Vang bóng một thời

Chương 6: Ngôi mã cũ

- Thành ra cái hồi cụ án nhà mất thì cậu mới có ba tuổi.

- Dạ.

- Thế cậu không rõ cái người phân kim cắm huyệt cho cụ án hồi ấy là ai à?

- Dạ, thưa không.

- Tôi thấy cậu là người còn ít tuổi, mà có chí như thế, tôi có bụng yêu. Bồ côi cha, bồ côi mẹ, sống cái tuổi thơ ấu giữa cảnh loạn lạc và nghèo túng, vậy mà vẫn có chí theo đuổi được việc sách đèn, tôi lấy làm khen lắm. Giá như con nhà khác thì lêu lổng và hỏng từ bao giờ rồi còn gì. Cái thiên lương của cậu tốt lắm.

Cậu Chiêu ngồi hầu chuyện cụ Hồ Viễn, lòng buồn rười rượi. Mồm thì dạ vâng để giữ lễ mà óc thì bận nghĩ giật lùi về cái hồi nhỏ bé của mình. Cụ án ông mất, cụ án bà cũng mất theo liền. Cách nhau không đầy ba tháng, cậu Chiêu mang luôn hai cái tang lớn... mấy ông chú, bắt đầu phá tán cái gia tài cỏn con... một mình ở với chị, lúc ấy chị mới có mười hai tuổi... bấy giờ lại đang loạn lạc. Trăm họ tan lìa... Bao nhiêu ông già bà cả chạy giạt vào cái thăm thẳm của rừng Hưng Hoà. Màn trời... có những vòm lá cây âm u. Chiếu đất... có những cỏ áy, sim lụi và những cành cây mục bở với những đàn kiến lửa nối nhau ngày đêm bò liền liền như là quan quân đi tiễu giặc. Nhớ đến cái mình sống hồi ấy giữa cảnh ly loạn, cậu Chiêu hình dung thấy rõ mồn một cái đứa trẻ bồ côi rất đáng nên tội nghiệp kia. Cậu đấy. ừ, tưởng là chết được lắm, chứ có ai ngờ đâu còn sống được đến bây giờ và lại còn được ăn học đến nơi đến chốn nữa. Cái thân một người con quan lúc bấy giờ thật đã khốn cực đủ trăm phần.

Ông cụ Hồ Viễn vẫn nói và uống. Càng nói chuyện, cụ càng uống rượu; càng uống rượu, cụ càng được nói chuyện nhiều. Mỗi lúc bị hỏi gặng, cậu Chiêu lại như tỉnh cơn mơ nhỏ.

- Dạ?

- Thưa vâng.

Rồi cậu Chiêu lại vẫn không quên cái cảnh màn trời chiếu đất của ngày bé bỏng. Dưới cái màn trời triền miên những kinh động ngờ sợ, ánh sáng tối và ẩm ướt của rừng tị nạn đổ xuống một cái đầu xanh đang ngậm chùm tóc mới vừa tơ mà đã nhuộm màu tang. Trên cái chiếu đất dằng dặc mùi côi cút, một cặp chân có khóa bạc vòng vàng đang in đôi gót đỏ như son lên cái rêu nhầy nhờn, của ngày đau khổ và lẩn lút. Có những ngày liên tiếp cậu Chiêu và chị - cô Tú - phải nấu củ rừng ăn với cháo chó, những con chó trung thành cùng theo chủ vào ruột rừng Hưng Hoá.

- Cậu còn nhớ chỗ để ngôi mộ cụ nhà đấy chứ?

Cậu Chiêu choàng ngồi thẳng mình lên và ngừng tay quạt ruồi chờn vờn trên mâm cơm, vội thưa với cụ Hồ Viễn:

- Dạ thưa cụ, cháu nhớ lắm. Có ai mà lại đi quên được mồ mả cha ông. Vả chăng, vẫn còn có tấm bia ở đấy.

- ờ. Đấy là xứ Đồng Cồn phải không? Từ ta đây mà xuống dưới xứ Đồng Cồn thì đi như thế nào nhỉ?

