Tôn Thất Đính thắc mắc về trường hợp của Minh Lớn. Tất nhiên, giả vờ thắc mắc. Luân nhún vai. Anh không khó phát hiện cái gượng gạo của Đính.
- Với tôi, cả bản danh sách đều vô lý!
Đính kinh ngạc thật sự:
- Đại tá không tán thành sự phân loại này?
- Tôi không tán thành toàn bộ kế hoạch “bravo”…
- Ồ! – Đính kêu to - Vậy mà tôi vẫn nghĩ đại tá là tác giả của bản kế hoạch…
- Tôi không thích! Đơn giản như vậy…
- Nhưng, chính ông cố vấn cử đại tá chịu trách nhiệm với tôi… hoặc chính xác hơn, chỉ huy tôi.
- Thiếu tướng đã nghe ông Nhu nói về vai trò của tôi. Đó là quyết định của ông Nhu và tôi không còn cách nào khác hơn là chấp hành. Nhưng, tôi không chỉ huy và ngay cả cùng chịu trách nhiệm tôi cũng thấy mình không đủ tư cách…
- Ở đây, không có vấn đề tư cách xét theo cấp bậc. Nhưng tôi đồng ý: từ khi được giao trách nhiệm, đại tá lơ là. Tôi cho rằng đại tá kín đáo, tế nhị…
- Thưa thiếu tướng, điều cật vấn lương tâm tôi ở chỗ khác. Tại sao? Tại sao phải có “bravo” và tại sao lại phải có “bravo tiếp theo” - Giọng Luân bình thản, đều đều.
Mặt Tôn Thất Đính biến sắc. Anh ta mất tự chủ, đánh rơi bản danh sách xuống bàn, ngó Luân trân trối. Dù cho năm phút trước giờ cử sự, Luân vẫn có thể gông cổ Đính và thế là mọi thứ tan tành… Liệu lão thầy bói có phải là người của Luân không? “Bravo tiếp theo” là quy ước của Đính với nhóm André.
Luân liếc Đính, gần như đọc rành rọt từng ý nghĩ ẩn hiện trong đầu viên tướng có bộ vó lấc cấc và đầy tâm địa phản trắc. Nói chung, Luân ít giao du với Đính vì nhiều lẽ. Lúc Luân vừa nhập vào gia đình họ Ngô thì Đính chưa có tiếng tăm gì, cấp bậc rất thấp, lại thuộc hoàng tộc, là đối tượng mà Diệm rất nghi ngờ. Đính thích phô trương dòng dõi vua chúa trong khi họ “Tôn Thất” đông đến hàng vạn, những râu ria nhà Nguyễn. Đính vốn cao ngạo, tốt nghiệp trường võ bị Pháp, xem Luân như gã vô danh tiểu tốt ở bưng biền, nhảy phóc tận bếp núc nhà Ngô, nơi mà Đính rất thèm nhưng không được. Sau cùng, Đính nổi tiếng ăn chơi trác táng còn Luân giữ một cuộc sống gần như mô phạm. Trong công vụ, hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhưng ngoài cái bắt tay xã giao họ chưa lần nào nói chuyện riêng ngay với tư cách sĩ quan chớ chưa phải bạn bè.
Những năm gần đây, qua các tin đồn đại, Đính bắt đầu ngại Luân: một tay mưu trí, lập được nhiều công, Mỹ tin cậy như một thứ con bài dự trữ. Dự một số cuộc họp quân sự, nghe Luân thuyết trình hoặc phát biểu, Đính thay đổi dần cách nhìn Luân - một gã hiểu biết nhiều, sắc sảo. Và Đính tự thấy mình kém hơn. Ít thạo chính trị. Đính càng gờm Luân - cả sợ, phục và ganh. Luân hiểu Đính kỹ và sâu hơn là Đính hiểu Luân. Một tay rỗng tuếch, háo danh, ngang với háo quyền lực, háo tiền và háo gái, ti tiện trong cư xử - nịnh bợ Diệm. Tệ hơn Trịnh Minh Thế, Nguyễn Đình Thuần và các loại đầu cơ khác. Trong bàn cờ này, Nhu quá chủ quan, bị lòng tin của Diệm lôi cuốn nên không bao giờ mang tâm địa của Đính ra mổ xẻ - nếu làm việc đó, Nhu thừa sức lột mặt Đính khi Đính trở cờ. Tất nhiên, Đính trở cờ vào những ngày gần đây thôi, song không phải không có những triệu chứng dễ thấy. Nhu bước vào thế “đánh xả láng” và anh ta nghĩ rằng mọi tính toán của anh ta đã thật chi li, thật chặt. Phòng thủ từ xa, Nhu có Huỳnh Văn Cao và Nguyễn Khánh. Vùng 3 và đô thành có Đính, tiếp cận có Bùi Đình Đạm, sư trưởng ở Mỹ Tho và Nguyễn Văn Thiệu, sư trưởng ở Củ Chi, hải quân thuộc Hồ Tấn Quyền, không quân thuộc Huỳnh Hữu Hiền, liên binh phòng vệ có Lê Quang Tùng. Cảnh sát thì khỏi cần bàn. Nhu ngại Nguyễn Bá Liên, chỉ huy thiết giáp song, mỗi Liên sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Gia đình Liên đồng hương với Diệm, Diệm khi thất thế đã nhờ cậy cha của Liên, Diệm không ưa Liên: đòi hỏi của anh ta về chức tước, theo Diệm, hơi lố. Đúng ra, nếu trước kia yêu cầu xin lên chức của Liên không khó thoả mãn - Diệm từng đặc cách phong quân hàm cho hàng trăm sĩ quan – nhưng sau này Nhu khuyên Diệm nên thận trọng đối với đồng hương bởi thiên hạ xầm xì khá rộng và Mỹ nhiều lần không bằng lòng. Nhu nắm chắc Liên bất mãn và chờ dịp phản bội.
