UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ

HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY

Docsach24.com

oãn Tường từ từ đứng dậy lững thững bước đến bên cửa sổ, nhìn ra bên ngoài qua tấm kính. Ngoài trời gió đã nổi lên, những cánh mây màu xám hoảng hốt lướt nhanh trên nền trời xám xịt. Rồi những đụn mây đen cuồn cuộn kéo về phía nam qua khoảng trống của những cây tùng cây bách già màu xanh thẫm, dường như chúng đang đuổi nhau, trông hệt như những chú cừu non bị mãnh thú rượt đuổi, liều mạng chạy trốn về phía nam. Gió gào thét luồn vào vườn lăng tẩm, rồi không theo một phương hướng nhất định, va đập loạn xạ vào cành cây và những bức tường, cuốn theo đám lá tàn và những sợi cỏ vàng cuối thu, tạo thành những luồng gió xoáy hết đợt này đến đợt khác nhảy múa trước điện thờ, nhà cửa hoang vắng không người. Doãn Tường bất lực nhắm mắt lại. Ông phụng chỉ đến đây với một mục đích thật rõ ràng, là động viên Cố Sơn bối tử này về Kinh. Vì Niên Canh Nghiêu đã chết, Sách-linh-a-la-bô-thản lại tụ hợp với vương công Mông Cổ ở vùng A Nhĩ Thái - Tân Cương, chống lại sách phong của triều đình, có nguy cơ đông tiến xâm chiếm lại Thanh Tạng. Một là Doãn Đề đã từng mang quân đi đánh Tây Đại Thông, triệu về kinh sư để tham dự và giúp đỡ việc quân, hai là bản thân Ung Chính cũng thấy Doãn Đề dù sao cũng là em cùng mẹ, sợ cầm tù lâu ngày sẽ gây những lời đồn đại không hay. Nhưng Doãn Đề đang trong tâm trạng như vậy, liệu có nghe theo sự sắp đặt của Ung Chính không?

Một cơn gió chướng cuốn theo cát bụi thốc vào cửa sổ, Doãn Tường thấy thế vội vàng tránh vào, đất cát đập vào cửa kính rào rào. Ông quay lại nhìn Doãn Đề, thì đã thấy hắn đang dửng dưng cầm bút viết - đây là kẻ thù lâu năm của ông, không những chính kiến bất đồng, mà còn mấy lần giở thủ đoạn gần như đẩy ông vào chỗ chết, vốn không còn tình cảm gì, nhưng Doãn Tường mấy năm nay sức khỏe giảm sút, đọc nhiều kinh Phật, những ân oán ngày xưa giờ chỉ thoảng qua như mây khói, từ lâu đã không còn ý định trả thù. Hơn nữa, ông cũng phần nào ngưỡng mộ cái tính cách gàn bướng của Doãn Đề. Một thời gian, Doãn Tường lòng rối như tơ vò, ông không thể không tuân chỉ khuyên răn cảm hóa Doãn Đề, nhưng trong lòng lại lo hắn về Kinh không an phận, lại mất oan mạng. Suy nghĩ một lúc, Doãn Tường xoay người lại, nhìn Doãn Đề đang cắm cúi viết thở dài một tiếng, nói:

- Đệ chẳng phải muốn hỏi ta hiểu cái gì sao?

- Vừa nãy là buột miệng nói ra thôi - Doãn Đề lấy sức đưa mạnh nét mác, không thèm ngẩng đầu lên, nói: - Bây giờ không muốn hỏi nữa.

Doãn Tường nói:

- Ta muốn nói là, ta từng bị giam cầm trong tường cao đúng 10 năm. Có lẽ đệ không quên chứ?

Doãn Đề đặt bút, uể oải ngồi xuống.

- Loại người như chúng ta, chọc giận thánh hay phạm tội, ngoài cái chết ra, thì giam cầm là hình thức nặng nhất.

Doãn Tường cười gượng nói:

- Nào là Thập tam Bối lặc phủ, nào là Tiểu Hoa viên, Tiểu Tứ hợp viện, ta đã bị cầm tù 10 năm. Trông bốn phương trời, trông bốn phương đất, xem kiến tha ruồi lên cây, nhìn hoa Thiên ngưu ở góc tường bò lên tường, nở hoa hết đợt này đến đợt khác, rồi lại khô vàng rơi rụng. So với ta, chút "cảnh ngộ" của đệ bây giờ có đáng gì?

- Ông vốn là "anh hùng" mà! - Doãn Đề cay độc nói móc: - Tôi lấy cái gì mà so với ông?

Doãn Tường vẫy vẫy tay, nói tỉnh queo:

- Anh hùng hay không anh hùng, chỉ có mình là rõ nhất, ta là người bình thường nhất trong những người bình thường. Ta bệnh tật đầy mình: mất ngủ, thân nhiệt không giảm, ho không dứt, tóc bạc quá nửa, ta lấy hết sức một ngày cũng chỉ làm việc được hai tiếng. Cái anh chàng "Thập tam lang bạt mạng" ngày xưa, đệ không bao giờ có thể thấy nữa!

Doãn Đề kinh ngạc nhìn Doãn Tường đang mỗi lúc một đến gần, khẩu khí của Doãn Tường cũng càng lúc càng hùng hổ hăm dọa:

- Đương nhiên nay thì khác rồi? Ta là thân vương còn đệ là bối tử. Vì anh em tranh giành đã phân thắng bại mà! Ý của ta là hoàng thượng không hề nhớ món nợ cũ. Lúc đó khác, bây giờ khác! Có gì phải so đo? Đệ là một đại trượng phu, ta mượn một câu nói của đại trượng phu, thắng là tốt mà thua cũng chấp nhận! Trông cái vẻ của đệ, còn dám nói khoác không ngượng mồm, nói gì đến "con cháu của Ái-tân-giác-la"!

