Ván Bài Lật Ngửa

P7 - Chương 3

Vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhứt, Luân và Dung cảm giác liền cái không khí ngột ngạt của thủ đô. Những người ra đón vợ chồng Luân, tuy cái bắt tay đầu tiên rất chặt theo phép lịch sự nhưng đôi mắt thì đầy lo âu. Có lẽ trừ James Casey, hắn ta quan tâm về hướng khác và một sĩ quan không quân Việt Nam, trung tá Nguyễn Cao Kỳ. Trong vòng non 2 năm, Kỳ được thăng hai cấp và lần này y thêm một bộ râu mép khá dầy.

Trong khi chào và bắt tay Luân, đôi mắt một mí của y loé lên ánh sáng kiêu ngạo và y không cần phải cố ngoi để cho mọi người trông thấy y như trước đây. Đại tá Đặng Văn Quang lặng lẽ bước cạnh Luân còn Trần Trung Dung thì nói khẽ vào tai Luân: Tình hình gay go lắm, anh vào ngay dinh Gia Long gặp ông cố vấn.

Tại phòng đợi sân bay, số phóng viên báo chí nước ngoài, tốp rời Việt Nam và tốp mới đến đang làm thủ tục dưới sự dòm ngó đầy ác cảm của quân cảnh và cảnh sát.

- Nhiều mật vụ! - Dung bảo Luân. Anh cũng đã thấy những người mặt thường phục trà trộn trong hành khách.

Xe đưa vợ chồng Luân vào trung tâm thành phố bị nghẽn khá lâu sau khi vượt cầu Công Lý. Người bảo vệ cho biết từ một tuần nay, thành phố náo động liên tục vì các cuộc cầu siêu cho nạn nhân Huế - ngoài các buổi lễ tại tất cả các chùa, tăng ni và tín đồ còn rước bài vị, thành từng đoàn, có đoàn đông đến mấy nghìn người, kéo qua các phố, vừa đi vừa niệm Phật. Hôm nay Nha cảnh sát đô thành được đặt trong tình trạng báo động 100% để đối phó với các lễ cầu siêu lớn nhất ở Đô thành từ sau vụ Huế. Lễ cầu siêu bắt đầu ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh - Minh Mạng - Trần Quốc Toản - Phan Thanh Giản - Bà Huyện Thanh Quan. Tổ chức Phật giáo đã chính thức thông báo - thông báo chứ không phải xin phép - với Nha cảnh sát về chương trình và lộ trình nói trên. Tổng nha ra lệnh cô lập các khu vực, tuyệt đối cấm mọi hình thức ngăn cản lễ cầu siêu và cuộc diễu hành. Xe của Luân dừng trước một ngôi chùa nhỏ. Tăng ni và Phật tử choáng hết đám đất trống quanh chùa, tràn luôn mặt đường. Các nhà sư đã gắn một hệ phóng thanh khá mạnh và Luân nghe rõ từng lời, có lẽ của bài điếu văn. Đúng vậy, kết thúc bài điếu văn, người xướng đọc nói rõ: Chư vị vừa nghe ai điếu của hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Lần đầu, Luân và Dung nghe danh từ mới: “Mùa pháp nạn”.

Luân trao đổi với Dung bằng mắt. Rõ ràng một cái gì hết sức nguy kịch đối với cơn bệnh trầm kha của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ sự việc ở Huế ngày 8-5 đến hôm nay, 21-5, vừa vặn 2 tuần lễ, trung tâm phản kháng đã chuyển một nghìn cây số vào nơi nhạy cảm nhất của Việt Nam Cộng hòa. Nhà cầm quyền đã thất bại - một thất bại chiến lược - khi không thể cô lập hóa sự kiện Huế như là một hiện tượng địa phương. Không dập tắt nổi phong trào phản kháng mang danh nghĩa Phật giáo ở một thành phố nhỏ là Huế, ở một tỉnh lẻ loi ngăn cách là Thừa Thiên thì họ không có tài phép gì triệt tiêu mũi nhọn tiến công trong bộ cà sa và với tiếng niệm Phật.

Tình cảnh Việt Nam Cộng hòa giống như các dự báo thời tiết của Nha khí tượng: Một cơn bão đã hình thành ngoài khơi biển Đông, với các cấp gió bao nhiêu đó, đang di chuyển mỗi giờ bao nhiêu cây số đó… Trong lịch sử nền Đệ nhất Cộng hòa, chắc chắn rằng đây là cơn bão lớn nhất và cũng có thể tốc độ di chuyển nhanh nhất - biết cơn bão song không sao ngăn chặn nổi.

Cuối cùng, xe của Luân phải theo đường Yên Đỗ, ra Hai Bà Trưng, lại theo đường Trần Quang Khải vòng tận Đakao để về nhà. Khắp các giao điểm, cảnh sát và cảnh sát dã chiến đằng đằng sát khí, còn các đám đông tuy lặng lẽ song cứ nhìn gương mặt của họ thì đã cho thể hiểu trận đụng độ nẩy lửa sẽ bùng dậy trong khoảnh khắc.

Người thông báo cho vợ chồng Luân những tin tức chi tiết, cụ thể là chị Sáu nấu bếp. Mừng rỡ chào hỏi vợ chồng Luân xong, chị Sáu bắt đầu tuôn ra bao nhiêu là chuyện quanh các chùa. Luân biết chị Sáu hiền lành, ít nói, thật ra không hẳn là tín đồ đạo Phật theo cái nghĩa chặt chẽ. Chị tin trời Phật thánh thần, mỗi tháng hai lần rằm và mồng một mang đến một ngôi chùa nào thuận đường hơn hết mấy ốp nhang, vài nải chuối. Chị không thuộc một câu kinh Phật nào bởi tiếng Phạn rất khó nhớ, ngoài ba chữ: Nam mô Phật. Chị Sáu đứng hẳn về phía nhà chùa, khi nhắc đến vụ Huế thì nước mắt rưng rưng. Qua chị Sáu, Luân chiêm nghiệm nhiều điều: Lý do tôn giáo trong cuộc tranh chấp gây cấn hiện nay chỉ là cái cớ - nhiều thế lực dựa vào chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Diệm để khuấy động; đông đảo dân chúng nhân vụ Phật giáo và biểu lộ nỗi bất bình sâu xa của mình đối với chế độ, nỗi bất bình ngấm ngầm với đủ nguyên cớ chỉ chờ dịp là bộc phát.

Luân và Dung vào dinh Gia Long theo điện gọi của Nhu. Nhu mệt mỏi bắt tay hai người và khi Dung đi gặp Trần Lệ Xuân thì Nhu hỏi liền:

- Sao? Hồi âm favorable (1)?

Luân hiểu Nhu muốn nói đến mối liên lạc với Jean.

- Chỉ mới ở dạng bắn tín hiệu. Tôi bắn và bên kia trả lời ở mức nhận được tín hiệu. Thế thôi.

Nghe Luân trả lời, Nhu thở dài, nói như tự hỏi:

- Muộn quá rồi chăng?

Tất nhiên, đã quá muộn. Luân từng nhắc nhiều lần ý kiến của anh với Nhu: không thể xem việc thương lượng với “phía bên kia” như là một thủ thuật làm nũng với Mỹ. Không thể nào có chuyện “phía bên kia” lại chịu bảo trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề phải là thương lượng thành thật. Ngay bây giờ, ngồi trên những ngọn dao, Nhu vẫn mơ màng cái mưu mẹo của anh ta cứu vãn nổi cơ đồ sụp đổ. Hơn một năm vắng mặt ở Sài Gòn, nay trở về, nhìn qua cửa sổ, Luân thấy dinh Độc Lập đang quét lớp vôi cuối cùng. Thời gian xây dựng một cơ ngơi như vậy phải nói là nhanh. Điều đáng tiếc đối với anh em Diệm - Nhu là khi họ hoàn thành nơi phô trương quyền uy của chế độ thì chế độ đã không còn quyền uy phô trương.

