ạy Đức Đồng Trinh truyền thanh vẹn,
Xin cầu nguyện Chúa cho chúng con,
Những kẻ chẳng hổ thện hy vọng nơi Người, Amen!
Tặng S.T. De L. Người đã giúp đỡ tôi, và
Tôi không hề hoài nghi về điều này
Này, ta đã ban quyền cho các ngươi chà đạp rắn cùng bò cạp
Và mọi sức mạnh của kẻ nghịch phạm dưới chân;
Không gì làm hại các ngươi được.
Luke 10:19
Ngày 11 tháng 11 năm 1997. Veronika đã dứt khoát thoát nợ đời. Nàng thu dọn gọn gàng căn phòng mà mình đã thuê trong một tu viện nữ, đánh răng và vào giường nằm.
Nàng lấy những viên thuốc trên chiếc bàn con ở đầu giường - bốn vỉ thuốc ngủ - nhưng không nhai cả vốc rồi chiêu nước mà quyết định uống từng viên một, vì giữa dự định và hành động là cả một sự khác biết rất lớn, hơn nữa nàng cũng muốn dành cho mình cơ hội tự lựa chọn, nếu giữa chừng nàng bỗng đổi ý. Nhưng cứ sau mỗi lần nuốt trôi một viên thuốc, Veronika lại càng quả quyết hơn, và sau năm phút thì cả bốn vỉ thuốc đều sạch trơn.
Vì không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới bất tỉnh hoàn toàn, Veronika cầm cuốn tạp chí Homme số mới nhất lấy từ thư viện chỗ nàng làm về. Tuy không hề mê thích computer một chút nào, nhưng khi lật giở cuốn tạp chí, nàng tình cờ giở đúng bài báo vê` một trò chơi mới mà Paulo Coelho viết trong số những trò chơi trên các CD đang được bày bán. Đó chính là nhà văn Brazil – người mà nàng tinh cờ được làm quen trong một buổi họp mặt độc giả ở quán cà phê thuộc khách sạn Grand-Union. Họ với kịp trao đổi được đôi câu thì nhà xuất bản sách của ông đã mời nàng ra dự bữa ăn tối. Nhưng vì đông người quá nên họ không có cơ hội làm quen với nhau nhiều hơn nữa.
Chỉ duy nhất một sự kiện – được làm quen với ông nhà văn được nói đến trong các bài báo, mà cứ như thể trò đùa, tình cờ nàng đọc thấy, đã khiến nàng nghĩ rằng, con người này, không hiểu sao, là một phần trong thế giới của nàng, dẫu sao đi nữa thì việc đọc cũng giúp cho thời gian qua mau hơn. Trong lúc chờ đợi cái chết, Veronika lại đi đọc về tin học – môn mà nàng không hề có một chút hứng thú nào. Vả lại, cả đời nàng vẫn hành động như thế, tránh mọi khó khăn ở mức có thể và chỉ thích lấy những cái trong tầm tay. Như cuốn tạp chí này chẳng hạn.
Thật kỳ lạ, mới dòng đầu tiên thôi đã kéo nàng ra khỏi trạng thái bình thản dửng dưng quen thuộc (thuốc ngủ vẫn còn chưa kịp hoà tan trong dạ dày, nhưng Veronika vốn là người có bản tính thụ động như thế) và lần đầu tiên trong đời khiến nàng phải động não trước ý nghĩa thực sự của câu nói rất phổ biến trong đám bạn bè của nàng “Trên thế gian này chẳng có gì là ngẫu nhiên cả”.
Tại sao cái dòng chữ ấy lại đập vào mắt nàng vào đúng lúc này, khi sự sống chỉ còn được tính bằng phút? Nếu đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, thì phải hiểu cái điềm báo được gửi đến cho nàng – tất nhiên, nếu cho rằng,đây là một thông điệp ẩn mật và rằng, chẳng có những sự trùng hợp ngẫu nhiên nào hết – như thế nào đây?
Bài viết ở dưới tấm hình minh hoạ cho trò chơi được bắt đầu bằng câu hỏi:
“Slovenia nằm ở đâu?”
Trời ơi – nàng nghĩ – không có một ai biết một chút gì về Slovenia, thậm chí là nó nằm ở đâu thôi.
