Ván Bài Lật Ngửa

P3 - Chương 5

Ly Kai đinh ninh là gã không thể nào lọt vào cuộc họp, mặc dù Suần Quài hứa chắc là gã sẽ được tiếp đón, thậm chí còn thân tình hơn số thương gia, nghiệp chủ người Hoa có mặt hôm nay. Dương Tái Hưng, qua Loẽng, bảo gã phải lân la với nhóm “Lâm Sử”, nhờ nhóm đó bắc cầu mà phăng ra nhóm Hoa vận “Giải Liên”… Nói chung gã mù tịt những phe nhóm trong đám người Hoa này.

- Thây kệ, chúng nó nói chính trị, nó nói cái gì thì nị ừ cái nấy… Nhóm “Giải Liên” có thể dính đến thằng cha gì mà ông chủ biểu nị theo dõi đó! – Loẽng bảo.

Từ khi nhận được chỉ thị của Dương Tái Hưng, Ly Kai bám sát Luân. Cả khi Luân học trên Đà Lạt, Ly Kai cũng lên đó vài lần dò hỏi. Tuy nhiên, tài liệu về Luân chẳng được là bao. Ly Kai vấp một khó khăn: Ngô Đình Nhu và bác sĩ Tuyến lạnh nhạt dần với gã. Gã hiểu lờ mờ nguyên cớ: Họ không tin gã thoát chết nhờ phóng xuống nước. Có thể họ cho gã đầu hàng Lại Văn Sang, phun hết bao nhiêu điều cơ mật. Có thể họ nghi gã dính líu vào cái chết của Tiểu Phụng. Và cũng có thể họ ghép gã trong danh sách điệp viên của CIA – lý do sau chót vững hơn hết, bởi họ chỉ giảm tin dùng gã chớ chưa đuổi gã hoặc làm một cái gì khác ghê rợn hơn.

Dương Tái Hưng không hài lòng nhiều về gã. Một trong yêu cầu mà Dương Tái Hưng chỉ thị là gã phải dụ cho được Thạch hoặc Lục, hay tiếp cận với bác sĩ Soạn và vợ ông ta – người thân của Thùy Dung – gã không làm được. Khó lắm! Thằng Thạch láu lỉnh, không khéo nó biết gã dò la Luân, báo với Luân, Luân hỏi Nhu – tất nhiên Nhu không giao gã việc đó, họ sẽ trị gã. Thằng Lục lù đù, cạy răng không nói. Gia đình bác sĩ Soạn chẳng có quan hệ nào với Hoa kiều, làm sao xáp vô được? Trần Vĩnh Đắt làm việc vói Dung khi lão ta còn ở ngành công an, song lão “dê xồm” tán những thứ linh tinh về cô gái mà lão đam mê, ngoài ra chẳng cung cấp được một chút gì bổ ích. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ biết Dung trong công vụ - ông ta ngại, dòm ngỏ việc riêng của cô sẽ phật ý Luân mà Luân thì đang được họ Ngô trọng dụng.

Bây giờ, Dương Tái Hưng lại chỉ thêm cách cho gã lần mối…

Pô Xường Thài, do nghị định của chính phủ buộc mọi công dân phải lấy tên theo âm ngữ Việt Nam, nên đổi ra Bá Thượng Đài, ngụ trong một ngôi nhà hai tầng kiến trúc lối Pháp vào đầu thế kỷ khá đồ sộ, nằm giữa vòng rào sắt mà mỗi thanh giống như ngọn giáo chĩa lên trời, trên đường lớn Gaudot, vừa cải danh thành Khổng Tử.

