Tướng mệnh khảo luận

- M -

Tướng đôi mắt quan trọng, trước hết vì nó nói để biểu lộ thần khí. Thần khí linh khí vốn trừu tượng không thành hình vật, nó chỉ dựa vào ngũ quan lục phủ để hiện lên thôi. Chỗ chứa thần khí nhiều nhất là đôi mắt.

Dục sát thần khí tiên quan mục tinh.

Thần khí không bao giờ thoát ly hình hài dù chỉ trong giây phút. Thần khí đi mất, sinh mệnh không còn. Thần khí thực tế là lực lượng của sinh mệnh. Người thông minh, hoạt bát nhờ thần khí đầy đủ. Thần khí tồn tại trong chỗ sâu thẳm của tâm linh với phẩm chất tốt xấu, cao hạ, chân giả. Phải xem xét cực tinh tế mới thấy được. Chớ nên lầm với hình thái nổi lềnh phềnh bên ngoài. Gặp ai vui vui tươi cười đã vội bảo người ấy thần khí tốt là nhảm. Thần khí đủ không phải là vẻ đắc ý nhất thời. Vẻ đắc ý bất quá chỉ là thần khí giả.

Sách “Băng Giám” có câu: “Nhất thân tinh thần cụ hồ lưỡng mục” (Tất cả tinh thần của một thân hiện lên đôi mắt).

Xem thần khí không nơi nào bằng xem đôi mắt.

Hiền lương trừng triệt,

Hào tuấn tinh anh

Tài năng hơn người cộng với phẩm đức hơn người nên gọi là hiền lương.

Từ lâu nay, hai chữ hiền lương đã bị hiểu lầm là hiền lành chất phác. Thực ra, danh từ hiền lương có từ thời Hán Đường, với cái nghĩa như một cột trụ của quốc gia.

Đối với tướng học, hiền lương không thể ngụy trang được vì nó hiện lên đôi mắt. Mắt người hiền lương chân chính bao giờ cũng trong như nước mùa thu của hốc đá, trong suốt tới đáy. Sáng trong mà ôn hòa từ tường. Biết xa hiểu rộng, chí lớn tài cao, không kiêu căng tự thị. Thế gian tìm ra loại người này thật hiếm.

Vậy cứ theo khôn ngoan cổ nhân. Thủ pháp hồ thượng, tất đắc hồ trung. Đòi hỏi ở mức độ tối thượng nhưng chấp nhận ở mức vừa vừa.

Triết gia Hoài Nam Tử nói:

- Tài trí quá vạn người là Anh, quá ngàn người là Tuấn, quá trăm người gọi là Hào, quá mười người gọi là Kiệt.

Một quốc gia xã hội, một tập thể cứ mong có lấy nhiều bậc hào tuấn và kiệt đã là tốt rồi.

Nhà thơ Lý Bạch, thân tuy chưa đầy thất xích (chừng 1th70) nhưng tâm hùng vạn phu.

Nói hào tuấn hoàn toàn, nói về bản tính chứ không hạn hẹp trong phát triển sự nghiệp.

Làm thơ hay xưng bá trong văn đàn gọi là thi hào, văn hào.

Giỏi võ, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Thời giặc giã lập công nghiệp hiển hách gọi là anh hào.

 Phàm đã đến bậc hào tuấn, hào kiệt, anh hào bao giờ cũng có đôi mắt sáng đẹp và một dáng dấp anh hùng với tấm lòng quảng đại.

Tướng mắt “Cửu Quyết” dạy rằng:

- Nhìn xa, trí tuệ.

- Nhìn xuống, âm độc.

- Nhìn bình thản, lành tốt.

- Nhìn chăm chăm, ghen ghét.

- Nhìn lướt đi, gian.

- Nhìn lờ đờ, ngu.

- Nhìn yếu ớt, mắc cỡ.

- Nhìn điên đảo, phản bội.

- Nhìn liếc ngang, mưu hại.

Phương pháp xem tướng mắt có hai mặt: Mặt tâm lý qua đôi mắt để đoán cát, hung, họa, phúc. Mặt sinh lý qua đôi mắt để đoán trí tuệ và sức khỏe, thọ, yểu.

- Lòng trắng tức bạch cầu tối kỵ những tia đỏ. Sách tướng có câu:

Xích mạch quán tinh chủ ác tử

Xích mạch xâm tinh chủ hung tai

Xích mạch nhiễu tinh chủ phá tài ưu hoạn.

(Có tia máu đỏ đâm xuyên qua con ngươi, chết bất đắc kỳ tử, tia đỏ đâm vào con ngươi gặp hung tai, tia đỏ quấn quýt quanh con ngươi có chuyện lo buồn, tiền bạc thất tán).

Lòng trắng cũng kỵ xanh xám màu tro, trông đục lờ đờ là mắt của nhiều bệnh tật.

Sách “Tướng Kinh” viết:

- Lòng trắng vẩn đục, nghèo hèn, cô độc, khắc tử, chết bất ngờ.

- Lòng trắng dã mà khô không quang nhuận là loại bạch đinh, suốt đời vất vả không danh phận.

Sách “Thông Chí” có chép chuyện:

Đời Tấn Chiêu Công năm thứ II, vào mùa hè, ông Đan Tử gặp Hàn Tuyên Tử ở đất Thích. Thấy Đan Tử mắt cứ nhìn xuống mà tiếng nói thì yếu ớt, ông Thúc Hướng mới bảo rằng: “Đan Tử sắp chết đấy, chỉ nội sớm chiều thôi”.

Quả nhiên năm ấy Đan Tử chết.

Nhìn đôi mắt người, hễ cứ thấy nét mặt buồn, mắt không muốn nhìn lên, nhìn ra xa, nhìn thẳng vào sự vật mà lờ đờ nhìn vào đầu mũi, đồng thời nói chẳng ra hơi, tiếng không nghe xa quá một bước, tức là tâm huyết và tâm khí đã hư khuyết, tử thần đã uy hiếp sinh mệnh. Tướng này lấy câu nói của Thúc Hướng làm định lý: “Thị bất đăng tịch, ngôn bất quá bộ, vô chủ thân chi khí: (nhìn không trên chiếu, nói không quá bước, cái khí giữ thân đã hết rồi vậy).

