Nhu ở hiền ngay từ ngày còn bé. Khi chưa đẻ nó, mẹ nó đã có một đứa con trai được hai năm. Thằng bé anh này đã được khá nhiều răng và biết ăn cơm. Nhưng nó còn quấy suốt ngày, chẳng mấy lúc chịu để mẹ rời ra. Mà dù nó đã ăn cơm no đến căng bụng mặc lòng, lúc trông thấy mẹ vẫn còn đòi bú; không cho nó bú nó lăn ra đất, giãy giụa, xé quần, xé áo, cào mặt ra mà khóc; chẳng khác gì người ăn vạ. Đêm đến, nó mới lại càng làm khổ. Nó nhất định cứ phải nằm bên mẹ suốt đêm, ngoài mẹ ra, không chịu ngủ với ai. Nó bám lấy mẹ chằng chằng. Thức giấc dậy lúc nào là nó lại vơ lấy ngay cái vú ấn vào mồm, dù chẳng còn một giọt sữa nào. Không còn sữa nó cũng day. Nó day cái vú beo như một con chó day bối ghẻ. Rứt bú ra là nó khóc…Vì vậy cho nên lúc chửa Nhu thì mẹ Nhu lo lắm. Bà sẽ liệu thế nào với hai đứa trẻ, nếu cả hai cùng đòi mẹ? Nếu đứa sau cũng bẳn tính như đứa trước thì có lẽ chúng làm tội bà đến chết…
Nhưng ở cữ mấy hôm, bà mẹ Nhu mừng lắm. Bởi vì Nhu không dữ. Nhu hiền. Trời phú tính cho Nhu rất hiền. Cho bú no rồi thì muốn đặt Nhu nằm đâu cũng được, trao cho ai cũng được. Cả ngày không nghe thấy tiếng Nhu khóc. Người vô ý vào nhà, không biết nhà có trẻ. Duy có thằng cu anh thì vẫn cáu kỉnh, vẫn tai ngược, vẫn hay khóc, hay vòi không kém trước; có lẽ còn hơn trước. Nó vẫn đòi bú như thường, và có khi bú hết cả phần Nhu. Mà nó không chịu để cho Nhu bú chung đâu. Nó giữ lấy mẹ một mình. Nếu đang lúc nó bú vú này mà Nhu bú vú kia, thế nào nó cũng nhả vú ra, hùng hổ véo má Nhu mà kéo Nhu ra, hay cùi tay lại chực đấm Nhu rồi khóc thét lên khi mẹ giơ tay đỡ cho em bé. Thấy mẹ bế em, nó cũng ghen. Thành thử mẹ Nhu chỉ dám ẵm Nhu lén lút mà thôi, và cho Nhu bú những khi không có thằng anh ở đấy. Ban đêm, Nhu ngủ với con ở, nhường mẹ cho thằng anh không bao giờ nhượng bộ. Một đôi khi, bà mẹ thấy con bé hiền cũng thương. Nhưng chẳng biết làm sao, bà đành tặc lưỡi, tự bảo mình: “Thôi cũng được! Miễn là nó chịu!… ”. Chịu thì cái gì Nhu cũng chịu…
Khi đã biết, tính nết Nhu vẫn vậy. Nhu thật là một đứa trẻ ngoan. Không bao giờ người ta thấy Nhu đòi một cái gì, phản đối một cái gì. Cho Nhu ăn thức gì thì Nhu ăn thức ấy thôi. Nếu Nhu không muốn ăn thì Nhu bảo: không ăn. Nhu không hề đòi một thức khác ngon hơn hay tính Nhu thích ăn hơn. Lúc đói, mặt Nhu kém tươi hơn; Nhu tìm một chỗ ngồi; rất lì xì, con ruồi bay qua chẳng buồn xua; nhưng Nhu chỉ lặng im, nếu không ai hỏi đến thì chẳng bao giờ Nhu dám nói ra; khi Nhu đã bắt đầu ngáp vặt luôn, mũi đỏ lên, nước ứa ra, ấy là Nhu đã đến lúc không còn chịu được….Mỗi lần có bánh quà gì, thế nào thằng anh Nhu cũng tranh lấy phần hơn. Bà mẹ bảo Nhu: “Nó là anh, con phải nhường cho nó”. Nhu cho là phải lắm. Nhưng mấy năm sau, Nhu đã có em thì mẹ Nhu lại bảo Nhu rằng: “Nó là em, chấp với nó làm gì?”