Ván Bài Lật Ngửa

Phần 6 - Chương 1

Ngô Đình Diệm không thích thú bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Mỹ Kennedy. Chẳng phải vì bài diễn văn ấy thả quả bóng thăm dò hòa hoãn với Nga Xô quanh vụ chiếc máy bay do thám U2 bị bắn rơi và phi công Power bị bắt sống mà vì lời lẽ mơ hồ của Kennedy đối với ông. Kennedy nhắc rằng ông ta giữ nguyên các cam kết của các tổng thống tiền nhiệm trong chính sách đối ngoại và, ở Nam Việt, Kennedy “tiếp tục ủng hộ một thể chế tự do”. Quả những từ “thể chế tự do” khá úp mở. Người ta có thể hiểu, như thói quen, nền đệ nhất Cộng hòa Nam Việt do ông lãnh đạo đang là quán quân của thể chế đó. Song, người ta vẫn có thể hiểu cách khác: “thể chế tự do” ngược với thể chế độc tài, phát- xít, gia đình trị mà các nhóm chống ông gán cho ông. Không chỉ đài Giải phóng hay đài Hà Nội gọi xách mé ông như vậy mà có vẻ nhiều giới, cả bạn hữu ngoài nước, chọn góc độ và dùng lăng kính tệ hại ấy nhìn ông.

Tại sao tân tổng thống Mỹ không cam kết ủng hộ cá nhân ông như họ từng cam kết? Nam Việt tức là ông. Ủng hộ Nam Việt đương nhiên phải là ủng hộ ông. Người Mỹ muốn thay đổi cái chân lý đơn giản đó ư? Tại sao Kennedy không nói thẳng rằng tổng thống của đảng Dân chủ vẫn xem ông - Ngô Đình Diệm - là niềm tin cậy và hy vọng của Mỹ ở Đông Nam Á?

Sau cái ngày 11-11 đáng ghét, ông chờ đợi một lời xin lỗi của Mỹ, gián tiếp cũng được. Elbridge Durbrow, đại sứ và Mac Garr, trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ lờ việc này. Chẳng lẽ ông phải xin lỗi họ vì đã dẹp tan bọn đảo chính hoặc triệu tập họ đến dinh Độc Lập để gạ họ xin lỗi ông? Người Mỹ, chắc chắn rồi, đã nhúng tay vào vụ lính Dù, lính Biệt động bạo loạn, song ông không có bằng chứng buộc tội họ. Không đủ bằng chứng theo cái nghĩa ông không chụp được quả tang bàn tay của họ đang thò ra.

Kennedy nhậm chức hơn một tuần, đại sứ Durbrow gặp ông, không phải chính thức mà nhân lễ khánh thành Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ. Có thể đánh giá cuộc nói chuyện xã giao kéo dài chừng năm phút giữa Durbrow và ông là những gì Kennedy nhắn nhủ ông. Ông giận tái mặt, chiếc can run bần bật trên tay. Giá phang được thằng đại sứ này mấy can liền, hỉ! Durbrow chỉ cười rất nhã nhặn.

“Tổng thống Kennedy quan tâm đặc biệt đến vấn đề thực thi dân chủ ở Nam Việt. Chính phủ, quốc hội và công luận Mỹ chờ đợi Việt Nam Cộng hòa và riêng cá nhân tôi, thưa Tổng thống kính mến, tôi hy vọng trong cuộc bàn giao giữa tôi và ngài đại sứ Frederick Nolting vào tháng 5 tới, tôi có thể hãnh diện thông báo cho người kế nhiệm rằng nơi mà ông ấy công cán không hề có những chuyện buồn phiền về trình độ dân chủ như các đại sứ Mỹ vẫn thường gặp ở Châu Phi hay Trung Đông…”

Durbrow nói như vậy, tay luôn sửa chiếc cà vạt, còn mắt thì ngó thẳng ông.

Láo xược! Ông cố kềm chế. Họ coi ông ngang với Mobutu (1) chăng? Eisenhower, thống tướng, con người hùng của Đệ nhị thế chiến còn chưa dám vô lễ với ông, Kennedy là cái thá gì lại dạy khôn ông?