Sách “Liệt Quốc Chí” có chép chuyện:

Trí Bá cầm quân Hàn Ngụy đi đánh nước Triệu. Cho khơi nước vào thành Triệu. Triệu chắc phải hàng nay mai.

Bầy tôi của Trí Bá là Hi Tì thấy Hoàn Tử và Khang Tử, nét mặt không vui nên nói với Trí Bá rằng hai người ấy sắp phản. Trí Bá không tin.

Hôm sau Trí Bá đem lời Hi Tì nói lại cho Hoàn Tử và Khang Tử nghe.

Hai người đi ra, Hi Tì vào mách Trí Bá:

- Tại sao chúa công đem lời tôi nói lại với họ?

- Sao ngươi biết? - Trí Bá hỏi.

Hi Tì đáp:

- Tôi gặp họ ở ngoài cổng, họ trừng trừng nhìn tôi rồi vội bước cho mau. Như vậy là họ biết trước tôi đoán rõ được tâm lý của họ nên có ý sợ.

Trí Bá vẫn không tin sai Hi Tì sang làm sứ bên nước Tề.

Về sau, đúng như lời đoán của Hi Tì. Hoàn Tử và Khang Tử tư thông với Triệu Vương làm phản và giết chết Trí Bá.

Thần hãm đoản thọ

Tinh đột cực hình.

Thọ yểu của người đời được quyết định bởi sức vóc của thần khí, và chết êm thấm hay chết phi mệnh thì do khí dung hay hòa.

Thần hãm xin đừng lầm với mục hãm vì mục hãm nói về hình thể con mắt nằm sâu xuống như kiểu mắt sâu râu rậm. Mắt sâu không liên quan gì đến thần hãm.

Sức sống cường vượng của một người thế nào có thể nhìn qua đôi mắt, dù cho người ấy đang ở trong cơn thất bại ê chề, nhưng ánh mắt vẫn quang thái sáng đẹp thì có thất bại thêm nữa cũng chẳng sao.

Giả như một thanh niên khoẻ mạnh mà nhãn quang co quắp, sức nhìn yếu nhược thì cái sức mạnh trên thân thể chẳng qua chỉ là sức mạnh giả, kết quả sớm chiều chết lúc nào không biết.

Xem tướng nhãn thần phải phân chia làm hai loại:

a) Quang thái của trí tuệ.

b) Quang thái của sinh mệnh lực.

Có phân biệt thế mới hiểu tại sao thiên tài thường đoản thọ.

Mắt sáng như sao, quang thái phù động lưu hoạt nhưng càng nhìn lâu càng yếu đi. Đó là người thông tuệ mà sinh mệnh lực bạc nhược đoản thọ.

Còn quang thái của đôi mắt rồi rào sinh mệnh lực bao giờ cũng hoặc quang phát ra mạnh lâu nhưng quang thái ấy không giảm đi, hoặc hàm súc thâm thuý và kiên thực, lúc nào thân thể mệt mỏi, mắt vẫn không mệt mỏi.

Mắt lồi, Sách tướng đặt tên là phong mục (mắt con ong).

Phong mục báo thanh quyết bất thiện chung (Mắt ong tiếng beo nhất định chết hung).

Kiếm ti phong tinh bất đắc hung nhi thả tiện (Mũi nhọn như dao kiếm, mắt ong vừa hung bạo vừa hạ tiện).

Tinh đột như phong mục, chủ hình thương (Mắt lồi như mắt ong chủ về hình thương)

Sách nói vậy, nhưng phải thật am tường tướng pháp, đừng vội cho đôi mắt lồi nào cũng sẽ chết bất đắc kỳ tử.

Nhãn cầu lồi gồm có ba loại:

- Vì cận thị nên thuỷ tinh thể lồi ra.

- Vì nói nhiều và tâm tính quá vui khiến cho một bộ phận thần kinh chủ về sự nói nằm trong đầu nở nang quá độ đẩy nhãn cầu lồi ra.

- Vì sự vượng thịnh của tính dục làm mọng thuỷ bào doanh dưỡng nhãn cầu khiến cho nhãn cầu phát đạt mà lồi ra.

Sách tướng coi là một thứ đào hoa nhãn.

Loại thứ nhất thuộc bệnh lý không kể.

Loại thứ hai, nếu đem kinh người xưa: “Ngôn đa tất thất”, “hoạ tòng khẩu xuất” mà nói thì người có tướng mắt này lại thêm ưa rượu chè hay nhạo báng, chê bai, dèm pha, trên cái lý nhân sinh chắc dễ bị chết đâm, chết chém bởi chúng nhiều kẻ thù.

Loại thứ ba vì nhan sắc, tham dâm, mẫu đơn hoa hạ tử tố qui dã phong lưu (Chết dưới cây mẫu đơn, ra ma rồi mà vẫn còn chơi bời).

Người mang tướng này nếu nhục dục quá sức, tham dâm thông gian thì cái chết trên tình trường chẳng bao xa.

Còn tướng mắt lồi không do ba nguyên nhân trên, mới sinh ra đã như vậy, nó biểu hiện tính tham, hung dữ. Tham lam hung dữ hỏi sao tránh khỏi bất đắc kỳ tử.

Mắt lồi tối kỵ lộ thần, lộ thần là nhãn quang tán mạn vô lực, tối kỵ đới sát, đới sát là có vẻ hung dữ. Chết yểu hoặc hung tử.

Con ngươi vàng, mắt đỏ lại lồi ra thì vừa tham vừa hung ác, thiếu hẳn trí tuệ, phần lớn bị chết tại pháp trường.

