Về Miền Đất Hứa

Chương 31

Docsach24.com
gày thứ mười sáu, một băng vải lớn được treo ngang ở phía mũi tàu. Một lời ghi bằng ba thứ tiếng ­ Anh, Pháp và hébreu - loan báo rằng:

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ NHẤT

Sáng ngày hôm sau, khi tuyệt thực đã đến giờ thứ 26, mọi người thấy thủy thủ đoàn mang mười đứa trẻ lên boong phía trước và để chúng nằm dài trên sàn tàu. Chúng đã ngất xỉu.

- Kitty: Thôi đừng có quay cuồng như thế nữa.

- Đã hơn hai mươi giờ rồi! Ari còn ngoan cố, trong đường lối ghê khiếp này bao lâu nữa? Em không có đủ can đảm xuống các ke coi nữa. Karen có ở trong các số trẻ con bị ngất xỉu không anh?

- Anh đã nói với em mười lần là không rồi.

- Bắt các trẻ em yếu sức và bị kẹt trên chiếc tàu khốn kiếp này từ hai tuần lễ phải qua một thử thách ghê rợn như thế! Ari là một con vật, một con quỷ không còn bản tính của con người.

Mark nói nhỏ, vẻ suy tư:

- Tôi không chắc Ari là như vậy. Trong những ngày gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và tôi tự hỏi rằng quả thực ra chúng ta có hiểu nỗi sâu xa đã nâng đỡ, đã thúc đẩy họ tiến về phía trước, tiến mãi về phía trước hay không. Em chưa bao giờ tới Palestine phải không? Để tôi tả cái xứ này cho em biết: một sa mạc ghê gớm ở phía nam, một vùng bị soi mòn và một đầm lầy, lam sơn chướng khí ở phía bắc. Một dải đất khi thì bị cháy nắng, khi ung thối và hơn nữa, còn nằm vào giữa năm mươi triệu kẻ thù bất cộng đái thiên. Thế mà những người Do Thái dám liều mạng để về đó. Họ gọi đó là xứ sữa và mật chảy tràn trề, và họ mơ tới các máy tưới và các hệ thống điều hòa thủy lượng. Không còn phải là một ý tưởng nữa mà là một ám ảnh. Hãy lấy Exodus làm thí dụ: Ari Ben Canaan sẽ chẳng bao giờ dám hành động như vậy nếu không được tụi trẻ ủng hộ hoàn toàn. Chúng tin theo anh ta, không sót một đứa nào.

Điện thoại reo. Mark trả lời, lắng nghe rồi gác máy.

- Cái gì đó anh? Em muốn biết...

- Họ vừa đưa thêm mấy trẻ bị xỉu nữa lên boong. Hình như năm đứa...

- Liệu Karen...

- Anh không biết. Nhưng anh sẽ đi coi ngay xem sao.

- Để em đi cùng anh. Em muốn lên tàu, em phải lên tàu.

- Nếu em lên tàu, em sẽ xỉu luôn.

- Không đâu anh. Ngược lại là khác, em sẽ yên trí hơn. Khi em biết là Karen còn sống và khỏe mạnh, em có thể tự trấn tĩnh được. Em tin chắc là thế, em thề là em sẽ trấn tĩnh được. Còn ngồi lì ở đây không làm gì, ngồi đây có thể lúc này Karen đang có thể hấp hối - chắc em điên lên mất.

Mark nhún vai:

- Cho dù tôi có xin phép được Ari Ben Canaan mang theo em lên tàu, người Anh cũng chẳng bao giờ thuận đâu.

- Anh sẽ xin phép họ được cho em! Anh không thể từ chối giúp em chuyện đó được!

Giận dữ, nàng đứng sững trước cửa như chặn đường Mark. Mark cúi đầu.

- Được rồi, tôi sẽ hết sức...