- Kiều Dẫn Đệ của tôi đâu? - Một luồng máu nóng bốc lên mặt, gương mặt trắng xanh của Doãn Đề bỗng ửng đỏ - Ông đã có Kiều Dẫn Đệ rồi phải không? Ông ta dựa vào cái gì mà cướp Kiều Dẫn Đệ của tôi đi?

Đây là câu hỏi khó trả lời nhất, Doãn Tường trước khi rời Kinh đã nói chuyện rất lâu với Ung Chính, mọi việc Ung Chính đều chịu nhường, chỉ riêng chuyện về Kiều Dẫn Đệ là ngài không lay chuyển: "Khanh nói với Doãn Đề, trừ Kiều Dẫn Đệ ra, còn kể cả phi tần của trẫm, bất kể là trong đại nội hay là ở vườn Sướng Xuân, hành cung Nhiệt Hà, hắn thích ai thì lập tức đưa cho hắn". Nhưng Doãn Tường làm sao có thể nói lại lời này với Doãn Đề được? Ông chau mày nghĩ ngợi, rồi nói:

- Trong mười bước đi, tất phải có cỏ thơm! Đệ nói ta không có "Kiều Dẫn Đệ" của ta? Ta có hai, hai cơ! Cả hai đều... chết rồi!

Ánh mắt ông chợt long lanh, bỗng nhiên nhớ tới cái buổi trưa hãi hùng năm ấy: Mưa tuyết ào ào trút xuống, hoàng đế Khang Hy băng hà, Tứ da Ung Chính nhận lệnh đến miễn xá cho mình, hai tì thiếp là A Lan và Kiều Thư đều đã uống thuốc độc tự vẫn...

Mắt Doãn Tường bỗng nhòe lệ, ông lẩm bẩm: "A Lan, Kiều Thư, tất cả là tại ta, ta... ta đã trách nhầm các nàng..."

- Người tôi nói là ai? Hoá ra là hai người này!

Doãn Đề không để ý đến thần thái khác thường của Doãn Tường. A Lan và Kiều Thư đương nhiên ông ta đều biết, vì họ đều là người do ông ta và Doãn Tự cài vào phủ Doãn Tường để theo dõi ông. Vốn tưởng rằng hai người bị vương gia này giết để diệt khẩu lúc này mới biết là hai người đàn bà này tự sát! Doãn Đề cắn răng cười nhạt nói:

- Hai con dâm tặc này chết thì có gì đáng tiếc? Ông lấy chúng ra so với Dẫn Đệ của tôi, thật là nực cườ

"Bốp!", không đợi Doãn Đề nói xong, Doãn Tường đã giơ tay tát mạnh một cái vào mặt hắn. Doãn Đề bị đánh bất ngờ, sững người, đầu kêu ong ong, má trái tím bầm. Ông ta không ôm mặt, mà bỗng vụt đứng dậy, cả hai gầm ghè nhìn nhau như gà chọi. Trong ngoài phòng, ngay cả Phạm Thời Dịch cũng không nghe rõ, hai anh em này đang nói chuyện với nhau êm đẹp, đột nhiên lại trở mặt, ai nấy sợ xanh mắt, không dám lại khuyên can, đều đứng trơ ra như phỗng.

- Việc khác nhau mà lý giống nhau, tình khác nhau mà tâm giống nhau. - Sắc mặt Doãn Tường tái nhợt - Ta không hề chà đạp Kiều Dẫn Đệ của ngươi, sao ngươi dám xỉ vả A Lan và Kiều Thư của ta?

- Ông không chà đạp, nhưng Ung Chính đã chà đạp Kiều Dẫn Đệ của tôi. - Doãn Đề từ lâu đã không quan tâm đến việc chính trị, điều ông ta đau lòng nhất là việc Ung Chính vô cớ cướp mất ái thiếp của mình, vì vậy trương gân cổ lên không chút nhượng bộ: - Mối hận cướp vợ này ông có biết không? Ung Chính làm như vậy, còn được nói là minh quân ư?

Doãn Tường đã lấy lại bình tĩnh, ông có vẻ hơi thương cảm, buông lỏng mình, hơi gật gật đầu, nói:

- Hoàng thượng không hề làm gì Kiều Dẫn Đệ, càng không nhận cô ta làm phi tần. Điều này ta có thể bảo đảm với đệ. - ông cẩn thận chọn câu từ, chậm rãi nói: - Thái Hoài Trân và Tiền Uẩn Đấu câu kết với Uông Cảnh Kỳ, định ép đệ đến đại doanh của Niên Canh Nghiêu tạo phản làm loạn, đây là việc đã được tra xét rõ ràng rồi. Bên cạnh đệ chứa chấp nhiều loại phỉ như vậy, lẽ nào triều đình đến xử phạt cũng không? Kiều Dẫn Đệ chưa hề chính thức được công nhận là Trắc phúc tấn của đệ, cô ta chỉ là một a hoàn tầm thường, theo lệ thay người hầ bên đệ, cũng là sợ đệ lún vào sâu hơn, đó không phải là ý tốt sao?

- Đúng là nối giáo cho giặc! - Doãn Đề ngồi xuống, rồi gác chân lên mà ngồi, trên mặt nở một nụ cười độc địa: - Thì dựa vào "thành ý", "ý tốt" đó, còn mong ta về Kinh bán sức cho triều đình Ung Chính chứ! Lại còn rào trước đón sau, giết công khai hay giết lén lút đều là do các ông, được làm vua, thua làm giặc xưa nay đã thế, ta cũng chẳng quan tâm các ông làm gì ta!