Con ngươi lồi ra, tiếng như thanh la vỡ, sách tướng gọi bằng ”song đới sát” chết trong tù ngục.

Con ngươi lồi ra, màu vàng, cổ dài và răng nhọn thường thường chết vì thắt cổ.

Con ngươi lồi, mắt ưa nhìn xuống, cằm lẹm thường thường chết đuối.

Quỉ mi lông mày thô rậm, mắt lồi bốn phía lòng trắng, chết vì cực lạnh.

Mắt lồi rất kỵ đi kèm theo các tướng: đầu heo, mặt ngựa, mũi nhọn dao kiếm, cổ heo, cổ dài, tai vểnh, miệng dúm, mặt trắng bờn bợt.

Tà miến giả nhân tao kỳ độc

Si thị giả tự khắc kỳ hình.

Người tâm địa quang minh, ánh mắt bao giờ cũng bình thản chính trực.

Người quen thói liếc ngang, tâm địa rất độc.

Điều này trong đời sống hàng ngày ai cũng biết. 

Duy có si thị thì ít người hiểu. Thế nào là si thị?

Si thị là mắt đờ như đem tinh thần đến thế giới khác. Trông thấy một người bảnh bao mà có đôi mắt đờ đờ, ta nên đoán người ấy thuộc loại vô dụng kém đường y lộc.

Nhưng nếu gặp một người do vận hạn lưu niên mà đôi mắt hốt nhiên chuyển biến thành si thị từng lúc từng lúc một thì ta phải đoán người ấy có thể bị điên hoặc sắp chết.

Dâm nhãn thần đãng

Gian tâm nội manh.

Dâm nhãn còn có tên sắc nhãn và đào hoa nhãn. Đặc điểm của dâm nhãn là nhãn quang như nước chảy rất quyến rũ đối với dị phái.

Sách Tây Sương Ký tả dâm nhãn:

- Khoé thu ba của nàng vừa chuyển đã có thể làm cho người đá phải động tình.

Tình dục vốn là bản năng của con người ai cũng có. Tuy nhiên nhu cầu ít nhiều khác nhau nên mới phải phân biệt dâm hay không dâm.

Dâm nhãn là con mắt thật ướt nếu đi đôi với thần đãng là tính ham vui thích của lạ dĩ nhiên gian tâm nảy sinh.

Mắt ngủ thần đục và như ngủ

Mắt sợ thần khiếp và như sợ.

Thần là vật giống ngọn lửa trong đèn. Nếu đèn mờ mờ tức là đèn sắp hết dầu.

Tinh thần con người lấy đôi mắt làm cửa ngõ, nhãn thần vẩn đục có vẻ ngủ mà không phải ngủ, mệt mỏi lờ đờ, một triệu chứng xấu báo đèn sắp hết dầu, ngọn lửa sinh mạng sắp tắt.

Khí nhược khí hư làm cho thần khiếp, hoàn toàn thiếu tự tin, đồng thời mang bệnh thiếu máu trong tâm tạng. Cái gì cũng lo, cái gì cũng sợ.

Sách “Băng Giám” có câu: “Mắt sợ như nai hoẵng”.

Ai có đôi mắt kinh sợ của nai hoẵng, không thể cáng đáng công việc hệ trọng. Nếu đôi mắt ấy mỗi ngày trở nên kinh hoàng tất sẽ bạo tử.

Bệnh nhãn và tuý nhãn là gì?

Xem tướng cho người, việc trước nhất là xem tướng mắt. Một người dù cho thân thể khôi ngô, nhưng đôi mắt tinh thần điện quang bất túc thì cũng coi là đồ bỏ.

Linh Đơn Bí Quyết nói:

Như bệnh như tuý giai thần nhược dã

Như bệnh tổn thọ như tuý hoành vong.

Mắt như người bệnh, mắt như say rượu, đều bởi thần nhược mà nên.

Như người bệnh thì tổn thọ, như say thì chết bất kỳ.

Dân giang hồ phiêu bạt có kinh nghiệm, hễ ai không bệnh mà người trông có vẻ bệnh rồi sẽ bệnh và người như thế lúc đã bệnh thì rất khó chữa.

Sách “Qui Giám” nói:

“Đang nói chưa hết đã cúi đầu ngó đất, chắc chắn trong tạng phủ có bệnh”.

Ngoài đời ta vẫn gặp những người có cặp mắt say sưa như vừa uống rượu. Loại người này rất lười, chỉ thích ăn không thích làm, tham dâm bần tiện thô tục. Loại người này tuy có đôi chút thông minh nhưng thông minh để lừa dối, làm thoả mãn tính lười thôi.

Trong các sòng bạc dễ nhìn thấy người tuý nhãn.

Mắt trông cao rộng có oai, danh dương tứ hải.

Phải nhận rằng có người ta gặp mới chỉ đối diện với nhãn quang của họ, ta đã cảm thấy e dè nể sợ. Thế là có oai.

Oai phải đi với đức mới thật là chân uy. Nếu có oai nẩy ra từ quyền thế và khủng bố thì cái máy điện chuyên tra tấn còn oai hơn.

Mắt trông cao rộng ý nói khí thế nghiêm túc của đôi mắt khiến cho kẻ đối diện yếu đi trước nhãn quang cương cường chính trực.

Cổ nhân chia ra 2 loại uy:

a) Hữu đức chi uy.

b) Vô đức chi uy.

là để phân biệt Tà với Chính.

Nhận Thanh với Tục dễ hơn nhận Tà với Chính.

Muốn biện nhận Tà với Chính trước phải xem động tĩnh. Lúc tĩnh như con trai ngậm hạt ngọc. Lúc động như mầm cây nảy lá. Thế mới là Chính. Còn lúc Tĩnh như mơ mộng nửa thức nửa ngủ, động như nai hoẵng hãi sợ lơ láo là Tà.

Đôi mắt đen trắng phân minh, quang hoa tiềm ẩn trong suốt và yên lặng nhìn vững chãi mới là chân uy.

