Khôn đòn quan, gái ngoan đòn chồng
Việc ấy đã xảy ra giữa chợ, có bao nhiêu người biết. Bao nhiêu người ấy là đàn bà cả. Bà thì lắc đầu, bà thì chép miệng. Có những bà cẩn thận với tai tiếng quá, rụt cổ lại, làm cái điệu bộ của một người khi rùng mình; Ấy là các bà ghê tởm quá. Còn những người chừng mực thì bình tĩnh hơn một chút: họ chỉ vác cái mặt lên cười bằng mũi, và đưa cái môi dưới ra như cái thìa. Ai cũng bảo: “Ầy, tôi thì tôi chịu đấy; có đói cho chết thì cũng chỉ riết chặt thắt lưng vào mà nhịn, chứ làm thế thì bố tôi có sống lại mà bảo tôi, tôi cũng không dám làm….”. Ai cũng bảo. Kể cả chị Cu với chị Bẻm vẫn lấy trộm mít nhà hàng xóm đem ra chợ bán với chị Thung toét mắt vẫn giả tảng thong manh để câu trộm gà. Ai cũng bảo, và ai cũng thấy như là hả dạ. Kể thì cũng phải. Cái xấu của người khác bao giờ chẳng làm ta sung sướng? Ta thấy ta còn tốt hơn chán người!
Cố nhiên là câu chuyện đồn đi. Thoạt tiên là các bà vợ về kể lại với chồng. Rồi các ông chồng đem kể lại với nhau. Bây giờ thì cả làng ai cũng biết. Ai cũng biết: con vợ thằng Lùng, mặt mũi như thế ấy, mà gian vô cùng. Chẳng gian mà lại làm cái trò nhập nhòa như thế này…Chẳng biết y xin ai hay là nhặt ở đâu được có mỗi một đồng xu. Nếu không xin, không nhặt được thì hẳn là ăn cắp. Bởi y làm gì mà có xu! Vườn có ba sào, chồng thua bạc cố rồi. Đồ bòn, thức bán không. Đi dệt cửi thuê cho người ta ngày được một hào thì chồng lấy cả một hào, thiếu một đồng xèng nó đánh cho gãy gối. Vả nó chẳng đánh thì cũng không dám thiếu: thiếu lấy gì mà đổ vào mồm? Gạo nước năm nay…Có một hào mà những hai cái miệng ăn, mà lại còn chực thiếu nữa thì có lẽ đến phải đếm mà chia nhau từng hạt. Bởi vì hai vợ chồng chỉ trông vào tiền của vợ để mà ăn gạo. Chồng chẳng chịu bỏ ra một đồng trinh. Hắn dận trai mỗi ngày cũng được vài hào. Có ngày bốn năm hào. Nhưng bốn năm hào thì cũng hết. Tiền hắn làm, uống rượu chưa chắc đủ. Huống chi lại còn đánh bạc.
Vậy đồng xu của vợ Lúng, không nhặt được hay ăn cắp, thì chắc là y xin. Y buộc vào dải yếm, trông chặt lắm. Lại hàng bánh dày, y hí hoáy cởi một lúc lâu mới được. Hay là y giả đận làm như thế thì chẳng biết. Làm thế, để đợi lúc có thật nhiều người ăn. Bởi vì lúc y ngồi xuống thì đã có bốn năm bà đang ăn rồi. Chị hàng bánh tới ta tới tấp. Vợ Lúng mân mê một lát, rồi nhặt lấy một tấm bánh dầy đậu, đưa lên ngoạm một miếng hết già nửa tấm. Còn non nửa tấm. Còn non nửa tấm nữa, y ném tọt vào miệng nốt. Y đưa đồng xu ra, chị hàng bánh dầy trợn mắt:
Sao lại có một xu?
Tôi ăn một tấm.
Thế là chẳng nói thêm một tiếng, chị hàng bánh nhảy ra bóp cổ y. Y giãy giụa, nhưng cái cổ y ngẳng quá, chỉ vừa một chét. Y lại mếu. Mà con mẹ hàng bánh sao mà khỏe thế. Nó dúi đầu y xuống, mắt y trợn ngược. Y kêu ằng ặc. Miệng y há hốc. Miếng bánh dầy nhả ra. Bây giờ chị hàng bánh mới chịu buông cổ y, và reo lên:
– Xem nào!