Nhưng dẫu có thể thì việc có tồn tại một nước Slovenia là điều chẳng còn phải nghi ngờ, nó tồn tại từ biên ngoại đến nội giới, nó hiện lên với những ngọn núi nơi chân trời xa kia, với quảng trường thành phố ngoài ô cửa sổ này đây. Slovenia là tổ quốc của Veronika, là quên hương của nàng.
Veronika đặt cuốn tạp chí xuống: can cớ gì lại đi phẫn nộ với cái thế giới chẳng thèm biết đến sự tồn tại của những người Slovenia; danh dự và niềm tự hào dân tộc ư – tất cả những điều này giờ đây với nàng là những lời rỗng tuếch. Đã đến lúc tự hào về bản thân mình, nhận biết ra năng lực của mi – cuối cùng thì mi cũng đã thể hiện lòng dũng cảm bằng việc vĩnh biệt cuộc đời này. Thật sung sướng làm sao! Còn hơn thế, mi làm cái việc đó bằng chính cái cách thức mà mi luôn mơ ước – nhờ những viên thuốc sẽ không để lại dấu vết nào.
Mất gần một năm rưỡi Veronika mới tìm được những viên thuốc này. Sợ rằng sẽ không kiếm đâu ra chúng, nàng thậm chí đã bắt đầu nghĩ đến cách thức khác – cắt mạch máu. Việc máu chảy loang khắp phòng sẽ gây nên nỗi kinh hoàng hay việc các nữ tu sẽ thật sự bị sốc như thế nào đi nữa thì cũng đâu có gì nghiêm trọng: tự tử - đấy là việc riêng của mi, chẳng liên quan gì đến những người khác. Nàng muốn làm tất cả những gì có thể để không một ai phải khổ sở vì cái chết của mình, nhưng nếu cắt mạch máu là lối thoát duy nhất, tức không còn sự lựa chọn nữa: đàng nào thì khi đã lau rửa phòng, tẩy sạch những vết máu nhỏ nhất, chẳng bao lâu sau các nữ tu cũng sẽ quên đi câu chuyện này, miễn là tin đồn về nó không làm cho những người khách trọ mới hoảng sợ. Nói gì thì nói, thậm chí cuối cùng thế kỷ XX rồi người ta vẫn còn tin vào chuyện ma quỷ.
Tất nhiên, cũng có thể, chẳng hạn như đơn giản là gieo mình từ mái nhà của một trong số không nhiều toà nhà cao tầng ở Ljubljiana, nhưng một hành động như thế sẽ khiến cha mẹ nàng đau khổ đến nhường nào! Chẳng những choáng váng khi nhận được hung tin về cái chết của cô con gái mà họ còn buộc phải ra nhận dạngcái thi thể bầm dập của cô nữa chứ. Không,cái cách thoát ra khỏi tình cảnh kiểu này xem ra còn tệ hơn là cắt mạch máu: ký ức về cảnh tượng ấy sẽ đeo đẳng tấm trí của hai con người cả đời chỉ mong mọi sự tốt lành cho nàng sẽ là điều không thể chịu đựng nổi.
Nói cho cùng, kể cả cái chết của cô con gái thì họ cũng đã đành là phải chịu rồi, nhưng liệu có thể quên được cảnh tượng cái xương sọ bị giập vỡ không? – không. Không thể.
Tự tử bằng súng, nhảy lầu, thắt cổ - tự cái thiên tính của người phụ nữ trong con người nàng chống lại tất cả các cách thức ấy. Phụ nữ thường chọn những cách thức tự tử lãng mạn hơn: nuốt mấy vỉ thuốc ngủ hay tự cắt mạch máu. Có vô khối thí dụ cho điều đó – các nữ minh tinh Hollywood này, các cô người mẫu hàng “top” đã quá lứa về già này, rồi mấy bà mệnh phụ dòng dõi hoàng gia bị chồng bỏ nữa.
Veronika hiểu rằng, cuộc đời luôn là sự chờ đợi cái thời khắc khi mà điều tiếp theo chỉ còn phụ thuộc vào những hành động quyết đoán của ta mà thôi. Lần này là thế: hai người bạn, động lòng bởi những lời than vãn về bệnh mất ngủ của nàng, đã xoay sở được mỗi người hai vỉ thuốc ngủ loại mạnh ở mấy người nhạc công trong một quán bar của khu phố. Bốn vỉ thuốc nằm trên chiếc bàn con đầu giường suốt hai tuần đủ để Veronika kịp yêu cái chết đang đến gần - và không hề bỉêu lộ một xăng-ti bi thương nào van xin cái gọi là “sự sống”.
