Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Phần 2: Học Đi Đôi Với Hành

"Thứ ánh sáng rực rỡ nhất là ánh sáng bên trong bạn. Hãy dùng nó để dẫn đường trong cuộc sống."

(Khuyết danh)

Ở chợ Đà Lạt có một cô bán bánh tráng nướng. Bán lề đường thôi mà khách đông vô kể. Quán nhỏ, chỗ ngồi chỉ vừa đủ chục người. Người đến sau xếp hàng đợi người đến trước.

Lúc tôi đến chơi Đà Lạt, người bạn ở đây nhất định dẫn tôi đến chỗ này cho bằng được. Ngồi xuống ăn mới biết tại sao đông.

Bánh ngon, giá rẻ, cô bán hàng lại cực kỳ vui tính. Buổi tối mùa thu, Đà Lạt se se lạnh, xoa hai bàn tay kề bên bếp lửa đỏ hồng. Rồi vừa nhâm nhi miếng bánh tráng nướng giòn tan thơm phức, vừa nghe cô hàng nói chuyện.

Cô kể nhiều chuyện lắm. Chuyện ngày trẻ cô từng mơ mộng làm ca sĩ, chuyện người hàng xóm nhà cô có đứa con học cấp ba thông minh dễ thương, chuyện Đà Lạt bây giờ thay đổi ra sao so với hồi trước, cô hỏi chuyện người đến ăn hàng, cô bình luận nhân tình thế thái. Cô vừa nướng bánh luôn tay vừa nói luôn miệng mua vui cho thực khách. Cô nói liên tục không nghỉ giống như các tay tấu hài độc thoại. Thực khách thi thoảng lại cười ồ lên vì những câu đùa hóm hỉnh của cô. Người bạn nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, cười cười như ý bảo đó là lý do bạn dẫn tôi đến đây. Bạn nói nhỏ: "Đây là sân khấu của cô ấy."

Đúng thế. Trong cái góc nhỏ chỉ vài mét vuông lỉnh kỉnh nào bếp than xoong chảo bao bịch, cô bán hàng trung niên kia đã xây dựng một sân khấu của riêng mình. Nét mặt, điệu bộ, cử chỉ của cô thành thục và duyên dáng như một nghệ sĩ thực thụ. Lấy ngọn lửa hồng làm đèn sân khấu. Thực khách là khán giả của cô. Cô tận dụng khả năng pha trò của mình, và kiếm được thu nhập tốt từ việc kết hợp các kỹ năng đó.

Tôi cứ suy nghĩ hoài về câu nói của bạn mình. Một người phụ nữ lớn tuổi chỉ bán bánh tráng vỉa hè mà còn có sân khấu riêng của mình, còn lấp lánh như thế trong vòng tròn tỏa sáng của cô. Vậy bao nhiêu người trẻ khác thì sao lại không? Sân khấu nào cho chúng ta?

Nếu tiến hành các trắc nghiệm tính cách, tìm hiểu thêm về con người, chúng ta sẽ thấy mỗi người đều có những tiềm năng nhất định, mỗi người đều có năng khiếu riêng. Einstein từng nói: "Mỗi con người là một thiên tài." Còn trong một bài phỏng vấn, ca sĩ Beyoncé cũng nói: "I believe we all are stars." - Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều là những ngôi sao. Chúng ta đều có những tố chất, phẩm chất riêng của mình. Nếu tìm ra chúng, làm việc miệt mài và bền bỉ dựa trên chúng, thì ta sẽ tỏa sáng.

Nhưng làm thế nào để tỏa sáng?

Nhà nghiên cứu Tom Hath đã đưa ra công thức để phát triển triệt để năng lực của mỗi người. Công thức đó là:

Thế mạnh/Năng lực = Tài năng x Đầu tư

Trong đó Tài năng hay Tiềm năng được định nghĩa là cách thức tự nhiên của mỗi người trong việc suy nghĩ, cảm nhận về các vấn đề cuộc sống. Còn Đầu tư là những khoảng thời gian, công sức bỏ ra để luyện tập, phát triển kỹ năng, và xây dựng nền tảng kiến thức xung quanh tiềm năng của mình.

Đây không phải là một Fic truyện.. Nó chỉ đơn giản là lời tâm sự của bản thân tôi Mỗi Chap là một sự khác biệt và không liên quan nhau

Còn trong quyển sách Bảy loại hình trí thông minh, tác giả Thomas Armstrong chứng minh rằng mỗi người đều có thế mạnh về một hoặc một số loại trí thông minh khác nhau. Nhưng trí thông minh sẽ phát triển hoặc phai nhạt dần đi trong cuộc sống mỗi người do các yếu tố về gien sinh học, về môi trường gia đình nhà trường, về phạm vi văn hóa (thời kỳ lịch sử thuận lợi hay không), về thời gian và hoàn cảnh.

Cụ thể hơn, tác giả Israel Scheffler trong sách Of Human Potential (tạm dịch: Về tiềm năng con người) đã đưa ra phương pháp để phát triển tiềm năng của mỗi người. Phương pháp này gồm ba bước:

Bước một: Loại bỏ những nguyên nhân ngăn cản việc phát triển tiềm năng. Những nguyên nhân này có thể là các yếu tố bất lợi từ môi trường, hoặc thói quen xấu ảnh hưởng tới việc tập trung phát triển.

Bước hai: Tiếp cận với những công cụ, cách thức để nâng cao khả năng của mình. Đó là việc tìm kiếm những người thầy giỏi, những quyển sách, những khóa học, những người bạn, cộng đồng, những phương pháp luyện tập liên quan tới khả năng mà bạn đang muốn phát triển, để học hỏi từ những nguồn đó.

Bước ba: Có sự cam kết cá nhân, sự nỗ lực và kiên trì trong quá trình luyện tập để phát huy tối đa tiềm năng. Nếu không có sự kiên trì, nỗ lực trên con đường mài giũa khả năng, thì ta không thể nào đạt đến thành công như mong muốn.

Ví dụ: Nam là một chàng trai có năng khiếu về âm nhạc và có đam mê sáng tác nhạc. Nam nhận thấy mình có thói quen xấu là mê chơi trò chơi điện tử. Nam chơi buổi chiều sau giờ đi học, Nam chơi từ sáng đến tối trong những ngày cuối tuần. Nó khiến Nam mất nhiều thời gian và không thể tập trung vào việc học nhạc.

Áp dụng theo phương pháp của Israel Scheffler, điều Nam có thể làm đầu tiên là cai nghiện trò chơi điện tử, hạn chế tiếp xúc với những người bạn hay chơi để tránh bị rủ rê lôi kéo. Trong thời gian rảnh, Nam có thể đọc tiểu sử của những nhà soạn nhạc nổi tiếng, hoặc đọc các tạp chí, bài báo chuyên ngành âm nhạc. Nam có thể tạo môi trường thúc đẩy đam mê của mình bằng cách thường xuyên tham dự các buổi biểu diễn âm nhạc. Nếu chưa có sẵn nhạc cụ, Nam có thể mua một cây đàn ghita, hoặc bất kỳ nhạc cụ nào mình thích và học cách chơi với nó. Rồi Nam có thể tham dự một khóa học về lý thuyết âm nhạc, và tự sáng tác các ca khúc của mình. Rồi gia nhập vào những đội nhóm, câu lạc bộ dành cho người sáng tác trẻ, kết bạn với những người có cùng sở thích và thường xuyên thảo luận với họ về âm nhạc. Để phát triển kỹ năng âm nhạc, Nam cũng có thể tích cực sưu tầm những bài hát yêu thích, những thể loại nhạc khác nhau, và nghe chúng thường xuyên. Nam cũng cần luyện tập khả năng của mình bằng cách thường xuyên hát hoặc chơi nhạc khi sinh hoạt với gia đình, bạn bè, hoặc xung phong biểu diễn trong các buổi giao lưu, các chương trình của trường lớp... Nếu Nam chăm chỉ kiên trì rèn luyện qua thời gian, đến một lúc nào đó, Nam sẽ trở nên xuất sắc với khả năng âm nhạc của mình.

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng chàng trai tên Nam. Những người xuất sắc và thành công trên thế giới phần lớn đều là những người sớm nhận ra thế mạnh cũng như đam mê của mình, và kiên trì đến cùng để mài giũa thế mạnh, theo đuổi đam mê.

Triết gia Aristole quan niệm rằng: "Mục đích chính đáng nhất của con người trong đời là nhận thức bản thân mình một cách toàn diện, phát triển các tiềm năng của mình đến độ viên mãn, và từ đó hoàn thiện mình. Cuộc sống tốt đẹp là kết quả của sự phát triển toàn mãn năng lực, thiên tư và nhân cách của con người. Một cá nhân không thực hiện được điều này sẽ luôn dằn vặt, tự bất mãn với chính mình. Sự suy sụp tinh thần ấy bộc lộ qua các biểu hiện buồn chán, đau khổ, những dấu hiệu của một cuộc sống bất hạnh. Còn người nào nhận thức và phát huy được bản chất cũng như năng lực tiềm ẩn của mình sẽ có được cuộc sống thỏa nguyện."

Như vậy, mục tiêu lớn nhất của đời người là sống đúng với tiềm năng của bản thân.

Nhưng nếu chỉ ngồi yên, thì tiềm năng không thể nào trở thành tài năng. Ngôi sao trong ta sẽ lụi tàn theo năm tháng.

Nếu không hành động, thì ta không thể nào có được cuộc sống viên mãn theo đúng khả năng của mình.

Nếu không nỗ lực, thì những tố chất bên trong mỗi người chúng ta sẽ không thể nào hé lộ, mãi mãi tiềm ẩn phí hoài.

Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ.

Cuộc đời là một bộ phim mà trong đó ai cũng phải đóng một vai trò nào đó.

Vậy sao không tỏa sáng trong vở diễn đời mình?

***

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HIỂU MÌNH

"Có ba thứ cực kỳ cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân."

(Benjamin Franklin)

Làm thế nào để hiểu được chính mình là câu hỏi lớn nhất của nhiều người trẻ. Người không trẻ chưa hẳn đã hiểu chính mình, nhưng họ nhiều khi đã ngừng đặt câu hỏi.

Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Việc này không phải một sớm một chiều mà có thể xong được. Tôi chưa thấy ai một sáng thức dậy bỗng nhận ra rằng bây giờ mình đã hiểu mình là ai.

Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có những thế mạnh, sở trường. Điều quan trọng là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để rồi từ đó mài giũa bản thân theo nó.

Để bắt đầu tìm hiểu chính mình, điều cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

Muốn khám phá bản thân, có thể dựa vào những cách từ bên ngoài và bên trong.

Về bên ngoài, nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ bản: các trắc nghiệm tính cách.

Việc làm các trắc nghiệm tính cách là công cụ dễ dàng và cho kết quả nhanh chóng nhất để hiểu được bản thân. Các bài trắc nghiệm tính cách cũng giúp bạn tự tin hơn khi phần nào nhận ra những tiềm năng riêng của bản thân mình.

Sau đây là một số trắc nghiệm tính cách phổ biến, thường xuyên được sử dụng trong các hoạt động tìm hiểu bản thân:

- Trắc nghiệm MBTI (viết tắt của Myers - Briggs Type Indicator, tên của hai tác giả cùng phát triển nên chỉ số phân loại này). Là phương pháp trắc nghiệm tính cách phổ biến nhất hiện nay. Chỉ số MBTI sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách con người và phân loại con người thành 16 loại tính cách khác nhau. Nó được sử dụng rất rộng rãi trên toàn thế giới để giúp con người hiểu rõ chính mình và tìm được công việc phù hợp. Điểm yếu của trắc nghiệm này là nó phụ thuộc rất lớn vào tâm trạng, tâm lý của người làm trắc nghiệm. Và nó có tính giao động cao. Có đến hơn 76% người làm trắc nghiệm MBTI rơi vào những loại khác nhau khi tái kiểm tra vào một khoảng thời gian sau đó. Có nhiều trang web cung cấp các bài trắc nghiệm MBTI miễn phí để bạn sử dụng.

- Trắc nghiệm hướng nghiệp "mật mã Holland": Dựa trên lý thuyết về nghề nghiệp và tính cách của nhà tâm lý học John Holland. Bài trắc nghiệm này giúp người ta phát hiện được các kiểu tính cách nổi trội tiềm ẩn bên trong mình để tự định hướng khi lựa chọn nghề nghiệp. Trắc nghiệm Holland chia con người ra làm 6 nhóm: nhóm Thực tế (kỹ thuật), nhóm Điều tra (nghiên cứu), nhóm Nghệ thuật, nhóm Xã hội, nhóm Dám nghĩ dám làm (quản lý), nhóm Công chức (nghiệp vụ). Trắc nghiệm mật mã Holland có độ chính xác và tin cậy khá cao, các chỉ dẫn cũng chi tiết rõ ràng, và được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hướng nghiệp. Cũng như MBTI, bạn có thể làm trắc nghiệm Holland miễn phí ở nhiều trang web trên Internet. 1

- Trắc nghiệm các loại hình trí thông minh Gardner: Dựa trên học thuyết trí thông minh đa dạng của giáo sư người Mỹ Howard Gardner. Học thuyết này chia ra làm bảy loại hình trí thống minh, gồm trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh không gian, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh logic, trí thông minh tương tác cá nhân, trí thông minh nội tâm. Sau đó ông phát triển thêm hai loại hình trí thông minh mới là trí thông minh thiên nhiên và trí thông minh hiện sinh. Mỗi loại hình trí thông minh sẽ phù hợp với một số ngành nghề công việc khác nhau. Quan điểm của những người phát triển các loại hình trí thông minh này là nó tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có cơ hội phát huy về một mặt nào đó, chứ không phải chỉ tập trung vào chỉ số IQ như quan điểm truyền thống. Để làm trắc nghiệm các loại hình trí thông minh và phương pháp phát triển từng loại trí thông minh khác nhau, bạn có thể tham khảo trong quyển sách Bảy loại hình trí thông minh của tác giả Thomas Armstrong.