Một tay chị vẫn xoắn lấy áo y, một tay chị cúi xuống nhặt miếng bánh đầm đìa dãi nhớt. Chị tách miếng bánh làm hai và đưa cho những bà đứng đấy xem và phân bua.
Các ông, các bà trông giùm tôi xem chị ấy ăn một tấm hay là hai tấm, này! Một tấm mà lại tách ra được thế này! Tôi có mù đâu? Mắt tôi vẫn phải trông đấy chứ!..Bán hàng mà không mắt năm mắt mười thì mấy chốc cởi váy mà bán đi? Tôi biết chị ta chập hai tấm vào làm một, nhưng tôi lờ đi, để rồi xem chị ta làm ăn thế nào. Ấy thế mà chị ấy nhất định cãi là một tấm. Các ông các bà thử trông giúp tôi xem một tấm hay hai tấm mà nó lại như thế này?
Bao nhiêu người xúm lại, đứng vây thành cái cũi. Chị hàng bánh biết y không còn chạy được, mới chịu buông áo y ra; chị chỉ vào mặt y the thé:
– Cái mặt nhà chị! Chị thử mở mắt ra trông một tấm hay là hai tấm, nào!
Cái mặt bủng beo của y xám như chàm. Nó không còn đỏ được, bởi y làm gì có máu. Cái miệng y há ra như chực nói, nhưng nói thế nào? Chứng cớ trờ trờ ra đấy. Y cứng hàm. Những tiếng ấp úng trong cổ họng, một lúc lâu mới bật ra thành lời được:
– Thì tôi giả…., tôi giả hai xu….
Nhưng y làm gì còn xu! Y cúi mặt, nước mắt ra ròng ròng. Chị hàng bánh lộn tiết lên. Chị xỉa tay vào tận mặt y:
Thôi! Tôi cũng thí cho nhà chị. Tôi chỉ lu loa lên thế để cho cả chợ người ta biết; rồi giờ người ta vạch vôi lấy mặt chị, để thấy cái mặt nhà chị ở đâu thì người ta kiềng nó ra.
Câu chuyện đến tai Lúng. Lúng thâm tím mặt. Giá lúc ấy vợ hắn có nhà thì có lẽ hắn đã đâm chết vợ. Nhưng vợ hắn còn đi dệt cửi. Hắn đành nén giận, để đi làm trai đã. Hôm ấy hắn dận được nhiều trai lắm. Toàn những con to cả. Trai, chỉ ăn thua cái vỏ, bán cho người ta làm cúc hay khảm xà cừ chẳng hiểu. Chỉ biết người ta mua nhiều lắm. Lần này, tính nguyên vỏ đã được năm, sau hào. Ruột chỉ được hơn hào chỉ. Hắn không thèm bán nữa. Hắn đem nấu một nồi cháo ăn.
Cháo bắc lên bếp rồi, hắn chạy đi mua rượu. Cả chai. Với một cái đùi vịt hai hào nữa. Phải uống thật say mới được! Rượu có rồi. Cái nhắm có rồi. Nồi cháo đã gầy mấy cái nhẵng tre thật chắc, chỉ lát nữa sẽ sôi lúc búc. Nhưng hắn chưa uống vội. Hắn đi chặt một đoạn mây to. Một đầu khoanh lại thành cái vòng để xỏ tay vào, cầm cho dễ. Vả lại, kiểu roi mây phải thế. Hắn vụt thử lên không khí kêu vun vút. À! Tốt tệ! Hắn nhếch môi cười một tiếng ngắn. Còn phải đi tìm cái đòn gánh và sợi dây thừng nữa. Có cả rồi. Hắn xếp cả lên cái giường độc nhất trong nhà hắn. Hắn xếp cả hắn lên đấy nữa. Hắn ngồi xếp bằng, hai tay hắn chống xuống hai đùi. Hai đui hắn rung rung. Hắn nhìn chằm chặp vào cái đùi vịt và chai rượu. Nước dãi hắn chảy ra. Hắn thèm uống lắm, nhưng chưa uống vội. Còn đợi vợ.
Đây! Y đã về. Nhẹ và mạnh như con báo, hắn nhảy vọt từ trên giường xuống đất, chưa kịp trông rõ hắn, y đã bị tay hắn chộp. Y kinh ngạc:
Ô hay!
