Tuyển tập Nam Cao

CƯỜI

Quả như lời hắn đoán, thằng bé khóc chán rồi lặng thật. Có lẽ bây giờ thì nó nhọc quá, đã ngủ say như chết, không khí trở nên thư thái. Chỉ còn mấy tiếng võng đưa ken két khoan thai và đều đặn như tiếng tích tắc của một chiếc đồng hồ thật to…

– Thằng này khá lắm đấy! Nó mới sinh ra đã có cốt cách của một dân nhà báo: thích kêu gào lắm.

Hắn nghĩ về đứa con như vậy. Bởi vì hắn vốn là một người vui tính. Hắn ưa hài hước. Hài hước một mình thôi. Hắn thích tìm ra những ý nghĩ ngộ nghĩnh để cười một mình. Nhất là những khi hắn vừa gặp việc gì cáu kỉnh. Khi người ta cáu, mặt người ta co rúm lại. Cổ người ta bị tắc. Máu tiết ra chất độc, có hại cho sức khỏe lắm đấy! Nhưng nếu ngay lúc ấy người ta cố mỉm cười một cái thì mọi sự tiêu tan hết. Mặt tươi ra. Có thoang thoảng chất độc trong người theo hơi thở thoát ra ngoài hết. Người trẻ lại. Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lương huyết và bổ tâm, bổ phế, bổ tì, bổ vị, bổ thận, chẳng cái gì không bổ. Tiên dược đấy. Nó cải lão hoàn đồng rất mạnh. Mà lại không tốn kém một đồng xu nhỏ. Chỉ cần nhếch môi một cái. Dễ dàng hết sức. Vậy thì tội gì mà không cười. Cứ cười đi, cười nhiều đi…

Hắn cười. Mặt trăng cười với hắn. Ấy là một khuôn mặt đàn bà phúc hậu, đầy đặn, tươi tỉnh, da tươi mát, phẳng phiu và sáng sủa. Ánh trăng xanh phứt thấm vào da hắn như một chất kem. Chính là sự bình yên tỏa ra từ cái linh hồn dìu dịu của trăng. Trăng rất hiền hòa, rất êm đềm, rất vỗ về và an ủi. Nếu trăng là đàn bà thì người đàn bà ấy thật hoàn toàn. Hắn nhìn trăng và ao ước quá!…

Trong đời có hai cái mà hắn ghét hơn mọi cái: tiếng trẻ con khóc và tiếng đàn bà gắt gỏng. Cũng bởi ghét hai thứ tiếng ấy nên có nhiều lúc hắn nghĩ ra rằng: loài người còn kém xa loài vật. Ở loài vật, như giống chim chả hạn. Những con chim cái thì ấp trứng, nuôi con rủ rỉ với chồng, rỉa lông chồng một cách âu yếm quá. Con không quấy vòi vĩnh mẹ. Mẹ không nghiến ngấu con. Hòa bình và hạnh phúc tỏa bóng mát trong cái nhà bé nhỏ của chúng. Giá tất cả trẻ con đều hiểu rằng: chính sinh ra là để đi bộ, để mở những con mắt hau háu ra cười với người ta, để chim chim, đi chợ, làm cò bay hay những trò ngây ngô tương tự như thế chứ không phải để dụi mắt, để dỗi hờn, để khóc the thé đến làm bố điên lên được. Giá tất cả đàn bà đều hiểu rằng: người ta cưới họ về là để họ đem cho người ta những nụ cười, những cái vuốt ve, những lời nói nhẹ nhàng, khả dĩ khiến người ta quên mệt nhọc và chán nản chứ không phải chuốc lấy những lời cáu cẳn và một bộ mặt suốt ngày nhăn nhó như mặt nạ. Con hắn với vợ hắn không hiểu thế. Con thì hơi một tí đã nhè mồm ra khóc. Vợ thì động thấy con khóc đã quát tháo, rủa con và rủa luôn kiếp mình. Mỗi lần thế hắn khổ hơn bị người ta chặt cổ. Hắn muốn đập một cái gì cho đỡ tức. Nhưng đập ra lắm thì chỉ thiệt (Thời buổi này, một cái niêu đất cũng phải hai hào chỉ…). Hắn đành nén giận vùng vằng chạy ra ngoài, chạy thật xa, vừa chạy vừa bịt chặt hai tai như một đứa trẻ con sợ pháo. Nhưng vốn giữ gìn sức khỏe, không bao giờ hắn dám tức lâu. Bực tức hại người. Gặp lúc khó khăn, thức ăn tẩm bổ đã chả có, hơi đâu mà chuốc lấy những nỗi cáu kỉnh để mà phí sức đi. Ốm một cái, phải uống một chục thang thuốc bây giờ là mất nghiệp. Bởi thế mỗi lần tức giận, hắn vội tìm ngay ra một ý gì ngộ nghĩnh để mà cười cho đỡ khổ. Hắn nhìn trăng mà cười…