- Strengths Finders 2.0: Cùng quan điểm với trí thông minh đa dạng, tác giả Tom Hath và nhóm nghiên cứu Gallups cho rằng mỗi người có những thế mạnh khác nhau. Và việc chú ý để phát triển các thế mạnh này sẽ giúp một người "tỏa sáng" với đúng năng lực của anh ta, đồng thời giảm thời gian, công sức, chi phí phát triển bản thân hơn so với việc chú trọng cải thiện những điểm yêu của người đó. Dựa trên những khảo sát đến vài trăm nghìn người, nhóm đã phân chia ra 34 loại thế mạnh phổ biến. Khi tiến hành trắc nghiệm tìm kiếm thế mạnh Strengths Finders 2.0, bạn sẽ có một bảng báo cáo kết quả gồm năm loại thế mạnh nổi bật nhất của bản thân, những lời khuyên để phát triển các thế mạnh của mình, là những vị trí, vai trò, lĩnh vực chuyên môn mà bạn nên đảm nhận. Trắc nghiệm này đặc biệt phổ biến ở Mỹ.

- Sinh trắc học dấu vấn tay (dermatoglyphics): Là một loại khắc nghiệm mới, xác định được tiềm năng, xu hướng, điểm mạnh, điểm yếu của con người. Tuy chi phí của loại trắc nghiệm này không hề thấp, nhưng bảng phân tích kết quả đưa ra khá đầy đủ và chi tiết. Sinh trắc học dấu vân tay đã được các nhà khoa học chứng thực độ tin cậy của nó. Hiện nay, một số công ty tại Việt Nam đã tiến hành làm trắc nghiệm dấu vân tay đồng loạt cho nhân viên của họ để biết được thế mạnh của nhân viên và giúp họ phát huy tiềm năng tốt hơn. Tuy nhiên, vì dấu vân tay là bất biến ngay từ khi ra đời nên trắc nghiệm dấu vân tay chỉ xác định được xu hướng bẩm sinh của con người mà không bao gồm các yếu tố tác động của môi trường, sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, đến quá trình nỗ lực và phát triển, tự thân vận động của người được trắc nghiệm.

Ít chính thống hơn, nhưng các môn từ phương Đông đến phương Tây như tử vi, chiêm tinh học, các cung hoàng đạo... có thể xác định được phần nào sở thích, tính cách, thế mạnh và những công việc phù hợp với một người.

Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu... những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn. Hãy hỏi xem họ đánh giá khách quan về bản thân bạn như thế nào. Hỏi họ nghĩ bạn là thế nào, họ miêu tả bạn ra sao, nếu dùng năm từ khác nhau để mô tả bạn, họ sẽ dùng những từ gì. Hãy hỏi họ nghĩ điều gì ở bạn mà bạn nên thay đổi, và nên giữ nguyên. Hỏi họ bạn có vẻ thích hợp với nghề nghiệp gì và loại công việc nào bạn nên tránh xa.

Cách thức tiếp theo để tìm hiểu bản thân thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình. Dành thời gian yên tĩnh một mình để nhìn vào bên trong, hồi tưởng quá khứ, tìm hiểu những giá trị cốt lõi của bản thân mình. Có thể tự đặt câu hỏi và tự trả lời nó để làm sáng rõ định hướng của bản thân.

Khóa học Career Management (Quản lý sự nghiệp) của Harvard Business School gợi ý người học tự hỏi mình một số câu như:

- Hỏi bản thân điều gì bạn trân trọng nhất ở chính mình. Điều gì đặc biệt nhất ở bạn? Bạn có tài năng hay năng khiếu gì riêng biệt, nổi bật?

- Tưởng tượng bạn đang ở những năm cuối của cuộc đời. Hãy tự hỏi điều gì khiến bạn tự hào nhất, điều gì bạn ước mình đã dành nhiều thời gian hơn cho nó?

Ta cũng có thể xác định lại đam mê của chính mình bằng cách hồi tưởng lại quá khứ, xem xét lại những xu hướng của mình. Hãy viết ra giấy những câu hỏi sau và trả lời nó một cách nghiêm túc. Bạn có thể có được những ý tưởng rõ ràng hơn về đam mê của chính mình.

- Bạn muốn làm gì khi bạn còn là trẻ con?

- Bạn thích làm công việc gì, kể cả khi làm miễn phí không được trả công?

- Nếu tiền bạc không phải là vấn đề thì bạn sẽ làm gì?

- Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết bạn không thể thất bại?

- Điều gì làm bạn thật sự hạnh phúc?

- Những hoạt động nào khiến bạn cảm thấy thích?

- Nhưng loại sách nào bạn thường xem trong nhà sách nhưng luôn không có thời gian để mua hay đọc?

- Bạn nghĩ bạn được sinh ra để làm gì?

Sử dụng các công cụ hỗ trợ tìm hiểu bản thân là bước đệm đầu tiên để bạn nhận thức về chính bản thân mình. Nhưng để thành công thì tùy thuộc vào tài năng của mỗi người. Điều khó khăn hơn việc nhận biết chính mình, đó là biến tiềm năng thành tài năng. Và điều này đòi hỏi một quá trình va chạm, trải nghiệm, thử sức, tự học tự làm, mài giũa khả năng. Nếu chỉ biết vậy mà không làm gì thì tiềm năng cũng sẽ trở thành vô ích.

Hiểu mình là bước đầu tiên để có một cuộ đời mơ ước, nhưng từ đó đến cuộc sống trong mơ là cả một chặng đường dài.

***

ĐAM MÊ LÀ TẤT CẢ?

"Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết."

(Albert Einstein)

Tôi đã luôn biết đam mê của mình là gì. Tôi yêu thích việc viết lách, nó đem lại cho tôi niềm vui. Mỗi khi trút được suy nghĩ, cảm xúc của mình xuống giấy, hoặc khi diễn đạt được chính xác cảm giác của mình bằng từ ngữ, tôi luôn cảm thấy một niềm thỏa mãn, hân hoan vô tận.

Vậy nên tôi bối rối mất vài giây khi Phương bảo với tôi rằng: "Em không biết đam mê của mình là gì chị ạ."

Em bảo: Từ nhỏ đến lớn em học giỏi đều tất cả các môn. Khi đi thực tập về mảng nhân sự em thấy mình làm tốt và em cũng có hứng thú với việc tiếp xúc với con người, trò chuyện, tuyển dụng, đào tạo. Bây giờ em đang làm về marketing, em cũng thấy thích và làm cũng tốt, quảng bá truyền thông cho sản phẩm, tiến hành các chiến dịch quảng cáo. Em thấy đặt mình vào vị trí nào em cũng có thể xoay xở được. Nhưng em lại thấy có cái gì đó sai sai với bản thân. Vì em không rõ đam mê của mình là gì.

Tôi bật cười: "Chắc là vì em thông minh và khả năng giải quyết vấn đề của em khá tốt, nên ở đâu em cũng làm được cả."

Em bảo: "Vâng. Nhưng vấn đề là mọi người vẫn thường nói: hãy theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn. Em không có đam mê, liệu rồi em có được thành công hay không?"

Đến lúc này thì tôi hết cười.

Câu nói kinh điển này đã tạo nên ấn tượng tiêu cực trong đầu cô bé sinh viên mới ra trường. Nó khiến cô suy diễn theo chiều hướng khác, rằng chỉ cần có đam mê là thành công sẽ ở ngay trước mặt.

Dĩ nhiên, đam mê là điều cần thiết để thành công. Vì sự nhiệt huyết, niềm say mê trong lúc ta làm điều mình thích sẽ giúp ta vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Nhưng đừng nghĩ rằng là chỉ cần có được đam mê thì sẽ thành công. Nó là yếu tố cần, nhưng không phải là yếu tố đủ.

Vì sao?

Là một người lựa chọn sống với đam mê, tôi nhận ra rằng: nếu có đam mê mà không có kiên trì nỗ lực, thì làm gì cũng sẽ thất bại. Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có điểm mình thích làm, điểm mình không thích. Ngay cả khi đang làm công việc mà mình đam mê thì cũng có những ngày cực kỳ hứng khởi, và những quãng thời gian với vô vàn khó khăn. Có một câu nói vui là: "Người ta không hề biết rằng cỏ phía bên kia đồi trông xanh hơn, có thể bởi vì chỉ toàn là phân nằm ở dưới cỏ."Những điều thử thách, gian khó, mệt mỏi trong bất kỳ loại công việc nào cũng đều tồn tại. Điều quan trọng là cam kết với việc mình làm. Cam kết để đẩy mình qua những khoảng thời gian khó khăn. Cam kết để dốc hết sức mình vượt lên trở ngại. Cam kết để ráng thêm chút nữa ngay cả khi đã rã rời. Và cam kết với mục tiêu, nhằm vào mục tiêu mà hướng tới.

Đam mê là cái ban đầu. Nhưng ý chí, nghị lực vượt khó, sự kiên trì của bản thân là những nguyên liệu khác của chiếc bánh thành công. Ta phải kết hợp tình yêu và nỗ lực vào những việc mình làm, để vượt qua thử thách. Thành tựu không thể nào có được nếu thiếu sự kiên cường, sự kiên nhẫn, ngoài sở thích và đam mê.

Đam mê cũng không phải tự dưng mà có. Nó là điểm giao thoa sở thích và tiềm năng. Từ hai chất xúc tác đó, người ta tiếp tục cọ xát, mài giũa, học tập trau dồi, tìm kiếm cơ hội, làm việc thực hành. Đến một lúc nào đó nó sẽ phát triển thành thiên hướng nghề nghiệp của con người. Nếu có đam mê, nhưng không rèn luyện, không làm việc, không tìm tòi phát triển, thì tiềm năng chẳng bao giờ hé nở.

Và khi đã biết được đam mê của mình là gì rồi, thì cũng không phải là tất cả. Phải tìm loại công việc phù hợp với đam mê của mình. Ví dụ, viết lách là sở thích và cũng là sở trường của tôi. Mà viết thì có bao nhiêu là loại, viết báo, viết sách, copywriter, blogger... Đâu phải tất cả các loại hình ngành nghề trên đều phù hợp với bản thân. Nếu tôi chọn làm copywriter, có thể tôi sẽ hằng ngày lê xác đến sở làm, chán ngán vắt kiệt bộ não ra để nghĩ được những từ ngữ, câu nói đắt giá cho sản phẩm của khách hàng. Nhưng nếu tôi theo nghề viết sách, thì tôi lại thăng hoa dù phải dành hàng giờ để vạch ra khung sườn cho quyển sách sắp viết, hoặc thức khuya dậy sớm tìm kiếm tài liệu cho quyển sách của mình. Hai loại công việc cùng liên quan đến đam mê viết lách nhưng lại đem đến độ thỏa mãn khác nhau.

Và ngay cả khi nghĩ rằng mình thích công việc đó, thì cũng không có nghĩa đó nên là công việc mà ta sẽ làm cả đời. Rất ít ai tìm được công việc mình yêu thích vào tuổi đổi mươi, để rồi gắn bó với nó đến cuối đời. Cuộc sống luôn luôn thay đổi. Con người cũng vậy. Có thể bây giờ tôi thỏa mãn và hài lòng với việc viết sách. Nhưng biết đâu sau này tôi lại muốn thử sức ở mảng báo chí thì sao? Miễn là công việc đó phù hợp với hướng đi và sở thích của tôi trong thời điểm đó. Cho nên, cứ sau mỗi chặng đường trong cuộc sống, ta lại phải dừng lại xác định tiếp hướng đi, rồi tiếp tục. Sau một thời gian với một loại hình công việc, nếu đã thấy đủ, cứ mạnh dạn khám phá bản thân ở công việc khác. Miễn công việc đó vẫn liên quan đến đam mê của mình.

Nhưng để nói cho tròn vẹn, thì đam mê chỉ mới là một nửa câu chuyện.

