“Hơn 2 năm sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo tại xứ này.
Vấn đề Phật giáo bỗng dưng nổi lên và tôi công nhận tình hình đang rất xấu nhưng không thể nghĩ rằng nguồn gốc của nó là từ phía chính phủ. Trái lại, chính phủ Việt Nam thành thật mong muốn giải quyết vấn đề Phật giáo theo nguyên tắc dàn xếp những hiểu lầm nho nhỏ bị phóng đại với những động cơ rõ ràng là không minh bạch. Với tư cách là người đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Việt Nam, tôi rất tiếc có người tung hỏa mù quanh vấn đề Phật giáo cốt làm xóa nhòa những thành quả của chính phủ Việt Nam trong công cuộc chiến đấu chống Cộng sản và phát triển kinh tế, nâng cao mức sống rõ rệt của người dân tại xứ này. Dư luận Mỹ và các nước khác cần được soi sáng nếu chúng ta vẫn còn nuôi ý chí chiến thắng Cộng sản. Đó là những gì tôi thấy cần thiết nói với công chúng Mỹ”.
Nolting bấm chuông gọi thư ký. Vài giờ sau, phát biểu của ông sẽ truyền về đến Mỹ và được công bố rộng rãi. Bản sao của bài trả lời được gửi tới cho tờ The Times of Viet Nam tại Sài Gòn.
Với Nolting, đây là một động tác quan trọng cuối cùng với tư cách đại sứ Mỹ trước khi rời Việt Nam. Chiều nay, ông sẽ bay lên Đà Lạt, dĩ nhiên theo lời mời của Trần Lệ Xuân. Ông và Lệ Xuân thỏa thuận nghỉ hai ngày tại Đà Lạt. Ngày thứ ba sẽ dành cho cuộc tiễn đưa của dân Khánh Dương, phía tây Nha Trang, nơi ông và vợ đỡ đầu xây dựng trụ sở của chính quyền, trường học và bệnh xá. Bà Lindsay Nolting sẽ từ Sài Gòn bay thẳng ra Nha Trang để gặp ông và Trần Lệ Xuân từ Đà Lạt xuống. Quyết định của Tổng thống Mỹ thay thế đại sứ ở Việt Nam Cộng hòa đã khiến cho chế độ Sài Gòn hoang mang. Còn với Nolting, ông ta đã sửa soạn từ lâu cho việc rời Sài Gòn. Vai trò của ông đã xong. Ông thỏa mãn hoàn toàn. Và, đã đến lúc không nên dấy sâu hơn nữa: Lệ Xuân hết còn là cái gì khiến Nolting háo hức. Trong vòng nửa tháng nay, hầu như ngày nào Nolting cũng gặp Lệ Xuân. Điều kiện nơi ông làm việc cũng như nhà riêng của ông, không cho phép hai người vượt quá mức nghi lễ mặc dù Nolting cảm thấy Lệ Xuân dễ dàng đối với ông hơn bao giờ hết. Dẫu sao thì cuối cùng rồi hai người vẫn có thể sống bên nhau một cách thỏa mãn và cũng có thể nói là hoàn toàn tự do trong vài ngày. Nolting có trong tay bản báo cáo của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Mac Namara trình cho Tổng thống Mỹ ngày 15-5 cùng với bản báo cáo của Ngoại trưởng Dean Rusk. Nolting tin rằng lần gặp gỡ này với Lệ Xuân được hứng thú là nhờ Mac Namara. Làm sao Lệ Xuân không cảm động được khi đọc những dòng trong báo cáo tuyệt mật này: “Tôi có cảm giác rằng việc nước Mỹ ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm là hoàn toàn chính xác. Ông Diệm xuất hiện ở Việt Nam như một phép màu. Chỉ một mình, ông Diệm đã soạn thảo bản Hiến pháp, tổ chức chính phủ mới và trong vòng không đầy mười năm đã biến Nam Việt Nam từ một nước đang ở chế độ phong kiến trở thành một quốc gia tân tiến, đã tăng gấp 3 hệ thống giáo dục trong nước, đã tổ chức được một quân đội quy củ, thiện chiến, trung thành và đã đem lại trật tự trong nước. Cần lưu ý rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thực hiện ngần ấy công cuộc trong khi phải đương đầu với các hoạt động chiến tranh do Việt Cộng gây ra. Tuy chúng ta chưa có thể tiên đoán một cách chính xác kết quả chung cuộc của cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam, nhưng công bình mà nói, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho chúng ta niềm hy vọng lớn nhất. Quan điểm của Bộ quốc phòng là bất kỳ một ý định nào nhằm loại Tổng thống Ngô Đình Diệm, thậm chí nhằm giảm bớt quyền lực của ông, cũng sẽ đưa nước Mỹ đến tai họa”.
Tường trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ không là một tài liệu mật. Sau khi công bố phát biểu của Ngoại Trưởng Dean Rusk trong đó, ông xác nhận lập trường không thay đổi của Hoa Kỳ là ủng hộ chính phủ Việt Nam do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, mặc dù tình hình nội bộ Nam Việt có rối ren do vấn đề Phật giáo gây ra. Richard Phillips, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao đã đính chính những tin tức đăng tải trên một số báo Hoa Kỳ cho rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể đã dự liệu một giải pháp thay thế ở Việt Nam. Vấn đề nội bộ Cộng hòa Việt Nam về Phật giáo không làm thay đổi lập trường của Hoa Kỳ. “Chúng tôi,” Richard Phillips nói, “nghĩ rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa và giới Phật giáo sẽ giải quyết thỏa đáng và sớm về vụ tranh chấp này”.
Tài liệu thứ hai tuy công khai song Nolting vẫn dùng nó để minh họa cho tài liệu thứ nhất. Nolting đang chìm sâu trong suy nghĩ, sửa soạn trước những lời lẽ một khi chỉ còn riêng ông ta với Trần Lệ Xuân trên biệt điện Đà Lạt, thì tiếng ồn ào từ bên ngoài vọng tới. Phó đại sứ Trueheart hấp tấp xô cửa bước vào:
- Phật tử biểu tình đòi gặp ngài!
- Gặp tôi? – Nolting sửng sốt.
- Vâng. Họ muốn nhờ đại sứ chuyển một bức thư của Phật giáo cho Tổng thống chúng ta.