- Dạ như chúng tôi đi bộ thì mất trọn một ngày, nếu không nghỉ ở dọc đường. Nhưng cụ có đi thì phải thuê cáng. Và đi cáng đòn ba thì tinh mơ đi, độ quá giờ ngọ đã tới.

- Thôi được rồi, để hôm nào mát trời, tôi và cậu sẽ xuôi xuống Đồng Cồn. Ngôi mộ cụ án thể nào cũng phải phúc lại. Mộ để như thế, hỏng hết. Ai lại tọa như thế, hướng như thế bao giờ. Minh đường có mà thành ra nghịch thủy hết cả. Cậu nói qua qua thế, tôi cũng đủ rõ rồi.

Mâm rượu vừa bưng đi xong, cậu Chiêu kính cẩn mời cụ Hồ qua giường bên nghỉ.

Bấy giờ cậu Chiêu mới lùi vào nhà trong qua bên trái buồng cạnh. Cô Tú ngừng tay gieo thoi trên khung cửi vải, vuốt mái tóc xuề xòa dưới vành khăn nâu mỏ quạ.

- Thôi, em đi ăn cơm sớm đi chứ. Cơm ủ trong chăn đã ôi hết cả rồi. Có cái đĩa nõn khoai kho tương, chị để phần cho em một ít đấy.

- Em nhớ ra rồi. Hôm nay ngày rằm, chị ăn chay.

Cô Tú cười. Nét cười dè dặt lẫn có mùi vị của hy sinh.

Với cô Tú, cuộc đời giờ đã hết tất cả xán lạn rồi. Bởi vì đời đã sớm đòi hỏi cô nhiều về bổn phận. Cô nhất định không đi lấy chồng và vui lòng sống vậy cho đến lúc nào cậu Chiêu em đi thi được và làm nên được. ở trong cảnh côi cút với sự thanh bạch, cô Tú ngày ngày dệt vải, và khâu thuê vá mướn cho người xóm làng. Những lúc rời tay kim tay thoi thì cô lại lên tiếng ngầy ngà đến người em lúc quên mặt chữ sách hay là bỏ dở một trang quyển bài viết. Cái bây giờ của cô Tú đã là không đáng kể và cô chỉ sống bằng mong chờ về cái mai sau của cậu Chiêu. Dưới quang đèn dầu bông, nhiều khi người em đã rầu lòng, tỏ lời hối lỗi vì những lúc làm phiền lòng cô Tú mà cậu coi như là mẹ, một người mẹ rất trẻ, đầy âu yếm và thừa đức tin vào mình.

Chị ngồi chờ em ăn xong bữa cơm rau dưa, đưa tăm nước cho em rồi mới hỏi chuyện về việc ông cụ Hồ Viễn đã nhất định hôm nào thì đi xem lại ngôi mộ cha cất ở Đồng Cồn chưa. Cậu Chiêu thở dài, tỏ vẻ sốt ruột:

- Cụ Hồ ở nhà ta có đến hơn một tháng rồi mà cứ nay lần mai lữa mãi. Em thấy tốn nhiều quá chị ạ.

- Em coi chừng lời nói, kẻo cụ Hồ nghe thấy thì uổng cả cái bụng thành kính của mình đi.

- Chị thử nghĩ, mỗi ngày hai bữa rượu và mỗi phiên chợ lại một bữa thuốc phiện. Ông cụ Hồ khó tính quá. Thuốc phiện nếu không phải là thứ một lạng đựng vào cóng thì không hút. Gớm, không hiểu ông cụ Hồ để móng tay làm gì mà dài đến thế. Móng tay út lá lan của cụ uốn hai vòng như râu rồng. A chết chửa, hình như hôm nay quên không mua chanh để chút nữa cụ dậy rửa móng tay.

- Có trong kia rồi.

- May quá. Chị chưa thấy cụ Hồ gắt gỏng mỗi khi bưng thau nước ra mà không kèm vào vài quả chanh.