- Ta đang gặp những đối thủ lợi hại. Chúng tấn công ta theo một kế hoạch vạch trước. - Nhu bắt đầu phân tích hiện tình của Nam Việt - Tôi đoán trước ý đồ của chúng chuyển địa bàn từ Huế vào Sài Gòn. Tiếc là Nguyễn Văn Y đã không bóp chết từ trong trứng ý đồ của chúng, Nguyễn Văn Y, Trần Kim Tuyến đều không phải là đối thủ của các tay thầy chùa đầy tham vọng trần tục, rất quỷ quyệt và có học thức. Lễ cầu siêu là cái gì? Xin lỗi anh Luân, các nhà sư đang dùng phương pháp của Cộng sản. Cầu siêu cho những người tử nạn ở Huế, hiền lành và hợp đạo lý biết bao nhiêu, nhưng cũng thâm độc biết bao nhiêu. Mỗi một cuộc tập họp, mỗi một câu kinh cầu nguyện đều dấy lên trong lòng những người theo đạo Phật sự bực tức… Chúng đang chơi cái trò nhen nhúm lửa…

Luân thấy tội nghiệp cho Nhu. Anh ta không phải không hiểu chế độ đang dấn vào chỗ mỗi lúc mỗi tối mịt, nhưng lại hoàn toàn không hiểu nguồn gốc sâu xa của nguy cơ đó, nhìn sự phản kháng của những người theo đạo Phật cách biệt với bối cảnh chung.

- Tại sao Tổng thống lại ra lệnh bỏ cờ Phật trong lễ Phật đản ở Huế? - Luân hỏi.

- Anh biết rõ quá mà! Tôi can nhưng Tổng thống không nghe. Người đáng trách hơn hết là Đức Cha, chị Cả Lễ và chú Cẩn. Tất cả đều không hiểu vị trí, thế lực của đạo Phật. Cộng vào đó, tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đăng và phó tỉnh trưởng Đặng Sỹ hành động như những tên ngu ngốc.

- Tôi e rằng lý giải của anh có phần đơn giản. Những cái anh nói chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước. Tôi cũng không tin cả Đăng lẫn Sỹ, quá nhiệt thành nên thô bạo. Làm sao có thể loại trừ khả năng Đăng và Sỹ thực hiện một ý định của anh đó. Bây giờ, kể cả chúng ta lập tòa án khẩn cấp và xử bắn tỉnh trưởng và phó tỉnh trưởng Thừa Thiên cũng không giải tỏa nổi cái không khí hết sức căng thẳng khắp cả nước…

- Đại sứ Nolting vẫn nhắc lời cam kết của nước Mỹ. - Nhu nói bằng một giọng mất hết tự tin.

- Nếu chính phủ Mỹ thay Nolting? - Câu hỏi của Luân đè nặng hơn mái đầu bạc khá nhanh của Nhu.

- Đã có tin Cabot Lodge sắp thay Nolting. - Giọng Nhu như thều thào.

- Kennedy chăm sóc chúng ta kỹ quá! Ông ta cử sang Việt Nam cỡ lãnh tụ đảng Cộng hòa, ứng cử viên Tổng thống của nước Mỹ để làm đại sứ. Anh có thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề không?

Nhu không trả lời, đầu càng cúi thấp hơn, khẽ bảo:

- Chiều nay anh đến chào Tổng thống, dùng cơm với gia đình, sau đó tôi và anh trao đổi tiếp.

- Tôi xin phép anh đến ra mắt trung tướng Dương Văn Minh, bây giờ là người chỉ huy trực tiếp tôi, nếu anh vẫn chưa định giao tôi công việc khác.

- Được! Anh cũng nên chú ý xem nhận định của tướng Dương Văn Minh về tình hình Phật giáo như thế nào. Ông ta là một tín đồ sùng đạo Phật… Đáng lẽ tôi phải thông báo cho anh nhiều hơn, nhưng tôi quá mệt. Văn phòng sẽ cung cấp các tài liệu cho anh. Cũng lẽ ra anh vừa về nước, nên nghỉ ngơi nhưng công việc lại đòi anh phải giúp một tay. Tôi hy vọng đâu rồi sẽ vào đó…

Nhu ngồi im trên ghế, rít thuốc. Luân vào phòng trong chào Lệ Xuân. Lệ Xuân đang ngồi nói chuyện với Dung, mặt hầm hầm:

- Chào anh Luân mới về! - Mụ chìa tay bắt tay Luân khá lỏng lẻo - Tôi đang nói với cô Thùy Dung về Tổng nha cảnh sát. Cô Dung phải bảo với ông Y rằng không có cầu siêu, không có tụng niệm gì hết. Giải tán, đóng cửa chùa… Với mấy thằng trọc mà mềm yếu thì có ngày chết với chúng.

Lệ Xuân vụt đứng lên, nện mạnh đế giày, đi lại, quên mời Luân ngồi. Luân tự tìm chỗ ngồi.

- Bọn nó còn làm trò gì nữa? Tổng thống muốn nhượng bộ, nhà tôi cứ than: khó lắm, khó lắm… - Lệ Xuân nhại giọng chồng, bĩu môi: - Không khó! Tôi bảo phải thẳng tay. Lúc này mà không thẳng tay thì hối hận về sau. Đại sứ Mỹ cũng cùng ý kiến với tôi. Bên ngoài, Việt Cộng đánh, bên trong Phật giáo phá, không phải giữa Phật giáo với Việt Cộng thông đồng với nhau là gì? Tôi bảo phải chuyển vụ lộn xộn ở Huế, các vụ cầu siêu ở Sài Gòn, ở các tỉnh ra các vụ chính trị. Tại sao không lục soát các chùa kiếm cán bộ Việt Cộng nằm vùng, thậm chí chính các thầy chùa cỡ bự đích thân là Việt Cộng, kiếm truyền đơn, máy in, cờ, súng, lựu đạn… Không ít đâu! Ông Y trình là không có các thứ ấy!

Mắt Lệ Xuân long sòng sọc - đôi mắt ngày thường khá đẹp, rất tình tứ.

- Không có cũng phải làm ra cho có! Cô Thùy Dung hiểu ý tôi rồi chứ?

Lệ Xuân ngồi phịch xuống ghế, ôm ngực:

- Mệt chao ôi là mệt… Lại còn ra lệnh bắt Đặng Sỹ! Giá như cả nước có được vài nghìn Đặng Sỹ… Tôi bảo: Không ai được động đến sợi lông chân của Đặng Sỹ. Tôi bảo: thăng Đặng Sỹ lên đại tá!

Chuông điện thoại reo. Lệ Xuân nhấc máy.

- Helo! Yes, Lệ Xuân here…(2)

Luân và Dung khẽ chào Lệ Xuân, mụ ra hiệu cho phép hai người rời khỏi phòng… Lệ Xuân tiếp tục nói, giọng nũng nịu nhưng vẻ mặt thì thật đanh đá.

- Bà ta nổi điên rồi! - Luân bảo Dung

- Nolting gọi bà ta. Tay đại sứ Mỹ này chơi cái trò “củ cà rốt” tới cùng. - Dung nhận xét.

Hai người sang phòng làm việc của Diệm. Ông vồn vã ôm Luân, vỗ vào vai Dung, ân cần kéo hai người ngồi. Trông ông phờ phạc hẳn.

- Sao, hai cháu học hành thế nào?

Biết là ông hỏi lấy lệ, Luân cũng trả lời lấy lệ.

- Cháu Luân nghe chính giới Mỹ nhận xét về tình hình ở nước ta như thế nào? Họ về hùa với tụi xấu, phải không? - Câu này, Diệm hỏi và chăm chú chờ Luân trả lời.