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ 35

Ở Ba Lê và La Mã, các đám đông biểu tình dưới các cửa sổ của các sứ quán Anh. Các diễn giả và biển ngữ đòi hỏi phải để Exodus tự do ra đi. Ở Ba Lê, cảnh sát phải dùng tới hơi cay mắt để tái lập trật tự giao thông. Nhiều cuộc biểu tình khác ở Copenhague, Stockholm, Bruxelles, La Haye nhưng đã diễn ra trong trật tự.

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ 38

Tự động không ai bảo ai, tất cả các người dân đảo Chypre đều ngưng làm việc: chuyên chở đường bộ ngưng, các cửa hàng đóng cửa, các phu bến tàu trong các cảng ngồi khoanh tay lại, hí viện và quán ăn khóa cửa. Famagouste, Nicosie, Larnaca, Limasol chỉ còn là những thành phố chết.

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ 40

Trong phòng lái tàu Exodus, Ari Ben Canaan đối diện với các người phụ tá.

Zev là người đầu tiên lên tiếng.

- Tôi là một quân nhân. Tôi không thể nào ngồi nhìn lũ trẻ chết đói mà không nổ bùng lên.

- Ở Palestine, các con trai con gái vào tuổi này đã chiến đấu rồi.

Ari trả lời như vậy bằng một giọng xẵng. Zev nói:

- Nhưng đây là một chuyện khác.

- Đây chỉ là một cách chiến đấu khác. Đến lượt anh nói, Joab.

Joab làm một cử chỉ bất lực.

- Tôi đã làm việc với anh từ nhiều năm rồi, anh Ari. Chưa bao giờ tôi chống lại các dự tính của anh cả. Bây giờ tôi sợ: chỉ cần một đứa trẻ chết đi thôi là chiến dịch này sẽ xoay chiều bất lợi cho chúng ta.

Ari quay lại phía Hank Schlosberg:

- Còn ông thuyền trưởng nói sao?

Người Hoa Kỳ này lầu nhầu:

- Chính ông là “xếp” ở đây, đâu phải tôi. Nhưng tôi báo cho ông rõ là thủy thủ đoàn đã bắt đầu có các dấu hiệu thần kinh căng thẳng rồi. Họ là những thủy thủ: họ không ưa những câu chuyện phiêu lưu kiểu này.

- Một cách khác, các anh muốn đầu hàng?

Mọi người xác nhận bằng một im lặng hùng hồn. Ari quay lại David:

- Còn anh, David? Anh cho ý kiến.

David tiến lên một bước:

- Gần sáu triệu người Do Thái đã chết trong các phòng hơi ngạt mà không hiểu vì sao chết. Nếu ba trăm đứa trẻ cùng vài người Do Thái nữa trên tàu Exodus này phải chết thì họ cũng biết họ chết cho chính nghĩa nào. Cách đây hai ngàn năm, khi chúng ta thành lập một quốc gia và nổi dậy chống lại áp bức của La Mã và Hy Lạp, chúng ta đã đặt ra một truyền thống: đó là chiến đấu cho tới người cuối cùng, thế mà từ cái quá khứ xa xăm đó, chúng ta ít khi chiến đấu với tư cách một quốc gia. Chúng ta chỉ có mỗi một dịp làm như thế - trong ghetto Varsovie - và vào một thời kỳ ấy, chúng ta tỏ ra xứng đáng với tổ tiên chúng ta. Bây giờ đây, nếu chúng ta tự ý bỏ tàu này để quay trở về sau hàng rào kẽm gai, chúng ta đã hủy bỏ lời giao kết của chúng ta với Thượng đế.

Ari gật đầu.

- Được, lắm. Còn ai thắc mắc? Rồi, tôi xin cám ơn các bạn.

Đêm xuống Kitty lên tàu Exodus. Ngay lập tức một không khí hôi thối, dầy dặc, không chịu nổi, xông ngay vào mũi. Từ mũi tàu tới cuối tàu, trong các ca nô phòng nguy, trên các cơ cấu trên boong, các đứa trẻ nằm dài, im lặng bất động để tiết kiệm sức lực sau cùng còn lại.