Đôi mắt dữ dội, quang phóng ra sáng quắc chỉ là giả uy đấy.

Kinh nhi bất thuấn, đương đầu với sự sợ hãi mà không chớp mắt vẫn trầm tĩnh nhận định tỏ tường là người trí tuệ cực cao có thần thức nội định, tư tưởng mẫn nhuệ, ý chí cương nghị, không bị ngoại vật làm cho ngoan cố nên không gì có thể làm người ấy sợ.

Cuối đời Tống, quan Khâm Sai Chu Biền phụng mệnh vua đi sang sứ bên nước Kim. Lúc bấy giờ Tống là nước yếu. Kim quốc đang mạnh.

Người nước Kim rất mến phục tài học của Chu Biền nên tìm mọi cách dụ Chu Biền ở lại nước Kim, phong cho quan cao bổng hậu. Nhưng Chu Biền tuyệt đối không động tâm, nói dối là mình có bệnh thông manh để từ chối. Người Kim không tin nên mới nảy sinh ra ý định giết hại Chu Biền.

Một hôm, ngay trước điện vua Kim sai người dùng chuỳ sắt giả đánh mạnh vào mặt Chu Biền. Thế mà Biền nét mặt vẫn thản nhiên như không, mắt không hề chớp. Vua Kim rất ngạc nhiên bèn bỏ ý định sát hại Chu Biền, cho Biền trở về Tống.

Mắt gặp điều kinh hãi ập đến bất ngờ mà không chớp, hoàn toàn do thiên phú nghĩa là thuộc tướng cách thì định lực mới đến độ tuyệt đỉnh. Tuy nhiên những người học thôi miên hoặc tu phép “Thần huy tam thanh” của đạo gia cũng có thể luyện tập thành đôi mắt kinh nhi bất thuấn được.

Tiền tỉ tự hồ câu khúc,

Trí túc kinh doanh.

Tiền tỉ là đầu vành mắt chỗ giáp với sống mũi, nếu nó quặp xuống như chiếc móc câu, người đó đa mưu túc trí. Vào quân đội thì giỏi quân cơ. Đi buôn bán dễ thành đại phú.

Nhà danh học về tướng số cổ thời, ông Tư Mã Quý chẳng từng nói:

- Đầu vành mắt quặp móc câu, mắt trong như nước mùa thu, nếu không đại quý cũng đại phú.

Nếu chỉ có “tiền tỉ câu khúc” thôi chưa đủ, phải phối hợp với tinh như thu thuỷ mới hoàn toàn.

Đọc “Đông Chu Liệt Quốc” có đoạn Bình Nguyên Quân xem tướng cho Bạch Khởi bảo với Triệu Vương rằng:

- Bạch Khởi là người đầu nhỏ và nhọn ở trên, đầu vành mắt như móc câu, con ngươi đen trắng phân minh nhìn lâu không chuyển. Đầu nhỏ và đỉnh đầu nhọn, quả cảm. Vành mắt như móc câu, giỏi mưu trí; Đồng tử đen trắng phân minh, trông rõ sự việc. Nhìn lâu không chuyển, có chí mạnh. Ta không nên tranh với người đó, nên nấn ná đợi thời cơ.

Quả đúng như lời Bình Nguyên Quân, Tần Chiêu Tương Vương từ khi trọng dụng Bạch Khởi đánh đông dẹp bắc hạ hơn 70 thành.

Tỉ tự khúc câu cũng là tướng Phạm Lãi thờ vua Việt bầy mưu diệt Ngô. Để tránh hoạ được chim bẻ ná, Lãi trốn đi đổi tên thành Di Tử Bì làm nghề lái buôn giàu đến ức vạn. Tử Hướng gặp Đào Chu Công nói với bạn hữu rằng: “Đúng là Phạm Lãi mắt trong như thu thuỷ, vành mắt quặp như móc câu”.

Hậu vĩ hữu như đao tài.

Văn tư bác nhã.

Hậu vĩ là cuối vành mắt thật sắc như dao cắt, dễ nổi tiếng về đường văn chương.

Mắt dài mắt sáng, vành đuôi mắt sắc đa số là mắt của những nghệ sĩ danh nhạc, hoạ, văn, kịch. Có thể lấy mắt tài tử chiếu bóng Lý Lệ Hoa làm mẫu mực.

NHĨ TƯỚNG

Tai liên quan mật thiết tới nội tạng tâm và thận. Không biết căn cứ vào đâu mà cổ nhân nói rằng con người khi mới thành hình, cái mũi có trước nhất cho nên mới có danh từ tị tổ. Còn cái tai, ra đời sau, chót cho nên gọi là nhĩ tôn.

Tướng học đặt Tai vào bộ ngũ quan kêu bằng Thái Thính quan.

Tai bên trái thuộc hành Kim, tai bên phải thuộc hành Mộc. Vì thuộc Kim nên có màu trắng sáng, vì thuộc Mộc nên cần cứng cáp.

Tai cũng ở trong bộ Tứ độc ví như con sông. Vì là sông nên cần có bờ thành, luân quách, vành tai phải cho phân minh.

Xem tướng Tai đòi hỏi cả Hình lẫn Sắc.

Quan kỳ hình trạng nhan sắc

Kiến hồ hưu cữu vinh nhục

Về hình trạng tai đầy đặn, áp vào đầu tượng trưng cho giàu có. Luân quách phân minh, ẩn cốt bên dưới, tai vuông lớn tượng trưng cho sang trọng. Nếu luân quách quăn, lộn, tai ngắn và nhọn, sứt lệch, thấp, tướng nghèo hèn.

Thuỳ châu triều hải

Tất diên toán nhi dư tài.

Thuỳ châu là dái tai, hướng hơi chếch về phía miệng là triều hải. Như trên đã nói, tai thuộc vận thiếu niên. Có tai đẹp chủ vận thiếu niên tốt. Tai dầy mập dễ giàu. Đa số nhà doanh thương cự phú đều có tướng thuỳ châu triều hải.

