Về Miền Đất Hứa

Chương 17

Docsach24.com
ột cơn gió mạnh làm quay cuồng những đợt sương mù quanh hải cảng cổ xưa Césaráe, ném các nắm cát vào các di tích hoang tàn, quất những đợt sóng vỡ tan trên những khối đá lớn của các kẽ đá đổ nát. Thủ đô của xứ Palestine thời La Mã, do Hérode xây dựng lên để kính mừng cho César, chỉ còn là một đống nhà đổ nát, các bức tường cũ kỹ siêu vẹo. Một thành phố chết nằm giữa biển lãnh đạm và sa mạc thù nghịch.

Tuy thế, cách vài chục thước về phía nam các di tích đổ nát, mọc lên các căn nhà đầu tiên của một làng tập thể của các ngư phủ Do Thái. Đêm nay, không có dân làng nào ngủ hết. Đàn ông đàn bà nằm hay ngồi xổm giữa các di tích của sự huy hoàng xa xưa, nhìn chăm chăm ra biển khuất trong sương mù. Số dân làng vào khoảng hai trăm, tăng cường thêm cũng chừng số đó các chiến binh của Palmach.

Trên đỉnh tháp cổ Drusus xây nhô ra biển sóng vỗ tung tóe, một ngọn đèn pin mạnh lóe sáng rồi tắt ngay. Ở trên đất liền, mọi người chuẩn bị.

Trên tàu, hàm răng Bill Fry xiết chặt lấy mẩu xì-gà không bao giờ rời miệng, tay xiết chặt lấy bánh lái. Từ từ, thận trọng, ông đưa tàu về phía bờ biển theo một lộ trình ngoằn nghoèo có vẻ lung tung nhưng thực ra hết sức chính xác để tàu đi dọc được theo các bờ đá và bãi ngầm. Trên boong, những người di dân tụ họp sau lan can tàu, cứng người chuẩn bị lúc tàu va chạm vào bờ.

Đột nhiên, tàu húc phải một hòn đá lởm chởm. Chiếc tàu nhỏ rung lên, các lỗ mọt kêu rắc rắc. Một hỏa châu cô đơn vọt lên trong đêm tối. Và sau đó là một cuộc hỗn loạn mạnh ai nấy lo.

Hỗn độn chen lấn, những người di dân leo qua thành tàu để buông mình tụt xuống hay nhảy thẳng xuống nước ngập tới ngang vai, chiến đấu từng bước tiến về bờ cách đó khoảng nửa cây số. Trên bãi, ngư phủ và Palmachnik chạy ra khỏi các chỗ nấp để tiến về phía các kẻ di dân. Hai nhóm gặp nhau, nhập làm một, những bàn tay khỏe mạnh của dân Palestine nắm lấy ngang người các di dân để kéo về đất liền.

- Nhanh lên! Cởi quần áo ra, mặc quần áo này vào! Vứt các giấy tờ căn cước đi! Lẹ! Những người nào đã sẵn sàng, theo chúng tôi. Tiến lên, tiến! Nhanh lên! Giữ im lặng! Không được nói một tiếng! Không được bật ánh sáng! Đừng dúm chụm như thế, tản ra, trà trộn vào các ngư phủ?

Sững sờ, run rẩy, xúc động,những kẻ di dân cố tuân theo các mệnh lệnh đưa tới họ qua những lời thì thầm điểm bằng những tiếng “Nhanh! Lẹ!” nhắc đi nhắc lại hoài. Họ không than thở vì bị xô đẩy như thế. Một số người, hoàn toàn choáng váng với ý nghĩ là sau cùng mình đang được đặt chân lên một tổ quốc thực sự đã nằm sấp xuống đất hôn trên cát.

- Thôi nào, tiến lên đi! Các người sẽ có thì giờ để làm việc đó, nhưng đêm nay thì không. Tiến lên, nhanh lên.

Trên boong tàu, Karen chuyển từng đứa bé một cho các Palmachnik đang đi đi lại lại giữa tàu và bãi biển. Cần phải có những người khỏe mạnh để đưa chúng vượt qua vùng sóng dội ngược mạnh này.

- Nhanh lên! Tiến lên! Nhanh nữa lên!