Pô Thường Xài nổi tiếng là “vua sắt” – chuyên mua bán vật liệu xây dựng. Ông ta thuộc hạng ngươi Hoa điển hình ở Chợ Lớn: Từ Quảng Châu sang đây, khi vừa biết nói, tài sản của gia đình ông – cha, mẹ và ông ta gọn lỏn trong hai cần xé. Nghề đầu tiên của cha mẹ ông ta là mua ve chai, đôi dép lốp xe mỏng dính bấu vào chân bằng một sợi thun phía sau giữ lấy gót và một sợi thun phía trước ghì ngón chân cái, đã lội khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố, từ Bà Chiểu đến Phú Lâm. Hai cần xé, vẫn là hai cần xé mây theo họ sang đây, nhứn nhẩy trên vai, dưới chiếc nón mây rộng vành và trong bộ quần áo xanh vá chằng vá chịt. Đó là hình ảnh mà Pô Xường Thài lưu giữ trong ký ức về cha mẹ mà cũng là về bản thân mình. Hồi lên 7, Pô Thường Xài bắt đầu nối nghiệp cha mẹ, mặc dù nhà đã khấm khá – rời khoảng trống cạnh rạp Casino Chợ Lớn, mướn một căn phố lùi phía sau đường Thủy Binh.

Khi Pô Xường Thài lên 15, bang Quảng Đông cho phép cha của ông ta hùn vốn mở một tiệm lạc son (1) ngay dưới chân cầu Palikao. Năm lên 20, gia đình ông tách riêng, làm chủ một tiệm bán sắt vụn trên đường La Ceinture, trước cổng đồn Cây Mai. Đó là năm Thế chiến thứ nhất kết thúc. Pô Xường Thài đã khôn lớn, cha mẹ ông vẫn ngày ngày quảy cần xé len lỏi các xóm trong thành phố, giao cho ông mở mang cơ nghiệp theo lối khác. Mãi năm lên 30, Pô Xường Thài mới cưói vợ, con một chủ hiệu lạc son ở cầu Ông Lãnh. Ông ta cưới vợ chưa bao lâu thì cha qua đời. Đám tang đơn giản. Rồi đến lượt mẹ ông. Khi những người thuộc thế hệ cũ khuất bóng, Pô Xường Thài một mặt xây cho họ mồ mả thật lộng lẫy để đền ơn, một mặt mua nhà đồ sộ ngay mặt tiền đại lộ.

Những tiệm lạc son nhỏ lần lượt về tay Pô. Sau cùng, chính cha vợ ông bán cơ ngơi ở cầu Ông Lãnh cho ông. Thế chiến thứ hai mang tiền vào nhà ông như nước: sắt là của quý, mà ông có hằng kho đầy ắp, ngay Dainan Koosi cũng phải tìm đến ông để xưởng tàu vủa họ ở Chánh Hưng có thể hoạt động. Chiến tranh Việt - Pháp tiếp tục hỗ trợ ông. Ngày nay, tuy còn danh nghĩa “vua sắt” ông thật sự đã là vua dệt, vua chất dẻo, và cũng có lẽ được gọi là vua ngân hàng: cổ phiếu của Pô – ông chưa bao giờ tiết lộ, song chẳng có gì là khó hiểu – khá cao trong Bank of China, Bank of Communication, và cả trong chi nhánh Hong Kong Exchange office (2). Dụ 53 của chính phủ Diệm, gây trở ngại cho Pô – trong 11 nghề ngoại kiều không được làm, có nghề sắt đồng – nhưng chỉ vài hôm, mọi sự đâu vào đấy: Pô Xường Thài lãnh thẻ căn cước với tên Bá Thượng Đài, dù cho mãi tới bây giờ, câu tiếng Việt mà Pô nói suôn sẻ nhất vẫn là câu: de chai pể, sắt pể pán hôn…(3).

Ấy vậy mà Bá Thượng Đài lại dám mời Lâm Sử mở hội nghị tại nhà.

Vì sao đại thương gia Bá Thượng Đài quan hệ với Lâm Sử, ta sẽ tìm hiểu sau. Ta hãy làm quen với Lâm Sử.

Người Triều Châu, thầy giáo dạy học ở Bạc Liêu, Lâm Sử đi kháng chiến, cán bộ của Hoa kiều giải phóng liên hiệp hội, gọi tắt Giải Liên, thành viên của mặt trận Việt Minh – và sau này, của Liên Việt. Lâm Sử được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947, lần lượt công tác trong hội Giải Liên cấp quận, cấp tỉnh rồi lên tổng hội. Năm 1951, Lâm Sử trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của ban Hoa vận xứ ủy, tổng biên tập báo Giải Liên. Năm đó, Lâm Sử đang học lớp chỉnh huấn thì vợ anh có thai – té sông chết đuối. Tin đến giữa lúc anh đang “ngồi thị phạm” (4). Anh chỉ biến sắc một thoáng, tiếp túc hành thành bản tự kiểm điểm. Bấy giờ, anh được nhà trường nêu lên tấm gương kiên cường có một không hai.