Khi thấy mình đã thật sự bình tĩnh rồi, hắn vào nhà. Con hắn đã ngủ khì khì. Vợ hắn được nằm yên nghĩ tơ mơ. Những lúc thư nhà, người đàn bà họ có những giấc mộng đẹp vô cùng. Cứ mộng, cứ mộng và để cho hắn yên thân một chút. Nhưng vợ hắn không mơ mộng, thị đang nhẩm tính những món tiền này nọ. Vậy thì hắn đã yên thân thế nào. Hắn nhẹ nhàng đặt mình nằm ngửa xuống giường, hai tay mềm mại buông xuôi, thở đều đặn và chầm chậm, tốt cho sự tuần hoàn và bộ thần kinh lắm đấy. Tối nào trước khi ngủ, hắn cũng thở hai mươi hơi như vậy, rồi thì hắn nhắm hai mắt lại, tập trung tư tưởng. Hắn bắt đầu tự bảo: “Tôi khỏe lắm. Tôi vui lắm. Tôi sung sướng lắm. Vợ tôi thật đáng yêu.”. À, cứ vậy mà ăn câu đấy. Đó là phép tự kỉ ám thị. Hắn cố kêu thế mãi, tất có ngày hắn sẽ khỏe lắm, vui lắm, sung sướng lắm, và vợ đáng yêu lắm thật. Nhưng điều cần là phải đặt tin tưởng và cả quyết vào ý nghĩ cho mạnh mẽ và rắn rỏi: “Tôi khỏe lắm, tôi vui lắm, tôi sung sướng lắm, vợ tôi…”

– Cái gì?

Hắn đột nhiên tắt cái ý nghĩ để vọt ra miệng câu hỏi ấy. Bởi vì hắn mang máng nghe như vợ hắn vừa hỏi gì vậy. Bị quấy rối, hắn hơi cau mặt. Câu hỏi cụt ngụt có vẻ hơi gắt gỏng. Vợ hắn tức thì gắt lại.

– Điếc hay sao thế? Người ta hỏi sáng mai gọi người vào bán đi năm thùng thóc nhé?

Bán đi năm thùng thóc? Thế thì còn có hai mươi thùng nữa. Hai mươi thùng ăn từ nay đến Tết, có lẽ ngoài Tết, đến tận vụ chiêm sang năm nữa, bởi vụ mùa nhà không có ruộng mà tiền để đong thì chắc gì tháng Mười này có? Con mụ này nó mới điên đấy hẳn. Hắn đã thấy máu đưa lên cổ, nhưng cố nín. Hắn lặng im không đáp. Không đáp tức là hắn tức. Nhưng tức cái gì mà tức? Vợ hắn hỏi bằng một giọng ôn tồn giả hiệu:

Mình có bằng lòng hay không bằng lòng?

Tôi không biết. Muốn bán bằng nào thì bán. Bán đi cả cũng mặc. Đừng hỏi tôi.

Buồn cười chửa, có vậy mà cũng gắt như mắm thối. Đã muốn gắt thì cho gắt, người đàn bà nghĩ thế. Và thị khinh khỉnh bảo:

Không bán, không lấy gì mà đưa lãi nợ cho người ta được. Người ta chẻ vào xác ấy, lại còn tiền đóng họ, tiền nợ vặt, tiền lương tháng, tiền nộp thuế, tiền ba chén thuốc lấy cho thằng cu hôm nọ… Bao nhiêu là thứ, người ta rối lên như canh hẹ. Mình ngồi nhà cứ tưởng vợ con sung sướng lắm. Có biết đâu vợ hơi bước chân ra đến chợ, người ta đã xúm vào nói như đổ mẻ vào mặt. Ai chịu được?

Ai bắt mình khổ mà mình khổ?

Giời bắt đấy. Nhà tôi kém phúc đức nên tôi khổ.

Ấy thế là hai vợ chồng cãi nhau. Thằng bé thức giấc the thé khóc. Nhà um lên những tiếng điếc lác, dằn vặt, hắt hủi và khóc lóc. Kết cục thì người vợ nhịn. Anh chồng không nói nữa nhưng vẫn còn tấm tức. Tận canh ba đêm ấy hắn vẫn chưa ngủ được. Hắn giở mình quay mặt nghiêng ra cửa. Ô kìa, trăng vẫn cười… Hắn tự nhiên bẽn lẽn. Hắn không dám nhìn trăng nữa. Một phút như thế ấy. Rồi hắn lại ngước mắt lên vầng trăng trong trẻo và mỉm cười với trăng.