Và họ làm việc thật nhanh! Sau chừng một giờ, trên chiếc tàu bị mắc cạn chỉ còn chừng ba mươi đứa trẻ, các cấp chỉ huy và thuyền trưởng. Bill Fry quay đầu về phía bắc bằng một dáng điệu vừa lo lắng dò hỏi vừa thích thú vì chiến thắng. Phía xa, cách đó chừng bốn mươi cây số, một đơn vị mạnh của Palmach tấn công không ngừng một kho quân dụng của Anh, một trận đánh đánh lạc hướng quân Anh để đừng quá coi chừng tới các bãi biển.

Sau cùng, đứa bé sau chót đã được đưa qua lan can tàu. Bill Fry buông người dựa vào đài chỉ huy và ra lệnh cho các cấp chỉ huy bỏ tàu.

Karen nhắm mắt lại nhảy xuống nước. Co người lại vì nước lạnh, nàng định hướng, bơi vài cái đủ để chân chạm đất. Nàng tới được một hòn đá to, đặt được chân lên đó, leo lên, tiến bằng cách bò. Một đợt sóng dữ lại vứt nàng xuống biển. Nàng lại bơi, lại đặt chân được lên cát, cố tìm đường tiến về đất liền bằng cách chống lại một luồng sóng ngầm kéo nàng ra khơi. Đất lên cao dần, người nàng mỗi lúc nhô cao, rồi lại một khoảng dốc nữa làm nàng lại phải bò...

Từ một nơi nào trong bóng đêm, một tiếng còi rít lên.

Một loạt súng nổ dữ dằn, chói tai.

Trên bãi biển, ngư phủ và di dân phân tán chạy tứ tung.

Thở hổn hển, Karen đứng dậy. Nước chỉ còn lên tới đầu gối nàng. Nhưng cách nàng hai ba bước trước mặt, nhiều người lính Anh cầm dùi cui to lớn chặn mất đường vào. Nàng kêu lên:

- Không! Không! Không!

Nàng cúi đầu lao người một cách dữ tợn vào hàng rào kaki, tay xòe móng ra, đấm đá tứ tung. Một cánh tay nắm lấy phía sau nàng, làm nàng ngã chúi quỳ người lên đầu gối. Một khoảng khắc sau, kẻ đang giữ nàng thét lên một tiếng, vùng vằng cố gỡ tay ra khỏi miệng thiếu nữ đang cắn hết sức mình. Dữ tợn, nàng vùng thoát đứng lên được. Nhưng khi nàng định chồm lên chạy nữa thì một gậy gỗ đã phang vào đầu. Nàng rên lên một tiếng, chân mềm nhũn, nàng ngã gục xuống sóng biển.

Karen mở mắt ra. Những cơn đau còn vang đội trong đầu. Tuy vậy nàng mỉm cười khi nhận ra bộ mặt râu rậm của Bill Fry đang cúi xuống. Đột nhiên trí nhớ trở lại, nàng hét lên, cố gắng đứng dậy:

- Tụi nhỏ!

Bill giữ nàng lại, bắt nàng nằm xuống.

- Đừng có lo, cô bé. Đa số tụi trẻ đã chạy thoát được. Còn các đứa khác đang ở đây với chúng ta.

Yên tâm, nàng thở dài, mắt nhắm lại.

- Chúng ta đang ở đâu đây?

- Atlit, một trại giam của quân Anh. Mấy bồ Anh ấy lãnh đủ. Quá một nửa số hành khách của chúng ta đã chạy kịp. Bọn tommy [1] điên lên, điên hẳn hoi ấy. Họ bắt tất cả những ai có mặt ở nơi ấy: thủy thủ đoàn, ngư phủ, di dân. Chút nữa họ thanh lọc, tha hồ mà cười. Cô bé cảm thấy sao?

- Cám ơn bác, còn khá đau. Nhưng cháu đã bị cái gì vậy bác?

- Một tí dại đột, cô bé đã định choảng nhau, một mình với quân lực Anh. Ta phải ghi nhận rằng ý định ấy hay lắm...

Nàng ngồi xuống, thận trọng sờ đầu. Phía trên thái dương trái, nàng tìm thấy u lên một cục. Nàng nhăn mặt một cái khi nhận thấy quần áo mình vẫn còn ướt. Nghiến răng, nàng đứng dậy đi hơi chệch choạng đến tận cửa lều. Trên một khoảng đất cát cao, hàng trăm lều nằm sau một thứ không thể thiếu được và cũng không thể chấp nhận nổi, đó là hàng rào kẽm gai. Nàng nói nhỏ:

- Cháu không hiểu cái gì đã đến với cháu nữa. Suốt đời, cháu chưa đánh ai một cái bao giờ. Nhưng trông thấy những người lính đứng ngăn cháu nơi bãi biển, và cũng không hiểu một động lực nào, thúc đẩy cháu không sao cưỡng lại được... Cháu hết sức muốn đặt chân lên cát ấy, đất của Israel... cháu có cảm tưởng sẽ chết mất nếu không tới được đó...