Điều hệ trọng khác, rất quyết định, ấy là bộ máy thông tin của Nhu bị nhiễu - người ta giấu Nhu. Nhu lờ mờ về quyền lực của bản thân mà không hiểu rằng đại sứ quán Mỹ mới đúng là một thứ Phủ tổng thống hạng siêu và lũ bộ hạ của Nhu - cả bộ hạ chính trị lẫn mật vụ - hướng về đường Hàm Nghi hơn là về Dinh Gia Long. Vụ Phật giáo càng thúc đẩy chúng canh chừng cái lắc, cái gật của Cabot Lodge
- Tôi và đại tá đều có tín ngưỡng tôn giáo là Phật giáo chứ không phải Công giáo, song cả hai chỉ mong điều thiện… - Tôn Thất Đính ấp úng.
Luân cười mỉm: “Tôn Thất Đính mà cũng định thuyết giảng về tôn giáo!”.
- Ở đây không có chuyện về tôn giáo, về ước vọng. Ở đây chỉ có chuyện những quân nhân phục tùng kỷ luật. Tôi không tán thành kế hoạch “bravo” và những cái tương tự, song tôi sẽ chấp hành…
- Nghĩa là? – Đính hỏi đột ngột. Hỏi xong biết hớ. Đính cúi lượm bản danh sách, che giấu bối rối.
- Nghĩa là tôi thực hiện chỉ thị của thiếu tướng! Tôi muốn nhắc, ngoài “bravo” còn có “horse tail”…
Đính ngó Luân một lúc, hơi lâu
- Horse tail? Cái đuôi ngựa? Cái mô?
- Rồi chúng ta sẽ biết!
Viên tướng bắt tay Luân thật chặt. Khi Luân rời trại Lê Văn Duyệt, Đính hối hả gọi điện cho Trần Văn Đôn. Hai người gặp nhau, Đính thuật lại lời của Luân. Đôn trầm ngâm nghe, sau đó bảo:
- Mỹ bật đèn xanh rồi. Bất kể thằng Luân thuộc cánh nào nó cũng không dám cãi lại Mỹ.
- Có đúng là Mỹ bật đèn xanh không? – Đính vẫn do dự - Tướng Harkin thế nào?
- Harkin thì giữ quan điểm khác. Ông ta đã loan báo một bộ phận quân đội Mỹ sẽ về Mỹ ăn Noel này. Tạm thời, không hé ra chút gì cho Harkins biết. Nhưng người chỉ huy ở đây là Cabot Lodge… Cabot Lodge sốt ruột lắm rồi…
- Tôi ngại Harkins! Ông ta mà trở quẻ thì chúng minh tiêu tùng sạch! Tuy chỉ có chục nghìn lính Mỹ, chúng nó có thể ngăn trở chúng ta…
- Đừng lo! Cứ theo kế hoạch. Tôi có thể đảm bảo với thiếu tướng. Không có gì trục trặc từ phía Mỹ…
Cam đoan hăng hái với Tôn Thất Đính như vậy nhưng Trần Văn Đôn gặp liền Conell
- Tôi được phép nhân danh đại sứ Cabot Lodge chính thức thông báo với các tướng lãnh Việt nam cộng hoà rằng nếu các tướng lĩnh dám hành động và hành động thắng lợi thì sẽ không hề xảy ra một trong những điều sau đây: Mỹ can thiệp vào nội tình Việt Nam cộng hoà, Mỹ ngưng viện trợ cho chính phủ mới. Tôi chỉ nhắc ông: hành động của các ông thất bại. Mỹ không giúp được gì, kể cả cho tị nạn chính trị. Về tướng Harkins, hãy đặt ông ấy trước việc đã rồi. Ông ấy là quân nhân và chỉ biết nghe lệnh của tổng thống nước Mỹ.
- Còn Nguyễn Thành Luân? – Đôn hỏi.
Conell cười khẩy
- Ông ta được nhiều cây dù che như đại sứ, thống tướng Taylor, tướng Harkins, tướng Jones Stepp nhưng tôi nghĩ rằng ông ta không gây rối cho các ông…
- “Horse tail” là cái gì?
Mặt Conell vụt tái:
- Ai nhắc tên đó với trung tướng?
- Nguyễn Thành Luân nói với tướng Đính.
- Thế à…Một ám hiệu gì đó, tôi không rõ… - Conell lấy lại bình tĩnh.
André không kịp nhận xét thái độ hoảng hốt của Conell.
- Tại sao Luân biết “horse tail”? – Conell lầm bầm.
