Ván Bài Lật Ngửa

P2 - Chương 11

Ngô Đình Nhu đang đọc sách. Quyển sách nhan đề “Ambassador on spécial mission” (1) của Huân tước Samuel Hoare, đại sứ Anh ở Tây Ban Nha trong Thế chiến thứ hai. Nhu đọc say sưa, thỉnh thoảng gạch dưới dòng bằng bút chì đỏ.

Có tiếng động, cửa nối liền phòng làm việc với phòng ngủ mở.

Trần Lệ Xuân đứng trước tấm kín lớn, ngắm chiếc áo hở cổ và búi tóc cực to quấn cầu kỳ trên đỉnh đầu mụ ta.

Nhu không ngẩng đầu nhìn vợ. Lệ Xuân cũng không chào chồng.

Khi tay Lệ Xuân đặt lên nắm đấm – mụ sắp ra ngoài – thì Nhu, mắt không rời trang sách, hỏi trỏng:

- Đi đâu?

Mặt Lệ Xuân sa sầm. Mụ quay quắt nhìn Nhu, như cướp được cơ hội tuôn hết bao nhiêu ấm ức:

- Đi với André!

- Để làm gì?

- Để làm những gì tôi thích!

Bây giờ thì Nhu rời quyển sách. Anh ta châm thuốc, tay lẩy bẩy, môi dường như tái hơn.

- Còn muốn rõ điều gì nữa không? – Lệ Xuân hỏi khiêu khích.

Rồi mụ nhảy xổ đến trước Nhu, một chiếc dép trật khỏi chân mụ, mụ trút nốt chiếc kia:

- Vì ai mà tôi phải chiều chuộng Bảo Đại, thằng Hinh? Vì họ Ngô!… Biết chưa? Ai xốc vác cơ ngơi nhà chồng từ dưới đất đen đặt vô dinh Độc Lập nầy? Anh nói coi nào?

Lúc giận dữ, Lệ Xuân phát tiết hết những cái ẩn tàng bên trong người đàn bà đẹp người nhưng sống trong sự nuông chiều từ tấm bé, kiêu căng và thực tế kém văn hóa. Mặt mụ long lên, hai tay chống vào hông, như sắp xé Nhu ra trăm mảnh:

- Tôi chỉ hỏi cô: tại sao cô phải gặp André?

Nhu, dù bối rối, vẫn cố giữ phong độ một gã đàn ông.

- Sao anh không hỏi luôn mọi chi tiết? Tôi nói cho anh hay: Hôm nay, tôi đi tắm biển với André, chúng tôi ăn và nghỉ trưa ở Long Hải, chiều tối cùng dự bal ở Câu lạc bộ sĩ quan – bal kéo dài suốt sáng, tối thứ bảy mà… Còn tại sao tôi phải gặp André? André hào hoa. Anh ta hầu hạ tôi như tôi cần! Đủ chưa? Anh muốn xem ảnh tôi và André chụp không?

Lệ Xuân nói một thôi. Giọng Bắc pha của mụ thật đanh đá. Mấy lần Nhu toan đưa tay lên ôm đầu, nhưng lại thôi. Có lẽ nét mặt đau khổ của chồng khiến Lệ Xuân bất nhẫn. Mụ hạ giọng:

- Hơn ai hết, anh hiểu tôi không vì thú vui mà phải tất bật với lũ đó…. Đứa nào đụng đến da thịt tôi, không mất mạng cũng tán gia bại sản… Anh muốn làm lãnh tụ thì đừng học thói ghen!

- Nhưng mà, dư luận về cô…

Lệ Xuân cướp lời Nhu:

- Làm như tôi điếc vậy…. Bọn ăn không ngồi rồi, bọn đâm thuê chém mướn, bọn chuyên tò mò chuyện riêng của người khác bằng cách dòm qua lỗ khóa, bọn đó bôi vấy tôi đủ điều. Nào tôi ngủ với Bảy Viễn, nào tôi hò hẹn với Paul Ely. Chúng ghép tôi cả với Năm Lửa, Nguyễn Thành Phương, Trịnh Minh Thế… Thậm chí, chúng bịa chuyện tôi tằng tịu với anh Diệm… Tóm lại, chúng cho tôi là con điếm.