Đầu óc ông Diệm khá lộn xộn sau buổi sáng đó ở Trung tâm Phú Thọ. Ảo tưởng về Kennedy trong ông tan biến. Hóa ra Kennedy chẳng thức thời hơn Eisenhower nữa. Về đến dinh Độc Lập, ông đi thẳng vào phòng làm việc của Nhu. Nhu vắng nhà, Trần Lệ Xuân tiếp ông.

Lệ Xuân khép nép trước sắc mặt hằm hằm của ông. Chợt, ông cảm thấy thần kinh dịu hẳn. Thì ra, quyền uy của ông không hề sút giảm, cô em dâu lắm lời và rất khôn ranh trước sau vẫn một mực tôn kính ông. Ừ, có vậy mới ra con dâu nhà họ Ngô Đình chứ. Thỏa mãn lòng tự ái, ông cười độ lượng. Trần Lệ Xuân lăng xăng phà trà:

- Anh làm em hết hồn!

Hôm đó, ông phá lệ: trao đổi với cô em dâu lời của Durbrow. Ông đã không lầm. Trần Lệ Xuân cực kỳ sắc sảo về chính trị. Lệ Xuân ngồi ghé ở xa lông, sau khi khoát thêm chiếc áo choàng. Cử chỉ này càng khiến ông hài lòng, bởi ông nhớ có một lần, ông lững thững đến phòng Nhu - Nhu vắng nhà như hôm nay - Lệ Xuân đón ông trong bộ áo quần ngủ mỏng dính. Ánh sáng trong phòng làm nền và trước ông, cô em dâu cơ hồ không có một tí gì trên người. Ông giận dữ quay lưng:

- Thím ăn mặc sao mà quái gở rứa!

Lần đó, Lệ Xuân khóc, xin lỗi, hứa hẹn.

- Họ ta gia giáo lâu đời. Thím nhớ cho.

Ông vẫn chưa nguôi giận. Nhu phải đưa vợ đến gặp ông, lần thứ hai, kèm theo Ngô Đình Lệ Thủy. Ông không thể giận lâu vì ông rất yêu đứa cháu gái khôn trước tuổi này.

- Theo em, - Lệ Xuân thỏ thẻ - chúng ta chẳng mất gì trong trò chơi dân chủ này, một liên danh ứng cử Tổng thống hay hai, ba, bốn cũng thế thôi. Còn đúng một tuần nữa thì đến ngày niêm yết danh sách các ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ hai, ta đủ thì giờ để chọn. Càng nhiều đối thủ, thắng lợi của tổng thống càng vẻ vang.

Ông khẽ lắc đầu. Thật vô lý khi ở Nam Việt lại có ai đó ra tranh cử ngôi Tổng thống với Ngô Đình Diệm. Phải ông chịu nghe lời Ngô Trọng Hiếu… Ông Diệm luyến tiếc - năm 1955, Ngô Trọng Hiếu nêu ý kiến là Hiến pháp ghi hẳn ông đảm đương ngôi vị Tổng thống suốt đời, như Soekarno ở Nam Dương. Thích quá, song ông ngại. Bấy giờ, thế lực ông chưa mạnh. Nhu phản đối, hơn nữa, sạc Ngô Trọng Hiếu một trận với các từ nặng nhất: ngu, đần độn, nịnh bậy… Nhu có quan điểm của chú ấy… Chẳng lẽ người ta hô “muôn năm” mình mà mình lại phải tự xếp ngang một gã phàm phu tục tử, lục lục thường tài nào đó. Ông cảm thấy lòng tự ái bị tổn thương nặng nề.