- Em phải nên chiều cụ. Những lúc đêm hôm, em chịu khó hầu hạ cho được vừa lòng cụ. Cả nhà có hai chị em, chị là gái, vậy chị trông cậy ở em. Em nên biết, rước được cụ Hồ về nhà khó lắm.

- Nhà ta nghèo, cái đó cụ Hồ rõ lắm rồi còn gì nữa. Vậy mà cụ bày vẽ ra nhiều quá. Một tháng, hai tháng, cố gắng thì may cũng chiều đãi được chu tất. Nhưng em chỉ sợ cụ cứ ở lỳ mãi đây, hết trông trời lại đến xem lịch, mà vẫn không chịu đi xem hộ ngôi mộ của thầy, rồi thì sao?

- Chị ngờ cụ Hồ muốn thử đến lòng kiên nhẫn của chị em nhà mình, xem mình có được chí thành không. Tại sao, ở vùng đây, khối người giàu có, cụ không thèm tới, tuy họ chèo kéo. Em nên nhớ đến câu này nữa. Là hồi xưa, cụ Hồ đây có biết thầy lắm.

- Vậy hở chị? Sao em không nghe chị nói bao giờ. Chị kể cho em rõ.

- Cụ Hồ nguyên là tướng Cờ Đen. Tên cụ khác kia. Chú Thủ nhà có biết vì nhiều lần chú Thủ có nói đến rồi. Nhưng chị quên...*. Một cái cờ, cán dài hơn con sào, lá to bằng cả một cánh buồm thuyền lớn; lụa chập ba sợi xe làm một rồi mới dệt, rồi mới nhuộm đen. Đấy, vì thế mà gọi là Cờ Đen. Viền chung quanh lá cờ to tướng là những hàng móc sắt, sắc hơn lưỡi câu. Người ta nói chuyện lại rằng cụ Hồ, hồi còn làm tướng quân Cờ Đen, mỗi lúc cụ trương lá cờ đầu khi xuất quân, trông oai phong lẫm liệt. Bên thắt lưng điều, cụ giắt hai khẩu súng. Phía bên trái là một khẩu đoản mã và phía bên phải là một khẩu súng thập bát hưởng bắn một lúc những mười tám phát liền*.

Có lẽ hồi nhỏ, những lúc ở trong thành xây đá tổ ong tỉnh Sơn, hồi thầy còn ở chức, chị cứ nghe thấy tiếng kèn tàu và loa đồng và trống trận nổi lên nhiều, là chính vào lúc quân Cờ Đen tế cờ ăn mừng được trận như thế. Quân Cờ Đen có cái tục tế cờ lúc thu quân... Nào ai biết. Thấy các ông già bà cả bảo thế.

- Cụ Hồ mà tài giỏi và dữ thế kia?

- Vậy mà những lúc việc quân thong thả, cụ mặc áo dài "sường xám", đội mũ "sường chí" có quả bông đỏ, cầm quạt vào chơi trong dinh với thầy, thì trông nhàn nhã và văn vẻ lắm. Cụ Hồ yêu thầy vì thầy viết chữ rất tốt. Chú Thủ thường nói chữ thầy viết có gân có mác như chữ lá thiếp. Bao giờ thầy cũng cầm bút đứng thẳng cái quản, chỉ thẳng vào đầu mũi và cùi tay không tỳ xuống văn kỷ. Nên những nét sổ rất khỏe và rất thẳng. Hôm nào em giở cuốn gia phả ra mà xem thì rõ.

Cậu Chiêu nghe chị kể chuyện, thích lắm. Vì chung quanh cái thân thế một ông già mà cậu vẫn chỉ cho là một ông thầy địa lý khó tính chỉ đáng trọng một cách vừa phải mà nhiều khi còn gượng ép nữa kia, bây giờ cậu thấy cả một huyền sử bọc quanh một lão tướng võ nghệ cao cường và bí mật. Cái ông tướng tài giỏi ấy, ngày ngày cậu gần kề và chuyện trò cùng. Vậy mà hơn tháng nay, cậu không biết gì cả.

