- Có Sơn Tây trở lại xin vào chào thầy để từ tạ, nhưng thấy có khách nên không dám vào.
Hòa thượng nói:
- Ra bảo nó chờ thêm vài hôm nữa cho thật lành bệnh rồi hãy đi.
Tịnh Sơn vương nghe nói Địch Thanh lấy làm lạ hỏi:
- Địch Thanh nào có tên trong giáo trường, còn Địch Thanh nào lại ở đây?
Hoà thượng thưa:
- Cũng là một Địch Thanh đó mà thôi. Hôm trước nó ở trong binh bộ, bị Tôn Tú đánh nó ai mươi hèo có tẩm thuốc độc, may có người chỉ đến đây nên tôi miớ vừa cứu nó và nó đền ơn cho tôi viên ngọc uyên ương này.
Tịnh Sơn vương nghe nói khiến đòi Địch Thanh vào mà hỏi.
Địch Thanh bước vào quỳ ra mắt. Tịnh Sơn vương hỏi:
- Vậy chớ ngươi với Tôn Tú có thừ oán chi chăng?
Địch Thanh thưa:
- Tôi là con nít, còn Tôn Tú là quan chức, hai bực cách nhau xa lắm, lẽ nào tôi dám xúc phạm đến người trên mà gây thù oán.
Tịnh Sơn vương nói:
- Hay là lớp trước có thù oán gì chăng?
Địch Thanh thưa:
- Chuyện ấy thì tôi là lớp hậu sanh không rõ được.
Tịnh Sơn vương nói:
- Hôm trước ta thấy trong ý bài thơ của ngươi thì tự xưng là anh hùng. Vậy chớ tài nghệ của ngươi có quả như trong thơ chăng?
Địch Thanh thưa:
- Chẳng dám dấu đại vương, nội trong tam lược lục thao, binh thơ chiến sách thảy đều thông.
Tịnh Sơn vương nghe nói chưa tin, vì thấy Địch Thanh diện mạo giống như một thư sinh, nên muốn thử xem gan dạ thế nào, liền hỏi:
- Nay Tôn Tú đem lòng độc ác, dùng hèo thuốc độc mà hại ngươi, vậy ngươi dám đến mà giết nó đặng trả thù không?
Địch Thanh thưa:
- Nếu được đại vương ban cho Long tuyền kim sợ gì mà không dám giết tên gian thần đó.
Tịnh Sơn vương nói:
- Vậy thì ngươi hãy theo ta lãnh cây bảo đao mà trừ tên gian thần ấy.
Địch Thanh thưa:
- Nếu đại vương có lòng như vậy thì tôi nguyện đem hết sức mình diệt trừ tên bạo ngược.
Tịnh Sơn vương nói:
- Ta sơ e ngươi vẽ cọp không ra hình thì thế nào?
Địch Thanh thưa:
- Nếu được việc thì tôi vì dân trừ bạo, còn nếu không thì tôi có chết cũng cam lòng.
Tịnh Sơn vương nói:
- Như vậy mới đáng mặt anh hùng. Thôi hãy đi với ta.
Nói rồi dạy lại hỏi hòa thượng:
- Ngọc uyên ương là báu vật gia truyền của nó, thày trả lại cho nó giữ làm dấu tích của tiển nhân. Còn công ơn thầy cứu nó thì để tôi trả vài đính vàng.
Nói rồi lấy ra hai đính vàng trao cho hòa thượng.
Hòa thượng nói:
- Ấy là tại Địch Thanh năn nỉ và cố đền ơn. Nay đại vương đã dạy như vậy tôi đâu dám lãnh.
Tịnh Sơn vương nhất định trao hai đính vàng cho hòa thượng nên hòa thượng cực chẳng đã phải nhận và trả viên ngọc lại cho Địch Thanh.
Tịnh Sơn vương từ giã lên kiệu ra về, lại khiến Địch Thanh theo về dinh.
Ngày hôm sau, Tịnh Sơn vương khiến quân khiêng cây Kim hoàn đao ra, rồi nói với Địch Thanh:
- Nay ta giao cây đao này cho ngươi, đặng ngươi chém đầu Tôn Tú.
Địch Thanh liền bước ra lãnh đao, từ tạ ra đi.