Đến đây, Doãn Tường cảm thấy đã dùng hết khả năng khuyên Doãn Đề về Kinh thần phục. Doãn Đề không chịu nghe theo, ông lại cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm. Lòng dạ Doãn Đề như vậy, thì dù có về Bắc Kinh cũng sẽ ngoan cố cấu kết với Liêm thân vương chống lại Ung Chính, thà cứ để lại ở cái nơi trên không chạm trời dưới không bén đất này an toàn hơn. Đắn đo một lúc, Doãn Tường lái sang chuyện khác, ông cười nói:

- Hà tất phải tuốt kiếm giương cung như vậy? Ta bị cầm tù, đệ xuất binh, ta được phóng thích, đệ lại đến đây đọc sách giữ lăng. Thế mà đã 15 năm rồi hai anh em ta chưa được nói chuyện riêng với nhau. Thế mà vừa gặp nhau lại đã gườm gườm nhìn nhau như gà chọi! Vừa nãy là anh em ta đấu khẩu chứ không phải là phụng chỉ nói lý với đệ. Đệ đã không muốn về Bắc Kinh, thì ở đây tĩnh dưỡng thêm ít lâu nữa cũng được. Chuyện Dẫn Đệ, về Bắc Kinh ta sẽ nói với hoàng thượng, nếu giúp được gì thì đương nhiên ta sẽ giúp. Thập tứ đệ, dù đệ nghĩ thế nào, chúng ta vẫn là anh em, lòng bàn tay hay mu bàn tay thì đều là da thịt cả, đừng có giận dỗi, làm khó dễ cho mình mãi thế... Ngày mai ta trở về Bắc Kinh, tối nay mở bữa tiệc trong doanh Phạm Thời Dịch, chúng ta ăn bữa cơm đoàn viên cho vui vẻ, đừng nói những chuyện như húc vào sừng trâu này nữa, được không?

- Thếcòn có tình có lý. - Doãn Đề gật gật đầu - Được!

Doãn Tường đi ra khỏi cửa, một luồng gió lạnh thốc vào mặt, bất giác rùng mình, gọi hai tên thái giám quản sự là Triệu Vô Tín và Tần Vô Nghĩa lại dặn:

- Hầu hạ Thập tứ da các ngươi bình thường, thiếu cái gì mà không tiện tâu lên triều đình thì đến phủ Di thân vương tìm ta, nếu để Thập tứ da phải chịu thiệt ta không bỏ qua đâu. Những chuyện anh em ta nói vừa rồi đều là việc nhà, kẻ nào to gan nói ra ngoài, ta sẽ lột xác ra!

*

Đêm hôm Doãn Tường về Kinh, Bắc Kinh bắt đầu có tuyết. Lúc đầu không to lắm, chỉ là những bông tuyết li ti như sương mù bay phất phơ trên khắp đường phố của cố đô âm trầm ảm đạm này, trong làn gió bấc, dần dần biến thành những mảnh tuyết mềm mại lả tả rơi xuống đường. Trên mặt đường một lớp băng đóng chắc tự bao giờ, lại thêm tuyết phủ, khiến người đi đường ngã xoành xoạch. Nhìn qua ô cửa kính trên kiệu, bóng tuyết lấp lánh trên mặt phố, hầu hết các cửa hàng cửa hiệu đã đóng cửa im ỉm, chỉ còn trơ lại những tấm biển hiệu lả lướt. Móc chiếc đồng hồ quả quýt ra xem, đã là cuối giờ Tuất. Một tên thân binh hộ giá đầu, mặt đầy tuyết, bíu lấy ô cửa kiệu thở ra hơi bẩm báo:

- Bẩm vương gia, đằng trước là ngã ba, chúng ta đến vườn Sướng Xuân hay là về chùa Thanh Phạn ạ Đã giờ Tuất rồi, bây giờ hoàng thượng vừa dùng bữa xong, còn phải niệm Phật, nhập định, đêm còn phải xem tấu biểu - Doãn Tường trầm ngâm nói: - Một người đi báo với thị vệ trực ban ở đó, đề nghị chuyển tấu lên hoàng thượng là ta đã về, đang ở chùa Thanh Phạn, nếu hoàng thượng muốn gặp thì ta lúc nào cũng đi.

Các phu kiệu đu giọng hô một tiếng, chiếc kiệu nhẹ nhàng chuyển sang đi về phía bắc. Doãn Tường ngồi trong kiệu vén tấm màn cửa sổ ra xem bên ngoài, dưới gầm trời mờ xám đã mịt mù tuyết trắng. Ông ngóng nhìn chùa Thanh Phạn mờ mờ đằng xa, nghĩ lại những chuyện kỳ quặc trong chuyến đi này, lòng ông vừa mê hoặc vừa rầu rĩ. Lúc thì Cam Phượng Trì, lúc thì Giả Sĩ Phương, lúc lại là Doãn Đề, hình ảnh họ cứ lởn vởn trong đầu ông như đèn cù. Thế giới vô biên này có bao nhiêu điều hiểu không thấu, bao nhiêu tình nói không hết! Đang miên man suy nghĩ, chợt nghe tiếng chuông chiều xuyên màn tuyết vẳng đến, rồi văng vẳng tiếng đọc kinh của hòa thượng. Chiếc kiệu từ từ dừng lại trước cửa có treo bốn chiếc đèn dưa hấu màu vàng, đã đến chùa Thanh Phạn. Các thái giám giữ ở phủ Di thân vương trong Miếu Môn đã được báo trước, nghe nói chủ về, hơn bốn mươi thái giám, trưởng sử của vương phủ, đã đợi sẵn ở cửa miếu để nghênh đón. Kiệu vừa dừng, hai thái giám lập tức chạy lại, chống rèm kiệu, dìu Doãn Tường xuống rồi lập tức khoác áo dầu cho ông.