Giàn bầu nậm ở ngoài sân, dây leo và lá chằng chịt lấp chật ô giàn nứa, đã làm dịu hẳn cái nắng tháng tư ở trước mặt nhà. ánh nắng đổ xuống giàn, khi lọt xuống sàn bị cái cốt xanh ngắt của cây lá lọc qua một lượt, rồi đổ dồn và vờn vào áo vải trắng dài cậu Chiêu đang ngửng đầu ngắm những quả bầu nậm buông thõng xuống ngang mặt. Cái áo vải trắng cậu Chiêu đã biến thành một áo lụa màu xanh của người phong lưu và đa tình. Đấy là cái màu dịu mát của chất ngọc bích; đấy là màu xanh ở những cánh đồng lúa non ngút ngàn của những xứ yên ổn không bao giờ có nạn binh lửa.

Gió nam từ ngoài lũy tre già thưa đưa vào, làm va đụng vào nhau những bình rượu của Tự Nhiên. Những quả bầu mà được cứng lần cùi như chất vỏ cây khô, thì mỗi khi cơn gió vèo đẩy những bình rượu ấy văng cụng vào nhau, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái hình và cái tiếng của lũ khánh đất nung và cá đất nung ở cái sân cây cảnh một gia đình thanh bạch.

Cậu Chiêu nắm từng quả bầu nậm. Lúc buồn tay, lắc quả bầu thật mạnh, ở trong nghe như có tiếng có nước ọc ạch. Trông sướng mắt và có thể vui tai đến chừng nào! Chẳng trách được, chiều chiều ông cụ Hồ Viễn cứ ra sân đùa mãi được với lũ bầu nậm lòng thòng trước khung cửa sổ như nhắc nhỏm một người đã mệt với cuộc sống chỉ còn nên uống rượu chơi thôi. Trái bầu nậm còn tươi dưới lỗ giàn là một cái bình rượu tạc bằng khối ngọc bích đều sắc, nhẵn và bóng!

Giời chiều, đứng nắn bầu nậm cho cụ Hồ, cậu Chiêu thấy có hứng thú. Vì cậu đã bắt đầu mến được ông già Hồ. Trước kia cưỡi ngựa, cầm cờ, đánh Tây, bắn súng; bây giờ đi phân phát hạnh phúc bằng cách tìm đất để mả cho những kẻ thất thế, và lúc nhàn rỗi thì uống một đôi rượu của những người biết nhớ ơn mình.

Xé mảnh vải điều, buộc vào cái nấc ngẫng quả bầu, cậu Chiêu nói với cái vắng vẻ của buổi chiều nhà quê: "Thắt chặt dây lại tị nữa, thì dáng bầu sẽ thon. Nó chỉ nhớn được theo chiều dài. Trôn quả này méo, sẽ làm tội mình ngày mấy buổi ra đây nắn mãi cho nó bớt tật đi".

Cụ Hồ thức giấc, ra vườn, thấy cậu Chiêu đang nắn cái quả bầu mình đã rấm sẵn từ tháng trước, liền nói:

- Tại chị em nhà cậu tặng tôi mấy cái chén ngọc liệu nên tôi mới nghĩ đến việc lấy bầu nậm. Cái chén uống rượu của nhà này phải dùng với cái bình đựng rượu cũng của nhà này. Cậu biết chưa!

Cô Tú nghỉ tay thoi, bước ra nghe chuyện, đỡ lời em:

- Dạ thưa cụ, cảnh nhà nghèo bí, cũng chẳng còn có gì. Có bốn cái chén ngọc là của gia bảo còn lại, chị em chúng tôi kính biếu cụ gọi là đền đáp mới được có một chút đó mà thôi. Sau này nếu trời thương lại và nhờ được mạch đất tổ tiên có cơ hồi lại, nếu nghiệp nhà có thể trung hưng lên được, thì chị em chúng tôi còn phải tạ cụ nhiều. Có lẽ quả bầu nậm ở giàn này, chỉ là mẫu vẽ trước của một cái bình bằng ngọc thực mà sau này chúng tôi phải kính dâng cụ.