- Tôi không thể gặp họ, tôi không thể tiếp xúc với những người biểu tình, nghĩa là chính phủ Mỹ không thể nhúng tay vào công việc đơn thuần nội bộ của Việt Nam Cộng hòa!
- Nhưng nếu họ cứ ngồi lì hoặc phá cửa vào, thì sao?
- Điều đó nhất thiết không được xảy ra, ông nghe rõ chứ, ông Trueheart?
- Tôi nghe rõ!
Phó đại sứ Trueheart quay lưng, nhưng Nolting đã gọi lại:
- Tuyệt đối không để có va chạm nhỏ giữa quân cảnh Mỹ và người biểu tình!
Trueheart gật đầu. Ông ta hỏi:
- Thế còn quân cảnh và cảnh sát dã chiến Việt Nam?
Nolting nhún vai.
°
Chiếc trực thăng hạ cánh trên một khoảng đất trống ngay rìa quận lị Khánh Dương. Đám đông dân chúng tụ tập - một số người là Thượng, một số là người Kinh, một số là Hoa kiều. Nhưng, binh lính và gia đình họ vẫn đông hơn. Mỗi người cầm trên tay hai lá cờ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Nhiều băng treo quanh. Đại loại, những băng đó ghi: Tri ân đại sứ Nolting! Tổng thống Ngô Đình Diệm muôn năm! Nhiệt liệt hoan nghênh ông bà Nolting, công dân của Khánh Dương! Nhiệt liệt hoan nghênh bà dân biểu Ngô Đình Nhu!
Vợ chồng Nolting được Trần Lệ Xuân hướng dẫn bước ra cầu thang tiếp nhận tiếng hoan hô của những người có mặt. Trần Lệ Xuân lần này mặc áo pull và quần jean. Khó mà đoán Lindsay Nolting cảm nghĩ như thế nào về Lệ Xuân khi mà bà thừa biết sự đi lại và mưu đồ của chồng và mụ ta từ 2 năm nay – vụng trộm với bà nhưng gần như công khai với người khác. Cái lý do mà Nolting bảo là ông cần cùng Lệ Xuân bàn việc 2 ngày trên Đà Lạt không thể thuyết phục được bà. Nhưng Lindsay Nolting đã là vợ của một nhà ngoại giao Mỹ chuyên nghiệp, bà hiểu ý nghĩa của những sự tiếp xúc kiểu đó. Nolting có say đắm Lệ Xuân hay không? Lindsay Nolting chỉ băn khoăn bấy nhiêu. Và khi bà nắm chắc chồng bà là một kịch sĩ lão luyện, bà an tâm. Thậm chí đôi lúc bà nghĩ, nếu Lệ Xuân sinh được một đứa con giống hệt Nolting thì chưa hẳn là một điều không may. Bổng lộc của một đại sứ Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa rất dồi dào, không phải xét, từ đồng lương hoặc quỹ mật của đại sứ quán. Bà đã có một bộ sưu tập về nghệ thuật điêu khắc người Chàm gần như vô giá. Bà lại có đến hàng trăm cổ vật Trung Quốc - những ấm, những chén cách nay hàng nghìn năm. Quà biếu của Lệ Xuân. Cả Nolting và bà đều được tặng một tượng bán thân bằng vàng do một nghệ sĩ có tài của Việt Nam sáng tác, mỗi tượng cân gần một ký lô. Cũng là quà của Lệ Xuân. Bà đã có thể ký gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ và Canada một số dollar hàng trăm vạn - cả đời Nolting dù tằn tiện mấy cũng không thể dành dụm nổi một phần số tiền đó.
Lindsay Nolting biết tính toán. Một lần, tại nhà riêng của đại sứ, bà tiếp lệ Xuân và như vô tình để rơi một bức ảnh kẹp trong một quyển sách. Bức ảnh chụp Lệ Xuân và Nolting đang hôn nhau, trên người Lệ Xuân chỉ còn vài miếng vải mỏng. Lệ Xuân đỏ bừng mặt và hai tượng bán thân ra đời sau sự kiện như vậy để đổi lấy tấm ảnh và phim. Lindsay Nolting trao ảnh và phim với lời dặn gọn gãy bằng tiếng Pháp: Sois prudente! (1)
Kỳ mục Khánh Dương đón vợ chồng Nolting và Trần Lệ Xuân khá độc đáo. Ba người được mời lên ba chiếc kiệu thường chỉ dành để rước sắc thần, đòn chạm trổ và sơn son thiếp vàng. Tám người lực lưỡng khiêng một chiếc kiệu. Màn vén lên để chúng dân chiêm ngưỡng. Theo sau kiệu, các kỳ mục, có người râu tóc bạc, vận áo dài bằng the xanh, bịt khăn be. Kiệu đi một vòng sân rồi thẳng vào một ngôi nhà mà các kỳ mục gọi là công quán. Tại đây Nolting thay quần áo. Ông ta mặc y hệt kỳ mục trong làng, còn Lệ Xuân thì diện chiếc áo dài, lần này không hở cổ. Chỉ có mỗi Lindsay vẫn mặc như cũ. Sau tuần trà, kỳ mục mời ba vị khách đến ngôi đình. Trẻ con, hẳn là đã được người lớn dạy cẩn thận, vẫn cố nín cười bởi một ông Mỹ lại mặc áo dài khăn be, trông hết sức ngộ nghĩnh. Lệ Xuân liếc về các kỳ mục, cau mày. Mụ ta cảnh cáo thái độ vô lễ, không những của trẻ con mà của một số phụ nữ: có người che miệng cười.
Ba hồi trống vang rền rừng núi. Ba hồi đại hồng chung ngân dài. Lindsay Nolting tựa lưng vào cột đình theo dõi, có thể bà thích thú. Nolting và Lệ Xuân thắp hương rồi quỳ xuống chiếu đã kê sẵn hai chiếc gối. Người ta có cảm giác Nolting và Lệ Xuân làm lễ tơ hồng.
Một kỳ mục chắc chắn là niên trưởng, đọc một văn kiện như sau: Các bậc trưởng thượng quận Khánh Dương cùng với các hội đồng hương chính trong quận, căn cứ vào lời thỉnh cầu của đại sứ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Frederick Nolting, đã quyết định nhận Frederick Nolting là công dân danh dự của quận Khánh Dương và cũng quyết định đổi tên Nolting thành Nguyễn Đôn Tín...
