Tuyết Đoạt Hồn

Chương 7: Nghệ nhân mài đá

Chương 7: Nghệ nhân mài đá

Suốt chặng đường từ Giang Kinh đến thị trấn Ngân Dư bên ngoài khu nghỉ dưỡng - trượt tuyết quốc tế Diên Phong, ngoài mấy câu xã giao thông thường ra, tôi hầu như không chuyện trò gì thêm với Cốc Y Dương cả. Đã có “loa phát thanh” Thành Lộ rồi nên chuyến đi cũng không đến nỗi buồn tẻ; Cốc Y Dương cũng rất có ý, không nói những câu vô duyên khiến cả hai chúng tôi cùng tẽn tò. Rất có thể, “anh ta muốn tiếp cận cô” chỉ là ý nghĩ của riêng Thành Lộ, chứ Cốc Y Dương không hề có hứng thú trò chuyện với tôi.

Khoảng 3 giờ chiều thì xe chạy đến thị trấn Ngân Dư. Gió hiu hiu, trời rất đẹp, không hề có cảnh gió đông bắc giá lạnh, tuyết bay khắp chốn như tưởng tượng. Cốc Y Dương gợi ý nên ghé siêu thị mua một số vật dụng hàng ngày và một ít lương khô, vì ngôi nhà gỗ đã thuê nằm trên sườn núi rất cao, không tiện lên xuống mua sắm.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên tôi đến chân núi Trường Bạch. Mùa thu năm ngoái, dịp tuần lễ Vàng quốc khánh, tôi không đỡ nổi cuộc “tấn công” của Cốc Y Dương - thực ra chủ yếu là vì tôi đã thích anh - nên đã cùng về quê anh chơi. Còn nhớ, dịp đó mẹ tôi lo chúng tôi tiến triển quá nhanh, chưa gì đã đến giai đoạn về “trình diện” bố mẹ? Tôi cố thuyết phục bà rằng: mẹ cũng đã gặp anh ấy rồi, con chỉ về chơi quê anh ấy chứ chưa chính thức gì cả.

Lần đó chúng tôi không đến thị trấn Ngân Dư. Nhà Cốc Y Dương ở huyện lỵ, chúng tôi đến điểm du lịch Thiên Trì, cũng khá gần Ngân Dư; còn đi thị trấn Hồ Cương, ở đó có thắng cảnh Hồi Phượng Nham, ngắm rừng lá đỏ lúc bình minh, đẹp mê hồn.

Vật đổi sao dời, mới chỉ có một năm ngắn ngủi.

Ở Ngân Dư có cơ sở của chuỗi siêu thị Hoan Lạc Phúc, khá bề thế, trước cửa có vài tiệm nho nhỏ. Thành Lộ vốn rất thích các đồ chơi mới lạ, chị không để tâm mua mỳ ăn liền, sủi cảo và bánh bao đông lạnh mà kéo tôi đi dạo các tiệm nhỏ này.

Có một tiệm chuyên bán các đồ lưu niệm núi Trường Bạch, các tệp tranh ảnh, lịch treo tường, gạt tàn thuốc lá Thiên Trì, hổ đông bắc khắc gỗ, khắc đá…

Tôi cũng rất hào hứng đi quanh một lượt xem ngắm. Thành Lộ bỗng lắc tay tôi, rồi chỉ về hướng có tiếng vo vo vọng ra từ một tiệm có cánh cửa màu đen, bên trên viết bốn chữ “Thiên Trì Ngọc Thạch.” Thành Lộ nói: “Ta thử vào xem sao!” Thực ra tôi biết chị đã có ý muốn vào.

Đẩy cửa bước vào, thấy bên trong tối om. Nhờ ánh sáng bên ngoài tràn vào, mắt chúng tôi từ từ thích ứng, dần dần nhìn rõ một bà già đang ngồi trước cái bàn. Tôi hơi chột dạ: chẳng lẽ bà ấy suốt ngày ngồi trong bóng tối thế này?

Thành Lộ cũng nắm chặt cánh tay tôi, người chị hơi run. Vẻ kỳ quái của bà già khiến chị sợ hãi: mái tóc dài bạc phơ buông xõa xuống bênh cạnh chân ghế, da dẻ thì vẫn hồng hào như người độ tuổi chớm trung niên. Bước lại gần hơn thì nhận ra tại sao bà ta lại ngồi trong bóng tối: đôi mắt bà giống như hai viên đá cuội trắng đục, không chút sinh khí.

