Về Miền Đất Hứa

Chương 23

Docsach24.com
uân Đức rất bực tức về vụ tiếp đón thiên hạ để dành cho chúng ở ghetto. Được triệu gọi tới dinh toàn quyền Frank viên ủy viên của Gestapo chịu trách nhiệm về khu Do Thái đã thề rằng sẽ giải quyết thanh toán vấn đề trong hai hay ba ngày. Để bắt đầu, họ tìm cách bôi xóa cảm tưởng có hại do “biến cố” này gây ra nơi các người dân Ba Lan. Mọi người đã nói đi nói lại là tất cả các người Do Thái đều hèn nhát, còn bây giờ thì quân Đức cả quyết với dân Ba Lan là vụ nổi dậy chỉ là công trình của một nhóm nhỏ điên khùng và lệch lạc, những kẻ trong quá khứ đã cưỡng hiếp các cô gái bé Ba Lan.

Trong ghetto, tổ chức trung ương kháng chiến, sau khi thanh toán tàn nhẫn các kẻ hợp tác với quân thù, đã chiếm ngữ các vị trí phòng ngự đã để ý sẵn và chuẩn bị sẵn từ lâu.

Thời gian chờ đợi khá dài. Quân Đức chỉ trở lại vào hai tuần lễ sau. Lần này các toán quân tiến vào đều võ trang nặng và tiến một cách thận trọng. Nhưng một lần nữa, hàng rào đạn mạnh mẽ của những người Do Thái ẩn nấp kỹ và chắc chắn đã bắt buộc quân Đức phải rút lui ra ngoài vòng ghetto.

Bộ tham mưu Đức, quá bực tức, nhất định tung ra một cuộc tấn công dữ dội. Sự kiện đáng chú ý là ngày quân Đức ấn định mở ra cuộc hành quân này lại trùng với ngày khởi đầu của các ngày lễ Pessachs, tuần thánh Do Thái, đánh dấu cuộc di cư tập thể của các người Do Thái thời cổ đã được Moise giải phóng khỏi gông cùm Ai Cập.

Vào lúc 3 giờ sáng, ba nghìn quân S.S tăng cường bằng các chú lính “Xanh” Ba Lan và Lithuanie bao vây ghetto. Hàng chục đèn pha soi sáng địa thế, chỉ định các mục tiêu cho các súng cối và trọng pháo. Hàng rào hỏa lực cứ thế tiếp tục cho tới rạng đông.

Trời sáng, quân S.S xung phong. Vượt bức tường bao quanh tại nhiều điểm, các đạo quân hướng về trung tâm ghetto không gặp một sự kháng cự nào. Đột nhiên, khi đa số quân Đức đã đi sâu, tản mác vào các đường hầm, ngoằn ngoèo, bên phòng ngự mới nổ súng, bắn địch trong tầm súng hiệu lực nhất. Và đây là lần thất trận thứ ba của quân Đức.

Hai mươi bốn giờ sau, một trận tấn công bằng chiến xa đã bị đẩy lùi bằng các chai xăng châm lửa. Thiếu sự yểm trợ, các thiết giáp đã bị đốt cháy, quân S.S. phải rút lui lần thứ tư, để lại hàng trăm người tử trận trên chiến trường.

Toàn quyền Frank không chịu nổi nữa. Ông cách chức tên ủy viên Gestapo và thay thế bằng một tướng S.S, với mệnh lệnh là phải san bằng ghetto giết hết những người trong đó để làm gương như thế nào để từ giờ về sau không còn ai dám thách thức sức mạnh của Đức quốc nữa.

Viên tướng S.S. là một người có kế hoạch. Mỗi ngày ông ném ra một trận tấn công mới, sử dụng một chiến thuật mới, đánh vào một hướng mới. Các chiến binh Do Thái chiến đấu như điên, từng căn nhà một, từng phòng một, từng tầng gác một. Họ nhất định không chịu để bắt sống. Trong ba tuần lễ nữa, sư đa mưu, lòng can trường và niềm tuyệt vọng đã cầm cự nổi với các trận tấn công hàng ngày, mặc dù ưu thế quá mạnh của địch. Tuy vậy, không còn ngờ gì được nữa về kết thúc của trận chiến: bên Do Thái không thể thay thế những người đã tử trận, mức tiêu thụ đạn dược cao hơn mức sản xuất của các cơ xưởng thô sơ của họ rất nhiều, và không còn có thể nghĩ tới chuyện đánh chiếm lại một vị trí đã bị địch quân lấy mất, dù vị trí này có là quan yếu cho việc bảo vệ một khu đi nữa.

Bên phía quân Đức, viên tướng S.S. cũng không vì thế mà kêu lên là mình thắng trận. Các quân sĩ của ông đã bị nhiều thiệt hại nặng, và tuyên truyền Quốc xã không thể nào che giấu được nữa sự kiện đáng ngạc nhiên sau: một nhóm người Do Thái đói khát đã đánh bại các đơn vị ưu tú nhất của quân lực Đức. Viên tướng quyết định đổi phương pháp. Ông cho rút quân ra khỏi ghetto, xiết chặt vòng vây chung quanh rồi đưa pháo binh nặng tới.

