Bác sĩ igor cúi xuống nhặt nó lên. Hình biểu tượng của Ljubljana. Làm gì với nó bây giờ? Đơn giản nhất là vứt đi. Tất nhiên, có thể đưa cái lắc cho thợ sửa - ở đo loáng một cái là người ta biến nó thành một cái nhẫn da mới, hoặc là cho thằng cháu chơi. Cả hai phương án đều ngớ ngẩn như nhau. Cái lắc rẻ bèo, còn thằng cháu thì không hề thích huy hiệu tí nào, nó suốt ngày ngồi lì trước tivi hay chơi trò điện tử mang từ Italia về. Ông bác sĩ lơ đễnh đút cái lắc vào túi, quyết định để sau hẵng tính xem nên làm gì với nó.
Chính bởi thế mà bác sĩ Igor mới là giám đốc bệnh viện, chứ không phải là bệnh nhân của nó, trước khi quyết định một cái gì, ông cũng cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Ông bác sĩ bật đèn lên, đang là mùa đông. Trời ngày càng sáng muộn hơn. Cùng với việc chuyển đến nơi ở mới và ly hôn, tiết trời u ám là một trong các nguyên nhân khiến số trường hợp trầm cảm tăng lên. Bác sĩ Igor chỉ mong sao mùa xuân đến nhanh hơn – nó sẽ giải quyết được đến một nửa các vấn đề của ông.
Ông nhìn vào cuốn sổ ghi chép. Hôm nay cần phải thực hiện một số biện pháp để Eduard không bị chết đói. Căn bệnh tâm thần phân liệt đã biến anh ta thành một người không thể đoán trước được, đấy, như hiện giờ chẳng hạn, anh ta nhất quyết không chịu ăn uống gì. Bác sĩ Igor đã chỉ định truyền chất dinh dưỡng cho anh ta nhưng biện pháp này cũng không thể kéo dài mãi được. Eduard mới hai mươi tám tuổi, một chàng trai khoẻ mạnh, nhưng dù có được tiếp glucose thường xuyên thì anh ta cuối cùng cũng tong teo đi như bộ xương thôi.
Ông bố của Eduard, một trong những vị Đại sứ danh tiếng của nước Cộng hoà Slovenia non trẻ, bậc thầy trong các cuộc thương thuyết tế nhị với Nam Tư vào đầu thập niên 90 ấy đã phản ứng ra sao? Và chính cái con người bao năm làm việc ở Belgrad ấy đã từng chịu đựng những kẻ vu khống, kết tội mình phục vụ cho kẻ thù, mà vẫn ở lại ngoại giao đoàn, nhưng tôi chuyện này lại đại diện cho một xứ sở khác. Đây là một người có quyền hành và thế lực mà mọi người đều phải sợ đấy nhé.
Song, xét theo một khía cạnh khác, đối với một vị Đại sứ, việc con trai ông ta trông có vẻ khoẻ mạnh hay ốm yếu cũng chả có gì khác nhau cả. Ông sẽ không đưa nó đến các cuộc đón tiếp chính thức hay không cho cùng mình đi khắp thế giới, đến những nơi ông được chỉ định làm người đại diện cho chính phủ nữa là xong. Eduard nằm ở Villete – và sẽ ở lại đó mãi mãi hoặc cho đến chừng nào ông bố còn có thể chu cấp cho anh ta ở lại nơi này.
Bác sĩ Igor quyết định ngừng tiếp chất dinh dưỡng và cứ để cho Eduard gầy ốm thêmchút nữa, chừng nào chính tự anh ta muốn ăn lại thì thôi. Còn nếu tình trạng có xấu thêm nữa, ông sẽ viết báo cáo và đổ hết trách nhiệm cho ban điều hành y tế của Villete. “Nêu anh không muốn gây hoạ cho mình thì hãy luôn chia sẻ trách nhiệm cho người khác” – ông bố của bác sĩ Igor cũng là một bác sĩ, một người rõ ràng đã chịu trách nhiệm trước không ít cái chết, nhưng đồng thời chưa bao giờ gặp rắc rối với nhà chức trách, đã dạy ông như thế.