David đã tới tiếp đón nàng ngay cầu thang lên tàu để đưa nàng về phía sau, nơi sáu mươi đứa trẻ ngất xỉu được xếp nằm dài thành ba hàng. Dưới ánh sáng của một đèn bão, Kitty xem xét từng đứa một, bắt mạch, vạch mí mắt ra coi. Mỗi khi nàng thấy một khuôn mặt con gái giống Karen, nàng tưởng cũng ngất theo luôn.

Đâu đâu cũng quanh cảnh ấy: các thân thể co quắp, má hốc hác, mắt lờ đờ dưới mái tóc cáu bẩn và rối bung.

Trong khoang tàu, Kitty xuýt nôn mửa. Ánh sáng mờ nhạt làm tăng thêm cảm tưởng ghê rợn gây ra bởi cảnh tượng các đứa trẻ chồng chất lên nhau trong các vách ngăn bằng ván. Sau cùng nàng khám phá ra Karen trong một góc, nằm trên một chiếc chăn ướt đẫm mồ hôi, gần đó Dov đang ngủ nặng nhọc. Kitty thì thào:

- Karen, Karen... Kitty đây.

Cô gái cố gắng rõ ràng mới mở nổi mắt ra. Quá yếu không thể ngồi lên được, Karen giơ hai tay lên:

- Cô Kitty... Đừng để em đây... Em sợ lắm...

- Em đừng sợ gì cả. Cô còn ở trên tàu, lúc này.

Tiếp tục cuộc xem xét, nàng kiểm soát tủ thuốc nhỏ trong phòng y tế. Nàng thở dài:

- Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều. Tôi sẽ thử làm chúng bớt sốt trong mức độ có thể làm nổi. Trong các đứa trẻ bị xỉu, có nhiều đứa đã ở trong tình trạng nghiêm trọng. Cần phải chườm lạnh cho chúng hạ bớt sốt. Sau đó phải lấy chăn quấn chúng lại, trên boong, trời khá lạnh. Nhưng điều cần nhất là tôi muốn rằng tất cả những người nào còn khỏe phải cọ rửa tàu ngay.

Đó là một cuộc chiến đấu hối hả, bất tận, giống các cố gắng của Sisyphe một cách bi thảm: cứ một đứa trẻ được cứu tỉnh, ba đứa khác lại hôn mê. Kitty nhận thấy rằng nàng bất lực: có quá ít thuốc men, quá ít nước, lại cấm không được dùng đến thứ bổ dưỡng căn bản là thực phẩm thông thường.

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ 81

Bây giờ bảy mươi đứa trẻ hôn mê đã nằm trên boong trước tàu Exodus.

Trên các ke của hải cảng Cyrénia, các tiếng thì thào tức giận đã lan ra trong hàng ngũ các quân sĩ Anh. Một vài người, vì không còn chịu nổi cảnh tượng đáng giận như thế nữa, đã yêu cầu được thượng cấp cho thay phiên ngay, dù có vì thế bị ra tòa án quân sự chăng nữa.

TUYỆT THỰC: GIỜ THỨ 83

Ngất xỉu, Karen Hansen-Clement được mang phía trước tàu. Kitty lết đến phòng lái, ngồi phịch xuống một chiếc ghế. Nàng đã làm việc ba mươi lăm giờ liên tiếp, và bây giờ mệt nhọc làm mờ nhạt cả trí não, tê cứng các bắp thịt. Ari rót cho nàng một ly rượu, nói:

- Cô uống đi. Xét cho cùng, cô đâu có tuyệt thực.

Nàng tuân lời một cách máy móc. Một ly rượu thứ hai làm nàng tỉnh hẳn. Nàng ngồi dậy để nhìn thẳng vào Ari. Thử thách đang trải qua không ghi bao nhiêu dấu vết trên chàng. Chàng lo âu, hối tiếc, lung lay? Đôi mắt lạnh lùng, thái độ cương quyết của chàng không hề biểu lộ một xúc động nào. Chàng mỉa mai:

- Tôi chờ cô đến viếng nơi đây từ lâu rồi.