“Kìa, viên đá đẹp quá!” Thành Lộ reo lên khi nhìn thấy vật trên bàn. Chị quên cả sợ hãi, bước đến cầm lên xem. Đó là một viên đá tròn trịa, chị cố ngắm nghía nó trong ánh sáng lờ mờ. “Nó là đá bên bờ Thiên Trì thật à? Bà làm ra nó phải không? Bà bán bao nhiêu?”

Hỏi tới tấp như thế, dẫu là người nhanh mồm nhanh miệng cũng khó mà trả lời một mạch, nữa là bà già hình như rất ít nói này. Bà chỉ vào tấm bìa cứng dán ở cạnh bàn, trên viết mấy chữ: “Đá Thiên Trì, 88 đồng một viên.”

Tay bà cầm một viên đá đang gia công dở dang, trên bàn có một thiết bị lắp hòn đá mài, tôi đoán đó là chiếc máy quay tay đơn giản để mài đá. Hình như bà không mấy mặn mà với khách, lúc thì dùng máy, lúc thì cầm cái giũa lên để giũa.

Tiếng máy mài vo vo ken két. Thành Lộ thì thào với tôi: “Thì ra là một bà già vừa điếc vừa câm.” Chị nói to: “88 đồng, sao đắt thế ạ? Nó chỉ là hòn đá thôi mà!”

Bà già không ngẩng đầu, chẳng rõ vì không nghe thấy hay vì chẳng thiết trả lời.

Thành Lộ đặt viên đá trở lại chỗ cũ, tay để trên bàn, chị hơi do dự; rồi nhận ra trên bàn đang bày 6 viên đá đã mài xong. Chị nghĩ ngợi giây lát, rồi khẽ nói với tôi: “Nhóm chúng ta vừa khéo 6 người, tôi mua cả 6 viên đá để mỗi người một viên làm kỷ niệm. Sẽ mặc cả với bà ấy xem sao. 300 đồng 6 viên, cô thấy được không? Tôi vẫn thấy hơi đắt. Nhưng đã thỏa thuận rồi, chuyến đi này La Lập Phàm bao tất.”

Tôi biết Thành Lộ có thói quen tiêu tiền văng mạng, ngăn cũng chẳng được, bèn nói: “Em nghĩ là hơi lãng phí, thôi thì tùy chị!”

Thành Lộ bước đến gần bà già, nói to: “Tôi mua cả 6 viên này, 300 đồng, được không?”

Bà già dừng tay, nhìn chúng tôi (tôi biết bà chẳng nhìn thấy gì hết), bà nghĩ ngợi rồi mở ngăn kéo lấy ra cái máy tính, bấm lách tách, rồi đưa cho Thành Lộ. Hai chúng tôi cùng bước ra gần cửa để nhìn cho rõ con số: 388.

Thành Lộ đưa mắt nhìn tôi, vẻ hơi bực mình. Tôi biết chị đang nghĩ gì: bà già này rất trần tục, suốt ngày chỉ mê con số 8! Chị nói: “Được, được! Ừ thì 388 đồng! Bà có cái hộp đẹp nào không? Tôi làm quà biếu người ta.”

Bà già moi cái túi vải quàng trên lưng ghế, lấy ra sáu cái hộp nhỏ bọc nhung đỏ, đưa cho Thành Lộ. Chị đưa bà già bốn tờ tiền 100, rồi lần lượt đặt từng viên đá vào hộp.

“Sao hai người lại trốn vào đây? Bọn anh gọi mãi không thấy!” La Lập Phàm đứng trước cửa ra vào.

“Sao phải kêu ca gì thế? Em đang mua quà lưu niệm tặng mọi người. Anh cảm ơn em đi, em đã giúp anh đỡ tốn 200 đồng.” Thành Lộ nói.

La Lập Phàm lắc đầu: “Chỉ suốt ngày mua sắm vớ vẩn!”

Thành Lộ cười nhạt: “Giữ tiền làm gì? Tiêu hết càng nhẹ mình, để người ngoài đỡ phải nhớ.” Ngụ ý trong câu nói, có lẽ ngay cả bà già điếc kia cũng hiểu ra.

“Sao mọi người lại ở đây?” Giọng Cốc Y Dương nghe là lạ, có vẻ sợ hãi thì phải?

Gần như đồng thời, bà già đang lần tìm tiền lẻ bỗng sững người.

Thành Lộ “suỵt…” rồi nói: “Ở đây thì sao?”

