Ván Bài Lật Ngửa

P2 - Chương 16

Hai cứ điểm Bình Xuyên giữa lòng thành phố chống trả kéo dài tận ngày 10-5. Bót Catinat đầu hàng với ngót trăm Công an xung phong. Còn quán Théophile đường Legrand de la Liraye thì quân chính phủ chỉ tiếp nhận một ngôi nhà trống rỗng, toàn bộ binh sĩ Bình Xuyên và vũ khí không cánh đã bay mất.

Rừng Sác, mãi đến cuối tháng 10, mới im tiếng súng qua chiến dịch mang tên Hoàng Diệu do đại tá Dương Văn Minh và trung tá Nguyễn Khánh phụ trách. Bản thống kê được Bộ thông tin thêm thắt vẫn rất nghèo nàn. Nghĩa là cả nghìn binh sĩ Bình Xuyên không chịu theo Bảy Viễn xuống tàu sang Pháp sống lưu vong, không chịu nạp mạng cho chính phủ, đã vượt sông Soài Rạp. Dưới quyền chỉ huy của Bảy Môn, nguyên là tham mưu trưởng Bình Xuyên, thay Thái Hoàng Minh đầu hàng Diệm – lực lượng Bình Xuyên xây dựng cơ ngơi mới trên vùng rừng miền Đông hiểm trở.

Đó là việc sau.

Đã 5 ngày rồi, Luân không gặp Nhu. Nhu hai lần gọi Luân. Luân hai lần cáo bệnh. Nhu thừa biết Luân phản ứng sau cái chết của Ngọc.

- Có lẽ bày tỏ thái độ với hắn như vậy là đủ. - Luân bảo Dung khi hai người ăn sáng: đã thành lệ, ngày nào Luân cũng ăn sáng với Dung hoặc ở chỗ Dung; hoặc ở chỗ Luân – Hôm nay, tôi phải gặp hắn.

Càng lúc, Dung càng khâm phục Luân. Quanh vụ Ngọc, lúc đầu Dung lo lắng, về sau yên bụng: Luân tính toán rất chặt chẽ đâu vào đó. Lần lần, Dung học được ở Luân cung cách xử lý các tình huống với một thái độ rất chủ động. Cái gì không cần phải giả tạo trước kẻ thù, Luân sống đúng như thói quen và cảm nghĩ của anh. Cung cách đó giảm tối đa những sơ hở thường dễ vấp, để dồn tâm lực cho vai kịch đạt trên tổng thể. Luân phản ứng ra mặt về cái chết của Ngọc là từ thâm tâm. Thật nguy hiểm nếu anh làm khác, với Ngô Đình Nhu, đó là anh tự thú.

Anh đi nhà thờ không quá ít như Nhu, song cũng không quá cần mẫn, xét chung là vừa phải đối với một trí thức giữ tín ngưỡng ở mức một nhu cầu văn hóa hơn là một sùng tín.

Chưa bao giờ Luân giảng cho Dung nghe có hệ thống công tác tình báo chiến lược trong lòng địch, song Dung vẫn rút ra những kinh nghiệm qua họat động thực tiễn của Luân mà cô cho là bổ ích.

Nhận công tác với Luân, lúc đầu Dung vì nhiệm vụ - không thể để cho cả một kế hoạch mà cấp trên, trong đó có chú Thuận của Dung, bỏ bao nhiêu công sức rồi phải thay đổi. Đóng “cặp đôi” với một người xa lạ, Dung khó chịu trong lòng. Điều cô tự trấn an là: Màn kịch thôi, gì mà sợ chứ?

Gặp Luân, cô vồn vã bên ngoài. Thật ra, cô không thích tên Robert của Luân. Cô yên trí Luân, tuy là cán bộ, không phải hạng nghiêm chỉnh. Cô nhủ thầm: phải coi chừng anh ta. Chỉ vài ngày gần gũi, cô phát hiện ra trong Luân có hai lối sống tách biệt: với kẻ thù và giữa hai người. Có lẽ Luân thèm khát lối sống chân thật cho nên từ khi có Dung, anh tươi tỉnh hẳn, Dung quan sát sở thích của Luân về ăn mặc – tất cả đều giản dị, nếu không nói là hơi lè phè.

