Khẩu lệnh của đại tá lữ đoàn trưởng ngân dài. Ông đứng trước hàng quân, đưa tay lên vành mũ. Chiếc xe mui trần chở Tổng thống lăn bánh chầm chậm rồi dừng hẵn. Tổng thống rạng rỡ trong bộ quần áo màu trắng mà ông ưa thích, tì tay lên thành vịn, thẳng người. Tiếng chập gót chân như một nốt nhạc uyển chuyển vang lên đều đặn suốt hàng quân và rừng mũ đỏ cùng màu loang lổ của bộ quần áo lính Dù khẽ động đậy - khẩu tiểu liên được xốc dưới vai trái, còn cánh tay phải thì đặt vào nịt. Ngực cả lữ đoàn ưỡn về phía trước. Cổ ngước cao. Công phu tạo hình chữ thành tựu mỹ mãn: một quần thể tượng đắp nổi sừng sững dưới tàn điệp chói chang hòa trong tia nắng vàng mùa xuân.
Không đợi các bài báo kèm ảnh phát hành sau đó giới thiệu, mà khí thế đặc biệt hùng tráng của buổi lễ gieo một ấn tượng sâu đậm vào những người trực tiếp chứng kiến trên lễ đài dựng sau nhà thờ Đức Bà và trong đám đông tụ tập quanh quảng trường.
Tổng thống tỏ ra có lý khi mời đoàn ngoại giao, các nhân sĩ - nên hiểu là nhóm chống ông, công khai hoặc ngấm ngầm - dến dự lễ duyệt binh này. Gọi lễ duyệt binh là theo giấy mời của Văn phòng Tổng thống, kỳ thật, nó là lễ ra mắt của một lực lượng thôi: lính Dù. Lính Dù ra mắt với quy mô lớn nhất từ khi binh chủng được chào đời ở Việt Nam Cộng hòa. Còn vì sao Tổng thống hết sức hân hoan thì phải nghe thông điệp của ông mới rõ.
Tổng thống không khệnh khạng trên lễ đài như bao nhiêu lần đọc thông điệp trước. Ông đứng trên xe, chắc chắn để tạo liên tưởng chính ông chỉ huy - chứ không chỉ là người lãnh đạo - ở tầng xa xôi với những lính, những sĩ quan được tuyển chọn chặt chẽ này, những người mà lòng trung thành với cá nhân Tổng thống nhất định phải tuyệt đối. Tổng thống trả lại bằng sự tin cậy cũng tuyệt đối, những người hội đủ bốn tiêu chuẩn do Tổng thống quy định: thiện chiến, gan dạ, quê miền Trung, theo đạo Thiên Chúa.
Máy quay phim, máy ảnh, máy thu thanh rình cái phút Tổng thống cất tiếng phá lệ trên chiếc xe mui trần, cạnh ngọn hiệu kỳ của lính Dù, trước hàng quân mà số sĩ quan xếp thành hình chóp, đỉnh chóp là đại tá Nguyễn Chánh Thi, các thiếu tá Phan Trọng Chinh, Trần Xuân Soạn gần như đối mặt với Tổng thống.
Tổng thống rút tờ giấy. Mắt ông vào tuổi 59 còn rất tinh tường để nhìn khắp lượt hàng quân. Trong một giây, Tổng thống cau mày và trong một giây, Tổng thống tìm được cái ý thay cho lời mở đầu khô khan của thông điệp viết sẵn. Lần nữa, Tổng thống phá lệ:
- Hỡi các thiên thần mũ đỏ! Hỡi những đứa con yêu của ta!