Theo các tài liệu tư vấn về hướng nghiệp, công thức về công việc phù hợp như sau:

Công việc phù hợp = Sở thích Khả năng Giá trị công việc Cá tính Nhu cầu thị trường

Còn theo một mô hình hướng nghiệp khác, thì đam mê chỉ là một phần nhỏ. Mô hình này được thiết kế bằng sự giao nhau giữa bốn vòng tròn: Điều bạn làm giỏi, Điều bạn yêu thích, Điều thế giới cần, và Điều bạn có thể được trả công. Khoảng giao nhau giữa Điều bạn làm giỏi Điều bạn thích Đam mê. Khoảng giao nhau giữa Điều bạn thíchĐiều thế giới cầnSứ mệnh. Khoảng giao nhau giữa Điều thế giới cầnĐiều bạn có thể được trả công được gọi là Nghề nghiệp. Giao nhau giữa Điều bạn có thể được trả côngĐiều bạn làm giỏiChuyên môn. Và phần chung nhỏ xíu của bốn khoảng giao nhau: Đam mê, Sứ mệnh, Nghề nghiệp, Chuyên môn mới chính là công việc lý tưởng, là mục đích cuộc đời của mỗi người. 

Nhưng nếu không biết rõ đam mê của mình, thì nên đi theo lối nào bây giờ?

Câu trả lời là: Hãy đi theo sự tò mò của bạn.

Tác giả Elizabeth Gilbert có viết trong quyển sách Big Magic (tạm dịch: Phép thuật to lớn) rằng: "Rất nhiều người không biết chính xác đam mê của họ là gì, hoặc họ có nhiều đam mê, hoặc họ có thể đang trải qua một sự thay đổi về đam mê khi bước qua nửa bên kia của cuộc đời - tất cả những điều này có thể khiến họ cảm thấy bối rối, bất lực và lo sợ." Trong trường hợp này, lời khuyên của bà là: Theo đuổi sự tò mò của bạn. Bà viết: "Trên thực tế, sự tò mò chỉ hỏi một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Có cái gì khiến bạn cảm thấy hứng thú không? Bất kể là cái gì? Dù chỉ là một chút? Đó là đầu mối. Nó có thể trông chẳng là gì cả, nhưng đó là đầu mối. Hãy đi theo đầu mối đó. Tin tưởng nó. Xem sự tò mò sẽ dẫn bạn đến đâu."

Bạn đang thích tìm hiểu về giáo dục ư? Hãy đọc thêm sách và tài liệu, tham gia các hội thảo, các chương trình về giáo dục. Bạn đang có hứng thú với ngành du lịch ư? Hãy tự lên kế hoạch cho một chuyến du lịch bụi, trải nghiệm du lịch dưới góc độ một du khách, hay thử làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho các du khác nước ngoài. Bạn có tò mò về công việc kinh doanh? Hãy thử khởi đầu nho nhỏ bằng việc buôn bán một mặt hàng gì đó, quần áo, mỹ phẩm, bất kỳ thứ gì mà bạn thấy thích. Bản thân Elizabeth Gillbert sau khi viết xong một loạt sách hồi ký từ Ăn, Cầu Nguyện, Yêu, đến Làm lành với hôn nhân, thì bà cảm thấy cạn kiệt ý tưởng, không biết quyển sách tiếp theo của mình là gì. Nhưng tại thời điểm đó, bà cảm thấy tò mò về công việc làm vườn, và thử trồng trọt một số cây trong nhà. Từ sự tò mò đó, bà nghiên cứu thêm, đào sâu hơn, để rồi viết nên một quyển tiểu thuyết về một nhà thực vật học và tình yêu với cây cối có tên là The signature of all things (tạm dịch: Dấu hiệu của mọi vật). Quyển sách đã nằm trong danh sách bán chạy nhiều tuần liên tiếp của tờ báo The New York Times sau khi phát hành.

Sự tò mò có thể dẫn lối bạn đến đam mê, đưa bạn qua ngưỡng của của sự quen thuộc, đến những con đường lạ, vào những khu vườn bí mật. Hoặc nó có thể dẫn bạn tới một nơi đồng không mông quạnh hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đi theo một lối nào đó còn tốt hơn là đứng yên bối rối. Hãy đi theo sự tò mò hiện tại. Để nó dẫn ta đi. Hãy thử đến cùng với nó. Rồi nếu thấy nó không phải dành cho mình, thì có thể tạm biệt sự tò mò đó mà theo đuổi điều tò mò khác. Trên chặng đường đó, thì bạn đã học được rất nhiều so với đứng yên.

***

DỐC HẾT TÌNH YÊU

"Công việc sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc đời của bạn, cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm thứ bạn tin rằng nó tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm thứ gì tuyệt vời là yêu cái bạn làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy kiên trì. Đừng thỏa hiệp" (Steve Jobs)

Người ta vẫn bảo: Bụt chùa nhà không thiêng.

Có lẽ vì vậy mà tôi không thể nào khuyên bảo được đứa em ruột của mình, dù tôi đã từng đưa ra nhiều lời khuyên, hướng dẫn cho những người khác tìm tòi học hỏi.

Tôi thấy nhờ đam mê dẫn đường cho mình mà tôi tìm được hướng đi, tìm được ý nghĩa cuộc đời. Tôi thấy mình sống tốt hơn và hài lòng với bản thân mình. Nên tôi muốn em tôi cũng cảm thấy hài lòng với cuộc sống của nó. Tôi thúc giục nó đào sâu tìm hiểu, theo đuổi đam mê.

Nhưng em tôi phản ứng lại một cách mạnh mẽ: "Chị khác em. Chị biết rõ đam mê của mình. Không phải ai cũng có được may mắn đó. Em không biết đam mê của em là gì. Con đường của em không thể nào giống như chị."

Và trong một thời gian dài tôi chứng kiến em mình loay hoay không lối ra, tốn thời gian vào những việc vô bổ. Không tập trung đọc sách học hỏi, không đi ra ngoài, không tham gia vào các hoạt động xã hội. Nó bảo nó không có động lực để thay đổi, không biết nên làm gì. Nó không biết bản thân thích gì làm sao ép nó tìm hiểu tìm tòi. Đâu biết bản thân cần đào sâu nghiên cứu gì thì đâu thể đòi hỏi dậy sớm đọc sách học hành. Bản thân không có mục tiêu, không có đích đến, thì đâu biết hướng nào mà bước.

Đối với những người đã biết được đam mê của mình thì mọi thứ rõ ràng hơn. Nhưng đối với những người không biết mình giỏi gì, không biết mình thích gì, thì cần nhiều thời gian.

Với những em học sinh, có thể từ từ tìm hiểu chính mình qua các chương trình trắc nghiệm tính cách, các phương pháp tìm hiểu bản thân. Hoặc thử tham gia tương tác trong những môi trường khác nhau, thử học các lớp kỹ năng thuyết trình, lớp học vẽ, lớp nhiếp ảnh sơ đẳng, các khóa học về lập trình, những trò chơi giáo dục. Mục đích là thử tất cả những bộ môn, ngành nghề thực tế khác nhau để xem mình hợp với cái nào nhất, và có được ý niệm để tiếp tục đào sâu tìm hiểu nó.

Nhưng đối với những người đã ra trường đi làm, đã theo đuổi chuyên môn của mình từ lâu và khá khó để thay đổi ngành nghề, thì làm thế nào bây giờ?

Chính đứa em tôi đưa ra câu trả lời cho bản thân nó. Một hôm em bảo: "Chị à, em đã biết con đường của mình rồi. Em không rõ đam mê của mình. Nhưng trước đây em có hứng thú về công nghệ thông tin. Hứng thú xong thì tìm tòi, tìm tòi xong thì tự làm. Giờ thì em đang làm lập trình và thấy mình cũng khá giỏi, vì mình đã làm quen rồi. Em thấy cái em cần làm là cứ theo đuổi nó, hết mình vì nó, tìm kiếm những điểm mình yêu thích trong ngành này. Trở nên xuất sắc trong ngành nghề của mình, thì sau này cũng sẽ đạt được thành tựu, đem lại giá trị cho xã hôi."

Tôi nhìn em mình gật gù đồng ý. Quả thật câu trả lời cho những vấn đề cuộc sống nằm sâu bên trong tâm hồn mỗi người. Chỉ có mình mới trả lời được câu hỏi của chính mình.

Và câu trả lời cho những người như em tôi là: đặt hết tình yêu vào công việc của họ.

Câu chuyện về nghệ nhân làm sushi nổi tiếng thế giới Jiro Ono là điển hình cho điều này. Ông là nghệ nhân sushi Nhật Bản đầu tiên có nhà hàng được xếp hạng ba sao của tổ chức Michelin danh tiếng, và được chính phủ Nhật Bản tuyên bố là national treasure - báu vật quốc gia. Khi được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu Jiro dreams of sushi (tạm dịch: Jiro mơ về sushi) của đạo diễn David Gelb, ông nói: "Đã xác định con đường nghề nghiệp của mình thì phải hết lòng với công việc. Ta phải đam mê việc mình làm. Không bao giờ phàn nàn về công việc. Dành hết cả đời để đạt đến sự hoàn hảo. Đó là bí mật thành công và bí quyết để được vinh danh."

Yamamoto, tác giả ẩm thực Nhật Bản, nói rằng, điều khiến Jiro thành công là làm việc nghiêm túc và liên tục thể hiện trình độ cao nhất. Ông luôn mong muốn nâng cao tay nghề, và làm việc chăm chỉ. Làm việc không ngừng, làm đi làm lại một thứ mỗi ngày, bất kể mình có vui hay không.

Bộ phim không nói về thời trẻ của Jiro, không kể về con đường Jiro đến với sushi, không cho ta biết liệu Jiro thời trẻ có đột nhiên phát hiện ra sushi là đam mê của đời mình hay không. Nhưng qua cách làm việc chu đáo cẩn thận của ông, qua bao nhiêu năm kinh nghiệm, mà ông vẫn mày mò đi lên trên con đường làm sushi của mình, ta biết rằng Jiro đã đặt tất cả tình yêu của mình vào công việc. Ông bảo: "Tôi chỉ muốn làm sushi ngon hơn thôi. Tôi làm đi làm lại một thứ và tiến bộ từng chút một. Tôi cứ muốn đạt được nhiều hơn nữa. Tôi cứ leo đến khi lên đỉnh. Nhưng chẳng ai biết đỉnh nằm ở đâu." Có lẽ vì thế mà sushi của Jiro đã vượt mức đỉnh của nhiều người, trở thành đỉnh của thế giới. Có lẽ vì sự hết mình, mong muốn đạt đến sự hoàn hảo này mà những người Nhật như Jiro khiến cả thế giới nể phục vì tinh thân làm việc của mình.

Cửa hàng sushi ở Tokyo của Jiro từng tiếp đón tổng thống Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barrack Obama. Một bữa ăn tại cửa hàng của ông có giá từ 30.000 yên trở lên (gần 5 triệu đồng), và số lượng thực khách đến ăn đông đến nỗi người ta phải đặt chỗ trước ít nhất là một tháng.

Jiro đã làm sushi được 75 năm, ông nói rất khó để dừng lại. Quả thật, có một số người đã theo đuổi một ngành nghề, một sự nghiệp nào đó khá lâu và khó có thể từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Điều thích hợp nhất là thay vì từ bỏ, hãy tập trung hết sức vào công việc hiện tại, đổ hết năng lượng vào công việc mình làm. Dồn hết tình yêu và ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Và hãy thử nghĩ xem nếu bạn kiên trì, đặt cả tình yêu vào để làm cái gì đó đến 75 năm, thì sao mà không thành xuất sắc được chứ. Và ở đời, còn gì mãn nguyện hơn là được vinh danh với công việc mình làm.

Bất kể ngành nghề gì cũng có những điểm có thể khiến ta yêu và ghét. Nếu ta chỉ tìm thấy ưu điểm hoặc chỉ thấy nhược điểm ở trong con người, ngành nghề, sự vật sự việc nào đó thì chứng tỏ là ta chưa hiểu đủ sâu. Giáo sư Hàn Quốc Kim Rando trong quyển sách Tương lai nghề nghiệp của tôi có viết: "Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để khám phá ra những giá trị còn tiềm ẩn trong bất cứ công việc gì, từ đó bắt tay vào và hiện thực hóa bản ngã thông qua công việc ấy." Nên chú tâm vào những điểm yêu thích của ngành nghề mình đang làm, đào sâu học hỏi nó là một cách để xây dựng sự nghiệp. Ta càng chuyên sâu, càng xuất sắc thì lại càng tạo được giá trị, càng thấy tự tin về chính mình và càng cảm thấy yêu thích công việc hơn.

Tác giả quyển sách Óc sáng suốt, Nguyễn Duy Cần, cũng nói về điều này với ngôn từ mộc mạc: "Những việc mà ta thường hay bỏ lãng, phần nhiều là những việc ta làm mà không thích. Nhưng nếu cứ làm đi làm lại mãi, rồi thì với thói quen, lần lần ta cũng thấy thú vị. Tuy trước không thích nhưng quen rồi thì việc gì cũng trở nên hứng thú được. Nhiều kẻ vì mục đích sinh nhau mà phải làm một nghề mình không thích. Nhưng chầy năm chầy tháng, thói quen làm cho họ lại thích nghề ấy. Có thấy được hứng thú vì công việc bấy giờ sẽ trở nên dễ dàng, sự chú ý đối với nghề nghiệp càng ngày càng tinh thêm."