- Thưa Tổng thống, cháu rời đất nước Mỹ trước khi xảy ra vụ Phật giáo ở Huế cho nên dư luận cụ thể xung quanh vụ này của chính giới Mỹ cháu chưa được biết rõ…

- Tôi muốn hỏi những ý kiến chung hơn. Phật giáo chẳng qua là việc nhỏ, rồi chính phủ sẽ thu xếp ổn thỏa thôi. Vài phần tử quá khích, bất mãn gây kích động, ta vạch mặt được chúng thì nhân tâm hết xao xuyến…

- Thưa Tổng thống, trong thời gian ở Mỹ, cháu cũng như nhà cháu bận nghiên cứu trong Học viện thỉnh thoảng mới gặp vài nhân vật Mỹ. Có thể chia các nhân vật mà cháu tiếp xúc làm mấy loại. Phó tổng thống Mỹ Johnson, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara trong vài lần gặp cháu, quan tâm đến tình hình chính trị ở nước ta, có cái họ không ưng ý, nhưng đều ca ngợi Tổng thống…

- Cháu gặp hai ông đó mấy lần?

- Thưa, Phó tổng thống Mỹ nhân chuyến đi thị sát vùng Carolina - Bắc, gọi cháu đến dinh Thống đốc của bang trong một buổi ăn sáng. Thời gian nói chuyện độ 45 phút… Còn Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thì cháu gặp ba lần, cả ba lần đều tại đại sứ quán nước ta ở thủ đô Mỹ…

- Tôi nhớ rồi, đại sứ quán có báo cáo…

- Thưa, cả ba lần đều có đại sứ Trần Văn Chương dự, kể cả lần mới nhất trước khi cháu rời Mỹ. Tuy dài ngắn khác nhau, trong ba lần gặp gỡ, Bộ trưởng và cháu chủ yếu bàn về các vấn đề quân sự, nhất là vấn đề trang bị cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa… Một giới khác mà cháu gặp là đại biểu quốc hội Mỹ, các thượng nghị sĩ như Fulbright, Mac Govern, Goldwater, Wallace… Như Tổng thống đã rõ, thế lực của các thượng nghị sĩ này khá lớn, ảnh hưởng quan trọng đến chính sách của chính phủ Mỹ. Fulbright thường đắn đo về cục diện Đông Nam Á. Có lẽ ông chủ trương kềm chế trong một giới hạn nào đó sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với ta mặc dù ông vẫn muốn nước Mỹ ngày phải mỗi đứng vững ở khu vực này. Mac Govern, trái lại, gần như theo thuyết “L’Amérique d’abord”(3) của các Tổng thống Mỹ vào đầu thế kỷ và có thể nói là ác cảm với chúng ta. Về một cực đối lập hẳn, Goldwater, Wallace mà dư luận Mỹ gọi là “diều hâu” cùng với nhiều nghị sĩ chung quan điểm, chủ trương Mỹ phải tăng viện tối đa cho chúng ta, không ngại mở rộng chiến tranh lên phía Bắc vĩ tuyến 17, thậm chí toàn Đông Dương… Goldwater chê ta không đủ kiên quyết trong đối nội…

- Đức Hồng y Spellman có nói với tôi về hai thượng nghị sĩ này và các đồng chí của hai ông. Tuy nhiên, hình như phái của ông ta thiểu số.

- Nếu tính tương quan trong Quốc hội hiện thời thì các ông chưa có tiếng nói quyết định, nhưng Ngũ giác đài có lẽ đứng sau lưng phái các ông… Còn giới báo chí, chắc Tổng thống đã rõ đang phân hoá. Nhưng những bài của Water Lippman vẫn có trọng lượng hơn…

- Cũng giống như những bài của con mụ Fanfani, nghe đâu bạn của cháu. - Diệm nghiêm mặt - Tôi đã bảo ông Phan Văn Tạo và ông Ngô Trọng Hiếu trục xuất mụ ta, nhưng không rõ vì sao đại sứ Nolting lại không bằng lòng… Nếu cháu có gặp mụ ta thì nên nói cho mụ biết: Mụ phải cẩn thận!

Dừng lại một chút, Diệm hỏi tiếp:

- Cháu có gặp Colby không?

- Thưa không!

- Chắc là ông ta không thích cháu. - Diệm quay sang Thùy Dung - Còn cháu?

- Thưa Tổng thống, việc gì ạ? - Dung trả lời nhỏ nhẹ như một đứa cháu dâu trước mặt bậc trưởng thượng khả kính trong gia đình. Thái độ của Thùy Dung khiến mặt Diệm dịu hẳn, có lẽ gần đây ông phải nghe những câu, những chuyện mà ông cho là xúc phạm đến vai vế cần phải được tuyệt đối tôn trọng của ông.

- À, tôi hỏi hơi thừa. Colby không gặp cháu đâu. Nói chung, ông ta không thích những người trong gia đình chúng ta.

- Thưa Tổng thống, cháu có gặp những người chỉ huy cơ quan FBI (4) để trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp.

- Ừ, tốt lắm… - Diệm đột ngột hỏi Luân: - Cabot Lodge là người thế nào?

- Thưa Tổng thống, một chính khách có cỡ của Mỹ. Cháu chưa gặp ông ta lần nào nên chưa thể có ý kiến trình lên Tổng thống.

Câu chuyện đến đó thì bị cắt ngang. Đổng lý văn phòng Phủ tổng thống sau tiếng gõ cửa nhè nhẹ, bước vào:

- Trình Tổng thống, linh mục Hoàng, như đã hẹn, xin được Tổng thống tiếp.

Diệm ngần ngừ giây lát, rồi bảo:

- Ông mời vào.

Luân và Dung đứng lên toan rút lui.

- Hai cháu cứ ngồi có thể hiểu biết thêm tình hình vì hai cháu xa đất nước cũng hơi lâu.

Viên Đổng lý văn phòng gập người chào Diệm, thụt lui mãi tận cửa, bấy giờ mới gật đầu chào vợ chồng Luân và mới dám quay lưng. “Bên ngoài đang thay đổi vùn vụt nhưng ông Diệm vẫn cố giữ cái nghi vệ hình thức. Chắc chắn đó là một trong những sức đẩy triều đại của ông ta lao nhanh xuống vực” - Luân thầm nghĩ.

Cửa mở, linh mục Hoàng hấp tấp bước vào. Ngô Đình Diệm đứng lên:

- Xin chào Cha! Mời Cha ngồi.

Linh mục Hoàng khệnh khạng ngồi xuống chiếc ghế bành và Diệm rời bàn viết đến ngồi cạnh ông. Linh mục Hoàng chỉ khẽ gật đầu đáp lễ khi Luân và Dung đứng lên chào ông.

- Về nước bao giờ đấy? - Linh mục hỏi, hách dịch - Tôi quên tên anh và cô bé này.

Luân chỉ mỉm cười.

- Coi thư của Cha, con muốn Cha nói rõ hơn. Còn hai cháu đây là người nhà. - Diệm ôn tồn nói với linh mục Hoàng.

- Ý của tôi tóm tắt như thế này: Một, tiếp tục phong tỏa chùa Từ Đàm ở Huế cho đến khi nào bọn chúng chịu đói không nổi, phải bò ra xin cơm thì ta mới tha tội. Hai, phong tỏa tất cả các chùa ở đô thành và các tỉnh nếu có các cuộc tập họp, Tổng thống quên rằng Quốc hội đã ủy quyền cho Tổng thống ban bố tình trạng khẩn trương trong cả nước hay sao? Ra liền một sắc lệnh giới nghiêm từng khu vực… Ba, tống xuất tất cả bọn nhà báo nước ngoài, đóng cửa các tờ báo trong nước đưa tin và ủng hộ Phật giáo. Bốn, cho phép tôi thành lập ngay một mặt trận cứu nguy đất nước, tổ chức những cuộc biểu dương lực lượng lớn, tràn ngập thành phố. Chúng nó muốn “so găng” thì chúng ta cho chúng nó biết: Trên võ đài, hạng “ruồi”, hạng “giấy” không thể nào địch nổi với hạng “nặng”. Tổng thống nên nhớ, lực lượng quy tụ chung quanh tôi không chỉ “nặng” mà còn “siêu nặng”! Tôi cam đoan trong vọng một tuần lễ sẽ dẹp đám giặc chòm này.

