Hồi 8h30 sáng ngày 22-2-1957, lúc tổng thống Việt Nam Cộng hòa dự lễ khai mạc hội chợ triển lãm kinh tế Tây Nguyên tại Ban Mê Thuột, một thanh niên đã bắn vào tổng thống bằng tiểu liên Mas-49. Đạn trúng Bộ trưởng cải cách điền địa Đỗ Văn Công ở tay và ngực. Tổng thống an toàn. Hung thủ đã bị bắt. Hắn tên là Phúc, nhân viên Ty công dân vụ Tây Ninh…
Lễ khai mạc hội chợ tiếp tục chương trình đã định.
Nội vụ đang trong vòng điều tra.
Bài của phóng viên Financial Affairs.
Ban Mê Thuột, Feb, 22 (Hélen Fanfani).
Một sự việc gây bàng hoàng trong dư luận Nam Việt Nam, nhưng lại là điều chờ đón của một số giới am hiểu tình hình chính trị xứ nầy: Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt. Thời điểm mà hai phát tiểu liên nổ - và chỉ có hai phát, súng bị hóc, bằng không, khó mà đo lường nổi mức độ xáo trộn sau cái chết của vị nguyên thủ quốc gia chống Cộng và là niềm hy vọng của thế giới tự do ở khu vực rối ren nầy của thế giới – là lễ khánh thành một hội chợ kinh tế thành phố Ban Mê Thuột, thủ phủ của Tây Nguyên, nơi tranh chấp giữa nhiều thế lực, trong đó Fulro vừa thân Pháp vừa thân Mỹ vừa dựa vào nước Cambốt trung lập là đáng để ý hơn cả.
Với bộ quần áo trắng cắt thật khéo, tổng thống Nam Việt tươi cười và thỏa mãn bắt tay các thân hào Tây Nguyên và người Việt đứng chen kẽ làm hàng rào danh dự trên đường dẫn đến khán đài – nơi tổng thống sẽ đọc một diễn từ chuẩn bị sẵn. Trước đó một phần mười giây khó ai có thể đoán vụ ám sát có thể xảy ra, bởi sự phòng bố nghiêm ngặt đến nỗi nững nhà báo chúng tôi bị lục soát đến cả chiếc ống kính máy ảnh, ruột cây bút, luôn lọ aspirine đề phòng lúc trái trời.
Và cũng trong thời gian 1/10 giây sau đó, một vấn đề nghiêm trọng chưa từng có được ném vào cuộc sống chính trị ở xứ nầy. Không ai khác, mà tổng thống là mục tiêu của hai phát đạn. Tổng thống thoát nạn như một phép mầu. Vị bộ trưởng cải cách điền địa ít tiếng tăm Đỗ Văn Công thay mạng cho tổng thống. Những người chống đối chọn lựa Tây Nguyên để thi hành bản án phải chăng hoàn toàn ngẫu nhiên?
Máu được lau sạch ngay, nạn nhân được cấp cứu, hung thủ bị bắt. Tổng thống tiếp tục đọc diễn từ - tất nhiên, giọng mất hẳn cái vẻ oai nghiêm và gương mặt thì hằn nét lo âu và giận dữ - hội chợ như chiếc bánh xe, cứ quay… Đằng sau cái bình thường giả tạo, đằng sau lễ Tạ ơn mà người anh giám mục của tổng thống sẽ tiến hành trọng thể, hằng tá câu hỏi nổi lên: Ai là kẻ chủ mưu? Ám hại ông Diệm để làm gì? Mọi người sẽ nhẹ nhõm nếu các bằng cớ cho phép kết luận kẻ chủ mưu là Cộng sản. Nhưng, nếu đây không phải là tác phẩm của Cộng sản, thì thật là một cơn ác mộng, ám ảnh chế độ thân Mỹ ở miền Nam, không biết đến tận bao giờ. Người ta chờ đợi những quyết định cứng rắn mà nỗi nghi kỵ sẽ chia rẽ trận tuyến Quốc gia, vốn đã bát nháo.