Luân không bao giờ uống rượu ở nhà; anh hút loại thuốc lá nhẹ giá trung bình. Thói quen của Luân lại là những bữa cơm có rau, có cá. Bao giờ Luân cũng giữ một khaỏang cách với Dung khi hai người gặp riêng. Rõ ràng anh hài lòng về Dung – một cộng sự, một đồng chí.

Có lần, Dung định nói rõ với Luân về mối quan hệ giữa hai người – cô bắt đầu e ngại về tương lai của nó. Thà nói rõ với Luân để hai bên cùng giữ gìn cái lằn mức mà hai bên đã thỏa thuận. Chẳng hạn, cô sẽ đề nghị Luân trước sau nên xem Dung là đứa em gái. Nhưng cô chần chờ. Chẳng có thể giải nghĩa rành rọt về sự chần chờ của cô.

“Nhỡ anh ấy buồn thì sao?”.

Dung tự biện bạch. Từ một chỗ nào rất kín đáo trong Dung có tiếng nói là lạ:

“Nhỡ chính mình không giữ được lằn ranh thì sao?”.

Hôm Công an xung phong bắt cô ở Nha Cảnh sát, giữa lúc nguy nan, người mà Dung nhớ lại là Luân. Cô đã dám giới thiệu với Lại Văn Sang cô là “vợ” của Luân. Tất nhiên, cô đóng kịch, song cô không thấy một chút ngượng ngập khi lần đầu tiên nói đến tiếng “vợ” kỳ cục đó. Và cô cũng không hối hận mình đã bạo mồm.

Dung gặp Luân tại góc đường Nguyễn Tấn Nghiệm. Luân đứng cạnh xe, chăm chú tìm kiếm. Có lẽ Luân nhận ra cô trước. Cho nên, khi cô còn cách Luân đến cả trăm thước – giữa một dòng người nhốn nháo, Luân đã vẫy cô và lao tới. Tận bây giờ, Dung không hiểu cái gì xô Dung ngả vào Luân và – Luân ghì nhẹ đầu Dung vào ngực anh – cô đã khóc nức nở.

Trên xe, Lục bảo Dung:

- Ông kỹ sư tinh mắt thật, chúng em chưa trông thấy cô mà ông đã reo: Dung kìa!

Lòng Dung rộn lên một thứ sung sướng mà cô chưa từng biết. Cô nhìn tóc Luân thêm nhiều sợi bạc. Trong các sợi bạc đó, Dung quả quyết có sợi là của cô.

Trong một thời gian tương đối ngắn, Dung khám phá ở Luân những đức tính mà chính chúng đã kéo Dung gắn bó với Luân. Có vẻ như khám phá ra Luân đồng thời Dung cũng tự khám phá. Đôi khi, Dung bỗng sợ bâng quơ: vì một lẽ nào đó cô và Luân không làm việc chung với nhau nữa…

- Em chỉ ngại anh không tự kiềm chế. - Dung bảo khẽ.

- Chúng nó giết anh Ngọc, một phần là để uy hiếp tôi… Anh Ngọc, ngay khi sắp chết, vẫn cố làm điều tốt cho đồng đội. Một mối thù lớn. Song, tôi đủ tỉnh táo biết mình phải làm gì để trả thù cho anh Ngọc, cho hàng nghìn, vạn đồng chí, đồng bào – trả thù đúng với cái nghĩa rộng lớn của nó.

°

- Quán Théophile trống rỗng. Không có đường ngầm. Không thể đi trên mái nhà. Quân đội canh gác khắp ngõ ngách. Kỳ lạ thật!

Nhu vừa bắt tay Luân vừa nói luôn điều anh ta bực bội. Đó cũng là cách anh ta giả lả với Luân. Luân nghĩ là không nên nhắc lại vụ Ngọc trong trường hợp này. Nhưng, chính Nhu nhắc:

- Còn vụ giết ông Ngọc, tôi phải làm sáng tỏ. Đã sáng tỏ. Thằng thiếu tá Hùng tự tiện. Không có lệnh của ông Đắc, ông Lễ. Tôi giao nó về bên an ninh quân đội sửa trị. Nó là sĩ quan biệt phái…

“Nếu quả đúng như lời Nhu, thì vụ này dính tới Mai Hữu Xuân.” – Luân nghĩ thầm.