°
Với nữ ký giả, Nhu nói toạc: ông Cabot Lodge luôn luôn hành động chống lại chúng tôi với một thành kiến bất di bất dịch mà quan thái thú tại một xứ bảo hộ có thể có được trước đây ba mươi năm với một xứ bảo hộ. Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng một cách hết sức để chứng minh rằng mỗi trò chơi của ông Cabot Lodge chắc chẳng chỉ có thể làm lợi cho Cộng Sản và đang rơi vào bẫy Cộng Sản nhưng càng cố gắng chứng minh sự thật thì ông Lodge lại càng hiểu ngược ý chúng tôi. Ông Lodge có gan buộc tôi và vợ tôi rời khỏi Việt Nam. Cô thử tưởng tượng nếu đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn lên tiếng buộc tổng thống Kenedy phải ra lệnh cho bào đệ của ông là thượng nghị sĩ Robert Kenedy và em dâu phải dời Mỹ thì gia đình Kenedy sẽ phản ứng như thế nào? Theo những gì chúng tôi được nghe, được thấy thì ông đại sứ Cabot Lodge không hề làm phận sự đại sứ tại một quốc gia đồng minh có chủ quyền là nâng cao tinh thần chiến đấu và hợp tác của quân đội Mỹ được gửi đến đây giúp chúng tôi chống Cộng Sản, ông ta chỉ lo việc âm mưu chống lại chính phủ hợp pháp mà ông ta đã trình uỷ nhiệm thư.
Nữ ký giả Lebin cười duyên dáng
- So sánh của ông cố vấn cũng như bà cố vấn về vai trò của ông bà và vai trò của ông bà Robert Kenedy có vẻ không hợp lý lắm… Ở đây, người Mỹ muốn nói một tình trạng khác…
- Họ nói rằng chúng tôi lộng quyền chứ gì? – Nhu hậm hực.
- Đại khái như vậy…
- Họ không hiểu phương Đông!
Và Nhu bồi tiếp một nhận xét, lấy của Bayard Talor từ giữa thế kỷ trước:
- L’Amérique est un angle-saxon retombe dans une semi-barbarie°
Lebin vẫn duyên dáng ghi câu ấy
Với hãng CBS, Nhu trả lời – chưa bao giờ Nhu trả lời với báo chí kiểu đó.
- Chế độ Việt Nam cộng hoà và Cộng sản Việt Nam khác nhau, hết sức rõ ràng song khác nhau về ý thức hệ trong khi chúng tôi cùng một huyết thống. Còn chúng tôi với Mỹ, chăng có gì chung cả!
Bài Nhu trả lời nữ ký giả Lebin và đài truyền hình CBS chỉ mấy giờ sau, nằm trên bàn giấy của tổng thống Kenedy.
°
Đô đốc Harry De Felt, tổng tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương đến Dinh Gia Long chào từ biệt tổng thống Diệm sau mấy ngày công cán tại Việt Nam. Trưa nay, đô đốc dời Sài Gòn. Cùng đến Dinh Gia Long với Felt có đại sứ Cabot Lodge. Việc Lodge đến Dinh Gia Long khiến Diệm vui. Trong mươi ngày nay, Lodge không gặp Diệm, thậm chí, vài lần Diệm phải gõ cửa đại sứ quán mà Lodge viện đủ cớ không tiếp. Người ta xem như Lodge trả đũa Diệm: khi Lodge nhận chức đại sứ, Diệm cũng viện đủ cớ không tiếp Lodge.
Nhưng, bây giờ, Lodge đã ngồi giữa phòng khách Dinh Gia Long.
- Tin đồn đảo chính ngày càng rộng - Diệm bảo thẳng hai người khách – Tôi muốn nghe ý kiến của đô đốc và đại sứ.
Felt cười xã giao ngó Lodge. Dĩ nhiên, người phải trả lời là Lodge.
- Tổng thống biết đấy, tin đồn bao giờ cũng chỉ là tin đồn… - Lodge, với tất cả thái độ tự nhiên đã giúp cho ly sâm banh mà họ vừa cụng thêm ngọt
- Chính sách của Tổng thống Mỹ trước sau cũng chỉ nhằm thắt chặt tình bạn bè giữa hai nước. Tôi rất vui mừng khi thấy không khí chính trị vài hôm nay được cải thiện ở Sài Gòn và Huế - Lodge nhấn mạnh.
- Đúng, tôi đã ra lệnh thả tất cả những người bị bắt từ tháng năm đến nay qua các biến động… - Diệm thoả mãn
Felt và Lodge chào Diệm. Ông tiễn họ ra tiền sảnh.