Phủ tổng thống cho ra một thông cáo báo chí xác nhận lập tức hung thủ Phúc, tòng sự ở Ty công dân vụ tỉnh Tây Ninh, nghĩa là một nhân viên chính phủ. Thông cáo thiếu thận trọng vì thảng thốt – điều nầy ít khi xảy ra với những cái đầu lạnh như của bác sĩ giám đốc Sở nghiên cứu chính trị Trần Kim Tuyến – hay là hồi còi cảnh binh báo trước công cuộc “tố Cộng” sẽ chĩa cả vào nội bộ?
Bất kể như thế nào, cái bề ngoài ổn định của chính phủ ông Diệm phút chốc bị thử thách. Ít nhất, sự kiện cũng gieo một ấn tượng đậm nét: mơ ước chuyển trọng tâm hoạt động từ hành quân cảnh sát sang hội chợ kinh tế là còn quá sớm. Nó giống như những cây xanh ven đường vào hội chợ lúc hoảng loạn, người ta chạy, càn lên chúng và chúng bật gốc, sự thật phơi bày: những cây ấy không mọc lên từ đất mà được chặt nơi khác tới cắm tạm, không để trang trí mà để lừa bịp…
Tường thuật truyền thanh tại chỗ lễ khai mạc hội chợ kinh tế cao nguyên.
(Do phóng viên đài phát thanh Sài Gòn thực hiện trên các làn sóng điện của đài)
Quý vị thính giả,
Hội chợ kinh tế cao nguyên lần đầu tiên được tổ chức sắp khai mạc tại Ban Mê Thuột. Những tiếng động mà quý vị đang nghe là không khí sôi nổi của cả khu hội chợ. Khu hội chợ choán một bề mặt gần hai mẫu tây, phía trước biệt điện, nay là nhà khách của chính phủ. Người, phải nói là rừng người tràn ngập toàn khu, đủ sắc dân, ai nấy đều hân hoan. Cờ, phải nói là rừng cờ rợp một góc trời. Mời quý vị thính giả cùng phóng viên bản đài đi thăm các gian hàng. Trước hết, chúng tôi ghé gian trưng bày sản phẩm của tỉnh Kontum. Những người Sêđăng mặc sắc phục dân tộc đứng đằng sau các đống bắp, từng quả to và nhiều hạt. Họ vừa được chính phủ cấp giống, cấp vật liệu xây nhà… Ảnh tổng thống được lồng trân trọng trên cao. Nếu quý vị muốn thưởng thức đặc sản Kontum thì đây: những ghim thịt rừng thơm phức, cạnh ché rượu cần…
Thưa quý vị thính giả, theo chương trình, đúng 9 giờ, hội chợ sẽ khai mạc. Tiếng phi cơ mà quý vị nghe hẳn là chở đại diện của tổng thống đến chứng kiến thành tích của đồng bào Kinh Thượng chúng ta trên con đường đoàn kết, ngỏ hầu chống Cộng hữu hiệu và xây dựngViệt Nam Cộng hòa phú cường…
Xin mời quý vị nghe một điệu nhạc người Sêđăng….
Bây giờ là 8g22phút. Còn 40 phút nữa, hội chợ khai mạc như thông báo của ban tổ chức. Thưa quý vị, chúng tôi đã thấy các quan khách lần lượt theo cổng chính vào hội chợ… Thưa quý vị, chúng tôi hết sức sung sướng báo với quý vị thính giả người đến khai mạc hội chợ chính kà Ngô tổng thống anh minh của chúng ta. Quý vị đang nghe tiếng hò reo của đồng bào. Tổng thống cho chúng ta niềm vui bất ngờ. Bận trăm công nghìn việc liên quan đến quốc gia đại sự, Ngô tổng thống vẫn giành lòng ưu ái đối với vùng đất xa xôi nầy… Thưa quý vị, Ngô tổng thống đang cắt băng khánh thành… Thưa quý vị, Ngô tổng thống bước giữa hàng rào danh dự, theo sau chúng tôi thấy có ông Bộ trưởng cải cách điền địa Đỗ Văn Công, Trung tá tỉnh trưởng. Chúng tôi ghi nhận sự có mặt của Đại tá Phạm Xuân Chiểu, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.. Và, thưa quý vị, dân biểu Trần Lệ Xuân, tức phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu đang phủ dụ những phụ nữ và trẻ em người Thượng. Thưa quý vị, tổng thống đang hướng về lễ đài. Người dừng lại trước các cụ bô lão Bana, nhận một ngà voi rất to. Thưa quý vị khán giả, tổng thống lại nhận quyết tâm thư của trẻ em học sinh người Mơnông… Thưa quý vị, tổng thống đang gần tới lễ đài… (người xướng ngôn bỗng la hoảng: “Cái gì? Súng nổ hở?”. Tiếng kêu la náo loạn chừng một phút. Đài phát thanh ngừng phát. Sau đó chừng hai phút, đài chơi một bài hành khúc).