Nolting trịnh trọng tiếp nhận tờ quyết định, đứng nghiêm trước bàn thờ thần chừng một phút. Sau đó, một cuộc mít tinh quần chúng, Nolting nói bằng tiếng Việt, thay mặt cho vợ tỏ lòng cám ơn kỳ mục và dân chúng quận Khánh Dương. Trần Lệ Xuân thay mặt cho quận Khánh Dương đáp lời. Mụ ca ngợi Nolting là một đại sứ vĩ đại, một người bạn vĩ đại của Việt Nam Cộng hòa.
Bữa tiệc kéo dài đến xế chiều. Trực thăng đón họ và đêm đó họ nghỉ tại Nha Trang.
Không hiểu bằng cách nào mà Nolting lại đến được với Lệ Xuân lúc gần sáng.
- Em nên xuất ngoại một chuyến để giải độc dư luận châu Âu và châu Mỹ.
Đó là sáng kiến cá nhân cuối cùng của Nolting với Lệ Xuân, trước khi ông ta vội vã mặc quần áo, và chuồn khỏi phòng Lệ Xuân. Dù vội vã, ông vẫn như để lại cái nuối tiếc - chính cái nuối tiếc ấy nuôi hy vọng cho Lệ Xuân...
Nolting không ngờ ở Sài Gòn, nhà sư Thích Tâm Châu đã gửi cho ông một văn thư chính thức phản đối bài phát biểu của ông với hãng UPI, kèm theo bản sao bức điện của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đánh cho Tổng thống Kennedy, cũng với nội dung như vậy.
°
Sài Gòn (VTX)
Sáng 14/8/1963, bà cố vấn, Chủ tịch sáng lập Phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam đã vi hành đến Ba Xuyên thăm Phong trào phụ nữ liên đới địa phương.
Tại lễ tuyên thệ của Phụ nữ bán quân sự của tỉnh, sau khi bà Trưởng ban chấp hành Phong trào liên đới tỉnh đọc diễn văn chào mừng và đệ trình công tác huấn luyện bán quân sự từ 7-7-1962 đến 7-7-1963, bà cố vấn đã ban huấn từ cho hơn 1.000 thanh nữ bán quân sự hai khóa Đồng Tâm và Đồng Tiến với sự hiện diện của một số rất đông thính giả gồm quan khách và dân chúng.
Bà cố vấn đã nhắc lại về cuộc tranh đấu của phụ nữ cho chính nghĩa, trong đó phụ nữ đã cố gắng tột bực và luôn luôn tôn trọng sự thật và lòng ngay thẳng. Đó là tiêu chuẩn của một thành công vững bền và lâu dài.
Bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã ứng khẩu nhấn mạnh như sau:
- Như chị em thấy, không phải bất chiến tự nhiên thành, không phải chỉ với chính nghĩa mà tự nhiên chúng ta thắng. Nước của chúng ta không có tham vọng đi xăm lăng nước người, chúng ta chỉ có một ước vọng rất chính đáng là được ăn yên ở yên, được phát triển và bảo vệ đất nước.
Theo ý nghĩa đó, phụ nữ chúng ta không ưa giành giật gì của ai, cai trị gì ai. Chúng ta chỉ suy luận là chúng ta không phải là một con dân thấp kém và chúng ta chỉ xin được thật sự nam nữ bình quyền, bình đẳng.
Như tôi đã nói nhiều lần, chính nghĩa ấy mặc dầu kết sức chính đáng, đã không tự nhiên thắng và cũng không thắng dù chúng ta đã cố gắng khá nhiều một cách ngay thẳng.
Lý do là vì giá phải trả để thắng không những dựa trên một sự đấu tranh ngay thẳng, mà còn phải đấu tranh tột bực.
Ngay thẳng nghĩa là không được dùng các thủ đoạn xảo trá, lừa bịp. Ngay thẳng nghĩa là phải luôn luôn rất trung thực khi đấu tranh.
Tột bực nghĩa là không phải đấu tranh trong một phạm vi nào đó, mà bỏ phạm vi khác, tột bực là làm tròn nhiệm vụ trong tất cả các phạm vi: gia đình, xã hội, quân sự. Dĩ nhiên có thể một người không thể lo được hết nhưng nói chung, chúng ta phải liệu sao có phụ nữ tại cả ba phạm vi, một người phải đảm nhận ít nhất là hai phạm vi.
Hơn thế nữa, để khỏi phản bội chính nghĩa của một con dân là bảo vệ xứ sở, kiến thiết nước nhà và chính nghĩa của phụ nữ là bảo vệ nhân vị, củng cố quyền lợi chính đáng của chúng ta, cũng như để khỏi phản bội công lao của chúng ta để đừng bao giờ trở thành như dã tràng, cố gắng hết sức nhưng không đến đâu, chúng ta phải đặt tất cả cố gắng của chúng ta trong một khuôn khổ có tổ chức bảo đảm, có quy tắc vững chắc, rồi dựa vào đó mà áp dụng kỷ luật “triệt để”.
Một tràng pháo tay vang dội tiếp đón lời huấn thị bà cố vấn.
Xong buổi lễ, bà cố vấn cùng phái đoàn lần lượt đến thăm các cơ sở xã hội của phong trào liên đới: trụ sở tỉnh, cô nhi viện Khánh Hưng và quán cơm xã hội Khánh Hưng.
Bà Chủ tịch sáng lập Phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam nhân dịp này, đã ứng khẩu nhắn nhủ chị em về đường lối hoạt động của phong trào liên đới trong kỷ luật và dựa trên nguyên tắc dân chủ.
Cử tọa dồn hết tâm trí theo dõi từng chi tiết các lời huấn thị của bà Chủ tịch sáng lập Phong trào phụ nữ liên đới, nhất là khi bà Chủ tịch đề cập đến vấn đề như sau:
“Chị em đừng để cho sự dị đoan, mê tín mê hoặc chị em.
Có thể nói tất cả gia đình chúng tôi là theo đạo ông bà. Riêng thân mẫu tôi theo Phật giáo, thân sinh tôi theo đạo Khổng – 20 năm về trước tôi cũng đã rất chú ý tới Phật giáo và cũng có đi chùa, niệm Phật - vì lý do đó, tôi có hiểu phần nào về Phật giáo. Cũng vì tôi hiểu mục đích chính của Phật giáo nên tôi mới ghét thậm tệ những người dám lợi dụng Phật giáo để mê hoặc chị em.
