Về Miền Đất Hứa

Chương 12

Docsach24.com
age và Meta Hansen ở một ngôi nhà xinh xắn trong vùng ngoại ô Aalborg. Hai người có tất cả những gì cần thiết để tiếp nhận một cô gái bé, nhất là họ lại không có con. Họ nhiều tuổi hơn vợ chồng Clement: tóc Aage đã hoa râm và Meta không có chút duyên dáng tươi trẻ và linh hoạt nào của Myriam. Tuy vậy họ có vẻ tốt và nồng hậu đến nỗi Karen cảm thấy những lo sợ của nàng tiêu tan. Nàng không hề phản đối khi Aage ôm nàng lên, bồng ra xe.

Đến tiền sảnh, Aage và Meta đi chậm lại để cho Karen đi trước một mình đến tận cửa đang mở sẵn: cửa dẫn vào buồng hai người đã chuẩn bị sẵn cho nàng. Cô gái bé lưỡng lự, dừng lại trên ngưỡng cửa: căn phòng vui tươi, sạch sẽ xinh xắn, đầy búp bê, đồ chơi, sách băng hình, đĩa hát trẻ con - tất cả những gì một cô gái bé có thể mơ ước. Nàng vẫn còn phân vân khi nhận thấy trên giường một khối lông nâu tròn vo đang nhúc nhích: một con chó nhỏ dễ thương. Nàng quỳ xuống vuốt ve con chó và cảm thấy một cái lưỡi đang liếm mũi mình, một cái mũi ươn ướt áp vào má mình. Khi ấy, nàng quay lại cười với hai vợ chồng Hansen đang cảm động quan sát nàng.

Mặc dầu vậy... Những đêm đầu tiên sống xa ba và má vẫn rất là khổ sở. Nhưng may thay Meta Hansen hiểu rõ nỗi buồn của cô bé gái. Bà ôm Karen vào giường, vòng tay ôm nàng, nói hết sức dịu dàng cho tới khi cơn buồn ngủ làm nguôi những tiếng nức nở của nàng.

Trong những ngày đầu, Karen phải cố gắng mới ăn được. Trong nhiều giờ liền, nàng ở lì trong phòng nhìn các đồ chơi đẹp mà không buồn đụng đến. Nguồn an ủi tốt nhất là con chó nhỏ nàng đã đặt tên là Maximilien như là con chó nàng đã có ở Cologne. Tuy vậy, sau khoảng một tuần lễ, vì lòng tốt của hai ông bà Hansen và sự quyến rũ của một vũ trụ mới mẻ, nỗi buồn của nàng tan dần.

Nàng sớm cảm thấy sự quyến luyến thành thật với ông Aage Hansen thích hút pipe và đi dạo chơi lâu, y hệt như ba. Ông làm luật sư, chắc chắn ông là người rất quan trọng vì tất cả mọi người đều chào ông. Dĩ nhiên là không thể quan trọng bằng giáo sư Johann Clement rồi, những chuyện đó cũng không lấy gì làm lạ... Vì ba quả thực là nhân vật đặc biệt hiếm có...

Bây giờ nàng nhận theo bà Meta đi chợ, đi mua hàng. Aalbord có vẻ là một thành phố thích thú đối với nàng, dầu nhỏ hơn thành phố Cologne nhiều: cũng có một con sông, không rộng bằng sông Rhin nhưng nước trong, vui vẻ, hai bên bờ có nhiều cây đẹp. Karen nghĩ rằng nàng sẽ thích xứ Đan Mạch này.

Một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, ông Aage để nàng ngồi vào một ghế bành gần lò sưởi rồi nói:

- Cháu đã sống ở đây ba tuần lễ rồi, bây giờ đã đến lúc hai bác có chuyện quan trọng để nói cùng cháu.