Không nghề nào mà không có điểm hay, có điều lý thú. Chỉ khi ta tìm hiểu sâu về nó, biết rõ về nó, mới thấy hay, thấy thích, từ đó mà sinh yêu nghề, yêu việc mình làm. Cho dù là loại công việc gì. Ngay cả những công việc tưởng chừng nhỏ bé vụn vặt. Như quét rác, như lau nhà, như bưng bê, như cọ toa lét.

Một lần trong kỳ nghỉ của mình, từ ban công phòng khách sạn, tôi nhìn ra bên ngoài ngắm cảnh. Phía đối diện, một khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được xây dựng. Tôi quan sát nhiều người thợ đang làm công việc thường ngày của họ. Người đặt gạch, người hàn sắt, người chuyển vật liệu. Mỗi người một việc.

Và tôi nhớ về Yu Pang-lin, một trong những tỉ phú giàu nhất Hồng Kông. Ông từng nói rằng: "Kể cả khi cọ toilet, tôi vẫn cố gắng là người cọ sạch nhất."

Và tôi nghĩ: Sẽ như thế nào nếu mỗi người thợ kia đều chăm chú làm việc, cẩn thận với từng viên gạch, chú ý đến từng nước sơn? Sẽ thế nào nếu mỗi người thợ đặt tất cả tình yêu của mình vào công việc, làm việc với tất cả sự say mê yêu thích? Nếu vậy, chắc chắn khách sạn được xây dựng lên sẽ đẹp đẽ, hoàn hảo và bền vững biết bao.

Chúng ta dành trung bình từ tám đến mười hai giờ đồng hồ mỗi ngày cho công việc của mình. Tại sao không lựa chọn thái độ tích cực đối với công việc? Như Jiro, như Yu Pang-lin, như những người thợ xây nhìn thấy khách sạn đẹp đẽ từ viên gạch mình cầm. Cuộc sống của chúng ta, sự nghiệp của ta sẽ như thế nào nếu ta đặt tất cả tình yêu của mình vào đó?

Dốc hết tình yêu cho việc ta làm, từng ngày một, lo gì không đạt được thành tựu.

***

HỌC CÁCH ĐỂ HỎI

"Hỏi một câu chỉ dốt chốc lát nhưng nếu không hỏi sẽ dốt suốt đời"

- Ngạn ngữ Trung Hoa

Thiện, cậu sinh viên mới ra trường mà tôi từng giúp sửa CV tìm việc, gửi tin nhắn cho tôi bảo:

- Em có được việc làm đầu đời rồi chị ơi. Mà công việc chán ngắt hà.

- Ủa, chán sao?

- Việc gì mà suốt ngày ngồi trong văn phòng, cắm mặt với số liệu và mấy bảng tính excel không thôi.

- Em đã hình dung công việc đầu tiên của mình ra sao?

- Em đã nghĩ nó phải như mấy cái video clip của Google, mỗi ngày đi đến sở làm là một ngày vui, thoải mái vẽ ra ý tưởng đẹp đẽ sáng tạo.

Nghe mà chỉ biết than trời.

Nhưng bạn đừng nghĩ Thiện kém cỏi hay ngốc nghếch. Em là người thông minh, có khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề tốt. Em chỉ không có cơ hội tiếp cận với môi trường công sở trước khi tìm việc, cũng không được hướng dẫn, trang bị kỹ lưỡng cho bước chuyển tiếp từ nhà trường ra thế giới thực. Nên em chưa có được những hình dung chuẩn xác về công việc của mình.

Quãng thời gian từ lúc rời ghế nhà trường để ra đời tự lực cánh snh là thực sự khó khăn. Việc không chuẩn bị cụ thể cho cú nhảy này có thể làm người trẻ bị sốc khi bước vào thế giới, đối đầu với bao nhiều điều lạ. Tự tìm việc làm, tự chủ về tài chính, tự đặt nền móng quan trọng cho những điều mang tính ảnh hưởng cả đời của mình: sự nghiệp, công việc, cuộc sống.

Bên cạnh đó, xã hội hiện đại lại thiếu những tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ người trẻ chuẩn bị cho các bước chuyển tiếp vào đời. Trong lúc chưa thể trông chờ vào những chương trình, tổ chức như vậy từ cộng đồng, thì việc chủ động tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ là điều có thể giúp người trẻ đỡ hoang mang lạc lối.

Người giúp được ta có thể ở ngay bên cạnh mình mà ta không hay biết.

Đó có thể là cha mẹ, anh chị, cô chú họ hàng, những người bạn lớn tuổi hơn, hay bác hàng xóm với thâm niên mấy chục năm làm việc.

Nếu biết tìm cơ hội gặp mặt hỏi thăm những người đó về công việc của họ, chia sẻ chuyện vui buồn công sở, con đường tìm việc và sự nghiệp của mình, thì Thiện và những người bạn như mình có thể chuẩn bị tốt hơn cho bản thân trên con đường tìm việc.

Miễn sao cách hỏi lịch sự và bảy tỏ quan tâm đích thực, thì hầu hết những người đã từng trải qua thời trẻ tuổi đều sẵn sàng dành ít thời gian để chia sẻ. Ai cũng muốn được làm người tốt, muốn có cảm giác là mình có ích. Chỉ cần chuẩn bị khéo léo khi đặt câu hỏi.

Trong quyển sách Getting from college to career (tạm dịch: Từ đại học đến sự nghiệp), tác giả Lindsey Pollak có chia sẻ cách thực hiện một information interview - buổi hẹn gặp để phỏng bấn thông tin trước khi tìm việc. Sách viết rất chi tiết từ cách tìm kiếm những người phù hợp để hỏi, đến cách viết tin nhắn, gửi email hỏi thăm, đến việc chuẩn bị cho buổi hẹn gặp với bảy bước gồm: xác nhận thông tin một ngày trước buổi hẹn, chuẩn bị phục trang và mang theo những gì, đến nơi sớm hơn giờ hẹn 15 phút, bắt đầu một cách ấn tượng, kết thúc buổi gặp thế nào và viết thư cảm ơn sau đó. Những lời khuyên trong sách rất hữu ích cho sinh viên sắp hoặc mới ra trường.

Nhưng cần hỏi gì trong những buổi hẹn gặp như thế?

Kinh nghiệm của tôi là, bạn có thể hỏi những câu đơn giản để tìm hiểu về môi trường làm việc, như:

- Công việc đầu tiên của anh/chị/cô/chú ra sao, anh/chị/cô/chú có nghĩ rằng đó là công việc tốt không?

-  Anh/chị/cô/chú có thể chia sẻ cho em/cháu một số mẹo tìm việc không?

- Nghề nghiệp hiện tại của anh/chị/cô/chú là gì?

- Điều gì anh/chị/cô/chú thích và không thích trong công việc của mình?

- Điều gì anh/chị/cô/chú ước rằng mình đã biết lúc bằng tuổi em/cháu?

Việc sử dụng các buổi hẹn gặp để tìm kiếm thông tin như thế này cũng có thể được áp dụng trong những trường hợp khác. Ví dụ, bạn đang thích một nghề nào đó nhưng không biết mình có phù hợp với nó hay không. Làm sao biết chắc là công việc đó đúng như mình tưởng tượng. Có thể bạn có hứng thú với một lĩnh vực ngành nghề nào đó bởi vì bạn biết ai đó làm trong nghề này, nghe nói về ngành này, hoặc có dịp tiếp xúc sơ lược với nó. Nhưng đó cũng chỉ là một vài ấn tượng ban đầu, những ý niệm chung chung. Từ bên ngoài, ta chưa thể nào biết được những ưu điểm và khó khăn của ngành, chỉ thấy được bề ngoài hào nhoáng, mà chưa biết được những mặt trái, góc khuất, những thách thức, những bất lợi vất vả đặc thù riêng của ngành.

Không ít bạn trẻ nói với tôi rằng em rất thích làm du lịch, được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người, hiểu biết về phong tục, văn hóa, vân vân. Nhưng họ không biết rằng người làm du lịch như làm dâu trăm họ, chín người mười ý, phục vụ người khác, ngày nghỉ ngày lễ đều phải làm việc trong khi người khác đang vui chơi nghỉ ngơi. Một số bạn khác không thích công việc văn phòng, thích làm nghề tự do, những nghề đang lên, có vẻ khá hấp dẫn như chụp ảnh, viết lách, làm phóng viên báo chí... Nhưng những nghề không làm việc trong văn phòng thì cần có sức khỏe, lúc nào cũng phơi mặt ngoài đường, đi sớm về tối không có giờ giấc cụ thể. Mặt khác, làm việc tự do có khó khăn riêng là không có cấp trên hỗ trợ, mà chỉ có khách hàng tạo áp lực. Nhiều khi không ai hướng dẫn, không ai chịu trách nhiệm thay cho mình, thu nhập lại không ổn định, tài chính bấp bênh. Không có hiểu biết về ngành, không có đam mê với nghề, không có ý chí mạnh mẽ, làm sao trụ lại những lúc khó khăn.

Đối với những trường hợp như vậy, chỉ là sự thích do ý chủ quan của bản thân mà chưa có tìm hiểu. Nên sau này giả sử được nhận vào làm, nếu ý chí tốt thì trụ vững, không thì lại bỏ nghề và lang thang lạc lối như cũ. Do vậy, điều ta có thể làm để giảm bớt những cú sốc này là tìm những người trong ngành mình biết, hoặc nhờ quan hệ bạn bè, người quen giới thiệu, để hẹn gặp những người làm trong lĩnh vực này, và hỏi thăm thông tin.

Những câu hỏi tham khảo là:

- Anh chị bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này như thế nào?

- Công việc thường ngày của anh chị là gì?

- Ưu và nhược điểm của công việc này theo anh chị là gì?

- Để làm tốt công việc này/thành công trong lĩnh vực này thì cần những kỹ năng, tố chất gì?

- Anh chị có lời khuyên nào cho người mới vào nghề không?

Một cách khác tuy không thường xuyên được sử dụng nhưng rất hữu ích là tìm kiếm ai đó có thể cho mình đến thăm văn phòng làm việc của họ. Những buổi tiếp xúc thế này giúp bạn hiểu rõ hơn về môi trường công sở và chuẩn bị tốt hơn cho công việc tương lai. Những cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc mình muốn làm là ở mọi nơi. Chỉ cần chủ động, bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình và hỏi, tìm kiếm sự giúp đỡ, sẽ luôn có ai đó giúp bạn.

Công việc là một hành trình khổ luyện. Tìm kiếm công việc mình yêu thích cũng là một quá trình gian khổ. Khi chuẩn bị kỹ, ta sẽ tránh được rất nhiều những bối rối, thất vọng hay khủng hoảng sau này khi bước vào thế giới.

Và dù cho đã tìm ra được công việc mình yêu thích, đừng nghĩ đó là hết. Công việc ta yêu thích bây giờ có thể sau này sẽ không còn phù hợp. Cứ sau mỗi chặng đường ta lại thay đổi, lại lớn lên. Đó là lúc cần xác định lại hướng đi mới cho công việc. Nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn, tìm kiếm cách thức để làm mới công việc, chuyển sang một vị trí khác, phòng ban khác. Hoặc lựa chọn thay đổi công ty, tìm kiếm môi trường làm việc khác. Điều đó là tất yếu. Ta phải liên tục định hướng nghề nghiệp trong suốt quá trình phát triển của mình.

Hướng nghiệp là công việc cả đời.

***

SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN

"Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc. Nó biết nó phải chạy thoát khỏi con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con sư tử thức giấc. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, hoặc nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời lên, bạn đều phải chạy."

- Christopher McDougall

Tôi gặp Nicole trong một khu nghỉ dưỡng ven biển. Cô gái chỉ mới ngoài ba mươi này đã trải qua tuổi trẻ của mình ở khắp nơi trên thế giới. Làm việc trong ngành khách sạn tại Pháp, làm nhiếp ảnh gia ở Canada, nghỉ việc để đi trượt tuyết vài tháng ở Nhật, lang thang nhiều năm tại châu Á, và giờ đây cô đang làm huấn luyện viên lặn bình dưỡng khí tại Koh Tao - Thái Lan.

Hóm hỉnh, hài hước, nói chuyện có duyên và rất thông minh, Nicole dễ dàng chiếm được tình cảm của người đối diện. Gặp nhau khi đều đang đi du lịch một mình và rất tâm đầu ý hợp, chúng tôi cùng đi khám phá những hòn đảo miền Nam Thái Lan. Sau những xã giao ban đầu, Nicole tâm sự nhiều hơn với tôi về cuộc sống rày đây mai đó của mình. Cô có những trải nghiệm tuyệt vời với những ngày chu du thế giới. Những ẩn sâu bên trong cô là những băn khoăn và thất vọng. Băn khoăn về sự nghiệp của chính mình khi đang ở tuổi ba mươi, khi bạn bè mình ai cũng có công việc thăng tiến, tài chính vững chãi, gia đình ổn định. Thất vọng về bản thân, về việc không sống hết khả năng mà mình có. Và cả lo lắng cho tương lai sắp đến.