Nhiều bức ảnh sau này cho thấy cả những giọt nước mắt trên má không chỉ của vài người lính, sĩ quan Dù…
Luân đứng sau dãy ghế dành cho quan khách, trên lễ đài. Vị trí đó cho phép anh được nhìn toàn cảnh hàng quân, Tổng thống và những người chứng kiến. Hàng quân bỗng chốc đờ đẫn như bị thôi miên, Tổng thống tiếp tục thỏa mãn, dân chúng hẳn vì hiếu kỳ nên sự trầm trồ, Luân đoán, tựu trung ở cái dáng man rợ của hàng quân. Còn quan khách, cả một bí ẩn. Đại sứ Pháp Jean Payart khoanh tay ngang ngực, gần như không cử động. Phan Khắc Sửu vuốt mãi hàng ria mép, ông và bạn bè thừa hiểu lễ duyệt binh này nhằm uy hiếp ai. Các địa phú thương người Hoa khép nép - đáng lý họ có quyền thẳng lưng bởi chính họ nhận đỡ đầu lữ đoàn Dù. Tình cờ, Bá Thượng Đài lại ngồi ngay trước Luân - ông ta càng co ro hơn, không dám ngoảnh nhìn chung quanh; vụ đảng Rừng Xanh còn sờ sờ đó! Đại sứ Durbrow sóng đôi với tướng Williams, hai người duy nhất tỏ rõ thái độ: họ hồ hởi vẫy chào lính Dù. Thỉnh thoảng Durbrow ngoái cổ, nheo mắt với Luân, miệng cười thật hào phóng. Tất nhiên, Luân không thể nào đoán ra ý nghĩa của cái nheo mắt và nụ cười kia. Fanfani bước qua lễ đài. Cô ta gương máy, chỉnh cận cảnh và bấm - ảnh đại sứ Mỹ đùa với Luân đã được ghi nhận.
Mặt trời phía đông xô cái bóng đồ sộ của Vương cung thánh đường trùm lên khu lễ đài nơi Tổng thống Diệm đang nhấm nháp quyền uy của mình. Có lẽ ông ta không còn một mực tin ở chỗ dựa cố hữu nữa - đằng sau ông là nhà thờ và nước Mỹ - mà tìm kiếm môt đảm bảo mới. Luân nghĩ như vậy. Gần gũi Diệm, anh hiểu ra vị tổng thống thích được sùng bái ngang với thích quyền lực. Trên một danh nghĩa nào đó, ông ta ngây thơ. Chính Luân chứng kiến buổi lễ ông viếng Trịnh Minh Thế.
Ông ta hoàn toàn và thành thật nuối tiếc viên sĩ quan - ông gọi Thế là “hổ tướng” - bị Nhu sớm phát hiện khả năng phản bội… Bây giờ, ông có bao nhiêu là Trịnh Minh Thế. Nếu Nhu không ngăn, Nguyễn Chánh Thi hôm nay đã đứng trước hàng quân với hàm thiếu tướng rồi.
“Đôi khi người ta vui vẻ sửa soạn đào huyệt tự chôn mình”! - Luân chợt nghĩ khi lính Dù đều bước qua mặt Tổng thống… “Họ đang bị thôi miên. Và nếu họ tỉnh ra?”
°
Buổi chiều, trong trại Lê Văn Duyệt - trước kia, tên gọi là Camp Chanson, viên tướng viễn chinh Pháp bị du kích Sa Đéc giết chết ngay trong lễ duyệt binh năm 1951 - đại tá lữ trưởng mở tiệc rượu. Quan khách không đông lắm. Điều đó dễ hiểu thôi. Sự ưu ái quá mức của tổng thống đối với lữ đoàn đã buồn lòng nhiều sĩ quan cầm đầu các quân chủng khác. Người ta thấy hiện diện trong buổi tiếp tân các sĩ quan thuộc Liên binh phòng vệ Phủ tổng thống dưới quyền của đại tá Lê Quang Tung - vừa lãnh nhiệm vụ thay đại tá Nguyễn Thế Như thất sủng, các sĩ quan chỉ huy quân biệt động. Có hai vị cấp tướng: trung tướng Thái Quang Hoàng và thiếu tướng Mai Hữu Xuân, ngoài trung tướng Trần Văn Đôn thay đại tướng Lê Văn Tỵ vắng mặt vì lý do sức khoẻ. Khách dân sự, ngoài các nhân vật ai cũng biết và lúc nào cũng muốn được quay phim, chụp ảnh như Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, một số nhà báo, một số nghệ sĩ - nghệ sĩ nữ, “em” của lữ đoàn - còn các thương phú trong Chợ Lớn - như Bá Thượng Đài, Tần Hoài… - muốn noi gương tổng thống bày tỏ tâm tình với các đứa con cưng của người…
Đại tá lữ trưởng tươi cười chạm cốc hết người này đến người khác. Vây quanh đại tá là đại tá Lê Quang Tung, các sĩ quan Liên binh phòng vệ, các sĩ quan biệt động quân - hai lực lượng cùng được tổng thống thương yêu như con đẻ. Các chánh khách ngồi gần nhau, hai sĩ quan tiếp họ.