Quý thính giả thân mến, mời quý vị nghe diễn từ của tổng thống…
Báo cáo của thiếu tá Vọng gởi thiếu tướng Mai Hữu Xuân:
“Thiếu tá Hùng sẽ trình bày miệng rõ ràng hơn với thiếu tướng. Em xin phép ở lại Ban Mê Thuột vài hôm để làm sáng tỏ một số quan điểm quanh vụ ám sát.
Ông cố vấn Ngô Đình Nhu “đi săn” trước khai mạc hội chợ một hôm. Thiếu tá Nguyễn Thành Luân tháp tùng ông cố vấn. Bác sĩ Trần Kim Tuyến và đại tá Phạm Xuân Chiểu cũng vậy (Nhưng hai người sau trở về Ban Mê Thuột ngay buổi chiều trong ngày và họ họp gần suốt đêm với cơ quan an ninh địa phương, và đại tá Nguyễn Thế Như). Đêm đó, tại biệt điện, có dạ vũ kéo dài tận quá nửa đêm. Trung tướng Andre “nghỉ” tại biệt điện. Hoàng Thị Thùy Dung, người yêu của thiếu tá Luân, từ sau khi thiếu tá Luân “đi săn”, ở lỳ trong biệt điện, chỉ ra khỏi ngõ cùng bà cố vấn đón tổng thống và dự lễ khai mạc hội chợ. Trung tướng André dậy trễ, mãi hơn 8 giờ sáng, ông mới vào cổng hội chợ, sau khi tổng thống đã cắt băng.
Hung thủ đứng trong hàng dân chúng ngay tại hàng rào danh dự, cạnh lễ đài. Thông thường số người nầy được lựa lọc rất kỹ. Khi tổng thống sắp bước lên lễ đài, hung thủ vẹt người lính của lữ đoàn phòng vệ, chĩa súng vào tổng thống, bóp cò. Bấy giờ, tổng thống đi bên trái, bộ trưởng Đỗ Văn Công đi bên phải, bước sau tổng thống nửa bước. Đạn trúng ông bộ trưởng. Nhưng súng chỉ nố có hai phát. Ông Công ngã xuống, còn tổng thống thì khom người. Nếu súng không bị kẹt thì tổng thống khó thoát. Hơn nữa, nếu hung thủ sử dụng loại tiểu liên mạnh – loại Mas-49 tầm sát thương không quá 10 thước – thì nội vụ đã khác rồi. Cũng dễ hiểu: với khẩu súng Mas, người ta dễ giấu hơn vì kích thước nhỏ của nó.
Cảnh hoảng loạn kéo dài chừng 2 phút. Khi đại tá Nguyễn Thế Như, Phạm Xuân Chiểu, trung tá Vũ Xuân Quang và bác sĩ Trần Kim Tuyến vực tổng thống dậy, làm hàng rào che cho tổng thống và đưa ông lên lễ đài, không khí vẫn hết sức căng thẳng.
Em có dự vào việc bắt hung thủ. Hung thủ trẻ, khỏe, khoác áo mưa quân dụng, ngực đeo phù hiệu nhân viên làm việc trong hội chợ. Chắc hắn quyết giết tổng thống, nhưng may cho tổng thống là có ông bộ trưởng Công che.