Cụ Hồ lấy làm thưởng thức cái câu cô Tú nói một cách trung hậu mà cũng rất văn hoa. Người như thế mà còn nghèo mãi thì còn để thiệt thòi cho thế gian nhiều. Cụ Hồ nghĩ mà thấy buồn buồn.

Hai cái sừng trăng đã mở to, đã đầy dần. Rồi vừng trăng tròn vẽ lên trời, lần thì cái quầng, lần thì cái tán. Thế rồi nó khuyết ở đầu ngọn tre, những lúc gió sớm giục canh gà gọi nước bể dâng lên. Trăng tháng tư đã gần hết một tuần. Trong cả một cữ tháng tư này, cô Tú đã thức rất khuya để dệt cho được nhiều tấm vải, để góp công nhật của mình lại cho được thừa thãi, để có đủ một số tiền thuê cáng cho cụ Hồ và em trẩy xuống Đồng Cồn, nơi để phần mộ cụ án ông - cụ án cha mình lúc nằm xuống trả lại lộc cho Triều đình, em mình mới có ba tuổi.

Cái ngày đi Đồng Cồn đã đến.

Cậu Chiêu ra đi từ lúc tối đất, lúc hàng xóm mới nổi lửa thổi cơm cho thợ gặt, bây giờ đã trở về với bốn năm người già cả rách rưới. Thấy cô Tú, bọn người già nua kia đều kính cẩn chào.

- Các bác đã xuống đấy ư? Chắc cậu Chiêu cũng đã nói rõ muốn mượn anh em ngày mai làm cáng hộ xuống xứ Đồng Cồn. Hai chiếc. Chiếc của cụ Hồ thì phải đi đòn ba. Cụ đẫy người và có tuổi. Vậy các bác định lấy bao nhiêu?

- Đồng Cồn. Thế này là phải mất những ba trạm. Đại Đồng này, Trạm Trôi và Mai Dịch này. Hai trạm ngắn và một trạm dài. Và một con đò ngang.

- Phải, đò sông Hát. Chiếc cáng đòn ba, sau khi nghỉ ở Mai Dịch, sẽ đi luôn xuống trạm Hà Trung.

- Thưa cô, thế là về tận Hà Nội?

- Có một mình cụ Hồ đi về Hà Nội thôi. Cậu Chiêu nhà đi đến Mai Dịch rồi trở về.

- Thế này thì cô cứ cho anh em một lượt mỗi trạm ngắn là một quan và quan năm tiền một trạm dài. Còn như cáng đòn ba thì xin tùy cô định cho. Ngày xưa, anh em đã có dịp được hầu cáng quan án nhà nhiều chuyến lắm. Cụ ngày xưa thường có săn sóc đến anh em chúng tôi. Giờ là ngày mùa, nhưng được tin cô gọi, anh em cứ xuống ngay là vì anh em nghĩ đến cái tình quan án ngày xưa hay thương đến. Còn tiền nong, thôi, cô cho thế nào cũng được. Chúng tôi không dám kỳ kèo.

Họ ăn trầu, vừa thổi lửa nùn rơm vặn ăn thuốc lào, vừa ngồi xổm thưa chuyện bên khung cửi. Thoáng thấy cái ngáng võng ngà gác ở trên cột bương, họ lôi xuống ngắm đi ngắm lại và nói với nhau:

- Này bác Xã, cái ngáng ngà này không phải cái ngáng võng điều của quan án ngày trước. Nó sứt mất một đầu kia mà. Bác còn nhớ chứ? Cái lần qua đò sông Hát, trời mưa gió to quá, tôi lẩy bẩy trượt chân, ngã khuỵu xuống. Một đầu đòn cắm hẳn vào bùn. Vỡ cái nấc chạm rồng.

Một người quay lại phía cô Tú:

- Cụ án nhà kể ra là người có bụng thương kẻ dưới lắm. Con tưởng cứ kể như vị quan khác, thì đến làm tội chứ chẳng phải chuyện chơi đâu.