- Ồ, tôi không hề có ý định cầu xin gì ông. Tôi chỉ đến để báo cáo tình hình với ông như một Palmachnik tốt. Vào lúc này đây, chừng mười hai em kiệt lực rồi. Chúng rất có thể sẽ chết. Vậy thì thưa ông Ben Canaan ông quyết định ra sao đây?

- Sự thù hận của cô không ăn thua gì đến tôi cả đâu, Kitty. Tôi quen bị mọi người đả kích rồi. Ngược lại, tôi mong được biết rõ điều sau: các tình cảm nhân đạo của cô có đủ rộng lớn để bao trùm tất cả lũ trẻ kia không, hay chỉ liên quan đến đời sống của một đứa duy nhất thôi?

- Ông không có quyền đặt câu hỏi ấy.

- Tôi đoán có sai đâu. Cô chỉ chiến đấu cho một người con gái duy nhất, cho một mạng sống thôi. Còn tôi, tôi chiến đấu cho quyền sống của hai trăm năm chục ngàn người.

Kitty đứng dậy

- Tôi thích trở lại làm việc của tôi hơn. Tuy vậy, trước khi rời ông, đến lượt tôi đặt cho ông một câu hỏi: ông biết tại sao tôi muốn lên tàu này, như vậy sao ông còn cho phép tôi lên?

Ari quay mặt đi để ngắm qua khung cửa tròn những chiếc phóng ngư lôi hạm đang chặn đứng đường ra biển:

- Có lẽ tại vì tôi muốn được gặp lại cô, Kitty.

Sir Clarence Tevor Browne đi đi lại lại trong văn phòng của tướng Sutherland. Thỉnh thoảng ông dừng lại trước cửa sổ để nhìn về phía hải cảng Cyrénia. Khói thuốc xì gà của ông sau cùng đã tạo ra cả một đám mây mù.

Sutherland dụi tẩu thuốc và ngắm nghía đủ loại sandwich để trên chiếc bàn có bánh xe.

- Sir Clarence, sao ông không chịu ngồi xuống? Ông cần phải ăn uống đôi chút cho lại sức....

Tevor Browne thở dài, ngồi xuống và cầm một miếng bánh mì thịt. Nhưng sau khi cắn một miếng, ông lại để trả trên bàn, lầu nhầu:

- Tôi cảm thấy lương tâm bất ổn.

Sutherland phê bình một cách cay đắng:

- Quả thực là một vụ tồi tệ cho một người có lương tâm. Hai trận đại chiến, mười một lần phục vụ tại hải ngoại, sáu huy chương, ba lần tuyên dương - để rồi sau cùng tôi bị bó chân bó tay bởi một bọn nhóc con. Quả thực là một cách rất đẹp để chấm dứt ba mươi năm phục vụ trung thành và hết sức cho tổ quốc, phải không sir Clarence? Thôi, xin ông đừng có đưa mắt nhìn mấy miếng bánh mì làm gì. Tôi biết là ông chỉ đợi dịp là nói với tôi về vấn đề đó.

Tevor Bronwne rót một chén trà, và lại thở dài:

- Ông bạn Bruce ạ, nếu tôi là người duy nhất có quyền quyết định...

- Đừng có giả bộ thế, sir Clarence. Hối hận, không phải là việc của ông mà là việc của tôi. Chính tôi đã làm ông thất vọng.

Sutherland đứng dậy như để che giấu những giọt nước mắt đang chảy ra trên má:

- Tôi mệt rồi, hết sức mệt rồi...

Tevor Browne hấp tấp nói:

- Chúng tôi sẽ thu xếp để ông bạn về hưu hết sức kín đáo. Dĩ nhiên là với lương bổng phụ cấp trọn vẹn. Ông bạn có thể tin cậy ở tôi. Hiện giờ ông bạn đã có dự định gì chưa?

