Ván Bài Lật Ngửa

P1- Chương 5

Giám mục Ngô Đình Thục ngả người trên ghế bành, chăm chú theo dõi thái độ Ngô Đình Nhu.

Ông nhận được thư trả lời của Robert Nguyễn Thành Luân và tức tốc lên Sài Gòn để trao đổi với Nhu.

Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập trước đây có mấy hôm, do sắc lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại.

Trận Điện Biên Phủ kết thúc từ đầu tháng 5, dư âm vẫn còn vang động. Lịch sử chinh phục thuộc địa của Pháp – và các đế quốc phương Tây nói chung – chưa bao giờ vấp một thất bại đau đớn và nhục nhã như vậy: 16.000 binh sĩ, một viên tướng, hàng trăm sĩ quan, với những con số khí tài ngồn ngộn đành đầu hàng giữa một tập đoàn cứ điểm kiên cố vào bậc nhất Động Dương. Tư lệnh tập toàn cứ điểm, tướng De Castries, đã bất tuân thượng lệnh: Tướng Cogny, cấp trên của De Castries, buộc ông ta tự sát. Thay vì dùng mảnh vải để thắt cổ, ông dùng nó làm cờ trắng.

Bảo Đại chấp nhận phục hồi Diệm, kẻ bị thất sủng hàng chục năm trước, không hề hàm ý là một ân huệ của hoàng gia. Cất chức Diệm trước đây, Bảo Đại tuân theo chỉ thị của Khâm sứ, bây giờ tấn phong Diệm, Bảo Đại thừa hành quyết định của hai ông chủ: Mỹ và Pháp. Bảo Đại còn bận tâm hơn những buổi dạ tiệc ở lâu đài Thorenc và ông sẽ phải trả một cái giá ê chề về quyết định “Giao toàn quyền quân và dân sự cho Ngô Đình Diệm” của ông.

Vấn đề không phải là Bửu Lộc sang gánh cho Ngô Đình Diệm. vấn đề là thế trận của thế giới tự do ở Đông Dương phải bố trí lại và cái đầu quyết định thế trận từ điện Elysee tại Paris chuyển sang White House tại Washington.

Tình hình sẽ ra sao, đó còn trong dự đoán, song cái đã phơi bày là Pháp đang cuốn gói ở Bắc Bộ.

Ngày 25-6-1954, thủ tướng chỉ định Ngô Đình Diệm xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-6 bay ra Hà Nội; trước đó một hôm, quân đội Pháp rút bỏ Nam Định và Thái Bình, hai tỉnh chiến lược mà chúng tốn công sức giữ suốt ngần ấy năm đánh nhau.

Ngày 2-7-1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra thông cáo phản đối sự rút lui của Pháp ở các vùng nhiều giáo dân đạo Thiên chúa.

Kết quả trực tiếp nhất của thông cáo phản đối là ngày hôm sau, Pháp bỏ nốt Phủ Lý và cùng ngày, hai phái đoàn quân sự Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhau ở Trung Giã đề bàn việc ngừng bắn.

Thế là Ngô Đình Diệm phải cho ra đời ngay một chánh phủ thân Mỹ là chính, song vẫn giữ mùi Pháp trong mọt bối cảnh hết sức tế nhị.

°

Ngô Đình Nhu đọc đi đọc lại bức thư. Bức thư gọn gàng:

“Kính Đức cha,

Mãi tới hôm nay con mới có thể kính trính đến Đức cha bức thư nhỏ nầy. Suốt mấy năm qua, con phải đi lại luôn, nhiệm vụ một cán bộ chỉ huy quân đội buộc con như vậy. Điều mà con hết sức sung sướng là nhiều tín đồ đạo Thiên Chúa có mặt trong hàng ngũ kháng chiến. Ngay ở đơn vị con, số lượng đó không ít. Hơn nữa, chúng con được chăm sóc phần hồn nhờ các linh mục không rời bỏ con chiên như cha xứ Hồ Thành Biên, cha phó Võ Thành Trinh và nhiều tông đồ khác của Chúa.

Cuộc kháng chiến của toàn dân sắp bước vào bước ngoặt lớn – ngày chiến thắng của nhân dân ta không còn xa nữa, sau võ công Điện Biên Phủ chấn động thế giới. Chính con, khi viết thư nầy trình Đức cha, vừa từ chiến dịch trở về. Đơn vị dưới quyền của con đã giải phóng một loạt làng xã bao quanh Cà Mau. Con nghĩ rằng con sẽ có dịp viếng Đức cha.

Cuối thư, con cầu Chúa ban bình an và minh mẫn cho Đức cha”.

Thư của Robert Nguyễn Thành Luân đề ngày 30-6-1954.

Căn phòng trở nên im lặng, hơi nặng nề. Ngoài tiếng giày nện đều đều của Nhu, không còn một âm thanh nào khác.