Linh mục Hoàng nói rất hùng hồn, Diệm lặng lẽ nghe, đôi lúc kín đáo nhếch mép cười… Dung và Luân ngồi yên. “Ông ta vừa nhớ thời vàng son tổng chỉ huy dân binh ở đồng bằng Bắc Việt, thay cho các câu giảng đạo bằng các tràng liên thanh, vừa có vẻ một bốcxơ quá tự tin ở độ nặng của thân xác mình. Vào năm này mà ông ta đòi “so găng” với Phật giáo thì thật quái lạ”. Luân theo dõi cuộc nói chuyện qua đó, anh thấy cái viễn tưởng hỗn độn của chế độ Diệm.

- Chúng nói không dấy lên chuyện treo cờ treo quạt thì chúng ta cũng phải ra tay, huống chi chính chúng nó eo sèo. Cơ hội quá tốt để dẹp bớt chùa chiền sư vãi. Tổng thống có biết từ năm 1954 tới nay trong vòng 9 năm, ở Việt Nam Cộng hòa xây mới và sửa chữa bao nhiêu chùa không? 4.766 cái, trong đó có 1275 cái mới tinh! Tổng thống có biết hiện giờ cả nước có bao nhiêu sư vãi không? Gần hai trăm nghìn. Thế mà chính phủ cứ trơ mắt ra nhìn. Hẳn Tổng thống từng nghe chuyện sư hổ mang? Tôi có đọc một chuyện nói về Nguyễn Kim Muôn ở Gia Định hồi thời Pháp. Sư mà ăn thịt chó, sư mà có hàng chục vợ…

Càng nói, linh mục Hoàng càng hăng. Luân cố kềm để khỏi bật cười. Ông ta quên phức những chuyện của chính ông ta, lại xứ đạo Bình An - có lẽ còn cao hơn sư Muôn nhiều lần.

Linh mục Hoàng mở chiếc cặp, rút ra một tập sách in ronéo.

- Tôi công bằng lắm! Trị bọn thầy chùa đồng thời cũng phải trị nội bộ giới linh mục tu sĩ chúng ta. Ai cho phép bọn này phổ biến những tài liệu chống đối đạo quá nguy hiểm như thế!

Diệm liếc qua tựa tập sách, im lặng. Luân cầm tập sách lên. Đó là các tài liệu trù bị của Công đồng Vatican 2, sẽ do Giáo hoàng Jean XXIII chủ trì, gồm 2.500 Hồng y và Giám mục của 85 nước.

Giới báo chí quốc tế gọi Công đồng Vatican 2 là “bước ngoặc của giáo hội Thiên chúa trong kỷ nguyên con người lên vũ trụ”. Tập sách chỉ in mấy phần liên quan đến lễ khai mạc ngày 11-11-1962 và chương trình mà đại hội sẽ bàn bạc. Tập sách do một số linh mục thuộc giáo phận Sài Gòn xuất bản.

- Cấm lưu hành những thứ tà thuyết này! - Linh mục Hoàng gầm gừ.

- Nhưng, đây là Công đồng do Giáo chủ triệu tập! - Diệm can thiệp, rõ ràng Tổng thống không bằng lòng để cho vị linh mục vượt quá giới hạn, va chạm đến đấng chủ chăn của đạo Thiên chúa.

Linh mục Hoàng vẫn tỉnh bơ:

- Tôi đã trực tiếp phản đối Đức giám mục Nguyễn Văn Bình về thông cáo của Tòa giám mục nhắc giáo dân treo cờ tòa thánh trong nhà thờ. Tại sao vậy? Tại sao phải nhượng bộ? Tôi nghĩ là Tổng thống nên có ý kiến với Đức giám mục. Chúng ta không sợ một cuộc thánh chiến! Còn Công đồng Vatican 2… hừ!

Linh mục Hoàng nhún vai.

- Thưa Cha, chính phủ và cá nhân con sẽ cứu xét các ý kiến của Cha. Tuy nhiên, mong Cha hiểu cho hoàn cảnh tế nhị hiện thời của chính phủ - Diệm nói rất khiêm nhường.

- Bào đệ của Tổng thống từng lăng nhục tôi. - Linh mục Hoàng mím môi - Tới những lúc như thế này thì các người mới sáng mắt ra nên dựa vào ai…

Nói xong, linh mục Hoàng đứng phắt dậy chào Diệm, xách cặp ra khỏi phòng, không thèm ngó đến Luân và Dung.

- Khó khăn quá! - Diệm than thở - Cháu đọc cái này!

Diệm lại bàn viết, lấy hai tờ giấy đánh máy trao cho Luân. Đó là hai điện mật.

Bức điện thứ nhất:

“Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ vừa mời tôi đến Bộ ngoại giao, chính thức cho biết Tổng thống Mỹ theo dõi với tất cả lo lắng sự kiện Huế và hy vọng chính phủ Việt Nam dàn xếp êm đẹp các tranh chấp kiểu đó để tập trung sức cho công cuộc chống Cộng. Tuy không có công hàm, tôi cho rằng đó là một lời phản kháng cần lưu ý. Ký tên: Trần Văn Chương Washington, 18-5-1963”.

Bức điện thứ hai:

“Giới ngoại giao ở Liên hiệp quốc, qua các tin báo chí đang xôn xao về vụ Phật giáo Huế. Những người từ trước vẫn có thiện cảm với Việt Nam Cộng hòa cũng đòi được giải thích. Đề nghị ở nhà cung cấp ngay một tài liệu, dưới dạng thơ luân lưu càng hay, để đại diện của ta phân phát cho các đại biểu và giành chủ động đối với các đại biểu Cộng sản và thân Cộng. Ký tên: Bà Trần Văn Chương, New York, 17-5-1963”.

Luân mang hai bức điện đặt lên bàn của Diệm.

- Khó khăn quá! - Diệm nhắc lại - Chú Cẩn lại không đồng ý tống giam Đặng Sỹ…

Luân, lần đầu, thấy sự thống nhất giữa Cẩn và Lệ Xuân, sự thống nhất chung quanh bảo vệ một kẻ giết người!

- Thằng đó dại dột quá! - Diệm tặc lưỡi.

Luân hiểu Đặng Sỹ - anh nhớ lần ra Huế dự lễ thượng thọ vợ Ngô Đình Khả, chính Đặng Sỹ đón và đưa anh từ Phú Bài về nhà. Trên xe, Đặng Sỹ đã nói nhiều lời về đạo Phật, về các ngôi chùa. Anh ta dại dột thật, nhưng dại dột có chủ đích…

- Hai cháu nhớ gọi điện cho Đức Cha… Ngài nhắc hai cháu luôn! - Diệm dặn vợ chồng Luân. Hai người kiếu từ Tổng thống. Diệm tiếp tục ngồi trên chiếc ghế bành. Văn phòng quá rộng và Diệm trở nên trơ trọi…

Luân và Dung về đến nhà thì chị Sáu, trong lúc dọn dẹp cơm, đưa cho hai người xem một thông tư in ronéo đóng mộc mang tên Tổng trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam. Tờ thông tư nói rõ: vì một lý do riêng, lễ cầu siêu các Phật tử tử vì đạo ở Huế phải hoãn, không chùa nào được hành động trước khi có lệnh mới.

Đọc qua tờ thông tư, Luân thấy ngờ ngợ. Hai vợ chồng ngồi vào bàn - bữa cơm đầu tiên trên quê nhà mà chị Sáu sửa soạn thật kỹ - Luân vẫn không rời tờ thông tư.

- Người ta nói tờ thông tư này là giả! - chị Sáu vừa bày thức ăn vừa nói.

- Ai nói? - Luân hỏi.

- Thầy Quảng Liên nói ở chùa Xá Lợi…

- Chắc là “sáng kiến” của ông Tạo, ông Hiếu… - Luân bảo Dung - Họ chống đỡ và chống đỡ bằng tiểu xảo…

- Cũng có thể một rạn nứt ngay trong Phật giáo, vào lúc bắt đầu.

- Có lý! Để xem… - Luân đồng tình với vợ.

Buổi chiều, Luân đến dinh Gia Long chào trung tướng Dương Văn Minh, cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống.

Luân và trung tướng biết nhau khá lâu nhưng chưa bao giờ hai người nói chuyện riêng.