- Rồi và chưa: những tháng vừa qua tại Chypre nhất là mấy tuần lễ vừa rồi đã ảnh hưởng đến tôi một cách sâu đậm. Sir Clarence ạ, điều tôi nói sau đây có thể làm ông cho là dị kỳ, nhưng quả thực tôi không hề thấy tôi là chiến bại. Ngược lại là khác, có lẽ tôi đã tìm ra được một điều hết sức quan trọng, một điều mà tôi đã để mất từ nhiều năm nay.

- Thế hả? Điều gì vậy?

- Sự thực, sir Clarence. Ý nghĩa của sự công bình và bất công. Ông có nhớ những gì ông đã nói với tôi ngày mà tôi nhận chức vụ chỉ huy hiện tại không? Ông đã nói chỉ có vương quốc trên trời mới xây dựng trên sự Công chánh và Bất công mà thôi, còn các vương quốc trên thế gian này chỉ có nguyên lý chính là dầu hỏa.

- Tôi còn nhớ những lời đó lắm.

- Tôi đã suy nghĩ nhiều từ khi có vụ Exodus. Suốt đời tôi, tôi đã biết phân biệt Công bình với Bất công - như hầu hết mọi người trong chúng ta. Nhưng nhận biết điều gì là công chính là một việc, sống theo Công chính lại là một việc khác. Trong cuộc đời của một người biết bao lần hắn đã phải làm những điều trái với lương tâm chỉ để mình sống còn thôi? Tôi không thể nào diễn tả cho ông hiểu hết lòng thán phục tôi dành cho những con người phi thường ấy, những thánh nhân có thể tuyên bố lớn tiếng niềm tin của họ, dầu rằng có vì thế mà họ phải chịu bôi nhọ, tù đầy, tra tấn, tử hình. Niềm bình an nội tâm của họ chắc phải tuyệt vời! Cứ lấy Gandhi làm thí dụ thì thấy.

“Vậy tôi, tôi có ý định đi thăm cái dãy đất sa mạc khô cằn mà tất cả những người Do Thái coi như là thiên đàng trên cõi trần này đây. Tôi muốn khám phá vùng này từ bắc chí nam - Galilée Judée, Jérusalem - đến tận những nơi khuất nẻo khác. Có thể tôi còn cư ngư luôn ở xứ đó... gần Safed, trên sườn ngọn Canaan”.

Tevor Brown gật đầu:

- Xét cho cùng, tôi ao ước được như ông bạn thôi.

Có tiếng gõ cửa và thiếu tá Allistair bước vào, mặt tái xanh, xúc động ra mặt. Bằng một bàn tay run rẩy, Allistair đưa trình một bản văn. Tevor Browne đọc lướt qua, đọc lại rồi đọc lại nữa bằng một vẻ mỗi lúc càng có vẻ không tin. Ông đưa bản văn cho Sutherland, nói nhỏ:

- Xin ơn trên cứu giúp chúng ta!

KHẨN.

“Ari Ben Canaan, phát ngôn viên của Exodus, loan báo rằng kể từ ngày mai, đúng 12 giờ trưa, mười người tình nguyện sẽ tự tử mỗi ngày trên boong tàu, ngay trước mắt quân đội Anh. Sự phản kháng mỗi ngày như thế sẽ được tiếp tục cho đến khi tàu được phép nhổ neo đi Palestine hay tất cả những người trên tàu đều đã chết hết”.

Ở Luân Đôn, được thông báo cái tin không thể tin nổi ấy, Bradshaw vội vàng đưa Humphrey Crawford cùng nửa tá chuyên viên nữa lên hai chiếc xe Bentley to tướng chạy hết tốc lực về một căn nhà hoàn toàn cô lập ở miền quê. Bradshaw không thể để phí một chút thì giờ nào bởi vì ông chỉ còn đúng mười bốn tiếng nữa để tránh đợt tự sát đầu tiên trên tàu Exodus.