Sau hiệp định Genève, Lâm Sử được phân công về hoạt động ở Sài Gòn. Anh lấy vợ kế. Do sự thỏa thuận giữa trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lâm Sử - cùng một số cán bộ - tác khỏi đảng Việt Nam, trực thuộc Bắc Kinh. Nhiệm vụ của ban cán sự này là chuyên trách với Hoa kiều tầng lớp trên, còn quần chúng lao động Hoa kiều thì do đảng Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, qua một số cán bộ vốn công tác chung với Lâm Sử trong tổng hội Giải Liên.

Tới đây, xuất hiện sự khác biệt có tính nguyên tắc trong phương châm vận động quần chúng, Hoa kiều giữa hai đảng. Trực tiếp nhận chỉ thị từ Bắc Kinh, nhóm Lâm Sử đưa ra khẩu hiệu “Trường kỳ mai phục, xúc tích lực lượng diện hương Tổ quốc” (5) trong nhóm Giải Liên, theo quan điểm “Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh” của đảng Việt Nam mở rộng phòng trào và gắn phong trào của lao động người Hoa với phòng trào lao động nói chung. Đảng Việt Nam xem những tư sản mại bản người Hoa câu kết với đế quốc ngụy quyền – kẻ áp bức bóc lột quần chúng Hoa Việt – là đối tượng đấu tranh, còn nhóm Lâm Sử xem bọn chúng như đồng minh, xuất phát từ huyết thống chứ không từ giai cấp.

Bá Thượng Đài chẳng biết ất giáp gì – ông ta thoạt đầu cũng ngán tiếp đón một “Trung cộng” như Lâm Sử, nhưng Suần Quài giải thích cho ông ta hiểu: Trung Cộng hay Trung Hoa Dân quốc chẳng qua là bề ngoài, tương lai sẽ chỉ là một nước Trung Hoa bá chủ; cái cần đối phó là bọn “Ố nàm chảy” (6), nhất là bọn Cộng sản “Ố nàm” (7) chúng nó vừa đánh bại Pháp, nếu chúng nó đánh bại Mỹ nữa, con đường thu hồi Đông Nam Á của Trung Quốc sẽ tắc nghẽn. “Không có hai mặt trời”, Suần Quài lý luận như vậy. Bá Thượng Đài hỏi: Mà tại sao Trung Cộng lại ủng hộ Việt Cộng?

- Hà! – Suần Quài tỏ ý thương hại cho sự tối dạ của “vua sắt” – Giả tỷ như Mỹ thắng Việt Cộng, làm sao nước Tàu xuống phía Nam được? Con cò con ngao cắn nhau, ngư ông mới thủ lợi được chứ! Mỹ với Việt Cộng đánh nhau, đứa thắng đứa bại đều yếu xìu… Biết chưa?

Bá Thượng Đài phục lăn. Ông ta vững bụng hơn nữa vì biết rõ sự họp mặt sẽ có Tào Phu, thân cận với Lý Lương Thần – được hiểu ngầm là dính dáng chặt chẽ với đặc vụ Tưởng Giới Thạch.

Cuộc họp gồm tất cả sáu người: Lâm Sử, Tần Hoài (8), Bá Thượng Đài, Tào Phu – Giám đốc Mekong Rice Export (9), Diệu Thọ, chủ nhà thuốc Vạn An Đường với hiệu cù là tự nhận “chánh gốc Miến Điện” – tóc đen nhánh dù tuổi đã hơn 70. Người thứ sau là Ly Kai – nguyên chủ chứa sòng bạc Đại Thế Giới, bây giờ vẫn tiếp tục nghề cũ, nhưng gom lại còn một món “đề 36 con” dành cho giới giàu có, mở lưu động. Khi thì Đại La Thiên, khi thì khách sạn Bồng Lai, khi thì nhà hàng Đồng Khánh.