- Tuyết rơi to quá. - Doãn Tường bị làn gió lạnh táp vào rùng mình nói. Ông vừa xỏ chân vào chiếc ủng da hươu, vừa sai: - Nói với phòng Thu chi, thân binh thái giám theo kiệu, cả phu kiệu nữa, thưởng mỗi người 10 lạng bạc. Phía đông chùa có tiệm rượu, bảo họ làm cho mấy mâm mà ăn cho ấm bụng. Trong miếu là nơi thanh tịnh của nhà Phật, không được vào trong quấy rối.

Nói xong nền đi vào miếu. Thấy trong điện Đại Bi ở phía bắc leo lét ánh nến, các hòa thượng đang gõ mõ tụng kinh, men theo đện Đại Bi đến dãy phòng ở nhà phía tây, đây là tịnh xá để ông tĩnh tu. Nhà phía đông trước nay để không, không ai ở, nhưng đêm nay lại thấy treo đèn. Doãn Tường đi giữa hành lang, hỏi:

- Bên kia cũng có người ở, là đại thần nào vậy?

Trưởng sử đi bên cạnh là Lưu Thống Huân, tiến sĩ năm Ung Chính thứ nhất, mặt sắt, tướng ngũ đoản, thông minh, tráng kiện, nghe Doãn Tường hỏi, vội đáp:

- Bẩm, phía bắc là Trương trung đường, phía nam là Lý chế đài, mấy ngày nay đều ở đây.

Doãn Tường sững lại một lúc, nói:

- Lý Vệ chưa về Nam Kinh sao?

Vừa nói vừa đi vào phòng mình, một luồng hơi nóng hốc lên mặt, khí lạnh khắp người lập tức tan biến.

- Bẩm vương gia - Lưu Thống Huân bước vào theo, cúi người nói: - Lý Vê còn một số việc trong lục hộ chưa nói hết. Ông ấy đã bẩm với Đức vạn tuế, muốn đợi vương gia về gặp rồi mới đi.

Doãn Tường uống một cốc sữa nóng, cảm thấy ấm áp dễ chịu hơn, bèn cởi chiếc áo khoác da báo bên ngoài ra và ngồi xuống, ông nói:

- Các phòng bên này trong tường đều lắp ống dẫn hơi nóng. Bên chỗ Trương trung đường chưa có thiết bị này, ngay cả Lý Vệ, cũng không phải là khỏe khoắn gì lắm. Ngươi bảo các thái giám chịu khó chật một chút, dành ra hai phòng, một cho Trương Đình Ngọc, một cho Lý Vệ. Trời tối rồi, mọi người đều rất mệt hôm nay không gặp nữa.

- Tệ chức xin sang truyền vương mệnh - Lưu Thống Huân nói: - Nhưng mà, Trương trung đường buổi tối vào vườn gặp hoàng thượng chưa thấy quay lại. Lý chế đài lúc tuyết mới rơi còn thấy dạo trong sân nếu đã ngủ rồi thì có thể không làm kinh động ông ấy không ạ?

Thấy Doãn Tường không nói gì, Lưu Thống Huân quay người bước đi, chưa ra đến cửa, đã nghe Lý Vệ báo danh bên ngoài:

- Nhất đẳng thị vệ, tổng đốc Lưỡng Giang, thái tử thiếu bảo Lý Vệ thỉnh kiến Di vương gia.

Doãn Tường không nhịn được cười, lớn tiếng nói:

- Vào đi Cẩu Nhi!

Đợi Lý Vệ vào phòng, vừa nhìn ông ta hành lễ, vừa cười nói:

- Chức danh của ngươi thật là hay. Ngươi còn kiêm cả chức giám đạo Tam tề; báo liền "Nhất, nhị, tam (một, hai, ba). "Thái" là to, "thiếu" là "nhỏ", đúng là ngươi chiếm hết cả rồi!

- Phòng này ấm quá! - Lý Vệ lạy sát đầu xuống đất rồi đứng dậy, cười nói: - Không chỉ Tam tề, mà những vụ trộm cướp của Trực Lệ, Sơn Tây, Hà Nam cũng đều do nô tài quản cả!

Rồi nhìn sắc mặt Doãn Tường dưới ánh đèn, nói tiếp:

- Thần sắc vương gia khá hơn hôm ở Sa Hà nhiều. Nô tài cùng một ới vương gia, có thuốc gì tốt xin thưởng cho nô tài một ít.

- Có thuốc gì tốt! Vừa bước vào căn phòng ấm này nên ấm áp đó thôi, ta đã bảo bọn họ dành cho ngươi và Trương Đình Ngọc mỗi người một gian, tối nay chuyển sang đây đi! - Doãn Tường cười nói và phất tay ra hiệu cho Lý Vệ ngồi, ông tiếp: - Ta tưởng ngươi đã về Nam Kinh rồi, còn ở lại Bắc Kinh làm gì?