. Nhu cũng lại cho là phải lắm….Các em Nhu cũng như thằng anh Nhu, chẳng đứa nào giống tính Nhu. Đứa nào cũng ương ngạnh, bướng bỉnh, tham ăn, chẳng đứa nào chịu kém đứa nào. Bà mẹ đi chợ mới về đến đầu sân, chúng nó đã mải mốt chạy ra, nhao nhao ở xung quanh. Chúng vây chặt lấy bà, đứa nó huých đứa kia, quát lẫn nhau. Và khi bà mẹ vừa gạt chúng ra, đặt được cái thúng xuống hè, chúng đã lăn xả vào, cướp bánh như ở sân đình. Bà mẹ phải vừa gào, vừa thét, vừa giằng nhau với những đồ quỷ sống kia để cướp lại cho Nhu củ khoai bé nhất hay miếng bánh đa sống nhất. Nhưng tí xương xẩu ấy, nhiều khi Nhu cũng lại không được ăn vào miệng. Những đứa kia, ngồm ngoàm ăn thật nhanh hết phần của chúng rồi xúm lại xin Nhu. Nếu Nhu không cho thì chúng ăn cướp của Nhu. Cũng có khi thì trước khi ăn, đứa này nhận ra phần của đứa kia to hơn phần của nó nhiều; chúng tị nhau; rồi đứa bị phần kém dỗi; vất phần của mình đi; nhè mồm ra khóc. Ấy thế là Nhu lại phải bỏ phần của Nhu ra, bù cho nó, để nó lặng. Nếu Nhu kệ nó thì nó còn khóc mãi. Bà mẹ giậm chân bành bạch, gầm lên.
Thằng lớn gân cổ, the thé cãi lại bà. Nhà cửa om sòm, Nhu nuốt chẳng trôi. Mà kết cục thì thế nào bà mẹ cũng gọi Nhu lại, bảo: “Thôi, con ạ! Con chẳng ăn làm gì một tí…Chẳng no béo gì đâu, con ạ!…
Con thí cho thằng mõ ấy, kẻo nó khóc điếc tai không chịu được…Những thằng mõ, con mõ đấy! Chúng nó ăn tham rồi chỉ đến làm mõ mà thôi!… ”
Bây giờ, mỗi lần nhớ lại những lời nói trên đây của mẹ, Nhu không thể không mỉm cười chua chát. Không phải là Nhu có ý ghen gì với anh hoặc các em. Có ai điên đến nỗi chỉ cầu cho anh, em mình làm mõ? Nhu thấy anh, em khá tất cũng phải mừng và muốn cho họ khá hơn bây giờ nữa. Nhưng Nhu cấm làm sao được Nhu tự hỏi rằng: “Tại sao trên đời này lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành? Tại sao những kẻ hay nhịn, hay nhường thì thường lại chẳng được ai nhịn, nhường mình; còn những kẻ thành công thì hầu hết lại là những người rất tham lam, chẳng biết nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn, nhất là tàn nhẫn?… ”
Năm mười bảy, mười tám tuổi, Nhu là một cô gái rất nhu mì. Cô hiền như một ngụm nước mưa. Không bao giờ cô to tiếng với ai, mà ai hơi to tiếng với cô là cô nhịn không nói nữa. Nhượng là em gái Nhu, đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn nhắc đến chuyện đã làm nó buồn cười. Một hôm, mẹ giao cho hai chị em làm cỏ chung một mảnh vườn, đến trưa phải làm xong. Biết tính Nhượng hay chơi, Nhu chép miệng phàn nàn:
Làm chung với ai chứ làm chung với mày thì chết tao thôi! Sau mày cũng lại nghênh trời, nghênh đết, đến trưa việc không xong, mẹ chẳng biết là đâu, cứ tao là chị mà chửi!…
Nhượng tớn môi lên, bảo:
Chị cứ lo phần chị! Nếu chị sợ phải mắng lây thì cứ chia ra, mỗi người một nửa vườn, của ai người ấy làm.