Suần Quài – bao giờ cũng phì phò chiếc điếu cán dài, người xương xẩu – giới thiệu Lâm Sử khi sáu người ngồi chiếc bàn đặt ở gian phòng tĩnh mịch phía sau. Ông ta nói tiếng Bắc Kinh, chưa sõi lắm.

- Các vị đã biết, ông Lâm Sử muốn làm quen với chúng ta. Tôi đã nhiều lần nói về ông với các vị…

Lâm Sử - trẻ nhất trong số có mặt – đi vòng, bắt tay từng ngươi. Anh ta nắm tay Ly Kai thật lâu:

- Hẩu! Tôi nghe danh tiếng xếnh xáng từ khi còn kháng chiến trong khu…

Suần Quài đã nói đúng: Ly Kai được đón tiếp đặc biệt thân tình – đến khi tan cuộc họp gã mới hiểu lý do.

- Tôi hân hạnh gặp các vị hôm nay. – Lâm Sử nói, tiếng Bắc Kinh thật trôi chảy, văn hoa – Tôi thay mặt cho Tổ quốc chào các vị!

“Lại Tổ quốc!” – Ly Kai nói thầm.

- Đối với chúng ta, – Lâm Sử nói tiếp – Những người tha phương cầu thực, tuy sống nghìn dặm xa nơi sinh trưởng, vẫn không bao giờ quên Tổ quốc vĩ đại của mình. Nhà thơ lớn Thôi Hiệu đời Đường, đã nói về quê hương:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu. (10)

Chúng ta còn hơn Thôi Hiệu, bởi vì Thôi Hiệu đề thơ nơi Hoàng Hạc lâu đất Giang Nam trên núi sông Hoa Hạ, chúng ta thì đang ngồi tận chót vót bán đảo Đông Dương.

Lâm Sử nói khá dài. Thỉnh thoảng, anh ta chen thơ, phú và kết thúc bằng hai câu cuối bài từ “Vịnh tuyết” của Mao Trạch Đông anh ta không hài tên tác giả:

Sổ phong lưu nhân vật

Hoàn khán kim triều (11)

Cả Suần Quài, Bá Thượng Đài, Diệu Thọ đều dốt đặc văn chương – cuộc sống của họ chỉ lách cách của bài toán – nên há hốc mồm nghe Lâm Sử. Người học cao hơn hết trong bọn là Tào Phu – kiếng trắng, dáng vẻ trí thức – thạo văn học phương Tây hơn Trung Quốc. Ly Kai dĩ nhiên còn quá tệ: gã nói sành sỏi tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng đọc không xuôi một trang sách chữ Tàu!

Mở đầu thì long trọng – đôi lúc, Bá Thượng Đài ngại bài nói hay ho của Lâm Sử nhằm vào tủ sắt của ông ta – mà công việc lại thật giản đơn. Có thể tóm tắt “lời kêu gọi của Tổ quốc” qua miệng của Lâm Sử như sau: Hãy làm giàu nữa, làm giàu gấp năm gấp mười như hiện nay, hãy mua nhiều cổ phần các hãng Hồng Kông, Nhật, Singapore, Nam Triều Tiên và… Đài Loan. Tất nhiên, trước hết hãy làm chủ những ngành kinh tế có thể làm chủ ở Việt Nam Cộng hòa, càng nhiều càng tốt. Hãy đổi quốc tịch. Chẳng ăn nhằm gì những thứ lặt vặt ấy. Tên gì thì tên, miễn nuôi dòng máy Hoa Hạ sôi sục!

- Té ra Trung Cộng không chống lại người giàu có.

- Té ra Trung Cộng không thù địch Đài Bắc, mặc dù ngày nào họ cũng bắn đại bác vào Kim Môn, Mã Tổ, cảnh cáo Quốc quân đến lần thứ nghìn lẻ…

- Té ra “diện hướng Tổ quốc” không mấy gì làm khó.