Sự việc xảy ra rất lẹ. Em đứng cách hắn mươi thước, ở phía đối diện. Thú thật, không ai ngờ hắn len lỏi đến cạnh lễ đài là nơi sơ hở nhất. Sở dĩ em xông tới là vì tổng thống không hề hấn sau hai phát súng. Nói cho đúng, hung thủ không thể bị bắt nếu hắn chạy ngay lúc náo loạn hoặc ném trái lựu đạn mà hắn thủ trong lưng. Hắn đánh người lính phòng vệ, mục đích cướp khẩu Thompson của tay nầy. Khi em định vọt tới chỗ hung thủ thì có hai người ôm cứng em. Em phải vùng vẫy kịch liệt mới thoát. Nhân hung thủ giằng co với người lính, em đánh vào lưng hắn. Em kịp khóa tay hắn, bằng không hắn đã cho nổ trái lựu để cả em và hắn cùng chết. Tóm lại, một gã gan lì.
Sau đó, người ta lôi hắn vào phòng an ninh bảo vệ hội chợ. Họ tách em khỏi hắn. Hình như hắn được hỏi cung tại chỗ. Người hỏi cung là bác sỹ Tuyến và đại tá Chiểu – chỉ có hai người. Cái gì tiếp theo, em không rõ.
Phần em, em được đại tá Nguyễn Thế Như khen ngợi, mời em và người lính phòng vệ - một chuẩn úy, tên Hoàng Duy Bảo – đến chỉ huy sở phòng vệ bên trong biệt điện nghỉ ngơi, khoản đãi… Nhưng, giữa trưa, bác sỹ Tuyến gặp em. Ông ta hỏi nhiều điều mà em cảm thấy ông ta không tin em bắt hung thủ vì nhiệm vụ. Em xuất trình công vụ lịnh của nha ta, ông vẫn cật vấn: Tại sao em lên Ban Mê Thuột? Tại sao em mang súng ngắn trong người mà không có giấy phép đặc biệt. Em giải thích: thiếu tướng giám đốc nha không được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống trong chuyến đi nầy, song vì phận sự, phái em lên Ban Mê Thuột; em đã trình diện với trung tá Vũ Xuân Quang và liên lạc với thiếu tá trưởng an ninh quân đội tiểu khu; thiếu tá giám đốc nha không yên tâm lắm, đoán là có thể có hành động phá hoại, em luôn để mắt quan sát chung quanh, phát hiện hung thủ khi hắn chưa bấm cò, song vì ở xa, không can thiệp kịp…
Bác sĩ Tuyến ghi âm lời khai của em – Ông nói: Nếu đúng như vậy, tại sao ông Xuân không bảo anh gặp tôi hay đại tá Chiểu? Ông ta hỏi khéo em. Em trả lời: thiếu tướng tin là sự bố phòng đã chặt, nhưng cần chú ý những chỗ sơ hở, hoạt động của nha chỉ là bổ xung thêm công việc của sở nghiên cứu chính trị, tổng nha cảnh sát và lữ đoàn phòng vệ; vả lại, em ở cấp thấp, không dễ gặp ông bác sĩ.
Tới chiều, người ta cho em ra ngoài tự do. Em trao đổi với thiếu tá Hùng chưa lộ diện – và viết thư này trình thiếu tướng.
Tình hình như vậy, thiếu tướng tùy cơ ứng biến.
Có một chuyện nữa, em trình luôn: em và thiếu tá Hùng gặp Ly Kai trên nầy. Hình như nó đánh hơi cái gì đó, sục sạo nhiều chỗ. Nó hỏi em: bộ nắm được tin mật đặc biệt sao mà mò lên Ban Mê Thuột?
Đề nghị thiếu tướng bàn với thiếu tá Hùng xác minh tên Phúc có phải là nhân viên Ty công dân vụ Tây Ninh không và tranh thủ ra tay trước: tóm những đứa nào dính với tên Phúc. Đồng thời cũng điều tra thêm tin tức của bọn Ly Kai.
Mong thiếu tướng thận trọng. Đáng lẽ em viết thư theo quy ước, song gấp quá, xin thiếu tướng đừng quở. Thiếu tá Hùng có cách giấu kín thư, nên em mới dám gửi…
Những điểm ghi chú trong sổ tay của James Casey:
1) Nhu có vẻ biết trước. Ông ta không về ngay Ban Mê Thuột mà ngủ lại Buôn Hồ.
2) Tại sao Nguyễn Thành Luân không đưa Thùy Dung theo? Muốn sửa soạn trước bằng cớ cho sự vô can?