Theo tôi được biết thì giáo lý đạo Phật đã dạy mình phải tự giải thoát ra khỏi những điều nô lệ hóa chúng ta như đau khổ, bằng cách kiềm hãm và không thỏa mãn nó. Những đau khổ của loài người như: đói, khát, lạnh, giận, ghét, hận, tham lam... bất cứ cái gì có thể nô lệ hóa chúng ta.
Theo tôi, ai cũng có thể tin giáo lý đạo Phật vì chính Đức Phật đã thi hành các điều Đức Phật đặt ra và nhờ đó, đã tự giải thoát được, nghĩa là đã đạt được Niết Bàn. Vậy nếu Đức Phật đã thi hành được các điều đó, thì ai cũng có thể làm được.
Chính Đức Phật không bao giờ tự xưng là một thánh nhân nào hết mà chỉ coi mình như một người thường, cố gắng đạt được mục đích của loài người là tự giải thoát. Vì thế mà chị em có thể hiểu ngay là mê tín dị đoan cũng như các chiến dịch không dựa được trên một lý lẽ chính đáng nào và chỉ gây oán hận, bạo động và lộn xộn với những lời mỉa mai mạt sát vu vơ kẻ khác, rồi lại đổ cho họ những tội mà chính mình công khai phạm hằng ngày, nhất là không thể nằm trong đường lối do Đức Phật đã vạch ra.
Chẳng những vậy, đó còn là một sự nô lệ hóa chúng ta một cách trắng trợn, và với ý gì? Không lẽ để bảo vệ một tín ngưỡng mà không ai tranh chấp, nhất khi đức tin là một sức mạnh mà giá trị chính ở điểm là không ai có thể đụng chạm gì tới được vì ở trong lòng ta.
Tôi thấy làm lạ khi thấy những người tự xưng là theo giáo lý đạo Phật mà lại mê tín dị đoan hoặc tệ hơn nữa dùng mê tín dị đoan để mê hoặc thiên hạ. Việc đó, chúng ta không thể chấp nhận được.
Vừa mới đây, có một em bé nhỏ mới 18 tuổi tự nhiên đi chặt tay mình (may mà không đến nỗi gì) và cho biết rằng “bà Ngô Đình Nhu, là người phụ nữ chúng tôi rất biết ơn vì đã giải phóng phụ nữ, nhưng vì bà đã động tới các sư, những người mà đức độ hơn bà tới một trăm phần, nên tôi thấy tín ngưỡng của chúng tôi bị lâm nguy, vậy tôi chặt tay hy sinh để phản đối và bảo vệ tín ngưỡng”.
Nghe việc đó, tôi hết sức ngao ngán, không phải là vì em đó phán rằng ai đó đức độ trăm phần hơn tôi, vì sự thật về việc đó chỉ có trời mới biết được đúng thôi. Tôi chỉ ngao ngán là vì em đó là một phụ nữ.
Thật vậy, nếu một ai khác làm việc đó thì có lẽ tôi không chú ý gì lắm vì tôi ít khi trọng các việc quá khích vô lý. Theo tôi, mình làm chủ mạng mình. Vậy ai coi rẻ mạng mình đến nỗi sẵn sàng hy sinh mà không cần muốn biết là có nên hay không, thì họ toàn quyền. Quyền mình là phê bình và xem nên đề cao hay coi thường sự hy sinh đó.
Nhưng đây là một phụ nữ lại mới bằng tuổi con tôi, thì có chán không? Mục đích của kẻ trá hình là ngăn cản tôi làm nhiệm vụ công dân, là giải độc ai đã bị mê hoặc. Bây giờ chúng lại xui trẻ con dọa tôi. Tôi mở miệng thì các trẻ tự tử. Vậy chị em nghĩ sao? Nếu ai không đồng ý với tôi, sao không nói công khai lý lẽ của họ đi, các lý lẽ của tôi được nêu rõ khi tôi không tán thành, sao lại mạt sát tôi sau lưng rồi nếu tôi phúc đáp lại xúi các trẻ tự tử phản đối? Quan niệm gì lạ vậy? Như vậy thì ai còn trọng cái chết phi lý của mình nữa. Nhưng như vậy cũng đủ để chị em chú ý đến vấn đề đọc kỹ các lời tuyên bố của tôi và cấp tốc thực thi chiến dịch giải độc và chiêu hồi nếu thấy nên. Chúng ta không thể để cho một thiểu số phi lý áp đảo tinh thần của ta đến nỗi ta có thể quên đại đa số phụ nữ đang trông đợi ở một sự lãnh đạo sáng suốt, bất khuất nhưng cũng nhân đạo của chúng ta, nếu những người lầm đường lạc lối biết chiêu hồi”.
Lời tuyên bố của bà cố vấn được đại hội nhiệt liệt hoan nghênh.
Bà cố vấn và phái đoàn trung ương rời Ba Xuyên lúc 15 giờ 30 và đã để lại cho chị em Ba Xuyên một mối tình liên đới sâu đậm, một ý chí quyết thắng vì chính nghĩa và một niềm tin tưởng trong công cuộc giải độc cùng chiêu hồi những kẻ đi lầm đường lạc lối.
°
BÀ CỐ VẤN NGÔ ĐÌNH NHU TRẢ LỜI BÁO NEW YORK TIMES
Thưa ông,
Tham chiếu bài bình luận ngày 9-8-1963 của báo ông mạ lỵ tôi một cách vô căn cứ và vô ích, với một giọng điệu làm tôi ngạc nhiên khi đọc thấy ở một tờ báo như tờ của ông, tôi xin hỏi rằng: Khi có những người không xứng đáng dám lợi dụng tôn giáo để làm chuyện lố bịch thì những ai sùng kính tôn giáo phải tiếp tay cho cái trò chơi xúc phạm thần thánh hay là phải vạch mặt chỉ tên bọn chúng ra?
Nếu ta không có can đảm để tố giác, nếu ta cúi đầu trước sự điên rồ và ngu xuẩn, thì làm sao có hy vọng đối phó được bao điều lầm lạc sơ hở của thế nhân, thường bị Cộng sản lợi dụng cùng theo một cách thức như vậy?