Ra lệnh chấm dứt các liệu pháp đối với Eduard xong, bác sĩ chuyển sang bệnh nhân tiếp theo: trong bản báo cáo trình bày rằng, bệnh nhân Zedka Mendel đã kết thúc đợt điều trị và có thể cho ra viện. Bác sĩ Igor muốn tự minh khẳng định điều này: bởi không có gì tồi tệ hơn là phải nghe những lời kêu ca từ gia đình của những bệnh nhân đã qua điều trị ở Villete. Mà chuyện này gần như xảy ra như cơm bữa – vì trải qua một thời gian dài ở trong nhà thương điên, bệnh nhân rất hiếm khi có thể thích ứng lại được với cuộc sống bình thường.
Nhưng nhà thương không có lỗi trong chuyện này. Bởi ở tất cả các bệnh viện tương tự cũng đều đúng như thế cả - chỉ co Chúa mới biết – khắp cõi nhân gian này ở đâu vất vưởng bao nhiêu bệnh tâm thần thì ở đó có bấy nhiêu vấn đề đau đầu về khả năng thích nghi của họ. Chả khác gì nhà tù, chẳng những không cải tạo được kẻ tội phạm mà chỉ dạy nó phạm thêm những tội ác mới, các bệnh viện tâm thần chỉ dạy bệnh nhân sống trong một thế giới hoàn toàn phi thực tế, nơi mọi việc đều được phép và chẳng một ai phải có trách nhiệm vì những hành vi của mình.
Vậy nên chỉ còn một lối thoát duy nhất, sáng chế ra một loại Thần dược chữa bệnh điên. Thế là bác sĩ Igor mải miết dồn tâm sức vào việc thực hiện ý tưởng này, cặm cụi với bản luận án hứa hẹn làm nên một cuộc cách mạng trong ngành tâm thần học. Trong các bệnh viện, những bệnh nhân vãng lai ở chung với những người điên nặng, dần mất đi mối liên hệ với môi trường xã hội, và một khi quá trình này đã bắt đầu thì không thể dừng nó lại được. Vì thế cái nhà chị Zedka Mendel nào đó nhất định sẽ quay lại bệnh viện, lần này là theo mong muốn của riêng mình, thế nào cũng sẽ than thở về những sự khó chịu tưởng tượng chỉ để được ở với những người, mà theo chị ta, hiểu chị ta hơn cái thế giới bên ngoài bốn bức tường này.
Nếu phát minh ra một phương pháp để chống lại được “Vitriol” (chất độc) – mà theo nhận xét của bác sĩ Igor, chính cái chất độc này là nguyên nhân gây bệnh điên – thì tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử, và sự tồn tại của Slovenia cuối cùng cũng sẽ được cả thế giới biết đến. Tuần trước, vận may cứ như từ trên trời rơi xuống với ông vậy: một cô gái định tự tử. Có các bao nhiêu tiền ông cũng không thể bỏ qua một cơ may như thế được.
Bác sĩ Igor lấy làm hài lòng lắm. Dù rằng, dù những tính toán về kinh tế, ông vẫn còn phải áp dụng các phương pháp điều trị bị giới y học lên án, vídụ như liệu pháp “sốc insulin” chẳng hạn, bây giờ là lúc – cũng do những tính toán về tài chính – đưa cái mới vào việc điều trị cho các bệnh nhân bị điên rồi. Ông không chỉ có thời gian và tiền để nghiên cứu Vitrol, mà cả sự ủng hộ của các ông chủ về việc duy trì cái nhóm được gọi là Hội Huynh Đệ ở trong nhà thương nữa.
Các cổ đông cho phép (không phải là khuyến khích, mà chính là “cho phép”) bệnh nhân ở lại viện lâu hơn thời gian cần thiết. họ biện giải rằng, xuất phát từ những suy xét mang tính nhân đạo, cần cho bệnh nhân đã lành bệnh có cơ hội tự lựa chọn khi nào việc hoà nhập trở lại với xã hội là tốt nhất cho anh ta. Nhờ thế, nhóm bệnh nhân đã quyết định ở lại Villete như ở trong một khách sạn dành cho giới thượng lưu hay một câu lạc bộ, nơi tập họp những người có chung sở thích.