Sáng hôm sau vợ hắn vừa mở mắt thì đã thấy hắn quần áo chỉnh tề. Thị không ngạc nhiên, hắn bảo ngay:

– Tôi đi ra tỉnh.

Thị sa sầm mặt. Bởi vì thị chẳng còn lạ gì cái khóe này của hắn. Mỗi lần cãi nhau với vợ xong, hắn cũng bỏ nhà đi bốn năm hôm. Đi rất lăng băng thường thường, nếu có tiền, hắn đem hết đi để ăn uống, chơi bời thật thỏa thuê, ra bộ nghĩ “đã chẳng ai thương mình thì mình cũng nên thương lấy mình một chút, tội gì mà khổ!”. Nếu nhà chẳng còn đồng xu nào thì hắn cũng đi, nhưng đi đến mấy nhà người quen. Hắn nằm khàn ở nhà người ta vài ngày để tán róc với nhau. Các bạn bè ai cũng chuộng hắn bởi hắn có một cái tính gàn gàn ngộ nghĩnh, lộ ra bằng những câu chuyện nửa dở hơi, nửa thông minh, rất hời hợt mà cũng rất sâu sắc nữa. Vả lại, tuy người ta đều biết hắn nghèo nhưng chẳng ai ngờ hắn đến nhà người ta để đợi ăn. Bởi vậy, đến nhà ai hắn cũng được tiếp đón rất hẳn hoi. Giá thử hắn có vắng nhà đến nửa tháng cũng không lo chết đói. Hơi một tí là lầm lầm lì lì dọa đi ra tỉnh. Vợ hắn cau mặt bảo:

– Muốn đi đâu thì đi.

Hắn không gắt lại, nhưng ngước đôi mắt buồn rầu lên nhìn vợ một cách oán trách. Bởi vì lần này hắn không có ý đi lăng băng như những lần trước. Những lần trước hắn thật sạch, chẳng qua cũng như những người mệt mỏi đi đổi gió. Nhưng lần này hắn không còn bực tức. Đêm qua nằm nghĩ ngợi hắn xét ra rằng: vợ hắn không đáng trách, khi đầu người ta lúc nào cũng rối tung lên vì trăm thứ tiền, trăm nghìn công việc phải lo toan, rồi lại phải lật quật suốt ngày, chẳng ngơi chân ngơi tay một lúc nào, mải miết trong cả lúc ăn, thế mà đêm đến cũng chưa lúc nào ngủ yên lành, còn bị con quấy rối, lúc khóc, lúc giẫy, lúc day vú như con chó day giẻ… thì người ta bình tĩnh làm sao được. Người ôn hòa đến đâu cũng phải sinh ra gắt gỏng. Trước kia vợ hắn có thế đâu? Bây giờ chỉ cần cho thị đỡ vất vả, đỡ lo lắng, có chút thì giờ để nghỉ ngơi thì thị lại vui vẻ điềm đạm ngay được đấy. À, như vậy thì sao hắn không đi tìm việc làm kiếm tiền giúp đỡ ra đình? Nấn ná đến bao giờ? Thầy thuốc bảo hắn cần phải nghỉ ngơi ở nhà quê. Nhưng cúi đầu mà nghe mấy ông thầy thuốc, cẩn thận quá đến thành lẩm cẩm. Người ta chết được thì cũng khó. Vả lại chết vì bệnh không đáng sợ. Ta nên sợ cái chết trong lúc sống, cái chết đáng buồn của những người đang sống sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng dùng sự sống của mình vào công việc gì…

Tối mịt hôm ấy hắn mới về đến nhà. Người thấy mệt nhoài nhưng lòng thì vui vẻ lắm. Hắn nhất định nếu có thấy con đang khóc, vợ đang nghiến ngấu thì cũng không tức tối. Tình cờ thế nào mà cảnh nhà lúc ấy lại yên vui. Mẹ đang rấu rí con. Hắn đứng lại bên ngoài cửa bếp và nghe…

– Con gọi thầy đi… Thầy ơi! Thầy, thầy! Gọi đi, thầy mày bây giờ lại đang cười với cô tân thời rồi!

Giọng nói âu yếm quá. Có lẽ lúc bấy giờ người thiếu phụ đang nghĩ đến chồng với những ý nghĩ rất dịu dàng. Thị nói với đứa con chưa hiểu biết gì để có cớ mà nhắc đến chồng yêu. Hắn cảm động đến thấy mi mắt ướt… Đột ngột, hắn đẩy cửa bước vào. Vợ hắn giật mình. Chợt nhận ra chồng, đôi mắt thị sáng hẳn lên vì mừng rỡ:

– Mình!