3) Tại sao lại là tiểu liên Mas-49, do Pháp sản xuất?
4) Trung tướng André tình cờ lên Tây Nguyên hay lên để sáng hôm đó đọc ở Đài phát thanh Ban Mê Thuột một tuyên cáo lật đổ khi ông Diệm chết?
5) Tại sao bác sĩ Tuyến giữ liền viên thiếu tá an ninh quân đội, người có công bắt hung thủ? Tại sao ông ta có vẻ không vui khi hung thủ bị bắt? Không vui vì hung thủ bị bắt hay vì kẻ bắt hung thủ là người của Mai Hữu Xuân?
6) Thông cáo đầu tiên đã nói toạc địa vị trong cơ quan nhà nước của hung thủ. Tại sao? Hơi không bình thường..
7) Tại sao Nhu ra lệnh mang hung thủ về Sài Gòn ngay và không cho cơ quan tình báo Mỹ dự vào việc khai thác?
Điện văn của tổng thống Mỹ:
Sài Gòn (VTX, 23-2) tổng thống Việt Nam Cộng hòa vừa nhận được điện của tổng thống Mỹ, Eisenhower, sau đây là nguyên văn: Rất xúc động khi nghe tin tổng thống bị ám sát hụt, chính phủ Mỹ và cá nhân tôi lên án gay gắt những hành động ngu xuẩn như vậy, chỉ có thể là sản phẩm của bọn cuồng tín Việt Cộng, hốt hoảng vì mất chân đứng ở xứ sở của Ngài - xứ sở mà Tự do đang thắng thế. Tôi cam đoan với Ngài về sự ủng hộ kiên quyết, vững vàng của chính phủ và nhân dân Mỹ. Chúng ta hãy cảm ơn Chúa – D. Eisenhower, tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
… Một điện văn, cũng gửi ngày 23-2, với lời lẽ tương tự của tổng thống Pháp René Coty được Việt tấn xã công bố ngày 1-3, trễ đúng một tuần lễ.
°
Sau sự kiện Ban Mê Thuột, Ly Kai hấp tấp trở lại Sài Gòn.
Gã gặp Lâm Sử.
- Ngay từ đầu, tôi đã chú ý hai tên thiếu tá an ninh quân đội mặc thường phục, lai vãng trong và quanh hội chợ. - Ly Kai tường trình – Tôi biết mặt một trong hai tên đó, có chùm lông trên má, song không biết tên. Phần Nguyễn Thành Luân, tôi cho người bám, y ta chỉ đi dạo vòng quanh hội chợ với cô vợ chưa cưới, rồi đi theo Nhu luôn. Cô vợ chưa cưới lại chỉ ở trong biệt điện. Ve vãn cô ta là một đại úy không quân, cùng nhảy với cô ta, hình như không có hò hẹn gì tiếp theo. Tôi cho bám gã đại úy – hắn như thất tình, uống rượu suốt ngày trong quán. Khi súng nổ, hắn còn ngủ. Tôi cũng cho bám André. Lão nầy chui vào biệt điện tới sáng, gần giờ khai mạc mới có ở cổng chính. Nghĩa là theo phép loại trừ, tôi kết luận hai tên an ninh nhất định giở trò. Tôi lập tực báo bằng điện thoại với bác sĩ Tuyến. Nhưng, bác sĩ Tuyến bận ra sân bay. Tôi xin được nói chuyện với bà Nhu. Bà Nhu cũng ra sân bay luôn. Tôi đành nói chuyện với đại tá Chiểu. Ông nầy vốn không ưa tôi, nên nghe xong ông ta trả lời lạnh nhạt: cám ơn, tôi sẽ chú ý…
Tôi dặn người của tôi không được rời hai tên an ninh quân đội. Khi ông Diệm cắt băng xong, tôi đã nhận được một trong hai tên đứng gần lễ đài. Sau lưng gã, hai người của tôi đã sẵn sàng. Súng nổ, không phải từ hai gã an ninh quân đội mà từ một gã thứ ba. Nhưng gã an ninh quân đội lai vào chỗ ông Diệm. Người của tôi giữ gã, gã khá khỏe, đánh bật được.. Gã lại lao vào đánh quỵ gã thứ ba – gã bắn súng. Mọi việc là như vậy…
Lâm Sử vui hẳn:
- Hẩu! Ông Diệm không chết. Còn nội bộ họ ra sao, ta theo dõi cho sát… Tôi khen ông làm việc có uy tín, rất xốc vác…
Dương Tái Hưng không lộ ra là ông ta có thích hay không thích sự kiện ở Ban Mê Thuột, chỉ hỏi:
- Nghĩa là theo ông, Nguyễn Thành Luân không liên can đến vụ ám sát?