Tôi đã tự hỏi, tại sao một con người tài năng như Nicole lại chấp nhận làm một huấn luyện viên lặn biển bình thường, sống cuộc đời tà tà ở một xứ sở nhiệt đới thế này, để rồi phải thất vọng và buồn bã về cuộc đời mình. Đi với cô một thời gian, tôi mới hiểu được tại sao. Cô dành nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống hơn là mài giũa năng lực của mình. Những ngày lang thang hết quán bar này đến vũ trường nọ, những đêm ăn chơi tiệc tùng đến sáng, về nhà lúc mặt trời mọc và thức dậy lúc xế chiều. Lối sống không lành mạnh với nhiều thói quen xấu đã khiến Nicole trông già hơn tuổi của mình, và khác rất xa so với con người mà cô mong ước trở thành.

Nicole bảo cô biết cô cần thay đổi bản thân. Tránh xa những người bè nhiều hơn bạn. Tránh xa bia rượu. Ngưng hút thuốc. Đưa cơ thể trở lại cân nặng phù hợp. Sống lành mạnh và làm những điều thực sự ý nghĩa với bản thân. Nhưng cô bảo cô không thể, thói quen đã quá lâu, cô không đủ động lực để thay đổi.

Nicole làm tôi nhớ tới Sunny, anh chàng người Ấn tôi từng gặp trong một cửa hiệu bán đồ lưu niệm tại Chiang Mai - Thái Lan. Anh có khả năng lý luận, thuyết phục đáng kinh ngạc và có nhiều tài lẻ khác về chữa bệnh phương Đông, châm cứu bấm huyệt. Trong một cuộc tranh luận, tôi phải chịu thua vì khả năng tranh luận của anh. Anh chàng đắc thắng: "Bạn là người viết thì bạn phải giỏi lý luận hơn tôi chứ, tôi chỉ là một kẻ bình thường thôi." Anh không bình thường, anh rất khôn ngoan và nhiều kỹ năng. Nhưng anh ở đó, chấp nhận làm một người bán hành lưu niệm ở một khu du lịch nhỏ. Anh không hài lòng với cuộc sống của mình. Anh muốn phát triển công việc kinh doanh. Vậy mà anh đã ở đó được hơn năm năm rồi.

Tôi gặp không biết bao nhiều người như Nicole, như Sunny trong cuộc sống, và trên bước đường lữ hành. Là Bi, cô bé tôi quen từ thời cấp ba với những bức vẽ xinh xắn dễ thương và mong ước trở thành họa sĩ. Là Cecilia, cô bạn người Hồng Kông với óc thẩm mỹ tuyệt vời và đam mê trang trí nội thất. Rất giỏi, rất thông minh, có năng khiếu. Nhưng vấn đề chung của họ là không cố gắng hết sức. Họ không dành thời gian để chăm lo phát triển tiềm năng của mình. Họ để ngày tháng trôi qua trong những việc lặt vặt manh mún ngày thường, họ để mình chìm vào những thói quen xấu.

Tôi thấy tiếc cho họ, những người sống dưới khả năng của mình. Không thực sự phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Lựa chọn một cuộc sống làng nhàng, thoải mái. Sẽ chẳng có gì để nói nếu họ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng điều đáng nói là lối sống đó khiến họ bất mãn với chính mình. Họ biết mình có thể sống tốt hơn. Có một sức khỏe tốt hơn. Một sự nghiệp đúng như mình mong ước. Vòng tròn quan hệ lành mạnh hơn. Một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Nhưng họ không làm điều đó. Họ sống trong vòng an toàn của bản thân, của những điều quen thuộc, những thói quen cũ. Lặp đi lặp lại một cái vòng lẩn quẩn. Mãi vẫn không sống được đến tận cùng với chính mình. Họ không đủ can đảm để thay đổi, để rồi cảm giác thất vọng về chính mình.

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Liệu sống như vậy có làm họ mãn nguyện chăng?

Thói quen có sức mạnh khủng khiếp. Con người ta hoạt động cả đời dựa trên thói quen. Trong quyển 10% Happier (tạm dịch: 10% hạnh phúc hơn) của tác giả Dan Harris có câu: "Chúng ta sống trên đời này về cơ bản chỉ là hành động dựa những khuôn mẫu thói quen, dựa trên điều kiện sống của chính mình." Và gieo thói quen thì gặt tính cách, gieo tính cách thì gặt số phận. Nếu thay bớt những khoảng thời gian ăn chơi vô ích giải trí đời thương bằng những lúc nghiên cứu tìm tòi nâng cao năng lực, chắc cuộc sống của nhiều người đã khác đã khác xa.

Trong quyển Bad Habit No More - 25 Steps to Break any Habit (tạm dịch: Không còn thói quen xấu - 25 bước để thay đổi bất kỳ thói quen nào) của S.J.Scott, tác giả có đưa ra các cách thức để bỏ đi một thói quen xấu và thay vào đó bằng thói quen tốt. Ông đề cập đến những bí quyết hữu ích mà chúng ta vẫn biết nhưng thường bỏ qua. Đó là thay đổi từng thói quen một, cố gắng duy trì trong vòng 30 ngày (một số nguồn khác là 21 ngày), thiết lập mục tiêu. Và điều quan trọng là bắt đầu bằng một bước nhỏ dễ dàng.

Ví dụ, một số người muốn từ bỏ việc hút thuốc lá. Họ nghĩ đến việc hút điếu thuốc cuối cùng, và ngày hôm sau không hề hút điếu nào. Điều này dẫn đến sự thèm khát cực độ và cơ thở đôi khi không cưỡng lại được. Để rồi khi thèm quá họ hút một điếu, và tung hê lên, bực bội với chính mình. Rồi họ cho rằng việc bỏ hút thuốc của mình đã thất bại, và sau cùng quay trở lại thói quen xấu như cũ. Thay vào đó, điều dễ dàng hơn là giảm thói quen xấu này một cách từ từ. Nếu trung bình hút 10 điếu một ngày thì có thể bắt đầu bằng cách ngày hôm sau quyết tâm chỉ hút 7 điếu. Tuần sau mục tiêu 5 điếu. Tuần sau nữa 3 điếu. Tuần kế tiếp 2 điếu. Cứ như thế giảm dần đến tháng sau thì bỏ hẳn thuốc lá.

Hoặc một số người muốn tạo thói quen chạy bộ mỗi sáng. Điều nhiều người làm là quyết tâm rất cao độ khi mới bắt đầu. Buổi sáng dậy thật sớm và xỏ giày vào chạy. Họ chạy nhanh, chạy liên tục, chạy không ngừng nghỉ, chạy cả tiếng đồng hồ. Cảm giác rất thỏa mãn, rất sảng khoái. Nhưng ngày hôm sau tỉnh dậy, điều thường xảy ra là chân tay ta đau buốt ê ẩm không nhấc lên được. Vài ngày sau nữa chân vẫn còn đau. Thế là người ta bỏ luôn ý định chạy bộ mỗi sáng. Thật thương cho ai rơi vào hoàn cảnh đó. Nếu áp dụng phương pháp thay đổi thói quen, thì ta chỉ cần bắt đầu bằng năm mười phút chạy bộ nhẹ nhàng. Thậm chí không cần chạy mà chỉ cần đi bộ nhanh. Rồi từ từ nâng dần lên 15 phút, 20 phút, 30 phút. Cứ như thế tăng dần từng chút một đến khi đạt được cái mốc mình muốn. Và hằng ngày hằng ngày luyện tập đều đặn.

Có một câu nói rằng: Nếu bạn muốn có một kết quả khác, hãy thử hành động khác đi. Nếu thay thế những thói quen tiêu cực dần dần từng thứ một bằng một thói quen tích cực, ta sẽ tốt lên, cuộc sống cũng vì thế mà thay đổi.

***

CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐI

"Không hành động sinh ra sự nghi ngờ và sợ hãi. Hành động tạo ra sự tự tin và can đảm. Nếu bạn muốn chế ngự nỗi sợ thì đừng ngồi ở nhà và nghĩ về nó. Hãy ra ngoài và khiến mình bận rộn."

- Dale Carnegie

Bình nói với tôi: "Em thực sự không biết mình nên làm gì. Nên thử sức với khởi nghiệp giống như đứa bạn của em, hay là tìm hiểu về chứng khoán đầu tư như anh của em khuyên. Em phải làm gì hả chị? Em đã suy nghĩ rất lâu rồi mà vẫn chưa có được quyết định."

Tôi hỏi Bình:

- Em năm nay bao nhiều tuổi?

- Dạ em mười chín.

- Em mới mười chín, cả hai ngành kia em đã thử làm chưa?

- Dạ chưa.

- Vậy em nghĩ em có thể biết được là mình hợp với cái gì chỉ bằng cách ngồi suy nghĩ hay không?

Bình ấp úng:

- Dạ, em hiểu ý chị rồi. Chắc em sẽ phải thử tìm hiểu một trong hai thứ.

Trong các bài viết về quản trị cuộc đời, người ta thường bắt gặp câu chuyện về cô bé Alice trong truyện Alice lạc vào xứ thần tiên của tác giả Lewis Carroll. Alice gặp mèo Cheshire. Alice hỏi:

"Xin bạn vui lòng nói cho tôi biết, từ đây tôi phải đi đâu?"

"Điều đó tùy vào nơi bạn muốn tới"

"Tôi không quan tâm, nơi nào cũng được"

"Vậy đi đường nào chẳng thành vấn đề"

"Miễn là tôi đến được một nơi nào đó"

"Ồ, chắc chắn sẽ đến, nếu bạn đi đủ xa"

Chuyện của Alice nói lên một triết lý: Nếu không biết điểm đến của mình, thì đi đường nào chẳng được. Mặt khác, Bo Bartlett, một họa sĩ chuyên nghiệp tại Mỹ từng vẽ tranh miễn phí trong suốt 20 năm trước khi mỗi bức vẽ của ông đáng giá đến 50.000 USD, từng nói: "Bạn quyết định làm gì không quan trọng, quan trọng là mức độ cam kết với quyết định mà bạn đưa ra." Ở đời điều cốt yếu không phải là chọn con đường nào, mà là mình có đi đến cùng với con đường đó hay không.

Tuổi trẻ là thời gian thử nghiệm. Người ta trưởng thành qua nhiều lần làm thử, vấp ngã, làm lại, và cứ như thế tiếp tục. Phải bắt tay vào thử thì ta mới biết được mình hợp với cái gì. Phải làm thì ta mới biết là mình có khả năng hay không. Dù sao khi thử thì nếu sai lầm ta vẫn biết được rằng cái đó thực sự không phù hợp với mình, và bỏ đi để thử cái khác. Nếu ta cứ ngồi nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, không làm gì cả thì làm sao biết được cái gì. Ít ra thử mà thất bại thì có được bài học. Nếu không thử, thời gian thì cứ trôi mải miết mà ta vẫn chưa làm được gì.

Trong quyển sách Tuổi 20 - Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn, tác giả Meg Jay kể về kinh nghiệm trong những năm tư vấn tâm lý cho những người trẻ ở độ tuổi 20 -29. Bà nói: "Chúng ta nghĩ rằng trì hoãn việc ra quyết định sẽ giữ cho các lựa chọn luôn mở rộng. Nhưng bản thân việc trì hoãn đã là một lựa chọn rồi."

Tác giả Lindsey Pollak mà tôi từng đề cập cũng viết rằng: "Đừng nghĩ rằng bạn có thể xây dựng sự nghiệp của mình chỉ bằng cách ngồi trên giường ngủ và suy nghĩ thật lâu. Bạn làm điều đó bằng cách đặt nhiều câu hỏi và thử nhiều điều khác nhau." Cô nhấn mạnh: "Bất cứ lúc nào bạn thấy mình bị mắc kẹt, thất vọng, lo lắng, lạc lối, bối rối, nản chí, hay áp lực, thì với kinh nghiệm của tôi, câu trả lời luôn là hành động. Hãy làm một cái gì đó."

Tôi nói với Bình những điều này, và kể em nghe câu chuyện của một người bạn của tôi, tên thân mật là Táo. Một hôm, Táo nhắn cho tôi: "Chị, tuần sau em nghỉ làm, ra Hội An mở nhà trọ cho Tây ba lô." Tôi hoảng hồn, hẹn em ra nói chuyện, hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa. Em bảo em cũng mới nảy sinh ý định thôi, em thích đi du lịch, thích thú đầu tư, làm một điều mới. Em đã tham khảo ý kiến rất nhiều người anh lớn tuổi từng khởi nghiệp thành công. Ai cũng bảo cầm chắc thua lỗ. Nhưng em chịu lỗ, chấp nhận bỏ ra mấy trăm triệu để làm. Em nói tiền em để dành chứ chẳng ăn cắp vay mượn của ai. Làm lời thì ăn, làm lỗ thì học. Tôi ban đầu hơi sửng sốt về ý định liều lĩnh của cậu em ít tuổi vừa mới ra trường. Nhưng sau đó nhìn lại, gật gù nghĩ, ừ phải. Người ta có câu: "Khoảng cách giữa ngu dốt và hiểu biết ngắn hơn nhiều so với khoảng cách giữa hiểu biết và hành động." Bao nhiêu người nghĩ mà không làm. Còn Táo chẳng nghĩ gì nhiều, nhưng hễ có ý tưởng liền bắt tay vào thực hiện. Điều này phải đáng hoan nghênh.