Hai tay chắp sau lưng đi đi lại lại trong phòng, ông bắt đầu nói với giọng truyền cảm dễ mến đến nỗi cô gái bé hiểu hết. Ông cắt nghĩa cho nàng hiểu là nước Đức đang trải qua một thời kỳ khổ sở và bất trắc đến nỗi ba và má thích nàng ở Đan Mạch hơn trong lúc này. Cả ông lẫn Meta đều hiểu rằng cả hai người không bao giờ thay thế cho ba má, nhưng vì Thượng đế đã không ban cho họ nỗi vui về con cái, nên họ rất sung sướng được có Karen tại nhà và mong muốn Karen sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới mái nhà này.

Karen tán đồng một cách nghiêm trang:

- Con bằng lòng ở đây với hai bác. Con muốn ở lại đây suốt trong thời gian cần thiết.

- Khá lắm, cháu. Bây giờ, hai bác như mượn cháu của ba má và vì hai bác rất yêu cháu, cháu có nhận mượn tên họ của hai bác không?

Karen không trả lời ngay. Nàng mơ hồ cảm thấy ông Aage chưa nói hết các lý do. Lời yêu cầu của ông có thứ âm hưởng giống như cuộc nói chuyện giữa các người lớn - thí dụ như các buổi nói chuyện giữa ba và má sau cánh cửa buồng đóng kín. Sau cùng nàng nói:

- Nếu hai bác muốn thế, cháu xin vâng.

- Tốt lắm! Kể từ giờ tên cháu là Karen Hansen...

Rồi như mọi tối, hai người cầm tay nàng, ông Aage bên phải bà Meta bên trái, đưa nàng vào tận buồng. Vừa nằm xuống kéo chăn lên đắp, nàng cầu nguyện:

“... Con cầu xin Chúa che chở cho ba má, cho em... Hans và em bé... Con cũng xin ngài cho ông bà Hansen, cho cả hai chú chó Maximillen, chú ở Cologne và chú ở đây...”

- Chúc cháu ngủ yên.

- Chúc hai bác ngủ yên giấc... Nhưng bác Aage ơi người Đan Mạch có ghét người Do Thái như người Đức không bác?

“Thân gởi ông bà Clement

Chúng tôi không sao tin được là Karen đã đến ở với chúng tôi đã được sáu tuần rồi. Cháu thật phi thường: ở trường cháu học rất khá, học tiếng Đan Mạch nhanh lạ thường. Chúng tôi cũng phải nói thêm là Karen không thiếu tiếp xúc thực tế: cháu đã có nhiều bạn gái lắm rồi.

Theo lời khuyên của nha sĩ, chúng tôi đã cho cháu nhổ một cái răng cửa đang ngăn cản chiếc thứ hai sắp mọc. Mọi sự đã xong xuôi. Chúng tôi đang tính cho cháu học nhạc và vũ.

Mỗi tối khi cháu cầu nguyện...”

Karen viết thêm vào bức thư hai giòng, bằng chữ in hoa:

“CON RẤT NHỚ BA, MÁ, HANS MAXIMILIEN VÀ EM BÉ...”

Mùa đông đến, Karen đi trượt băng trên mặt sông nước đông cứng hay trượt tuyết trên các ngọn đồi tuyết phủ và khi về nhà nàng ngồi trước lò sưởi lửa cháy bừng bừng, đưa hai bàn chân giá lạnh cho Aage xoa bóp mạnh mẽ nhưng âu yếm.

Rồi mùa xuân đến với hoa nở đầy và mùa hè với những ngày nghỉ hè trên các bãi biển dài vô tận của Bắc hải, những chuyến đi chơi bằng thuyền buồm, chạy chơi trong các cồn cát. Đời sống với ông bà Hansen quả thật thích thú, tràn ngập vui sướng.

Một ngày mùa thu, Aage vừa tới khi Karen đã đi học vũ, ông cho mời Meta vào phòng làm việc. Ông có vẻ bối rối nhiều:

- Tôi vừa nhận được tin của cơ quan Hồng thập tự cho biết là toàn thể gia đình Clement đã biến mất. Như bị bôi nhòa, không có dấu vết gì. Không thể nào xin ở nhà cầm quyền Đức bất cứ một tin tức nào. Tôi đã tìm hết cách thử rồi: Không được trả lời một câu. Theo ý tôi, điều này chỉ có thể có nghĩa là gia đình Clement đã bị đưa vào trại tập trung... Hay bị sát hại rồi.