- Tôi nghĩ như vậy…
- Tiếc quá!
Dương Tái Hưng chép miệng, Ly Kai không hiểu ông ta tiếc cái gì.
°
... Cô Ba Norton – do chị lái mô tô Norton mà cũng do tướng tá dềnh dàng của chị nên có tên đó – theo dõi mọi diễn biến từ một nhà sàn trưng bày các loại dụng cụ đan lát, cách lễ đài chừng 50 thước.
Bây giờ đích xác là Diệm khai mạc hội chợ rồi. Hắn xuống xe – chiếc xe Ford, được lính hộ tống dầy đặc – tươi cười bắt tay số người đón hắn. Máy ảnh, máy quay phim hoạt động rộn ràng. Trong số các phóng viên có một cô gái lai Âu, bao giờ cũng rình chụp những cảnh không đẹp lắm: Sự vụng về của các trẻ em dâng hoa, vẻ lếch thếch của ngừơi Thượng…
Cô Ba nhận ra Phúc trong số người lố nhố gần lễ đài. Tới giờ nầy, chưa lộ một dấu hiệu sơ xuất nào. Phúc lên Ban Mê Thuột theo đoàn công vụ Tây Ninh – Bộ ra lệnh mỗi tỉnh có người Thượng phải cử một đoàn công dân vụ gồm các nhân viên tín cẩn nhất để lo việc hướng dẫn số người Thượng của tỉnh đi dự hội chợ, để tuyên truyền và làm các việc trong phần thông tin. Tây Ninh đưa 60 người Stiêng – dân tộc ít người trong tỉnh – lên hội chợ do phó tỉnh trưởng nội an dẫn đầu. Cô Ba, người thầu dựng gian hàng Tây Ninh bày các gùi, sọt, sáo bằng tre mây – kêu là sản phẩm của người Stiêng. Nhờ vậy, cô chuyển được khẩu Mi Mas và một quả lựu đạn. Cô giao cho Phúc sáng hôm nay.
Người từng trải như cô – cô sống ở vùng tự do trong kháng chiến: chịu nhiều bom đạn, càn bố mãi – mà vẫn hồi hộp. Cái phút định đoạt sắp tới rồi…
Tốp lính phòng vệ quay lưng về phía con đường mà Diệm sẽ theo đó lên lễ đài. Súng lăm lăm, toàn là Thompson và tiểu liên trang bị cho lính dù. Gay go đa! Phúc bĩnh tĩnh ngóng theo bước đi của Diệm, gần như giáp mặt với tên phòng vệ phủ tổng thống. Cô Ba ước lượng: tên lính (hay sĩ quan) nầy khá lớn con.. Phúc phải xử trí làm sao?
Diệm bước nhanh. Cô Ba nín thở. Nhưng, Diệm rẽ ngoặt vào đám học sinh. Hắn nhận hoa, vuốt tóc mấy em.
Diệm đi tiếp. Gần lắm rồi. Nhưng, hắn lại tạt vào đám người Thượng lớn tuổi, dừng hơi lâu… Rồi, hắn đi tiếp…
Phúc đã vẹt người lính phòng vệ, ngoi hẳn ra ngoài. Cô Ba cắn răng kêu thầm: Bắn!
Khẩu Mas thò ra khỏi áo mưa. Rõ ràng, tên lính phòng vệ sững sờ… Bắn! Cô Ba lại thét – thét không thành tiếng.