Hai chị em chia. Chia xong, Nhu làm nửa của Nhu. Nhượng bỏ đi chơi. Nhu hơi giục là Nhượng mắng, bởi ai đã có phần người ấy. Không việc gì mà lo hộ! Đến nữa buổi, Nhượng vẫn trèo hết cây nọ đến cây kia xót quả ăn, chẳng chịu làm. Nhu làm hết phần của mình rồi, phải bảo em:
Thôi chị lạy em! Em chịu khó làm đi kẻo mẹ về mẹ chửi; chị làm xong phần chị, chị làm giúp em một nửa.
Nhượng bật cười:
Thật nhá! Vậy chị làm xong đấy thì làm thêm chỗ này hộ tôi…Tôi chạy ra ngoài đường một lát rồi về làm với chị. Chị đừng lo! Thế nào cũng kịp. Tôi về ngay đấy!
Ừ! Mày phải về ngay đấy! Nếu không về, tao mặc kệ!
Được rồi! Tôi về ngay đấy mà!
Nhượng đi. Nhu lại cặm cụi làm. Nhu làm nốt phần mình, làm xong cả một nửa phần em. Nhượng vẫn không về. Mặt trời đã lên cao. Nhu thì bởi làm luôn tay từ sáng đến giờ, vừa đau lưng vừa mờ cả mắt. Thế mà nếu Nhượng không về thì có lẽ vẫn không kịp mất! Nhu gọi Nhượng. Chẳng thấy Nhượng thưa!
Nhu cực quá, nghẹn ngào mà ứa nước mắt ra. Nhu vẫn phải cố làm nốt cho xong. Đến lúc Nhượng về, nó thấy chị đang hu hu khóc, mà khu vườn thì đã gần hết cỏ. Nhu chẳng dám mắng Nhượng nửa lời, chỉ khóc to hơn. Ấy thế mà Nhượng vênh hẳn mặt lên xa xả:
Thối chị lắm! Ai khiến chị lanh chanh đấy? Không xong, mặc kệ tôi! Việc gì đến chị mà chị na mô hớt?…
Con bé Nhượng vốn ghê gớm thế. Hơi một tí là nó trợn mắt lên, nói chan chát như băm, như bổ vào mặt người ta. Nó chẳng chịu kém cạnh ai. Ai giở mặt gì là nó giở mặt ấy ngay được. Trong khi Nhu chỉ biết chăm chăm, chúi chúi làm, bán được một trinh rau cũng đem về nộp mẹ cả một trinh. Nhượng luôn luôn kiếm từng dịp để ăn bớt, ăn xén, lấy vụng, lấy trộm, bòn rút tiền của mẹ để gây một số vốn riêng cho nó. Bà mẹ làm gì không biết thế? Bởi vậy bà tin Nhu chứ không tin Nhượng. Nhu thật thà…
Mới đầu bà cũng tưởng Nhu thật thà, thì bà có thể trao tay hòm chìa khóa cho Nhu. Nhu trông coi việc chợ, việc nhà, giữ thóc, giữ tiền, lo tính việc ăn tiêu. Nhưng chẳng bao lâu bà nhận ra rằng: để cho Nhu làm việc ấy, thật là tai hại. Bởi vì Nhu hiền quá! Anh túng tiền để chơi bời, Nhu chỉ im dấm dúi cho. Em xúc trộm thóc đem đi gửi, Nhu biết nhưng nể em, không giữ, cũng không mách mẹ. Người làm, đầy tớ có ăn quá lệ thường Nhu cũng ngơ đi. Chúng thấy Nhu dễ dãi, nên cơm thường thường cứ ăn thừa, mà thức ăn thì ăn đủ từ đầu đến cuối bữa, chứ chẳng chịu ăn tương ăn mắm. Thế rồi