- Lúc xuống núi sư phụ có dặn là đến nơi thì gặp thân nhân, mà nay đã hơn hai mươi ngày rồi mà chưa gặp ai cả, còn bạn thân thiết lại ở chốn lao tù không biết ngày nào ra. Nay nghe nói có lệnh dọn dẹp thao trường để thao dượt nhân mã, song không biết làm thế nào để tiến thân.
Nghĩ vậy Địch Thanh lần đến giáo trường xem diễn võ, xảy thấy trên bàn có bút mực để sẵn, Địch Thanh liền lấy bút đề lên vách một bài thơ:
Ngọc còn ẩn đá có ra chi.
Có thuở trau dồi nên giống qui.
Chẳng khác anh hùng chưa gặp vận.
Biện Hoà dâng đến giữa đơn trì.
Ngày hôm sau, các quan văn võ kéo đến giáo trường, Tôn Tú nhìn lên vách thấy bài thơ có ký tên Địch Thanh thì nhớ lại việc Hồ Khôn trước đây liền lẩm bẩm:
- Cha chả! Thằng này gan thực, dám đề thơ có vẻ khí phách như vậy. Ta sẵn dịp này trả thù cho Hồ Luân rất tốt.
Nghĩ rồi liền hỏi quân sĩ:
- Trong số quân nhân này có ai tên là Địch Thanh chăng?
Quân nhân thưa:
- Có tên lính mới tuyển vào thuộc bộ binh của Lâm Quới.
Tôn Tú liền đòi Lâm Quới đến hỏi:
- Trong quân của ngươi có tên lính nào tên Địch Thanh chăng?
Lâm Quới nói:
- Có tên lính mới tôi mới tuyển vào.
Tôn Tú nói:
- Hãy đòi nó lại đây cho ta hỏi.
Lâm Quới vâng lệnh đòi Địch Thanh đến quỳ trước mặt Tôn Tú.
Tôn Tú hỏi:
- Tên ngươi có phải là Địch Thanh ở Sơn Tây không?
Địch Thanh thưa:
- Phải.
Tôn Tú nói:
- Hôm trước ngươi giết Hồ Luân ở Vạn Huê Lầu. Bao Công đã làm ơn tha cho ngươi sao ngươi chưa về xứ sở?
Địch Thanh thưa:
- Tôi nhờ Bao Công mà khỏi tội, song tôi còn muốn ở đây mà lập công danh, cho nên chưa về xứ sở.
Tôn Tú nghe nói liền hối quân bắt Địch Thanh trói lại.
Địch Thanh nói lớn:
- Tôi có tội gì mà đại nhơn bắt tôi?
Tôn Tú nạt lớn:
- Ngươi dám làm bài thơ viết trên vách. Đó không phải là chỗ ngươi làm trò chơi.
Nói rồi liền hối quân dẫn ra chém. Lâm Quới thấy vậy lật đật quỳ lạy xin cho Địch Thanh.
Tôn Tú nạt Lâm Quới:
- Ngươi không được nói nhiều lời.
Lâm Quới bị quở không dám nói nữa. Quân sĩ vừa dẫn Địch Thanh ra đến pháp trường, xảy thấy có năm vị phan vương cũng ra pháp trường thao luyện. Năm vị phan vương ấy là: Lộ Huê vương Triệu Bích; Nhữ Nam vương Trịnh Ấn; Dõng Minh vương Cao Quỳnh; Tịnh Sơn vương Hồ Diên Hiểu; và Đông Bình vương Tào Vĩ. Khi ấy năm người đến nơi, Lâm Quới nói nhỏ với Địch Thanh, và xúi Địch Thanh kêu oan.
Địch Thanh nghe theo liền la lớn lên:
- Oan ức tôi lắm!
Nhữ Nam vương Trịnh Ấn liền kêu quân bảo dừng lại, và hỏi Tôn Tú:
- Vậy chớ chuyện gì mà tên này kêu oan?
Tôn Tú bối rối không biết đâu mà trả lời.
Năm vị phan vương đồng hỏi:
- Sao chừng này mà không lo thao luyện binh mã lại tru lục quân sĩ như vậy.
Tôn Tú thưa:
- Nguyên thằng này là lính mới tuyển vào, lại dễ ngươi dám đề thơ trên vách mà diễu cợt quan trên, nên tôi xử trảm.
Trịnh Ấn hỏi:
- Thơ ấy ở đâu?
Tôn Tú chỉ thơ trên vách cho Trịnh Ấn xem.
Trịnh Ấn thấy thơ hay mà không động chạm đến quan trên nên nghĩ rằng:
- Chắc là Tôn Tú có thù riêng với tên lính này nên mới kiếm cớ mà làm tội như vậy.
Nghĩ như vậy liền hỏi Tôn Tú:
- Tội đề thơ ấy có chi mà phải chém?
Tôn Tú nói:
- Vì nó dám có hành vi diễu cợt nên phải chém đầu răn chúng.
Trịnh Ấn nói:
- Việc trị binh như vậy cũng là nghiêm lắm. Nhưng có tôi đến đây thì cho tôi xin.
Tôn Tú thưa:
- Lời đại vương dạy tôi không dám cãi. Song nếu tha nó thì muôn binh sẽ trở nên khinh lờn phép tắc.
Trịnh Ấn nói:
- Té ra ngươi nằng nặc đòi chém cho được mà thôi. Tuy vậy ta cũng nằng nặc xin tha cho được nó.
Tĩnh Sơn vương thấy vậy nói với Tôn Tú:
- Tôn binh bộ sao nỡ vô tình quá vậy. Dẫu cho tội không đáng chém mà Nhữ Nam vương đã xin thì cũng phải tha mới phải.
Tôn Tú chưa biết nói sao, ngồi nghĩ một lát rồi nói:
- Nếu tha cho nó tội chết thì cũng phải phạt nó bốn mươi hèo chứ không thể bỏ qua.
Trịnh Ấn nói:
- Cái thẳng thân hình nhỏ xíu mà đánh đến bốn mươi hèo thì còn gì thân xác nó.
Đông Bình vương nói:
- Thôi, chỉ đánh nó hai mươi hèo cũng đủ.
Tôn Tú thấy các vương gia bênh vực nên không dám nói nữa liền bước ra dặn Phạm Khước lấy cây hèo có tẩm thuốc độc mà đánh Địch Thanh.
Khi đánh Địch Thanh xong, Tôn Tú khiến bôi tên Địch Thanh và đuổi ra. Năm vị phan vương truyền nổi chiêng trống lên thao dợt binh mã. Xong cuộc diễu binh ai nấy đều lên kiệu về dinh.
Lời bàn:
Oán Thù là một trạng thái đưa đến hành động bất nhân, kẻ nuôi oán thù lúc nào cũng tìm âm mưu làm hại kẻ khác cốt thỏa mãn sự căm hận của mình.
Nếu oán thù nuôi trong lòng kẻ không có quyền thế, điạ vị thì còn ít nguy hiểm, còn nếu nó ở trong con người có quyền thế địa vị thì thật tai hại. Sự trả thù sẽ dẫn đến những hành động bất nhân, tàn bạo không thể lường trước được.
Lời xưa có nói: “Oán thù chỉ nên cởi mở mà không nên buộc. Lấy đức báo oán thì oán sẽ tự tiêu, lấy oán báo oán thì hận thù chồng chất không bao giờ hết”.
Làm người nên trọng lấy đạo nghĩa, mà không nên coi trọng oán thù. Kẻ nào bỏ được oán thù thì kẻ ấy sẽ sống cuộc đời thanh thản, không bị ràng buộc trong sự cạnh tranh vì thế sự.