Vào đến giữa phòng làm việc - Dương Văn Minh đang ngồi sau bàn viết, xem một hồ sơ hay báo cáo gì đó - Luân chập gót chân, đưa tay lên vành kêpi:

- Trình trung tướng, tôi, đại tá Nguyễn Thành Luân có mặt!

Trung tướng Minh đứng lên hơi vội vàng.

- Chào đại tá! - Ông bắt tay Luân - Ngồi! Ngồi!

Ông mời Luân và chọn chiếc ghế đối diện.

- Tại sao đại tá không nghỉ ngơi vài hôm? Nghe tin đại tá muốn gặp tôi, tôi đã dặn anh em văn phòng cứ để đại tá thong thả… - Minh nói ôn tồn.

- Đã gặp ông cụ với ông cố vấn rồi hả? - Minh hỏi.

- Thưa, đã gặp…

- Bà đại tá khoẻ không?

- Cám ơn trung tướng, nhà tôi bình thường.

- Khóa nghiên cứu kết quả không?

- Thưa, cũng thêm được nhiều hiểu biết mới.

- Đại tá Quang đã làm việc với đại tá chưa?

- Thưa, tôi gặp đại tá ngoài sân bay…

- À, tôi quên ông Quang đón đại tá…

Câu chuyện mở đầu theo lối “vấn đáp” cộc lốc như vậy. Luân thừa hiểu tướng Minh không ưa Luân, kẻ như con cháu nhà Tổng thống. Có thể nói ông đề phòng Luân. “Ông ta coi mình như một Cần Lao gộc, bộ hạ thân tín của Diệm. Hơn nữa, hạng “sớm đầu tối đánh”, vì mình từ chiến khu về. Trong hàng các tướng lĩnh của Diệm, Luân để ý đến Dương Văn Minh. Ông ta có phần nào tự phân biệt với các sĩ quan cao cấp khác ở cái mà đám bộ thuộc coi ông như một thứ Mạnh Thường Quân. Người ta thường nhắc đến ông về mặt nhân cách hơn là tài năng. Luân giao thiệp với tướng Minh đều đặn khi ông phụ trách Bộ tư lệnh hành quân và Luân tìm thấy ở ông còn sót lại những nét chất phác nhất định mà những đồng cấp của ông đánh mất từ lâu. Ông không mang tai tiếng về rượu, về gái nhất là về buôn lậu. Ông lại kém khoa ăn nói, phần nào hơi hệch hạc.

Ngồi trước mặt Luân là một trung tướng 47 tuổi, cắt tóc ngắn, thân hình vạm vỡ. Giá như đây không là cuộc yết kiến của một sĩ quan trong Tham mưu biệt bộ Phủ tổng thống với vị tướng cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống mà là cuộc trao đổi về quần vợt thì chắc sẽ sôi nổi - tướng Minh vốn là một cây vợt có hạng trên sân C.S.S (5). Luân để ý đến tướng Minh còn vì một lý do khác: Hồ sơ của bác sỹ Trần Kim Tuyến chứa nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa tướng Minh với “phía bên kia”. Dĩ nhiên bác sĩ Tuyến có thói quen thổi phồng những mối liên hệ ấy: Kỳ thật, trong giòng họ của ông Minh có một số đi kháng chiến, kể cả đứa em ruột của ông nay là một sĩ quan Bắc Việt. Ngoài ra không còn cái gì khác. Rất dễ hiểu, con đường thăng quan tiến chức của tướng Minh khá chậm. Ông nổi tiếng trong chiến dịch Hoàng Diệu cuối năm 1955, truy kích tàn quân Bình Xuyên ở Rừng Sác sau khi Trịnh Minh Thế chết. Bấy giờ ông mang hàm đại tá và trợ lý cho ông là trung tá Nguyễn Khánh. Đầu năm 1956, Diệm sai ông bình định miền Tây với chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ và ông đeo lon thiếu tướng, cũng vẫn do Nguyễn Khánh - hàm đại tá - trợ lý. Trong 4 tháng, chiến dịch kết thúc, ông được coi là người có công phủ dụ Năm Lửa và Ba Cụt về với Diệm. Tháng 8 năm đó, ông được bổ làm Tổng thư ký trường trực Bộ quốc phòng, kiêm chỉ huy Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, kiêm luôn chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, kế tiếp chiến dịch Nguyễn Huệ và song song với chiến dịch Trương Tấn Bửu ở miền Đông do Mai Hữu Xuân chỉ huy. Trong quân đội, người ta chờ ông lên trung tướng. Tháng 12-1956, danh sách thăng chức được công bố. Trung tướng Lê Văn Tỵ thăng đại tướng, các thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh - còn gọi là Minh nhỏ - thăng trung tướng, đại tá Thái Quang Hoàng thăng thiếu tướng. Không có tên Dương Văn Minh. Những người thông thạo thời cuộc cho rằng ông bị thất sủng, có thể vì ông không tán thành cách xử sự đối với tướng Hòa Hảo Ba Cụt: Ngô Đình Diệm cho Nguyễn Ngọc Thơ chiêu hàng Ba Cụt lần nữa; tin vào lời hứa hẹn Nguyễn Ngọc Thơ, Ba Cụt đến điểm hẹn: quân đội Diệm phục kích bắt sống Ba Cụt, kết án tử hình và hành quyết ông ta. Cũng có thể tướng Minh xuất thân từ trường võ bị Pháp, và không tỏ ra mặn mà lắm với việc nghiên cứu kiến thức quân sự Mỹ. Gần như ông ẩn cư trong Bộ quốc phòng - người thay chức Tổng thư ký của ông là bác sĩ Trần Quang Diệu, chẳng liên can gì đến nghề binh. Sau đó ông được thuyên chuyển về Bộ tổng tham mưu, đứng đầu Bộ tư lệnh hành quân một lúc. Gọi là chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh hành quân nhưng trong tay chẳng có quân. Ông dùng thì giờ đọc sách, đánh banh và chơi phong lan. Cũng có dư luận cho rằng sở dĩ Diệm mời ông làm cố vấn quân sự đặc biệt là do vấn đề Phật giáo mỗi lúc mỗi quan trọng về mặt chính trị mà ông là một Phật tử.

- Thưa trung tướng, tôi vắng nhà hơi lâu, muốn được trung tướng cho một vài nhận định bao quát về tình hình quân sự trong nước. - Nguyễn Thành Luân lái câu chuyện sang phần nghề nghiệp.

Tướng Minh cười. Cái cười phô bày những điều ông không hài lòng:

- Tiếng là cố vấn quân sự cho Tổng thống, tôi được thông tin không đầy đủ. Bộ Tổng tham mưu báo cáo tin chiến sự về cho Phủ tổng thống, ông Nhu là người tiếp xúc với toàn bộ tin tức ấy, và tôi chỉ được trao cho những phần ít quan trọng hơn hết.

Tôi có thể không cần đọc những báo cáo đó mà nghe thông cáo chiến sự trên đài phát thanh, hai cái không khác nhau mấy. Mỗi ngày, tôi phải vào đấy vì không lẽ không vào. Tổng thống cũng ít hỏi ý kiến tôi. Đại tá Đặng Văn Quang còn bận rộn hơn tôi và khi đại tá về, chắc chắn trong nhóm sĩ quan kề cận Tổng thống, đại tá là người bận rộn nhất! Tôi nghĩ là ông Nhu đã cho đại tá biết những điều cần biết, những điều tôi không được quyền biết!

Luân rơi vào tình thế khó xử. Hẳn là tướng Minh đã nói rất thật.

- Thưa trung tướng, nếu quả cách làm việc ở Phủ tổng thống là như vậy, tôi cũng không bằng lòng. Một cố vấn quân sự của Tổng thống phải được giao trách nhiệm và chịu trách nhiệm về những vấn đề ảnh hưởng đến cục diện chung.