Có lẽ tôi gây xúc động cho một số người khi nói rằng: “Phải đánh những kẻ khiêu khích mười lần hơn, nếu những kẻ ấy dám khoác áo thầy tu” hoặc “chỉ còn nước vỗ tay cổ võ khi coi tuồng nướng thầy tu. Thật vậy là sao mà chịu trách nhiệm về sự điên rồ của kẻ khác được!”
Đúng vậy, có lẽ tôi gây xúc động thật đối với những lời ấy, nhưng tôi đã phải nói sao bây giờ khi một phần thế giới này đang mất trí – về vấn đề mệnh danh là “Phật giáo”, nhờ sự giúp sức của các báo như báo của ông – nên cần phải được chữa trị bằng cách cho điện giật”.
Hơn nữa, tại sao lại phải bị mê hoặc và áp đảo đến nỗi không thể nhận thấy rằng các nhà tu hành, chính vì được coi là “thánh thiện” và “học thức” nên càng phải được coi là phạm tội và khó bề dung thứ khi họ dám hành động xúc phạm thần thánh nhằm mục đích gây nên tình trạng bất an cho xứ sở đang ở trong tình trạng chiến tranh, cũng như khi họ dám coi thường luật lệ của xứ sở và của tín ngưỡng họ nữa, chung qui gọi là để tranh đấu cho một quyền lợi mà thật sự không bao giờ bị ai chối bỏ, và hơn thế nữa, đã được chính phủ luôn luôn cố gắng bảo vệ.
Một vài người còn nói rằng: “Mọi việc tiến triển êm đẹp cho đến khi bà Ngô Đình Nhu đánh đổ tất cả với những lời công kích”, với những người này, tôi thấy cần phải nhắc lại rằng sự thật không bao giờ đã ổn thỏa - bằng chứng là những lời hăm dọa của những kẻ phản loạn hằng ngày được phổ biến trong nước và trên báo chí hoàn cầu mà ai cũng đều biết.
Thật vậy, làm sao ổn thỏa được khi mà, để làm vừa lòng và xoa dịu một thiểu số thầy tu giả trá, nghĩa là đem lại một tình thế êm dịu với họ, chỉ có cách là quỳ gối dâng cho họ trên khay vàng trọn đất nước và thành công của ta. Mục đích của tôi không bao giờ như thế. Mục đích của tôi là lột trần bộ mặt thật của bọn chúng dù chúng núp với hình thức giả hiệu nào cũng vậy.
Tôi đã gọi họ đúng tên, nghĩa là Việt gian, là Việt gian. Còn ông, thì vì bị chìm đắm trong mặc cảm giả tạo về một vấn đề mà ông cũng như báo chí Hoa Kỳ đã tưởng chỉ là “vấn đề Phật giáo”, ông chỉ thấy rặt có chùa và áo cà sa.
Nhưng tại sao ông không nhìn thẳng con người nấp sau bộ áo, ông lại không nhìn thẳng về những hoạt động lén lút sau bình phong của chùa chiền?
Vả lại, nếu phải nhận là “tu hành” những người thật sự không bao giờ có tư cách ấy, và chỉ vì họ muốn vậy, tại mình quá sợ những gì mình tưởng là sức mạnh của họ, thì tại sao chúng ta lại phải hy sinh lớn lao như thế kia để chống lại sự giả dối và nhất là lực lượng Cộng sản, thật sự mạnh hơn biết bao?
Tôi cũng tự nhận là đang đấu tranh bảo vệ tôn giáo và Tổ quốc, và tôi thách thức bất cứ ai có thể nêu lên bất cứ gì trong hành động và lời nói của tôi mà đã xúc phạm đến mục đích ấy.
Vì tình giao hữu giữa hai quốc gia chúng ta, tôi khẩn cấp yêu cầu ông hãy cố gắng tìm hiểu bạn hữu và đồng minh trước khi lao đầu vào cạm bẫy của kẻ thù, kẻ thù chung cho nước ông cũng như nước tôi; và cạm bẫy rõ rệt nhất mà chúng ta phải tránh là không bao giờ được hốt hoảng, đừng có cắn rứt nhau đến nỗi không lo lột mặt nạ những kẻ dám lạm dụng và lợi dụng những gì mà chúng ta coi là thiêng liêng nhất, tôn giáo và tín ngưỡng.
Thành thật
Bà Ngô Đình Nhu
°
Thùy Dung sanh một đứa con trai. Hai vợ chồng đặt tên là Nguyễn Thành Lý. Thằng bé hội được những nét đẹp của cha và mẹ, rất kháu khỉnh.
Tổng thống cử Chánh văn phòng đến chúc mừng. Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đều có quà tặng. Riêng Lệ Xuân đã vào nhà bảo sanh thăm Dung ngay sau Dung xổ lòng. Đức Tổng giám mục cũng điện vào thăm hỏi. Ngày đầy tháng của bé Lý, người đến thăm khá đông. Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, đại tá Đặng Văn Quang và một số quan chức tuy không thân tình với Luân nhưng vẫn muốn tỏ ra quan tâm đến Luân. Chiều tối thì Nguyễn Thành Động, Lê Khánh Nghĩa bấm chuông. Một lúc sau thiếu tướng Lâm cũng có mặt. Họ bày bàn ở sau vườn. Mừng con trai của Luân đầy tháng chẳng qua là cái cớ. Những sĩ quan này, tuy mỗi người một quan điểm, nhưng gặp nhau trong một suy nghĩ chung: tình hình rồi sẽ ra sao? Thiếu tướng Lâm mở đầu câu chuyện, sau khi nổ một chai sâm banh:
- Hấp hối! Tôi nói rằng chế độ đang hấp hối. Cũng tốt thôi. Vậy là một triều đại sẽ phải cáo chung. Chúng ta chưa có thể biết hình dạng của bước cáo chung nhưng phải cáo chung. Anh Luân có nhớ không, tôi từng nói ông Diệm là một người anh hùng nhưng ông trở thành anh hùng quá nhanh và do đó, như một ngạn ngữ: Từ chỗ vĩ đại đến chỗ lố bịch chỉ có một bước. Ông Diệm đang ở trên phần đất của sự lố bịch... - Lâm nâng ly:
- Ta hãy uống chúc sức khỏe ông Diệm – và cũng chúc sức khỏe đại tá Nguyễn Thành Luân người đã làm tất cả những gì có thể làm được để chống đỡ cho gia đình ông Diệm không rơi vào cảnh chán chê như hiện nay. Không ai trách được anh Luân, người Mỹ hay các phe nhóm đang muốn hạ bệ ông Diệm. Trong nhiều lần nói chuyện với nhau, tôi và bạn bè của tôi ví anh Luân như Gia Cát Lượng, tài bất phùng thời!
