”Chiều tối”. Cụm từ này mang lại cho bạn những cảm xúc, suy nghĩ gì? Nó chỉ tầm thường là khoảnh khắc giao điểm giữa “chiều” và “tối”? Hay nó man mác một nỗi buồn đìu hiu, hoang vắng trong sự tàn tạ của thời gian? Bạn biết không? “Chiều tối” của Bác, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, người cha già vĩ đại đáng kính của dân tộc Việt Nam ta rất khác.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
“Chiều tối” (Mộ) là bài thơ thứ 31 trong 135 bài thơ của tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), được Bác sáng tác vào chiều tối mùa thu năm 1942, trên con đường từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Tuy bị gông cùm xiềng xích, song bài thơ không phải là một lời than vãn xót xa, mà trái lại, đó là một nét hoan ca về cuộc sống, về con người, biểu hiện tâm hồn hết sức đẹp đẽ và nhân cách lớn lao của Hồ Chí Minh.
Ngay từ hai câu đầu mang âm hưởng và chất liệu của thơ Đường đã khiến ta cảm nhận được một hồn thơ ung dung, thư thái và bình dị của Bác, qua bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống.
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;”
Chỉ qua vài nét chấm phá theo bút pháp cổ điển trong hai câu thơ bảy chữ, bức họa phong cảnh chiều tối đã hiện ra rõ nét. Trong khung cảnh núi rừng lúc trời chập choạng tối, những cánh chim mỏi mệt của ban ngày đang bay về tổ ấm. Trên lưng trời là vài chòm mây chầm chậm trôi qua. Vì chiều là thời gian của một ngày tàn nên mọi vận động của thiên nhiên đều nhẹ nhàng, có phần uể oải. Và trong thơ ca cổ điển phương Đông, “quyện điểu quy lâm” (chim bay về rừng) thường là biểu tượng cho buổi chiều tà:
"Chim hôm thoi thót về rừng."
(Nguyễn Du).
Như vậy, cánh chim chiều vừa mang ý nghĩa không gian, vừa mang ý nghĩa thời gian. Nhưng sự khác biệt của thơ Bác và thơ xưa là cánh chim của Bác gợi sự xa xăm, bay mãi tới vô tận trong cõi tuyệt cùng của hư không. Còn chòm mây trôi chậm chạp, lững lờ giữa bầu trời lại gợi cảm giác thời gian như ngừng trôi, không gian thật cao, rộng đến mênh mông. Dường như đây là những hình ảnh ẩn dụ về người tù đang bị giải đi trên con đường xa vạn dặm chưa biết nơi đâu là điểm dừng chân.
Trong bức tranh chiều tối, chợt hiện lên hình ảnh của con người bản địa.
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
Hình ảnh người phụ nữ đã khá quen thuộc trong các vần thơ xưa, nhưng thường là những cô gái thuộc giới thượng lưu hoặc dân nghèo. Còn trong thơ Bác, hình ảnh người phụ nữ lao động xuất hiện thật khỏe khoắn, phản ánh sự vận động của tâm hồn tác giả. Bác không tả mà chỉ ghi lại hiện thực khách quan. Những điệp ngữ liên hoàn nối giọng thơ ba và bốn với nhau, tạo nên sự nối âm nhịp nhàng. Điểm ngời sáng trong bài thơ chính là hình ảnh “lô dĩ hồng” (lò than đã rực hồng). Bác đã dùng từ “hồng” để gián tiếp miêu tả trời tối. Đây là nghệ thuật lấy sáng tả tối. Trong câu thơ, hoàn toàn không có chữ “tối” nhưng vẫn diễn tả được trời tối. Từ “hồng” còn mang nhiều ý nghĩa khác. “Hồng” có thể chỉ đơn giản là màu của bếp lửa mà Bác trông thấy. Hoặc “hồng” là màu của bình minh ấm áp, của tương lai sáng lạng, của niềm tin mà Bác đặt cho Cách mạng, cho độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Từ cuộc sống bình dị của người lao động và chiếc bếp lửa hồng, Bác đã khiến cho niềm tin, lòng lạc quan của Bác chẳng mấy chốc đã lan tỏa trong lòng người đọc.
“Chiều tối” qua thơ Bác, không còn đìu hiu, hoang vắng, hay tầm thường mà mang nhiều ý nghĩa hơn. Con người nhìn vào “chiều tối” để nghĩ đến “bình minh”. Đồng thời qua bài thơ, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, và ý chí viết lên hoàn cảnh khắc nghiệt của Bác được thể hiện đậm nét.