Uyển nguyệt quán luân

Chung triều vương nhi chấp ngọc

Vành tai vòng như vầng trăng, bẩm chất thông minh, học hành được. Người có vành tai uyển nguyệt thường gặp may mắn trong sự nghiệp quan quyền.

Kỳ bạc như chỉ hề bần bảo tử

Kỳ kiên như mộc hề lão bất khốc

Nghĩa là: Tai mỏng như tờ giấy nghèo chết sớm

 Tai cứng như gỗ ít gặp hoạ.

Tai mỏng bởi tại tiên thiên bất túc, báo hiệu hoàn cảnh về sau khốn cùng.

Tai cứng nhờ cái xương đằng sau tai tốt chứng tỏ khí lực tiên thiên khoẻ mạnh và để lúc già nua không mất sức, ốm đau bệnh tật.

Lão bất khốc là nghĩa đó.

Tai trắng hơn mặt danh vang thiên hạ.

Nhà văn Âu Dương Tu thường kể, thuở nhỏ có nhà sư xem tướng cho ông nói: “Nhĩ bạch ư diện danh mãn thiên hạ”.

Tai sáng tinh khiết, con người chân thực trung kiên.

Danh thần Ngụy Trưng đời Đường Thái Tôn, tuy diện mạo tầm thường, duy chỉ có hai tai trắng tinh khiết. Ông được vua Đường Thái Tôn nể nhất chỉ vì ông dám chính trực can ngăn vua.

Tai không cứ to nhỏ. Điều quan hệ là dày dặn, cứng cáp, có vành tai trong, vành tai ngoài (luân quách) đẹp đẽ, có thuỳ châu (dái tai).

Tai to mà không luân quách, thuỳ châu, càng to càng vô giá trị.

Danh từ trư nhĩ không có nghĩa hình thù nó giống hệt tai heo đâu, trên đời chẳng ai mang cái tai như thế. Trư nhĩ là chỉ đôi tai to lớn nhưng vô luân quách, thuỳ châu.

Tướng trư nhĩ rất lười và ngu, lại tham tiền, tham sắc, thích rượu thịt.

Còn tai chuột (thử nhĩ) thì hình thù nhọn mỏng cũng vô luân quách là tướng chỉ biết thủ lợi cho riêng mình, ưa làm hại cho người khác. Tướng của bọn ăn cắp, ăn trộm.

Người nào tai khỉ hết sức gian trá, quỉ quyệt. Tai khỉ hình thù ra sao?

Bạch Vân Tử nói: “Hàm quắt, tai nhọn ưa dùng quỉ kế” (Tiêm nhĩ, súc tư thiên ban quỷ kế).

Chọn bạn, định cộng tác làm việc chớ có gần kẻ tai khỉ.

Tai khỉ còn quỷ quyệt hơn những người tướng:

- Lấy lưỡi liếm môi như rắn,

- Mắt ba góc,

- Mắt to mắt nhỏ,

- Mũi mỏ chim,

- Mũi đỏ lấm tấm

Bạc như hướng tiền, mãi tận điền viên.

Phản nhi đoả hậu cư vô thất ốc.

Hai tai mỏng vểnh về đằng trước, sách tướng gọi là Chiêu phong nhĩ (tai đón gió) chủ phá bại. Nếu nó lại mỏng lệch thì bán sạch nhà cửa ruộng vườn.

Tướng bạt nhĩ lộn ra phía sau (đảo hậu), suốt đời không mua nổi cái nhà.

Dù con nhà gia thế, nếu có hai loại tai đó rồi cũng thất cơ lỡ vận.

 Hôn ám nan nghị hồ đăng đệ

 Tiêu khô lữ thán kỳ không trục.

Tai trông tối thui, triệu chứng của tinh thần suy nhược, tất nhiên học bất thành, không thể đỗ đạt.

Nếu tai vàng héo khô khốc, tính mạng sắp nguy.

Sách “Ma Y Thần Tướng” nói:

Nhĩ luân tiêu hắc, tử tại nhãn tiền (Vành tai khô đen, chết ở trước mắt).

 Thọ việt mi hề quý phún huyết.

 Thông minh nhuận hề, phú điếm nhục.

Hình tai dài và lớn, bên trên cao hơn lông mày, bên dưới ngang với góc miệng là tướng thọ. Cả đời ít khi ốm đau dù gặp nghịch cảnh cũng chẳng bao giờ buồn phiền.

Hai tai ửng hồng như phun son đại quý cách. Hồng phải đi đôi với nhuận mơn mởn như cánh hoa hồng buổi sớm. Nếu đỏ mà lại khô thì là tên hung ác, đồ tể, côn đồ.

Tai màu ửng hồng minh nhuận biểu hiện tâm thần cường tráng. Nhĩ thông thường đi đôi với mục minh. Sách “Linh Sơn Bí quyết” có câu: “Nhĩ môn khoan đại nhuận trạch minh huỳnh châu viên quách hậu, tài trí siêu quần”(cửa tai rộng rãi, to, sắc trạch nhuận sáng, dái tai tròn vành tai dầy, tài giỏi hơn người).

Tai đầy áp sát vào đầu, đứng trước mặt không trông thấy tai, đại phú.

Sách “Linh Sơn Bí quyết” nói:

Vành tai mập dày, dán sát vào đầu

Hình tai tròn trịa, tai chắc khoẻ

Giầu ngang với Thạch Sùng

Luân, yểm sinh hồ hắc tử.

Trí túc kinh bang.

Tai bên trái, nơi vành tai trong hoặc chỗ khoan tai (giữa vành ngoài và vành trong) có nốt ruồi, người tài giỏi khả dĩ kinh bang tế thế.

Nếu tai bên phải có nốt ruồi như thế, người hiếu đễ, tốt bụng.