Và thế là nàng ở đây, hài lòng vì minh đã đi tới cùng, nhưng lòng dạ rối bời bởi sự bất tường pha lẫn với buồn chán vì không biết làm gì cho hết những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
Nàng lại nghĩ đến cái sự lố bịch vừa đọc được: tóm lại là, làm sao một bài báo về ba cái trò điện tử ấy lại có thể bắt đầu với một câu ngớ ngẩn đến thế - “Slovenia nằm ở đâu?”
Nhưng đàng nào thì cũng chả có việc gì để làm, và Veronkia quyết định dọc cho hết bài báo này. Tiếp theo bài báo kể rằng, trò chơi điện tử được nhắcdn ấy đã được nghiên cứu và sản xuất ở Slovenia, chính cái đất nước lạ hoắc mà dường như không có ai biết một chút gì về nó, ngoài những người dân của nó ra.
Trên thực tế thì Slovenia đúng là nơi cung cấp nguồn nhân lực rẻ mạt cho cả châu Âu. Hai tháng trước một nhà máy của Pháp đã khởi động sản xuất CD ở Slovenia có tổ chức một buổi giới thiệu hoành tráng trong một toà lâu đài cổ ở thành phố Bled.
Veronika có nghe phong phanh về buổi khai trương mà đương nhiên đã thực sự trở thành một sự kiện đối với thành phố này. Để tái hiện lại bầu không khí thời Trung cổ cho một trò chơi điện tử tối tân kỳ nào đó, toà lâu đài đã được trùng tu một cách đặc biệt, còn được mời đến dự chính buổi khai trương, mà quanh nó đã dấy lên một cuộc luận chiến kịch liệt trong báo giới địa phương, toàn là các vị khách – các phóng viên, nhà báo người Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha – và tất nhiên không có lấy nổi một người Slovenia nào.
Bình luận viên của tờ Homme lần đầu tiên đặt chân đến Slovenia (nhất định là phải được trả toàn bộ công tác phí) – chắc hẳn cũng chỉ quan tâm đến những gì đã làm cho cánh phóng viên – đồng nghiệp khác khoái hcí, những câu chuyện tức cười, dưới con mắt của anh ta, đánh chén cho thoả thích, còn bài báo thì quyết định bằng một câu bông phèng mà các nhà trí thức siêu quần ở đất nước của anh ta ắt hẳn phải thích lắm. An hta, có lẽ thậm chí, còn thêu dệt cho đám bạn của mình ở toà soạn chuyện các bà, các cô ở Slovenia ăn mặc quê ghê hồn luôn.
Mà thôi, đó là những vấn đề của anh ta. Veronika đang sắp từ giã cõi đời này và nàng nhẽ ra nên bận tâm đến những vấn đề ý nhị hơn mới phải – có thật là nàng sẽ được biết rằng, có sự sống sau khi chết hay không, hoặc là người ta có nhanh chóng phát hiện ra thi thể nàng hay không? Thế nhưng, cũng có thể bài báo đã gây nên sự kích động – đó chính là nguyên nhân quan trọng dẫ n tới quyết định của nàng.
Nàng nhìn qua ô cửa sổ ra khu quảng trường nhỏ của Ljubljiana.
Nếu đến Slovenia mà họ còn không biết, thì Ljubljiana với họ hẳn chỉ là huyền thoại.
Như Atlantis, Lemuria hay các lục địa bị tuyệt tích khác làm khuấy động trí tưởng tượng của con người, không một phóng viên nghiêm túc nào lại đi bắt đầu một bài báo với câu hỏi Everest nằm ở đâu, dù chưa bao giờ từng đặt chân đến đó. ấy thế mà bình luận viên của một tờ tạp chí có tiếng, xuất bản ở ngay trung tâm châu Âu, lại không biết xấu hổ bắt đầu bài báo với câu hỏi kiểu như vậy, vì tin rằng số đông độc giả của anh ta thực sự không biết Slovenia nằm ở đâu, huống hồ là Ljublijiana, thủ đô của nó.
