức.
Paulo Celho đã quá quen với cái cảm giác này, chẳng phải ít lần, có những người nước ngoài vì muốn lấy lòng ông đã xổ ra hàng tràng những lời tán tụng đến nhàm về vẻ đẹp của Buenos Aires bởi không hiểu sao họ cứ cho rằng thành phố ở Argentina này lại là thủ đô của Brazil mới lạ chứ. Điểm chung của ông với Veronika đã được nhắc đến ở trên rồi, nhưng cần phải nói thêm một lần nữa về điều này. Ông cũng đã từng có thời gian bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, nơi mà “đáng lẽ ra anh ta không nên ra khỏi đó” như lời người vợ đầu của ông có lần đã nhận xét.
Nhưng ông đã trốn ra.
Và khi lần cuối cùng từ giã cái bệnh viện của bác sĩ Eiras, lòng tràn đầy quyết tâm sẽ không bao giờ, vì bất cứ lý do nào quay trở lại đó. Ông tự hứa với mình hai điều: một, nhất định sẽ có một ngày ông viết về câu chuyện này, hai, nhưng chừng nào cha mẹ ông còn sống, ông sẽ tuyệt nhiên không động chạm đến đê tài này vì không muốn làm họ phải đau lòng, bởi sau đó mất nhiều năm dài họ đã hối hận về việc làm của mình.
Mẹ ông mất vào năm 1993. Nhưng cha ông, năm 1997 tròn tám mươi tư tuổi, vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm, tuy có mắc chứng giãn phổi (mặc dù cụ không bao giờ hút thuốc) và cụ chỉ ăn toàn đồ chế biến sẵn vì không một người giúp việc nào có thể chịu nổi cái tính khí thất thường của cụ.
Thế là chính câu chuyện về Veronika mà ông được nghe ở restaurant đã xoá bỏ điều cấm kỵ: bây giờ đã có thể kể câu chuyện này mà không vi phạm lời thề năm xưa. Và mặc dù bản thân Paulo Coelho chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử, song ông quá rõ cái bầu không khí bao trùm trong những cơ sở dành cho các bệnh nhân tâm thần: nhất định nếu không là những liệu pháp điều trị cưỡng bức, thì cũng là sự lăng nhục khi tiếp xúc với người bệnh, sự vô cảm của các bác sĩ, cảm giác khiếp nhược và lo sợ trong tất cả những ai hiểu được mình đang ở đâu.
Nhưng bây giờ, chúng tôi xin phép bạn đọc cho Paulo Coelho và Veronika bạn gái của ông ta mãi mãi bước ra khỏi cuốn sách này và chúng tôi xin tiếp tục câu chuyện.