Vạn Huê Lầu diễn nghĩa

hồi thứ mười ba

Lộ Huê vương dắt Hàng Kỳ vào ra mắt Địch thái hậu và thuật lại lời bàn của Hàng Kỳ cho Địch thái hậu nghe.

Địch thái hậu nhớ đến việc Địch Quảng là anh mình thì lại càng buồn rầu hơn nữa, bèn hỏi Lộ Huê vương:

- Vậy con hãy cầm Hàng lại bộ lại nơi đó mà thết đãi, đặng chờ ngày ấy xem có quả như vậy mẹ sẽ ban thưởng.

Lộ Huê vương vâng lời cầm Hàng Kỳ ở lại mà thết đãi.

Bấy giờ Nam Thanh cung xảy ra một chuyện lạ. Nguyên lúc trước Ngọc hoàng có sai rồng đỏ hóa làm một con ngựa xuống giúp Tống Thái Tổ để gây dựng giang san. Đến nay thái bình rồi thì ngựa ấy trở về trời mà làm rồng lại, ai dè ngựa ấy lòng phàm chưa dứt, trốn xuống tỉnh Sơn Tây, phủ Tây Hà làm cho nước lụt tàn hại sinh linh hết mấy muôn mạng nên Ngọc hoàng giận dữ đày xuống làm long mã giúp Tống đánh Tây Hạ để lập công chuộc tội.

Rồng vâng chỉ xuống tại hoa viên, sau Nam Thanh cung ở nơi ao sen, chờ ngày giúp Tống.

Ngày kia quan coi vườn thấy ao sen nổi sóng thì thất kinh lật đật vào báo với Địch thái hậu và Lộ Huê vương hay.

Địch thái hậu nói:

- Vậy ta phải sai người lên Long Hổ sơn triệu pháp sư xuống mà trừ yêu quái ấy.

Hàng Kỳ nghe nói nghĩ thầm:

- Địch Thanh là học trò Quỉ Cốc, có lẽ trừ yêu quái được. Vậy lúc này may ra có dịp mà tiến cử nó, may ra có thể xuất thân được.

Nghĩ như vậy liền nói với Lộ Huê vương:

- Có một người tráng sĩ sức mạnh vô cùng, lại là học trò của Quỉ Cốc, hôm trước trừ được ngựa dữ tại Thiên Hơn kiều. Xin sai người triệu tráng sĩ ấy đến xem thử.

Lộ Huê vương hỏi:

- Tráng sĩ ấy bây giờ ở đâu?

Hàng Kỳ nói:

- Bây giờ đang ở tại nhà tôi.

Lộ Huê vương nói:

- Nếu đang ở nhà ngài thì phải sai người đến triệu lập tức.

Hàng Kỳ nói:

- Tuy đang ở nhà tôi nhưng không dám ra mặt.

Lộ Huê vương hỏi:

- Tại sao vậy?

Hàng Kỳ liền thuật hết mọi việc Bàng Hồng tới nhà bắt Địch Thanh cho Lộ Huê vương nghe.

Lộ Huê vương nổi giận lấy long bài trao cho nội giám bảo đến Ngự thơ lầu đuổi hết quân sĩ của Bàng Hồng đi, rồi triệu Địch Thanh đến lập tức.

Nội giám vâng lệnh làm y như vậy.

Địch Thanh được lệnh Lộ Huê vương theo nội giám đến Nam Thanh cung vào ra mắt Lộ Huê vương.

Lộ Huê vương hỏi:

- Nơi ao sen phía sau cung có một con yêu quái, hình tựa giống rồng xanh, phá phách rất dữ, không ai trừ nổi. Nay có Hàng thượng thơ tiến cử tráng sĩ là học trò Quỉ Cốc, học được phép trừ cọp bắt rồng. Vậy tráng sĩ có thể trừ con yêu quái đó hay không?

Địch Thanh nghĩ thầm:

- Thuở nay mình theo thầy  học võ nghệ, đâu có học phép trừ yêu. Nay chú mình đã tiến cử không lẽ từ chối.

Nghĩ như vậy liền nói:

- Loài yêu ấy để tôi trừ cho, xin điện hạ chớ lo.