Liền đó, trong đầu Veronika chợt nảy ra ý nghĩ làm gì cho hết khoảng thời gian còn lại – nàng vẫn chưa cảm thấy bất cứ sự thay đổi nào trong cơ thể mình, tuy mười phút đã trôi qua. Trong đoạn kết của cuộc đời mình, nàng sẽ viết một lá thư gửi đến tờ tạp chí này cho cái đám người thô bỉ ở đó “thủng ra”, phải, các người sẽ biết, Slovenia – đó là một trong năm nước cộng hoà ra đời do sự tan rã của nước Nam Tư cũ.
Thế là, thay cho một mẩu thư, theo thói thường để giải thích, là cả một lá thư, một lá thư để đánh lạc sự chú ý, để che giấu khỏi tính tọc mạch vô đáy của người đời những nguyên cơ thực sự khiến nàng tự vẫn.
Sau khi phát hiện ra thi thể, người ta buộc phải đi đến kết luận: cô ấy tự vẫn vì một tay phóng viên nào đó không biết đất nước của cô ấy nằm ở đâu. Veronika bất giác bật cười khi nghĩ đến cuộc kịch chiến sôi động đến thế nào sẽ được khởi tranh trên các mặt báo, một cuộc tranh cãi om sòm dấy lên xoay quanh chuyện “ủng hộ và phản đối” vụ tự vẫn của nàng vì tư tưởng dân tộc. Đồng thời Veronika ngạc nhiên nhận thấy dòng suy nghĩ của mình đã thay đổi đến không ngờ: mới một phút trước đây thôi, nàng không hề gợn chút hoài nghi rằng, cả nhân loại với đủ mọi vấn đề của mình chẳng còn liên quan gì đến nàng nữa.
Vậy là bức thư đã được viết xong. Veronika thậm chí còn thấy vui lên đến mức hầu như chẳng còn muốn chết nữa – chỉ có điều là thuốc đã uống mất rồi, chẳng còn đường lui nữa.
Vả lại, với Veronika, những giây phút phấn khởi tuyệt vời như thế vốn chẳng phải là hiếm, hơn nữa nói thật ra, nàng quyết định tự vẫn hoàn toàn không phải vì nàng có bản tính đa sầu đa cảm – thuộc trong số những người thường xuyên ở trong tâm trạng trầm uất hay vừa mới lọt lòng đã có thiên tính muốn tự tử, không, trường hợp của nàng hoàn toàn khác. Đã từng có thời gian, Veronika thường xuyên có cái thú cả ngày trời lang thang khắp các đường phố của Ljubljana hoặc đứng lặng hàng giờ bên ô cửa sổ phòng mình thả hồn ngắm tuyết rơi trên quảng trường nhỏ có bức tượng nhà thơ ở trung tâm. Một hôm chính ở quảng trường này có một người đàn ông không quen biết đã tặng nàng một bông hoa – và Veronika gần như suốt tháng cảm thấy mình lâng lâng bay bổng. Nói chung, Veronika luôn coi mình là một người bình thường, còn về quyết định tự tử thì bởi hai nguyên nhân hết sức đơn giản. Nàng tin rằng, nếu để lại một lá thư tuyệt mệnh thì có nhiều người cũng đồng tình với hành động này của nàng.
Nguyên nhân thứ nhất là: cuộc đời đã nhạt phai sắc màu, và giờ đây, khi tuổi thanh xuân qua đi, mọi cái đều đến hồi tàn tạ, những dấu hiệu nghiệt ngã mỗi ngày một lộ rõ trên gương mặt báo hiệu tuổi già đang đến gần, bệnh tật dồn dập đến, bạn bè lần lượt ra đi. Rốt cuộc, nếu nàng có trụ lại được mà sống tiếp, thì rồi mỗi năm cuộc sống càng trở nên đau khổ hơn và rồi cũng đến lúc không thể chịu đựng nổi.
Nguyên nhân thứ hai mang tính triết lý hơn: Veronika vẫn thường đọc báo, xem tivi, biết được đủ loại thông tin, rành rõ hết thảy các sự kiện. Bất kể chuyện gì xảy ra trên thế giới này – tất tật đều trái khoáy, nhưng nàng không biết làm sao để có thể thay đổi được gì đó, chỉ một việc ấy thôi đã đành buông xuôi, nàng cảm thấy mình chẳng còn cần thiết cho bất cứ một ai trên đời này, là một kẻ lạc loài, vô tích sự.
Mấy phút nữa thôi, nàng sẽ được biết cái điều bí ẩn cuối cùng của cuộc đời mình, bí ẩn của cái chết. Vì thế vừa viết xong lá thư cho tờ tạp chí, Veronika đã quên ngay nó. Vấn đề không gì quan trọng hơn vào lúc này là: sự sống và sự chết.