Khi đó, quả là địa ngục. Không ngừng, các súng lớn bắn vào khu Do Thái, phá hủy một cách có hệ thống cho đến tận bức tường sau cùng. Đêm đến, các oanh tạc cơ Heinkel trút xuống hàng trăm trái bom lửa.

Một buổi tối, sau khi bàn luận với các chỉ huy trưởng các đơn vị khác, Mundek trở về bunker của Những Kẻ Chuộc Tội. Các người của anh cũng như chính anh đều đi tới mức kiệt lực tối đa vì mệt, đói và khát. Nhiều người trong họ còn mang trên người những vết bỏng nặng. Một người lên tiếng hỏi:

- Chúng ta đã lập nổi liên lạc với kháng chiến Ba Lan chưa?

- Rồi chứ... Nhưng quý vị đó không hề có ý định đến cứu giúp chúng ta về đạn dược, vũ khí, bánh mì, nước; chúng ta chỉ còn có thể trông cậy vào những gì chúng ta hiện còn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không còn thể chiến đấu theo một kế hoạch chung nữa. Kể từ ngày hôm nay, mỗi bunker sẽ tự mình chiến đấu đơn độc. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ thử giữ liên lạc với bộ chỉ huy trung ương, nhưng chúng ta sẽ tự mình tổ chức và thực hiện các vụ phục kích và tấn công.

- Chúng ta còn cầm cự được bao lâu nữa, anh Mundek? Chúng ta chỉ con có ba mươi người, mười súng lục và sáu carbine.

- Ai biết được... Tất cả quân lực Ba Lan chỉ cầm cự được có hai mươi sáu ngày. Chúng ta đã làm được hơn họ rồi.

Mundek cắt lính canh, phân phối các khẩu phần ít ỏi và chỉ định những người sẽ đi tuần thám vào lúc rạng đông.

Một cô gái đã cầm lấy một chiếc phong cầm cũ kỹ, chơi một điệu nhạc chậm và buồn bã. Hết thanh niên này đến thanh niên khác, lên tiếng hát cùng thiếu nữ - một bài ca êm ái họ đã học ngày xưa trong các buổi hội của Những Người Chuộc Tội, lời ca ngợi vẻ đẹp của miền Galilée với các quả đồi tươi tốt và các cánh đồng phì nhiêu. Trong chiếc hầm ẩm ướt này, đào sâu dưới ba thước đất bị cầy nát của ghetto Varsovie, những người trẻ tuổi này ca ngợi vẻ đẹp của xứ Israel mà có lẽ chẳng bao giờ họ sẽ được nhìn thấy.

Đột nhiên có tiếng la nhỏ của người canh:

- Báo động!

Các ánh sáng tắt phụt, một im lặng nặng nề rơi xuống căn hầm. Một bàn tay hối hả gõ vào cửa, theo mật khẩu. Cửa mở, ánh sáng trở lại.

- Dov! Chú trở về đây làm gì?

- Anh Mundek, em xin anh... Đừng bắt em đi nữa!

Hai anh em hôn nhau và Dov bắt đầu khóc. Cần phải một thời gian hắn mới trấn tĩnh lại được. Sau cùng hắn loan báo một tin ghê tởm: kháng chiến Ba Lan cương quyết và dứt khoát từ chối cứu trợ ghetto, và ngoài ra thiên hạ ít nói tới vụ nổi dậy của người Do Thái ở ngoài thành. Mọi người không muốn nhắc tới nữa. Dov nói thêm:

- Khi trở về đây, em đã trông thấy trong các ống cống rất nhiều người của chúng ta, đàn ông đàn bà nằm trong bùn, quá yếu vì đói khát. Và dẫu sao họ cũng chẳng còn biết đi đâu nữa. Ở Varsovie không ai muốn có họ hết.

Vì như thế, Dov Landau, một đứa trẻ mười ba tuổi đã trở lại với ghetto để ở lại nơi này. Và Dov không phải là kẻ duy nhất làm vậy. Trong những ngày sau đó, mọi người chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ: từ Varsovie các làng chung quanh, hàng chục hàng trăm người Do Thái đã trốn thoát được và ngụy trang được thành người công giáo đã trở lại ghetto để tham dự vào trận đánh sau cùng. Họ cho rằng chết trong nhân phẩm vẹn toàn là một một đặc quyền đẹp đẽ.

Sau cùng, pháo kích ngưng, các đám cháy tắt. Và các S.S. lại tấn công. Lần này chúng nắm giữ tất cả mọi ưu điểm. Người Do Thái không còn các vị trí phòng ngự, không còn đường liên lạc giữa các cứ điểm, các dự trữ đạn dược, bánh và nước đã hết hoàn toàn. Quân Đức tiến có phương pháp, mỗi lần chỉ bao vây một khu thôi để thanh toán tất cả các bunker trong khu đó bằng trọng pháo và súng phóng lửa.

Chúng cố gắng hết sức bắt tù binh để tra tấn mà kiếm ra vị trí các hầm trú. Nhưng các người Do Thái thích bị thiêu sống hơn là để lọt vào tay địch hay đầu hàng.