Đại loại những người có mặt hiểu bài nói của Lâm Sử như vậy.

Và, bữa cơm của Bá Thượng Đài – nấu theo lối Nam Hải – dùng rượu Mao Đài chính gốc, hút thuốc Penda Thượng Hải…

Lâm Sử, lúc uống trà, thì thầm với Ly Kai.

- Ông vẫn còn làm việc với Ngô Đình Nhu?

- Còn!

- Từ nay, ông cung cấp cho tôi những tin tức cần thiết, qua ông Suần Quài. Ông sẽ giúp ích cho Tổ quốc rất nhiều…

“Tổ quốc! Và, cũng Suần Quài!”. Ly Kai ngẫm nghĩ bởi chính Suần Quài móc nối gã với Dương Tái Hưng.

- Tôi muốn làm quen với nhóm “Giải Liên”. – Ly Kai đề nghị.

- Chi vậy?

- Có việc…

- Khó! Họ không tiếp ông đâu. Có thể họ khử ông nữa! Họ thuộc Việt Cộng lãnh đạo. Mà, việc gì?

- Tôi tìm hiểu một người…

- Ai?

- Nguyễn Thành Luân.

- À!

- Ông quen?

- Quen… Đúng hơn, vì cùng kháng chiến, biết ông ta. Tôi nghĩ là nhóm “Giải Liên” không liên hệ gì với Luân. Luân đang làm việc cho Nhu, nghe đâu anh ta cắt mọi quen biết cũ. Nhóm “Giải Liên” chắc chắn sợ anh ta. Nhu nghi ngờ anh ta?

Ly Kai hơi lúng túng. Gã không dám nói đến Dương Tái Hưng – Suần Quài đã dặn gã đến chục lần: muốn còn thở thì quên hẳn Dương Tái Hưng khi đến đây.

- Nghi ngờ! – Ly Kai trả lời liền.

- Về mặt nào?

- Anh ta đi sâu vào gia đình Diệm để làm gì!

- Biết bấy nhiêu, rồi thôi?

- Sẽ liệu!

- Định khống chế anh ta?

Ly Kai do dự một lúc rồi gật đầu.

- Khống chế cho ai?

Câu hỏi ngược của Lâm Sử làm Ly Kai chới với. Gã cũng nói liều:

- Cho Nhu!

Lâm Sử nhẹ cười…Cái cười rất tươi song Ly Kai lấm tấm mồ hôi.

- Tôi sẽ giúp ông. Chưa nói được bằng cách nào và bao giờ, nhưng tôi hứa. Phần ông, ông nhớ cho tui tin về Nhu. Ông có biết một chỗ gọi là P.42 không?

Ly Kai biết lờ mờ về căn hầm giam người dưới lòng đất trong vườn bách thú, song gã lắc đầu, giả ngơ ngác:

- P.42? Tôi chưa nghe bao giờ…

- Thôi được, ông dò la chỗ đó giúp tôi.

Lâm Sử trao cho Ly Kai bao thuốc Cotab hút dở, bên trong thò ra mấy tờ đô la.

- Ông cất mà hút!

Lâm Sử chào mọi người, về trước. Anh ta từ chối xe riêng của Bá Thượng Đài, gọi taxi.

Tào Phu cùng Ly Kai ra khỏi nhà cùng một lượt.

- Tôi đưa ông. – Tào Phu mở cửa xe, mời Ly Kai. Ông ta tự ái.

- Ông muốn làm quen với Đại sứ Trung Hoa Dân quốc không? - Tào Phu hỏi – Tôi sẽ giúp ông! Tôi tin là đại tá tùy viên Tôn Phương Truyền sẽ rất vui nếu ông đến sứ quán…

“Tiểu na má!” – Ly Kai rủa thầm – “Lại đặc vụ Đài Loan!”

- Ông sẽ chẳng thiệt chút nào. Tôn đại tá biết người biết của lắm. Qua nhất định nặng hơn bao Cotab kia nhiều!

Vậy là nó thấy mình nhận tiền của Lâm Sử!

- Tôi cũng muốn làm quen với sứ quán!