Mấy phút nữa thôi, nàng sẽ phát hiện ra cái điều bí ẩn cuối cùng của cuộc đời mình, bí ẩn nhất, trọng đại nhất: bí ẩn của cái chết. Vừa viết xong lá thư cho tờ tạp chí, nàng đã quên ngay nó vì mải tập trung vào những câu hỏi thích hợp hơn vào lúc này: nàng đang sống dở hay nói đúng hơn là chết dở đây?
Nàng cố thử hình dung xem cái chết của mình như thế nào nhưng chẳng có kế quả gì. Vả lại, cố mà rồi để làm gì cơ chứ? Đàng nào thì sau vài phút nữa thôi nàng cũng sẽ biết điều gì ở đó, ở đàng sau cái cửa tử ấy.
Sau vài phút nữa – chính xác là sau bao lâu?
Chịu. Nhưng Veronika chợt thoáng lấy làm thích thú với ý nghĩ rằng chỉ lát nữa thôi, nàng sẽ biết được câu trả lời cho cái câu hỏi khiến cho nhân loại bất an kể từ thuở nó tồn tại: có hay không Đức Chúa trời?
Veronika, khác hẳn với nhiều người khác, chưa từng bao giờ suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề này. Dưới chế độ cộng sản trước đây, nền giáo dục chính thống đòi hỏi sự thừa nhận rằng, sự sống chấm dứt cùng với cái chết, và nàng rốt cuộc cũng chấp nhận tư tưởng này. Nhưng mặt khác, các thế hệ cha ông nàng lại đi lễ nhà thờ, cầu nguyện, thực hiện những chuyến hành hương, và tin rằng Chúa nghe thấu tâm nguyện của họ.
Vào tuổi hai mươi tư của mình, nàng đã nếm trải tất thảy những gì có thể nếm trải – mà tính ra như thế đâu phải là ít – Veronika đã hầu như tin rằng cùng với cái chết mọi thứ đều chấm dứt. Bởi thế, nàng đã lựa chọn tự vẫn là cách giải thoát khỏi mọi chuyện trên đời. Một giấc ngủ ngàn thu.
Tuy nhiên trong thâm tâm nàng vẫn âm ỉ mối hoài nghi. Nhưng nếu Chúa có thật thì sao? Hàng ngàn năm văn minh đã đặt ra điều cấm kỵ đối với việc tự tử, nó bị tất cả các tôn giáo lê án, con Người ta sống là để đấu tranh chứ không phải là để đầu hàng. loài người phải được duy trì. xã hội cần những bàn tay lao động. gia đình cần có nguyên cớ để chung sống, thậm chí khi tình yêu không còn. Đất nước cần những người lính, chính khách, nghệ sĩ, diễn viên.
Thực sự, nếu có Chúa – thật lòng mà nói, mình không tin vào điều này – thì Ngài phải biết rằng sức người có giới hạn, sự hiểu biết của con người cũng cógiới hạn. Chẳng phải chính Ngài đã tạo dựng nên cái thế giới này với cả một mớ hỗn độn vô vọng của nó, với sự giả dối, giàu sang, nghèo hèn, ghẻ lạnh, bất công, cô độc của nó. Không còn nghi ngờ gi nữa, Ngài đã hành động xuất phát từ những động cơ tốt đẹp nhất, nhưng không ngờ kết quả lại thê thảm đến thế. Vậy là, nếu có Chúa, Ngài nên bao dung với những tạo với muốn sớm từ bỏ Cõi trần thế này của mình mới phải, mà có lẽ, thậm chí còn phải xin họ thứ lỗi cho vì đã bắt họ lang thang, vất vưởng ở thế giới ấy.
Quỷ tha ma rước mọi cái sự cấm kỵ với mê tín dị đoan ấy đi! Mẹ nàng – một người sùng đạo đã nói: Chúa biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu thế, khi phái nàng đến cái thế giới này, Ngài phải biết trước rằng, nàng sẽ chấm dứt cuộc đời bằng cách tự tử, và Ngài không việc gì phải sốc trước hành động này.
Veronika cảm thấy hơi choáng váng, rồi cảm giác ấy bắt đầu tăng lên rất nhanh. Sau có hai, ba phút thôi, khó khăn lắm nàng mới nhận ra được quảng trường ngoài ô cửa sổ.
