Ván Bài Lật Ngửa

P1 - Chương 1

Khẩu mắc-xim (1) trên miarađo (2) vẫn tiếp tục nhả đạn. Từ cao, giọng ục ục của nó càng hách dịch, lấn át tiếng nổ rộ thật căng của hàng trăm súng trường, tiểu và trung liên khác. Giữa đêm tối, đạn của nó vạch một đường đỏ ối, xắt khu trung tâm khỏi vòng ngoài đồn đã bị quân ta tràn ngập. Cũng từ miarađo, thỉnh thoảng một quả lựu đạn O.F nụ xòe sáng rực lao xuống vùng bóng đen và tiếp liền tiếng nổ “oành” thách thức.

Luân xem đồng hồ tay: 1 giờ 25. Trận đánh đã kéo dài hơn tiếng đồng hồ rồi. Tiểu đoàn chủ lực của anh – tiểu đoàn 420 – nhận nhiệm vụ hạ đồn Biện Tạ trong chiến dịch giải phóng tuyến kinh Phụng Hiệp. Đồn Biện Tạ phụ trách hệ phòng thủ nam huyện lỵ, là căn cứ cấp đại đội mạnh nhất. Khu đồn chia làm ba cụm lô cốt, giữa có một đồn xây đá. Một trung đội Âu Phi thủ nơi xung yếu nhất, ba trung đội BVN (3) thủ ba cụm lô cốt. Chỉ 5 phút sau khi bộc phá mở rào, tiểu đoàn 420 đã làm chủ ba cụm lô cốt. Nhưng tiểu đoàn không thể tiếp cận bọn Âu Phi chỉ vì cái miarađo quái ác kia.

Những cáng thương binh ì ọp lội trên ruộng – mùa khô bắt đầu hơn tháng nay, song đám ruộng quanh đồn Biện Tạ lọt vào chỗ trũng, vẫn còn sình nhão. Mỗi lần cáng thương binh qua mặt anh, Luân xốn xang như nằm trên ổ kiển lửa.

Tiếng súng quanh đây, có vẻ đã ngưng. Nghĩa là các đơn vị địa phương đã thu xếp gọn hàng chục đồn và lô cốt lẻ. Trong khi đó, “anh Hai 420” chưa “tính sổ” xong đồn Biện Tạ.

Luân liếc chừng Vũ Thượng. Ánh sáng của hỏa khí từng chặp lóe lên gương mặt người chính trị viên – hàm anh nổi vồng. Nhưng tại sở chỉ huy trận đánh hôm nay còn có một nhân vật cao hơn: Lưu Khánh. Ông mang cấp chức Liên trung đoàn phó, đặc phái viên của Bộ tư lệnh phân liên khu.

Lưu Khánh ngồi bẹp phía sau một công sự đất, mùi bùn nực mũi. Quanh ông, máy ragônô quay nặng nề, ma-níp của hiệu thính viên gõ liên hồi. Cằm vuông, râu cạo nhẵn nhưng vẫn để lại một vệt xanh chạy từ mang tai. Lưu Khánh nghiêm nghị giống như truyền thuyết về ông ta: cười một phần mười mép, hà tiện lời đến mức ngôn ngữ của ông chỉ quanh quẩn có: ừ, không, thôi được, hử, coi chừng…

- Anh Sáu ơi!

Rốt cuộc rồi Luân phải cất tiếng:

- Cái gì? - Lưu Khánh không rời cái miarađo, hỏi cộc lốc.

- Cho tôi vô… - Luân cũng dè xẻn lời nói.

- Chi?

- Buộc khẩu 13,2 im…

- Được không?

- Được!

Lưu Khánh gọi:

- Sa đâu?

Từ bờ mẫu, một chú bé chừng 14, 15 tuổi trả lời:

- Em đây!

- Chú theo anh Bảy… đến bờ rào, gặp anh Út, tiểu đoàn phó…

- Dạ.

- Không được vô trong rào.

- Dạ.

- Chú nhớ!

- Dạ.

- Đi đi!

Quyến, cán bộ truyền tin, có dáng một học trò, nhân lúc nghỉ tay, châm chọc Sa:

- Rồi anh Sáu coi, thằng Sa thông đồng với anh Bảy…

- Nó vô trại, kỷ luật! – Lưu Khánh lạnh lùng.

- Anh Quyến phá em đó. – Sa xịu mặt.

- Để coi… - Vũ Thượng dậm dọa thêm.

°

… Luân và Sa trườn sát mặt ruộng. Chốc chốc một viên cối cỡ 60 ly mồ côi, một viên mọt-ta bay xè xè, ghé hoặc trước hoặc bên hông họ, miểng văng rào rào.

Sa trườn vài thước lại nhìn Luân.

- Anh Bảy…

- Cái gì?

- Tới rào thôi, nghen…

- Ừ...

Sa về tiểu đoàn chưa được bao lâu. Đang học trường trung học Tiền Phong, cậu giãy nảy, nhất định đòi đi lính. Ban giám đốc trường chịu thua cái nước lì của Sa, gửi cậu đến tiểu đoàn. Ngay từ ngày đầu, Sa được gọi lên Ban chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng ngắm nghía cậu một lúc, quyết định giữ cậu làm liên lạc riêng cho ông ta. Sa thối chí. Cậu xin đi lính đâu phải mong núp bóng ông tiểu đoàn trưởng? Rời văn phòng tiểu đoàn về chỗ nghỉ, Sa lầm bầm mãi. Điệu này phải làm đơn gửi lên khu mới xong. Sa hỏi han, biết tiểu đoàn trưởng tên Bảy Luân, thuộc loại “xung phong trước lính”. Giữa lúc Sa rầu rĩ thì có lệnh gọi: Sửa soạn đi “công tác” với anh Bảy.