Lý Vệ thu nụ cười trên mặt lại, nhìn ngọn đèn leo lét, nói:

- Nô tài là phụng ý chỉ ở lại. Cho dù không phụng ý chỉ, chẳng biết vì sao mà nô tài cũng muốn ở lại Bắc Kinh đợi thêm mấy ngày, bệnh này của nô tài, chỉ lo lần này đi rồi thì "tráng sĩ một đi không trở lại", vì thế lưu luyến chủ không nỡ rời. Hai là nghe một số tin đồn, nô tài cũng không yên tâm lắm. Ba là có một số việc vặt còn muốn xin chỉ thị của vương gia.

Nói rồi đưa mắt liếc nhìn Lưu Thống Huân. Lưu Thống Huân rất nhạy cảm, lập tức cúi chào Doãn Tường, nói:

- Thư phòng bên kia còn có mấy bức văn thư quan trọng chưa bóc, vương gia và Lý chế đài ở đây nói chuyện, nếu không còn gì sai bảo, tệ chức xin lui.

Doãn Tường gật đầu nói:

- Những người khác cũng lui cả đi, hâm cho ta và Lý Vệ một bình sữa trên lò là được. - Đợi người hầu lui ra hết, mới cười hỏi: - Có chuyện gì mà lấm la lấm lét thế?

- Nô tài nghĩ đến chuyện kỳ chủ đến Bắc Kinh. - Lý Vệ lấy que cời than bắc lại bình sữa cho chắc hơn, chau mày nói: - Bát da cũng thật to gan, đúng là dám lấy tính mạng ra đối đầu với Đức vạn tuế! Thực lòng mà nói, nô tài thật sự hơi lo. Nô tài ở ngoại tỉnh hay trong Kinh đều có không ít bạn bè, Bát da nhìn bên ngoài chỉ quản công việc các Kỳ, nhưng thực ra thế lực rất lớn, chỉ cần tin đồn thất thiệt, thì cục diện triều đình có lẽ sẽ loạn lên ngay. Đức vạn tuế lần trước nói, nô tài cảm thấy yên tâm phần nào. Sau nghĩ lại, các quan viên tướng lĩnh trong Lục doanh của Bát Kỳ, có mấy kẻ không phải là người dưới kỳ? Kỳ chủ giữ được một vị trí trong triều đình, lòng quân không bao giờ yên ổn nữa, chỉ cần ở thế giằng co, là quân tướng cũng sẽ thay lòng. Nô tài sống chết là người của hoàng thượng, muốn xin Thập tam da khuyên hoàng thượng tốt nhất là đừng đi nước cờ mạo hiểm này...

Doãn Tường im lặng nghe xong, nhếch mép nói:

- Những điều ngươi nói, hoàng thượng không những đã nghĩ đến, mà còn nghĩ sâu, nghĩ kỹ hơn ngươi. Từ năm ngoái có tin đồn này, hoàng thượng đã phát cho các quan phụ trách các doanh kỳ ở Bắc Kinh mấy chục cái tráp mật tấu. Nhất cử nhất động trong quân đội đều nắm rất rõ. - ông đứng dậy, lững thững bước trên nền đất ấm - Điều ta lo lắng hoàn toàn khác với ngươi, ta sợ Bát ca lần này bí quá hóa liều, lún vào sâu quá không rút ra được, đó là tội đại nghịch, không cách gì cứu nổi. Thập tứ a-ca lần này không phụng chiếu, thật là một việc tốt. Nhưng còn dính dáng đến Bát ca, Cửu ca, Thập ca, một người là thân vương, hai người là bối lặc còn bao nhiêu bá quan văn võ trước đây bè cánh với họ? Chỉ riêng điện Văn Hoa, điện Anh Vũ còn có mấy đại học sĩ, ngươi khó mà nói được lòng dạ của họ như thế nào? Lý Vệ, đây là vụ án tày trời, ngươi đã bao giờ thấy chưa? Đức thánh tổ hai mươi mấy người con, anh cả bị cầm tù đến phát điên, anh hai ốm đau bệnh tật, chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn, chẳng thể sống được lâu nữa; Thập tứ đệ thực ra cũng là giam lỏng, lại thêm ba người này nữa... Thiên hạ đau đâu có hiểu được rằng "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng", chép vào trong sử sách, thì còn gì là thanh danh nữa?

Điều mà Lý Vệ luôn canh cánh trong lòng là ngôi vị hoàng đế của Ung Chính, nghe Doãn Tường nói như vậy lập tức sáng tỏ trong lòng, hoàng thượng và vị Doãn Tường này thực ra là đã giăng sẵn lưới chỉ chờ mấy con cá không biết sống chết ấy chui vào lưới thôi. Nghĩ đến lời Doãn Tường, cũng thấy buồn cho anh em họ, hồi lâu mới than:

- Nói ra điều này thật buồn, đúng là không bằng những kẻ nhà tranh vách đất! Bát da cũng thật là, không được ngôi vua, thì cũng là một thân vương cơ mà! Làm sao mà không biết dừng chứ?

- Cho nên đây là số mệnh. - Doãn Tường bỗng nhớ đến lời của Giả Sĩ Phương, lòng nặng trĩu, những ngón tay trắng xanh thon dài của ông nắm lại một chỗ một cách bất an, ông nói: - Chúng ta không có cách gì khuyên Bát ca, nếu ông ấy làm, chúng ta cũng không thể ngăn được, chỉ có thể dựa vào ý của hoàng thượng mà nặn cái mụn bọc ấy thôi. Nếu Bát ca biết phải trái một chút, tự dừng lại, an phận làm việc, thì cho dù những kỳ chủ này đến, ta cũng bảo lãnh được cho ông ấy; nếu không ta không thể bảo lãnh được, quả thật là không biết làm thế nào...

