Văn Mẫu Lớp 11

Nghị luận văn học: Về bài thơ hay nhất của Pushkin

Tôi là người yêu thơ, yêu tiếng Nga và yêu thơ Nga nhất là thơ Pushkin, Lermontov, Exenhin bằng chính tiếng Nga.

Một lần nọ, nhà thơ Hoàng Khoát hiện đang công tác ở Vietnamnet sau khi nghe tôi đọc và giải thích một số thơ bằng tiếng Nga, nói với tôi:

- Cô giáo dạy văn em không đồng tình với câu dịch của dịch giả Thúy Toàn “Khi rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”, anh có thể cho em biết nguyên văn câu ấy trong tiếng Nga như thế nào?

- Trời ơi, tôi thốt lên, chữ “томим” trong tiếng Nga là một tính động từ ngắn đuôi nghĩa là anh mệt lả, anh bị giằng xé đến kiệt sức bởi…có thể dịch là “Ngại ngần, ghen tuông từng vắt anh kiệt sức” chứ nếu dịch là “hậm hực lòng ghen” thì xin lỗi chưa đúng tầm (chưa dám nói là hạ thấp) một thi tài và hơn nữa một thiên tài thơ tầm mọi thời đại.

- Thế theo anh, dịch như thế nào?

- Được để anh thử dịch theo sát nghĩa hơn, và tôi viết lại bản dịch nhanh của mình cho nhà thơ Hoàng Khoát.

“THƯỞ YÊU EM

Có một thời anh đã trót yêu em

Dường lửa tình yêu trong tim chưa tắt

Chỉ muốn giữ cho hồn em trong vắt

Anh lặng chôn tình riêng ấy trong lòng

Cô đơn nỗi buồn, vô vọng niềm mong

Nghiệt ngã ghen tuông từng vắt anh kiệt sức

Tình đằm thắm, tình chân thành day dứt

Cầu chúa cho em người tình, yêu như chính tình anh”

Nhà thơ Hoàng Khoát khen hay và theo anh thì anh đã đọc bản dịch này cho nhiều người và được cho là dịch được.

Đó là chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây trên diễn đàn này, tôi muốn cùng các bạn nói về vấn đề này sâu hơn.

Về dịch thuật, người Pháp nói câu: “dịch là phản” kể cũng hơi quá đáng. Tuy nhiên mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau bởi vậy theo tôi: “Dịch là cô gái, đẹp thì không trung thành mà trung thành thì không đẹp” và trong dịch thuật bao giờ chúng ta cũng nên đặt lên hàng đầu ba chữ Đ: ĐÚNG, ĐẠT, ĐẸP.

Về bài thơ “Anhyêu em” của Pushkin chúng ta cũng bình tĩnh xem xét kỹ lại bản dịch của Thúy Toàn đã được đưa vào sách giáo khoa và giảng dạy nhiều năm và nhiều nhiều thế hệ học sinh chúng ta đã đọc và thuộc.

Cũng phải công nhận bản dịch của dịch giả Thúy Toàn đẹp, khá đạt nhưng có chỗ chưa đúng. Tôi xin tạm dịch nghĩa nhé:

ANH ĐÃ TỪNG YÊU EM (động từ thời quá khứ chưa hoàn thành nghĩa là đã từng yêu, nếu dịch là ANH YÊU EM thì hoàn toàn mang sắc thái khác, ta thấy các bản dịch tiếng Anh ở dưới đều dùng I LOVED YOU chứ không dùng I LOVE YOU- rất tiếc các dịch giả của ta đều dịch ANH YÊU EM làm mờ đi thầm ý của nhà thơ. Nếu muôn dịch sát nghĩa tôi xin đề nghị dịch là TỪNG YÊU EM, hoặc THƯỞ YÊU EM như tôi dịch ở trên, vừa gọn, vừa chuẩn ngữ pháp - đúng với tinh thần bài thơ. Riêng tôi dịch thoát là TÌNH ANH)

Anh đã từng (cần nói là các động từ ở đây đều là quá khứ nên dịch là đã từng, hoặc từng thì chính xác hơn) yêu em (chữ вас tác giả dùng cho người cao quý, bình thường thì người ta dùng "я тебя люблю "- Theo các nhà ngôn ngữ thì thời Puskin người ta dùng như thế kiểu Ta yêu Nàng tạm tương đương trong tiếng Việt, nếu dịch là em thì nên viết hoa “Em” để tỏ lòng tôn kính như người ở bậc được ngưỡng vọng chứ không đơn thuần “em” như một người tình bình thường) tình yêu hãy còn, có lẽ

Trong lòng anh tình yêu ấy chưa hoàn toàn tắt hẳn (tác giả dùng угасла не совсем- còn chưa tắt hẳn - hay đến thế).

Nhưng hãy để tình yêu ấy chẳng quấy rầy em thêm nữa.

Anh không muốn phiền em bởi bất cứ điều gì.

Anh đã từng yêu em lặng thầm, vô vọng

Từng giằng xé khi bởi ngại ngùng, khi bởi hờn ghen.

Anh đã từng yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế (đến mức mà)

Cầu cho em là người được yêu như thế bởi người tình khác.