Quanh Dinh Gia Long, những chiếc xe bọc thép nằm bất động - từ vài tháng nay, chúng túc trực để ngăn ngừa các cuộc biểu tình. Ngoài ra, tất cả đều im ắng. Hôm nay, ngày lễ các Thánh, công sở nghỉ. Hơn nữa, Liên binh phòng vệ chỉ để lại thủ đô vài đại đội, phần lớn được điều ra vùng có chiến sự theo lệnh của Nhu. Kế hoạch “bravo” dự kiến tạo bất ngờ: Liên binh phòng vệ không quân ở Sài Gòn nghĩa là không có điều gì bất trắc xảy ra cả. Các tướng lĩnh và phe đối lập nhất định mất cảnh giác, Nhu sẽ tóm gọn, bằng lực lượng của Tôn Thất Đính. Đẩy lực lượng của Lê Quang Tung đi xa thủ đô theo gợi ý của Đính, Nhu đánh giá cao gợi ý ấy…
Đúng là Cabot Lodge sổt ruột. Diệm đã thay đổi nước cờ - ông giải toả tất cả các chùa, thả một số tăng ni và Phật tử, học sinh sinh viên bị bắt. Phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc sửa soạn một báo cáo chính thức gửi Tổng thư ký Uthant. Nếu đại hội đồng liên hiệp quốc và dư luận thế giới biết được báo cáo này, kế hoạch thanh toán Ngô Đình Diệm gặp trở ngại hầu như khó vượt qua, bởi không phải ai khác mà chính tổng thống Kenedy ra lệnh đình chỉ mọi kế hoạch. Trong trường hợp đó, Cabot Lodge trở thành cái bia của mọi đường bắn: Diệm, tướng lĩnh Nam Việt, Harkins và luôn Kenedy cùng Bộ quốc phòng.
Đã có thêm mấy vụ tự thiêu nữa – song tác dụng kích động giảm hẳn so với trước kia. Kéo dài tình trạng hiện nay đưa đến một loạt hậu quả - tất cả sẽ trút trách nhiệm lên đầu viên đại sứ: Việt Cộng đánh rã hệ thống ấp chiến lược trên một diện rộng. Diệm hồi phục thế lực có nghĩa là chiến dịch thanh trừng nội bộ quân đội Nam Việt mở đầu với mức hung hãn chưa từng thấy mà “những người bạn của Mỹ” sẽ hoặc bị xoá sổ hoặc bị về vườn. Diệm rất có thể đi một bước tai hại – công khai nêu vấn đề thương lượng với Việt Cộng…
Điện mật. Gửi đại sứ Cabot Lodge. Đài tiếng nói Hoa Kỳ sẽ phát lời nhắn tin: Bạn khỏi mua Whisky ở P.X. Lý do: tình hình có vẻ không cần các biện pháp dự kiến. Tổng thống bắt đầu lo ngại. Ký: Dean Rusk và Marc Cone.
Điện mật.Gửi ngoại trưởng Dean Rusk. Khoan phát lời nhắn tin tai hại ấy. Sẽ có kết quả trong vài giờ nữa. Ký: Cabot Lodge
Người giúp Cabot Lodge thở phào là Ngô Đình Nhu. Conell đã báo cáo với Cabot Lodge vào sáng nay. Nhu quyết định ngày giờ nổ “bravo” và Đính đang sửa soạn bấm nút.
Điện mật. Gửi ngoại trưởng Dean Rusk. Khi đô đốc Felt trên đường về Honolulu, mọi việc sẽ tiến triển như dự kiến. Ký: Cabot Lodge
Điện đàm giữa Mai Hữu Xuân và Trần Văn Đôn
Xuân: Tại sao tôi được lệnh thả tất cả những người bị giam ở Quán Tre… Lệnh đó rất xấu…
Đôn: Thiếu tướng khoan thực hiện. Sẽ thả vào giờ nào, tôi thông báo sau…
Xuân: Nhưng Cao Xuân Vỹ đến kiểm tra… Tôi là chỉ huy trưởng của trung tâm, không thể không thi hành lệnh của ông cố vấn.
Đông: Cứ tìm cách trì hoãn…
°
Anh yêu,
Em viết cho anh mấy dòng giữa cuối thu ở Mỹ. Em nhớ anh, muốn gọi điện nhưng ngại. Anh hiểu chứ. Em biết anh chóng quên em bởi cô gì vợ của viên chỉ huy không quân. Phần em, không bao giờ quên anh, quên những phút sống cạnh anh…
Bức thư ngắn thôi và ngoài lời lẽ nhớ nhung không len một câu chính trị nào. André đọc nhiều lần bức thư, đặt tấm ảnh trước mặt…
- Mụ phù thuỷ giở trò!
André giật thót người - Đỗ Mậu đứng sau lưng tự bao giờ
- Tốt nhất hãy vứt cả thư lẫn ảnh vào bếp… - đốt cái quá khứ chẳng hay ho đi - Giọng Đỗ Mậu lạnh lùng.
André uể oải xếp thư, ảnh cho vào ngăn kéo
- Thời gian không còn dài, trung tướng nên tập trung… Hoặc chúng ta được mọi thứ, hoặc sẽ bị bắn chết như con chó.
André vẫn ngồi bất động. Đỗ Mậu bực dọc nện mạnh gót giầy, ra khỏi phòng. André trông theo, tóc của viên đại tá vừa mọc lởm chởm, phảng phất một cái gì rất man rợ. Phần Đỗ Mậu, ông ta suy tính, khi ngồi vào bàn viết. Ông ta gọi điện thoại. Hai mươi phút sau, một chiếc xe đỗ trước sân. Vợ Huỳnh Hữu Hiền trong bộ quần áo bó sát người, nổi bật những đường nét khêu gợi nhất, nhí nhảnh gõ cửa phòng André.