Thế là bác sĩ Igor đã có thể giữ những kẻ điên và những người khoẻ mạnh ở trong cùng một nơi, và hơn nữa, những người khoẻ mạnh lại có ảnh hưởng tích cực đến những kẻ mất trí. Để tránh quá trình ngược lại, không cho những kẻ điên dại có ảnh hưởng tiêu cực đến những người lành bệnh, người nào là thành viên của Hội Huynh Đệ cũng phải ra khỏi bệnh viện ít nhất là một lần trong ngày.
Bác sĩ Igor cũng biết rằng, những lý giải do các cổ đông đưa ra nhằm biện hộ cho việc giữ lại trong bệnh viện người đã lành bệnh – “xuất phát từ những suy xét mang tính nhân đaọ” – chỉ là một cái cớ thôi. Họ sợ rằng, ở thành phố Ljubljana, thủ đô bé nhỏ và đáng yêu của nước Slovenia ấy, không tìm đâu ra cho đủ số người điên giàu có để có thể duy trì được cái tổ hợp hiện đại và tốn kém này. Ngoài ra, trong hệ thống bảo vệ sức khoẻ của nhà nước cũng có những cơ sở hạng nhất – chúng đã đẩy Villete vào tình thế bất lợi trên thị trường sức khoẻ tâm thần này.
Khi biến khu doanh trại cũ thành bệnh viện tâm thần, các cổ đông đã tính toán rằng, những người đàn ông và đàn bà rơi vào đó sẽ là nạn nhân của cuộc chiến với Nam Tư. Nhưng cuộc chiến lại quá ngắn. Các cổ đông đã đặt cược vào việc chiến tranh sẽ trở lại, song điều này đã không xảy ra.
Còn những nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng, người ta ít phát điên vì chiến tranh hơn rất nhiều nếu so với nguyên do vì căng thẳng thần kinh, buồn chán bởi bệnh tật, cô đơn và bị ruồng bỏ, hắt hủi. khi xã hội gặp phải một vấn đề lớn – như trong tình huống có chiến tranh, hay siêu lạm phát, hay dịch bệnh – người ta nhận thấy số người tự tử tăng lên không nhiều, nhưng các ca trầm uất, hoang tưởng, loạn thần kinh lại giảm đi đáng kể. Chúng sẽ trở lại là những chỉ số thông thường sau khi những vấn đề trên biến mất. Theo ý kiến của bác sĩ Igor, hiện tượng này đã chứng tỏ một điều rằng, một người cho phép mình có sự xa xỉ là làm người điên chỉ khi nào người ta tạo ra cho anh ta các điều kiện để làm cái việc ấy.
Trước mắt ông là những kết quả của một nghiên cứu khác gần đây, lần này thì nó được tiến hành ở Canada, đất nước đã được một số tờ báo của Mỹ bâu chọn là có mức sống cao nhất thế giới. Bác sĩ Igor đọc:
Theo số liệu thống kê của Canada, 40% số người ở độ tuổi từ 15 đến 34; 33% ở độ tuổi 35 đến 54; 20% ở độ tuổi từ 55 đến 64 đã bị mắc các chứng rối loạn tâm thần. Điều này có nghĩa là ở Canada, cứ 5 người thì có 1 người bị mắc một chứng bệnh thần kinh nào đó, cứ 8 người thi có một người ít nhất một lần trong đời phải nhập viện vì lý do này.
Một thị trường thật béo bở, còn hơn ở ta – ông nghĩ – Con người ta càng có thể hạnh phúc hơn bao nhiêu, thì họ lại càng bất hạnh hơn bấy nhiêu.