Ông trở nên mất bình tĩnh, nói lảm nhảm như người điên:

- Ngươi nói đủ rồi... cũng tranh luận đủ rồi, còn chưa thôi? Thiên hạ bao nhiêu là việc đang chờ ta làm, nói mãi chuyện gia đình... không thể học Thập tứ đệ sao?

Lý Vệ thương hại nhìn người em sủng ái nhất của Ung Chính hoàng đế. Năm xưa, ông là người không an phận nhất trong số những người con của Khang Hy, vung roi trấn Giang Hạ có ông, thúc ngựa phá tiệc có ông,1;i náo Ngự Hoa viên cũng có ông, Khang Hy ngự ban cho hiệu là "Thập tam lang liều mạng", 20 năm bè đảng tranh giành, 10 năm giam cấm nơi tường cao, đã biến ông thành một con người khác! Đột nhiên nghĩ đến chuyện Kiều Dẫn Đệ, liền hỏi:

- Thập tam da, cái tên Kiều Dẫn Đệ này là như thế nào, khi xử vụ án Nặc Mẫn nô tài từng gặp mấy lần, đẹp thì có đẹp, nhưng cũng chẳng lấy gì làm xuất sắc cho lắm. San mà Thập tứ da cứ giữ khư khư, còn hoàng thượng thì chỉ đích danh đòi bằng được? Thật là quá si mê rồi, vì một người đàn bà mà anh em xích mích nhau đến mức như vậy, liệu có đáng không?

- Trên đời này có mấy cặp vợ chồng được như ngươi và Thúy Nhi, thanh mai trúc mã hoạn nạn gặp nhau, lại rất đẹp đôi nữa. - Doãn Tường thẫn thờ nhìn lò than đỏ rực - Chuyện tình cảm khó ai mà nói rõ được, người vì chữ "tình" mà để mất giang sơn, mất gia đình, mất tính mạng, biết bao nhiêu mà kể, như Ngô Tam Quế chỉ vì một Trần Viên Viên mà dấy binh phản lại nhà Minh, dẫn đại quân vào Quan Trung, cũng vẫn là vì một chữ "tình"!

- Nhưng hoàng thượng trước đây không hề có tình ý gì với Kiều Dẫn Đệ. - Lý Vệ cúi đầu trầm ngâm - Kỳ quặc quá. Nô tài hỏi hoàng thượng, hoàng thượng lại bảo nô tài hỏi ngài, ngài có thể nói cho nô tài biết không?

Doãn Tường chuyển bình sữa đã sôi sang một bên lò, trầm ngâm suy nghĩ, rồi bật cười nói:

- Vừa nãy ngươi nói đến chữ "Si", ta nhớ đến có người từng nói người Mãn Châu thật si tình! Thái tông hoàng đế mất, Thế tổ hoàng đế mới 6 tuổi, Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn độc quyền nắm giữ triều chính, trông thấy cả một giang sơn tươi đẹp trong tầm tay, ông ta vẫn không chịu chìa tay ra mà lấy. Thế tổ hoàng đế ở ngôiược 17 năm, mới 24 tuổi, ngày nay người thì nói là ốm chết, người nói là xuất gia, chung quy chỉ vì một người đàn bà là Đổng Ngạc thị, cũng vì một chữ "tình" như Đa Nhĩ Cổn. Nói đến Kiều Dẫn Đệ, hoàng thượng muốn cô ta cũng vì chữ này. Có điều không vì bản thân cô ta, mà vì một người đàn bà khác, nói hoàng thượng si tình cũng là đúng.

Lý Vệ vắt óc nhăn trán nghe xong, nói:

- Vương gia nói vòng vo quá, hoàng thượng vì tình đòi Dẫn Đệ, lại không vì Kiều Dẫn Đệ, mà vì người đàn bà khác, thật không hiểu nổi.

Doãn Tường nói:

- Điều này chẳng có gì khó hiểu cả, Kiều Dẫn Đệ rất giống một người con gái mà năm xưa hoàng thượng đem lòng yêu thương! 20 năm trước, hoàng thượng đi tuần thú An Huy, bị nước lũ vây khốn, sau đó được một người con gái cứu, khi ở nhà người con gái đó, hai người đã có những phút giây ân ái...

- Vương gia - Lý Vệ bỗng nhớ ra, nói: - Ngài nhắc đến việc này, nô tài biết cả rồi. Sau khi cơn lũ qua đi hoàng thượng ở Dương Châu thúc phát thẩn, đã mua nô tài ở chợ người. Nô tài và hoàng thượng còn cùng đến bến Hoa Đào, đập Cao Gia tìm thăm bà ấy. Bà ấy tên là Tiểu Phúc... Chủ tớ nô tài lần đó gặp nguy, suýt nữa mất mạng trong hắc điếm! Tiểu Phúc là một kỹ nữ, thuộc tầng lớp tiện dân, vì vậy hoàng thượng còn ra một đặc chỉ, xóa bỏ tầng lớp tiện dân trong thiên hạ. Kiều Dẫn Đệ giống Tiểu Phúc? Liệu có phải...

Một ý nghĩ đáng sợ lóe lên trong đầu Lý Vệ: liệu có phải là mẹ con? Nhưng ông lập tức phủ nhận, Tiểu Phúc bị hình phạt hỏa thiêu, khi chết Ung Chính cũng tận mắt nhìn thấy, cách ngày hai người chia tới có ba bốn tháng, không thể có con được, trong thiên hạ cũng không có chuyện trùng hợp như vậy. Ông chuyển ý, nghi hoặc nghĩ: "Hay là lâu ngày rồi hoàng thượng nhớ nhầm? Cứ coi là bề ngoài giống hệt nhau, nhưng còn tính tình, tính cách nữa chứ! Nay đã liên quan đến việc nước, thì nên nhường Thập tứ da một bước". Ông lại nghĩ đến Đa Nhĩ Cổn và Thuận Trị mà Doãn Tường ví, liền im bặt, không biết nói gì.