Mày lại đây!
Hắn nắm cổ y, đẩy vào chỗ cột nhà. Y không kháng cự. Bởi kháng cự thật là vô ích. Hắn cởi cái thắt lưng của y: trói ngang lưng vào cái cột. Như thế đã tha hồ vững chãi. Nhưng hắn còn muốn vững chãi thêm nhiều nữa. Hắn đặt ngay cái đòn gánh ở bên ngoài cột, dang hai tay vợ dang ra, lấy sợi dây thừng quấn. Hắn quấn cánh tay vợ vào đòn gánh. Được rồi. Hắn trở lại giường, rót rượu ra chén, uống. Vợ hắn hu hu khóc. Còn khóc nữa! Oan lắm đấy! Hắn khà một cái, cầm cái đùi vịt, chấm một tí muối, cắn, nhai nhồm nhoàm. Hắn vừa nhai vừa kể lại tội y cho y biết. Bao nhiêu là tội! Hắn cứ uống một ngụm rượu thì một tội lại bật ra. Toàn những tội ăn vụng, ăn trộm, ăn cắp, ăn mày, ănh nhặt! Chao ôi! Vợ hắn bêu hắn quá! Vợ hắn làm hắn nhuốc nhơ với làng với xóm. Sao vợ hắn lại vẫn cứ sống mà làm tội hắn? Sao vợ hắn chẳng chết đi cho rồi?… Không chết hắn sẽ đánh cho mà chết. Trăm nết mất cả trăm, còn sống làm gì nữa? Sống làm gì cho nhục nhã? Hắn bỗng nhiên vùng dậy, cầm cái roi mây chạy lại, nghiến răng vụt đen đét vào mông y. Y đau quắn đít. Y nhăn mặt lại. Y van lạy. Y gào. Trời ơi! Y gào!…
Hắn vụt xong một chập rồi, nghỉ tay. Lại uống, lại nhồm nhoàm vừa nhai vừa kể tội. Kể tội xong lại đánh. Đánh một chập rồi lại uống. Uống rồi lại đánh, cứ như thế mãi. Đến nỗi vợ hắn tê mông, không còn thấy đau.
Bấy giờ hắn mới thôi. Thôi bởi vì hắn líu lưỡi lại rồi. Mắt trông cái gì cũng chập chờn, cũng quay quay. Chân nọ cứ vướng vào chân kia, không đứng lên được nữa. Hắn lăn khoèo ra giường, mồm ú ớ. Rồi hắn ngủ. Hắn ngáy thật to, nghe khò khò…
Một người hàng xóm thấy im ắng rồi mới dám sang. Y rón rén vào nhà. Lúng vẫn ngủ mê, ngủ mệt. Có mà vần xuống sông cũng được! Người hàng xóm lại gần cột, cởi trói cho vợ hắn.
Vợ Lúng thấy người đau ê ẩm. Hai cánh tay dừng máu tím bầm. Mông xót như mất hẩn một lần da. Y khệnh khạng đi xuống bếp. Nồi cháo sôi lúc búc. Úi chà! Thơm quá! Mà đặc sệt rồi. Giá y không xuống thì khê mất. Y tra muối. Y múc một bát ăn. Ôi chao ôi! Cái cháo trai sao mà ngon đến thế. Y làm luôn bát nữa, rồi bát nữa, rồi bát nữa… Nồi cháo cạn. Chó! Cứ ăn hết đi cũng được. Không cho thằng quan ôn vật ấy ăn nữa. Tài đánh lắm! Vả lại nó cũng uống bao nhiêu rượu. Ăn một mình cả một cái đùi vịt. Ăn lắm, uống lắm rồi. Thì bây giờ đừng ăn… Y vét nồi sồn sột. Chị hàng xóm bảo:
Khe khẽ chứ!… Anh ấy dậy bây giờ thì được chết.
Cho chết! Đói bỏ cha đi ấy, hãy ăn cho sướng đã.
Nói xong, y nghiêng cái nồi ra ánh sáng. Còn cái gì đây nữa? Ô! Miếng trai! Còn sót một miếng trai trong góc nồi. Làm nốt đi!
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 437, ngày 30-10-1942