- Ối, thì cũng “cơm nước, trà lá” vậy thôi…

Sa từng biết vai trò của các “tiểu đồng” theo “phò” các chỉ huy. Bởi vậy, cậu uể oải xuống nhà bếp xin đường, trà…

- Không có! – trưởng quản trị tiểu đoàn xua tay đuổi Sa.

- Thằng nhỏ này ghiền trà tới giấc rồi! – Anh ta còn ném theo Sa một câu nhận xét độc địa.

- Tôi mà ghiền! Tôi xin cho tiểu đoàn trưởng đó.

Sa quay lại nghinh anh quản trị.

- Tiểu đoàn trưởng đâu biết uống trà, đừng có xạo!

Quản trị trưởng ong óng. Sa không tin lời anh ta.

Tưởng tiểu đoàn trưởng đi công tác rần rần, rộ rộ, ai dè tổng cộng có ba “chư”: tiểu đoàn trưởng, Quyến và Sa. Quyến là trung đội phó truyền tin, song hễ có người thay ngồi ở maníp thì anh ta xung phong chèo xuồng.

Xuồng rời Biển Bạch, xuôi Sông Đốc. Lợi dụng gió thuận, họ cắm trước mũi xuồng hai tàu dừa nước thay buồm. Xuồng lao vun vút. Sụp tối, họ ghé Xóm Sở.

- Chú Quyến vo gạo, chú Sa nhúm lửa…

Luân phân công cho hai người. Anh xách cần câu ra ruộng.

Họ không vào nhà dân mà nấu nướng ngay ở bờ sông. Luân mang về cả chục con cá lóc. Bữa cơm rất tươm tât.

Sa bắt đầu thích tiểu đoàn trưởng. Cậu đã tin lời quản trị trưởng: Tiểu đoàn trưởng không trà lá gì ráo.

Đêm đó, họ theo Rạch Rập, nép sát thị trấn Cà Mau, vòng qua kinh xáng Đội Cường.

Hai hôm sau, trận Đầu Gừa nổ ra. Luân trực tiếp nắm một đại đội và đại đội đã chiếm cái bót nằm giữa Cà Mau – Tắc Vân chỉ tốn không quá mười phút. Trong trận, Sa thiếu điều xỉu vì phải bám sát tiểu đoàn trưởng giữa lưới đạn đan chéo, có viên quạt rát da mặt.

Từ hôm đó, Sa dự đến năm sáu trận. Bây giờ có ai hỏi “làm liên lạc khoái không” thì cậu cười nhe chiếc răng lòi xỉ:

- Nhất trần đời!

°

… Gần tới rào, bỗng Luân nằm lại. Sa sợ ‎qu‎ính:

- “Bị” rồi hả anh Bảy?

Luân không trả lời, một loáng sau anh trườn ngang Sa. Té ra anh cởi hết quần áo, chỉ giữ khẩu “Côn” nơi bụng. Tác người nhỏ thó, da hơi ngăm, Luân tiệp với màu trời.

Khẩu mắc-xim “ục ục” tiếp từng ba viên một.

- Thằng Tây nào bắn khá quá! – Luân nhận xét.

Tiểu đoàn phó – một người cao lêu nghêu, anh đi khom mà y người ta sổng lưng – tóm tắt tình huống trận đánh: diệt và bắt sống ba trung đội ngụy, nhưng chưa biết phải “xử” cái đồn giữa ra sao.

- Được!

Luân nói thật gọn. Rồi anh vọt qua rào đang ngún khói. Sa muốn níu anh lại song không kịp. Thật tình, Sa chẳng ưa gì phải nằm với Luân tận ngoài rào.

Luân đã ngồi vào cửa lô cốt – bên trong, vài chục lính ngụy tay đặt lên ót, im re, nhìn Luân với nỗi kinh ngạc – hình như có tên cố nén cười nữa. Luân chẳng để ý đến bọn lính, anh ngắm nghía cái miarađô nổi bật trên nền trời trong vắt đầy sao.

- Cho tôi một khẩu VB (4)… - Luân bảo.

Người ta chuyển đến anh khẩu súng mút, mấy quả trômblông. Anh gắn quả trômblông vào quặng ở đầu súng, giương súng ngắm miarađo, lấy cự ly.

Sa vừa theo dõi tiểu đoàn trưởng, vừa liếc đám tù binh, có vẻ như muốn nói: các người thấy tiểu đoàn trưởng của tôi không?

- Tất cả nép kín phía trong tường!

Ra lệnh dứt, Luân bấm cò. Quả trômblông phóng lên không trung, giống cái đuôi sao chổi. Nó rơi ngay nóc miarađo, một tiếng nổ không lớn lắm và liền sau đó, khẩu mắc-xim câm họng.

Luân bắn thẳng quả trômblông thứ hai vào cửa đồn. Số phận đồn Biện Tạ được kết thúc.

Một số tù binh ngụy, dù lệnh buộc phải đặt tay lên ót vẫn chồm ra ngoài nhìn cái miarađo chìm trong ánh lửa, miệng không ngớt hít hà thán phục tài bắn của viên chỉ huy Việt Minh mà mắt thì vẫn cười cười.

Khi quân ta hò reo xông vào đồn, Luân mới hiểu tại sao họ cười: anh trần truồng, chiếc quần quấn cổ.

---

(1) Một loại đại liên

(2) một loại tháp canh lô cốt

(3) Bataillon Việt Nam - Tiểu đoàn Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp)

(4) Một loại súng phóng lựu