Phúc đã bắn. Cô Ba nghe hai phát Mas nổ giòn. Có người ngã. Ai? Diệm ngã với một người nữa. Náo loạn. Bắn tiếp! Cô Ba giục. Nhưng hình như súng hư. Ai lom khom kia? Diệm! Hắn còn sống. Hắn không bị thương. Xui xẻo thật! Chạy đi! Cô đã thấy tình hình xấu rồi. Nhưng Phúc lại giằng co với tên lính phòng vệ. Nó muốn giựt súng! Cô Ba than thầm: Rồi!...
Không kềm được nước mắt trên chiếc Norton, cô lái như điên dại về một điểm hẹn…
°
Lễ tạ ơn cử hành trọng thể tại nhà thờ Đức Bà. Vị giám mục rao giảng một đoạn kinh Thánh. “Người nào cai trị loài người cách công bình, cách kính sợ Đức chúa Trời thì sẽ giống như sự chói lòa buổi sáng khi mặt trời mọc…” Đó là sách thứ nhì của Samuel, điều 23, bài ca chót của David.
Fanfani hỏi khẽ Luân:
- Đức giám mục chọn đoạn kinh này, hẳn có ngụ ý?
- Tôi chưa thấy ngụ ý đó. – Luân trả lời, hơi cười.
- Người thông minh như ông mà không thấy, lạ thật. Giữa lúc tổng thống bị ám sát hụt, giám mục giảng về sự cai trị công bằng để có anh sáng chói lòa mặt trời buổi sáng. Phải chăng giám mục muốn răn tổng thống?
Tất nhiên, Luân thấy vị giám mục này được Nhu đánh giá như là con người chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, không thích Mỹ và cộng thêm lý do địa phương – ông là người Nam Bộ - không thích đồng đạo di cư. Theo Luân và đây là ý kiến riêng, anh chỉ trao đổi với Dung – ông giám mục cùng một số linh mục không lún quá sâu vào chỗ điên cuồng chống Cộng, chống Việt Minh, chống những người yêu nước. Bản thân họ, theo các tài liệu mà Luân có, từng giữ một quan hệ nhất định, tất nhiên là kín đáo và rụt rè, với các linh mục kháng chiến như Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh v.v… dù Khâm sứ tòa thánh nghiêm cấm. Giám mục, trong sự cố lớn nầy, e ngại một cuộc trả thù và đó là lý do của bài giảng hôm nay.
- Tôi là người chứng kiến vụ Ban Mê Thuột từ đầu tới cuối. Tôi có nhiều bức ảnh vô giá! – Fanfani khoe – Phần ông, tiếc là không có mặt tại hiện trường. Chỉ có bà Thùy Dung, – giọng Fanfani bỗng chua chát – bà có mặt, song bà ấy còn cách khá xa tổng thống.
- Tôi đọc bài báo của cô. – Luân lái câu chuyện về hướng khác – Sắc sảo! Cô là một nhà báo có tài…
Fanfani sung sướng, má ửng đỏ, mắt long lanh.
- Được ông khen, tôi hết sức hân hạnh…
- Tôi nói thật… Nhưng, có người không đồng tình với ý kiến của cô. Người ta cho bài báo chứa nhiều nhận định chính trị, cố tình lái dư luận vào nội bộ chế độ..
Fanfani cười.
- Tôi yên tâm! Trong những người không đồng tình với tôi không có mặt kỹ sư Luân. Và…
Fanfanie liếc Luân, cười mỉm:
-… Tôi mừng tổng thống thoát nạn, đồng thời mừng ông bình an!
Thấy Luân cau mày, Fanfani luyến thoắng.
- Người đa nghi nhất cũng bắt buộc phải loại ông ra khỏi những phần tử cần kiểm tra sự dính líu vào vụ Ban Mê Thuột!
Luân nhún vai. Fanfani nói, như không tính trước:
- Ông Nhu và ông gặp Eban, tôi lại không được cưỡi voi với các ông, ổn thỏa cả chớ?
- Thiếu tá James Casey nắm diễn biến của câu chuyện tận những ngóc ngách mà tôi không thể nào hiểu hết.
Fanfanie phật ý. Cô cắn môi. Luân cũng nhận ra mình thô bạo với một cô gái, xét chung, cảm tình với mình.
- Xin lỗi Heléne! – Luân siết nhẹ tay Fanfani.