bán thì Nhu chẳng bán được đắt bao giờ. Đến chợ, có khi nào Nhu tranh được chỗ ngồi tốt đâu! Nhiều khi Nhu đặt đội hàng của Nhu xuống rồi, tự nhiên có đứa vô ý hay ngạo ngược cũng đặt đội hàng ngay trước đội hàng của Nhu, Nhu cũng không dám xốc quần lên, đạp giúi đầu nó xuống hay nhắc đội hàng của nó mà đổ té ngay xuống đất. Bọn con buôn chỉ trông mặt Nhu cũng biết ngay Nhu là một món bở rồi. Chúng bâu lấy Nhu như một lũ nhặng xanh: đứa mặc cả món này, đứa mặt cả món kia, nhặt lên, vất xuống, co đi, kéo lại, rối rít tang bồng. Nhu không có đủ mắt, miệng, chân, tay đâu mà địch lại. Ấy thế là chúng vừa mua, vừa ăn cướp. Của đáng mười thì Nhu chỉ bán được năm. Có khi chẳng lấy được đồng tiền nào là khác nữa…Bán thì rẻ, mà mua thì lại thường phải đắt. Chỉ vì Nhu không đanh đá được như người: Nhu không thể nhẩy cẫng lên, vỗ đùi đen đét, xỉa xói vào mặt những đứa xấu thói đang thấy Nhu mặc cả một thức gì cũng chõ vào mặc cả…
Bà mẹ lắc đầu bảo: “Con này hỏng! Nó lành quá nên người ta bắt nạt…Không được sắc sảo như con Nhượng..”. Và bà trao lại việc chợ búa ăn tiêu cho Nhượng. Nhượng chanh chua được, cay nghiệt được, tàn nhẫn được. Nó thật là đáo để! Nó giữ quyền thu, quyền bổ trong nhà thì thằng anh đừng hòng lấy cắp một đồng xu; thằng ở thổi quá một bát gạo là được vỡ mặt ngay; người làm có lệ chỉ có một đĩa nhộng, hay một đĩa tép kho, ăn hết thì cứ mắm tép mà ăn, không ăn thì ăn nhạt!… Ra đến chợ, đứa nào trêu máu Nhượng thì liệu đấy! Nhượng có thể xoắn lấy tóc nó níu xuống mà tát cho sưng dơn má; Nhượng có thể xé quần, xé áo người ta ra…Vài bận như thế, tự nhiên chẳng ai bảo ai, người ta đều kiềng mặt nó. Người ta liệt nó vào hạng còn ít tuổi nhưng đã thừa sành sỏi. Nó biết mua, biết bán, biết chăn ba, nhặt nhạnh, mà lại đủ sừng, đủ mỏ. Biết rằng nó được tay hòm chìa khóa thì nó ăn cắp tợn. Nhưng chỗ nó ăn cắp, chưa thấm vào đâu với chỗ nó làm lợi. Vả lại con ăn cắp có đi đâu mà thiệt?…
Ấy thế là Nhượng, tuy là em, nhưng được cất lên làm chị. Quyền hành trong tay nó cả. Nhu chỉ biết cúi đầu, cúi cổ làm, nai lưng ra làm…
Nhu không có một đồng vốn riêng nào. Nhượng, trái lại, chẳng bao lâu có bạc trăm. Nhượng sắm quần nọ, áo kia, khuyên vàng, xà tích. Những ngày rước sách, hội hè, Nhượng thắng bộ vào, trông nổi đình đám lắm. Các cậu trai làng trông thấy đều tít mắt lại. Các bà mẹ sắp hỏi vợ cho con cũng để ý nhiều.