- Nghị định bổ tôi làm cố vấn ghi khá đầy đủ những trách nhiệm mà đại tá nhắc. Nhưng đó chỉ là một tờ nghị định. Còn tôi, một thứ cây kiểng…

- Thưa trung tướng, tôi sẽ đạo đạt lên Tổng thống và sẽ trao đổi với ông cố vấn Ngô Đình Nhu về việc này. Tôi chỉ mong trung tướng xem tôi là một sĩ quan cấp tá trong Tham mưu biệt bộ, một sĩ quan dưới quyền của trung tướng.

Tướng Minh lại cười, lần này thì chua chát hơn.

- Khó mà phân ranh giữa công và tư ở đây, hiện thời. Phải chi người ta rành rẽ trong việc phân ranh, tình hình đâu có loạn xạ. Tôi là một quân nhân, tôi thích mọi cái rõ ràng. Chính trị can thiệp vào quân sự. Chính trị và quân sự lại bị kinh tế can thiệp. Quốc gia và gia đình lộn xộn. Bây giờ tới phiên đạo này đạo kia chỏi nhau. Anh em chiến sĩ chịu đựng hy sinh mà cấp trên vùi đầu vào những tranh giành, những chia xẻ kỳ cục, thì làm sao chống Cộng nổi. Mỹ họ dòm ngó nước mình dữ lắm. Tôi sợ tới một lúc nào đó, đại tướng Tỵ, tôi, đại tá, thậm chí Tổng thống sẽ trở thành con rối trong tay họ… - Tướng Minh đang từ từ hé cái phần u uẩn bên trong của ông. Luân lặng lẽ nghe.

- Quân sĩ là để đánh giặc, súng đạn là để bắn giặc chứ không phải để hạ cờ đạo Phật, để bắn vào Phật tử…Xe tăng, đại tá nhớ cho, xe tăng - tướng Minh gằn giọng - lại cán người chỉ vì người đó muốn treo lá cờ đạo. Tôi không thể hiểu vì sao các ông lớn lại bận tâm lá cờ đạo Phật đến như vậy.

- Thưa trung tướng, tôi bắt đầu tìm hiểu các sự kiện ở Huế và cũng thắc mắc như trung tướng.

- Ông thắc mắc thật không? - Tướng Minh soi mói nhìn Luân và có lẽ, vẻ mặt trầm ngâm của Luân bảo đảm được cái thắc mắc thật sự của anh.

- Bây giờ chính đại tá phải trả lời cho tôi: Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu muốn đi tới đâu? Ông hãy lấy tư cách là người của gia đình Tổng thống mà trả lời. Tôi muốn hỏi: Cần bao nhiêu nhà chùa bị bao vây nữa? Cần bao nhiêu Phật tử chết nữa? Nói thật, nếu tôi là Việt Cộng, tôi đánh rốc, chúng ta không có đất mà chôn. Tại sao Tổng thống lại biến những người hiền lành thành hung dữ? Giáo sư Fishell vừa hỏi tôi sáng nay câu đó mà tôi không trả lời được. - Tướng Minh ngưng nói, thở nặng nhọc.

“Thế là đã rõ!” - Luân suy nghĩ – “CIA đang chơi trò vừa nhen lửa vừa đổ dầu vừa gọi gió”.

- Đại tá biết giáo sư Fishell chứ?

- Thưa trung tướng, biết. Giáo sư là cố vấn cho các viện đại học của chúng ta. - Luân trả lời để thăm dò hiểu biết của tướng Minh về tên trùm CIA này.

- Phải rồi! Một học giả uyên bác, thấu đáo với các vấn đề Phương Đông. Ông ta quen Tổng thống từ thuở Tổng thống còn ở tu viện Maryland, tận tình đưa Tổng thống về nước, tận tình phò tá Tổng thống. Theo Fishell, đạo Phật ở Việt Nam có lịch sử dài lâu hơn đạo Thiên chúa. Đối với dân Việt Nam, đạo Phật không phải chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà là một thói quen văn hóa. Ông ấy giới thiệu với tôi các sách nghiên cứu về đạo Phật. Phải nói là ông ấy giúp tôi rất nhiều. Chắc đại tá biết, tôi xuất thân từ tú tài đôi toán học, ít đọc các loại sách khác ngoài sách toán. Ông Fishell đã bổ túc cho tôi…

Tướng Minh không thể nghe được tiếng thở dài rất nhẹ của Luân. “Một con cá cắn câu và tay phù thủy Fishell đã thôi miên được viên tướng ngờ nghệch này. Fishell định dùng viên tướng này vào việc gì đây?”. Trong nhất thời, Luân chưa tìm ra đáp số.

- Thưa trung tướng, tôi nghĩ rằng Tổng thống muốn chống Cộng. - Luân trả lời chung chung.

- Tự nhiên là như vậy, không ai không thấy, nhưng tới ba bảy đường chống Cộng. Ông Nerhu, ông Unu, ông Phouma, ông Sihanouk không chống Cộng sao?

Qua câu nói, tướng Minh đã cho Luân một vài cơ sở đánh giá xu hướng chính trị, hoặc ít ra, mơ ước vừa manh nha của ông.

Luân từ giã tướng Minh đúng quân phong quân kỷ. Tướng Minh có vẻ hài lòng tiễn Luân ra khỏi phòng.

“Giữa tướng Minh và Mai Hữu Xuân có quan hệ gì không?”

Luân tiếc là chưa chủ ý tìm hiểu khía cạnh quan trọng đó trong cuộc trao đổi vừa rồi.

Bữa cơm chiều trong dinh Gia Long không được vui. Tuy gọi rằng đó là bữa cơm đón tiếp vợ chồng Luân nhưng câu chuyện lại xoáy quanh những sự kiện dồn dập xảy ra trong ngày. Đức Giám mục - vừa từ Huế bay vào - cho biết vòng vây chùa Từ Đàm vẫn thắt chặt nhưng Phật tử bên ngoài vẫn liều mạng xông vào tiếp tế. Các chùa khác ở Huế đều tiếp tục cầu siêu. Nhu cho biết ở đô thành, tất cả các chùa thuộc các môn phái khác nhau đều cầu siêu, trừ một nhóm thuộc phái Cổ Sơn Môn. Tình hình các tỉnh cũng tương tự. Những nhóm Cổ Sơn Môn, thường gọi là thầy cúng, không có ảnh hưởng trong giới Phật giáo.

Cuối bữa ăn, Nhu có báo ngày 15 Tổng thống sẽ gặp một phái đoàn Phật giáo.

- Gặp phái đoàn Phật giáo? - Trần Lệ Xuân không giấu nổi kinh dị.

- Phải gặp! Dư luận xôn xao lắm… - Nhu trả lời.

- Đã thế, tại sao anh không bắt Tổng thống đến chùa Xá Lợi hay chùa Ấn Quang dâng hương niệm Phật! - Trần Lệ Xuân xô ghế, rời bàn ăn, bỏ ra ngoài. Bữa cơm giải tán trong không khí nặng nề.

Về nhà, Luân đi lại suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài hàng hiên. Anh tổng hợp các dữ kiện và cố gắng tìm xem mối liên hệ lục giác phát triển đến đâu: CIA - Phật giáo - Quân đội Sài Gòn - Phòng Nhì Pháp - các phe phái chống Diệm - phần tử yêu nước Phật tử.

°

Thông báo của Phủ Tổng thống:

Thứ tư 15-5-1963 từ 10 giờ 30 đến 13 giờ, tại dinh Gia Long, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tiếp một phái đoàn Phật giáo gồm các vị:

Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo hội tăng già toàn quốc.

Thượng tọa Thích Tâm Châu, Phó hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt.

Đại đức Lâm Em, Phật giáo phái Théravada (người Việt gốc Miên)

Đại đức Phát Tri, Phó tăng thống Phật giáo nguyên thủy Việt Nam

Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Phó trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt.

Cụ Vũ Bảo Vinh, Hội Phật học Bắc Việt.

Cùng dự buổi tiếp kiến với Tổng thống có ông Bộ trưởng Bộ nội vụ Bùi Văn Lương và ông Bộ trưởng Bộ công dân vụ Ngô Trọng Hiếu.