Rượu vào lời ra, Lữ trưởng, môi tái mét, bô bô:
- Ông Cụ đích thân vào đây gặp binh sĩ lữ đoàn, ngồi quây quần như chúng mình hôm nay. Nhưng mà, mấy chữ mở đầu thông điệp của Cụ mới thật xúc động… Mời bạn hữu cạn ly chúc sức khỏe ông Cụ.
Đúng ra, hai sĩ quan thỉnh thoảng đứng lên chúc rượu, không thuộc lữ Dù: Trung tá Nguyễn Triệu Hồng và trung tá Vương, giảng viên Trường đại học quân sự.
Có một đại úy mà Luân để ý ngay khi ngồi vào bàn: Phan Lạc, chỉ huy phó biệt động quân khu thủ đô - người hơi thấp, da ngăm. Đại úy Phan Lạc biểu lộ rõ con người tự tin, năng động nhưng đầy tâm sự. Anh ta - cũng như Luân, quan sát khắp lượt chủ khách - giữ thái độ trầm ngâm.
Luân quen đại úy từ lúc anh học ở Đà Lạt mà đại úy là giảng viên. Theo những tài liệu Luân nắm được, đại úy Phan Lạc vốn sinh viên Luật, bị động viên năm 1951 - bấy giờ anh ta ở Hà Nội. Là học sinh khóa sĩ quan người Việt đầu tiên, khi Pháp “trao trả độc lập” cho Bảo Đại, Phan Lạc cùng khóa với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Đức Thắng… Năm 1957, Phan Lạc được Diệm cho sang Mỹ học lớp báo chí ở New York và nghiên cứu về chỉ huy và tham mưu ở Fort Bragg, bang Bắc Carolina. Anh ta là thư ký tòa soạn tạp chí Đại học quân sự, tác giả một số bài luận văn đồng thời tác giả một số bài thơ. Chính trong tờ Bách khoa mà Luân cộng tác một thời gian cũng từng đăng bài của Phan Lạc. Luân nhớ đôi bài thơ khó hiểu, mà Phan Lạc gửi gấm tỷ như nhưng câu:
Cơn sốt rét
Không lên ở đầu,ngực, tim
Đang bốc lửa ngút tâm hồn
…
Cái đau truyền kiếp ngàn đời
Cái đau của tự do…
Cuối cùng, đại úy Phan Lạc ngó Luân. Anh ta nhún vai. Luân chưa thể hiểu ngay ý nghĩa của cái nhún vai đó.
Lữ trưởng nốc một hơi, lật úp ly. Tiếng hoan hô râm ran. Bây giờ, lữ trưởng cởi phanh áo, chống nạnh:
- Tướng sống chết vì tri ngộ. Được ông Cụ biết, một lời phủ dụ ân cần, dẫu bôi gan óc cũng chưa chắc đã xứng với ân đức của lãnh tụ…
Nếu đại tá lữ trưởng ồn ào thì hai trung ta ở Trường đại học quân sự và đại úy Phan Lạc hết sức tiết kiệm lời. Cả ba - rất kín đáo - theo dõi Luân. Luân hơi ngả người trên lưng ghế, nhấm nháp ly rượu và miệng luôn cười. Anh biết rằng mọi người đang nhìn anh với tất cả ác cảm: gã “bồi” của nhà Diệm.
Mai Hữu Xuân xem đồng hồ tay. Sau đó, ông ta ghé vào tai đại tá Thi. Có lẽ ông cáo lỗi. Đúng vậy, thiếu tướng nhanh nhẹn bước lại chỗ Luân:
- Xin chào trung tá! Tôi có chút việc…
Luân đứng lên lễ phép chào tiễn thiếu tướng trong khi đại tá lữ trưởng mải mê diễn thuyết, chỉ chìa tay hờ hững.