Sau cùng, cuộc thuê cáng ngã giá đúng tám quan, một cáng đòn ba đi thấu đến trạm Hà Trung và một cáng đòn đôi chỉ đi đến làng Vòng thôi. Và sớm mai bắt đầu khởi hành.

Bữa cơm chiều hôm ấy là bữa cơm cuối cùng đãi một ông thầy địa lý. Cơm có rượu ngon, rất nhiều, và có cả một cái sỏ lợn. Cô Tú và cậu Chiêu cùng ngồi ăn với cụ Hồ vì cụ muốn thế. Cậu Chiêu thấy cụ Hồ hôm nay lấy cái bộ áo lề chí sẩu ra mặc, trông cụ lại càng có vẻ Tàu lắm. Thảo nào mà ngày xưa cụ Hồ là tướng Cờ Đen!

Cô Tú còn ít tuổi mà đã có nét mặt và dáng dấp của người góa trẻ phải nuôi con nhỏ. Trông cô hôm nay già thêm. Lòng tưởng nhớ vong linh cha và thương em và tủi cho mình, ở người cô, chiều bữa nay oằn nổi lên nhiều hơn tất cả bao giờ. Thỉnh thoảng cô quay mặt ra ngoài hỷ mũi kín đáo. Rồi cô lấy dải yếm đưa qua cặp mắt đỏ hoe. Cụ Hồ vẫn cười nói, uống rượu.

- Cô Tú lẩn thẩn lắm. Ông Giời có đóng cửa ai bao giờ. Chị em nhà cô, thế nào sau này cũng khá.

Đến đây thì cô Tú khóc lên thành tiếng. Cụ Hồ nói tiếp:

- Ngày mai, tôi xuống thăm lại cái kiểu đất ở Đồng Cồn. Xong rồi tôi xuôi luôn Hà Nội. Tháng sau, tôi sẽ về qua đây, để chỉ bảo cách xoay lại ngôi mộ... Cô đừng nên vội nói đến chuyện tạ ơn. Còn về lâu dài. Đáng lẽ bộ chén ngọc đó tôi không nhận đâu. Lấy những cái gì là gia bảo của người làm của mình là một cái tội. Nhưng vì nghĩ rằng, trong lúc chị em cô còn nhỏ tuổi, chửa chắc đã giữ nổi, thiếu gì kẻ dòm ngó. Thôi tôi cũng giữ hộ cô và cậu. Độ mươi năm sau, lúc đất có thể phát được rồi, tôi sẽ trở lại đây. Lúc bấy giờ mới là lúc cô Tú nên nói đến việc đền đáp công ơn. Lúc bấy giờ tôi sẽ trả lại cô Tú và cậu Chiêu bộ chén ngọc liệu. Cụ án nhà lúc sinh thời quý nó lắm. Đi lại với cụ luôn luôn, mà cụ án nhà chỉ mang chén ra dùng với tôi có hai lần. Nếu tôi không sống được đến ngày đó, mấy đứa con tôi sẽ đưa chén ngọc đến làm của tin để nhờ cô Tú giùm giúp cho chúng. Cái đức nhà tôi xem chừng cũng bạc thế thôi. Có lẽ đến đời con tôi là không còn gì nữa. Cô Tú và cậu Chiêu nhớ hộ tôi câu nói chí tình này.

Cô Tú vờ đứng dậy, vừa sụt sịt, vừa xếp hành lý cho cụ Hồ mai xuôi sớm. Trong cái tráp sơn đen, cô đã chèn nhiều giấy bản vào kẽ tráp để chén khỏi va đụng lúc đi đường. Rồi cô xếp luôn cả quả bầu nậm vỏ đã khô và ruột đã tóp lại. Quả bầu mới hạ khỏi giàn được mấy bữa nay.

*

* *

Hai chiếc cáng đi từ sớm, qua đò sông Hát, đã gác đầu đòn lên mấy cái ấu cáng cắm sẵn ở trước một cái quán nước chỗ Trạm Trôi. Cậu Chiêu vội mời cụ Hồ vào quán nghỉ và tay cậu vẫn khư khư cái la bàn có vẽ bát quái đồ của ông thày Tàu.