Đỗ Mậu cười – khi ông ta cười, gương mặt dài như thêm hiểm hóc. Đồng hồ chỉ mười một giờ. Phòng André vẫn đóng chặt. Mười một giờ ba mươi, Đỗ Mậu gõ cửa. Vợ Huỳnh Hữu Hiền bước ra, kéo vội fermenture, chưa kịp chải tóc và tô lại son môi, tất bật lên xe. Điện thoại từ phòng tướng André tất bật gọi đi các hướng…
°
Mọi người căng thẳng theo dõi bước đi lại rất nhẹ nhàng của John Hing. Họ lọt thỏm giữa những ghế bành quá rộng. Trong ngôi nhà này, ngôi nhà hình như John Hing mướn khi cần bàn những việc tối mật. Tầng dưới, người ta đang sửa soạn khai trương một hiệu buôn máy thu thanh - hiệu của lão Loẻng. Khách do Lý Kai thông báo, phải đổ xe cách nhà khá xa, cuốc bộ đến, kín đáo lướt qua cánh cửa, theo cầu thang lên lầu. Thế giới người Hoa đủ mặt. Tần Hoài, chủ Đại La Thiên. Bá Thượng Đài, “vua sắt”, Tào Phu, giám đốc Mekong Rice Export, Diệu Thọ, chủ Vạn An Đường, Tôn Phương Truyền, tuỳ viên sứ quán Trung Hoa dân quốc, Lâm Sử, đại diện Trung Cộng ở Sài Gòn và Lý Kai. Thế giới người Hoa đa dạng ấy đau đáu chờ ý kiến phát lạc của Dương Tái Hưng – đúng hơn, của John Hing.
- Giá mà Nghị Lực cũng đến – John Hing vẫn đều bước, liếc qua số người gần như chiêm ngưỡng hắn, tiếc rẻ. Hắn đã gợi ý cho Lý Kai và Lâm Sử song không ai có cách gì lôi Nghị Lực đến cuộc gặp mặt này. Chính Lý Kai phản ứng.
- Cho thằng cha đó biết cuộc họp, nó dám mang mìn đến chào chúng ta!
John Hing hiểu rằng quyền lực của hắn dù sao cũng có giới hạn và với nhóm Nghị Lực, tức là với nhóm người Hoa giống như Nghị Lực, đôla không lung lạc nổi.
- Sao? – John Hing bỗng hất hàm hỏi Lý Kai
- Ông muốn nhắc Mã Tuyên?… Và không nhận lời. Va bảo việc của va chẳng dính dấp gì tới chúng ta.
- Buôn lậu á phiện mà không dính dấp tới chúng ta? – John Hing cau mày. Thôi được, tôi sẽ dạy cho Mã Tuyên bài học…
John Hing xem đồng hồ tay. Hắn đứng lại, bắt đầu nói, tiếng Bắc Kinh:
- Các vị, cục diện mới bắt đầu diễn ra trong vài giờ nữa. Tôi không thể nói cho các vị chi tiết của cục diện song tôi đoán chắc rằng điều sẽ xảy ra, đưa đến một tình thế ở Nam Việt, thậm chí, rộng hơn, khác hẳn tình thế mà chúng ta từng chứng kiến từ hàng chục năm nay. Chắc ở đây, trong các vị, có hai sự quan tâm không hoàn toàn giống nhau. Ông Lâm Sử và ông Tôn Phương Truyền nghĩ nhiều đến các vấn đề chính trị, các vị còn lại đặt câu hỏi: cục diện thay đổi ảnh hưởng thế nào về kinh doanh. Riêng ông Lý Kai, câu hỏi đặt biệt hơn: Ông sẽ làm việc với ai… Về chính trị, chúng ta sẽ sống với những điều kiện cởi mở so với trước và do đó, kinh doanh cũng cởi mở hơn. Tôi xin lưu ý các vị: những ngành mà gia đình ông Diệm độc quyền sẽ được trao cho ai đủ khả năng. Sẽ thêm một ngành mới, cực kỳ rộn rịp – tôi muốn nói ngành thầu xây dựng và cung cấp các loại nhu cầu cho quân sự, không chỉ đóng khung trong phạm vi quân lục Việt Nam cộng hoà. Đương nhiên, sự cạnh tranh cũng hết sức ráo riết: các hãng thầu nước ngoài, các tướng tá và các chính khách ở Nam Việt…
John Hing ngưng nói, tư thế hoàn toàn thung dung dù hắn đang đề cập đến vận mệnh của triều đại
- Liệu ông Diệm còn tồn tại không? – Lâm Sử hỏi, giọng rụt rè
- Tôi nghĩ là còn – Tôn Phương Truyền nói thay John Hing - Tưởng thống chế không muốn vị trí của tổng thống Diệm bị xé rách.
John Hing cười - nụ cười mà ai cũng thấy là trịnh thượng.
