Tuyển tập Nam Cao

NHỎ NHEN

Bọn họ có bốn người. Nhưng họ làm ầm ỹ bằng mười người khác. Nhờ họ, cái tiệm ăn thưa khách này có vẻ đông người. Thật ra, có tiệm ăn nào vào giờ này mà lại không thưa khách? Bữa điểm tâm đã quá rồi. Bữa ăn trưa thì chưa tới. Huống chi lại là một buổi sáng thứ Hai. Một vài người lẻ tẻ vào đây đều là những kẻ vội vàng. Họ mải mốt uống một cốc cà phê, ăn vài chiếc bánh hay một bát mì, rồi lại mải mốt ra, cái tăm ngậm trên miệng để vừa đi vừa xỉa…

Chỉ có bốn người này là có vẻ ung dung. Họ ăn uống nghê nga, vừa ăn vừa cười đùa trò chuyện, có khi lại ngâm thơ nữa. Chỉ vì họ là những chàng trẻ tuổi thích làm ngang. Họ nằm khàn ở nhà suốt cả ngày Chủ nhật để thứ Hai mới rủ nhau đi phè phỡn. Như thế, họ cho là ngược đời, mà ngược được đời thì thích lắm. Thật ra, họ ngược đời chỉ vì không có cách mà theo dòng đời. Giang là một học sinh nghèo đến nỗi không đủ tiền để đến trường; chàng học nhờ bài của bạn và xem thêm trong thư viện. Tá suốt ngày nghiền ngẫm cái dự định mở một trường tư tốn có đến vài ba vạn bạc, để tối dẫn thân đến một nhà giàu, kèm mấy đứa trẻ học thêm, kiếm mỗi tháng vài chục trả tiền ăn, tiền giặt. Du còn đang tìm chỗ bán lấy bạc trăm những tiểu thuyết chàng còn mang ở trong đầu. Hồ sẽ mở một nhà xuất bản thật to; hiện nay, chàng hãy cặm cụi viết suốt những truyện ngắn, truyện dài, bán một giá rẻ mạt cho những nhà xuất bản buôn văn. Họ là những kẻ “đợi thời”. Cả bốn đều mặc chểnh mảng như những kẻ không quan tâm đến cái đời vật chất. Họ khinh cái số đông loài người.

Tội gì đi chơi vào những lúc phố đông người? Họ, họ cố tránh cái bọn người tầm thường đi đi lại lại như mắc cửi. Mà nếu gặp không tránh được, thì họ sẽ ném ra trước mặt bọn ấy cái vẻ đẹp ngạo nghễ của một cái đầu xén hơi ngắn và không cần mượt, của một bộ quần áo giản dị mà có lẽ đã nhàu, của một cái ngực không ca-vát phanh ra đón gió, nhất là của một cái mặt không phì nộn, không trắng trẻo, nhưng khinh khỉnh, mỉa mai và chế nhạo. Thì có thể cái mặt của bốn chàng trai trẻ ấy là một thứ mặt “vô cùng cà khịa”.

Như thế, họ cần gì ra phố? Khốn nỗi, họ cần gặp nhau và trò chuyện với nhau. Nhưng gặp nhau ở đâu cho tiện? Họ chỉ còn có cách là đưa nhau đi phố, và đi chán thì lại vào những tiệm ăn rẻ tiền, gọi những món ăn rẻ tiền. Không phải chỉ những món ăn đắt tiền mới có thể ngon. Thật thế. Ngon hay không là tại miệng. Mà cái miệng người đói thì ăn gì cũng ngon. À, thế thì cần gì phải ăn sang. Này, chỉ dăm ba hào chỉ, cùng lắm là đồng bạc, họ cũng có thể đãi nhau một bữa ăn ngon bằng một bữa đàng hoàng chục bạc trong một hàng cơm tây. Đã ăn, chỉ cốt ngon là được, có cần gì sang? Ngon, thì họ thấy ngon rõ ràng…

Họ đang sung sướng lý luận với nhau như thế, thì hai người đứng tuổi – có lẽ ở nhà quê, hay ở tỉnh nhỏ về đây có việc – vừa giả tiền xong đi ra cửa, nhìn nhau mỉm cười. Giang đã khá say. Chàng gườm gườm nhìn theo hai người vừa ra và, như gây sự:

– Các ông ấy định nhạo bọn mình hay sao?

Cũng may, hai người đi mải quá, nên chưa nghe hết câu đã ra giữa đường rồi. Đến vệ đường bên kia, họ nhìn vội vào tiệm ăn một cái, rồi vội rẽ ra phố khác. Giang hầm hực:

– Đó, các anh thấy chưa? Có phải đúng chúng nói định nhạo bọn mình đấy không?

Du mỉm cười, hơi lắc đầu:

Không phải đâu. Họ vừa được nhà hàng tính nhầm cho vài hào. Hồ bật cười:

Quái lạ! Sao anh biết được?

Du vẫn mỉm cười và bình tĩnh:

Tôi biết, vì chính tôi cũng đã một vài lần, được người ta trả nhầm cho vài hào. Giá tôi là người khách ngồi quầy kia, thì chỉ trông cái mặt cố làm ra vẻ thản nhiên của người mới trả tiền, nụ cười của người ấy khi ra cửa, và cái vẻ cuống quýt cố che đậy của hắn, từ lúc mới đứng lên cho đến lúc ra đường, là tôi đã gọi giật ngay lại để đòi thêm tiền nữa.

Tá cố cười thật lớn:

Trời ơi, anh Du sáng suốt của tôi ơi! Anh đa nghi như một con chuột. Có anh, họa chỉ có anh mới cuống quýt lên vì một vài hào thật. Thật là đồ nhỏ nhen….

Nhỏ nhen, thì nhỏ nhen đứt đuôi đi rồi! Nhưng tôi hỏi anh: chính anh đã bao giờ chỉ vì vài, ba xu mà băn khoăn, tấm tức mãi không yên, thí dụ như khi đi một quãng xe điện hai xu mà anh chỉ có đồng năm xu để đưa cho người bán vé? Người bán vé không có xu trả lại, cầm lấy đồng năm xu của anh, rồi cứ việc đi, đi lại đầu toa, rồi sang toa dưới, rồi vì đông quá, anh không thấy hắn đâu nữa. Sắp tới chỗ anh phải xuống rồi. Chen hết người này người nọ để đi tìm hắn thì anh ngại: ngại chen lấn, nhưng nhất là ngại tỏ ra anh là người chắc lép, người nhỏ nhen. Cái ý đi tìm với không đi cứ chiến đấu trong khối óc anh rất lâu, để anh phải bực mình, chỉ vì ba đồng xu mà có mất đi, anh cũng không chết gì. Và anh phải rất sung sướng như trút được một khối nặng trong lòng khi người bán vé trở lại và thản nhiên hỏi anh: “Tôi còn chịu của ông ba xu đấy nhỉ?” rồi xỉa tiền ra trả. Nếu người ấy không trở lại, anh đành xuống mà chịu mất ba xu, thì tôi chắc chỉ vì ba xu ấy anh phải tấm tức đến hàng giờ mấy, tuy – tôi nhắc lại-mất ba xu ấy, anh cũng không chết gì!

Tá bướng bỉnh, vừa xua tay vừa cãi:

Không đời nào. Tôi dám nói chắc: không đời nào!

Thế thì anh là thánh. Còn tôi, tôi thú thực với các anh, tôi nhỏ nhen hơn thế nhiều. Vâng, chính tôi, tôi đã cả gan ăn cắp, ăn cắp chỉ vì bốn đồng xu, trong lúc tôi kiếm tiền bạc trăm là thường.

Và Du kể:

Hồi ấy tôi còn ở Sài-Gòn. Một cái thú nhỏ nhặt của tôi là chiều chiều dạo qua chợ Bến-Thành, mua những tờ báo mới và một vài quyển sách. Mua để được mua, thế thôi, chưa chắc gì tôi đã đọc, bởi vì hồi ấy tôi có nhiều sách báo quá, đọc không hết được. Một hôm, tìm mãi không còn một quyển mới xuất bản nào tôi chưa có, tôi nhặt một quyển thơ Baudelaire in trong loại rẻ tiền…..Rồi tôi về nhà. Trong lúc tôi thay quần áo, anh Thụ vẫn ngủ cùng màn với tôi, cầm lấy cuốn thơ xem, kêu lên:

Anh mua làm gì, cái thứ đồ cổ này? Tôi thấy nhà có Fleurs du Mal rồi kia mà?

Có một quyển khổ to thôi. Mua thêm một quyển khổ nhỏ này để xem trong màn…Vả lại, chỉ có một cắc, mua mà vất đi…

Thụ không đợi tôi nói hết, trợn mắt lên:

Anh bảo rằng một cắc?

Tôi nói dối anh làm gì, không tin đưa tiền tôi mua giùm.

Thế thì anh là một con bò. Loại sách này mỗi quyển giá có sáu xu, tôi vừa mua một quyển bi kịch của Musset cách đây hai hôm. Anh bị người ta bịp rồi!

Nói xong, hắn cười ầm lên. Tiếng cười chế nhạo nghe tức đầy lên cổ. Đêm hôm ấy, tôi hậm hực rất khuya mới ngủ. Sáng hôm sau, việc thứ nhất của tôi sau khi tắm rửa, mặc quần áo, chải đầu xong là đến cái hàng sách vô lương tâm đã bịp mình bốn xu. Anh hàng sách đã quen cả mặt tôi nên mặc sức cho tôi lục, chọn. Nhân lúc anh ta mải nhận tiền của một người khách khác, tôi chuần được một quyển vào túi áo, kẹp một quyển nữa vào giữa một tờ báo gập đôi tôi cầm theo từ nhà (cái tờ tuần báo mà ngoài bìa đã đầy những chữ tôi viết lộn bậy để người ta mới trông đã biết là báo cũ), nhặt hai quyển nữa cầm ở tay, rồi quẳng cho nhà hàng đồng bạc. Tôi có tiền lẻ hẳn hoi, cứ đưa đồng bạc, để nếu việc gian bại lộ thì cũng có cách mà bênh vực cho mình. Nhưng anh bán sách chỉ nhìn qua hai cuốn sách tôi cầm rồi mở ngăn kéo trả lại tôi tám hào. Tôi nhẹ lâng cả người. Tôi nhảy lên xe về nhà. Thấy Thụ đang nhai kẹo cao su ở cửa, tôi nắm cánh tay hắn, lôi vào. Rồi bày cả bốn quyển sách mới đem về với quyển tối hôm qua, tôi đạo mạo tính cho hắn nghe như thế này:

Một, hai, ba, bốn, năm! Năm quyển, anh có biết không? (hắn phì cười vì tưởng tôi đang làm trò quỷ thuật). Mỗi quyển sáu xu, đó là cái giá mà anh đã trả. Năm sáu ba mươi, đúng ba mươi xu hay là ba cắc. Thế mà tôi đã trả một cắc hôm qua với hai cắc hôm nay, cộng lại ắt là ba. Vậy là cân. Anh xem, thiên hạ bịp một thằng như tôi, khó lòng!

Rồi tôi cười toáng lên. Thụ hỏi tôi đầu đuôi như thế nào. Tôi cắt nghĩa, hắn nghe. Và khi hắn đã hiểu, thì lại đến lượt hắn cười toáng lên. Hắn bảo tôi rằng:

Anh không bị thiên hạ bịp, thì lại bị chính “thằng tôi” bịp: vì thật ra là loại sách này mỗi quyển đúng một cắc, dầu tôi hay người khác mua thì cũng thế, chẳng ai bán sáu xu bao giờ. Anh không thấy đề giá từ bên Pháp đã 75 centimes đây à?

Tôi ngẩn người. Rồi mặt tôi đỏ bừng lên. Nếu Thụ không phải là bạn rất thân của tôi ngay từ hồi còn ngồi bên nhau trên ghế nhà trường, và nhất là nếu hắn không khỏe hơn tôi nhiều lắm, thì tôi đã đấm vào cái mũi bành bạnh của hắn vài chục cái. Nhưng giời sinh ra hắn là bạn tôi và khỏe hơn tôi, nên tôi chỉ bảo hắn là “đồ tồi”, và định rằng ngay tối ngày hôm ấy, lúc ra mua sách, tôi sẽ liệu kế trả nhầm cho anh hàng sách của tôi hai hào.

Giang từ nãy đến giờ ngồi nghe Du chăm chú, có vẻ suy nghĩ, rồi bỗng nhiên bật cười. Chàng cười sằng sặc, tiếng cười làm nảy cả người lên. Và những người khác cười, vì thấy hai cái vai chàng cười.

Du đắc chí lắm, vì tưởng câu chuyện của mình rất có duyên. Chàng vốn tự phụ biết cách dùng những câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc lắm. Nhưng chàng cụt hứng ngay. Giang cười, chỉ vì chàng nghĩ đến chuyện riêng của chàng:

Anh Du như thế cũng còn may. Còn tôi đã có lần chỉ vì hai đồng bạc mà phải tuyệt giao với một người yêu, một người yêu…

Ái chà!…

Cái ngày ấy, tôi còn trọ ở nhà bà bạn mẹ tôi ở trên Yên-Phụ. Bà ta có một cô con gái cũng xinh xinh, quần lĩnh, răng đen thôi nhưng được cái chăm làm lắm. Kể lấy làm vợ thì cũng được. Chúng tôi yêu nhau, yêu nhau mà không biết, như…

Trời ơi! Trời ơi! Anh làm ơn cắt phăng giùm chúng tôi đoạn giáo đầu ấy đi…

Ừ, thì cắt. Vậy tôi nói: chúng tôi yêu nhau, rồi vân vân….Ba mẹ “nàng” cũng biết, nhưng vờ như không biết. Bà thừa hiểu rằng con gái bà cũng chỉ lấy được hạng như tôi là cùng. Mà tôi thì hồi ấy ngây thơ thành thực. Nhưng một hôm nàng hỏi vay tôi hai đồng bạc để may áo, hay sắm sanh gì đấy vụng mẹ, tôi không biết rõ. Không thể từ chối, tôi đưa hai đồng ra cho nàng nhưng tôi thú thực với nàng chỉ còn có hai đồng ấy thôi…Chiều hôm ấy, nàng buồn bã bảo tôi: “Em đánh mất cả hai đồng rồi”.

Mất?

Vâng, đen em quá. Em bỏ vào túi cái áo cánh, chỉ cởi ra treo ở trên bếp một lát để vào sau nhà tắm xong lại mặc ngay, thế mà lúc nãy sờ đến tiền thì đã mất…

Rồi hạ thấp giọng, nàng bảo nhỏ tôi: “Em ngờ cho con Lương quá, anh ạ. Anh tính, nhà này thì còn có ai. Chẳng lẽ mẹ em lại lấy của em. Con ăn đứa ở thì không có. Chỉ có Lương, lúc em đang tắm, nó sang bếp hỏi mược cái siêu sắc thuốc; em đang tắm dở không ra được, nên bảo nó: “Ở gần chạn, chị vào mà lấy. Anh thử nghĩ xem: không phải con Lương thì còn ai? Chịu, người thế mà gian tham!”. Tôi bắt đầu chán nàng ngay từ lúc nghe xong câu ấy. Chán, vì tôi nhìn rõ cái bề trong nhỏ nhen của nàng. Các anh thừa hiểu đấy: chỉ có những kẻ có thể ăn cắp được thì mới dám mở miệng bảo bạn là người ăn cắp…

Ồ! Nhưng nếu cô bạn ấy ăn cắp thật thì sao? Giang cười ranh mãnh:

Không! Đừng ngờ oan cho người ta mà phải tội! Lương không thể ăn cắp hai đồng bạc ấy, tôi biết chắc.

Lấy cớ gì mà anh biết chắc?

Lấy cái cớ rất giản dị này: là kẻ lấy cắp hai đồng bạc ấy chính là tôi!

Mọi người cười ầm lên. Ai cũng tưởng Giang vừa kể một câu chuyện khôi hài, bịa đặt khéo để làm vui bạn. Chỉ có Du là có vẻ như nghĩ ngợi; chàng đợi tiếng cười đã ngớt, mới gật gật cái đầu mà bảo:

Tôi hiểu cái cử chỉ của anh Giang lắm. Chắc sau khi anh đưa tiền cho nàng rồi, thì anh hối hận; anh cũng túng, anh còn những món cần không thể không tiêu, hai đồng bạc mà mẹ anh đã phải đổ rất nhiều mồ hôi mới làm ra được, bà đã phải thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rách để cho anh, chính anh cũng đã phải nhịn đủ thứ, để không tiêu nó đi nhanh quá…Mà nàng, nàng sẽ tiêu vào những việc chẳng cần cho lắm; một cái khăn, một đôi săng đan, hay có lẽ chỉ là một hộp phấn, hay là lọ nước hoa chưa biết chừng…mà nàng đã tiêu đi thì cố nhiên là không bao giờ nghĩ đến cái sự trả anh, mà có nghĩ đến thì cũng không móc đâu ra tiền cả…Anh thấy anh hy sinh vô lý, rồi thấy nàng vô lý, rồi muốn hỏi nàng mà đòi lại nhưng ngượng miệng. Anh do dự rất lâu, rồi anh quả quyết, anh xuống bếp. Giả thử anh gặp nàng ở đấy, vị tất anh đã có can đảm nói. Nhưng may cho anh, nàng đã vào nhà sau để tắm rồi. Chỉ có cái áo của nàng ở đấy. Trống ngực anh thình thịch. Anh nhìn vào cái túi. Anh nhìn vào cánh cửa. Anh nhịn thở. Anh lại gần cái áo và lấy lại số tiền của anh…

Giang đứng phắt lên, chìa tay ra, cúi mình trước mặt Du:

– Du khá thật, đáng là tri kỷ của “ngu đệ” vậy!

Mọi người lại cười rộ lên. Hồ từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe, rụt rè đặt một câu:

Cũng có lẽ anh Giang cũng không đến nỗi chi ly quá thế. Anh chỉ nghĩ rằng: nếu để nàng tiêu hai đồng bạc ấy, thì ái tình sẽ mất tính cách thiêng liêng, nàng sẽ không trong trẻo, bởi vì nàng có vẻ như…làm tiền.

Anh quả là một nhà tiểu thuyết chân chính đấy!

Nhưng Tá bỗng chán nản như một nhà đạo đức, nhắm chặt mắt lại, lắc lư cái đầu mà kêu:

Thượng đế ôi! Thượng đế ôi! Sao ngài sinh ra lắm kẻ nhỏ nhen đến thế?

Nhỏ nhen lắm, nhỏ nhen đến nỗi nói ra không ai tin là có. Nhưng có rành rành ra đấy, vẫn tự phụ là những kẻ khinh đồng tiền, thế mà có những lúc như lúc này…Tôi có thể đoán mà không sợ là sai lắm, bây giờ đây, trong bụng anh nào chẳng hơi lo rằng mình sẽ phải bỏ tiền ra mà trả bữa ăn, và thầm mong cho người khác đứng lên trả trước. Để mình có thể hỏi vờ vịt: “Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế?… Ừ, thế thì trả đi”.

Tá xua tay hăng hái:

Không đời nào! Không đời nào!…

Du mỉm cười:

Vì thế cho nên chúng tôi nhất định nhường anh Tá rất đáng kính của chúng ta trả tiền bữa nay. Nhưng Tá vẫn xua tay, vẫn hăng hái:

Không đời nào! Không đời nào!

Cả bọn lại cười ồ lên. Du đứng dậy, móc ví, mỉm cười bảo:

Vậy thì tôi trả. Thói đời vẫn thế: khi đã công nhiên bênh vực những cái nhỏ nhen, thì lại không thể nhỏ nhen như người khác được.

Giang nhại bạn:

Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế?…. Ừ, thì trả đi! Tiểu thuyết thứ Bảy

Số 430, ngày 12-9-1942