Thật ra thì các bà chẳng ưa gì những cô làm đỏm thế đâu. Nhưng muốn làm đỏm phải có tiền. Khuyên vàng xà tích là tiền. Quần áo cũng là tiền. Khi nó về nhà mình thì nó đem theo cả những thức ấy về. Của nó cũng như là của con mình. Mà tiền của thì chẳng bao giờ nên chê cả! Huống hồ Nhượng lại có tiếng là gái đảm và nhiều vốn liếng. Chỉ phải cái hơi cứng cổ. Nhưng khi con dâu làm ăn, lo liệu được đâu có đấy, thì mình còn phải nói động đến nó làm gì? Mà khi mình đã không nói động đến cái chân lông nó, thì dẫu nó có cứng cổ cũng chẳng làm gì mình được!… Người ta cân nhắc Nhượng như thế ấy. Người ta thấy lấy Nhượng thì nhiều hơn hại. Bởi thế nên những đám ngấp nghé Nhượng thì nhiều lắm!… Còn Nhu? Nhu thích sự khiêm nhường. Nhu có biết diện là gì đâu! Và nếu Nhu có muốn diện, cũng không có tiền mà diện. Bà mẹ chỉ thích tiêu ít được chừng nào hay chừng ấy. Bà chỉ may cho con những quần áo thường, đủ mặc thôi. Còn đứa nào muốn hoa hòe hoa sói, cứ bỏ tiền túi ra mà hoa hòe hoa sói. Bà không cấm!…. Chắc trong bụng bà nghĩ thế. Và chắc trong bụng bà cũng đinh ninh rằng: con gái, dại đến đâu mà chả biết ăn cắp tiền của mẹ! Nếu Nhu không may mặc, có lẽ chỉ vì Nhu sẻn… Thành thử Nhu có ra đường cũng chẳng ai nhìn thấy. Vả lại Nhu cũng ít khi ra. Nhu chỉ lủi thủi ở nhà. Nhu nhịn mọi cái đã quen rồi, rất có thể nhịn các đình đám hội hè, nhận lấy phần coi nhà để các em đi tung tẩy…
Thế rồi một hôm có người hỏi Nhượng. Bà mẹ Nhu không muốn cảnh em trước chị sau. Bà đợi gả chồng cho Nhu đã. Nhưng mãi mãi cũng không có người hỏi đến Nhu, mà Nhượng thì đã phải từ chối luôn đến bốn, năm đám hỏi. Con gái có thì. Nhu đã hăm sáu tuổi rồi. Nhượng cũng đã hăm bốn tuổi. Ở làng này như thế là muộn lắm. Bà ta bắt đầu sốt ruột. Cả Nhượng nữa. Nhượng thấy mình bị hãm lại một cách vô lý lắm. Nhu tủi phận. Mỗi khi có ai hỏi Nhượng, Nhu lại khóc thầm khóc vụng. Nhu lờ mờ nhận ra rằng: cái nết hiền của Nhu chưa hẳn người ta đã chuộng đâu! Những lúc quá bực mình, mẹ Nhu hoặc em Nhu đã một đôi lần bảo Nhu đần, và Nhu lại càng khóc tợn. Sau cùng người ta đành gả chồng cho Nhượng trước, bởi vì lại còn những em của Nhượng: chúng mười tám, đôi mươi cả rồi, còn bé bỏng gì? Không lẽ vì một đứa mà cả mấy đứa cùng ế muộn. Rồi lần lượt người ta gả chồng nốt cho hai đứa nữa bên dưới Nhượng. Thế nghĩa là Nhu đã đành ở vậy. Nhu đã sắp ba mươi tuổi. Nhu không muốn nghĩ đến chuyện chồng con làm gì nữa. Nhu sẽ ở nhà với mẹ, hầu hạ mẹ, rồi đến khi mẹ chết thì Nhu sẽ ở với anh chị, trông coi các cháu. Nhu sẽ yêu thương chúng như chính con Nhu. Nhu sẽ lặng lẽ sống nốt cuộc đời lặng lẽ như một người tu trong nhà mình.