Tịnh Sơn vương khiến Lưu Văn và Lý Tấn theo sau mà coi chừng Địch Thanh tiếp ứng.
(Nguyên cây đao này nặng đến một trăm cân của Tống Thái Tổ để lại, vì e ngày sau con cháu nghe lời sàm tấu của nịnh thần mà làm hư việc nước, nên giao cho năm vị phan vương luân phiên mà giữa đao ấy mỗi người sáu ngày. Nhằm phiên ai giữ thì được quyền chém giết bất kỳ văn võ bá quan, hoàng thân quốc thích, hể ai phạm tội thì chém đầu, mà lúc ấy nhằm phiên của Tịnh Sơn vương giữ cây đao ấy).
Lúc ấy Địch Thanh xách cây đao ra đ1, ai ai thấy mặt cũng đều tránh, vì đã biết cây đao của Tống Thái Tổ cho nên sợ hãi. Còn Địch Thanh là người xứ lạ mới đến Biện Kinh có ít ngày, không biết Tôn Tú ở đâu đặng mà vào lấy thủ cấp.
Lúc này Tôn Tú đang qua dinh Bàng Hồng mà đánh cờ. Gia nhân của Tôn Tú là Tôn Long thấy mặt thì biết là Địch Thanh, lật đật chạy qua dinh Bàng Hồng báo cho Tôn Tú hay.
Tôn Tú nghe nói kinh hãi. Bàng Hồng nói:
- Thế ra lão Hồ Diên Hiển trao cây kim đao cho nó, vì hôm nay nhằm phiên của lão ấy giữ.
Tôn Tú nói:
- Không biết kế chi mà trừ lão, để lão ỷ mình là công thần muốn làm chi thì làm, rất khó chịu.
Bàng Hồng nói:
- Thôi! Haỹ khoan về dinh đã, để xem thử chúng nó làm gì.
Lúc này Sơn Tây xách đao đi tìm Tôn Tú không được, khi đến một chiếc cầu, Địch Thanh nghĩ thầm:
- Thôi ta cứ ngồi đây chờ nó đi ngang qua đây sẽ hạ sát.
Ngồi một lát thấy đói bụng, Địch Thanh bước lại tiệm bánh gần đó, dựng cây đao ngoài cửa, rồi vào ngồi ăn.
Lúc đang ăn, Địch Thanh bỗng nghe tiếng la hét om sòm, liền bước ra xem thì thấy một đoàn người vừa chạy vừa la inh ỏi.
Địch Thanh xem kỹ thì thấy một con ngựa tướng mạo rất hung dữ đang chạy qua cầu. Địch Thanh vội vã chạy theo đuổi bắt. Chủ quán thấy vậy nói:
- Cái thằng khốn! Nó làm bộ đuổi theo bắt ngựa để khỏi trả tiền bánh. Vậy sẵn có cây đao đây, ta xiết mà trừ nợ..
Nói rồi kêu bọn gia nhân ra khiêng cây đao vào.
Bỗng có Lưu Văn và Lý Tấn chạy đến nạt lớn:
- Cây đao vủa vua Thái Tổ để lại tại dinh vủa Tịnh Sơn vương, ai dám cả gan khiêng đi vậy.
Chủ tiệm nói:
- Ấy là tại tôi không rõ, tưởng là của ai bỏ quên, xin miễn chấp.
Lưu Văn và Lý Tấn bèn khiêng cây đao ấy về dinh.
Còn con ngựa vừa sẩy chạy là con ngựa cùa Đông Phiên đem dâng cho triều đình, tên là Hỗn long cu. Vua ban cho Bàng thái sư. Ngựa ấy dữ tợn lắm, không chịu ai cưỡi hết, cho nên phải xiềng nó lại mà nó vẫn hung dữ. Ngày trước nó đã hại chết mấy trăm gia nhân của Bàng thái sư nen Bàng thái sư muốn giết nó đi, ngặt vì ngựa của triều đình ban nên không dám giết, phải đóng cũi mà nhốt nó. Nay nó lại phá cũi mà ra, nên Bàng thái sư truyền rằng hễ ai trừ được con ngựa thì trọng thưởng.
Lúc đó Địch Thanh chạy theo mà nắm đầu con ngựa ấy mà đạp một cái, con ngựa liền ngã xuống chết tươi. Ai nấy thấy vậy đều khen. Bọn gia nhân của Bàng thái sư chạy đến nói:
- Tráng sĩ thật đáng bậc anh hùng, xin tráng sĩ theo chúng tôi về dinh lãnh thưởng.