Cốc Y Dương tỏ ra sốt ruột: “Mau mau lên, không còn sớm nữa đâu, còn phải đăng ký, rồi lên núi…”

Bà già bỗng đưa tay ra nắm chặt tay Thành Lộ đang đặt viên đá vào hộp.

“Kìa, bà làm gì thế?” Thành Lộ kêu lên.

Bà già quầy quậy lắc đầu. Tôi kinh ngạc hỏi: “Thế là sao? Bà không bán nữa à?”

Bốn tờ giấy bạc 100 ấn trở lại tay Thành Lộ.

“Gì thế này? Có chuyện ép khách mua bằng được, chứ đâu có chuyện đã thỏa thuận rồi mà lại đánh tháo không bán nữa?” Thành Lộ lầu bầu, đưa mắt sang La Lập Phàm và Cốc Y Dương. “Hai anh phá quấy à? Vừa vào thì bà ấy không bán nữa?”

Tôi bước đến trước mặt bà già, nhẹ nhàng hỏi: “Bà có thể cho bọn cháu biết tại sao bà không bán nữa không?”

Bà già đưa tay chỉ về phía Cốc Y Dương (cứ như là bà nhìn thấy), chầm chậm lắc đầu.

Cốc Y Dương nhìn đôi mắt lờ đờ của bà, điềm tĩnh nói: “Kệ bà ấy, ta đi thôi!”

Lúc này tôi mới chú ý nhìn, bà đưa tay cầm sáu viên đá mà Thành Lộ mua hụt lần lượt ném vào cái âu gốm đặt trên bàn. Tuy mắt không nhìn được nhưng các viên đá rơi vào âu rất chuẩn, chúng chạm vào các viên đá trong âu kêu lách cách. Sắc mặt bà vô cảm, hình như chẳng thèm bận tâm các viên đá mỹ nghệ nhẵn bóng sẽ bị xước.

Lúc Thành Lộ và mọi người bước ra khỏi cửa thì 6 viên đá đã rơi cả vào trong âu, tôi vẫn đứng lại nhìn những động tác của bà già cổ quái.

Tôi không chấp nhận một câu đố sẽ vĩnh viễn là câu đố ở ngay trước mặt mình.

“Thực ra là chuyện gì vậy?” Tôi gặng hỏi bà lần cuối cùng.

Trả lời tôi chỉ là sự im lặng. Bà già tay cầm viên đá vừa mới mài xong, hình như bà đang do dự.

Tôi thở dài, bước về phía cửa.

“Bây giờ quay về thì vẫn còn kịp.” Bà già bỗng mở miệng. Giọng bà rin rít như âm thanh phát ra từ cái máy mài.

Thì ra bà vẫn nói được, chỉ là không muốn nói mà thôi.

Thần kinh tôi bỗng chùng xuống: “Vậy xin bà cho cháu biết, tại sao?”

Bà già lại im lặng, tay mân mê viên đá.

Tôi chờ thêm giây lát, Thành Lộ đứng ngoài gọi: “Na Lan còn ở trong đó làm gì thế?” Tôi đáp: “Em ra ngay đây!” Tôi bước ra phía cửa.

Hình như sau lưng tôi có tiếng thở dài.

Tiếp đó là một tiếng “cạch”.

Tôi biết đó là viên đá cuối cùng mất hút vào cái âu gốm.

Mấy viên đá ấy lần lượt mất hút.

Lúc này gió núi đang hú hét, tôi thầm nghĩ, Hân Nghi đang ở đâu? Sao không thấy cô ấy? Lẽ nào cô ấy biến mất?

Trong căn phòng, ánh mắt của mọi người đều đang đổ dồn vào tôi - người bạn tạm thời cùng phòng với Hân Nghi - hình như tôi là người duy nhất biết câu trả lời.

Tôi lắc đầu: “Lúc nãy nghe chị Thành Lộ gọi, tôi chạy ra ngay; tôi nhớ rằng lúc đó đã không thấy Hân Nghi trong phòng. Nếu có, tin rằng cô ấy cũng chạy ra theo để xem có chuyện gì.” Lúc này tôi cảm thấy hơi gai lạnh: đầu tiên là tấm ảnh bí hiểm, sau đó là Hân Nghi đi đâu không biết.

Và cả câu nói của bà già kia nữa: bây giờ quay về thì vẫn còn kịp.

Nhưng bây giờ thì đã không kịp nữa rồi.