Một người bạn doanh nhân của tôi cũng kể về kinh nghiệm đầu tư của anh. Có rất nhiều cơ hội tới, mỗi cơ hội có rất ít thời gian quyết định. Đôi khi vì quá nhanh, quá hấp tấp mà anh quyết định đầu tư sai lầm. Anh mới mất vài trăm triệu vào một dự án nọ. Nhưng anh không hối hận. Vì lý luận của anh là: Nếu mười lần mình quyết làm, thì có thể là tám lần thua và hai lần thắng. Và cả mười lần mình đều học được điều gì đó. Nếu mỗi lần cơ hội đến, mình lại chần chừ lưỡng lự, không làm gì hoặc để thời gian trôi qua quá lâu, thì cơ hội vụt đi mất chẳng biết bao giờ có lại lần nữa. Đợi đến khi có đủ thông tin để ra quyết định, thì mình chỉ làm được hai lần trong khoảng thời gian người khác làm được mười lần. Và chắc gì mình thắng được cả hai lần đó.

Thực sự là, nếu bạn đang do dự trước một quyết định, hãy hướng đến lựa chọn nào đem lại nhiều trải nghiệm hơn, nhiều câu chuyện hơn. Dĩ nhiên cần tìm hiểu thật kỹ trước những quyết định lớn. Nhưng đừng lo sợ trước trải nghiệm mới.

Vì sao? Vì thà làm mà thất bại thì ta còn học được. Điều đó còn tốt hơn chán vạn lần căn bệnh mà nhiều người mắc phải cả đời: Thiếu hụt khả năng hành động. Nghĩ sau này lập gia đình có con cái, sẽ nói thế nào với con? Nói: Cha đã từng theo đuổi đam mê của mình, đã từng khởi nghiệp, từng thử làm nghề này nghề nọ. Hay là nói: Cha đã từng nghĩ tới việc làm cái này cái khác, thay đổi cuộc đời, nhưng mà cha đã quá sợ hãi để bắt đầu. Bạn chọn cách nào?

Có một câu nói là: Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có những ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: "Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại, hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả."

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: "Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi." Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.

Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: Just do it. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao lại khong thử bước ra ngoài, và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước, thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành, mới khiến kỹ năng của ta khá lên.

Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động, không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty. Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.

Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên.

***

EM KHÔNG TỰ CỨU THÌ AI CỨU EM

"Kẻ tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho."

- Khuyết danh

Trong quyển sách mà tôi yêu thích, Nơi dòng sông chảy qua của Norman Maclean, có kể về hồi ức gia đình của nhà văn Mỹ này. Một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình anh em, tình yêu với thiên nhiên châu Mỹ hùng tráng và dữ dội. Những con người mạnh mẽ, dũng cảm, hòa mình với thiên nhiên và chinh phục thiên nhiên.

Sách hay một cách nhẹ nhàng, phù hợp với những người muốn tìm hiểu về văn hóa Mỹ. Nhưng điều làm tôi nhớ nhiều hơn về quyển sách, là khi gấp lại, tôi không dứt khỏi được cảm giác bứt rứt, tiếc nuối về cái chết của nhân vật người em trai. Nhân vật này lấy nguyên mẫu từ em trai ruột của chính tác giả. Đây là một phóng viên rất xuất sắc. Tài năng, cá tính, ngang tàng, mạnh mẽ, vừa đẹp đẽ và tinh tế như một nghệ sĩ, lại phóng khoáng oai hùng kiểu những con người thời kỳ khai hoang mở cõi.

Nhưng cái kết của sách, cũng như ngoài đời thật, người em tên Paul Maclean bị đánh chết ở một góc phố nhỏ tại Chicago. Cảnh sát nghi ngờ nguyên nhân là vì những khoản nợ do bài bạc và có mối quan hệ mờ ám với xã hội đen. Cái chết của người em trai thân thiết là nỗi ám ảnh lớn ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời Norman sau này.

Điều khiến tôi băn khoăn là những rắc rối của Paul đã được nhìn thấy từ trước đó rất lâu. Trong sách, Norman từng kể về việc vào trại tạm giam để bảo lãnh Paul ra tù vì tội uống rượu và quậy phá. Khi ông đề nghị giúp đỡ, Paul cúi mặt im lặng, từ chối không nói gì cả. Hoàn toàn im lặng và chỉ ngẩng đầu lên khi chắc rằng Norman không nói gì nữa. Thái độ này làm tác giả nhớ đến tính cách cứng rắn của người em đã được hình thành từ bé, khi bị người cha ép ăn cháo yến mạch. Ông kể: "Từng buổi sáng trôi qua, tôi và mẹ tôi kinh hãi chứng kiến vị mục sư Scotland cố ép đứa con nhỏ của mình ăn cháo bột yến mạch. Cha tôi cũng kinh hãi, lúc đầu là vì đứa con ruột của ông không chịu dùng thức ăn của Chúa, và sau một thời gian là vì đứa con nhỏ xíu của ông tỏ ra cứng rắn hơn ông. Khi vị mục sư nổi điên lên, đứa bé cúi đầu trên đĩa thức ăn và chắp tay như thể cha nó đang đọc kinh trước bữa ăn. Chỉ có một biểu hiện cho thấy nó cực kỳ giận dữ: môi nó sưng lên. Cha tôi càng phát hỏa thì món cháo càng nguội lạnh. Cuối cùng thì cha tôi bùng nổ." Và khi tác giả cố lựa lời để đề nghị giúp đỡ lúc Paul đang gặp rắc rối, điều ông đối mặt là cái cúi đầu tương tự.

Tôi có đứa em họ, nói theo thành ngữ tiếng Anh, thì nó là "black sheep of the family - chỉ một thành viên bất thường, kỳ quặc và đem lại tai tiếng cho gia đinh". Trong nhà ai cũng bảo nó là đứa có tài. Từ hồi nhỏ, nó đã để lộ năng khiếu hội họa trời cho và mọi người đều tin tưởng nó sẽ có một tương lai xán lạn khi đi theo ngành thiết kế. Nhưng không hiểu sao thời trưởng thành của em họ tôi là một thảm họa. Nó luôn rơi vào cảnh thất nghiệp và nợ nần. Mỗi lần như vậy nó đều mượn tiền hết người này tới người khác không chừa một ai. Một hôm, tôi có việc ghé qua nhà nó, thấy trên tường ghi những dòng chữ tự nhắc nhở bản thân: "Dậy sớm ngồi thiền" - "Đọc nhiều sách, không chơi game" - "Giặt quần áo ngay khi tắm xong" Bỗng nhiên thấy tội nghiệp, hóa ra nó cũng có chút suy nghĩ, biết tự nhắc nhở động viên chính mình. Nhưng rồi hết lần này tới lần khác cho nó mượn tiền, tiền thì một đi không trở lại mà cuộc sống của nó thì mãi chẳng thấy khá hơn. Cả gia đình dòng họ tôi đã nhiều lần tìm cách vực em tôi dậy mà vẫn thất bại. Ngay cả người kiên nhẫn nhất với nó là chú tôi giờ cũng lắc đầu bỏ mặc.

Nghĩ đến những người như em họ tôi, đến em trai của Norman Maclean, tôi tự hỏi gia đình hay bạn bè của họ có thể làm được gì? Hầu như là không gì cả. Những người như vậy, tận sâu bên trong họ cực kỳ yếu đuối và nhạy cảm. Họ không muốn được cứu, họ từ chối sự giúp đỡ. Khi có ai đó nói gì đến họ thì họ hoặc im lặng cho qua hoặc nổi nóng cự cãi. Rốt cuộc con người luôn trưởng thành theo cách của anh ta. Người khác, dù thân thiết thế nào, cũng khó mà can thiệp được.

Một người em khác của tôi bảo rằng hồi nó bị trầm cảm vì thất tình, nó đã chìm trong tuyệt vọng vào vũng lầy cảm xúc, lẩn quẩn không lối thoát. Đã có những lúc nó rất muốn được cứu thoát khỏi cái hố mà nó đã sa vào. Nó rất mừng vì rốt cuộc cũng đã sáng mắt ra và tự kéo mình lên được. Rồi nó hỏi tôi: "Không biết những người như vậy, có khi nào họ mong muốn được giúp đỡ mà không được. Không biết có khi nào họ đang kêu cứu mà mình không biết. Và không biết liệu mình có thể làm gì để giúp đỡ họ không?

Trong quyển Nơi dòng sông chảy qua, tác giả cũng tự hỏi mình một câu tương tự. Ở cuối truyện, tác giả kể Paul bị đánh đến chết bằng báng súng và vứt xác vào một hẻm nhỏ. Cái chết làm người cha của ông không bao giờ đi vững được nữa. Một lần, cha ông hỏi: "Con có nghĩ là lẽ ra, cha đã có thể giúp nó?" Norman trả lời ông cũng bằng một câu hỏi: "Cha có nghĩ là lẽ ra, con đã có thể giúp nó?"

Nhưng câu trả lời của tôi là không. Với đứa em họ của tôi, dù cả gia đình đưa tay ra cứu cho nó thoát khỏi nợ nần hết lần này đến lần khác, nó lại ngựa quen đường cũ. Với Paul, anh đã từ chối sự giúp đỡ ngay cả khi anh cần nó nhất. Người ta không thể cứu một người không tự cứu chính mình. Bản thân người đó không tự nỗ lực thì không ai có thể giúp họ được.

Như bao nhiêu người khác trên đời. Một bạn trẻ phát hiện ra mình gay nhưng không chấp nhận bản thân mình và rơi vào trầm cảm vì mặc cảm tự ti. Một người đàn ông mập đến 100 ký mà vẫn không lên kế hoạch giảm cân. Một cô gái yêu người đàn ông đã có gia đình, rồi có con với anh ta, bị anh ta chửi rủa đối xử thậm tệ mà vẫn không từ bỏ. Một cậu bé khép kín im lặng mải mê cá độ bóng đá, chán nản khi làm việc và lười biếng không muốn lao động. Trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, có không ít trường hợp người nhà của họ nhờ tôi giúp đỡ, tư vấn. Nhưng tôi luôn thấy rằng: Rất khó để giúp nếu người được giúp không chịu hợp tác. Chỉ mình mới cứu được mình. 1

Điều mà họ thiếu là nắm thế chủ dộng để thay đổi cuộc đời. Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, dông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không viết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời.

Cách sống thụ động có nhiều biểu hiện. Như một trường hợp mà tôi từng hỗ trợ là một kiể. Khuyến khích là được sách thi lúc đọc lúc không. Hướng dẫn xong cũng không biết nói lời cảm ơn. Biết tôi có rất nhiều sách mà không mở lời mượn. Không bao giờ chủ động trò chuyện cập nhật tình hình. Đợi khi nào tôi hỏi thăm mới lên tiếng. Nếu tôi không hỏi cũng không biết là em ấy đang gặp khó khăn để tìm cách giúp đỡ.

Nguồn lực trong đời không thiếu. Người tốt ở đời rất nhiều. Không lên tiếng chẳng ai biết mà giúp. Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình, chủ động cứu giúp mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.

***

TÌM KIẾM BỘ LẠC CỦA BẠN

"Rốt cuộc thì con người là tất cả những gì bạn có, họ sẽ là phần đem lại sự mãn nguyện lớn nhất cho cuộc đời bạn."

- Christine Hassler

"Em thấy mình như người của hành tinh khác vậy chị ạ!" Em bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.

"Em thấy mình không hề giống những người xung quanh. Bạn học cùng thời với em giờ không thể trò chuyện được nữa vì tụi nó có những mối quan tâm quá khác, thời trang mỹ phẩm nam nữ yêu đương. Đồng nghiệp ở sở làm thì đi làm về rồi bia bọt nhậu nhẹt, không thích công việc của mình nhưng vẫn cố ở lại vì không biết làm gì khác, hằng ngày lê đến sở làm như những cái xác biết đi."

"Ở lớp đào tạo lãnh đạo em đang học toàn những người giỏi, nhưng cũng chỉ nói chuyện lập nghiệp, chuyện kinh doanh lợi nhuận. Muốn nói chuyện văn hóa, giá trị sống liền bị gạt đi, bảo cứ phải lo kinh tế trước đã. Gia đình thì thấy em có công việc lương cao, ổn định, còn có gì để mà phàn nàn."

Em bảo những lúc mọi người có chuyện thì thường tìm đến em để nhờ khuyên nhủ. Còn khi em cần thì chẳng có ai. Muốn nói, muốn kể, mà không biết kể với ai. Mà có nói cũng chẳng thấy ai hiểu mình. Nên đành im lặng vậy thôi. Đôi khi thấy mình cô đơn lạc loài trong cuộc đời này.