- Tình thế khác xưa, anh chịu nhúng nhường một chút. Đây cũng vì đại cuộc thôi… Suốt đời anh hy sinh cho dân, cho nước, bây giờ hy sinh thêm, càng sáng danh… Chẳng ai lẫn lộn phượng hoàng với gà. Có lúc, chính anh mời Trần Văn Soái làm quốc vụ khanh kia…

Trần Lệ Xuân đánh trúng tim đen ông. “Ừ, thím nói có lý… Năm nớ, Mỹ cần mình, năm ni, mình cần Mỹ”. Ông nhớ phân tích của Nhu sau cuộc đảo chính về tương quan giữa ông và Mỹ. “Chắc phải làm thế rồi, song chọn mấy thằng, thằng nào?”

- Rứa, nên có mấy liên danh? - Ông đột ngột đổi thái độ.

- Dạ, em nghĩ càng nhiều càng tốt.

Diệm trố mắt:

- Răng mà nhiều… Ứng cử Tổng thống chớ ứng cử hàng thịt sao?

- Dạ, tùy anh… nhưng cũng phải bốn, năm coi mới được… - Lệ Xuân một mực dịu dàng.

- Ba thôi! - Diệm quả quyết.

- Dạ, anh định thế nào, nhà em với em làm thế ấy… Ba cũng được. Đỡ hao tốn.

- Mà thằng mô?

- Dạ, nếu chọn bọn chánh khách bẻm mép thì e gây khó cho ta. Em tính chọn những tên tuy hào nhoáng song chỉ là thùng rỗng…

- Hừm! - Diệm xua tay - Tôi đi tranh cử với bọn thùng rỗng sao?

- Dạ, thùng rỗng là theo nhận định của chúng ta. Anh biết Hồ Nhật Tân.

- Biết! Nhân sĩ có tiếng.

- Dạ, Hồ Nhật Tân cùng đứng liên danh với Nguyễn Thế Truyền…

- Ừ, được. Ông Truyền cũng là nhân sĩ.

- Dạ, liên danh kia gồm Nguyễn Đình Quát và Nguyễn Thành Phương…

- Không được! Thằng Quát chẳng ai biết, thằng Phương sao tranh cử với tôi? Tôi chưa bỏ tù hắn đã là may cho hắn… - Diệm sừng sộ.

- Thưa anh, ông Tân, ông Truyền thuộc lớp trước, còn ông Quát, ông Phương thuộc lớp sau… Thế mới… bien orchestré (2). Vả lại… - Lệ Xuân cười thật có duyên.

- Vả lại, sao?

- Vả lại ông Phương nhận tiền rồi.

- Nhận tiền? Tôi không hiểu.

- Thưa anh tiền mướn các liên danh. Như chi phí lót đường vậy… Anh tranh cử với Phương càng khiến người Mỹ kính phục: anh bình dân.

Trần Lệ Xuân đã thuyết phục được Diệm

°

Nhân Tết nguyên đán Tân Sửu, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thả một số người thuộc nhóm Caravelle liên quan với cuộc đảo chính. Đáng lẽ Diệm còn có thể thả nhiều hơn nếu đại sứ Mỹ không quá nồng nhiệt với những kẻ bị bắt. Durbrow gợi ý với ông ta đến ba hay bốn lần về việc nên “trả tự do”. Ông ân xá và chỉ ân xá theo ý ông. Thế nào là trả tự do? Chúng làm loạn, ông gông cổ chúng, thế thôi… Thả Phan Quang Đán, Trần Văn Hương ư? Không đời nào! Chúng phải ra tòa!