Địch Thanh nói:
- Không phải tôi ham thưởng mà chỉ muốn trừ con ngựa dữ mà thôi. Tôi không muốn đi đâu.
Gia đinh nói:
- Nếu tráng sĩ không đi thì chúng tôi bị quở, vì thái sư có ra lệnh hễ ai trừ được ngựa thì ban thưởng.
Địch Thanh thấy vậy cũng chiều lòng đi theo bọn gia nhân. Đến nơi bọn gia đinh vào báo:
- Nay có một tráng sĩ sức mạnh vô cùng, đã trừ được con Hỏa long cu rồi. Hiện đang đứng ngoài cửa.
Bàng thái sư nghe nói khiến cho vào. Địch Thanh vào đến nơi quỳ lạy nói:
- Kẻ tiểu nhân vì muốn trừ ngựa dữ chớ không có ý lãnh thưởng gì hết.
Bàng thái sư hỏi:
- Ngươi tên họ là chi? Quê quán ở đâu?
Địch Thanh thưa:
- Tôi là Sơn Tây ở tỉnh Sơn Tây, phủ Thái Nguyên.
Bàng Hồng nghe nói biết là cừu nhân của rể mình, thì nghĩ thầm:
- Ta phải tìm gạt nó để báo cừu cho rể ta.
Nghĩ rồi liền nói:
- Ta đã có lời hứa hễ ai trừ được ngựa dữ thì ban thưởng, vậy tráng sĩ ở lại đây để sáng mai ta vào triều tâu với thánh thượng gi ban ban quyền tước cho.
Địch Thanh nói:
- Ngày trước tôi có phạm tội với Tôn binh bộ, e người thấy mặt thì không dung thứ.
Bàng Hồng nói:
- Không hề chi! Có ta đây thì Tôn binh bộ không dám là gì trái đâu. Vậy tráng sĩ cứ ở theo bọn gia đinh của ta, hoặc ra ngoài huê viên mà nghỉ, ngày mai ta sẽ dắt vào triều yết kiến hoàng thượng.
Địch Thanh tuân lệnh. Còn Bàng Hồng thì trở lại thơ phòng, gọi Tôn Tú đến, thuật hết mọi việc cho Tôn Tú nghe. Sau đó Bàng Hồng nói với tên gia đinh là Lý Kế Anh:
- Nay có Địch Thanh là người thù của Tôn binh bộ cho ngủ nơi Đơn Quế đình, vậy đêm nay đến canh ba ngươi đem lửa đốt nhà ấy đặng giết Địch Thanh trả thù cho Tôn binh bộ. Ngươi làm xong việc ấy sẽ được trọng thưởng.
Lý Kế Anh thưa:
- Nơi đây là chốn kinh thành, nếu nổi lửa đốt vào lúc canh ba e làm náo loạn. Vậy để tôi dụ nói uống rượu cho say, rồi nửa đêm cho nó một đao thì hết đời, mà không ai hay biết gì hết.
Bàng Hồng nghe nói gật đầu:
- Như vậy thì rất tốt, nhưng ta e một mình ngươi làm không nổi.
Lý Kế Anh nói:
- Giết một tên say rượu có gì khó đâu. Nhưng nếu tôi giết được xin thái sư trọng thưởng là tốt rồi.
Bàng Hồng nói:
- Nếu ngươi giết được Địch Thanh thì ta tiến cử ngươi làm chức tri huyện nơi một chỗ tốt.
Lý Kế Anh thưa:
- Vậy thì xin thái sư cho tôi một tiệc rượu đặng tôi đến Đơn Quế đình mà dỗ nó ăn uống cho no say.
Bàng Hồng liền hối quân dọn tiệc rồi bưng theo Lý Kế Anh.
Bấy giờ Địch Thanh đang ngồi một mình nơi Đơn Quế đình, bỗng thấy một người đi trước và hai tên quân bưng mâm tiệc rượu theo sau. Khi đến nơi, Lý Kế Anh bảo để mâm tiệc rượu xuống, rồi cho hai tên quân trở về.
Địch Thanh hỏi:
- Hiền huynh là ai? Quê quán ở đâu?