- Ông Tưởng Giới Thạch, ông Mao Trạch Đông không quyết định được bất cứ mức nào ở cục diện Nam Việt. Người có khả năng tác động là ông Hồ Chí Minh. Chúng ta cố gắng hạn chế một tác động như vậy. Lẽ ra, ông Lâm Sử giữ vai trò lớn hơn, nhưng ông không giữ nổi, lời khuyên của Trung Cộng không được Việt Cộng nghe theo. Việt Cộng bỏ các nguyên tắc quân sự của ông Mao, họ đang sáng tạo một hình thức chiến tranh tiến công mới, không lấy nông thôn bao vây thành thị mà mở rộng ở cả hai vùng, không trường kỳ mai phục mà đánh luôn bằng cả quân sự lẫn chính trị, kết hợp với vận động binh lính và khai thác các khả năng liên hiệp trong nội bộ chế độ Nam Việt, khai thác cả cái khả năng từ phía Pháp, luôn trong chính giới Mỹ, họ xây dựng lực lượng trung đoàn và chắc trung đoàn không là quy mô cuối cùng…Ông Diệm sẽ ra sao? Xin phép các vị, tôi không thể tiết lộ. Tuy nhiên, ta hãy cứ xem ông Diệm chỉ là cái bóng. Sự không ngoan hơn cả là các vị bám các tướng lĩnh. Tôi cho rằng, phần ông Lâm Sử, một chuyến vào khu Dương Minh Châu hết sức cần thiết - nếu thuận tiện, ông ra Hà Nội, đường bay Nam Vang - Thượng Hải của Air France vẫn đều đều. Ông Tôn Phương Truyền, tôi nghĩ ngài Trần Thành, ngài Lý Long Thần rất thích hợp để Đài Loan đứng vững tại Nam Việt. Tôi không cần giấu giếm, hãng thầu BRJ – RMK mà tôi có cổ phần, đang sửa soạn nhận các lô thầu lớn – xây sân bay, quân cảng... Chúng tôi sẵn sàng nhận thêm các cổ phần mới.
Tại sao các vị bỏ lỡ cơ hội? Còn bao nhiêu mảnh đất mới hậu cần cho quân đội Nam Việt, dịch vụ cho quân đội Mỹ và … (John Hing cười rất tươi) không ai trong chúng ta từ chối nếu Việt Cộng yêu cầu vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang… Vấn đề là giá cả và họ trả bằng loại tiền gì.
John Hing nói như đùa. Những người có mặt đều nhẩm tính, có lẽ trừ Lâm Sử.
- Ông Lý Kai, ông không thất nghiệp đâu! – John Hing ngó Lý Kai – ông không đủ tiền mua cổ phần song ông vẫn tìm ra tiền, dễ dàng thôi. Nếu lát nữa, tất cả các vị nhanh chân về nhà và năm yên trước khi cục diện ngã ngũ thì riêng ông, ông Lý Kai, ông phải hành động. Người Mỹ dặn tôi không được đụng đến Nguyễn Thành Luân, chính tôi đã ghi tên Luân vào một trương mục ngân hàng, nhưng suy nghĩ kỹ, tôi thấy phải xoá gã đại tá này trong lúc hỗn loạn. Mỹ sửa soạn cho Luân vài trò mới, tôi không thích. Vai trò mới phải thuộc về người của tôi, viên tướng tư lệnh Tây Nguyên… Tôi tiết lộ có sớm không? Không… Ông Lý Kai, ông nhớ chưa? Sẽ có người giúp ông… Còn bây giờ… - John Hing xem đồng hồ tay.
- Tay hãy nghe bản tin của đài Hà Nội, tiếng Quảng Đông…
John Hing mở máy thu thanh và mở luôn máy ghi âm.
- Tôi luôn luôn ghi âm các bài của đài Hà Nội, chúng ta rất cần…
Phát thanh viên giới thiệu chương trình, mở đầu là bài bình luận của bình luận viên chính trị của Thông tấn xã Giải Phóng mang tên Đại Nghĩa, nhan đề “Khai thác thời cơ, kiên quyết tấn công địch, đánh bại quốc sách ấp chiến lược, giành thắng lợi to lớn”.
“Mỹ - Diệm hục hoặc đến mức không còn thu xếp nổi, nhất thiết nội bộ chúng ta sẽ phát sinh đấu đá, có thể đẫm máu. Mỹ nhân lòng căm thù của dân chúng vùng tạm chiếm đối với Ngô Đình Diệm, lợi dụng được một bộ phận theo đạo Phật và giới học sinh, sinh viên, trí thức. Ngô Đình Diệm không can tâm chịu làm vật tế thần cho sự phá sản của chính sách Mỹ ở miền Nam Việt nam, nhất định chống cự lại. Kẻ thù đang ỉ vào tình trạng suy yếu và rối loạn. Trong hàng ngũ nguỵ quân ngụy quyền bắt đầu xuất hiện những lực lượng được thực tế thức tỉnh, muốn chấm dứt chế độ độc tài gia đình trị đàn áp tự do dân chủ đồng thời thoát khỏi số kiếp nô lệ Mỹ và cảnh chết chóc. Thời cơ trước mắt hết sức lớn lao. Trọng tâm của phong trào cách mạng hiện nay là nổi dậy phá tan cái gọi là quốc sách ấp chiến lược, giành quyền kiểm soát ở nông thôn; phong trào ở thành thị là tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, yêu hoà bình, tán thành độc lập và trung lập, đòi những ai thay thế Ngô Đình Diệm phải lập tức tôn trọng quyền tự do tổ chức, tự do ngôn luận, trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị. Mặt trận dân tộc giải phóng sẵn sàng xem xét khả năng đi đến giải pháp ngừng xung đột vũ trang, nếu Mỹ rút khỏi miền Nam và cầm quyền Sài Gòn thừa nhận nguyên tắc độc lập và trung lập. Mặt trận cũng sẵn sàng tiếp xúc với bất cứ lực lượng nào tán thành đường lối hợp tình hợp lý ấy…”
Bài bình luận vừa dứt, John Hing tắt máy
- Việt Cộng đã ngửi được một cái gì rồi! Sắp tới, đề tài trung lập sẽ hấp dẫn ngay một số tướng lĩnh của Việt Nam cộng hoà. Trung lập đồng nghĩa với chống Mỹ. Hơn nữa, trung lập sẽ được De Gaulle đón nhận với tất cả sự hài lòng và Sihanook luôn luôn là chiếc loa rao hàng… Chống trung lập! Các vị nhớ cho, chống trung lập là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta…
Cuộc họp giải tán, Lý Kai ở lại độ nửa giờ. John Hing, Lý Kai và một người nữa bàn một kế hoạch nhằm vào Nguyễn Thành Luân. Người thứ ba là thiếu uý Tường.