Nàng biết rằng mùa đông đã về, đã gần bốn giờ chiều và mặt trời sắp lặn rồi. Nàng biết rằng, những người khác sẽ tiếp tục sống. Đúng lúc này, có một chàng trai đi ngang qua ô cửa sổ và quay sang nhìn nàng mà không hề nhận ra là nàng đang hấp hối.
Một nhóm nhạc công Bolivia (mà Bolivia ở đâu nhỉ? Tại sao các bài báo trong cuốn tạp chí không hỏi về điều này?) dang chơi nhạc bên tượng đài Franc Preshem – nhà thơ Slovenia vĩ đại – người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn dân tộc mình.
Liệu nàng có sống được cho đến khi bản nhạc vọng lại từ quảng trường này kết thúc? Đây sẽ là một kỷ niệm tuyệt đẹp về cuộc đời này: hoàng hôn dần buông, một giai điệu gợi lên những ước mơ về một miền nhân gian khác, một căn phòng ấm cúng, tiện nghi, một chàng trai trẻ đẹp, tràn đầy sức sống đi ngang qua quyết định dừng bước và lúc này đang ngắm nhìn nàng. Nàng hiểu rằng, thuốc đã bắt đầu có tác dụng, và rằng, chàng trai là người cuối cùng mà nàng thấy trên đời.
Chàng trai nở một nụ cười. Veronika mỉm cười đáp lại – giờ đây điều này chẳng có ý nghĩa gì nữa. Thấy vậy chàng trai vẫy tay chào, nhưng Veronika nhìn sang chỗ khác, làm bộ như thực ra không phải nàng đang nhìn anh ta – anh bạn trẻ tưởng bở quá đà rồi. Chần chừ một chút lộ rõ vẻ bối rối, chàng trai đi tiếp để mau chóng mãi mãi quên đi gương mặt hiện lên sau ô cửa sổ.
Veronika lấy làm thích thú vì lần cuối cùng được có cảm giác mình được yêu. Nàng tự vẫn chẳng phải vì thiếu tình yêu. Nàng chết đâu phải vì mình là một đứa trẻ bị ghét bỏ trong gia đình, cũng chẳng phải vì những khó khăn về tiền bạc hay vì một căn bệnh vô phương cứu chữa.
Thật hay biết bao rằng nàng đã quyết định chết vào một buổi chiều kỳ diệu ở Ljubljana này, đúng vào lúc trên quảng trường những người nhạc công Bolivia đang chơi nhạc, đúng vào lúc một chàng trai xa lạ đi ngang qua cửa sổ nhà nàng và nàng mãn nguyện với những gì mắt nàng được thấy, tai nàng được nghe một lần cuối, còn hơn thế - bởi ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm sau nữa nàng chẳng còng được thấy, được nghe một thứ gì như thế nữa. Chẳng phải ngay cả những ký ức tuyệt vời nhất sớm muộn gì cũng biến thành cái trò bi hài nhạt phèo và bất tận mà người ta gọi là cuộc đời, nơi dằng dặc ngày lại ngày lặp đi lặp lại y hệt như ngày hôm qua.
Dạ dày bắt đầu sôi réo, và lúc này tình trạng sức khoẻ của nàng xấu đi một cách nhanh chóng.
Có thế chứ - nàng nghĩ – vì mình đã tính là một liều thuốc ngủ thật mạnh sẽ tức khắc nhấn chìm mình vào trạng thái hôn mê cơ mà.
Trong tai xuất hiện tiếng lùng bùng rất lạ, đầu óc quay cuồng, kéo theo cơn buồn nôn.
Nếu mình nôn thì chết làm sao được.
Để không nghĩ đến những cơn đau thắt trong dạ dày, nàng cố gắng tập trung nghĩ đến việc đêm tối đang vùn vụt đến thật nhanh, đến những người nhạc công Bolivia, đến những người bán hàng đang đóng các cửa hàng, cửa hiệu và vội vã vê nhà. Nhưng tiếng lùng bùng trong tai càng mạnh hơn và lần đầu tiên kể từ lúc nàng uống thuốc, Veronika cảm thấy sợ, nỗi sợ khủng khiếp trước sự vô định bất tường.
Nhưng điều này chẳng diễn ra được lâu.
Nàng đã bất tỉnh.