- Tôi không giấu anh về quyết định kết án ông Ngọc. Song, tôi muốn đưa ông Ngọc ra tòa vì tội của ông ấy cộng tác với Bình Xuyên…

- Vụ quán Théophile đặt cho chúng ta một câu hỏi nghiêm trọng. – Luân giả như tin lời Nhu. - Chắc chắn công an xung phong theo đường Legrand de la Liraye lội qua rạch Thị Nghè. Từ Thị Nghè, họ có nhiều ngã thoát khỏi Đô thành … Đơn vị nào gác các đường Pierre, Luro, Sở Canh nông?

- Tôi đã thẩm tra: Đơn vị Dù.

Luân trầm ngâm rất lâu.

- Có phải anh thấy mối uy hiếp chúng ta cao hơn, với sự liên ca của lính Dù?

- Ông Cao Văn Viên là người thế nào? – Luân hỏi tiếp.

- Theo hồ sơ, Viên sanh ở Lào. Cha mẹ ông đều là người Việt. Nhưng ông lại có nét lai Pháp. Không một bằng chứng nhỏ nhào ông thân Bình Xuyên.

- Còn dưới quyền ông Viên?

- Tất nhiên, phức tạp. Bác sĩ Tuyến đang thẩm tra tiếp. Tôi ngại… - Nhu ngần ngừ không nói hết.

- Anh ngại anh Ngọc đã bố trí vụ này, phải không?

Nhu gật đầu, Luân cũng cảm thấy hình như chính Ngọc thảo kế hoạch cho toán Công an xung phong quán Théophile. Họ không rút qua Thị Nghè mà qua Cầu Kinh, từ Bình Quới Tây vượt sông Thủ Đức…

- Thú thật, tôi không rõ hành động của anh ngọc. Dù cho anh Ngọc bố trí, việc vẫn là: tại sao lính Dù để hàng trăm người với vũ khí tẩu thoát khỏi quán Théophile. Cái nút là ở chỗ đó.

Nhu rít thuốc liên hồi.

- Tôi sẽ cho thanh lọc lính Dù!... Còn một vụ nữa, là bài báo của con mụ Fanfani về cái chết của Trịnh Minh Thế. Mụ viết lập lờ, vô hình trung đặt nghi vấn Thế chết không hẳn do Bình Xuyên. Mụ còn nói đã gặp anh, anh đang khóc. Tôi chưa cho chuyển bài của mụ, song phải giải quyết sớm, kẻo mụ lại tru tréo. Bọn UPI, AP, AFP, Reuter.. có thể làm rùm lên quanh cái “tự do báo chí”… Anh quen với mụ Fanfani à? À, mà anh có khóc khi nghe tin Thế chết không?

- Có, tôi có khóc! – Luân trả lời.

Nghe Luân xác nhận, Nhu cười bí hiểm.

- Tôi không khóc Trịnh Minh Thế. Chẳng thể nào tôi khóc như vậy được. Tôi khóc vì lí do khác. Mụ hiểu lầm.

- Ra là vậy! – Nhu không cười nữa, anh ta có vẻ vừa vồ hụt.

- Tôi biết anh khóc vì cái gì rồi! Thôi, tôi chỉ muốn anh ngăn giúp mụ Fanfani đừng gửi bài đó, hoặc có gửi thì sửa vài đoạn.

- Tôi sẽ thử điều đình với Fanfani xem. Không hy vọng nhiều!

Luân từ giã Nhu.

- Chính phủ Mỹ vừa thông báo sẽ cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Frederich Rheinardt thay tướng Colins, chính phủ Pháp cũng sẽ cử Henri Hoppenot thay tướng Ely… Màn quân sự hạ, tới màn dân sự!

Nhu đưa Luân ra cửa, nói thêm.

°

Ngày 10-5, chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ “nhẹ”. Chẳng qua là việc làm hình thức – nhiều thành viên của chính phủ từ chức trước đó và đã có người thay thế rồi. Tuy vậy, việc làm hình thức vẫn cần thiết về chính trị: danh sách chính phủ do Thủ tướng ký mà không cần ghi là “Thừa lệnh Quốc trưởng”. Tiếp liền, Nguyễn Văn Vĩ bị cách chức tổng thanh tra quân đội, lột quân hàm thiếu tướng, bị truy tố ra tòa cùng với Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Thành, đại tá Tuyên, đại tá Lại Văn Sang... và nhóm cố vấn Bình Xuyên – số này đầu thú khi quân đội chiếm Tổng hành dinh Bình Xuyên. Ngự lâm quân bị xóa sổ.