Luân cười thật tươi:
- Thiếu tướng xỏ tôi. Tôi không phải là Gia Cát Lượng, và tôi không theo xu hướng khôi phục nhà Hán. Tôi bảo vệ cái mà tôi cho là cần bảo vệ...
- Cái cần bảo vệ đó là cái gì? – Thiếu tướng Lâm phản kích.
- Tôi biết cái mà đại tá muốn bảo vệ. - Nguyễn Thành Động lên tiếng – Nhưng thật khó. Tôi đã làm thử ở Bến Tre theo gương đại tá và tôi đã thất bại. So với lúc đại tá có mặt, Kiến Hòa bây giờ nát như tương bằm. Ấp chiến lược thoi thóp. Chúng ta là những quân nhân, khổ nổi là quân nhân cấp thấp. Tôi băn khoăn mãi, không biết mình phải làm gì nếu Sài Gòn ra lệnh cho tôi bắn vào các nhà sư biểu tình và cũng sẽ không biết phải làm gì nếu một cấp trên nào đó ra lệnh tôi bắn vào dinh Tổng thống...
Giọng Nguyễn Thành Động thật chán chường.
- Đúng, chúng ta là quân nhân, nhưng mỗi quân nhân đều có cái đầu riêng. Đầu để suy nghĩ. – Người nói câu đó là Lê Khánh Nghĩa.
- Ông Diệm sẽ đổ và chắc sẽ đổ trong thời gian không xa mấy. – Lê Khánh Nghĩa nói tiếp – Có lẽ ông Diệm hết còn là cái gì để chúng ta bận tâm. Cái mà chúng ta bận tâm là sau ông Diệm. Nếu sau ông Diệm, một chính phủ hợp lòng dân ra đời, thật là điều tốt lành. Hợp lòng dân bây giờ nghĩa là làm đủ mọi cách để chấm dứt chiến tranh, thực hiện một nền dân chủ, chấm dứt chế độ độc tài gia đình trị. Chấm dứt chiến tranh chỉ có thể bằng thương lượng với đối phương. Còn ngược lại, sau ông Diệm là mở rộng chiến tranh, là chiến tranh ác liệt hơn thì có nghĩa đất nước sẽ bị tàn phá kinh khủng và những quân nhân như chúng ta là lính đánh thuê.
Người Mỹ sẽ diễn lại cái trò Cao Ly tại đây. Chắc chắn gay gắt hơn Cao Ly thập bội, thiếu tướng Lâm cũng như trung tá Động nếu quan tâm thì nên quan tâm theo hướng đó...
Luân cố giấu một nụ cười. Những điều Lê Khánh Nghĩa trình bày cũng chính là những điều ghi trong chỉ thị của A.07 gửi cho Luân. Thiếu tướng Lâm và trung tá Động rõ ràng bị Lê Khánh Nghĩa thuyết phục. Động thở dài:
- Lực lượng bảo an một tỉnh như Kiến Hòa không thể xoay chuyển nổi cục diện.
- Tôi còn không có lấy được một tiểu đội. – Thiếu tướng Lâm gầm gừ - Tôi cảm giác là thời cuộc đi quá nhanh. Ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu dường như nóng ruột hơn cả chúng ta, họ đẩy cho tình thế nhảy vọt. Đặc biệt là bà Nhu, con sư tử cái. Ai đời dám trả lời với báo New York Times: Đánh sư như thế chưa ăn thua, tôi còn đánh mạnh gấp mười lần; đến nỗi ông Trần Văn Chương, bố của bà đã phải ra tuyên bố nói rằng bà Ngô Đình Nhu đã tỏ ra vô lễ và không có tư cách khi tuyên bố về Phật giáo. Tôi chán gia đình ông Diệm – xin lỗi đại tá Nguyễn Thành Luân – nhưng tôi còn chán hơn người Mỹ. Đại sứ Nolting nói rằng vấn đề Phật giáo không có gì quan trọng. Không đáng kể, vấn đề đáng kể là phải thắng trong cuộc chiến tranh và mọi người phải dồn hết tâm lực theo hướng này. Ông Diệm, bà Nhu có thể chết vì cái trò mặt sấp, mặt ngửa của ông đại sứ kỳ quặc này...
- Chẳng kỳ quặc đâu. – Nguyễn Thành Động lắc đầu – Tôi chưa thấy một đại sứ nào làm tròn trách nhiệm bằng ông Nolting. Với nước Mỹ, ông đã tạo điều kiện đủ chín muồi cho một sự thay đổi danh chánh ngôn thuận. Người Mỹ được giới Phật giáo ngưỡng mộ như là ân nhân nếu họ lật ông Diệm. Người Mỹ tức là chính phủ Mỹ, còn Nolting thì nếu không về hưu cũng sẽ gầy một sòng bạc khác ở nơi khác. Với bà Nhu, đại sứ Nolting đã đóng rất tròn vai người yêu, một mực che chở cho bà Nhu. Bà Nhu lõa lồ đấy, nhưng vẫn được nặn tượng đặt ở công viên Mê Linh bởi bà được nấp sau cái lưng của Nolting...
- Tôi muốn nói chuyện về người Mỹ. - Thiếu tướng Lâm ngắt lời trung tá Động – Trong thời gian còn chiến tranh ở Đông Dương, Mỹ bảo chúng ta đánh Cộng sản cho Pháp là đồng minh của họ rồi sau họ sẽ cho chúng ta một chính phủ tốt: bây giờ thì họ lại bảo chúng ta đánh Cộng sản cho ông Diệm và khi nào hòa bình trở lại, họ sẽ cho chúng ta một chính phủ tốt. Nay mai họ lại sẽ bảo chúng ta đánh Cộng sản cho một cha chủ ba trợn nào đó để có một chính phủ tốt. Nghe họ làm quái gì!