Ly Kai trả lời xong, gã và Tào Phu cùng cười hơn nữa, nháy mắt với nhau…

°

Báo cáo hàng ngày của Sở nghiên cứu chính trị.

Tin đáng chú ý:

1) Có dấu vết về kẻ giết trung úy Lê Văn Minh: hung thủ đi giày bata cỡ to (chân không to tương xứng với giày, như vết in trên bờ rào bệnh viện lúc chúng vượt rào tẩu thoát cho thấy), mang găng tay nên không để lại dấu tay. Tuy vậy, nhiều bằng chứng gián tiếp xác nhận an ninh quân đội gây ra vụ này.

2) Thiếu úy Lê Ngân, đội phó đội trinh sát an ninh thuộc Nha cảnh sát đô thành đã bắn chết thiếu úy An ninh quân đội Vũ Đình Chu, theo nhiệm vụ của anh ta. Chính anh ta báo cáo với trung tá giám đốc nha.

3) Tin tái đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Eisenhower khiến số trí thức “đối lập” thối chí. Phan Quang Đán nói tại một cuộc gặp gỡ giới thầy thuốc mừng thạc sĩ Trần Vỹ được Bộ trưởng bộ y tế: “Il faudra encore quatre ans pour un changement” (12)

4) Nhân Chu Lai sang Hà Nội, Hoa kiều hoạt động mạnh ở Chợ Lớn. Theo nguồn tin chắc chắn, hôm kia, tại ngôi nhà số 3 đường Khổng Tử, có một cuộc họp gồm chủ nhà (Bá Thượng Đài, “vua sắt”), Tào Phu “vua lúa gạo”, Tần Hoài, chủ nhà hàng Đại La Thiên, Diệu Thọ “vua thuốc bắc” với một người lạ tên là Lâm Sử thay mặt cho Trung cộng. Nội dung cuộc họp chưa thẩm tra. Chỉ biết là sau đó Tào Phu gặp riêng đại tá Tôn Phương Truyền, phụ trách đặc vụ sứ quán Đài Loan, có lẽ thông báo về cuộc họp đó.

5)Tình hình Hung Ga Lợi được khai thác tối đa trên báo chí, đài phát thanh của ta. Số tiền 2.450.000 đồng của Việt Nam đã chuyển tới hội Cứu trợ quốc tế. Bộ ngoại giao ta điện cho thủ tướng Hung Imre Nagy, song ông ta đã bị Janos Kadar lật đổ.

6) Giữa Việt tấn xã và báo Tự do đưa tin không ăn khớp về việc 19 người từ Nghệ An vượt tuyến Đà Nẵng ngày 19-11 vừa rồi: Việt tấn xã nói họ là ngư dân bị bão, được chính quyền địa phương giúp đỡ v.v… còn báo Tự do thì đăng một bài phóng sự dài, kèm ảnh, nói họ là những người khởi nghĩa Quỳnh Lưu trốn thoát. Sở Công an Trung bộ nghi một số trong họ là do Cộng sản cho trà trộn vào Nam.

7) Một điện đài bí mật vừa lên tiếng tại vùng rừng Bời Lời (Tây Ninh). Công suất máy cỡ 15W, chắc chắn là dùng pin, dây trời định hướng phía Nam, chưa rõ mỗi ngày, mỗi tuần phát bao nhiêu lượt, vào giờ thay đổi cố hay cố định. Lượt đầu tiên kéo dài 27 phút, bộ phận mã thám chưa đọc được bức điện, nhóm chữ số khác các điện ta chưa bắt được. Sẽ nhờ trung tâm tình báo Mỹ giải mã. Điều đáng chú ý là manip của đài này với đài phát hiện trước đây ở B’lao giống nhau.

Bên lề báo cáo của Sở nghiên cứu chính trị, Ngô Đình Nhu ghi bút đỏ:

- Khoản 1 và 2: Chấm dứt điều tra.

- Khoản 3: Tin lếu láo! Sau này, nhớ cho tin có giá trị hơn.