Meta nói nhỏ:

- Trời ơi!

Họ không sao quyết định nói rõ sự thực đau lòng ấy cho Karen biết được. Về phía Karen, hiển nhiên là nàng cũng lo lắng vì không còn nhận được thư từ Đức tới nữa, nhưng cũng không đủ can đảm để hỏi. Dù thế nào, nàng cũng hoàn toàn tin cậy ở hai ông bà Hansen. Và tự bản năng, nàng hiểu rằng nếu cha mẹ nuôi không nhắc đến gia đình mình nữa, thì hẳn hai vị đó phải có lý do chính đáng.

Dần dần một hiện tượng lạ xảy ra: Karen thấy mỗi khi nhớ đến cha mẹ và các em, hình ảnh những người này mỗi ngày một mờ dần. Khi một đứa trẻ tám tuổi phải xa cách cha mẹ lâu, nó cảm thấy thêm khó khăn khi nhớ lại họ. Đôi khi, Karen tự trách cứ về trí nhớ suy kém này, nhưng sau chừng một năm, nàng kể như không còn nhớ đến thời kỳ mình mang tên Clement và sống ở nước Đức.

Chiều Noel 1939, nàng kiêu hãnh đưa cho Aage và Meta món quà nàng đã làm lấy trong lớp. Bên ngoài gói quà, một tấm giấy đề:

Tặng BA và MÁ, con gái của ba má KAREN

1940, ngày 8 tháng tư

Một đêm đầy cạm bẫy, một bình minh rét mướt. Một tiếng giầy ủng thê thảm vang trên đường, hàng chục hàng trăm tàu đổ bộ chở đầy quân sĩ mặc quân phục xanh xám, bỏ neo trong các fjord [1] các vũng. Quân lực Đức tiến một cách chính xác như người máy, xâm chiếm xứ Đan Mạch.

Karen cùng các bạn học dí mũi vào cửa kính nhìn phi cơ bay đầy trời và kế tiếp nhau đáp xuống phi trường Aalborg. Dưới đường, mọi người sợ hãi chạy tứ tung.

“Đây là đài phát thành Copenhagne: Sáng này vào lúc 4g15, quân lực Đức đã vượt biên thùy của chúng ta ở Saed và ở Kzussa. Xin đồng bào hãy tiếp tục chờ nghe...”

Và những người dân Đan Mạch, sững sờ, đã tiếp tục chờ nghe một cách tuyệt vọng. Sau cùng xướng ngôn viên đọc bản tuyên ngôn của đức vua Christian: nước Đan Mạch đầu hàng, không bắn một phát súng. Sự thất trận nhanh chóng của Ba Lan cùng Hòa Lan, cuộc rút lui cấp tốc của đạo quân Anh ở Dunkerque cho biết quá rõ là mọi kháng cự đều vô ích.

Meta Hansen chạy đến kiếm Karen ở trường. Rồi một va-li đã chuẩn bị sẵn, bà định chạy trốn cùng nàng đến một trong những hòn đảo trong eo biển Đan Mạch. Aage trấn tĩnh bà, thuyết phục hãy cứ ở yên đã, ít nhất là trong lúc này. Quân Đức cần nhiều tuần lễ, có lẽ nhiều tháng nữa, mới tổ chức xong các cơ cấu hành chánh.

Ngay từ ngày hôm sau, chính quyền và quân lực Đức hứa hẹn rất nhiều. Nào là người Đan Mạch cũng là giòng Azyen như chính người Đức vậy - như những người anh em vậy - và Đệ Tam Reich chiếm đóng xứ này cốt chỉ để bảo vệ, chống lại cộng sản mà thôi. Dĩ nhiên Đan Mạch tiếp tục điều khiển mọi công việc nội trị của mình, cả vương quốc nhỏ bé này. Nói tóm lại, được trở thành một “quốc gia được bảo hộ kiểu mẫu”.