Em nói: "Chị biết không, có những ngày mọi thứ bên trong em đè nén, chẳng có ai để trò chuyện. Em ra bờ sông ngồi một mình, tự nói chuyện với chính mình, nhìn sông nước cây cỏ cho lòng đỡ cô đơn."

Em nói: "Em cân nhắc rất lâu mới nhắn tin cho chị. Đây là lần đầu tiên em chủ động hẹn một người lạ để nói chuyện. Không hiểu vì sao em lại có cảm giác thoải mái kể cho chị nghe câu chuyện của mình. Em vốn là một người rất khép kín và kỹ tính trong các mối quan hệ."

Tôi nhìn em, thấy dâng lên một nỗi đồng cảm. Nhớ những ngày ngồi giữa một đám đông nói cười, mà trong lòng thấy sao trống trải mênh mang. Thấy lạc loài như một hành tinh cô đơn, xoay xoay trong thiên hạ rộng lớn. Như một tảng băng đơn độc trôi dạt trong đại dương bao la.

Tôi nhìn em, nghĩ về những gì đang diễn ra, nhớ về điều mà một người thầy tôi từng nói: "Một thời đại của những giá trị bị đảo lộn." Những thứ tầm thường giải trí rẻ tiền thì lại lên ngôi, còn những điều chân giá trị thì lại lặn xuống dưới. Người ta nhìn nhau qua vẻ bề ngoài, chạy theo vật chất, theo chủ nghĩa hưởng thụ, hoặc chìm đắm vào những thú vui khoái lạc thoáng qua. Tự hỏi cái gì đang diễn ra vậy, mọi người đang làm gì vậy, có vấn đề gì với thế giới này vậy. Tôi đã thấy bao nhiêu người quanh mình bị cuốn theo cái vòng xoáy dữ dội đó. Thấy bất lực vì tiếng nói của mình thì quá nhỏ bé. Nhiều khi chỉ muốn bỏ đi, lên núi xây một cái chòi, sống giữa thiên nhiên cây cỏ.

Nhưng giờ tôi đã không còn muốn bỏ đi nữa. Tôi đã tìm thấy được "bộ lạc" của mình. Sống trong một vòng tròn an lành của những người thầy, người bạn. Đã gặp bao nhiêu người tử tế, thấy được bao nhiêu tấm lòng chân thành, tốt đẹp trên đời. Đã tìm thấy những người cùng chia sẻ giá trị sống của mình. Đã xây dựng được một cộng đồng của riêng mình.

Tôi muốn nắm lấy tay em mà nói, rằng em không chỉ có một mình, rằng em không cô đơn. Rằng có rất nhiều người giống em, chia sẻ những suy nghĩ như em. Rằng lòng tốt, sự tử tế, chân thành vẫn hiện hữu trên cuộc đời này. Rằng tôi đã tìm được bao nhiêu người tốt, tốt hơn mình nhiều lắm, chỉ cần mình lên tiếng, là họ sẵn sàng dang tay ra nâng đỡ. Tôi đã tìm được ngôi nhà của mình, vòng tròn những người giống mình. Những người nhận ra vấn đề với thế giới, và đang cố gắng từng ngày chung tay làm cuộc sống trở nên tươi sáng hơn. Nên em đừng nản chí. Cứ tìm rồi sẽ thấy.

Nhớ thời cách đây vài năm trước, một phiên bản của tôi hướng nội và rụt rè. Tôi ít khi ra ngoài, đi học đi làm về rồi ở nhà, chỉ tham gia những hoạt động thể thao đơn lẻ. Không có nhiều mối quan hệ. Hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Tự cho mình là một kẻ độc lập, tách rời khỏi xã hội loài người. Luôn tự tin rằng mình có thể sống một mình.

Nhưng mãi rồi tôi mới nhận ra rằng con người không thể, không cần, và cũng không nên sống một mình. Nên tôi thử bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình. Tham gia vào hoạt động thể thao, các câu lạc bộ, đội nhóm. Đi đến những bữa gặp mặt, những bữa tiệc, những sự kiện chật ních người, những chương trình từ thiện đông đảo. Không phải nơi nào tôi cũng tìm thấy những người cùng chia sẻ giá trị sống với mình. Tôi muốn tìm những người lịch sự, hòa nhã, chân thành, quan tâm tới sức khỏe, đến việc sống cân bằng, đến tri thức và phát triển bản thân.

Rồi tôi đăng ký vào một nhóm bơi. Gặp những người bạn thân thiện, cởi mở và vui vẻ. Rồi tôi tham gia vào một câu lạc bộ yoga. Quan tâm tới sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, lịch sự, chân thành và cực kỳ tử tế. Rồi tôi gặp một nhóm tập ghita, một tập thể gồm những người tự học, tự tìm tòi, ham hiểu biết. Người anh trưởng nhóm vừa dạy ghita vừa tổ chức các buổi đọc sách và xem phim truyền cảm hứng. Rồi tôi tham gia vào một lớp tập boot camp miễn phí. Những con người quan tâm đến sức khỏe thể chất, vui nhộn, dễ thương và nghịch ngợm. Sau mỗi giờ tập mệt muốn xỉu, những người bạn trong nhóm của tôi lại trò chuyện, xem xét lại, động viên nhau cùng tiến bộ. Mỗi khi tôi đi đâu xa về, họ chào đón tôi như người thân trong gia đình.

Và tôi thấy cuộc đời của mình dần dần thay đổi. Tìm được niềm vui, thấy đời mình rộng mở, đủ đầy, mãn nguyện hơn khi ở bên cạnh những người giống mình. Tôi tìm thấy trong những cộng đồng như thế tình bạn và sự hỗ trợ. Tôi giới thiệu những cộng đồng lành mạnh đó cho nhiều người trẻ khác nhau. Và tôi lại có cơ hội gặp thêm nhiều người bạn ở đó. Nhiều độc giả của tôi đã trở thành bạn bè từ những buổi học yoga, boot camp chung. Tôi giới thiệu những giá trị hữu ích cho người khác. Và tôi nhận lại được rất nhiều điều quý giá cho bản thân. Vì đơn giản giúp người cũng là một cách để giúp mình.

Người trẻ ngày nay không ít người khép kín, ngại giao tiếp, tiếp xúc phần lớn với laptop và điện thoai. Nhưng việc tìm kiếm bộ lạc riêng cho mình là một điều cần thiết. Khi sống hòa mình vào mọi người, cuộc sống trở nên thoải mái, dễ dàng và có nhiều niềm vui hơn. Dĩ nhiên, mọi điều trong cuộc sống phải do bản thân mình quyết định. Hầu hết công việc bạn phải tự làm. Nhưng bộ lạc của bạn sẽ ở đó khi bạn cần. Cho lời khuyên, sự nâng đỡ, hỗ trợ nhau cùng lớn lên.

Mỗi bộ lạc có một văn hóa riêng. Phần lớn tùy thuộc vào người dẫn đầu. Hãy tìm kiếm bộ lạc có nền văn hóa, phong cách, giá trị sống mà bạn hướng tới. Đặc biệt là những nơi được dẫn dắt bởi những người lãnh đạo có tâm có tầm, người mà bạn thực sự quý mến và mong muốn trở thành trong tương lai. Vì bạn sẽ học được rất nhiều từ những người như vậy.

Tôi tiếp xúc với khá nhiều đội nhóm dành cho người trẻ trong quá trình làm việc của mình. Vũ, người bạn mà tôi từng nhắc đến, là sáng lập viên của câu lạc bộ sinh viên Your Club, hoạt động rất hiệu quả tại trường Đại học Mở Tp.HCM. Lần đầu tiên tiếp xúc với câu lạc bộ, tôi thật sự bất ngờ. Câu lạc bộ được tổ chức một cách bài bản, có ban truyền thông, ban đối ngoại, ban thiết kế... với các phần việc được chia cụ thể. Các em sinh viên tham gia vào câu lạc bộ có thể làm nhiều thứ khác nhau, từ thiết kế, quảng cáo, marketing, gây quỹ, đến tổ chức chương trình sự kiện. Các em được hướng dẫn, được thử sức với nhiều hoạt động khác nhau, từ đó xây dựng bồi đắp kỹ năng cho mình trong suốt quá trình học đại học.

Tôi bảo Hương, người đồng sáng lập Your Club, rằng câu lạc bộ của bạn ấy thấy thành viên nào cũng có vẻ cá tính cả. Em trả lời: "Dạ, vì khi tụi em tuyển dụng, không tuyển người giỏi, mà tuyển người phù hợp, tuyển người có cùng văn hóa, cùng giá trị sống. Để không những làm được chung với nhau, mà còn có thể chơi được, gắn kết với nhau ở ngoài trường học. Nên nhiều bạn nhỏ trong câu lạc bộ coi đây là gia đình trong suốt thời sinh viên của mình."

Một gia đình lớn, cùng học, cùng làm, cùng lăn lộn gian khổ qua các chương trình, và họ cùng trưởng thành với nhau. Và Vũ, người sáng lập ra câu lạc bộ, có được rất nhiều điều hay ho khi dẫn dắt những người trẻ ấy. Em có được tình thân, có những người xem em như anh lớn trong nhà, những người anh em đồng đội, sẵn sàng đội gió đội mưa làm nhiều thứ vì em, hễ em cần là có mặt, kề vai sát cánh hỗ trợ em hết mình. Khi cho đi nhiều và ta sẽ nhận lại được không ít.

Các câu lạc bộ đội nhóm còn là nơi rất tốt để phát triển những kỹ năng thiết yếu cho công việc sau này: kỹ năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề. Mặt khác những người tham gia chung đội nhóm có thể là mạng lưới quan hệ để hỗ trợ người trẻ tìm kiếm được những cơ hội việc làm sau này.

Những câu lạc bộ đội nhóm dành cho người trẻ không phải là ít. Nhưng để tìm một nơi thích hợp với bản thân thì không phải là dễ dàng. Xã hội chúng ta vẫn còn thiếu những cộng đồng, những môi trường, những mối liên kết để hỗ trợ con người. Người trẻ với bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu băn khoăn khi bước vào cuộc sống, rời xa gia đình, lần đầu vào đại học, hay lần đầu tiếp xúc với thế giới công sở, cần biết bao những cộng đồng hỗ trợ. Nhưng khi họ thử bước ra bên ngoài môi trường an toàn, thử tham gia vào các câu lạc bộ, đội nhóm cho người trẻ, thì không phải ở đâu cũng phù hợp. Một cậu sinh viên năm hai đại học từng chia sẻ với tôi: "Em đã thử đăng ký các câu lạc bộ tiếng Anh, kỹ năng ở trường, các câu lạc bộ của Hội sinh viên, Đoàn thanh niên, nhưng không thể hòa nhập được." Họ bắt gặp quá nhiều người hiếu thắng và tự tin, cạnh tranh đấu đá để đi lên, khoe khoang thể hiện, hoặc mải mê vào những giá trị vật chất. Thử một hai lần, không tìm đâu ra được nơi cho mình, rồi họ buồn bã, rút vào thế giới cô độc như cũ.

Nhưng đừng vì thế mà từ bỏ.

Trong quyển sách 20 something, 20 everything (tạm dịch: Tuổi đôi mươi, lứa tuổi quyết định tất cả) của tác giả Christine Hassler có viết: "Hãy tìm những người giống bạn, những người nâng đỡ bạn, những người giúp bạn được là chính mình, và bao quanh cuộc sống của mình với họ. Tin tôi đi. Họ ở đâu đó ngoài kia."

Hãy tìm kiếm bộ lạc của mình. Để em thôi không còn là một hành tinh cô độc.

***

TUỔI TRẺ ĐÃ QUA KHÔNG TRỞ LẠI BAO GIỜ

"Không phải lúc nào ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình. Nhưng ta luôn có thể gầy dựng tuổi trẻ cho tương lai mai sau."

- Anthony Bourdain

Độc giả thân mến của tôi, bạn đang còn đi học hay đã đi làm rồi vậy?

Nếu bạn đang đi học, hãy tận hưởng khoảng thười gian quý giá này nhé. Nếu bạn đang đi làm, có hai khả năng xảy ra. Một là bạn đang thích việc mình làm. Xin chúc mừng bạn, bạn thuộc thành phần hiếm hoi của thế giới đấy (trong một khảo sát được tiến hành bởi tổ chức tư vấn quản lý hiệu suất toàn cầu Gallup's, có đến 70% người được phỏng vấn chán ghét công việc họ đang làm). Hai là bạn đang chán việc. Nếu vậy tôi có một lời khuyên miễn phí cho bạn: hãy lên kế hoạch nghỉ việc, ngay và luôn. Đời người chẳng có bao lâu, tại sao lại lãng phí thời gian cho công việc mình không yêu thích?

Trong cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người sống vật vờ, làm việc qua ngày chỉ để có được miếng ăn. Bạn cho rằng tôi sẽ ủng hộ chuyện làm việc ổn định lâu dài ở một công ty tổ chức nào đó sao? Không hề.

