DÀN Ý
Cụm từ "vẻ đẹp ngôn từ" có nội hàm khá rộng nhưng cốt lõi nhất chính là "Cách dùng từ của tác giả" - cách sử dụng từ ngữ một cách nghệ thuật để diễn tả tư tưởng, cảm xúc, miêu tả thiên nhiên, con người....(Văn học chính là nghệ thuật ngôn từ). Mà khi nhắc đến ngôn ngữ, người ta thường nhắc đến 3 bình diện cơ bản: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp (và sau này là ngữ dụng nữa).
Phân tích "vẻ đẹp ngôn từ" của tác phẩm trên các phương diện:
- Về mặt ngữ âm
Phân tích về chất nhạc trong thơ (ví như câu: Đêm đêm rầm rập như là đất rung hay câu: Chày đêm nện cối đều đều suối xa...), âm điệu (trữ tình ngọt ngào, êm ái, thiết tha), nhịp điệu (có sự biến đổi linh hoạt ra sao để thể hiện sự vận động nội dung, cảm xúc), tiết tấu, cách gieo vần, phối thanh (tổ chức thanh điệu), sử dụng các thủ pháp nghệ thuật (như phép trùng điệp các từ: "nhớ, mình, ta..."), các từ láy tạo hiệu quả về âm thanh.....
- Về mặt ngữ nghĩa
Phân tích ngôn ngữ thơ trên các phương diện: khả năng biểu đạt ( ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi), sử dụng một hệ thống các từ ngữ diễn tả tâm trạng của tình yêu (nhớ, thiết tha, mặn nồng, bâng khuâng, bồn chồn....), cách sử dụng đại từ xưng hô (cặp đại từ: mình - ta), cách sử dụng các biện pháp tu từ ngữ nghĩa để làm tăng sức biểu đạt (so sánh, ẩn dụ, nhân hóa....)....
- Về mặt ngữ pháp:
Phân tích cấu trúc câu thơ cũng như các biện pháp tu từ cú pháp (câu hỏi tu từ, đảo trật tự cú pháp ....).
Lưu ý:
- Thứ nhất: trong khuôn khổ giới hạn của một bài viết văn, nên tập trung vào phân tích những yếu tố (vẻ đẹp) nào ấn tượng, đặc sắc, tiêu biểu cho bài thơ, cho phong cách nhà thơ đồng thời, cũng là những yếu tố được đánh giá là thú vị, độc đáo, đừng quá dàn trải
- Thứ hai: khi phân tích "vẻ đẹp ngôn từ", nên chú ý gắn nó với nội dung tác phẩm và phong cách tác giả. Sau khi chỉ ra đặc điểm ngôn ngữ rồi, cần phân tích vẻ đẹp và giá trị của đặc điểm ngôn ngữ đó đối với việc biểu hiện nội dung tác phẩm (ví như sự thay đổi trong nhịp điệu giữa hai đoạn thơ thể hiện sự vận động như thế nào trong nội dung cảm xúc của bài thơ....).