- Khoản 4: Hỏi Ly Kai chi tiết. Nguồn tin chắc chắn có phải là Ly Kai không? Y dự họp hay nghe tin? Cần chú ý tin của Ly Kai - cung cấp tin cho ta hay phao tin? Đã bố trí theo dõi chặt y chưa? Vô lý: Trung Cộng nào dám công khai vỗ ngực xưng tên, nhất là với Tào Phu, đặc vụ của Đài Loan? Thẩm tra bằng mọi cách, kể cả xác định Ly Kai, nếu tung tin thì để làm gì. Điều tra Ly Kai thật khéo (ba gạch đậm dưới chữ “thật khéo”).

- Khoản 5:Vô duyên! Báo cáo làm gì? Tin tức “đặc biệt” mà chỉ cóp nhặt trên báo!

- Khoản 6: Lưu ý Sở công an Trung bộ sớm kết luận về ý kiến của họ. Nghi? Bằng chứng? Mơ hồ quá!

- Khoản 7: Không được nhờ Mỹ déchiffrer (13) (gạch đậm). Cố mà tự lực. Cần máy móc gì không?

°

Tin tức báo chí ngày 11-12-1956

Trung tướng Lê Văn Tỵ được phong đại tướng. Đại tá Phạm Xuân Chiểu thay thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ làm tổng giám đốc cảnh sát công an quốc gia. Các thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh, Thái Quang Hoàng được thăng trung tướng. Đại tá Lê Văn Kim thăng thiếu tướng.

°

Liên lạc của họ với A.07 nối lại vài tuần nay. Các báo cáo do Dung mã và Luân chuyển qua một trạm lưu động nào đó mà Dung không được quyền biết, đến cả điện đài bây giờ đặt ở vùng rừng Tây Ninh. A.07 thỉnh thoảng gởi cho họ một dòng động viên, còn ngoài ra các yêu cầu, hoặc xác minh, hoặc sưu tra tình hình, hoặc nhận định của Luân về những sự kiện quan trọng. Nói chung, A.07 chỉ thị họ sử dụng điện đài thật thưa, không định kỳ, không theo quy luật. Có lần, Dung được một điện riêng: “CR hỏi thăm sức khỏe Mimosa tại ông cụ. Cẩn thận hơn, tuy ông cụ đối phó tốt”. CR tức là “Centre de Recherche”, ký hiệu chỉ trung tâm tình báo Sài Gòn. Như vậy chúng cho điệp viên ở Hà Nội điều tra về Dung qua bố của cô. Lý do có lẽ liên quan đến điện đài ở B’lao. May mà nửa năm nay, điện đài ngưng hoạt động ở hướng đó.

Đọc điện, Dung nhớ nhà điếng người. Tội nghiệp, tuổi cha đã cao, có ai giúp đỡ không? Vì công tác của Dung, chú Thuận chắc ít đến – hoặc có đến cũng kín đáo. Dung mong tin tức của cha, gần đây, ông cụ nhắn tin trên đài, giọng còn rất khỏe. Ông cụ gởi cả bưu thiếp cho vợ chồng bác sĩ Sự - tất nhiên là gởi cho Dung. Dung bồi hồi đọc nét chữ của cha, dù sao, cũng đã yếu đi nhiều. Vợ bác sĩ Sự cũng gởi cho ông bưu thiếp, báo tin Dung. Ông cụ chắc đỡ lo.

Xe Dung nối dòng xe sáng sáng vẫn nghệt con đường môt chiều Nguyễn Trãi, trước khi giáp với đại lộ Cộng hòa. Ngang Lycéc Franco Chinoise (14) Dung chợt thấy điều khác thường: mỗi ống cống xi măng xếp đứng của ngành giao thông đặt ven đường – mang một chữ viết bằng sơn xanh. Ghép các chữ ấy lại ra khẩu hiệu với hai dấu than cẩn thận: Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm!