- Cô bé ăn một cái gì chăng?

- Cháu không đói. Bác Bill, nói cho cháu biết họ định làm gì chúng ta?

Bill nhún vai:

- Hãy chờ trời sáng đã. Chắc vẫn cái trò thường lệ, trưa nay họ sẽ thẩm vấn cô, hỏi cả triệu câu hỏi ngốc không chịu được. Hẳn cô bé đã thừa biết cách trả lời rồi.

- Cháu không quên đâu. Cứ nói: “Đây là quê tôi, Palestine là đất nước tôi - Tôi ở xứ này, nơi này...” cho tới khi họ phát chán thì thôi.

- Đúng đấy. Dầu sao họ chỉ giữ cô bé trong trại này chừng hai ba tháng. Sau đó, họ sẽ thả. Mọi sự như vậy không vui gì đâu, nhưng ít nhất cô đang ở Palestine và sẽ ở lại xứ này.

- Thế còn bác?

- Qua ấy à? Qua là công dân Hoa Kỳ, cô bé hiểu chứ. Họ sẽ trục xuất qua như lần vừa rồi, thế thôi. Qua lại chỉ huy một tàu khác của Mossad và lại thử phá vòng phong tỏa một lần nữa. Đó là một trò thể thao khá thú vị, hiểu chứ?

Nàng nằm dài ra, hai tay áp vào thái dương để cố làm giảm những đau đớn đang quay lộn trong đầu.

- Bác Bill... bác nói cháu nghe đi... tại sao bác lại làm tất cả những điều đó? Bác là người Hoa Kỳ: Những người Do Thái Hoa Kỳ là những người tự do, đâu phải biết tới thống khổ như chúng cháu. Vậy tại sao bác...?

- A, cả cô bé nữa hả? Quả thực là mọi người cứ nhất định gán cho tôi những động lực cao cả.

Lục lọi các túi, ông khám phá ra vài điếu xì gà, và khi nhận ra chúng thấm sủng nước biển ông lấy gót giày nghiền nát.

- Những chú Mossad đã đến gặp qua. Họ kiếm những thủy thủ chuyên nghiệp. Và này, qua là thủy thủ - Qua chưa bao giờ là gì khác. Qua khởi đầu bằng làm chú thủy thủ sai vặt, để rồi sau cùng có được bằng sĩ quan phó thuyền trưởng. Cô bé thấy đó, giản dị lắm. Dĩ nhiên là mọi người trả tiền công cho qua trong các vụ tàu bè này...

- Không đâu bác Bill, cháu không tin là thế.

Fry cũng có vẻ không tin ở chính lời mình lắm.

- Này... Kể cũng khó cắt nghĩa đấy. Qua yêu Hoa Kỳ... Qua sẽ không tách cuộc đời qua ra khỏi bên đó, dầu là để đổi lấy năm mươi kiếp ở Palestine.

Ông đứng dậy đi đi lại lại trong lều.

- Phải chúng tôi là người Hoa Kỳ, nhưng dẫu sao vẫn là một loại Hoa Kỳ đặc biệt. Một cái gì khác biệt... Có lẽ vì cách xử sự của chúng tôi khác với mọi người, có thể vì tại mọi người coi chúng tôi khác với họ... qua thì qua không đủ sức cắt nghĩa tại sao hết. Nhưng này, cả đời qua đây, qua đã nghe thấy mọi người bảo qua là một thằng hèn bởi vì tất cả những người Do Thái đều hèn. Bởi thế, mỗi lần Palmach giật nổ tung một kho đạn của quân Anh, hay khện cho tụi Ả Rập một trận đích đáng, qua thấy qua như được tăng thêm giá trị. Những vụ đó đã đính chính rõ ràng cho các truyền thuyết cho rằng tất cả những người Do Thái đều là thỏ đế hết. Qua không hiểu em có hiểu qua không...

- Cháu hiểu bác lắm, bác Bill.

- Vậy hả? Thế em may mắn đấy. Bởi vì chính qua..