TỊ TƯỚNG

(Tướng mũi)

Mũi thuộc bộ Ngũ Nhạc, Tứ Độc còn gọi là Thiên Trụ, thông với phổi thuộc hành Thổ. Vận hạn lưu niên của mũi kể từ 41 đến 51 tuổi. Riêng bản thân cái mũi có tám bộ vị:

- Cuối mũi dưới ấn đường là sơn căn.

Dưới sơn căn trên sống mũi là niên thọ hay tật ách cung.

Dưới niên thọ là chuẩn đầu (đầu mũi)

Hai lỗ mũi bên trái gọi gián đài, bên phải gọi đình uý.

Hai bên sơn căn giáp mặt bên trái gọi tinh xá, bên phải gọi quang điện.

Thông thường xem tướng mũi cần chú ý vào sơn căn nên đầy đặn đừng hãm khuyết, niên thọ nên cao phẳng, sáng và chuẩn đầu nên nở nang.

 Lương quý hồ phong long quán ngách

 Sắc quý hồ vinh quang dâng mục.

Sách “Linh Sơn Bí Quyết” nói:

Sống mũi cao, chuẩn đầu nở nang đầy đặn, mũi thẳng như đốt trúc, mũi đọng như trái mật, suốt đời không mắc tai hoạ, hưởng phú quý lâu bền.

Cao, nở nang mới chỉ về phần hình chưa có sắc khí cho nên phải thêm câu: vinh quang dâng mục, thế mới được.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, luôn luôn phải nhớ nguyên tắc phối hợp.

Sống mũi cao là thọ, nhưng nếu mắt vô thần thì cũng vẫn yểu mệnh.

Sống mũi phục tê lên đến ấn đường, nhưng lông mày thô và mắt ác thì vẫn lao bác khổ sở. Mũi huyền đởm, mũi đốt tre vốn là tướng đại phú nhưng nếu miệng dẩu dúm như thổi lửa thì hậu vận xác xơ.

Lỗ mũi nhỏ hay chấp nhất.

Đầu mũi hạ nhọn thấp xuống môi, cô độc.

Mũi thông với phổi. Lỗ mũi lớn dễ thở khiến cho thân thể khoẻ mạnh. Lỗ mũi nhỏ khó thở dễ trở nên bực tức chấp nhặt. Quá mức nhỏ là người tiểu khí thiếu khoáng đạt hay sợ đầu sợ đuôi, suy đi tính lại không dám mạnh dạn cáng đáng đại sự. Đầu mũi hạ thấp xuống gần môi, hai bên cánh mũi (gián đài đình uý) áp hại, tính tình cô độc, thường có những ý thích dị kỳ như đồng ái (homosexuel) chẳng hạn. Gia đình chẳng mấy khi yên ấm.

Lưỡng khổng triều thiên.

Hai lỗ mũi ngưỡng lên trời, tức mũi hếch, tất nhiên gia tài khánh tận. Trong nhà không bao giờ có của dư.

Hẳn xưa kia thầy Nhan Hồi phải có tướng lỗ mũi này nên mới sống bằng lẵng cơm bầu nước.

Tị nhược lương đê phi bần tắc yểu.

Mũi yếu, sống mũi thấp chẳng nghèo cũng chết non.

Có người hỏi bây giờ khoa thẩm mỹ giải phẫu thừa khả năng xoá bỏ cái mũi yếu và sống mũi thấp. Vậy cứ sửa mũi là hết nghèo, hết yểu hay sao?

Xin trả lời. Tướng con người sở dĩ sống mũi thấp là vì cốt tiên thiên hư. Mũi yếu là vì thần chất bạc nhược. Nay khoa giải phẫu thẩm mỹ có thể đệm một miếng nhựa cho mũi cao lên, bơm chất hoá học cho mũi nở ra nhưng nhất định không thể chữa được cốt khí hư hoại tiên thiên và thần chất bạc nhược, cho nên mệnh vẫn còn đó không thay đổi.

Còn như làm mũi cao lên liệu đánh lừa nổi người xem tướng không?

Không lừa nổi. Bởi vì như đã nói, xem tướng phải phối hợp với các bộ vị. Áp dụng tài tình nguyên tắc phối hợp thì hỏi làm sao một cái mũi làm giả có thể đóng chung với các bộ vị thật mà không lộ tung tích. Trái lại khoa giải phẫu thẩm mỹ thường phá hoại tướng cách nhiều hơn là làm lợi cho tướng cách. Không kể những trường hợp nhựa và hoá chất gây tật bệnh vì trường hợp này thuộc y khoa chứ không thuộc tướng học. Còn có nhiều trường hợp chất lạ cấy vào trong cơ thể gây thành chướng ngại cho khí chất thiên nhiên. Lẽ ra đến vận ấy thì sắc tốt nhưng ngoại chất đã phá hoại những tuyến đùn khí sắc, thành thử tốt hoá ra xấu.

 Đại nhi trệ giả vi cổ lữ.

 Tiểu nhi hiệp giả tác đồng bộc.

Cái mũi không phải càng tròn càng to càng tốt. Nó phải phối xứng với các bộ vị khác. Vì cái mũi to mà trệ nên có biết bao nhiêu người công không thành danh chẳng toại.

Thế nào là trệ?

Mũi thuộc bộ Tứ Độc, sông ngòi suối rạch cần lưu thông, không lưu thông là trệ.

Sơn căn khuyết hãm, nằm dí xuống cản trở lưu thông.

Chuẩn đầu phá khuyết cản trở lưu thông.

Sống mũi gãy cản trở lưu thông.

Mũi lệch cản trở lưu thông.

Khí sắc của mũi lì lì không sáng sủa cản trở lưu thông.

Ấn đường quá hẹp cản trở lưu thông.

Nhân trung nông hẹp cản trở lưu thông.

Dù cho mũi to cũng vô ích, giỏi lắm làm anh lái buôn hàng chuyến.