Không khí đột nhiên trầm lặng. Gần như không ai buồn mở miệng. Luân hiểu trong ba người khách thì trừ Lê Khánh Nghĩa, hai người kia mới đạt đến mức phê phán chế độ cần phải soát xét những người bất mãn với chế độ trong hàng sĩ quan cấp cao đông đến bao nhiêu và lý do bất mãn của từng người hoặc từng nhóm người. Về phương diện này, có vẻ CIA và các cơ quan tình báo nước ngoài, kể cả Trung Cộng, nắm được bao quát hơn Luân.
- Phải làm gì? – Nguyễn Thành Động đặt câu hỏi, phá tan sự im lặng. Nhưng sự im lặng không bị phá tan. Không hẹn, cả ba người đều ngó Luân, như chờ đợi ý kiến phán quyết. “Làm gì?”. Chính Luân cũng chưa biết.
Khách ra về, bắt tay nhau khá nặng nề. Luân trở vào phòng. Dung thay tã lót cho con. Thằng bé, tay nắm chặt, tay và chân co duỗi liên hồi như nó định bơi trong không khí, đôi mắt mở to, miệng cười. Luân ngồi cạnh vợ. Anh thở dài. Dung đánh giá đúng tiếng thở dài của Luân. Cô ngước nhìn chồng, chia sẻ.
- Nếu tình thế bất lợi, em sẽ bồng con vào chiến khu!
Luân không trả lời vợ. Đúng, trong bài toán cần giải đáp đối với thời cuộc bây giờ thêm một con số mới và Luân không thể không đếm xỉa đến...
°
Tuyệt mật
Đại cương về “Kế hoạch nước lũ”
Kế hoạch “Nước lũ” được chia thành hai phần:
- Phân hóa và cô lập.
- Trấn áp và đấu tranh.
A) Phân hóa và cô lập
- Giữa các chùa ở Sài Gòn.
- Giữa Sài Gòn và các tỉnh.
- Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế sự xê dịch của nhà sư và chư tăng, ni.
- Bao vây kinh tế, nhất là những vận dụng cần thiết cho sự thông tin và tuyên truyền.
B) Trấn áp và đấu tranh:
Phần này có hai biện pháp:
- Tiêu cực
- Tích cực
1. Tiêu cực
Liên tiếp tổ chức những tuần lễ như:
- Biết ơn tử sĩ.
- Giúp đỡ thương phế binh.
- Giúp đỡ gia đình tử sĩ.
- Mừng chiến thắng
- Ghi ơn những vị tiền bối cách mạng quốc gia.
- Ghi ơn những vị anh hùng dân tộc
- v.v...
Những tuần lễ này được tổ chức với mọi phương tiện sẵn có của chính quyền.
Kế hoạch này được chỉ thị tối mật cho các cơ quan, đoàn thể chia nhau luân phiên làm rùm beng trong thời gian từ 3 đến 4 tháng, nhằm mục đích cho quần chúng quên lãng cuộc đấu tranh của Phật giáo.
2. Tích cực.
Chủ trương làm mạnh để đàn áp hợp pháp:
- Mệnh danh các phong trào này, đảng nọ, nhóm kia... viết những bức thư công kích, đả kích, tố cáo Phật giáo gửi đến các cơ quan chính phủ và các nhân vật cao cấp (Phật giáo) và các báo chí trong và ngoài nước cùng các tòa đại sứ, lãnh sự tại Sài Gòn.
- Tổ chức đánh cắp trái tim (2) để phanh phui sự lừa bịp và thần thánh hóa của Phật giáo.
- Cho người len lỏi vào trong các chùa để lấy tài liệu, tìm tòi hay “tạo nên” (monter coups) những nhà sư có cấp bậc cao phạm pháp bằng mọi hình thức để truy tố trước pháp luật, quần chúng trong nước và quốc tế.
- Mua chuộc một số nhà sư cao cấp tố cáo những hành động của Tổng hội Phật giáo.
- Theo dõi để bắt hết những người cộng tác hay tiếp tay với các nhà sư để chặt tay chân, tai mắt của Tổng hội Phật giáo.
(“Kế hoạch nước lũ” không mang chữ ký của cơ quan dự thảo, lại do Tổng hội Phật giáo phát hành, gửi đến các cơ quan thông tấn và cả Tổng thống – ghi chú của hãng UPI)
°
TIN VỀ MỘT CUỘC ĐẢO CHÍNH
Sài Gòn (phóng viên báo Phillipines Herald).
Hiện nay, đang có dư luận dai dẳng ở Sài Gòn về khả năng nổ ra một cuộc đảo chính hoặc do những quân nhân tán thành Phật giáo, hoặc do chính phủ tạo cớ để đàn áp Phật giáo mạnh tay hơn hoặc do một số thế lực chống Cộng cho rằng chính phủ hiện hữu quá nhu nhượt, cần thay đổi. Gần đây ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã công khai tuyên bố về khả năng đảo chính từ những sĩ quan bất mãn các nhượng bộ đối với Phật giáo của chính phủ. Các giới am hiểu tình hình Nam Việt, đều cho lời ông Nhu mang tính cách đe dọa hơn là phản ánh khả năng có thật. Dẫu sao, không khí Sài Gòn hình như gần kề với một đột biến nào đó.
°
ĐIỆN CỦA PHÂN XÃ UPI GỬI TỔNG XÃ
Cử ngay sang Sài Gòn một số phóng viên năng nổ, kèm cả máy quay phim.
°
Tuyên bố báo chí của bà cố vấn Ngô Đình Nhu: Chúng ta không thể thối lui được nữa.
“Ngày 6-8-1963, Đài tiếng nói Hoa Kỳ có mô phỏng một lời tuyên bố của đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, dựa theo đó đại sứ không tán thành các lời nhận xét “thiếu lễ độ” của tôi, liên quan đến vụ ám sát thượng tọa Thích Quảng Đức, do Đài vô tuyến truyền hình CBS truyền ngày 1-8-1963.