Ông ngồi xuống cạnh Karen và xem xét vết sưng trên đầu nàng.

- Chắc không chi nặng đâu. Dầu vậy qua đã yêu cầu bọn khốn kiếp đó đưa em đến bệnh viện...

Nàng cười, mặc dù còn đau:

- Khỏi cần, bác. Cháu cảm thay đỡ dần rồi.

Vào lúc trời sắp sáng, Palmach tung ra một trận đột kích vào trại Atlit: Hai trăm di dân đã chạy thoát được qua lỗ hổng do quân Do Thái đục thủng bằng chất nổ trong hàng rào kẽm gai. Nhưng cả Karen lẫn Bill Fry đều không thoát được trong dịp này.

Hai ngày sau, một bản báo cáo đây đủ chi tiết về vụ Ngôi sao David về tới Luân Đôn. Lần này, người Anh ý thức rõ được là họ bắt buộc phải thay đổi chiến thuật! Cho tới giờ, những tàu của Mossad chỉ chở được số lượng hành khách từ hai tới ba trăm di dân một lần. Nhưng chiếc tàu khốn kiếp kia đã mang tới một ngàn sáu trăm người và đa số đã vào lọt được Palestine... Chưa chi một trên sáu người Do Thái đã nhập nội bất hợp pháp vào Palestine.

Đối với người Anh, đó là một hoàn cảnh không có lối thoát. Giải pháp cho vấn đề Palestine vẫn cứ còn xa xôi, mờ mịt. Whitehall quyết định ít nhất cũng đem đầy những kẻ di dân “lậu” mà họ đã bắt được. Nói tóm tắt, các trại ở Chypre là hậu quả trực tiếp do vụ thành công của Ngôi sao David.

Karen Hasnen Clement đi về Chypre trên một chiếc tàu chở tù của Hải quân hoàng gia. Không những không nản lòng, nàng còn sốt ruột mong tới Caraolos để làm việc. Ở Chypre cũng như ở trong các trại khác trên toàn thế giới, vẫn có những đứa trẻ, những trẻ mồ côi cần phải nuôi dạy, giáo huấn mà nàng sẽ dạy chúng cười và vui chơi... Dĩ nhiên trong khi chờ đợi ngày mà nàng sẽ thấy lại Palestine, ngày nàng sẽ được đặt chân lại trên đất lành của Israel.

Karen im tiếng. Đã phải mất nhiều giờ qua mới kể được cho Kitty Fremont nghe hết cuộc đời mình, nhưng Kitty đã ngồi nghe nàng cho hết câu chuyện một cách rất chú ý. Chưa chi một luồng cảm tình và thông cảm đã xuất hiện giữa hai người, mỗi người đều đoán được nỗi cô đơn sâu xa của nhau. Kitty hỏi:

- Từ đó em không có tin tức gì mới về ba em nữa sao!

- Không, hoàn toàn không, kể từ La Ciotat, đã sáu tháng nay rồi.

Kitty coi đồng hồ:

- Trời! Quá nửa đêm rồi!

Karen nói nhỏ:

- Thế mà em không hay.

- Tôi cũng thế. Bây giờ tôi phải về. Chúc em ngủ ngon, Karen.

- Chúc cô yên giấc. Liệu em có còn được gặp lại cô không?

- Có thể... tôi cũng chưa biết nữa.

Bên ngoài, bóng đêm và im lặng đang đè nặng lên mấy ngàn chiếc lều của trại. Từ trên tháp canh chính, một luồng đèn pha xanh xám quét không biết mệt trên đợt sóng bất động của các mái lều. Run lên trong gió đầy bụi, Kitty thu hình trong chiếc áo măng-tô. Hình dáng cao lớn của Ari Ben Canaan xuất hiện trong bóng tối để tiến đến gặp nàng. Chàng mời một điếu thuốc, nàng nhận. Không trao đổi với nhau một lời, hai người tiến về lối ra.

Trước cổng chính, Kitty dừng lại nói:

- Tôi sẵn lòng làm việc cho các ông - với một điều kiện: Thiếu nữ này không được tham dự vào vụ đào thoát đang dự trù. Nàng sẽ ở lại trong trại, với tôi.

- Đồng ý.

Nàng quay đi, tiến nhanh về phía điếm canh.

Chú thích:

[1] Tommy: tên gọi đùa các lính Anh, tương tự như chữ G.I để chỉ lính Hoa Kỳ.