- Miệng lưỡi thiên hạ.. – Nhu lắp bắp

- Anh định thế nào? Chỉ muốn nắm một phần quyền ở đây thôi sao? Với chúng ra, rien ou tout (2) chứ không ngập ngừng. Trong số sĩ quan do Pháp đào tạo, ai còn ảnh hưởng lớn nhất, sau khi tướng Hinh xuất ngoại? Có phải André không? Ông Tỵ ăn thua gì. André mà quay lưng về phía chống đối: các lực lượng chính quy sẽ án binh bất động. Trong điều kiện như vậy, mấy tiểu đoàn dù của ta thừa sức trấn áp bất kể nhóm phản loạn nào… Đó, tôi phải đi với André là vì vậy…

Nhu thừ người. Trang sách vô tình đặt trong tầm mắt Lệ Xuân. Mụ bất chợt cầm quyển sách.

- Anh đang đọc Samuel Hoere, sao không gạch đỏ câu đề tặng nầy: “A ma femme, qui fut la campagne fidèle et compréhensive de ma vie politique et sans qui nul chapitre de ma carriere n’aurait pu connaître le succès” (3).

Lệ Xuân đặt quyển sách xuống, ghé lên thành ghế; vuốt tóc Nhu:

- Nói đùa với anh, em đi gặp bà Bút Trà, ngày mai mới có hẹn với André. Anh không tin em sao?

Nhu ngồi im, không hiểu để suy ngẫm cái giá mà anh ta phải trả cho cuộc chinh phục quyền lực hay để tận hưởng sự âu yếm của vợ…

Có tiếng gõ cửa. Nhu trỏ hai chiếc dép lăn lóc trên sàn để Lệ Xuân lấy lại tư thế. Người hầu gái vào:

- Thưa ông bà, ông kỹ sư Nguyễn Thành Luân xin gặp…

- Mời ông ta! – Nhu ra lịnh.

Khi người hầu gái khép cửa, Lệ Xuân hỏi:

- Thằng Cộng sản nầy thế nào rồi.

- Nó vẫn như em nói! Một thằng Cộng sản… Nhưng thật may, chất Cộng sản của nó đang loãng dần. – Nhu với tay lấy trong hồ sơ bức ảnh chụp Luân đang hôn Dung.

- Con bé kháu quá! Của ở đâu ra vậy? Tụi trong khu với nhau à? - Lệ Xuân ngắm nghía ảnh, hỏi chồng.

- Hoàng Thị Thùy Dung, di cư…

- Ái chà! Sao thằng kỹ sư tóm được con bé?

- Em nên đặt ngược câu hỏi: Vì sao con bé tóm được thằng Luân… Con bé là bí thư của Trần Vĩnh Đắt.

- Thế à?… Nhưng – Lệ Xuân trao tấm ảnh cho Nhu, cau mày – Anh nên thẩm tra kỹ. Ba mươi bốn tuổi, chưa có bồ, bỗng đùng một cái, bắt bồ với người của Nha Cảnh sát, lại là dân di cư… Lý lịch con bé rõ không?

- Rõ! Cha là công chức cao cấp của Pháp. Cô là chủ đồn điền trà trên Blao, vợ của một bác sĩ. Bà ta thuộc gia đình Cự Doanh. Cô bé học luật…

Lệ Xuân thở phào:

- Vậy thì ổn. Song anh cũng cứ dặn theo dõi…

Nhu gật đầu. Có tiếng gõ cửa. Nhu cất ảnh, Lệ Xuân sửa lại vạt áo cho thẳng thớm.

- Mời vào! – Nhu nói to.

Luân mở cửa, bước vào phòng.

- Chào anh chị!

Lệ Xuân đon đả bắt tay Luân

- Trông anh Luân hôm nay trẻ hẳn ra…. Có phải không anh?

Nhu gật đầu cười – mặc dù anh ta chờ Luân mang một bộ mặt đau khổ đến. “Vậy là hắn chưa biết tin thằng Ngọc” – Nhu nói thầm.