Dù bướng bỉnh đến độ ngoan cố, tin chắc ở trí thông minh và quyền lực của mình, không phải vì thế Bradshaw không biết nhận một chiến bại. Bây giờ ông cố gắng đạt tới một thỏa hiệp cho phép Anh quốc cứu vãn thể diện. Ông bắt đầu bằng cách điện tín hay điện thoại cho khoảng một chục lãnh tụ phục quốc Do Thái ở Anh, Palestine và Hoa Kỳ để yêu cầu họ can thiệp. Nhất là các lãnh tụ ở Palestine bởi vì họ có thể kìm hãm bớt sự hăng hái liều chết của các đồng bào kia để cho người Anh có đủ thì giờ đưa ra một kế hoạch nào đó. Theo ý của Bradshaw tất cả vấn đề là ở chỗ đó: nếu đưa được Ari Ben Canaan đến chỗ chấp nhận thương thuyết, thì ông, Bradshaw, rất có thể thuyết phục hắn cư xử hợp lý hơn. Dầu sao, ông cũng đã thuyết phục được biết bao nhiều người rồi...

Sáu giờ sau, Bradshow nhận đủ các trả lời của các lãnh tụ Do Thái. Tất cả đều đồng nhất: “Chúng tôi từ khước can thiệp”.

Bradshaw liền liên lạc với Chypre, trao nhiệm vụ cho Tevor Browne thông báo với Exodus rằng chính quyền Anh đang chuẩn bị một dự án thỏa hiệp và yêu cầu Ben Caann hoãn thêm hai mươi bốn giờ nữa.

Tevor Browne thi hành các chỉ thị này và chuyển câu trả lời của Ari về Luân Đôn:

“KHẨN

Ben Canaan cho rằng tất cả mọi thảo luận đều vô ích. Đối với hắn, vấn đề rất giản dị: Edoxus sẽ được đi hoặc là không. Ngoài ra hắn còn đòi miễn truy tố cho tất cả mọi người Do Thái gốc Paslestine hiện diện trên tàu. Hắn đã tóm tắt lập trường bằng cách nhắc lại lời nói của Moise trước Pharaon: Hãy để dân tộc tôi ra đi.

TEVOR BROWNE”

Đêm hôm đó Bradshaw không sao ngủ được. Chưa đến sáu giờ nữa, đợt tự tử đầu tiên sẽ bắt đầu trên tàu Exodus. Nghĩa là ông chỉ còn ba giờ nữa để chuẩn bị một quyết nghị đệ trình hội đồng nội các. Còn có ba giờ... Trong khi tên dân điên rồ xứ Palestine ấy lại từ chối tất cả mọi thỏa hiệp.

Thực ra, tên Ben Canaan có điên khùng thật không?

Trốn chạy căn buồng mà ông đã không biết làm gì hơn là quay cuồng, Bradshaw trở lại văn phòng. Một cách máy móc, ông cầm lấy tờ giấy đầu tiên trong tầm tay:

“Ari Ben Canaan, phát ngôn viên của Exodus, loan báo rằng kể từ ngày mai, đúng mười hai giờ trưa, mười người tình nguyện sẽ tự tử mỗi ngày...”

Tay ông run lên đến nỗi đánh rơi tờ giấy trong tay, tờ giấy rơi lên trên khoảng chừng hai chục bản văn khác phát xuất từ các chính phủ Âu châu và Mỹ châu diễn tả trong ngôn ngữ mờ mịt của ngoại giao những lo ngại nghiêm trọng về vụ Exodus. Trong một hồ sơ khác cũng có những bản văn được soạn thảo trong một bút pháp hết sức ít ngoại giao hơn: đó là các thông điệp của các quốc gia Ả Rập gửi tới Luân Đôn trong đó cho rằng “Cho phép tàu Exodus nhổ neo về Palestine, Anh quốc sẽ sĩ nhục toàn thể thế giới Hồi giáo”.