Mấy người bộ hành có vẻ học trò nghèo, ngồi ăn bánh ở quán, đang đố nhau một vế câu đối mà một người vừa tức cảnh nghĩ: "Ngồi nghỉ Trạm Trôi ăn bánh trôi". Ông cụ Hồ xòe cây quạt thước, quạt quạt và bảo cậu Chiêu soát lại quân còn lại của ván cờ tưởng đã đến lúc gần tàn cục. Từ sớm tới giờ, muốn quên cái đằng đẵng của mấy thôi trạm trên đường xứ Đoài, ông cụ Hồ và cậu Chiêu đã đánh với nhau mấy ván cờ không có quân đi, không có bàn bày. Họ đã đánh cờ bằng miệng chứ không phải bằng tay đụng quân. Khi mỗi người đi một nước thêm cho ván cờ tưởng, họ lại vén cái rèm cáng, nghển cổ ra ngoài nói chõ sang cái cáng đồng hành đi ngang hàng.

- Xa cửu bình bát.

- Tốt thất tiến nhất.

Bây giờ ngồi soát lại quân của mỗi người, thì cụ Hồ còn một xe và hai pháo. Và cậu Chiêu còn hai tốt đã sang hà và một ngựa một pháo. Hai bên sĩ tượng đều song toàn.

- Cậu rồi ngày sau khá. Cứ một cái lối đánh cờ của cậu tôi cũng thấy được một phần cái tương lai của cậu. Nhiều nước cờ bắt bóng, chiếu rứ, có vẻ tài tử lắm. Tôi nghiệm ra cậu không hay rình chiếu bí. Đáng để ý nhất trong lối xuất quân, là cậu đánh mấy ván đều vào pháo đầu cả. Người hào hùng đánh cờ bao giờ cũng vào ngay pháo đầu. Đánh cờ tức là người đấy. Rồi cậu cứ nghiệm mà xem, trong mười kẻ tầm thường, nhút nhát, không khoáng đạt là có đến chín người ghểnh tượng ở nước đầu.

Cái xóm hàng quán chỗ Trạm Trôi đã lùi lại trong nắng lòa của trời hè. Hai chiếc cáng vẫn nhấp nhô xuôi về phía phủ Hoài.

Gần tới phủ Hoài thì xong một ván cờ nữa. Cậu Chiêu thua, sắc mặt vẫn tươi tỉnh. Cụ Hồ thì nghiêm trang.

- Cậu thua vì đã khinh thường con tốt biên của tôi và để nó lọt qua hà. Rồi lại cho nó nhập được vào cung. Một con tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con xe rồi. ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách. Mạng nó đổi lấy quân nào nó cũng lấy làm sở nguyện rồi kia mà.

Cậu Chiêu cười xoà, cụ Hồ mệt mỏi chợp giấc. Cáng vẫn song song trên đường dài.

Con đường xứ Đoài, cát bụi nhiều quá. Được một thôi nữa, bỗng cụ Hồ hỏi sang bên chiếc võng gai cậu Chiêu:

- Cậu thường có hay đánh cờ đất không? Cờ đất khó hơn cờ bàn; phải tinh lắm mới đánh nổi. Để tới vụ xuân sang năm, tôi sẽ rủ cậu lên Hưng Hóa đấu cờ với một người bạn gái bằng trạc tuổi cậu. Cô ta khiến đôi ngựa rất nhanh, và có cái nước mã ngọa tào lạ lắm. Mà cưỡi ngựa cũng rất tài.

Trời vẫn nắng như rang.

Thế chốc nữa, ở làng Vòng cậu lại ngược ngay về Sơn, thì mãi đến hết canh một mới tới nhà đấy nhỉ?

- Dạ thưa cụ, có lẽ đêm nay chúng tôi phải nghỉ đêm ở làng Nhổn. Chị tôi dặn lúc về thì tiện đường rẽ qua vào đấy thăm ông Cử hai và nhân tiện đòi bộ Lữ hành thi tập của thầy tôi làm hồi theo đoàn sứ qua Bắc Kinh.