Phái đoàn đã trình lên Tổng thống 7 nguyện vọng. Tổng thống đã cứu xét từng nguyện vọng và đã giải quyết thỏa đáng. Cuộc tiếp xúc kết thúc trong tinh thần hiểu biết và thân ái.

Tường thuật cuộc họp báo của phái đoàn Phật giáo:

Sài Gòn (Tin riêng của báo Lẽ Sống)

Chiều hôm qua, 16-5, tại chùa Xá Lợi, phái đoàn đại diện Phật giáo sau khi tiếp kiến Tổng thống đã mở cuộc họp báo. Ngoài các vị trong phái đoàn, có thêm nhiều thượng toạ, đại đức, các đại diện báo chí trong và ngoài nước và đông đảo Phật tử. Sau khi ngỏ lời chào thường lệ, thượng tọa Thích Thiện Hoa, phát ngôn viên của phái đoàn, trình bày như sau:

- Phái đoàn của chúng tôi gồm có 5 đại đức và 2 cư sĩ. Trong số 5 nhà sư, 4 thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam, phái Đại thừa, một thuộc phái Nguyên thủy người Việt và một thuộc phái Théravada người Việt gốc Miên.

Thành phần ấy chỉ rằng tuy chia nhiều môn phái, chỉ có một Phật giáo ở Việt Nam và trong mọi trường hợp, tất cả các môn phái ấy đều đoàn kết chặt chẽ trong tinh thần cũng như trong hành động.

Do ông Bộ trưởng Công dân vụ hướng dẫn, chúng tôi được Tổng thống tiếp hồi 10 giờ 45, tại dinh Gia Long, trước sự hiện diện của ông Bộ trưởng Bộ nội vụ.

Sau khi kính chào Tổng thống, chúng tôi có trình một bản nguyện vọng, gồm 5 điểm chính và 2 điểm phụ, ghi rõ trong một tuyên ngôn do vị lãnh đạo tối cao Phật giáo Việt Nam (Hòa thượng Thích Tịnh Khiết) và các Đại đức, Chủ tịch Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Trung phần ký tên ngày 10-5-1963. Năm điểm chính ấy là:

1. Bãi lệnh cấm treo cờ Phật giáo.

2. Cho Phật giáo hưởng một chế độ ngang hàng với các Hội Truyền giáo Thiên Chúa.

3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo hiện nay ở Huế.

4. Cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Đền bồi cho gia đình nạn nhân và nghiêm trị những người có trách nhiệm trong vụ đổ máu.

Hai điểm phụ do phái đoàn chúng tôi thêm vào là:

- Chính phủ bảo đảm an ninh cho phái đoàn độ 20 người (tăng già và cư sĩ) ra thăm Phật giáo Huế và an ủi vác gia đình nạn nhân.

- Ra lệnh các cấp quân chính đừng làm điều gì trở ngại những buổi lễ cầu siêu cho vong linh nạn nhân ở khắp các chùa toàn quốc.

Sau đây là những giải quyết của Tổng thống:

1. Bãi lệnh treo cờ:

Tổng thống báo sở dĩ có lệnh cấm treo giáo kỳ ngoài vòng trụ sở của mỗi tôn giáo là vì chính Tổng thống đã nhận thấy bên Phật giáo cũng như bên Công giáo, việc sử dụng lá cờ đạo quá bừa bãi và không có tinh thần tôn trọng màu cờ quốc gia. Để tránh những hiểu lầm ở cấp thừa hành, Tổng thống đưa ra một thể thức ấn định sự sử dụng cờ Phật giáo như sau trong các ngày lễ Phật giáo:

a) Tại chùa hay trụ sở hành lễ: Ngoài đường treo cờ quốc gia. Trong phạm vi chùa hay trụ sở, nếu có treo đại kỳ thời trên lá cờ quốc gia, dưới là cờ Phật giáo nhỏ hơn. Từ ngoài cổng chùa hay trụ sở trở vô được treo cờ Phật giáo xen với cờ quốc gia.

b) Tại đài làm lễ lộ thiên: Cũng một nguyên tắc, nghĩa là ngoài phạm vi lễ đài và ngoài đường thời treo cờ quốc gia. Phía trong treo cờ Phật giáo xen với cờ quốc gia.

c) Đám rước: Đại kỳ quốc gia đi trước, đại kỳ Phật giáo đi sau ở đầu đám rước. Ngoài ra, tuyệt nhiên không có một lá cờ nào khác.

d) Tại tư gia Phật tử: Được treo cờ Phật giáo trước bàn thờ

2. Cho Phật giáo hưởng một chế độ ngang hàng với các Hội truyền giáo Thiên chúa:

Phái đoàn trình rằng, Dụ số 10 quy định các hiệp hội (associations) đã đặt các Hội truyền giáo Thiên chúa ra ngoài thể lệ ghi trong các Dụ ấy và có dự rằng sẽ có một quy chế riêng cho các Hội truyền giáo nói trên. Nhưng trên 10 năm rồi, chưa thấy ban hành quy chế riêng ấy.

Tuy nhiên, Công giáo tiếp tục được hưởng những quyền tự do do những ký kết với chính phủ Pháp xưa lưu lại, còn Phật giáo thời được xem như những hiệp hội ngoài đời và mọi hoạt động đều bị gò bó trong những thể lệ của Dụ số 10.

Tổng thống đáp: Đây là một vấn đề hành chính chuyên môn cần phải nghiên cứu.

Phái đoàn lưu ý Tổng thống về điểm Nha trước bạ bắt buộc Hội Phật giáo muốn mua đất xây cất cơ sở, phải có phép trước của Tổng thống. Sự bắt buộc ấy, nếu áp dụng cho các hội truyền giáo ngoại quốc, thời hiểu được, còn áp dụng cho các tổ chức Phật giáo trong nước thời không có lý do. Tổng thống bảo có lẽ có sự hiểu lầm, vậy phải trình cho Tổng thống biết chẳng những trong việc này mà trong tất cả các việc khác nếu Phật giáo thấy có sự sai lầm.

3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo hiện nay ở Huế:

Tổng thống đáp: Chính quyền có phận sự giữ gìn an ninh trật tự. Nếu chấm dứt bắt bớ thời kẻ tạo loạn thừa cơ mới làm sao? Ông Bộ trưởng Nội vụ quả quyết không có nhà sư nào bị bắt, còn những kẻ bị bắt là những hạng lưu manh phá rối. Ông Bộ trưởng Công dân vụ lớn tiếng phản kháng câu “Khủng bố tín đồ Phật giáo”

Đáp câu hỏi của phái đoàn, ông Bộ trưởng cho biết chưa tìm ra thủ phạm ném plastic, nhưng theo cuộc điều tra thì có lẽ Việt Cộng.

Phái đoàn hỏi: Ông Bộ trưởng đã nói là công chúng bất thình lình kéo nhau đến đài vô tuyến nghe phát thanh chứ không có ý biểu tình. Như vậy thời làm sao kẻ phá rối biết mà đem plastic đến liệng, vì hành vi này bao giờ cũng có sự chuẩn bị trước, sau khi biết rõ là có sự tụ họp.

Ông Bộ trưởng đáp: Kẻ phiến loạn có lẽ đã len lỏi vào hàng ngũ Phật giáo từ sáng, khi đám rước Phật biến thành cuộc biểu tình.

4. Cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo:

Tổng thống cho biết quyền tự do tín ngưỡng đã ghi trong Hiến pháp và riêng Tổng thống không bao giờ có ý thiên vị một tôn giáo nào. Bằng cớ là chính phủ đã để cho Phật giáo tự do tổ chức tín đồ từ thành thị đến thôn quê và thực hiện nhiều cơ sở tốt đẹp.

Phái đoàn trình có nhiều sự áp bức khó dễ cấp thừa hành với dụng ý chận nghẹt sự sinh hoạt hàng ngày của Phật giáo.

Tổng thống bảo nếu có những sự kiện như thế, thời trình nhà chức trách cấp cao hơn xét xử.