Một cơn lạnh chạy dài theo sống lưng Dung. Khẩu hiệu của anh em mình! Dòng xe như chậm lại, mọi người cố kéo dài thời gian qua ống cống. Khẩu hiệu nhất định viết đêm qua. Các đồng chí hẳn phải canh gác vất vả để viết được chừng ấy chữ - Dung nhẩm tính: 32 chữ và hai dấu than. Hai người viết nhanh mấy cũng phải mất 15 phút. Chữ to, bề cao đến 40 phân, bề ngang 20, nét khá sắc, chữ Đ mở đầu viết kiểu và toàn bộ chữ đầu các từ Hồ Chí Minh đều viết hoa. Công trình của dũng cảm và theo Dung, của nghệ thuật. Tuy chỉ 32 chữ nhưng là một thứ tuyên cáo về sức mạnh của phong trào cách mạng thành phố. Không có tổ chức vững vàng, quyết không thể làm nổi việc này – cách Nha tổng giám đốc cảnh sát công an quốc gia không đến 50 mét.

Trong công vụ, Dung thường đọc báo cáo các nơi nói về “Việt Cộng rải truyền đơn, lưu hành báo, dán khẩu hiểu”, phần lớn ở nông thôn. Còn đây là Sài Gòn.

Từ ngày 20-7, Dung cảm giác phong trào cách mạng chuyển mình. Nha tổng giám đốc ngày một nhận được nhiều hơn các loại tài liệu của “Việt Cộng” – danh nghĩa chưa thống nhất, khi thì “Những người kháng chiến cũ”, khi thì “Ủy ban đấu tranh bảo vệ hiệp định Genève”, khi thì “Lực lượng nhân dân miền Nam” in bằng giấy sáp. Dung biết, Nha tổng giám đốc nhìn những tờ giấy thô sơ ấy với tất cả sự lo lắng, kinh hãi. Bởi đây không phải là các giáo phái, không phải chỉ lời nói suông. Chẳng có gì khó hiểu: những người kháng chiến cũ cảnh cáo sự phản bội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hai năm đã qua từ khi ký hiệp đình Genève, không có tổng tuyển cử, mà hiệp thương và quan hệ bình thường giữa hai miền cũng không có nốt. Vào đúng ngày 20-7, Sài Gòn báo cáo cho Ngô Đình Diệm biết sự phản bội sẽ bị trừng phạt: trong vòng 2 giờ, thành phố vắng tanh – bãi chợ, bãi công, bãi khóa và mọi người ở trong nhà. Hôm đó, Luân còn học ở Đà Lạt, Dung đành nâng ly nước cam chào mừng những công dân của thành phố, quả xứng đáng là thành đồng Tổ quốc.

Mấy chiếc xe Jeep màu ô liu, biển số “VN” đầy cảnh sát dã chiến, quần áo rằn ri, đổ lại. Chúng thổi còi inh ỏi, xua người đi đường tản khỏi khu vực đã bị phong tỏa bằng kẽm gai. Chẳng rõ chúng bôi xóa hay dời các ông cống. Cách nào thì cách, cả thành phố sẽ sôi nổi với tin này. Dung cười rạng rỡ, lái xe vào cổng Nha… Chắn cổng nhấc lên, Dung vẫy tay chào viên sĩ quan trực…

---

(1) Nguyên gốc: à la solde (tiếng Pháp) – đồ ve chai, bán rẻ bán tháo

(2) Trung Quốc Ngân hàng – Giao thông Ngân hàng – Ngân hàng hối đoái Hồng Kông.

(3) Ve chai bể, sắt bể bán không?

(4) Người bị kiểm điểm ngồi nghe phê phán, chỉ được tiếp thu chứ không được thanh minh dù sự phê phán không đúng (kiểu chỉnh huấn của Trung Cộng).

(5) Mai phục lâu dài, xúc tích lực lượng, hướng về Tổ quốc.

(6) Thằng An Nam.

(7) An Nam

(8) tức Suần Quài

(9) Xuất khẩu lúa gạo Cửu Long.

(10) Quê hương khuất bóng hoàng hôn.

Trên sông khói cho buồn lòng ai

(Tản Đà dịch)

(11) Bao nhiêu nhân vật đó (tức Hạng Vũ, Lưu Bang, Lý Thế Dân). Hãy nhìn ngày hôm nay.

(12) Cần thêm bốn năm nữa cho một thay đổi.

(13) Giải mã.

(14) Trung học Pháp - Hoa