Một lúc lâu cả hai đều im lặng. căn phòng bỗng chốc lặng ngắt như tờ. Nhìn ra ngoài qua ô cửa kính, tuyết đã rơi rất dày, bám từng mảnh lên kính, trong nháy mắt biến thành nước, chảy xuống như nước mắt, chỉ nghe từ xa vẳng lại tiếng đọc kinh Bát nhã Bà La mật đa tâm kinh của trụ trì chùa Thanh Phạn.

*

- Các khanh sao ngồi ngẩn mặt ra thế?

Bỗng nhiên có tiếng người phá tan bầu không khí tĩnh lặng. Doãn Tường và Lý Vệ quay đầu lại, thì thấy tấm mành động đậy, cùng với ngọn gió lạnh lùa vào trong nháy mắt, một người lững thững bước vào, Trương Đình Ngọc theo sát sau. Nhìn dưới ánh đèn, hai người giật mình, hóa ra là Ung Chính!

- Là hoàng thượng!

Doãn Tường và Lý Vệ đồng thời bật người đứng dậy hành lễ thỉnh an. Lý Vệ vội vàng khiêng chiếc ghế da hươu Doãn Tường thường ngồi lại, miệng nói:

- Ôi! Trời tối tuyết to thế này,ượng đến đây bằng gì?

Doãn Tường cũng nói:

- Hoàng thượng có việc gì, thì sai thái giám đến báo cho chúng thần là được. Từ vườn Sướng Xuân đến đây những bốn năm dặm đường cơ mà!

Ung Chính vừa từ ngoài trời băng tuyết vào đến phòng, không nén nổi vui mừng, xoa tay, sắc mặt có phần nhợt nhạt cũng dần dần ửng hồng, thấy mọi người đều đứng ngây như phỗng, bèn cười nói:

- Ngồi xuống cả đi. Sao bên cạnh đến một đứa nô tài để sai khiến cũng không có thế này? Nói chuyện cơ mật hay sao, trẫm đứng bên ngoài nghe, hai người lại không nói gì nữa?

Lý Vệ rót sữa trong bình ra dâng cho Ung Chính một cốc rồi mới rót cho Trương Đình Ngọc và Doãn Tường, miệng nói:

- Nô tài đang nói với Thập tam da chuyện năm xưa, ông chủ thu nhận nô tài, rồi gặp nạn ở hắc điếm. Mới chớp mắt đã 20 năm, nghĩ lại như một giấc mơ...

Ông liếc nhìn Ung Chính thở dài.

- Ừ nhỉ... đã 20 năm rồi... - Ung Chính cũng vô cùng xúc động - Nếu không mang theo khanh, ta cũng mất mạng rồi, khanh quả là có công chống trời hộ giá! Đáng tiếc lại chỉ có thể vùi dập đi... Lúc đó nước sông Hoàng tràn lan, từ bến Hoa Đào đến đập Cao Gia, cả một vùng mấy chục dặm không một bóng người. Chúng ta vận chuyển lương thực trên bãi cát, các làng xóm trên đường không một người đàn ông. Lần trước phê mật tấu của Phạm Thời Tiệp, trẫm còn đặc biệt hỏi, những cánh đồng ngước kia, nay đã khai khẩn chưa. Phạm Thời Tiệp nói ruộng ngập nước lũ là mầu mỡ nhất, đã khai khẩn từ lâu rồi. Lý Vệ, phía bắc bến Trêu Gia còn có mấy vạn khoảnh đất phù sa, nghe nói khanh hạ lệnh không cho khai khẩn, là tại làm sao?

Lý Vệ vốn định lái Ung Chính vào chuyện Kiều Dẫn Đệ, sau đó ba người cùng khuyên ông trả cô ta cho Doãn Đề, để xóa bỏ hiềm khích giữa hai anh em, nhưng Ung Chính lại lái sang chuyện chính trị đành cúi người trả lời:

- Bẩm hoàng thượng. Vì Doãn Kế Thiện định bán ba vạn hai nghìn khoảnh đất đó, nên nô tài đã ngăn lại. Ngày nay đất của Giang Tô nhiều, nếu khai khẩn thêm nữa thì "tham nhiều nhai không nát", thấy Hoàng Hà đã quy thành đạo, đê điều đã tu bổ xong, những kẻ có tiền nhân rẻ mà mua đất, thực ra chỉ là bá chiếm chứ không trồng cấy. Nô tài nghĩ, để tài chủ bá chiếm những vùng đất này sao bằng triều đình nắm giữ? Ngày nay một mẫu đất chỉ bán được 7 lạng bạc, năm Khang Hy thứ 30 đất đó một mẫu hơn 50 lạng, đến năm Khang Hy thứ 40, một mẫu bán được hơn 2 trăm lạng! Nô tài muốn đợi khi được giá bán lấy thêm mấy trăm vạn lạng bạc, cũng có thể làm được một số việc lớn. Nếu hoàng thượng thấy không thỏa đáng thì nô tài xin xử lý.

Ung Chính cười đáp:

- Khanh làm thế là quản lý tài sản cho triều đình. Tốt lắm, có gì là không thỏa đáng. Có điều, nếu tấu trước cho trẫm biết thì không có chuyện gì phải nói cả.