Giám mục đặt tay lên bụng, nhìn đứa em với sự chờ đợi. Dẫu sao, Nhu vẫn là người có thẩm quyền hơn hết định giá trị của bức thư và kéo theo, định thái độ của gia đình họ Ngô với viên sĩ quan Việt Minh nầy.

Giám mục viết bức thư đầu tiên cho Luân, cách đây hơn 2 năm, là do gợi ý của Nhu. Lúc đó, tin đồn Ngô Đình Diệm về nước lan dai dẳng. Một số người Mỹ đã gặp Nhu. Hồng y Spellman gửi cho giám mục hàng tá thư. Hoàn toàn không phải là vì người chủ chăn ở Nữu Ước muốn có quan hệ đặc biệt với người chủ chăn một giáo phận vô danh ở Việt Nam.

Nhu bàn với giám mục những khả năng lôi kéo người theo đạo Thiên chúa đang kháng chiến về với Ngô Đình Diệm. Trong bản kê, Jean và Robert Nguyễn Thành Luân nằm trong số những người được chú ý bằng những gạch đỏ đậm nét và trong hai người, Robert được nhiều gạch hơn vì Robert là chỉ huy quân đội và vì chưa ai nói rằng Robert vào Đảng Cộng sản. Robert không phải là chính khách, khác với Jean. Có thể Robert vẫn còn là con chiên – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng.

Nhu nói: Phải sửa soạn ngay từ bây giờ. Chúng ta cần, hết sức cần, người kháng chiến Công giáo. Lực lượng xây dựng từ các phần tử bấy lâu quẩn quanh bình sữa “mẹ bồng con” Mont Blanc sẽ chẳng làm cho chúng ta tự phân biệt với các ông Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm…

Nhưng, Luân không trả lời. Giám mục nóng lòng, viết tiếp… Mãi bây giờ Luân mới trả lời.

- Đức cha có thấy điều gì ẩn phía sau bức thư của Nguyễn Thành Luân không?

Nhu phá bầu không khí nghiêm trang hơn buổi lễ cầu kinh này bằng câu hỏi hơi nặng giọng.

Giám mục vẫn nhịp tay lên chiếc bụng khá to, nhíu mày: Bao giờ cũng vậy, ý kiến của giám mục phụ thuộc vào ý kiến người khác, trước kia ông nể Ngô Đình Khôi, rồi Ngô Đình Diệm, bây giờ ông hết sức coi trọng những suy nghĩ của Ngô Đình Nhu. Và, không riêng gì ông, trong vòng vài năm nay, Ngô Đình Nhu trở thành một “quân sư” đầy uy tín, trong đôi trường hợp,một nhà tiên tri trước mắt Diệm và Luyện.

Thục chờ đợi Nhu, tay nhịp khẩn trương lên bụng, chiếc nhẫn giám mục gần như vạch một vệt vàng.

- Em để ý những chữ: “cuộc kháng chiến toàn dân tộc”, “chiến thắng của nhân dân ta”, “võ công Điện Biên Phủ chấn động thế giới”. Hắn không quên nhắc khéo: hắn là một chỉ huy, đánh tan cả hệ thống phòng thủ Cà Mau. Trên tất cả các thứ khôn ngoan, hắn cho biết hắn vẫn là một tín đồ sùng đạo…

Thấy Thục có vẻ như chưa hiểu ẩn ý của bức thư, Nhu đứng lại:

- Hắn nhấn mạnh để chúng ta nhớ: nếu hắn trở về thành thì không phải với đôi bàn tay trắng.

- Tất nhiên – giám mục nói rụt rè – Ta cần gì những kẻ chỉ có đôi bàn tay trắng.

- Đúng… Ta cần những kẻ mang một cái gì về với ta. Nhưng tốt nhất chỉ nên mang trên cầu vai, thậm chí trên da thịt. Đừng mang trong đầu!

Giám mục ngồi thẳng dậy – ông ta phục xét đoán của em.

- Tuy vậy, để còn xem – Nhu nói chậm rãi – Đức cha viết tiếp cho hắn một thư nữa. Liệu hắn có chịu gặp Đức cha ngay không? Em muốn hắn có mặt ở thành càng sớm càng tốt trước khi các phe liên hệ đạt giải pháp về vấn đề Đông Dương. Đức cha nói cho hắn rõ: Chúng ta cư xử với một người tách ra khỏi phía bên kia khác với một kẻ phục viên..

Giám mục nghĩ rằng người em của ông đúng. Chắc Robert Nguyễn Thành Luân cũng thấy được thực tế nầy. Bởi vậy, ông lâp tức gửi cho Luân một bức thư nữa – kèm luôn điểm và ngày giờ đón Luân, qua một cha xứ ở vùng giáp ranh.