Kinh nghiệm của tôi là: Cố gắng níu kéo ở lại làm công việc mình chán ghét không những đem lại hậu quả nặng nề về tinh thần cho bản thân, mà còn gây tổn thất cho tổ chức mình đang làm việc. Một người bạn lớn tuổi của tôi hiện đang làm giám đốc một công ty về truyền thông chia sẻ: "Chị không bao giờ làm một chỗ nào đó quá hai năm. Ta sẽ có xu hướng làm việc theo thói quen và không đóng góp được ý tưởng gì mới vào công việc nữa. Mặt khác, tâm lý chán việc mà cứ ráng làm không hề đem lại được điều gì tốt đẹp. Nó vừa mất thời gian của bản thân, vừa gây lãng phí cho công ty. Nhờ thay đổi công việc một cách chủ động mà chị có nhiều kinh nghiệm ở những môi trường khác nhau, gia tăng khả năng cạnh tranh của bản thân trên thị trường lao động." Lời khuyên này đặc biệt có giá trị đối với những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo cao trong công việc.

Khi làm công tác hướng nghiệp, tôi nhận thấy một điều rằng người trẻ ngày nay không hề thiếu năng lực. Rất nhiều người có kỹ năng tốt, sẵn sàng dồn hết tâm huyết, nhiệt tình vào công việc. Nhưng điều khác biệt so với thế hệ trước là nhiều người trẻ hiện nay không muốn làm đi làm lại một việc suốt đời. Họ không muốn bó buộc bản thân vào mỗi chuyện cơm áo gạo tiền, đủ ăn đủ mặc. Họ không muốn vùi dập đam mê vì công cuộc mưu sinh, hay hy sinh ước mơ chỉ để kiếm sống như cha ông ngày trước. Hầu hết những người trẻ tôi gặp đều băn khoăn muốn làm những điều có ý nghĩa, muốn đóng góp sức mình cho cộng đồng. Nhiều người trong số họ nhận thấy tình trạng xã hội hiện thời với những vấn đề của nó, và trăn trở tìm cách thay đổi.

Một xu hướng khác của những người trẻ sau một thời gian làm việc là mong muốn rời bỏ văn phòng. Họ nhận thấy sự nhàm chán xoay vòng mệt mỏi của việc làm gò bó theo giờ giấc cố định. Họ không có thời gian làm việc mình thích, không có thời gian đầu tư phát triển cho tương lai, hay đóng góp cho xã hội. Người trẻ ngày nay muốn tìm kiếm cho mình lối thoát khác.

Họ muốn khám phá, muốn trải nghiệm, muốn làm cuộc sống của mình tràn đầy hơn. Họ muốn ra đi, muốn tìm hiểu thế giới và tìm hiểu chính mình. Họ muốn làm việc trong không gian mở, trong môi trường sáng tạo, muốn rời bỏ văn phòng chật chội, quay về với thiên nhiên. Một số người lựa chọn việc dạy học cho trẻ em, làm việc trong các trang trại, hoặc làm đầu bếp, họa sĩ, mở tiệm bánh, thiết kế quần áo, tự làm mỹ phẩm tại nhà. Họ muốn làm việc liên quan đến nông nghiệp, giáo dục, nghệ thuật, từ thiện... Họ muốn những công việc vừa có ý nghĩa với bản thân, vừa đem lại giá trị cho xã hội.

Đối với tôi, đó là những dịch chuyển tích cực.

Nhiều người chấp nhận sống với một công việc suốt cả đời, điều đó không có gì sai nếu như họ thấy hạnh phúc mãn nguyện. Nhưng nếu bạn không hài lòng với công việc hiện tại, muốn chuyển hướng sự nghiệp, theo đuổi một con đường khác, thì hãy bắt đầu thay đổi. Hãy lập kế hoạch cho cú nhảy cuộc đời, tìm cách sống với đam mê của mình.

Anh Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử), một trong những người đi du lịch bụi lão luyện hơn 13 năm kinh nghiệm, từng chia sẻ với tôi về "cú nhảy đam mê" của anh. Anh từng thực hiện những chuyến đi đến những nơi hiểm trở, địa đầu tổ quốc, khai phá những địa danh mới trên bản đồ "phượt" Việt Nam, như Pha Luông, Thổ Chu, Điệp Sơn, Hòn Móng Tay Phú Quốc... Anh cũng tổ chức nhiều chuyến đi du lịch bụi cho những người trẻ đam mê du lịch. Ít ai biết rằng khởi đầu sự nghiệp, anh là một nhân viên kinh doanh. Nhưng bằng tình yêu du lịch bụi, anh đã tận dụng mọi thời gian để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của mình qua những chuyến đi. Hiện tại, anh là một phóng viên ảnh có tiếng, một người quảng bá du lịch, và là một trong những "phượt thủ" có ảnh hưởng lớn trong giới du lịch bụi Việt Nam.

Một người bạn khác của tôi, anh Đặng Trần Lê Vũ, từng làm chuyên gia đào tạo, chuyên viên marketing, copywriter cho những tập đoàn lớn của nước ngoài. Nhưng anh không thực sự thấy phù hợp với môi trường công sở. Anh tự học đàn ghita, từ từ biến sở thích này thành nguồn thu nhập chính của mình. Hiện tại anh đang có các lớp dạy đàn với rất nhiều học viên theo học, mở khóa học trực tuyến về đàn ghita, dạy lớp "đàn kể chuyện" ở tổ hợp giáo dục Toa Tàu, và ra sách hướng dẫn cách tự học đàn. Với việc làm tự do như vậy, anh còn có thời gian để thực hiện công việc tư vấn đào tạo cho người trẻ, hướng dẫn một câu lạc bộ đọc sách, và điều hành quán cà phê riêng của mình.

Nhiều người bạn khác hay hỏi tôi làm thế nào để có thể chuyển từ công việc làm để kiếm sống sang việc mình yêu thích. Thế nào mà từ một người làm chuyên ngành ngoại thương, tôi lại có thể chuyển sang làm tác giả, làm người viết, blogger du lịch, sống với đam mê của mình.

Chuẩn bị cú nhảy không phải là việc dễ dàng. Bạn phải thức khuya dậy sớm, rèn luyện bất kể ngày lễ hay cuối tuần. Bạn phải làm việc trong khi người khác đang ngủ. Bạn phải dành 200% năng lượng cho công việc và cuộc sống. Nhưng những nỗ lực của bạn sẽ được tưởng thưởng.

Vậy cần chuẩn bị gì trước khi chuyển hướng để sống với cuộc đời mà bạn mơ ước?

1. Mài giũa khả năng

Trong lúc bạn còn làm việc toàn thời gian, hãy tự rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức, tạo nền tảng cho cú nhảy đổi đời.

Albert Einstein đã dành thời gian ngoài giờ làm việc để nghiên cứu về vật lý và toán học trong suốt sáu năm trời, với vị trí nhân viên kiểm tra bằng sáng chế tại Văn phòng sở hữu trí tuệ ở Bern - Thụy Sỹ, trước khi công bố thuyết tương đối cho cả thế giới. Julia Child là một người đánh máy, một nhân viên của CIA, rồi tham gia các khóa học nấu ăn và học hỏi từ những đầu bếp chuyên nghiệp, trước khi trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất nước Mỹ, được là nguyên mẫu cho bộ phim Julie & Julia. Khaled Hosseini viết tiểu thuyết sau những giờ làm việc mệt mỏi tại bệnh viện, và chỉ chuyển sang làm nhà văn khi đã xuất bản thành công tác phẩm Người đua diều, sau mười năm hành nghề bác sĩ. Andrea Bocelli làm luật sư vào ban ngày và đi hát ở quán rượu mỗi đêm trước khi trở thành ca sĩ opera hàng đầu thế giới. Không có vĩ nhân nào trên đời mà không trưởng thành từ những giờ luyện tập mướt mải mồ hôi.

Vậy hãy tận dụng thời gian để rèn luyện những kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho thay đổi sắp tới.

2. Chuẩn bị tài chính

Không thể làm việc mình thích với một cái bụng rỗng. Bạn cần có một kế hoạch tài chính rõ ràng, nguồn lực vững vàng trước khi nhảy sang làm điều mình thích. Hãy tiết kiệm hết mức trong khi làm việc toàn thời gian. Chuẩn bị cho mình một ngân sách, nguồn thu nhập hoặc sổ tiết kiệm. Ít nhất hãy chuẩn bị đủ một năm sinh hoạt phí, trước khi nộp đơn nghỉ việc và theo đuổi dự định mới của bạn.

Bạn định nghỉ việc để lập công ty riêng, không thể xin bố mẹ tiền ăn sáng. Bạn muốn chuyển sáng theo đuổi con đường nghệ thuật, không thể mượ bạn bè tiền cà phê. Bạn khát khao đi vòng quanh thế giới, không thể vay mượn ông anh tiền mua chiếc ba lô. Để cho ước mơ thành hiện thực, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính.

3. Mạng lưới hỗ trợ

Điều không thể thiếu khi theo đuổi đam mê là sự hỗ trợ của những người xung quanh. Hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè, người quen... để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Với những động viên và điểm tựa tinh thần của người thân, bạn sẽ không cảm thấy đơn độc trên con đường của mình. Mặt khác, hãy mở rộng vòng tròn quan hệ, tìm kiếm cộng đồng, phát triển mạng lưới, bao quanh bản thân những con người cùng chí hướng. Bạn sẽ có thêm nhiều năng lượng và ý tưởng để hiện thực hóa đam mê của mình.

4. Kỷ luật làm việc

Không ít người trẻ mong muốn rời bỏ văn phòng và chuyển sang làm chủ, hoặc làm việc tự do. Nhưng người xưa đã nói, ở đời cái gì cũng có nhất lợi nhất hại, nhất trường nhất đoản. Thử thách lớn nhất đối với những người tự làm là phải làm chủ được chính mình, quản lý thời gian thật tốt, kỷ luật cá nhân chặt chẽ.

Làm việc không có sếp, không có đồng nghiệp, không có ai quản lý, vừa sướng mà cũng vừa khổ. Làm chậm, làm sai, chẳng ai la mắng, chẳng ai chỉ dạy, chỉ có khách hàng lặng lẽ bỏ đi. Nên dù bạn làm gì đi nữa, hãy vạch ra và tuân thủ thời gian làm việc, thiết lập ưu tiên công việc, lên danh sách những việc cần làm và nỗ lực hoàn thành.

5. Kế hoạch phòng bị

Hãy tính toán một kế hoạch dự trù. Giả sử mọi việc không xảy ra như ta dự định, giả sử ta sai lầm, giả sử khả năng của ta chưa đủ cho cú nhả đổi đời, giả sử ta mất hết toàn bộ nguồn vốn... thì ta sẽ làm thế nào? Hãy hy vọng một kết quả tươi đẹp nhưng cũng đừng quên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Tuổi trẻ phương Tây thường có xu hướng xông pha khám phá, tìm kiếm những trải nghiệm ngoài trường học và văn phòng khiến cuộc sống tràn đầy màu sắc. Một cô bạn người Argentina từng kể cho tôi nghe những trải nghiệm đáng ghen tị, như làm phục vụ trên tàu viễn dương, vắt sữa bò trong nông trại hữu cơ ở Úc, lặn cùng cá mập trắng ở Nam Phi, đi bộ suốt con đường mòn Appalachian dài 3.500km ở Mỹ. Nhưng những người như cô lại thiếu những kinh nghiệm có thể để vào CV, để gây dựng sự nghiệp. Đến tuổi ba mươi, cô vẫn đang băn khoăn không biết mình nên phát triển theo hướng nào vì hầu hết các kinh nghiệm làm việc của cô rải rác qua nhiều lĩnh vực, thường là công việc bán thời gian và không đòi hỏi kỹ năng chuyên môn.

Còn đa phần người trẻ Việt Nam hiện nay thì lại chú ý quá nhiều vào học hành, vào sự nghiệp. Cuộc sống hầu như chỉ biết đến công việc, không biết đến các trải nghiệm khác, đến những điều khác cần thiết trong cuộc sống như âm nhạc, khiêu vũ, các môn thể thao, dã ngoại, leo núi... Ngay cả kỹ năng sống còn như bơi lội không phải người trẻ nào cũng biết, đừng nói đến những trải nghiệm đặc biệt thử thách khả năng chịu đựng của bản thân, khiến con người bước ra khỏi vùng an toàn của mình và làm cuộc sống thêm phong phú. Điều mà giới trẻ Việt Nam nên làm là cân bằng giữa những trải nghiệm làm giàu cuộc sống, và những kinh nghiệm có thể đóng góp vào sự phát triển dài hạn cho nghề nghiệp (nói cách khác là những điều có thể liệt kê trong CV).

Không ai trên đời có hai lần tuổi trẻ. Trong khi nhiều người trong tuổi trẻ lạc lối mất phương hướng, lãng phí thời gian, thì họ không biết rằng những gì họ đang làm hay không làm hôm nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cả cuộc đời còn lại. Qua 30 hay 40 tuổi, công việc cuộc sống của hầu hết mọi người đã ổn định, khó học thêm làm thêm được gì, và cuộc sống ít có những thay đổi to lớn.

Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thứ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, mạng lưới hỗ trợ cho tương lai. Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được.

Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày để sống.