- Tôi lại nghĩ khác! – Luân nói vui – Anh chị hôm nay có tin gì mà phấn khởi vậy?

Nhu chớp mắt. Thằng cha này đâu rõ bão tố vừa nổi lên giữa hai vợ chồng mình. Hay là nó xỏ?

- Bao giờ thì cho chúng tôi uống rượu? – Lệ Xuân vừa chỉ ghế mời Luân ngồi, vừa nói.

- Tôi chẳng hiểu gì ráo! – Luân giả bộ ngơ ngác.

- Thôi đi, ông tướng ơi – Lệ Xuân hơi cợt nhả - người ta đồn anh kỹ sư là Phật, té ra không phải.. Đã thưa với Đức Cha, với anh Thủ tướng chưa? Còn phải báo cáo với các cụ ngoài đó nữa… Mà trước hết, anh phải trình diện cô dâu với tôi. Cô Thùy Dung năm nay bao nhiêu tuổi?

Nhu muốn ngăn vợ mà không sao ngăn được. Nói toạc như Lệ Xuân cũng bằng thú nhận với Luân là mật vụ đeo sát anh, kể cả việc riêng tư. Mà việc riêng tư nầy thì Luân chưa hề hé môi…

Dĩ nhiên Luân hiểu rằng những bức ảnh đã giúp Nhu. Nhưng, anh tránh cái chỗ tế nhị đó.

- Chị thiệt tài… Tôi cũng định sẽ thưa với cả nhà, chỉ chờ dịp thôi. Thùy Dung 24 tuổi…

- Chắc là đẹp lắm!

Nhu thiếu điều “hừ” vợ. Ngu ngốc quá chừng. Anh ta trao cho Luân điếu thuốc.

Luân nhận điếu thuốc – từ khi giao thiệp với Luân; Nhu bao giờ cũng để trên bàn một hộp Craven A – và làm như bẽn lẽn.

- Thôi, hai anh em bàn công việc. Tôi đi đây!

Lệ Xuân bắt tay Luân.

Còn hai người trong phòng. Nhu đưa cho Luân một xấp giấy đánh máy:

- Anh xem. Phúc trình của Bộ ngoại giao về Hội nghị Băng-đung. Anh Diệm sẽ đích thân cầm đầu phái đoàn Việt Nam, lấy ông Nguyễn Văn Thoại làm phó. Anh Diệm phải xuất hiện ở Băng-đung sao cho hợp với khẩu vị các nước chủ xướng, nhất là với ông Nerhu và ông Soekarno… Ngoại giao tuy gặp khó song không khó bằng nội trị. Các phái lợi dụng hội nghị Băng-đung gây rối cho ta. Anh đã biết rồi, ông Trần Văn Hương từ chức, sau các ông Nguyễn Thành Phương, Phạm Xuân Thái…

- Ông Phương từ chức có lợi cho chính phủ. - Luân nhận xét.

- Đúng. Phương bị các giáo phái chửi bới quá, từ chức không phải để phản đối chính phủ. Ông ta có hỏi ý kiến tôi. Còn ông Thái là người thân Đại Việt. Việc từ chức của ông ta không mang ý nghĩa gì lớn. Trường hợp ông Hương thì khác… Xôn xao dữ!

Nhu lấy trong cặp ra một bức điện!

- Điện của tướng Collins. Anh nghe: “Tôi đã tường trình với Tổng thống. Vài ngày nữa, Tổng thống sẽ gửi điện cho Thủ tướng Diệm xác nhận chính phủ Mỹ tiếp tục ủng hộ Thủ tướng đồng thời qua đại sứ Pháp ở Hoa Thịnh Đốn, ngoại trưởng Foster Dulles sẽ nói thẳng với chính phủ Pháp, ngăn chặn mọi ý định xúi giục hoặc tiếp tay của tướng Paul Ely với các phái muốn nổi loạn. Có thể, tướng Paul Ely sẽ bị triệu hồi”. Tất cả đều rõ ràng. Bây giờ, cốt sao Bình Xuyên không hạn chế hoạt động ở mức quấy rối, để ta ra tay một lần thật gọn. Mũi nhọn là Bình Xuyên. Ta đẩy được Bình Xuyên từ vị trí chống đối chính trị sang vị trí chống đối vũ trang với chính phủ tức là ta đã thành công trong yêu cầu xử trí toàn bộ các phe nhóm…