Nhưng đến tận lúc ấy – lúc Nhu đã không còn nghĩ đến chuyện chồng con – thì bỗng lại có người muốn lấy Nhu. Anh chàng ta là con một nhà danh giá ở trong làng, nhưng thất thế đã từ lâu. Bố mẹ chết cả rồi. Anh em chẳng còn ai. Không còn biết vớ víu vào đâu, hắn bỏ làng đi làm ăn xa một hồi lâu, nhưng chừng số chẳng ra gì, lúc đi tay không thì lúc về cũng lại tay không, chẳng có tiền nong gì cả. Nói trắng ra rằng: hắn không đến nỗi là con nhà hèn hạ, nhưng hiện nay thì nghèo xác. Và hắn định lấy Nhu, chắc cũng đã suy nghĩ chán. Nhu đúng ba mươi tuổi mà hắn mới hăm nhăm. Nghĩa là Nhu sẽ già hơn hắn rất nhiều. Song những người bằng tuổi hắn, hoặc kém tuổi hắn, mà lại là con nhà khá giả như Nhu, thì cố nhiên là chẳng ai lấy hắn. Nhu có ế, bà mẹ Nhu mới gả. Hắn tay không, lại không còn ai là người thân thuộc ở làng, cũng phải kiếm chỗ có thể nương nhờ chứ? Bà mẹ Nhu chỉ còn mình Nhu là con gái, thế nào bà chẳng đắp điếm cho chút ít? Hắn cần sự ấy hơn người vợ trẻ…Người anh Nhu thì nghĩ rằng: giá có cách tống khứ được đứa em đi vẫn hơn là để nó làm bà cô tổ ở nhà; vẫn biết nó hiền lành, có ở nhà cũng chẳng hại ai; nhưng gây dựng được cho nó thì cũng đỡ mang một cái tiếng với làng, với nước. Còn bà mẹ nào không muốn cho con gái có chồng? Bà cứ nghĩ đã nát ruột về Nhu. Bà thừa hiểu rằng cái cảnh gái già chẳng sung sướng gì đâu! Bây giờ còn mẹ nên Nhu chưa thấy khổ, nhưng một mai bà trăm tuổi về già, bấy giờ Nhu phải ở với chị dâu, rồi mới biết. Bởi vậy, cho nên đối với việc người
ta hỏi Nhu, bà tỏ ý lạc quan. Đã đành anh chàng cũng có ý bòn của đây, nhưng cái sự tham thì ở đời ai mà chẳng tham? Nếu nhà nó giàu, nó đã chả chịu lấy Nhu là đứa đã hơn nó những năm, sáu tuổi. Nó nghèo thì mình cho nó nhờ vả ít nhiều. Nó nhờ vả mình thì phải nể con mình. Nó có nể con mình thì con mình mới khỏi khổ, chứ cái bộ Nhu hiền như đất nặn thế nếu lấy phải thằng chồng vũ phu, cậy của cậy tài, hay còn bố mẹ chồng thích hạnh họe con dâu, thì chỉ đến khóc lắm, sưng mắt lên rồi chết….Duy có Nhu thì không thuận lắm. Nhưng Nhu cũng chẳng làm gì, chẳng ngỏ ý kiến gì để mà chống lại. Bao giờ Nhu chẳng dễ bảo như một con chó xiếc? Ấy thế là Nhu đi lấy chồng!…
Câu chuyện còn khá dài dòng. Nhưng kéo dài ra để làm gì? Có kể tường tận cuộc đời làm vợ của Nhu thì cũng chỉ có thế mà thôi. Người thì ở chỗ nào chẳng là người? Mà cuộc đời thì ở bất cứ cảnh nào cũng chảy trôi theo những định luật chưa bao giờ lay chuyển được…