Ngô Đình Nhu không sao lay chuyển nổi ý kiến đã thành cố chấp của Diệm. Với Nhu, cuộc đảo chính 11-11 đánh một đòn mạnh vào uy thế của chính phủ, nghiêm trọng hơn vụ Bình Xuyên, Ban Mê Thuột nhiều lần. Đây là sự việc từ nội bộ chế độ, từ quân đội, hơn nữa, từ binh chủng tin cậy nhất. Dẹp yên bạo loạn bằng kế hoãn binh - nói toạc ra, bằng sự lừa phỉnh như đối với Ba Cụt năm xưa qua cò mồi Nguyễn Ngọc Thơ, lần này qua cò mồi Lê Văn Tỵ - thêm một vết đen trong lịch sử nền Cộng hòa Cái cốt lõi nhất đã đạt, tức là cuộc đảo chính đã bị dập tắt, phải vớt vát sĩ diện bằng thái độ khoan dung. Nhu rất muốn đưa một số người “nhẹ dạ nên lầm đường lạc lối” ấy - như họ ghi trong đơn xin tha - vào mặt trận đại đoàn kết chống Cộng. Người Mỹ hẳn phải suy nghĩ, khi tổng thống Diệm cảm hóađược những kẻ toan xóa ông bằng súng. Nhưng Diệm không thèm nghe. Với Diệm, một chuỗi sự việc xảy ra trong hơn 7 năm ông cầm quyền, từ tướng Hinh, tướng Vỹ, các giáo phái và Bình Xuyên, qua vụ Ban Mê Thuột đến cuộc binh biến 11-11-1960, chẳng qua là những phản ứng của một thiểu số bất nãm do Thực - Phong - Cộng giật dây - bình thường thôi. Chúa giao cho ông cầm đầu Nam Việt, chỉ có Chúa mới thay đổi sứ mệnh tông đồ đó. Dân chúng đứng sau lưng ông, quân đội phục tùng ông, đồng minh xa gần kính nể ông.

Trong không ít lần, ông vỗ bàn với Nhu - đứa en trai mà ông vị nể về sự uyên bác. “Nó lú lẩn”. Ông hạ giá Nhu và bắt đầu thành kiến với các quyển sách dầy cộm bày khắp phòng làm việc của Nhu. Cố vấn được Tổng thống nghe, lại là vợ Nhu. “Thím Nhu giỏi hơn chú Nhu”. Ông tìm thấy ở đứa em dâu sự thâm trầm hơn cả em trai.

Cuộc vận động bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai khá rùm beng. Ứng cử viên Ngô Đình Diệm - Nguyễn Ngọc Thơ trong liên danh “Cây trúc” ra mắt cử tri tại Tòa đô chính. Từ ngôi vị tổng thống nay phải ăn nói theo kiểu một người cần lá phiếu, Diệm rất lúng túng. Ông cứ lầm lẫn mãi vị trí của mình. Nhưng ông không lúng túng lâu. “Tôi muốn nói thằng với quốc dân”. Ông trở lại phong độ cũ. Và ông nói thẳng. Đề tài của ông - không phải là xấp giấy được văn phòng sửa soạn kỹ và được Nhu xem lại lần cuối - xoay quanh cách sống của bậc quân tử. Ông ứng khẩu: “Bậc quân tử không phản bội, không đâm sau lưng kẻ khác”. Ông xỉ vả nhóm đảo chính, số chính khách xôi thịt, và, như mũi tên rời cây cung, ông đả kích thái độ của chính phủ Mỹ. Lần đầu ông dùng danh từ “thực dân” để chỉ đất nước mà ông từng giao phó cả thể xác lẫn linh hồn. Có lẽ, ông không thấy đại sứ Durbrow lặng lẽ rời phòng họp - mà dù có thấy, ông vẫn nói, nói như người say.

Báo chí buổi chiều tường thuật cuộc ra mắt của liên danh Diệm - Thơ. Ngô Đình Diệm vứt các tờ báo xuống nền gạch, gọi bí thư báo chí đến:

- Mần răng mà chúng nó thuật như rứa? Chẳng tờ báo nào phản ánh đúng lời tôi. Thậm chí, báo phịa ra những điều tôi không hề nói. Tầm bậy! Tôi có cám ơn Hoa Kỳ đâu.

Bí thư báo chí, trán rịn mồ hôi, mặc dù năm nay Sài Gòn rét nặng, trình cho ông bản tin của Việt tấn xã - nguồn tin chính mà các báo dựa vào.

- Tổng giám đốc Việt tấn xã đến ngay! - Ông ra lệnh.

Tổng giám đốc không trình diện, người trình diện là Nhu.

- Em sửa đó!