Mũi nhỏ mà hẹp là người không bao giờ có ý chí tự cường chỉ thích đi làm tay sai.

Trong lịch sử có một số người mũi nhỏ hẹp mà làm nhất nhị phẩm triều thần như Lưu Cẩn, Hoà Khôn, Lý Liên Anh. Nhưng thật quái ác, những người đó đều là hoạn quan thái giám, quan thị.

 Hoàn mỹ nghi quan

 Phá lộ ưu ngục.

Tướng mũi phải phối hợp với khí thế các bộ vị trên mặt cộng thêm khí sắc quang nhuận. Nếu được hoàn toàn dễ thành công lớn trên sự nghiệp chính trị. Nếu không hoàn toàn được khí thế mà kém khí sắc anh hùng vô dung vũ chi địa.

Mũi phá khuyết bởi vết và nốt ruồi độc hại hoặc lộ gân lộ xương, lộ khổng, thường dễ gặp tai ương oan ngục, khắc thê khắc tử.

Chuẩn đầu tròn nở người trung tín

Pháp lệnh sâu tính tình nghiêm nghị.

Chuẩn đầu là mũi. Sách “Linh Sơn Bí Quyết” có câu:

Phong long viên đại trung tín nhân từ.

Ưng chuỷ kiếm phong, hung ngoạn gian độc.

Đầu mũi tròn nở, tâm tính nhân từ, hiền hậu. Đầu mũi như mỏ chim ưng hay như mũi dao, âm hiểm gian độc. Những kẻ mũi móc câu chẳng bao giờ thành tín. Pháp lệnh thuộc bộ vết trên mặt liên hệ mật thiết với mũi, cần sáng dài.

Pháp lệnh sâu dài cá tính kiên cường, chính trực, dũng cảm, quả quyết.

Hứa phụ dạy rằng: “Pháp lệnh dài, thọ; ngắn, yểu; chạy vào miệng chết đói”.

(Riêng đàn bà hơi khác, pháp lệnh phụ nữ không nên quá sâu, quá sâu tất cơ khổ). (Xin xem phần tướng phụ nữ).

Mũi lép hai bên cánh mũi tóp vào cực bần tiện, ngược hẳn với chuẩn đầu tròn nở.

KHẨU TƯỚNG

(Tướng miệng)

Tục ngữ có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập hoạ tòng khẩu xuất”. Bởi thế cái miệng quan hệ đến vận mạng nhân sinh nhiều lắm.

Sách lại nói: “Ngôn vi tâm thanh”, lời nói là tiếng của con tim. Một lời có thể dựng nước, có thể làm mất nước, tạo hoạ tác phúc.

Vì chính trực quá nên nói lanh chanh, có người nói quá sự thật, có người đắc chí nên nói bậy, nói láo, có người chuyên đi nói xấu.

Tất cả là con đường chiêu hoạ.

Có người suốt đời hưởng bổng lộc triều đình, có người sống nhờ tiền cha của mẹ, có người quanh năm ngày tháng tràn trề miếng ngon thức béo, có người cả đời chẳng có lấy bữa no, có người bao nhiêu tiền ăn hết bấy nhiêu, có người bóp mồm bóp miệng.

Tất cả đều do tướng miệng mà ra.

 Đoạn hậu quả từ giả miễn hồ nhục.

 Phỉ báng đa ngôn tất chiêu kỳ hoạ.

Miệng người ta là cửa ngõ của tâm sự.

 Dịch hệ từ viết:

- Kẻ sắp làm phản lời nói thẹn thùng.

- Kẻ lòng nghi hoặc lời nói không gọn ghẽ.

- Kẻ tốt bụng ít nói.

- Kẻ hấp tấp nói nhiều.

- Kẻ thất tiết hay nói liều.

- Kẻ sắp vu khống thường nói ngọt ngào.

Sách “Tướng Kinh” dạy rằng:

Hoạ phúc gốc ở trong lòng, vinh nhục do từ miệng lưỡi.

Đoan trang phúc hậu, không nói lung tung là người có khẩu đức. Ưa chửi bới, phá phách gọi là khẩu tặc.

Nay nói thế này mai nói thế khác đúng phường xảo trá bất công.

Vừa nói nhỏ vừa cúi đầu chính kẻ gian tham âm hiểm.

Nói oang oang mặt đỏ dừ, anh hùng nhưng hữu dũng vô mưu.

Lúc nào cũng tỏ ra không sợ chết trên cửa miệng, lúc nào cũng muốn nói rằng mình là kẻ trung tín, lâm sự là biến đổi phản trắc ngay.

Thích nói lời khinh bạc chua chát thường đoản thọ, khốn cùng hoặc cô độc. Thông minh như vậy chẳng bằng ngu si an lành.

Ưa tranh luận, hiếu thắng với cãi cọ, vận trình khó thông.

Quá kiêu ngạo chỉ khoe hay, khoe giỏi, sự nghiệp bắt đầu ngừng không tiến thêm được nữa.

Suốt ngày ngồi chê bai nói xấu, tính mệnh luôn gặp nguy hiểm.

Cái gì cũng cười, cái gì cũng chửi vô mục đích, không xem trước xét sau, cả đời chẳng thành việc.

Phì mã khinh cừu do phương thành tứ vực.

Xuất tướng nhập tướng, cái đại dung hồ nhất quyền.

Cưỡi ngựa đẹp, mặc áo lông cừu biểu tượng của phú quý, đồng thời cũng là ý vị nho nhã anh hào. Loại trọc phú có thể cưỡi ngựa mặc áo lông cừu nhưng không thể anh hào nho nhã. Được vậy nhờ ở cái miệng phương thành tứ vực. Miệng đã vuông vắn, nhân trung lại dài sâu, cằm chắc chắn, hai bên pháp lệnh oai nghiêm mới gọi là phương thành.