Không dám phiêu lưu vào các ống cống, quân Đức bơm hơi ngạt xuống. Ngay lập tức, nước bùn dưới cống đã lôi theo những chùm xác người bám vào nhau. Dầu thế, kháng chiến vẫn tiếp tục đột kích chớp nhoáng các toán quân Đức tách ra khỏi chủ lực, các toán quyết tử lao vào đích tay cầm các lựu đạn mở chốt sẵn đã làm cho quân Đức thiệt hại hàng trăm người. Bấy giờ tổng số tổn thất của quân Đức đã lên tới nhiều ngàn người.

Ngay 14 tháng 5, Mendek họp tất cả mười hai người sống sót trong tổ chức của anh lại. Anh cho họ chọn một trong hai đường: hoặc ở lại với anh, chết với vũ khí trên tay, hoặc là theo Dov trốn ra ngoài ghetto bằng những ống cống mà Dov biết có thể không có hơi ngạt. Dov ra đi ngay để tìm những lộ trình còn dùng được. Hắn thò ra phía bên kia tường, vô sự, nhưng khi đến gần số 99 đường Zabrowska, linh tính báo động làm hắn chậm bước. Với dáng điệu thản nhiên, hắn đi qua nhà, không vào. Cặp mắt sắc của hắn đã ghi nhận thấy ngay khoảng một chục người rải rác trên các vỉa hè, quan sát căn nhà. Dov không biết bà Wanda đã bị bắt chưa, nhưng hắn biết chắc chắn là căn nhà này không còn là nơi ẩn trú.

Hắn chỉ trở lại ghetto vào rất khuya trong đêm. Lạc lõng giữa các hoang tàn đổ nát bôi xóa cả đến các đường phố, hắn vất vã mới tìm ra lối vào bunker. Khi bước xuống các bậc thang đào trong đất, hắn đã ngửi thấy mùi thịt cháy khét quen thuộc. Hắn châm ngọn nến bao giờ cũng mang theo trên người mỗi khi xuống đường cống, và chậm chạp đi quanh hầm, quỳ gối trước từng xác người. Các tia lửa của súng phóng lửa đã lọt thẳng vào hầm trú, thiêu cháy các xác đến độ không sao nhận diện được nữa. Dov không sao biết được đâu là xác của anh mình nữa.

Ngay 15 tháng 5 đài phát thanh Do Thái phóng đi lời kêu gọi sau cùng:

“Đây là tiếng nói của Ghetto Varsovie! Nhân danh tình thương của Chúa, hãy cứu giúp chúng tôi!”

Ngay 16 tháng 5 năm 1943, bốn mươi hai ngày sau khi khởi nghĩa, quân S.S. đặt mìn cho nổ tung đại giáo đường Do Thái, tòa nhà trong bao nhiêu năm đã là biểu tượng cho Do Thái giáo ở Ba Lan. Cũng như đền thờ của Salomon đã bị quân La Mã hủy diệt, đền thờ của Do Thái giáo ở đường Tlamatzka bị phá tan bởi tay quân Đức. Và toàn quyền Frank đã có thể loan báo rằng vấn đề ghetto Varsovie đã tìm thấy được “giải pháp sau cùng”.

Bản thông cáo quân sự cho biết rằng trong vòng thành của ghetto, chỉ còn những mẩu tường không cao quá tầm người, quân chiến thắng đã thu hồi được mười sáu súng lục và bốn súng trường, những nhà cửa đổ nát trong khu sẽ cung cấp được nhiều vật liệu xây cất, không có bắt được tù binh nào.

Thoát chết một cách nhiệm mầu, Dov tụ hội cùng sáu người sống sót khác. Họ bắt đầu lục lọi các bunker cho tới khi kiếm được vũ khí đủ dùng. Sau đó, họ tổ chức cuộc sống. Ban đêm, Dov hướng dẫn họ “xuyên dưới tường” ra Varsovie để đánh cướp các kho lương thực. Ban ngày, họ chui xuống cố thủ dưới đất, trong một bunker được đào sau khi trận đánh đã kết liễu. Trong năm tháng liền, một trăm năm chục ngày liền mà mỗi ngày là một thiên thu, họ không một lần trông thấy ánh sáng mặt trời. Rồi người này đến người kia kế tiếp nhau chết: ba người bị bắn hạ trong một cuộc đột kích ở Varsovie, hai người khác tự tử, người thứ sáu chết vì đối.

Sau cùng, Dov bị một toán tuần tiểu Đức khám phá ra. Hắn đang dở sống dở chết, gầy như bộ xương, không còn hình dạng con người nữa. Toán quân chỉ làm hắn đủ tỉnh trở lại để kéo đến tổng hành dinh của Gestapo. Bị thẩm vấn, tra tấn tàn nhẫn, Dov không hé răng. Dầu thế nào, số phận của hắn cũng được định đoạt rồi: Dov Landau, mười ba tuổi, con chuột của ghetto và ống cống, tay làm giả mạo đầy kinh nghiệm, sẽ được biết niềm vui của sự tái định cư. Nơi được gởi đến: Aushwitz!