Nghe Nhu nói, Luân bỗng nhớ tới bộ Đông Châu Liệt Quốc. Không rõ gã nhiễm các mưu mẹo rặt Tàu ấy tự bao giờ. Nhưng phải công nhận là gã khôn ngoan và thâm hiểm. Trong ttát cả các chính khách đối lập mà Luân biết, chưa ai bằng cái móng tay của gã.

- Anh nghe vụ cháy lớn ở Khánh Hội chưa? Bộ Thông tin sắp họp báo. Phải đánh cho Bình Xuyên một đòn ra trò. Đốt nhà dân là tội ác mà dư luận quốc tế không bao giờ tha thứ….

Luân chợt mỉm cười. Nhu mất trớn liền trước cái cười ngụ ý của Luân.

- Anh chưa biết một chuyện: thủ phạm đốt nhà bị Lại Văn Sang bắt gọn đêm qua… Đài phát thanh Bình Xuyên loan báo mọi chi tiết. – Luân nói mà tránh nhìn Nhu.

Nhu tái mặt. Anh ta quên những lời hùng hồn kết tội đốt nhà anh ta vừa thốt, quên cả sự có mặt của Luân, nhảy bổ lại máy nói:

- Alô.. Tôi nói chuyện với ông Đắt… Tôi là Nhu… Ông Đắt đó, phải không?... Sao nhiều tạp âm trong phòng ông quá vậy? Tắt máy quay đĩa đi! Ông say rượu hả? Ông có nghe đài Bình Xuyên nói cái gì không? Không! Họ nói họ đã tóm hết bọn đốt nhà. Sao, họ nói láo à?

Nhu quay lại Luân, dò hỏi.

- Anh báo với ông Đắt: Lại Văn Sang bắt nhóm của Lã Văn Thụy gồm sáu tên tại hẻm 4 Cầu Kho hồi hai giờ khuya nay. Họ đã cung xưng cả mật danh F.8 của kế hoạch.

Luân nói to và Nhu hướng ống nói về phía anh.

- Ông nghe chưa? Ông không biết à? Thế mà ông dám ăn mừng, gan thật… Tôi chờ ông một giờ nữa. Té ra F.8 của ông là đốt nhà dân!

Nhu gác máy dù ở đầu dây kia Đắt vẫn còn lải nhải.

- Làm việc với lũ vừa ngu vừa ham ăn hốt uống này thật khổ!

Nhu gieo mình nặng nề xuống ghế.

°

…. Dung trực văn phòng từ 9 giờ đến 12 giờ đêm. Khi Dung vào Nha Cảnh sát thì người trực báo cho cô biết là giám đốc Trần Vĩnh Đắt đang ở văn phòng của ông. Dung vốn ghét viên giám đốc “xấu máu” nầy. Mỗi lần giao việc cho Dung, lão rề rà khá lâu, cặp mắt đảo ngược đảo xuôi khắp người cô. Lão vốn rất lười, thế mà lại đến văn phòng vào giữa đêm là việc lạ.

Dung giở chồng công văn mới nhận. Không có loại nào tối khẩn phải trình ngay cho giám đốc. Toàn là tin liên quan đến các chốt của Bình Xuyên ở đô thành và của giáo phái các tỉnh. À, cái nầy có thể tạm dùng được. Lương Trọng Tường cùng một số nhân sĩ họp ở trụ sở đảng Dân Xã, đường Duranton, trong đó có bác sĩ Phan Quang Đán – một phần tử nghe đâu là con bài của đảng Dân chủ Mỹ. Việc quan trọng, phải xin ý kiến giám đốc ngay!

Dung cầm tờ công văn, hối hả sang phòng giám đốc. Người lính bảo vệ bắc ghế ngồi án lối vào, thấy Dung, đứng dậy, bảo khẽ:

- Đại tá đang bận…

Từ trong phòng lọt ra các câu đối đáp:

- Ê, thằng kia, mầy tội gì, tù bao lâu? – Tiếng của Đắt.