Diệm nhìn Nhu trừng trừng. Nhu chìa cho Diệm xem bài báo của Helen Fanfani, tựa cụt lũn: Lồng lộn. Tựa phụ: Ông Diệm tuyên chiến với Kennedy.

Diệm vứt bài báo, thét:

- Tống cổ con mụ đó ra khỏi Việt Nam Cộng hòa.

Nhu lắc đầu:

- Em không thể làm như anh muốn… Em điều đình để cô ta không gửi bài báo đi. Anh tuyên chiến nhưng bằng cái gì? Người Mỹ sẽ tuyên chiến và chúng ta phải thua, trong vòng mươi phút thôi. Họ bloque (3) ngoại tệ, quân đội không được phát lương, sẽ bắn vào dinh Độc Lập. Em mong anh bình tĩnh…

Nhu nói có bấy nhiêu, cúi lượm bài báo, bước ra khỏi phòng.

Ít khi nào Nhu căng thẳng với Diệm, nhưng hôm nay, anh ta buộc phải kéo Diệm trở lại cuộc sống thật.

Nhu đi khá lâu mà Diệm vẫn ngồi thừ trên chiếc ghế banh, tượng trưng quyền uy của nguyên thủ quốc gia. Ông vừa nghe một câu dễ sợ nhất - không phải ông không nghĩ đến “cú rờ ve” đó mà Mỹ vốn có ưu thế và là sở trường của họ, song mỗi lần thoáng nghĩ đến, ông xua nó ngay: Dễ gì! Bây giờ Nhu nói thẳng. Lời của Nhu, nhất là đôi mắt buồn rầu của Nhu đập mạnh ông. Mỹ có thể làm như vậy và họ chẳng khó khăn gì. Hồi năm một 1954, 1955 mỗi mình ông xốc vác gánh nặng ở miền Nam. Hiện thời, hằng tá kẻ sẵn sàng thay ông. Thảm cỏ trước dinh vẫn mượt mà, nhưng ông cảm thấy như thảm cỏ bồng bềnh và dinh Độc Lập lắc lư. Ngoài cổng, lính đổi phiên gác. Y hệt người máy, bước chân ngỗng đơn điệu. Tại sao không phải lũ người máy này sẽ quay súng chĩa về phía ông?

Diệm đến bên cửa sổ. Ngay bậc thềm dinh Độc Lập, hai sĩ quan đứng nghiêm, súng ngắn bên lưng.

- Phải dặn bác sĩ Tuyến đừng để bọn này có đạn trong súng…

Ông bỗng thấy vẻ mặt của hai sĩ quan kia gian giảo quá chừng.

Diệm lượm tờ báo lên. Ông dừng lại ở bài tường thuật liên danh Nguyễn Đình Quát - Nguyễn Thành Phương ra mắt cử tri: “Nếu chúng tôi đắc cử thì việc đầu tiên là chúng tôi thu xếp ngừng bắn…”. Chà, thằng chủ sở cao su quèn, thằng lính Cao Đài mạt hạng dám bán rao cả hòa bình! Không phải bọn mi mà ta, nếu cần… Liên danh Quát - Phương lấy con trâu làm biểu tượng. Diệm bĩu môi: Bọn hắn đần độn như trâu!

… Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra bình thường. Kết quả được công bố. Trong hơn 9 triệu cử tri, liên danh Diệm - Thơ được hầu như tuyệt đối phiếu. Diệm không hí hửng như bao lần trước. Muốn ghi bao nhiêu mà chẳng được. Báo cáo của các tỉnh đều lạc quan, nhưng Nhu có trong tay con số thật. Chừng hơn phân nửa cử tri đến thùng phiếu - chính phủ mất quyền kiểm soát trên phạm vi khá rộng ở nông thôn. Liên danh Hồ Nhật Tân - Nguyễn Thế Truyền cũng như Nguyễn Đình Quát - Nguyễn Thành Phương thu được một số phiếu không nhiều. Cái đáng ngại là tỷ lệ phiếu bất hợp lệ - bấm nát phiếu - hết sức cao. Cử tri không chọn giữa các liên danh mà biểu thị thái độ thù địch với chế độ. Nhu nhớ lần bầu cử trước. Rất ít trường hợp như vậy.