Câu cuối “Как дай вам бог любимой быть другим ” thực sự làm đau đầu các nhà Pushkin học và các nhà ngôn ngữ Nga. Người em trai của tôi là Phạm Bá Thủy ở tạp chí Thế Giới Mới từng sống hơn 10 năm ở Nga và cũng đã hỏi các nhà ngôn ngữ Nga mà họ chịu vì nó không thuộc hệ ngữ pháp thông thường. Có thể nó đi với chữ “так” ở câu trên trong cấu trúc “так… как…” với nghĩa là “anh yêu em chân thành đến mức mà, êm ái đến mức mà anh cầu mong cho em được người yêu như vậy. Cũng có thể nó đi một mình thì mang nghĩa “Cầu cho em là người được yêu như thế bởi người tình khác” Chúng ta đành tạm hiểu như vậy. Có tác giả trên net cho rằng дай вам бог là mệnh lệnh cách - hỡi chúa trời hãy cho Em- sợ hơi khiên cưỡng. Ở tiếng Nga đây là một cách cầu khẩn chứ không phải là một mệnh lệnh cách. Họ còn cho rằng Thúy Toàn dịch không có mệnh lệnh cách nên không chuẩn. Thực sự Thúy Toàn dịch như câu cuối "Cầu cho em được..." là rất thoát và đẹp.Tuy nhiên vẫn chưa thể diễn tả được cái thần câu thơ. Bởi với tiếng Nga cũng như tiếng Anh đều có cách cầu khẩn nhưng không thể có thực mà rất tiếc tiếng Việt mình lại không có. Chỉ có thể ngầm hiểu thôi. Cấu trúc này tương tự trong tiếng Anh Conditional Sentences Type II (unreal/impossible) câu điều kiện không có thực, kiểu "cầu tôi là chim để bay khắp mọi miền" nhưng tôi không bao giờ là chim được cả. Ở đây câu cầu khẩn của tác giả là câu cầu khẩn không thể có thực (unreal/impossible)nghĩa là "cầu chúa (mà chỉ có chúa toàn năng mới có thể)cho em người, yêu em đúng tình anh" nhưng em ơi làm sao có được điều ấy, làm sao có được người yêu em đến mức ấy trên đời nữa hở em. Người Nga thì hiểu ngay cầu mong thế, nhưng không bao giờ có được thế. Tiếng Việt chúng ta rất tiếc không có cấu trúc ngữ pháp tương tự để hiểu thấu đáo ý thơ.

Sau đây xin đưa vài phương án gọi là tạm dịch câu cuối bài thơ:

- Chỉ Chúa mới cho được người, yêu em đúng tình anh

- Làm sao có trên đời người thế nữa yêu em

- Đừng mơ tưởng hão huyền người thế nữa yêu em

- Hoài mong một người, yêu em đúng tình anh có thể phần nào ĐÚNG, nhưng không thể ĐẸP và vì vậy không ĐẠT.

Sau nhiều trăn trở, tôi xin dịch câu cuối cùng ấy như sau:

"ƯỚC ĐƯỢC NGƯỜI, YÊU EM ĐÚNG TÌNH ANH"

với niềm mong chữ ƯỚC phần nào diễn tả cái không thể có thực trên đời, và chữ ĐÚNG để diễn tả cái không thể có thực được, không bao giờ chính xác được của ý thơ. Nhưng sau đó ít lâu tôi lại chọn lại là "ƯỚC ĐƯỢC NGƯỜI YÊU EM SÁNH TÌNH ANH" để thay chữ "Đúng " cứng nhắc bằng chữ "Sánh" ngầm chút kiêu hãnh của Thi hào.

TÔI THA THIẾT MONG CÁC BẬC THẦY CÔ DẠY VĂN HÃY TRUYỀN DẠY CÁC EM THẤU HIỂU ĐƯỢC Ý NGẦM TRONG CÂU THƠ MÀ VÌ NGỮ PHÁP KHÔNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ VÌ VỚI LƯỢNG TỪ HỮU HẠN (CHO CÂU THƠ CUỐI CÙNG) KHÔNG THỂ NÀO DIỄN TẢ ĐƯỢC CÁI THẦN CỦA NGẦM Ý ẤY.

Thơ đẹp, thơ hay là thơ nằm ngoài cách cảm nhận thông thường, nằm ngoài ngữ pháp thường ngày. Có như vậy các dịch giả mới hiểu theo nhiều cách và người nào hiểu gần đúng với ý tác giả nhất thì càng được đón nhận hơn. Dịch còn mang chức năng giải mã tác phẩm bằng cảm thụ mỹ thuật. Mà đã là cảm thụ mỹ thuật thì vô cùng...

Phải chăng chúng ta nên phát động trên diễn đàn một cuộc thi về dịch bản dịch này bổ sung vào bản dịch của dịch giả Thúy Toàn trong sách giáo khoa? Thật đáng tiếc là chúng ta không có hệ thống truyền thông để có thể nói lên điều đó. Nhưng tôi mong các thầy, cô dạy văn khi dạy bài này hãy hiểu như cô giáo của nhà thơ Hoàng Khoát, ít nhất là không thể một thiên tài thơ lại diễn tả “hậm hực lòng ghen”. . Tôi mong các thầy cô, các bạn học sinh hãy vào diễn đàn để cùng nhau tổ chức một cuộc thi và bình chọn những bản dịch hay. Điều ấy hoàn toàn vì nền học vấn nước nhà.

Sau nhiều ngày đêm nghĩ suy và tư duy, với lòng yêu thơ Nga và Pushkin, tôi cũng gắng thử dịch lại bài thơ này lần nữa với ước mong dần chạm đến 3 Đ: ĐÚNG, ĐẠT, ĐẸP tuy mục tiêu ấy còn quá vời xa…Tôi xin tặng bản dịch này cho các thầy cô dạy văn, cho các bạn học sinh, cho những người yêu thơ, mong các bạn hiểu được phần nào ẩn ý của câu cuối bài thơ, câu có sức nặng nhất, hay nhất của cả bài thơ; chí ít làm mờ đi chữ “hậm hực” tầm thường hóa một thi tài.