- Dạ em lỡ dại…. – Tiếng trả lời ồ ề.

- Ăn cướp hả?

- Dạ… em lãnh án chung thân

- Nhà mầy ở đâu?

- Dạ hẻm số 4 Cầu Kho…

- Còn thằng kia?

- Dạ, em cùng với đại ca đây…

- Thôi, tụi bây nghe lệnh thằng đại ca của tụi bây… Mầy tên gì?

- Chín Ngón…

- Tên giấy tờ kìa!

- Lã Văn Thụy…

- Thằng Thụy cầm đầu…

Thấy không nên nghe lén lâu, Dung gõ cửa.

- Đứa nào? Tao biểu đừng có vô, chộn rộn…

Đắt gắt gỏng, song vẫn mở cửa.

- Dạ, có công văn khẩn, tôi xin đại tá ký nhận.

- Ủa, cô Thùy Dung…

Đắt cười mơn, nhận giấy tờ. Trong phòng, Dung thấy sáu tên mặc áo quần tù đang ngồi bệt dưới nền gạch; mặt mũi đứa nào cũng hung tợn.

Đắt liếc qua tờ giấy.

- Ối, tụi nầy giỏi đánh giặc miệng, hơi đâu mà lo. Cô cứ ghi vào góc, gửi cho Phòng trinh sát… Cô đi làm đêm có cần xe đưa về nhà không? Lát nữa, tôi đưa cô…

Đắt hau háu chờ cái gật đầu của DUng. Nhưng lão cụt hứng khi biết chính Luân sẽ đón Dung.

Đêm đó, cô thuật những điều nghe thấy cho Luân.

Đêm sau, hàng nghìn nhà thường dân vùng Khánh Hội phát cháy dữ dội. Cuộc điều tra cấp tốc của chính phủ đi đến kết luận là có kẻ chủ mưu đốt nhà bằng xăng đặc. Hung thủ mặc quần áo Công an xung phong Bình Xuyên, sau khi châm lửa – lửa trên gió nên phất thật nhanh và, vì đây là xóm gồm hầu hết nhad lá nên không thể nào ngăn lửa nổi – hung thủ chạy về hướng Chánh Hưng… - Báo chí thân chính phủ lập tức lên dấy lên một chiến dịch tố cáo tội ác “bọn lạ mặt” - tuy không gọi đích danh song các tang cớ đã nói rõ vụ đốt nhà tàn bạo này là do Bình Xuyên.

Với Luân và Dung, sự việc không còn bí hiểm. Nhất định là của Trần Vĩnh Đắt. Lại Văn Sang nhận được một cú điện thoại của một người dấu tên và cố ý giấu cả giọng nói báo chỗ ở của Lã Văn Thụy, biệt danh Chín Ngón, tù chung thân về tội ăn cướp. Lại Văn Sang truy tông tích của Chín Ngón chẳng mấy khó khăn và túm gọn cả sáu đứa đang say mèm. Nội vụ được đài phát thanh Bình Xuyên tường thuật tỉ mỉ. Cuộc họp báo mở ngay bên kia cầu chữ Y, trình diện hung thủ, tha hồ cho phóng viên chụp ảnh, phỏng vấn.

°

- Thằng Đắt hại tôi! – Nhu chà mạnh thái dương; kêu to – Nó tự động… Tôi sẽ sạc cho nó một trận. Đốt nhà dân làm chi? Nó báo với tôi F.8 là kế hoạch chống lại âm mưu đốt nhà của Bình Xuyên!

- Ngoài yêu cầu của chính phủ, ông Đắt tính cũng đủ đường: một cách đuổi khéo dân lao động để giành đất cất nhà… Rồi anh sẽ thấy, đơn các nhà thầu xin mua hoặc mướn đất bay về tòa Đô chính như bươm bướm… - Luân không buông tha Nhu.