Diệm đón thông báo đó trong tâm trạng cay đắng. Dân chúng bỏ ông rồi sao?

Nhu an ủi ông với một kế hoạc mới: thành lập ấp chiến lược ở thôn xã thay cho khu trù mật quá kềnh càng, xây dựng thanh niên và phụ nữ Cộng hòa mạnh, chấn chỉnh quân đội. Diệm bị cuốn hút vào cái sau cùng: giải thể các quân khu có từ 1952 thay bằng ba vùng chiến thuật và biệt khu Thủ đô. Phải nắm chắc quân đội cái đã, ngăn tai họa từ trong cổng ngõ.

Ngày 1-4, tại lễ khởi công đắp đập Đa Nhim, Durborow nâng cốc chúc mừng Diệm. Diệm chạm cốc mà không vui. Cử chỉ ưu ái của Durbrow bao hàm ý nghĩa ban phúc, - Durbrow không là linh mục. Năm ngày sau, tại lễ phát phần thưởng văn chương. Durbrow lại chạm cốc với Nhu.

- Tôi sung sướng được chia vui với ông Cố vấn và qua ông Cố vấn, với Tổng thống. Bảy năm chấp chính Tổng thống Ngô Đình Diệm làm được nhiều việc tốt. Dư luận Mỹ hài lòng trước các thành tựu toàn diện của Việt Nam Cộng hòa. Tôi đã đọc Đò dọc của Bình Nguyên Lộc, Hoa đăng của Vũ Hoàng Chương, Thần tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan, các công trình biên khảo của Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Mạnh Bảo… những tác phẩm được giải. Tôi khâm phục đời sống tinh thần phong phú và sâu sắc của người Việt…

Nhu tươi cười, cám ơn. Mãi tới lúc đó, nhờ Durbrow, Nhu mới biết tên các tác phẩm trúng giải… “Thằng cha Vũ Hoàng Chương viết cái gì đây?”, Nhu chợt nhớ bài thơ tâng bốc Diệm của Vũ Hoàng Cương năm 1955. “Các tác phẩm này bợ đỡ lố bịch chính phủ, nên Durbrow khen? Hoặc nó chẳng nghĩa lý quái gì” - Nhu nghĩ thầm.

Quá bận, Nhu không nghe Bộ thông tin trình bày tình hình thế giới gần đây. Bởi vậy, khi Durbrow hỏi ý kiến về “vụ vịnh Con Heo”, anh ta nhún vai. Durbrow hiểu cái nhún vai của anh theo nghĩa khác, nên dành đến 15 phút thuyết giảng rằng đó là số kiều dân Cuba lưu vong tự động đổ bộ, không phải chủ trương của chính phủ Mỹ.

Về nhà Nhu gọi Tổng giám đốc Việt tấn xã tới và vỡ lẽ: CIA chiêu mộ đám người bạt mạng ở châu Mỹ Latin, cử tên José Mirose Cardona nào đó làm chỉ huy, đổ bộ lên Cuba và bị đánh tan tại một địa điểm, tục danh là vịnh Con Heo, còn tiếng Tây Ban Nha là Girón. Thảo nào Durbrow lải nhải mãi.

Gần đây, Nhu chớm trong đầu một so sánh: Mỹ không mạnh tuyệt đối trên thế giới. Còn Nga Xô. Những tên đánh thuê cho Mỹ chạy tán loạn trên bờ biển Cuba dưới vòng bay của một phi thuyền Nga lần đầu tiên chở người dọc ngang trong vũ trụ. Nhu lật tới lật lui tấm ảnh của phi hành gia Gagarine và phi thuyền Phương Đông, với Nhu là một ẩn số mới.

---

(1) Sese Seko Mobutu (1930-1997), người thực hiện cuộc đảo chính quân sự 1960, tổng thống Zaïre 1965-1997.

(2) Phối nhạc tốt.

(3) Phong tỏa.