Tại cuộc phỏng vấn đó và đáp lại câu hỏi: “Bà có nghĩ rằng các Phật tử muốn lật đổ chính quyền này không?” tôi đã có trả lời chính xác như sau:
“Không phải các Phật tử. Mà chỉ có vài người tự xưng là “lãnh đạo Phật giáo” mà chúng tôi ví như những kẻ tàn bạo, muốn lật đổ chính quyền này mà thôi. Nhưng giữa mong muốn và năng lực làm được, có cả một sự khác biệt. Thật vậy, đối với chính phủ này đang đem quốc gia đến thắng lợi trong chiến tranh chống Cộng sản và đang xây dựng chính ngay tại căn bản quốc gia, nghĩa là tại các cấp – một nền dân chủ thật sự, có đủ đảm bảo nhất vì được cấu tạo từ hạ tầng cơ sở - đối với các thành tích ấy, thử hỏi các nhà tự xưng là “lãnh đạo Phật giáo” đã làm được những gì?
Họ không có chương trình và cũng chẳng có nhân vật khả dĩ thay thế cho sự thiếu sót chương trình. Và tất cả hành động của họ chung qui vào việc là đem “nướng” sống nhà tu, ngay cả không phải với phương tiện tự túc, mà với xăng dầu được nhập cảng. Lý do của cuộc sát nhân ấy là gì? Chỉ là mạo nhận để bênh vực một lập trường mà không bao giờ bị xúc phạm đến!
Lời lẽ ấy của tôi có thể được xem là “thiếu lễ độ” thật đấy, nếu sự kiện này liê quan đến các “việc thần thánh” chân chính; nhưng thật ra trường hợp ở đây đâu có phải như vậy! Ngoài ra, tôi không hiểu tại sao chúng ta lại phải chịu để cho các lý sự cùn, dựa trên những hoàn cảnh giả tạo, mà kẻ thù chính tông đã dựng đứng lên, mê hoặc và áp đảo chúng ta?”
Dù sao tôi rất biết ơn đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn đã cho tôi có dịp xác nhận lại quan điểm của tôi về vấn đề này:
Nước Việt Nam ở trong tình trạng chậm tiến về nhiều mặt, nguyên nhân sự chậm tiến ấy do chiến tranh ác liệt mà Cộng sản quốc tế đã đem lại.
Vì lý do ấy, Việt Nam không thể nào cho phép một cuộc thoái bộ nữa. Và thật là một sự thoái hóa đến... tối tăm, man rợ của tiền lịch sử, khi xui khiến phụ nữ, trẻ con, và các bô lão, dù có điên rồ, bệnh hoạn hay vô dụng đến đâu đi nữa – đi đến chỗ hủy mình vì một quyền lợi không bao giờ bị ai chối cãi, với mục đích phong các người khốn khổ ấy thành “thánh nhân và tử vì đạo”, để khiêu khích chung quanh xác chết của họ một sự thờ phượng khả dĩ gây mầm móng rối loạn xã hội và ngay cả việc sát nhân khác.
Những hành động này chứng tỏ sự vô liêm sĩ đến độ mà nhân cách và lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam không thể nào tha thứ được, tại vì những hành động này chứa đựng, không những một sự lạm dụng trắng trợn lòng tin tưởng của các tín đồ, mà hơn nữa, đó là một cuộc xâm phạm đến sự kính nể mà dân tộc Việt Nam có quyền hưởng đối với toàn thế giới.
Vì danh dự và thể diện nước nhà, những hành động ấy phải được tố giác và được đặt lại đúng trong nội dung của nó.
Tôi chỉ có làm thế thôi... và tôi rất tiếc KHÔNG nói được rằng tôi đồng ý với những người nào đã nghĩ một cách khác”.
Bà NGÔ ĐÌNH NHU
°
TIN CỦA BÁO NEW YORK TIMES
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi hỏi về việc nếu các nhà sư cứ tiếp tục tự thiêu thì chính phủ có biện pháp gì đối phó không, bà cố vấn Ngô Đình Nhu trả lời: “Chúng nó là bọn bán nước. Bởi thế, dù chúng nó có nướng sống 30 nam và nữ, hoặc hơn, chúng tôi cũng sẽ vẫn tiến tới và vỗ tay hoan hô. Chúng tôi không phải chịu trách nhiệm gì về sự điên rồ của những kẻ ấy”.
°
THÔNG BÁO CỦA BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC
Do không còn thích hợp với nhiệm vụ đang gánh vác, linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện đại học Huế được phép thôi giữ chức này. Chính phủ sẽ cử một Viện trưởng khác.
TIN CỦA HÃNG AFP
Kể từ ngày 18-8-1963, một loạt các Khoa trưởng đại học thuộc Viện đại học Huế đã xin từ chức để phản đối việc chính phủ bãi chức Viện trưởng của linh mục Cao Văn Luận. Hành động này không hẳn vì cảm tình với linh mục Viện trưởng mà để bày tỏ thái độ bất bình với chính phủ.
Tiếp sau thái độ của các nhà giáo là thái độ của học sinh. Trong một tuyên cáo, Liên đoàn học sinh Phật giáo Việt Nam đã nói thẳng với chính phủ là họ không tín nhiệm cách cai trị vừa qua. Họ nhắc đến một học sinh bị đã bị người Pháp bắn chết cách đây 13 năm tên Trần Văn Ơn. Điều đó có nghĩa là nếu chính phủ không tìm cách giải quyết tình hình đang hết sức căng thẳng ở Nam Việt thì xu hướng chống chính phủ vì lý do Phật giáo có thể biến thành một cái gì nguy hiểm hơn. Trần Văn Ơn là một học sinh được Cộng sản suy tôn như anh hùng. Cho tới nay, chưa có một dấu hiệu rõ rệt nào Cộng sản lợi dụng phong trào Phật giáo ở Nam Việt, nhưng người ta không loại trừ xu thế của chính phong trào, trước sự ngoan cố của chính phủ, sẽ nghiêng về phía tả. Còn các nhà sư có tham vọng chính trị, trong khi đính chính thẳng thừng mối quan hệ của họ với Cộng sản, đã không bỏ qua một cơ hội nào lợi dụng Cộng sản – lợi dụng sức ép của Cộng sản hiện nay về chính trị và quân sự ở Nam Việt, và lợi dụng cả quá khứ của Cộng sản.
Giới Phật giáo đã quảng bá khắp nơi những lời tuyên bố nảy lửa của bà Ngô Đình Nhu. Giới ngoại giao ở thủ đô Nam Việt nhận xét rằng đó là cách làm tốt nhất dấy lên sự công phẫn của quần chúng.
----------
(1) Hãy thận trọng
(2) Trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức