Tuyển tập Nam Cao

NAM CAO VẪN Ở GIỮA CHÚNG TA

Trong lời giới thiệu “Đôi lứa xứng đôi” (1941), tập truyện ngắn đầu tay của Nam Cao, Lê Văn Trương đã có con mắt xanh, sớm nhận ra tài năng của cây bút trẻ độc đáo này: “Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những chuyện tình thơ mộng và hùa nhau phụng sự cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những cạnh của tài ông, ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới, sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình.”. “Trên văn đàn Việt Nam thời kì 1930-1945, Nam Cao là người đến muộn. Trước ông, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng đã xây dựng trên nền của chủ nghĩa hiện thực sừng sững những tòa nhà đẹp. Nam Cao vẫn tiếp nối con đường của những người đi trước. Trong văn chương đã có một chân dung chị Dậu, anh Pha…những người nông dân nghèo khổ, chất phác, bị chà đạp và cũng giàu tinh thần phản kháng. Nam Cao trong một hoàn cảnh mới và ở một cấp độ mới đã nhận ra hiện tượng biến chất phổ biến ở nông thôn và làng quê bắt đầu xuất hiện loại người dị dạng, dị hình và ông đã đóng góp một Chí Phèo”. Nguyễn Minh Châu cho Chí Phèo là một khám phá mới: “Cái dị dạng người trong tính cách Chí Phèo là một khám phá của Nam Cao”. Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là một kiểu người văn và nhân vật mang nặng trên vai những vấn đề xã hội! Vấn đề Chí Phèo không thuần túy là vấn đề nông dân, mà suy cho cùng đó là vấn đề con người. Cái bi kịch của Chí Phèo là tấn bi kịch của một con người mất dần nhân tính, khao khát trở lại làm người và không có quyền làm người. Trên những trang viết về người trí thức nghèo, Nam Cao đã cống hiến những mẫu người đáng trọng, đáng thương và nhiều khi cũng đáng giận. Họ là nhà giáo, viên chức, nhà văn, họ có ý thức xây dựng cuộc sống, giàu hoài bão, nhưng bị sức ép của hoàn cảnh, một hoàn cảnh hết sức tồi tệ tầm thường, đẩy dần con người đến chỗ mất ý thức tự trọng, mất nhân cách. Những nhân vật này đã rơi vào “bi kịch vỡ mộng” như có nhà nghiên cứu đã từng nói. Họ đã thua cuộc trên con đường tiến thân để xây dựng một sự nghiệp, thực hiện một hoài bão. Nhưng họ đã không thua cuộc trên trận địa bảo vệ đạo đức và nhân cách. Mặc dù phải trải qua nhiều cảnh ngộ éo le đầy nghịch lý và bị miếng cơm manh áo hành hạ trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng họ vẫn là người tốt, không biến chất, tha hóa. Mặc dù viết về những vấn đề khác nhau, người nông dân trong xã hội cũ, người trí thức nghèo, rồi dân nghèo ở thành thị…Nhưng thực chất là Nam Cao viết về con người. Cuộc đời chân thực gần gũi hiện ra hằng ngày đang từng ngày kiếm sống, bị lăng nhục và chịu đựng vô vàn những đắng cay. Những trang viết của Nam Cao như thét lên tiếng kêu cứu: hãy bảo vệ nhân phẩm của con người. Thân phận và cuộc đời Chí Phèo đã kết thúc, nhưng hai tiếng “lương thiện” và ước vọng muốn được làm người lương thiện vẫn còn là dư âm xót xa. Những người trí thức để cuối cùng vẫn giữ được con người của mình sau trước như một. Đứng trên bình diện con người, thế giới nhân vật của Nam Cao trở nên phong phú lạ thường. Không chỉ là người nông dân, người trí thức mà là những kiểu người, những thân phận con người trong trăm ngàn cảnh ngộ. Điều kì diệu là Nam Cao đã khai thác sâu sắc, miêu tả nhiều cảnh ngộ rất khác nhau, những cảnh ngộ riêng thực sự đã nhào nặn và tạo nên những mẫu người. Có người trong suốt cuộc đời luôn giữ được hai chữ lương thiện một cách trọn vẹn, trong sáng như lão Hạc, có người phải vất vả chống lại sức ép của hoàn cảnh để bảo vệ được nhân phẩm cần thiết, như các nhân vật trí thức nghèo, có nhiều người bị tha hóa, biến chất. Trong thế giới các nhân vật của Nam Cao có cả những mẫu người dị dạng, dị hình như Lang Rận, Thị Nở, Trương Rự…Họ bị mất dần nhân tính và càng ngày càng xa lạ với mọi người. Trước đây, nhận xét về những nhân vật này, không khỏi có ý kiến cho rằng Nam Cao đã miêu tả họ như một biếm họa, những con người xấu xí được vẽ ra với nhiều nét có tính chất tự nhiên chủ nghĩa. Thực chất đó là một dụng ý nghệ thuật. Những nhân vật dị dạng, xấu xí là sản phẩm của xã hội cũ. Hoàn cảnh đã đẩy họ vào chốn tăm tối, vào cõi u mê, kéo dài cuộc sống nửa vật nửa người. Bản thân cuộc sống và sự tồn tại của họ là một lời tố cáo.

Đóng góp quan trọng của Nam Cao khi miêu tả con người là những trang phân tích tâm lý sắc sảo. Thế giới bên trong của các nhân vật được phơi bầy không thương tiếc, nhất là những nhân vật trí thức nghèo. Tác giả miêu tả nhân vật từ nhiều góc độ, bình diện, rồi nhân vật lại tự bộc lộ, tự phân tích. Nhiều suy nghĩ và tình cảm cao đẹp như đua chen với các tâm trạng phức tạp, thậm chí cả những ý nghĩ tầm thường. Các nhân vật của Nam Cao luôn có ý thức về một lý tưởng sống, song Nam Cao không lý tưởng hóa các nhân vật. Con người trong tác phẩm của Nam Cao không bị đẩy lên một kích cỡ khác thường, không bị lên gân mà là con người như nó vốn có, con người trong cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Cũng vì thế, những tâm trạng nhân vật được miêu tả càng trở nên gần gũi. Tâm lý nhân vật cũng không trừu tượng, xa vời mà gắn liền với cuộc sống nghề nghiệp, đời sống gia đình, tình yêu, chuyện cơm áo, quan hệ bè bạn. Nam Cao đã miêu tả nhiều dòng suy nghĩ của nhân vật vận động theo những mạch biện chứng. Ý thức phê phán và tự phê phán của tác giả là cơ sở để các nhân vật mang màu sắc tự biểu hiện được khẳng định vững chắc. Có thể nói nghệ thuật miêu tả tâm lý đã đạt độ chín của tài năng trong truyện và tiểu thuyết của Nam Cao. Trước ông và sau ông, thành công ấy không nhiều trong văn xuôi thời kì hiện đại.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi tập truyện Đôi lứa xứng đôi của Nam Cao được xuất bản. Thời gian không che lấp hoặc làm hao mòn giá trị của tác phẩm Nam Cao. Đúng hơn càng ngày người đọc càng phải nghĩ tiếp về Nam Cao, tác phẩm của Nam Cao cũng không phụ lòng tìm kiếm. Những nguồn mạch suy nghĩ và những phát hiện mới luôn được mở ra với hiện tại. Nam Cao không hề bị cũ đi mà luôn mới mẻ. Tính hiện đại là phẩm chất của tác phẩm Nam Cao. Sự hòa hợp giữa những chất liệu hiện thực được miêu tả sắc sảo với những cảm nghĩ và cách đánh giá tỉnh táo, khách quan, chân tình của người viết đã làm cho trang viết gần gũi với mọi người ở những thời kỳ khác nhau. Nam Cao đã đụng chạm và khơi sâu vào những vấn đề đặt ra không chỉ trong một thời điểm mà dường như là cho mọi thời. Vấn đề của tác phẩm Nam Cao là của hôm qua nay tiếp nhận Nam Cao với không khí và chỗ đứng của hiện tại. Điều quan trọng cần quan tâm là không có những ngăn cách gì đáng kể giữa Nam Cao và cuộc sống hôm nay. Ông vẫn ở giữa chúng ta và như thấu hiểu một phần cuộc đời hiện đại.

Từ sau cách mạng tháng Tám, Nam Cao lại có những đóng góp mới. Nam Cao đã tiếp nhận tinh thần Đề cương Văn hóa Việt Nam từ năm 1943 và tham gia vào văn hóa cứu quốc. Nam Cao đã có mặt và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương. Ông hiểu rõ những đau khổ và thân phận con người trong xã hội cũ, nên cách mạng là điều ông chờ đợi và nhanh chóng hòa nhập. Nam Cao với hành trình: “Đường vô Nam” trong phong trào Nam Tiến, Nam Cao là phóng viên báo Cứu quốc và hoạt động sâu trong vùng rừng núi Việt Bắc, Nam Cao trong chiến dịch Biên giới, cuối cùng là cái chết của nhà văn, chiến sĩ trong chuyến đi công tác vào vùng địch hậu. Ông đã sống với không khí của thời đại cách mạng và tham gia hết mình trong phong trào. Đọc những trang nhật ký Ở rừng và tìm hiểu tâm sự của Độ, hình bóng gần gũi của Nam Cao trong Đôi mắt, chúng ta càng yêu quí và trân trọng những gì Nam Cao đã làm, đã viết trong chặng đường mới của cách mạng. Nam Cao đã mất đi giữa lúc tài năng ở độ chín, ngòi bút tài hoa và đầy sức lực.

“Nam Cao đã chết trên cuốn tiểu thuyết lớn của đời mình. Người ấy, tài ấy đương căng đầy sức lực. Nếu còn sống, chắc chắn những mong muốn của anh sẽ thành sự thật rực rỡ trên một tầm xa, rất xa..” (Tô Hoài – Tựa Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc, NXB Văn hóa 1961).

Đời văn Nam Cao không dài. Trên mười năm sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng, Nam Cao đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Thời đại trôi qua, tác phẩm của Nam Cao như ngày càng bộc lộ thêm những phẩm chất mới, những giá trị mới. Chúng ta càng thêm yêu quý ông, một tâm hồn trung thực và cao đẹp trong cuộc đời cũng như trên trang sách, một nhà văn, chiến sĩ với ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của danh hiệu này.

HÀ MINH ĐỨC.