Doãn Tường ngồi bên cạnh Ung Chính cười nói:

- Việc này Lý Vệ đã nói với thần đệ rồi, định mấy năm nữa bán được món tiền lớn, thì xây cho hoàng thượng một hành cung ở Nanh. Anh ta mong hoàng thượng đi tuần thú miền Nam mà!

Trương Đình Ngọc cũng không thể không khâm phục Lý Vệ làm việc sáng suốt, ngồi bên cười nói:

- Đốc phủ trong thiên hạ ai cũng được như Lý Vệ và Điền Văn Kính thì triều đình đỡ được bao nhiêu mối lo về tài chính!

- Trong lòng trẫm có ba việc lớn, một là sung công tiền bù hao, hai là sĩ dân đều phải đi phu, ba là "cải thổ quy lưu" ở Vân Nam. - Ung Chính ngồi ngay ngắn lãnh đạm nói: - Bây giờ một người là Lý Vệ, một người là Điền Văn Kính, Giang Tô và Hà Nam đã thi hành thử, các tỉnh còn lại chưa triển khai, một là Niên Canh Nghiêu, Long Khoa Đa làm loạn khắp nơi nhúng tay vào; hai là ở 2 tỉnh này vẫn chưa thấy có hiệu quả, tạm thời chưa thể ra minh chiếu. Khi Dương Danh Thời đến Kinh ta có nói chuyện, trong ba việc này ông ta không tán thành một việc nào cả. Nhưng ở Quý Châu ông ta làm việc rất tốt, trẫm có hẹn với ông ta, trong 7 năm không đụng đến chức tổng đốc kiêm tuần phủ của ông ta. Dương Danh Thời là một quan thanh liêm, ông ta làm quan dựa vào nhân phẩm, Lý Vệ và Điền Văn Kính cũng là quan thanh liêm nhưng là dựa vào việc thay đổi chế độ chính trị. Trẫm nghĩ, tạm thời ai làm việc người nấy cũng tốt, trong nội địa, hai việc này không làm được. "Cải thổ quy lưu" ngay một lúc cũng chưa thể thực hiện được, phải đợi khoảng 7 năm nữa mới có thể nói đến chuyện "cải thổ quy lưu". Đây là vùng dân tộc Miêu và dân tộc Dao sống tạp cư, không cẩn thận sẽ dễ xảy ra đại loạn.

Trương Đình Ngọc nghe kế hoạch to lớn của Ung Chính cũng có phần hứng thú, nhưng là một người đã gần 30 năm làm tể tướng, nên hoa lửa hứng thú vừa lóe lên, lại nghĩ ngay đến khó khăn. Ông không hút thuốc, chỉ cầm chiếc quạt trúc đốm quanh năm suốt tháng không bao giờ rời ông lên mà ngắm nghía, trầm ngâm hồi lâu mới nói:

- Sung công tiền bù hao để phát tiền dưỡng liêm, làm mất nguồn thu của quan lại, sĩ dân đều phải đi phu nộp lương, lại làm tổn hại người giàu mà có lợi cho người nghèo. Từ Tổ Long đến nay đã có biết bao nhiêu hoàng đế, đây là biện pháp chấn chỉnh quan lại địa phương thực sự đầu tiên. Nếu làm tốt, hoàng thượng cũng là ông vua thiên cổ, nhưng người ngăn cản cũng sẽ rất nhiều, bắt tay vào làm lại trăm mối chằng chịt, thật là khó biết bao!

Ung Chính mặt không chút biểu lộ, lâu sau mới nói:

- Nếu không khó thì người khác đã làm từ lâu rồi còn đợi đến lượt trẫm? Đừng nói trên dưới trong ngoài triều đình, ngay cả hoàng thân quốc thích, anh em con cháu trẫm, cũng nhiều người không tán đồng. Trong lòng trẫm biết rõ cái khó của nó. Nhưng việc này trẫm đã nói đi nói lại với các khanh rồi, những việc này càng kéo dài về sau, để lại cho con cháu, chúng càng khó làm. Trẫm không làm ông vua tầm thường sau Thánh tổ, các khanh cũng không nên làm kẻ bề tôi tầm thường. Cứ cho là đang trong cơn "cao hứng", kẻ nào ngăn cản cái hứng này của trẫm... dù là người thân nhất cũng khó tránh được trẫm vì đại nghĩa mà bỏ tình riêng.

Nói xong đặt mạnh cốc sữa lên bàn. Lúc này, tiếng tụng kinh của hòa thượng cũng đã dứt, ngôi chùa cổ sâu thăm thẳm chìm trong màn đêm tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng gió tây bắc rít nhẹ ngoài cửa sổ và tiếng xào xạc của những mảnh tuyết trút xuống đất.

- Mưu lược cao xa của hoàng thượng thật khó ai theo kịp. - Không biết sau bao lâu, Doãn Tường mới lên tiếng, giọng ông rất thấp, nhưng trong không khí tĩnh lặng lại nghe rất rõ - 24 anh em chúng ta, 4 người chết yểu, còn lại 20 người. Anh em đồng tâm thì cái lợi là vô cùng. Nếu Bát ca, Thập tứ đệ có thể... thì tốt biết bao! ằng mà nói, họ cũng không phải là loại bất tài...

Lý Vệ là người hết sức tinh nhanh, lập tức đoán được Thập tam da muốn khuyên hoàng thượng về chuyện Kiều Dẫn Đệ: "Lúc này đưa ra thì thật đúng lúc Thập tam da quả là tài tình!". Ông thầm lấy hết can đảm, nhưng không dám nói chêm vào, chỉ dỏng tai đợi Ung Chính nói...