Người nào nuốt nổi nắm tay há ra thật lớn, thu lại gọn ghẽ. Tuy nhiên không phải cho lọt quả đấm vào miệng mà tự cho mình xuất tướng nhập tướng. Nếu các bộ vị khác bất thành thì cái miệng rộng ấy bất quá chỉ làm anh thổi ống loa thôi.

Môi phải dầy. Ăn nói đĩnh đạc.

Đây là tướng tốt của miệng.

Tục ngữ có câu: “Môi hở răng lạnh”.

Môi là cửa ngõ của miệng lưỡi. Môi xấu tướng thì miệng làm sao tốt tướng?

Môi đầy đặn, tính người trung lương trí tuệ. Đầy đặn chớ đừng phù thũng như hai miếng thịt trâu bò, thô tục ngu si.

Môi quá mỏng lạnh lùng tàn nhẫn, dối trá.

Môi trên môi dưới bằng nhau và phải che kín răng. Không che kín tất tiền tài phá hao khó dành dụm, dễ chiêu hung sinh phiền não.

Môi rất cần màu hồng nhuận sáng nói lên phẩm cách tốt, tự trọng, tín nghĩa đồng thời cũng là người biết hưởng thụ.

Môi hồng răng trắng thường nói chuyện có duyên nên vợ đẹp mà hiền.

Môi tím, tình tình kiên cường, cuộc đời chìm nổi, sinh hoạt sóng gió.

Môi thâm, gian hiểm, nghèo khổ, nhiều bệnh tật.

Môi trắng bệnh thiếu máu hoặc có bệnh phổi.

Môi phải có vết nếu nhẵn lỳ, số kiếp cô quả.

Môi dưới trề ra nhiều quá, tinh thần phân tán, không tự tin.

Phún huyết dư tư, tự quyết nang nhi bần bạc,

Hàm đan đa nghệ, như suy hoả dĩ hàn toàn.

Phún huyết nghĩa là đỏ như phun máu.

Hàm đan nghĩa là như tô son.

Môi được mầu phún huyết hàm đan vừa thông minh, đa tài, vừa tiền bạc dồi dào.

Nang quát miệng dúm như túi thắt.

Suy hoả miệng chụm như thổi lửa, tất hoàn toàn nghèo khổ.

Dù có sắc môi hồng nhưng hình miệng dúm cũng bỏ.

Hàm thế dục tiểu, khai thế dục khoan.

Cẩu tham mã thoả, thứ sàm, phong đan.

Miệng ngậm lại thì nhỏ, mở ra lại rộng rất tốt, chứng tỏ là người tài năng mà đức độ, biết tiến biết thoái. Nó là cái triết lý.

Anh hùng như thể khúc lươn.

Khi cuộn thì ngắn lúc vươn thì dài.

Miệng nhọn dài ra phía trước là miệng chó, miệng dê, tham lam lợi kỷ.

Miệng môi thật dầy, không có khía môi, mở miệng dãi hay chảy xuống mép, môi luôn luôn động là mã khẩu, bần tiện cơ hàn.

Môi mỏng miệng nhọn, nói lí nhí là thử khẩu (miệng chuột), giảo trá hay nịnh.

Môi mỏng là không có gờ, góc miệng trễ xuống, cằm lẹm, răng lộ ra ngoài là phong khẩu (miệng ong), tướng cô độc, hình thê hại tử.

Tướng nói khoác, đại ngôn, mười voi không được bát nước sáo, cố tạo hư thanh để mong thực lợi hoặc vì bất tài mà lại nhiều tự ái, hoặc bởi nói khoác đã thành tính, thường thấy ở trên mặt những người có cái miệng rộng hoác, nằm chơ chơ không thu nhỏ lại được, mở hay khép cũng một hình thù.

Nhân luận đại thống phú có câu:

“Đại ngôn quả tín giả sước lược” là nghĩa vậy.

Như điểu chuỷ giả, cao nhân đa nan cộng sử.

Đồng kiếm đàn giả nghĩa sĩ khả dữ giao quyến.

Như điểu chuỷ nghĩa là như mỏ chim, môi trên rộng đè xuống môi dưới nhọn ra giống mỏ con chim. Miệng kiểu này thuộc dị tướng. Nếu các bộ vị khác đẹp tốt thì cái miệng quý bất khả ngôn. Trí tuệ cực cao, kín đáo, vui giận buồn không lộ ra nét mặt, nhẫn nại vô cùng, quyết đoán, chí lớn có khả năng vượt sóng gió khốn cùng lập thành công nghiệp vĩ đại. Tuy nhiên, người có tướng miệng mỏ chim thường tàn nhẫn, tham vọng đặt lên trên hết, cho nên vong ân bội nghĩa.

Phạm Lãi xem tướng Việt Vương Câu Tiễn nói:

- Người ấy cổ dài, miệng mỏ chim, có thể ở cùng với nhau khi hoạn nạn nhưng không thể ở cùng lúc đắc ý.

Bởi thế, diệt xong Ngô Vương Phù Sai, Phạm Lãi bỏ Việt Câu Tiễn trốn đi tránh khỏi cái hoạ Văn Chủng bị Câu Tiễn giết.

Kiếm đàm là tay kiếm ngăn đôi lưỡi kiếm và cán kiếm. Miệng kiếm đàm lớn và góc cong lên, ngay ngắn, tướng trung hậu, nghĩa sĩ có thể gửi tính mạng, sứ mạng của mình cho người ấy mà không sợ bị phản bội.

Dương môn lưỡng sỉ khuyết tắc mệnh kiến.

Hai răng cửa khuyết, vận mạng bất thông.

Người già ngoài sáu mươi hai răng cửa rụng là lẽ đương nhiên.

Trước sáu mươi, răng cửa khuyết là cốt khí hư hoại, khí chất trần trệ là tướng xấu.

Bị tai nạn hai răng cửa gãy là ngẫu nhiên.

Thân hình to lớn, mặt mũi nở nang mà hai răng cửa gẫy vẫn là kẻ tầm thường, vô dụng.