Lần đầu tiên trên đời, Bradshaw cảm thấy hoang mang không biết định ra sao. Những ngày gần đây quả thực là địa ngục. Thế mà ông đã từng nhào lặn, hướng dẫn chính trị toàn thể Trung Đông từ ba mươi năm nay... Để rồi đột nhiên phải đương đâu với một tình trạng nan giải, chỉ vì một chiếc tàu kéo khốn khổ!

Định mệnh đã đưa ông bằng một trò nham hiểm nào đó đến chỗ bắt ông phải đóng vai trò áp bức mặc dù ông không hề muốn! Không có một ai trên thế gian này có thể kết tội ông là bài Do Thái được hết. Từ nhiều năm rồi Bradshaw âm thầm thán phục những người Do Thái ở Palestine, ông hoàn toàn hiểu thấu tại sao họ muốn trở về xứ của Isarel. Liệu mọi người có thể trách ông chỉ vì ông là người Anh, tin tường rằng chỉ có thể bảo vệ quyền lợi Anh quốc bằng cách ủng hộ những người Ả Rập được chăng? Người Ả Rập, trước sự nhập nội của hơn nửa triệu người Do Thái vào phần đất do người Anh bảo hộ này, đã tức giận vì thấy người Anh dung dưỡng và che chở cho cái quốc gia tân lập này.

Hậu quả là... Bradshaw tự hỏi cái gì sẽ xảy đến cho mình đây. Ông, một con người hết sức thực tế đối với người khác cũng như đối với vấn đề của chính mình? Cô đơn trong văn phòng, ông có cảm tưởng đang trông thấy chính những đứa cháu ông đang ngất xỉu nằm dài trên boong tàu Exodus. Cũng như hầu hết các người Anh khác, Bradshaw có một quan niệm sâu xa về danh dự, và dù rằng không ngoan đạo cho lắm, ông thuộc lòng Thánh Kinh. Nhưng từ đó đến chỗ suy luận giả thử rằng những kẻ trên tàu Exodus được nâng đỡ bởi một sức mạnh thần bí... nhưng không một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào có thể tin ở các sức mạnh siêu nhiên.

Thế mà mặc dù vậy: HÃY ĐỂ DÂN TỘC TÔI RA ĐI! Ông, Cecil Brabshaw, có sẵn sàng dưới tay một đạo quân, một hạm đội, tất cả mọi phương tiện để đè bẹp Exodus, nhưng ông không sao xử dụng nổi tất cả các phương tiện đó. Vì Pharaon trong Cựu ước kinh phải chăng cũng đã có tất cả các phương tiện để đè bẹp những người Hébreux đó sao. Và hãy thử hỏi chính vị pharaon cùng đạo quân của ông ta đã ra sao?

Tất cả những điều này không có gì vững chắc hết. Chắc chắn là ông mệt rồi, ông đang chịu ảnh hưởng của sự căng thẳng thần kinh trong những ngày gần đây...

HÃY ĐỂ DÂN TỘC TÔI RA ĐI! Phải chăng ông đang làm thần thánh nổi giận chống lại quốc gia ông hay không? Ông trở về buồng, nằm xuống, cố ngủ. Nhưng vô ích: một nhịp điệu dồn dập, ám ảnh xoáy lên trong óc ông... Hãy để dân tộc tôi ra đi... Hãy để dân tộc tôi ra đi... Ông gọi lớn, rồi gọi lớn hơn nữa, gần như gào lên:

- Crawford! Crawford!

Viên sĩ quan liên lạc chạy tới, vừa đi vừa cột lại đai áo ngủ:

- Thưa ngài, ngài gọi tôi?

- Phải. Báo ngay lập tức cho Tevor Browne ở Chypre. Nói với ông ta... Chỉ thị cho ông ta là để tàu Exodus nhổ neo đi Palestine!