Bác sĩ Igor xem thêm một số trường hợp nữa, suy tính cẩn thận xem những trường hợp nào cần phải thảo luận với Hội đồng, còn những trường hợp nào ông có thể tự thu xếp được. khi ông xem xét xong, ngoài ô cửa sổ trời đã sáng tỏ, và ông tắt đèn.
Sau đó ông cho mời người khách đầu tiên vào phòng – đó là bà mẹ của bệnh nhân nữ đã định tự tử.
Tôi là mẹ của Veronika. Tình trạng của con gái tôi thế nào rồi ạ?
Bác sĩ Igor nghĩ rằng, cần phải nói sự thật để tránh những rắc rối bất ngờ không lường trước được, mà chẳng hiểu sao, cô con gái của ông cũng có cái tên đúng như thế. Nhưng rồi ông lại quyết định rằng, tốt nhất là im lặng.
Hiện giờ chúng tôi còn chưa rõ – Ông nói dối – Phải chờ thêm một tuần nữa.
Tôi không hiểu sao Veronika nó nghĩ thế nào lại đi làm cái việc như thế - Người phụ nữ ngồi trước mặt ông nước mắt đầm đìa, nói – Chúng tôi luôn là những ông bố, bà mẹ biết yêu thương, bản thân chúng tôi phải tự hy sinh rất nhiều để cố gắng cho nó được học hành một cách tốt nhất. Và tuy chúng tôi cũng có nhiều vấn đề riêng trong cuộc sống vợ chồng, nhưng chúng tôi đã cố gắng gìn giữ gia đình như một tấm gương về sự bền vững trước những nghịch cảnh của số phận. Nó có một công việc tốt, bản thân cũng xinh xắn, ấy thế mà…
---ấy thế mà cô ấy lại định tự tử - bác sĩ Igor cắt ngang lời bà ấy – thưa bà, xin bà đừng lấy làm ngạc nhiên, mọi chuyện quả đúng như thế. Người ta không thể hiểu được hạnh phúc là gì. Nếu bà muốn, tôi có thể cho bà xem con số thống kê của Canada.
Của Canada á?
Người phụ nữ ngạc nhiên nhìn ông. Bác sĩ Igor thấy rằng, ông đã thành công trong việc đánh lạc hướng bà ta, và nói tiếp:
Xin bà hãy lắng nghe tôi nhé. Bà đến đây đâu phải để biết xem tình trạng sức khoẻ của cô con gái bà ra sao, mà là để xin lỗi vì cái ý định tự tử của cô ấy đấy chứ. Cô ấy bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
Cháu nó hai mươi tư.
Tức là cô ấy đã là một người phụ nữ trưởng thành, có kinh nghiệm sống, biết rõ mình muốn gì, và có thể có lựa chọn riêng của mình rồi. Vả lại những mối quan hệ vợ chồng hay những sự hy sinh của bà và chồng bà thì có liên quan gì đến chuyện này đâu? Cô ấy suy nghĩ một mình đã lâu chưa nhỉ?
Sáu năm rồi.
Bà thấy không, cô ấy đã là một cô gái tự lập đến tận xương tuỷ rồi còn gì. Tuy nhiên vì rằng, có một vị thầy thuốc người Áo, bác sĩ Sigmund Freud – tôi tin bà đã từng nghe đến tên ông ấy – đã viết về những mối quan hệ bệnh hoạn giữa cha mẹ và con cái, cho đến giờ các bậc cha mẹ vẫn tự kết tội mình trong đủ mọi chuyện trên đời. Bà thử nói tôi nghe xem nào, những người Ấn độ có cho rằng, việc một đứa con trai trở thành kẻ giết người thì đó là hậu quả từ sự giáo dục của cha mẹ nó hay không?
Tôi không hiểu – người phụ nữ trả lời, mỗi lúc một ngạc nhiên hơn với ông bác sĩ. Có lẽ ông ta bị lây bệnh từ những bệnh nhân tâm thần của chính mình rồi cũng nên.
