Đoạn trích này là một đoạn rất hay, rất mẫu mực về văn miêu tả. Nhưng để làm rõ cái hay đó, và nhất là để cho học sinh cảm nhận được cái hay đó thì không dễ dàng. Tóm tắt câu chuyện trang 99 của sách giáo khoa cho học sinh hình dung được hai cây phong liên quan đến nhân vật chính là An-tư-nai “ Khi An-tư-nai còn đang học ở trường làng, có hôm Đuy-sen mang về trường hai cây phong non và bảo em: “ hai cây phong này thầy mang về cho em đây. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt...Em bây giờ trẻ măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này...”. Nhưng nhân vật tôi kể chuyện Hai cây phong lại không phải là An-tư-nai. Đây là một học sinh thế hệ sau An-tư -nai rất nhiều. Khi anh ta là cậu bé đi học thì hai cây phong non đã trở thành cây khổng lồ, anh ta cũng không biết ai đã trồng cây phong, vì sao ngôi trường có hai cây phong ấy lại được làng gọi là “ Trường Đuy-sen”. Bởi vậy hai cây phong không chỉ là cây phong, mà nó còn là ngọn hải đăng đặt trên núi, là loại cây có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, là bóng mát che rợp tuổi thơ, là nơi cho các em phóng tầm mắt nhìn vào miền đất quê hương “bí ẩn, đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm”.
Cái hay của đoạn trích “Hai cây phong” chính là chất thơ và sự miêu tả tinh tế, thấm đẫm cảm xúc của nhân vật xưng tôi, một người học trò cách xa thế hệ của An-tư-nai bằng quãng thời gian cây phong non trở thành cây khổng lồ.
Trong mạch kể chuyện, người kể khi thì xưng tôi, khi xưng chúng tôi, rồi lại xưng tôi. Không thể nói là đoạn xưng tôi quan trọng hơn đoạn xưng chúng tôi, bởi vì mỗi mạch kể làm nổi bật một nội dung quan trọng.
Đoạn văn người kể chuyện xưng tôi chủ yếu miêu tả vẻ đẹp của hai cây phong. Hình ảnh hai cây phong được giới thiệu khái quát về vị trí: mọc ở giữa một ngọn đồi phía trên làng. Đi về phía nào cũng nhìn thấy hai cây phong trước tiên. Hai cây phong được so sánh “như những ngọn hải đăng đặt trên núi” có ý nghĩa ca ngợi, đề cao vị trí và vai trò của chúng. Đó là tín hiệu của làng, biểu tượng của làng, định hướng của làng cho những người trở về cập bến quê hương.
Người kể đã dùng biện pháp nhân hoá để nói về sự khác biệt độc đáo của hai cây phong. Một làng miền núi thảo nguyên không thiếu các loại cây. Nhưng hai cây phong “có tiếng nói riêng”, “có tâm hồn riêng”, có những bài hát riêng “chan chứa những lời ca êm dịu”. Bất kì thời điểm nào cũng có thể thấy được vẻ đẹp của hai cây phong. Về hình dáng : “nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành”, về âm thanh “rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau”. Những âm thanh đó khơi gợi những tưởng tượng vô cùng phong phú mà người kể đã khái quát “say sưa ngây ngất” : Như một làn sóng thuỷ triều dâng lên vỗ vào bãi cát; như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm; cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào; reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực.
Hai cây phong đã được quan sát và miêu tả bằng sự yêu thương, trìu mến và gắn bó của người kể chuyện “đã bao nhiêu lần” từ chốn xa xôi về làng để gặp gỡ cây với mong mỏi “ chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong!”. Hai cây phong ấy đã toả bóng che mát tuổi thơ của người kể chuyện, đã cất giữ bao nhiêu kỉ niệm trong trẻo, kì diệu của tuổi trẻ “ như mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh”.
Ở đoạn kể chuyện người kể xưng chúng tôi có một sự thay đổi. Đây là kỉ niệm của những cậu bé khi bắt đầu kì nghỉ hè của năm học cuối cùng. Lần đầu tiên lũ trẻ trèo lên cây để phá tổ chim ( một hành động ngốc nghếch và dại dột). Nhưng khi thi nhau trèo lên cao, trên những cành của hai cây phong, một “ thế giới đẹp đẽ vô ngần” đã mở ra “từ độ cao ngang tầm cánh chim bay”. Chúng nhìn thấy “toà nhà rộng lớn nhất thế gian” giờ đây chỉ như “một căn nhà xép bình thường”. Chúng nhìn thấy bao nhiêu vùng đất mà trước đây chưa từng biết đến; chúng nhìn thấy những con sông chưa từng nghe nói “những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mong manh”. Lũ trẻ ( trong đó có người kể chuyện) “sửng sốt”, rồi “đều nín thở ngồi lặng đi” và quên mất mục đích trèo lên cây phong. Cảnh tượng gợi ra vẻ đẹp huyền bí và cho chúng thấy đất nước rộng lớn vô cùng, với những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ.
Hai cây phong gắn bó suốt những năm thơ ấu của lũ trẻ. Và lần đầu tiên cho chúng cái nhìn xa rộng về quê hương, đất nước, cho chúng nhìn thấy những vẻ đẹp mới, khơi gợi khát vọng khám phá những miền đất bí ẩn. Đây chính là ý nghĩa biểu tượng gián tiếp mà hai cây phong đem đến cho lũ trẻ.
Về người thầy giáo Đuy-sen, người vô danh đã thắp sáng niềm tin và khát vọng cho trẻ em làng Ku-ku-rêu, chỉ đến cuối đoạn mới được nhắc đến rất thấp thoáng. Thông qua vấn đề mà người kể chuyện chưa bao giờ nghĩ đến : Người trồng cây phong là ai, và có những ước mơ hi vọng gì khi trồng cây phong đó? Và tại sao “trường Đuy-sen” lại là tên gọi ngọn đồi có hai cây phong?
Câu hỏi không có lời đáp. Nhưng các thế hệ trẻ em đã lớn lên trong
“bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền” của hai cây phong đã hạnh phúc biết bao. Những đứa trẻ lần đầu tiên sửng sốt, nín thở ngồi lặng đi trước “một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng” đã sung sướng và kiêu hãnh biết bao. Đó là câu trả lời cho những ước mơ, hi vọng của người trồng cây phong. Đó cũng chính là sự ca ngợi tinh tế người thầy giáo Đuy-sen, “người thầy đầu tiên” đã xây dựng trường học, khai tâm cho các em và chắp cánh cho những ước mơ, hi vọng.
Qua hình ảnh đẹp đẽ, thân thiết của hai cây phong trồng ở ngôi trường mang tên Đuy-sen, người đọc thấy được niềm biết ơn đối với thầy giáo, mái trường, nơi khai tâm và ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu lớn của mỗi con người.