°
Diệm về phòng riêng, bước hơi lảo đảo dù hôm nay ông không uống bất kỳ một thứ rượu gì
- Tổng thống không được khoẻ! – Luân nhận xét.
- Không! Anh Tổng thống lo lắng thôi. Tôi cam đoan mọi sự sẽ trót lọt, nhưng anh vẫn ngại… - Nhu giải thích.
- Tổng thống ngại cái gì?
Nhu nhún vai: tâm trạng bất ổn, cái gì cũng ngại cả…
- Tổng thống đánh giá thiếu tướng Đính thế nào?
- Một trong những tướng mà Tổng thống tin cậy nhất. Chỉ xếp sau Huỳnh Văn Cao…
Luân mỉm cười:
- Tôi biết anh không tin tướng Đính. Nhưng tôi tin. Sau vụ này Đính sẽ là Tổng tham mưu trưởng. Tôi đã báo cho Đính biết. Còn tướng Cao, tại sao anh không tin?
- Tôi chưa nói là tôi không tin… Song, anh có thấy tướng Cao hơi lố trong khi báo bẩm với Tổng thống…
- Tôi hiểu! Bất kỳ việc gì anh ta giải thích là nhờ hoặc Đức mẹ hoặc các Thánh báo mộng… Đức giám mục thích anh ta. Tổng thống cũng vậy. Tôi không đần độn đến mức lầm lạc kiểu bịa đặt của anh ta, Song, chức tư lệnh quân đoàn 3 kiêm Tổng trấn Sài Gòn mà tôi hứa sẽ giữ anh ta trung thành với chúng ta.
Luân không muốn tranh luận. Những chức tước kia phải đâu chỉ do mỗi Nhu có quyền ban phát.
- Anh thấy đại tá Thiệu thế nào? – Luân hỏi.
- Thiệu, sư 5 hả…
- Phải…
- Anh ta theo đạo
Lại một cách giải thích đơn giản nữa.
- Còn non hai giờ, chúng ta nên soát xét các dự định. Đúng mười bốn giờ, sau khi đài phát thanh tuyên cáo của Uỷ ban cứu quốc do tôi làm chủ tịch, Cao Xuân Vỹ sẽ đưa Tổng thống lên Đà Lạt bằng trực thăng đang túc trực trên sân Tao Đàn có máy bay chiến đấu bảo vệ. Từ mười bốn giờ năm, lịnh giới nghiêm ban hành. Cuộc lục soát, vây ráp bắt đầu và chấm dứt trước mười lăm giờ. Toà án đặc biệt xử ngay, lấy luật 10/59 làm cơ sở. Tôi sẽ trao cho đại sứ Cabot Lodge bức thư gửi tổng thống Mỹ và trước mười bảy giờ, phái đoàn Liên hiệp quốc phải rời Sài Gòn. Tài liệu về âm mưu phản nghịch khá phong phú, tướng Đính sẽ họp báo… Sáng mai, Uỷ ban cứu quốc sẽ trình diện. Cao Xuân Vỹ từ Đà Lạt về, tổ chức một cuộc biểu dương thanh niên lớn nhất lịch sử nước ta – tôi nghĩ trên một triệu – và tôi sẽ nói chuyện từ khán đài dựng sau Nhà thờ Đức Bà. Đại tá Đỗ Cao Trí thay Mai Hữu Xuân, toàn bộ Quán Tre dùng tạm giam các phần tử chống đối trước khi chuyển chúng ra Côn Sơn, Phú Quốc… Cũng từ mười bốn giờ, anh chính thức mang quân hàm thiếu tướng, phụ tá Chủ tịch Uỷ ban cứu quốc về các vấn đề chính trị an ninh và quốc phòng. Uỷ ban cứu quốc gồm chủ tịch và các phụ tá, quyền lực tập trung cao. Chính phủ, quốc hội giải tán. Đoàn thể chỉ còn thanh niên và phụ nữ, đều quân sự hoá. Phóng viên báo chí nước ngoài nhất loạt bị trục xuất. Đóng cửa phi cảng…
Nhu nói giọng tin tưởng chắc nịch – đúng hơn, anh ta tỏ ra tin tưởng. Luân lặng lẽ hút thuốc.