Tôi trả lời cho bà nghe nhé – bác sĩ Igor nói – Những người Ấn Độ cho rằng, tên giết người mới chính là kẻ có tội, chứ không phải xã hội, không phải cha mẹ, cũng chẳng phải ông bà. Người Nhật có đi tự tử vì đứa con trai bỗng nảy ra cái ý nghĩ thử ma tuý và kết quả là đi bắn giết người hay không? Câu trả lời vẫn là: Không! Mà bà nên nhớ, người Nhật có thể số phận vì bất cứ lý do gì đấy nhé. Mới đây, cũng về chuyện này, tôi có đọc được trong một tờ báo rằng có một chàng trai đã tự tử vì anh ta không vào được khoa dự bị đại học.
Thế tôi có thể nói chuyện với con gái tôi được không? – chẳng mấy quan tâm đến những người Nhật lẫn người Ấn cũng như người Canada của bác sĩ Igor nữa, người phụ nữ hỏi.
Tất nhiên, tất nhiên – bác sĩ Igor trả lời, tức giận vì ông bị cắt ngang lời – nhưng trước hết, tôi muốn bà hiểu một điều rằng, ngoại trừ một số trường hợp bệnh lý trầm trọng, người ta mất trí khi cố thoát khỏi một đầu óc hủ lậu đấy. Bà hiểu chứ?
Tôi hiểu, quá hiểu rồi – bà ta đáp – Và nếu ông cho rằng, tôi không thể quan tâm tới nó đến nơi đến chốn thì ông cứ yên tâm, tôi chưa từng bao giờ cố thử thay đổi cuộc sống của mình cả.
Thôi được rồi - bác sĩ Igor cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút – Bà có thể tưởng tượng được là có một thế giới, trong đó ví dụ như, chúng ta không còn cần hết ngày này sang ngày khác lặp đi lặp mãi cùng những hành động ấy hay không? Nếu như chúng ta quyết định, chẳng hạn như, ăn chỉ khi nào cảm thấy đói bụng, thì các bà nội trợ và các nhà hàng có tổ chức lại cung cách làm việc của mình không?
Còn gì bình thường hơn là chuyện ăn chỉ khi nào cảm thấy đói – người phụ nữ nghĩ, nhưng không nói gì vì sợ rằng, bà sẽ bị cấm nói chuyện với Veronika.
Có lẽ mọi thứ sẽ lanh tanh bành hết cả lên – Bà nói – Bản thân tôi là nội trợ và tôi hiểu ý ông định nói gì.
Bởi thế nên chúng ta ngày nào cũng ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Ngày ngày thức dậy vào một giờ nhất định và nghỉ ngơi tuần một lần. Có lễ Giáng Sinh để tặng quà và lễ Phục Sinh để ba ngày ra bờ hồ. Nếu như ông chồng bà, bỗng dưng nổi cơn hứng, cứ nhất quyết muốn làm tình ở ngay phòng khách thì bà có thích không?
Cái lão này nói hươu nói vượn gì thế nhỉ? Mình đến đây để được gặp con gái mình cơ mà!
Tôi sẽ ngượng chín lên mất – Bà thận trọng trả lời, hy vọng là đã đóan đúng.
Tuyệt – bác sĩ Igor thốt lên – Nơi làm tình là phải ở trên giường chứ. Còn nếu hành động khác đi, chúng ta sẽ nêu một cái gương xâu và gieo rắc sự hỗn loạn.
Tôi có thể gặp con gái mình được không? – người phụ nữ cắt ngang lời ông ta.
Bác sĩ Igor đành đầu hàng. Cái bà nhà quê này làm sao hiểu được ông ta đang nói gì, bà ta chẳng quan tâm đến việc bàn luận về bệnh điên theo quan điểm triết học, dù là bà ta cũng biết cô con gái của bà ta vì cái cảm nhận về phẩm chất của riêng mình nên đã có ý tự tử và bị hôn mê.
Tiếng chuông vang lên và cô thư ký của ông xuất hiện.
Cho gọi cô gái đã muốn tự tử lên đây – ông nói – Cái cô đã viết cho báo chí rằng, cô ta tự tử vì mọi người không biết Slovenia nằm ở đâu ấy.