Thị buột miệng reo lên một tiếng rồi cúi đầu bẽn lẽn. Có lẽ thị sực nhớ vợ chồng hãy còn giận nhau ban sáng. Hắn mỉm cười chế nhạo, vợ hắn cũng bật cười, lườm hắn. Hắn khoe ngay:

– Mình không còn lo nữa nhé. Nay mai tôi đã có chỗ làm rồi.

Thị ngạc nhiên:

Làm gì?

Dạy học

Hừ, không dạy… Mình còn yếu lắm, cứ nghỉ cho bao giờ thật khỏe, vả lại lần này có khỏe rồi tôi cũng chẳng để cho mình đi dạy học. Dạy học hại người lắm…

Ồ, vẽ chuyện…

Vẽ chuyện à? Đốc-tờ họ bảo…

Hắn cười ầm ỹ:

Đốc-tờ, đốc-tờ. Thôi đi, tôi lạy các ông đốc-tờ cả nón… Tôi bất cần đến các ông đốc-tờ, tôi chỉ cần tiền thôi. Tôi cứ đi dậy học.

Thế mà cũng nói…

Chứ không à? Chỉ ba hôm nữa là tôi đi…

Không đi nữa!

Cứ đi

Cứ đi là thế nào. Tôi có để cho mình đi, tôi chết.

Cho mình chết.

Ô hay, mình rủa tôi đấy à? Mình mong tôi chết lắm?

Tôi mong lắm. Sống mà cứ cau có như khỉ thì cũng nên chết đi cho rảnh.

Ấy thế là người đàn bà thấy máu ứ lên đến tận cổ. Thị cũng biết rằng chồng nói đùa. Nhưng câu nói đùa chứa đựng rất nhiều ý trách móc. Và cả sự mong mỏi ngấm ngầm nữa. Thị tủi thân quá, đến nỗi nghẹn ngào không nói ra tiếng được. Một phút sau thị mới bật được ra được một lời uất ức.

Chết thì chết. Mình tưởng tôi sung sướng lắm đấy mà còn cầu sống lấy năm mươi năm nữa, kẻo thế này chưa già đời.

Thị oán chồng vậy. Thị muốn nói cho chồng biết chính vì chồng mà thị khổ. Sự ấy hình như đúng mới chết anh chồng chứ! Anh ngẫm nghĩ. Anh cực, anh cực quá. Giời bắt anh ốm đau đến thành một phế nhân ăn hại vợ, tự anh lấy làm cực lắm rồi. Còn đợi ai phải nói. Ấy thế mà thị nỡ lòng nào nói trắng ra. Có phải thị sỉ nhục anh không? Thật thị tàn nhẫn quá. Mắt anh đỏ ra như miếng tiết. Anh run run giọng bảo:

Đừng nói nữa… Mình không cần phải nói thế đâu… Tôi biết rồi.

Biết rồi là biết làm sao?

Người đàn bà vặn thế. Cứ vậy, tiếng bấc đưa đi, tiếng chì quăng lại, mỗi người chỉ nghĩ đến sự quá quắt của người kia mà không một chút nghĩ đến sự quá quắt của mình. Cũng không ai chịu nhớ rằng: ngoài những lúc giận nhau, họ là một cặp vợ chồng rất tốt. Chồng thương vợ, vợ thương chồng, đôi bên luôn luôn tìm cách làm cho nhau đỡ khổ. Họ chỉ còn biết nói cho thật chua chát, nói thế nào cho người nghe thật tức, thành thử cả hai cùng tức lắm. Họ đều to tiếng. Và kết cục thì người vợ hầm hầm bế con vùng vằng chạy vào buồng. Anh chồng ngồi cắm mặt ở nhà ngoài, mím chặt môi để nuốt khí giận ở trong. Giận thật, ừ, giận thật.

Nhưng bỗng nhiên anh cười khanh khách. Bởi vì anh chợt nghĩ rằng: vợ anh nghiện cãi nhau, nếu không được cãi nhau thì đời thị sẽ buồn lắm. Vì vậy anh yêu thị cũng nên. Ở nhà để thỉnh thoảng cãi nhau với thị. Cãi nhau hai người thì mới đúng phép và mới thích; cũng như đánh quần vợt, đánh cờ hay đấu kiếm, một người không thành cuộc…

Anh cười rũ rượi, cười ngặt nghẽo.

Ấy là anh lại dùng đến liều thuốc giải uất dùng mọi khi: tiếng cười.

Đăng trên tiểu thuyết thứ Bảy số 477 (4-9-1943) với tên truyện là Bực mình sau đổi thành Cười và đăng trong tập truyện Cười.