Hãy nói ra rằng: Nhu sung sướng được mấy năm đầu. Đó là nhờ những tiền của của bà mẹ Nhu bỏ ra để Nhu tạo một cơ nghiệp cho chồng. Nhưng giống người vốn là một giống mau quên. Chẳng bao lâu, người chồng Nhu nghĩ ra rằng: hắn lấy phải vợ già là một sự thiệt thòi, tất cả cũng phải dùng tiền của vợ, chơi bời cho thỏa để bù lại. Hắn chơi bời thả cửa Nhu có thể ngăn cấm lắm. Nhu có quyền bảo vệ tài sản và hạnh phúc của gia đình mình lắm. Nhưng không! Nhu chẳng làm gì cả…Nhu chẳng hé răng nói một lời nào cả! Nhu nhịn. Nhu nhịn cả những khi thấy Nhu khóc, hắn gắt gỏng với Nhu để khỏi phải nghe những lời tiếng ngấm ngầm nhưng khó chịu của lòng hối hận. Nhu nhịn và Nhu đầy đọa cái thân Nhu để Nhu càng thêm già và xấu đi….Rồi chồng Nhu có vợ hai. Một người vợ hai trẻ hơn Nhu những mười năm và giảo hoạt hơn Nhu đến mười lần. Nhu có thể không công nhận cho chồng lấy vợ hai, nhưng Nhu chẳng làm gì, chẳng hé răng nói một lời gì! Nhu ngoan ngoãn in ngón tay Nhu vào tờ giấy hôn thú. Nhu bằng lòng cho đem vợ lẽ về nhà. Nhu lẳng lặng quay mặt đi mỗi lần chúng đùa với nhau ngay trước mặt Nhu. Và ban đêm Nhu khóc – chao ôi là Nhu khóc! Nhu khóc đến mòn tất cả người ta thành nước mắt, trong khi chúng gối đầu tay cho nhau mà ngủ…
Thế rồi sự phải xảy ra đã xảy ra: con vợ lẽ lăng loan, lấn át cả quyền Nhu. Nó làm chủ trong nhà. Nó lấy sự làm nhục Nhu như là một trò chơi. Nó bắt khoan, bắt chẹt Nhu. Nó đánh chửi Nhu. Sau cùng, Nhu không còn chịu được, đến phải bỏ nhà chồng mà về nhà mẹ…Mẹ Nhu tức uất người. Anh Nhu còn uất người hơn. Các em Nhu, hay tin, cũng đều giận vô cùng. Họ xúm lại mắng Nhu. Rồi họ nhất định bắt Nhu kiện chồng tình phụ…Kiện? Nhu đi kiện chồng? Ôi chao! Mới nghe Nhu đã hoảng sợ rồi! Nhu thà chịu thiệt thòi. Nhu không thể hiểu rằng: người ta cần kiện nhau để bắt nhau yêu…Vả lại người như Nhu, chỉ chửi một câu đã ngượng lời rồi, bây giờ đứng ra kiện, để hạch tội một người chồng mà chưa bao giờ Nhu dám nói nửa lời chống cưỡng!… Không! Không đời nào! Nhu không nói một lời phản đối lại ý anh và mẹ. Nhưng Nhu ngồi thừ mặt ra, ai bảo sao cũng không đáp lại. Và họ hiểu. Họ hiểu Nhu không đời nào dám kiện, không đời nào ưng đi kiện. Họ lại xúm lại mắng Nhu thêm chập nữa. Người anh, giận quá, nhất định không nhìn mặt đứa em ngu dại ấy. Nếu Nhu không đi kiện, thì người anh sẽ đuổi Nhu ra khỏi cửa. Nhu không thể do dự nữa: một là Nhu phải giật lại chỗ của mồ hôi nước mắt của mẹ mình để sống; hai là Nhu đi ăn mày, nếu Nhu còn cố thương hại chồng!…
Nhu đã nghe những lời như đinh đóng cột của ông anh. Nhu lại thừ mặt ra một lúc lâu. Nhu khóc như mưa….Rồi Nhu đã làm gì? Hỡi ôi! Nhu đã vâng theo cái bản tính của Nhu rất hiền lành: Nhu đã trở về với chồng, với vợ hai, và sống như một con vú trong nhà chúng, trong cái cơ nghiệp chính tay Nhu đã dùng tiền của mẹ mình mà tạo ra….
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 483, ngày 16-10-1943