- Trung thành! Sẵn sàng chấp hành lệnh của Tổng thống… Tôi nhắc lại: Dẫu Tổng thống bảo lính Dù bước vào lửa, không một ai do dự! - Lữ trưởng càng nói càng hăng tiết.
Chính vào lúc đó, bắt gặp cái liếc mắt tinh tế của trung tá Vương và cái tiếp nhận cũng rất tinh tế của đại tá lữ trưởng, Luân đủ tư liệu để mọc nối các giả định rời rạc của mình về lữ đoàn Dù và vị chỉ huy của nó. Anh đọc được cái liếc mắt của Vương:
“Lố rồi! Tốp lại…”
Từ đó, đại tá ít nói hơn. Luân hết ngạc nhiên: một người nổi tiếng mạnh rượu như đại tá lữ trưởng không thể nào say dễ dàng như vừa rồi.
Luân thấy đã đến lúc nên từ giã chủ nhà. Đại tá lữ trưởng bắt tay Luân thật chặt:
- Nhờ trung ta trình bày với ông Cụ: chúng tôi hết sức phấn khởi!
Đại úy Phan Lạc đứng lên:
- Tôi rất muốn được gặp trung tá.
- Ồ! - Luân cười thật tươi - Xin đại úy cho một cái hẹn.
- Tôi sẽ điện thoại, chúng ta nói chuyện về binh pháp cổ! - Đại úy cũng cười.
- Hay! Tôi đã đọc các bài của đại úy.
Vương tiễn Luân. Hai người sánh vai ra khỏi phòng.
- Trong công tác, chúng tôi còn cần rất nhiều sự chăm sóc, giúp đỡ của trung tá - một sĩ quan mà chúng tôi kính trọng như đàn anh… - Vương nói, cái vẻ khôn khéo hoàn toàn khớp với con người ông ta, khác hẳn đại tá Thi.
- Bà trung tá và các cháu bao giờ thì sang Pháp? - Luân hỏi một câu không ăn nhập gì với cái đà của buổi tiếp tân và càng không tương xứng với mối quan hệ giữa anh và trung tá Vương - họ chỉ gặp nhau quanh bàn họp, tuyệt nhiên không dính một chút riêng tư.
- À! - Vương thoáng bối rối - Tôi định như vậy, song chưa tính ngày giờ cụ thể… Có lẽ nhà tôi đi Tây Đức, ở đó có bác sĩ chuyên môn trị bệnh nhức đầu. Các cháu theo mẹ, bởi nhà tôi không muốn xa con…
Vương không trả lời mà giải thích với những chi tiết không cần thiết.
Vợ Vương xin đi chữa bệnh ở nước ngoài theo đề nghị của bác sĩ. Trần Kim Tuyến bàng quan với việc này, song Luân chú ý. Dung quen vợ Vương và Dung chưa hề nghe bà ta mắc bệnh nhức đầu - một thứ bệnh mà người ngoài không tài nào nhận ra triệu chứng.
- Hôm nào chúng tôi mời trung tá đến trường đại học… - Vương giành chủ động trong câu chuyện khi hai người đến bãi đỗ xe - Tôi sắp giảng bài “Quân Dù trong đội hình lữ đoàn”, chủ yếu nói về triển khai nhảy xuống các vùng địa hình phức tạp và vào ban đêm… - Cám ơn trung tá! Song, trang bị của lính Dù e nhẹ quá chăng?
- Không! Cả súng, đạn, mỗi người mang trên mình đến hai mươi ký lô.
- Dầu sao, trang bị như vậy vẫn nhẹ… - Luân vừa nói vừa ngó mấy chiếc xe bọc thép đậu ngay cổng, cạnh các khẩu pháo nghếch nòng.
Vương sững sờ. Trán ông lấm tấm mồ hôi… Bây giờ, ông ta hiểu Luân nói chữ “nhẹ” theo nghĩa nào!
- Tôi chợt nhớ một ngạn ngữ phương Tây, của Gabriel Meurier: Les conseillers ne sont pas les payeurs(1) - Luân nói, khi đã mở cửa xe - Tôi chỉ là người quan sát!
Luân bắt tay Vương. Xe đã ra cổng, Vương còn đứng đó khá lâu
----------
(1) Người khuyên không phải là người phải trả (hậu quả của lời khuyên)