Lộ Huê vương mừng rỡ truyền dọn tiệc thết đãi Địch Thanh.

Đêm ấy vào đêm 14 tháng 8, trăng tỏ như ban ngày, Lộ Huê vương khiến quân mở mấy tầng cửa sau vườn. Địch Thanh xách đao ra trước ao hét lớn:

- Nghiệt súc! Hãy mau lên mà nạp mình.

Tức thì ao sen nổi sóng, một con yêu quái mình mẩy đỏ như lữa từ dưới ao trồi lên. Địch Thanh coi lại thì quả là con rồng đỏ. Rồng ấy vung nanh múa vuốt và hét lên tiếng tựa như sấm. Địch Thanh cầm đao chỉ rồng nói:

- Nghiệt súc! Chớ nên làm dữ.

Con rồng liền nhảy lên bờ, há miệng vẫy đuôi xốc lại mà chụp Địch Thanh.

Địch Thanh ráng sức kháng cự một hồi, nhưng đánh không lại rơi đao xuống đất. Rồng xốc tới muốn nuốt Địch Thanh làm cho Địch Thanh cả sợ xuất tướng tinh là vì sao Võ khúc.

Rồng đỏ trông thấy hét lớn một tiếng, rồi nằm xuống hóa thành một con ngựa lớn, cao độ năm thước, sắc hồng hai mắt sáng như gương.

Địch Thanh thấy vậy cười lớn:

- Lạ chưa! Lúc nãy ngươi là con rồng mà bây giờ trở thành con ngựa. Hay là trời cho mình con ngựa này chăng?

Nói rồi bước tới rờ đầu con ngựa, nói:

- Ngựa ơi! Nếu ngươi muốn theo ta thì gật đầu ba cái.

Con ngựa nghe nói thì gật đầu lia lịa. Địch Thanh mừng rỡ lạy giữa thinh không cảm tạ trời đất rồi lên ngựa cho đi chầm chậm khắp bờ ao.

Quân sĩ trông thấy liền mở cửa vường chạy ra xem.

Địch Thanh nói:

- Tôi đã bắt được yêu quái ấy rồi. Nó đã hóa thành con ngựa long cu đây.

Lộ Huê vương chạy ra khiến quân bảo Địch Thanh dắt con ngựa ấy vào, rồi xem xét thấy sự việc kỳ dị như vậy vội vào báo với Địch thái hậu và Hàng Kỳ.

Hàng Kỳ khen Địch Thanh xứng danh một bậc anh hùng. Lộ Huê vương khiến quân cầm yên đem ra thắng vào ngựa ấy rồi lên cưỡi thử mà ngựa ấy không chịu đi, cất lên một cái làm Lộ Huê vương muốn té xuống đất, may có quân sĩ đến đỡ kịp.

Lộ Huê vương nói:

- Ngựa này không cho ta cưỡi. Hàng thượng thơ thử cưỡi cho ta xem.

Hàng Kỳ vâng lời lên cưỡi thì ngựa ấy cũng không cho.

Lộ Huê vương nói:

- Thôi! Ta thưởng con ngựa và bộ yên ấy cho ngươi.

Địch Thanh mừng rỡ tạ ơn.

Lời bàn:

Người xưa, theo quan niệm Đông phương, cấu tạo lẽ sống theo vận mệnh của trời đất, gọi là thời vận. Thời vận là sự vận chuyển của vũ trụ. Lúc đã đến thời thì những cơ may ồ ạt kéo đến, giúp cho vận mệnh đạt thành công.

Địch Thanh, lúc chưa gặp thời thì mọi rủi ro chồng chất, nhưng lúc thời đã đến thì cái gì cũng suông sẻ.

Tuy nhiên, theo lẽ trời bao giờ cũng phải dựa theo chân lý, mà chân lý là lẽ sống nhân đạo cuả con người. Kẻ biết tôn trọng chân lý thì dù có gian nan sớm muộn cũng gặp được điều lành, còn kẻ không tôn trọng chân lý dù có đạt được toại chí nhưng sớm muộn cũng bị luật nhân quả đào thải.