Phái đoàn cho rằng có nhiều việc đã trình ngay Tổng thống mà chưa được giải quyết, thí dụ như gần đây việc xin nhập cảnh phim “Sakya”. Trong lúc Phật giáo chờ sự giải quyết của Tổng thống thì Bộ Kinh tế cho phép nhập tạm.

Tổng thống, cũng như ông Bộ trưởng nội vụ và công dân vụ quả quyết rằng việc nhập tạm là một thủ tục hành chính không liên can gì đến sự quyết định đã có rồi của chính phủ là phim Sakya sẽ bị cấm chiếu trên toàn quốc.

5. Đền bồi cho các gia đình nạn nhân và nghiêm trị những người có trách nhiệm trong cuộc đổ máu:

Tổng thống cũng như ông Bộ trưởng nội vụ cho biết trong số nạn nhân có người Công giáo, có người không phải là Phật giáo, con em của cảnh binh và nhân viên. Toà đại biểu chính phủ đã nghĩ đến việc trợ cấp cho tất cả. Còn việc nghiêm trị thời cuộc điều tra đang tiếp tục.

- Bảo đảm an ninh cho một phái đoàn ra Huế:

Sau khi cân nhắc hiệu quả trong việc bảo vệ trật tự công cộng nhân một phái đoàn ra Huế, Tổng thống giao cho ông Bộ trưởng Công dân vụ phối hợp với Bộ Nội vụ liên lạc với nhà chức trách ở Huế để thương lượng với các cấp lãnh đạo tại chỗ hầu tránh mọi sự giao động khi phái đoàn trong Nam ra thăm.

Ngày giờ khởi hành, tùy từng phái đoàn và sẽ gồm ba tăng và ba cư sĩ.

- Ra lệnh đừng làm trở ngại các lễ cầu siêu trên toàn quốc:

Tổng thống có ý kiến nên tổ chức trong chùa và đừng tụ họp quá đông. Ông Bộ trưởng Công dân vụ đề nghị đợt tới, rằm tháng 7 làm long trọng cho toàn thể chúng sinh.

Trên đây là ý kiến hoặc quyết định của Tổng thống. Phái đoàn chúng tôi sẽ trình lại cho các Ban trị sự Phật giáo toàn quốc biết và lấy quyết định chung.

Sau khi thượng tọa Thích Thiện Hoa thông báo kết quả cuộc họp với Tổng thống, một cư sĩ không xưng tên đã đứng lên tả lại cảnh tượng ở chùa Từ Đàm và ở Đài phát thanh Huế. Theo cư sĩ này, chính quyền đã cố ý dùng vũ lực cấm ngày Phật đản và không ngại cả sự chém giết. Hiện nay, chùa Từ Đàm bị phong tỏa, nhiều tăng ni và Phật tử kiệt sức. Ông báo động với dư luận trong và ngoài nước. Giữa lúc cư sĩ đang nói, nhiều người mặc thường phục nhưng lưng lại đeo súng, chen lên gần bục gỗ. Một số thanh niên Phật tử lập ra hàng rào bảo vệ. Đáng lẽ còn có mục hỏi của nhà báo và trả lời của phái đoàn song còi cảnh sát đã rú liên hồi. Cả chùa báo động, sợ bị phong tỏa như chùa Từ Đàm, nên mọi người kéo nhau ra đường. Ở các ngã dẫn đến chùa Xá Lợi, cảnh sát dã chiến đã dàn hàng, sửa soạn tấn công. Số hiếu động trong Phật tử cũng tìm gậy, đá, sẵn sàng nghinh chiến.

Không rõ do một lịnh từ đâu, cảnh sát dã chiến tự nhiên rút êm… Nhưng cuộc họp báo cũng bất thành.

THÔNG CÁO CHUNG VIỆT - MỸ

Sau một thời gian nghiên cứu, chính phủ Mỹ thỏa thuận tăng gia việc trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngỏ hầu thực hiện chương trình ấp chiến lược mà tổng chi phí lên đến trên 2 tỷ đồng. Ngay lập tức, chính phủ Mỹ góp thêm 55 triệu Mỹ kim tính bằng nông phẩm, phân bón, kẽm gai, xi măng, vũ khí dùng cho dân vệ.

Sài Gòn, ngày 17 tháng 5 năm 1963.

Ký thay chính phủ Mỹ:

Đại sứ Nolting

Ký thay chính phủ Việt Nam Cộng hòa

Bộ trưởng Bộ ngoại giao: Vũ Văn Mẫu

THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA TÒA BẠCH ỐC

Ngày 25-5-1963, Tổng thống Mỹ Kennedy đã cho báo chí biết rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa yêu cầu; một ngày sau khi có yêu cầu đó, quân đội Mỹ sẽ lần lượt về nước. Tổng thống hy vọng tình thế Việt Nam cho phép, vào cuối năm nay, quân đội Mỹ đã có thể rời Việt Nam.

THÔNG TRI CỦA VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG

Do có nhiều tin tức xuyên tạc cố ý, Văn phòng Tổng thống nhắc lại với công chúng: chính phủ không hề chủ trương kỳ thị tôn giáo, vẫn tôn trọng tự do tín ngưỡng…

THÔNG BÁO CỦA GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NAM VIỆT

Để tưởng nhớ các Phật tử tử nạn ở Huế, các tăng ni và Phật tử chùa Ấn Quang và Xá Lợi quyết định tuyệt thực 48 giờ, kể từ ngày 30-5-1963.

THÔNG CÁO CỦA NHA CẢNH SÁT ĐÔ THÀNH

Từ 14 giờ 30 đến 18 giờ hôm nay, 30-5, một số tăng ni biểu tình trước trụ sở Quốc hội. Để bảo vệ an ninh trật tự, cảnh sát được lệnh giải tán. Vài cuộc xô xát do hiểu lầm xảy ra. Không ai bị thương.

THÔNG BÁO KHẨN CỦA PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO

Một số tăng ni đến Quốc hội yêu cầu thực hiện những điều Tổng thống hứa, đã bị cảnh sát đàn áp bằng lựu đạn cay và dùi cui. Nhiều tăng ni bị thương nặng.

Chùa Từ Đàm (Huế) đang nguy ngập: chính quyền đã cắt điện, nước một tuần lễ nay.

Ngày 3 và 4 tháng 6, Phật tử Huế lại bị cảnh sát đàn áp.

THÔNG CÁO CỦA PHỦ TỔNG THỐNG

Theo chỉ thị của Tổng thống, một Ủy ban liên bộ gồm Bộ trưởng Bộ nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần do Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu, đã thành lập để cùng phía Phật giáo giải quyết các khó khăn phát sinh từ một tháng nay.

Phần Phật giáo, một Ủy ban liên phái đã thành lập, gồm các thượng tọa Thích Thiện Minh, Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Đức Nghiệp do thượng tọa Thích Tâm Châu đứng đầu.

Phiên làm việc đầu tiên giữa hai Ủy ban ấn định vào ngày 5-6-1963.

Điện tín của Bộ ngoại giao Mỹ gửi đại sứ Nolting:

Tổng thống xác định lập trường ủng hộ cố gắng của chính phủ Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Quan điểm của Tổng thống là các vụ Phật giáo không thể trở thành lý do để chính phủ Mỹ xét lại thái độ của mình…

(Bản sao điện tín này được gửi cho Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu và Ngoại trưởng đã chuyển cho văn phòng Phủ tổng thống)

Điện tuyệt mật của Colby gửi Fishell:

Vụ “Phật giáo” chỉ tiến triển đến mức đó thì chưa thể “bắn tín hiệu xanh”. Trao đổi thêm với John Hing. Trực tiếp gặp Lâm Sử để hoàn thành kế hoạch “Hight-pressure” (6) và sửa soạn kế hoạch “Horse-tail” (7) một khi cái trước thực hiện trót lọt.

----------

(1) Thuận lợi.

(2) Alô, phải… Lệ Xuân đây…

(3) Nước Mỹ trước hết

(4) Cơ quan an ninh nội địa Mỹ.

(5) Cercle Sportil Saigonale: Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn, nay là sân Tao Đàn.

(6) Cao áp.

(7) Đuôi ngựa.