Dân Đan Mạch yên tâm. Xúc động đầu tiên qua đi, một đời sống bề ngoài bình thường lại tiếp tục. Đức vua Christian, được toàn dân kính mến, lại tiếp tục dạo chơi hàng ngày bằng ngựa, mỗi sáng rời điện Amalienborg để băng qua thành phố Copenhague tươi tốt. Dầu sao những thần dân của ông cũng không lầm lẫn: thái độ kiêu kỳ, gần như khinh bỉ của đức vua đối với những người Đức lưu thông trong các đường phố, là có một ý nghĩa chính xác. Rất nhanh, kháng chiến tích cực sớm trở thành khẩu hiệu quốc gia.

Tám tháng sau, vào đầu năm 1941 sự căng thẳng giữa những kẻ chiếm đóng và dân chúng của “xứ bảo hộ kiểu mẫu” đã lên tới mức độ phải là điếc và mù mới không thấy. Nhà vua tiếp tục làm những kẻ chiếm đóng khó chịu, còn dân chúng cố coi họ như không có, hay còn chế riễu cả vẻ hào hùng đẹp đẽ bề ngoài của họ nữa. Các binh sĩ và sĩ quan của Wehrmacht [2] dù có cố trình diễn chăng nữa, cũng chỉ gây được những tiếng cười cố nén đi khi họ đi qua. Và người dân Đan Mạch càng cười, người Đức càng tức giận.

Dĩ nhiên là dân Đan Mạch sớm mất các ảo tưởng. Kế hoạch tổ chức “Tân Âu châu” đã ấn định một vị trí chính xác cho các động cơ sản xuất trong các xưởng Đan Mạch, ấn định bơ và trứng trong các trại, đến tận cả vấn đề lãnh thổ nữa: Đối với chính quyền Hitler, quốc gia này chỉ là một bánh xe nữa trong guồng máy chiến tranh vĩ đại của Đức. Một mặt khác, dân tộc anh em Na Uy đã nêu một gương rất đẹp, dân Đan Mạch ngay từ mùa hè 1941 đã thành lập một phong trào kháng chiến nhỏ nhưng cương quyết và có hiệu năng.

Ngày nào dân Đan Mạch còn nhận hợp tác, Herr Doktor Best toàn quyền của “xứ bảo hộ kiểu mẫu”, còn chủ trương một chính sách ôn hòa. So sánh với các quốc gia bị chiếm đóng khác, các biện pháp áp dụng cho dân Đan Mạch có vẻ chịu đựng được. Trước sự ngạc nhiên tức giận của người Đức, sự khoan dung tương đối này không hề ngăn cản sự phát triển các hệ thống bí mật. Các đoàn viên của các hệ thống này chắc chắn là không hy vọng họ tìm được một cách khác để đánh địch thủ là cách phá hoại. Theo một tỷ lệ mỗi ngày một tăng dần.

Tuy vậy Herr Doktor không hề hốt hoảng. Khôn ngoan, tích cực, ông cho tìm kiếm trong các dân Đan Mạch những người cảm tình viên của chủ nghĩa quốc xã, tổ chức họ thành các đơn vị bán quân sự. Những Hipos này (viết tắt của các chữ Hilfs-Polizei nghĩa là phụ tá cảnh sát), nhờ sự che chở của các quan thầy, đã sớm trở thành cả một tai họa - những toán khủng bố, chuyên môn trong việc trả thù các đồng bào của mình. Mỗi một lần có phá hoại, chúng trả đũa bằng “một cuộc tảo thành phục thù” giống như những vụ sách nhiễu tàn tệ nhất của bọn reire thời Trung Cổ.

Tuy vậy ở Aalborg đời sống tiếp tục hầu như trong quá khứ, rất yên tĩnh, của một tỉnh nhỏ. Ngoại trừ một vài đêm người ta nghe thấy một tiếng nổ gầm nơi xa hay tiếng hục hặc của các vũ khí tự động, đời sống của dân cư trong tỉnh hình như thoát khỏi sự xáo động chung.

Karen, từ một cô bé, đã trở thành một thiếu nữ. Giáo sư dạy vũ hết lòng khuyến cáo ông bà Hansen nên ghi tên cho nàng dự kỳ thi nhập học Vũ bộ Hoàng gia ở thủ đô Copenhague. Giáo sư nói Karen rất có khiếu, biết diễn tả qua điệu vũ một cảm xúc vượt quá tuổi của nàng rất xa.

Vào đầu năm 1943, Aage Hansen bắt đầu lo ngại. Cuộc chiến đấu giữa một phong trào kháng chiến mỗi ngày một mạnh một tích cực và một sự đàn áp mỗi ngày một tàn bạo hơn lên. Vậy mà ở Aalborg, tất cả mọi người đều biết nguồn gốc đích thực của Karen. Và rất có thể là bọn Hipos đã báo cho quân Đức biết. Nếu, cho tới giờ, chưa có một biện pháp nào đối với các dân Do Thái Đan Mạch, thì sự “thiếu sót” này chắc sắp được bổ khuyết. Bị thúc đẩy bởi niềm đe dọa này, hai vợ chồng Hansen quyết định bán căn nhà ở Aaiborg để dọn đến ở Copenhague, thành phố đông một triệu dân, hy vọng sẽ ít có ai chú ý tới họ.

Vào cuối mùa hè, mọi sự thu xếp xong xuôi. Họ có cái may mắn tìm được một căn nhà dễ thương, trong một con lộ lớn chạy dọc theo một chiếc hồ nhân tạo. Aage kiếm được địa vị khá rất dễ dàng trong một văn phòng chưởng khế. Và nhất là họ đã thành công trong việc kiếm được cho Karen một loạt giấy tờ giả đầy đủ chứng minh rằng nàng là con hai người.

Đối với Karen, được đi Copenhague, quả thật là một chuyến du hành đến xứ thần tiên. Từ bức tượng “cô gái nhân ngư” dễ thương ở cửa hải cảng đến những nhà hàng đẹp đẽ ở đường Langeline, đại lộ chính của thủ đô, từ những khu vườn huy hoàng của Hoàng Thành đến các sông đào ngoằn nghòe, nước yên lặng phản chiếu những đầu hổ chạm trổ của các mặt tiền cao và hẹp của các nhà kiểu Phục hưng, từ đoàn xe đạp đi tiếp nối đến sự náo nhiệt của Chợ Cá, tất cả hợp thành một cảnh sắc thần tiên luôn luôn đổi mới. Chưa kể đến Tivoli, công viên của huyền thoại với các hí viện với cây cỏ xanh rì, các nhà hàng ăn, các thảm hoa muôn màu dài hàng cây số, các sân chơi, các ban nhạc và nhiều thác nước chảy vui tai. Đôi khi Karen tự hỏi tại sao nàng lại có thể sống ở một nơi nào khác Copenhague!

Dù thế, trong năm thứ ba bị ngoại xâm chiếm đóng, thành phố Copenhague khá giữ được là một đảo bình yên và hạnh phúc. Đêm căng thẳng, tiếng nổ, đám cháy, tiếng súng liên thanh cho thấy sự gay go của cuộc chiến giữa các toán đặc công của kháng chiến và các đơn vị đàn áp. Tình hình mỗi ngày thêm. Sau cùng, vào sáng sớm ngày 29 tháng 8 năm 1973, một loạt tiếng nổ lớn vang rền tới đảo Seeland, thủ đô Đan Mạch. Một giờ sau toàn thể dân chúng Copenhague đều hay tin: Hạm đội Đan Mạch vừa tự phá hủy trong Đại và Tiểu Belts, các eo nối liền biển Ban-tích với Bắc Hải, tự phá hủy để làm cản đường giao thông của địch.

Điên lên vì tức giận, quân Đức bao vây các dinh thự chính phủ và hoàng cung. Sau một trận giao tranh ngắn ngủi và dữ dội, vệ binh Đan Mạch phải đầu hàng. Rồi, như một đám mây bao phủ các tướng lãnh Wehmacht, đại tá S.S. cùng ủy viên của Gestapo đổ ào vào xứ để tổ chức lại quốc gia này “cho đúng đường lối”. Sự đình chỉ họp thường lệ của quốc hội đánh dấu sự cáo chung của nền “bảo hộ kiểu mẫu”.

Phong trào kháng chiến trả đũa bằng cách tăng cường phá hoại. Xưởng vũ khí, nhà máy, kho đạn nổ tứ tung. Quân Đức bắt đầu nóng giận: hoạt động của các “quân khủng bố” làm tê liệt một cách nghiêm trọng đến tiềm năng quân sự của toàn vương quốc.

Một buổi sáng kia chính quyền Đức ra lệnh tất cả những người Do Thái kể từ giờ phải đeo một băng vải vàng có hình ngôi sao David quanh cánh tay. Ngay chiều hôm đó, Đài Phát thành Kháng chiến loan báo:

“Đức Hoàng thượng Christian, để đáp lại lệnh của Đức bắt người Do Thái mang ngôi sao David, công bố rằng tất cả những người dân Đan Mạch đều bình đẳng, không phân biệt nòi giống hay tôn giáo. Do do Đức Hoàng thượng sẽ đeo ngôi sao David đầu tiên và Ngài hy vọng dần dần tất cả các thần dân Đan Mạch trung thành đều sẽ bắt chước Ngài”

Ngay hôm sau, chín phần mười dân chúng Copenhague đều đeo băng tay vàng. Hai mươi bốn giờ sau, quân Đức cho thu hồi lệnh đã ban.

Vào cuối mùa hè, Aage nhận được một tin ghê gớm. Ông thố lộ với vợ:

- Theo một nguồn tin hết sức chắc chắn, trong một hay hai tháng nữa quân Đức sẽ bắt tất cả những người Do Thái. Mọi người chưa biết ngày nào tụi Gestapo sẽ tung mẻ lưới lớn, nhưng mọi người biết chắc thể nào bọn chúng cũng làm.

Đứng gần cửa sổ, Meta Hansen nhìn không rời mắt quang cảnh quen thuộc: hồ nhân tạo, cây cối, cây cầu dẫn vào thành phố cổ. Bà nghĩ tới tất cả những gì bà đã dự trù cho ngày lễ sinh nhật thứ mười ba của Karen: Một bữa ăn trên cỏ công viên Tivoli, chừng bốn mươi người khách, các trò chơi, các điệu vũ... và bây giờ...

Bà thì thào:

- Tôi sẽ không để Karen ra đi đâu.

- Coi kia Meta, chúng ta không có quyền...

Bà ngắt lời chồng:

- Karen không có gì nguy hết. Đối với pháp luật nó không phải là Do Thái. Những giấy tờ chúng ta đã có chứng tỏ nguồn gốc mới của Karen: Nó là con chúng ta.

- Hãy nghĩ xem nếu có vài tên “Collabo” [3] ở Aalborg báo cho quân Đức biết rõ. Giấy tờ không ích gì trong trường hợp đó.

- Quân Đức sẽ không bỏ công vất vả đến như vậy chỉ vì một đứa trẻ.

Aage thốt lên một tiếng thở dài:

- Bà vẫn còn chưa biết rõ tụi chúng sao? Kể từ khi...

- Được rồi, chúng ta sẽ rửa tội cho nó, nhận nó làm con một cách hợp pháp.

Aage lắc đầu:

- Bà hy vọng đánh lừa bọn chúng? Chúng ta không để Karen lâm vào tình trạng liều lĩnh như thế. Chỉ còn có một giải pháp. Ngay từ bây giờ Kháng chiến đang chuẩn bị tập họp tất cả các người Do Thái lại ở một số bãi biển, gần các eo. Mọi người đang tìm mua tất cả tàu bè có thể mua được để chở các dân Do Thái sang Thụy Điển. Stockholm cho biết là họ sẽ tiếp nhận tất cả mọi người và sẽ lo nuôi dưỡng tất cả các dân tị nạn.

Meta quay lại đối diện với chồng. Aage nhìn vợ, ngạc nhiên: chưa bao giờ ông thấy bà lại cương quyết như thế.

- Không đâu ông. Tôi sẽ không bao giờ để con ra đi hết. Tôi không thể sống không có nó được.

Hàng trăm hàng ngàn người được Kháng chiến kêu gọi tới, không ai lẩn tránh cả. Nhờ ở sự liên đới tích cực này, công cuộc điên rồ ấy đã hoàn tất thành công. Trong khoảng thới gian vài ngày, tất cả dân Do Thái được đưa một cách bí mật đến tận các bãi biển phía bắc đảo Seeland, lên hàng chục chiếc thuyền đánh cá, du thuyền... đi đến tận Thụy Điển. Các cuộc bố ráp đại qui mô do người Đức phóng ra từ bắc chí nam vương quốc đã phóng vào khoảng trống không: Không còn một người Do Thái nào trên toàn quốc Đan Mạch...

Còn Karen, nàng không rời Copenhague. Trong lúc này, nàng không có gì phải lo ngại. Nhưng quyết định giữ Karen ở lại đè nặng lên lương tâm Meta. Mỗi một tin đồn mới - và lúc nào cũng có tin đồn mới - bà lại cảm thấy một sự sợ hãi ghê gớm. Nhiều lần quá sợ hãi, bà định chạy trốn cùng Karen tới nhà họ hàng trong vùng đồng quê Jutland. Ba sợ nhất ban đêm: càng ngày càng dấn thân thêm vào hoạt động bí mật, nhiều khi gần sáng Aage mới về, và những vụ đi vắng lâu này lại càng làm bà lo lắng khổ thêm.

Vào những ngày đầu tháng chín 1944, Kháng Chiến kêu gọi toàn thể công dân tham dự tổng đình công. Ở Copenhague, các ụ cản xuất hiện ngăn các đường phố, treo đầy cờ Hoa Kỳ, Anh, Nga hay Đan Mạch. Quân Đức tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Lệnh đình công không thể duy trì, cả giới nghiêm lẫn đội quân tuần tiểu cũng không thể làm giảm bớt đà phá hoại.

Ngay cả các vụ hành quyết không xét xử cũng chỉ làm tăng thêm sự sốt ruột tức giận của các chiến sĩ trong bóng tối đang cảm thấy ngày giải phóng gần kề.

Vào đầu mùa đông, một đợt triều dâng các dân Đức tị nạn tràn vào Đan Mạch. Chạy trốn từ các thành phố Đức bị không quân Anh Mỹ dội bom không ngừng, các kẻ xâm lăng mới này cư xử như mình đang ở một nước bị trị, kéo vào ở bừa các nhà dân Đan Mạch, chiếm hết các dự trữ thực phẩm và quần áo. Các người dân Đan Mạch, không thể trục xuất họ ra được cũng như không có cách nào chống lại các hành vị chiếm đoạt ấy, đã đối xử với họ một cách khinh khi - một thứ khinh khi im lặng, lạnh lùng, nặng nề.

Mùa đông chấm dứt, mặt trời bắt đầu thức tỉnh vạn vật còn thiếp ngủ. Vào tháng tư, các tin đồn mỗi ngày một chắc truyền từ người này sang người khác.

Và rồi, ngày 4 tháng 5 năm 1945, các chuông nhà thờ kéo vang trới, từ nhà thờ Copenhague đến những nhà thờ làng bé nhỏ...

- Ba ơi! Má ơi! Chiến tranh đã hết! Chiến thắng!

Chú thích:

[1] Fjord: nơi biển ăn sâu vào núi ven biển.

[2] Wehrmacht: chữ dùng chỉ chung Quân lực Đức vào thời đó.

[3] Collabo: gọi tắt chữ “collaboratem” để khinh bỉ (người hợp tác với quân thù).