- Hình như anh có điều gì băn khoăn? – Nhu hỏi
- Tướng Minh, tướng Đôn, tướng Xuân, đại tá Đỗ Mậu…
- Ồ! – Nhu vỗ tay vào đùi – Toàn là bọn không có lính! Tướng Minh Lớn không là cái gì khiến anh quan tâm. Số kia, lát nữa anh sẽ gặp họ khi toà án đặc biệt làm việc… Tôi nắm chắc giờ này họ ở đâu, đang làm gì… Anh phải công nhận Tôn Thất Đính không chỉ biết ngủ với gái.
Nhu xô ghế, đứng lên.
- Anh không nên về nhà. Còn không mấy giờ nữa – Nhu xem đồng hồ - Bây giờ kém năm là mười ba giờ. Chúng ta đợi đúng sáu mươi lăm phút…
Nhu vào phòng làm việc, bảo Luân theo
- Alô! Tướng Đính đấy phải không? Nhu đây… Tình hình thế nào? Ổn cả. Tốt…
- Alô! Cao Xuân Vỹ, xem trực thăng sẵn sàng chưa? Tốt. Liên lạc với Huỳnh Hữu Hiền chặt không… Đúng, cho ba chiếc AD6 hộ tống…
- Alô! Lê Quang Tung… Nhờ đảm bảo liên binh phòng vệ quay về thật nhanh nhé…
- Alô! Chuẩn đô đốc Hồ Tấn Quyền… Không sao, tôi gọi trước cấp bậc đại tá hợp lý thôi…
- Alô! Đại tá, tổng giám đốc nha cảnh sát quốc gia… Tiếp cận các đối tượng cả rồi chứ.. So đồng hồ với tôi nhé…. mười ba giờ sáu phút…
Nhu quay điện thoại như chong chóng. Một nhân viên vào báo với Luân:
- Thưa đại tá! Bà Saroyan muốn gặp đại tá ở điện thoại văn phòng…
Luân ra hiệu cho Nhu, Nhu gật đầu, Luân sang phòng bên cạnh.
- Alô! Luân đây… Hiểu rồi, Saroyan yên tâm. Cảm ơn Saroyan. Tôi sẽ chú ý. Có. Tôi biết Lý Kai và Tường…
Luân quay điện thoại cho Dung
- Alô! Em nhớ không nên về nhà. Saroyan đã nhờ Jones cho một bán đội quân cảnh Mỹ giữ nhà ta… Thôi nhé.
Luân trở lại phòng Nhu. Nhu đang chăm chú nghe băng thu thanh tuyên cáo của Uỷ ban cứu quốc.
- Có một đoạn không hay lắm. Tức là không mạnh lắm, tôi muốn sửa song không còn thì giờ. Tôi sẽ bổ sung sau
Nhu bấm chuông, một sĩ quan vào.
- Anh mang băng này đến đài phát thanh, trao cho ông Ngô Trọng Hiếu… Anh hiểu? Đi ngay!
Viên sĩ quan rời phòng. Nhu gọi địên thọai cho Ngô Trọng Hiếu.
- Chỉ được phát đúng giờ quy định. Hễ nhân được băng, báo liền. Băng có dấu đảm bảo. Ông còn đủ thì giờ để kiểm tra…
Nhu lại bấm chuông. Một sĩ quan vào. Luân biết anh ta là đại uý Đỗ Thọ, cháu gọi Đỗ Mậu là chú ruột nhưng là tuỳ viên của Tổng thống, rất được Tổng thống tin cậy.
- Chú mời Tổng thống sửa soạn… sắp đến giờ rồi.
Đỗ Thọ hấp tấp sang phòng Diệm
Nhu ngả người lên ghế
- Mệt quá… - Anh ta cố kềm một cái ngáp. Đồng hồ chỉ mười ba giờ hai mươi
- Tôi định kéo dài chế độ quân sự chừng một năm. Đến quốc khánh 1964, Uỷ ban cứu quốc giải tán.
Chuông điện thoại reo. Nhu nhấc máy:
- Alô!
Anh ta che máy, bảo Luân:
- Nhà tôi gọi từ Nữu Ước…
- Alô, anh nghe đây… Em ngủ muộn quá. Bây giờ ở Mỹ đã một giờ sáng… Không có gì đáng ngại… Anh khoẻ. Em thế nào? Mệt lắm hả? Hả, Lệ Thuỷ thế nào? Ở Pháp ổn thôi. Cả nhà bình yên. Có thể. Anh sẽ điện cho em… Tổng thống sắp đi nghỉ trên Đà Lạt. Thế à, em đã đọc bài trả lời của anh. Tất nhiên, phải cứng mới được. Hôn em. Chúc em ngủ ngon. Anh và anh Luân đang làm việc, anh sẽ chuyển lời của em…
- Nhà tôi hỏi thăm anh, cô Dung, cu Lý. Nhà tôi định ghé Tokyo và muốn tôi sang đó… - Nhu gác máy bảo Luân
Mười ba giờ ba mươi súng nổ rộ. Nhu cau mày:
- Sao nổ trước những ba mươi phút?
Nói thế nhưng Nhu vẫn ngồi trên ghế đốt thuốc. Diệm vừa vào phòng, mặt hơi tái