- Anh nhớ cho: tôi không hề hay vụ nầy. Khi ánh lửa rực trời, tôi điện hỏi… Tôi giục xe cứu hỏa hoạt động. Anh mà gán tội cho tôi thật là oan! – Nhu làm vẻ giận dỗi.

- Và, xe chữa lửa mãi nửa giờ sau mới rời căn cứ.. Tại dốc cầu, ai đó lật một xe bánh mì cản đường. Mấy chục lính cứu lửa ì ạch hết 15 phút để làm cái việc của nửa phút là hất chiếc xe bánh mì vô lề. Và, cả một biển lửa được tưới bằng hơn chục vòi rồng… - Giọng Luân chậm rãi song là giọng đay nghiến.

- Ơ hay! Bộ anh đổ lên đầu tôi trách nhiệm hay sao? - Nhu sừng sộ.

- Tôi không đổ, trách nhiệm vẫn không chịu lánh xa anh. Anh sẽ giải thích thế nào đây? Chắc là các hãng đã đánh đi bản tin hay ho nầy và những đài phát thanh nhạy cảm sẽ không bỏ qua. Anh nghĩ sao nếu một số hội nghĩ sĩ nào đó trong Quốc hội Mỹ đặt vấn đề với Tổng thống Eisenhower?

- Tôi đã nói là tôi vô tội trong vụ nầy mà! – Nhu vò đầu kêu khổ.

- Trong khi thỏa thuận cộng tác với anh, nhiều lần tôi lưu ý anh về quan điểm của tôi: sẽ không thể còn quan hệ với nhau nếu anh quên một trong những nguyên tắc là tôn trọng, giữ gìn lợi ích của dân chúng…

- Thì chính tôi cũng luôn luôn trung thành với quan điểm đó! Tôi hứa với anh tôi sẽ làm ra lẽ. Nếu ông Đắt là tác giả, ông ấy sẽ phải trả giá đúng như tên ông ấy – rất đắt! Anh chịu chưa?

Luân lặng thing hồi lâu. Nhu gọi hai ly nước cam.

- Anh đa nghi quá! – Nhu cười.

- Chưa biết giữa tôi và anh, ai đa nghi hơn ai! – Luân cũng cười. Không khí dịu trở lại.

- Gì nữa đó? – Nhu hỏi, chờ đợi…

- Cái plafond (4) nhà tôi giúp ích cho anh được những gì rồi?

- Hả? Cái plafond? – Nhu kinh ngạc thật sự

- Tức là hệ thống ghi âm của bác sĩ Tuyến đó!

- À! – Nhu vỡ lẽ - Thằng cha Tuyến!

Nhu dùng ly nước cam để che cái sượng sùng.

- Từ hôm nay, nó sẽ không còn nữa – Nhu nói.

- Tôi không yêu cầu như vậy…

- Tôi bỏ vì máy móc đôi khi có lợi cho anh hơn cho tôi. – Nhu cười phá.

- Nếu tôi định chơi trò cút bắt với anh thì tôi đã giả đò như không biết hệ thống đó. Thật ra tôi vừa thấy nó. Đúng hơn, người thợ sửa điện thấy nó.

- Ấy là chuyện hồi tụi mình chưa hiểu nhau. Cả điện thoại của anh cũng bắt parallèle (5). – Muốn lấy lòng tin với Luân, Nhu đi xa hơn điều Luân chờ đợi – Nó cũng sẽ không còn…

Luân không lộ vẻ xúc động – anh tin là Nhu sẽ giữ lời hứa và nó tiện lợi hơn cho công việc của anh.

Người cất được gánh nặng lại là Nhu: “Với gã Luân nầy, những trò tương tự thật là trẻ con, chỉ khiến gã xem thường mình” – Nhu thầm nghĩ.

(1) Đại sứ trong nhiệm vụ đặc biệt

(2) Được ăn cả, ngã về không – Ngạn ngữ Pháp

(3) Tặng vợ tôi, người đồng đội trung thành và thông cảm của cuộc đời chính trị của tôi, thiếu em đường sự nghiệp tôi khó mà ghi được một bước thành công nào. – tiếng Pháp

(4) trần nhà – tiếng Pháp

(5) mắc song song – tiếng Pháp