Lý Kế Anh nói:
- Tôi là gia nhân của Bàng thái sư, tên là Lý Kế Anh, quê ở tỉnh Sơn Tây, phủ Thái Nguyên, trước kia làm tôi cho ông thân sinh của cậu. Đến sau người xin quy điền, chẳng bao lâu thì từ trần. Kế sau đó bị nước lụt, chết hết cả huyện Tây Hà. Tôi may sống sót, lưu lạc đến đây là gia đinh cho Bàng thái sư. Nay gặp cậu ở đây mà cậu lại đang lâm đại nạn, cho nên tôi phải lập mưu mà cứu cậu.
Địch Thanh nói:
- Chẳng hay tôi đang bị nạn gì?
Lý Kế Anh liền thuật hết chuyện Bàng Hồng âm mưu hãm hại.
Địch Thanh nghe nói thất kinh hỏi:
- Lạ thạt! Tôi và Bàng Hồng có thù oán chi mà lại âm mưu hại tôi như vậy?
Lý Kế Anh nói:
- Vậy cậu không biết Bàng Hồng là người chi của Tôn Tú hay sao?
Địch Thanh nói:
- Không.
Lý Kế Anh nói:
- Tôn Tú là rể của Bàng Hồng cho nên Bàng Hồng muốn trả thù thay cho Tôn Tú.
Địch Thanh nghe nói nổi giận:
- Bàng tặc muốn hại ta. Vậy trong nội đêm nay ta phải giết trước mi cho rồi.
Lý Kế Anh nói:
- Không nên hành động như vậy vì chưa đến lúc. Tốt hơn là cậu tìm cách trốn khỏi nơi đây đã.
Địch Thanh nói:
- Bây giờ biết ra đường nào?
Lý Kế Anh nói:
- Tôi đã liệu trước rồi. Cửa trước cửa sau đều khóa hết, không ra được, duy có phía giáp ranh ông Hàng Kỳ làm Lại bộ thượng thư, thì hai bên có cây đại thọ cành cây giao nhau, cậu có thể leo lên cây mà trèo sang bên kia thì thoát nạn.
Địch Thanh nói:
- Biết ông ấy có phải là một phe với Bàng Hồng chăng?
Lý Kế Anh nói:
- Ông này là một người chánh trực, nên Bàng Hồng thường muốn hại ông ta mà chưa được. Vậy cậu hãy đi cho mau kẻo trễ.
Địch Thanh nói:
- Nay nhờ hiền huynh thương tình thông tin, nếu không thì tính mạng tôi không còn.
Nói rồi cúi đầu lạy Lý Kế Anh.
Lý Kế Anh đỡ dậy nói:
- Cậu đừng làm như vậy. Hãy đi cho mau kẻo bị lộ.
Địch Thanh liền leo lên cây đại thọ chuyền qua bên vườn của Hàng Kỳ.
lời bàn:
Dù cho kẻ gian xào đến đâu thì trong âm mưu cũng có lúc sơ hở. Chính những sơ hở ấy lại tạo thành cơ hội ngàn để cho kẻ hiền lành lọt ra ngoài nguy biến.
Bàng Hồng là một tay âm mưu nổi tiếng, thế mà không hại được Địch Thanh khi Địch Thanh đã sa vào trong tay mình. Đó là lòng trời không nỡ hại người ngay nên khiến Bàng Hồng không lường nỗi lòng nhân ái của Lý Kế Anh, một tên gia nhân.
Trong kẻ ác có những người thiên. Thiện ác luôn luôn xen kẽ với nhau, diễn biến trong cuộc sống không thể lường hết được.
Trong cuộc sống con người, không phải ai lương tâm cũng giống nhau. Nhưng có điều kẻ ác thường liên kết với người ác, còn người lành thì gặp người lành lại thương mến nhau. Cái gì phù hợp nhau thì cái đó gặp nhau. Lý Kế Anh, một kẻ tôi đòi, nhưng lại có lòng nhân, nên thấy Địch Thanh lầm hoạn nạn thì thương cảm. Lòng thương cảm đã vượt qua mọi nguy hiểm của mình nếu hành động của Lý Kế Anh bị tiết lộ. Biết vậy nhưng Lý Kế Anh vẫn làm vì lương tâm con người bắt buộc phải hành thiện.