"Anh đi đâu mà ngẩn ngơ vậy?"
Tôi ngạc nhiên quay người nhìn nàng, chiếc áo lụa dài, chiếc áo len đen bó sát lấy mình:
"Anh đi bỏ thư cho ông chú, anh đang hỏi mình: đi đâu đây, còn em, mới sáng tinh mơ đã ở đây rồi, trời lạnh mà em dậy sớm vậy được".
Hiền mỉm cười; môi nàng bị khô cứng, má hồng lên và những sợi lông tơ mướt trên vành tai, giọng Hiền vui:
"Sáng nay em theo ông anh xuống dưới này có chút việc, xong rồi, em tính về chợ Đồng Xuân mua mấy thứ lặt vặt, anh có đi chợ không?"
"Đi chợ, đàn bà đi chợ để ăn quà chứ con trai đi chợ làm gì".
"Đi ăn quà, chứ con trai không biết ăn quà sao? Anh đi em mời ăn bún chả, bún ốc, xôi chè, thứ gì cũng được hết".
"Cũng hay".
Tôi ngúc ngúc cái đầu rồi đứng im. Tiếng Hiền:
"Sao, anh đi không?"
"Thì đi".
Tôi bước xuống lề đường và đi về phía toà thị chính, tôi chợt ngừng vì không thấy Hiền, tôi ngó lại, Hiền vẫn đứng trên thềm nhà bưu điện, lúc thấy tôi ngừng lại Hiền mới bước xuống và đi tới, nàng hơi nhíu mày hỏi:
"Trông anh có vẻ làm sao ấy, anh có bận gì không, có hẹn chẳng hạn".
"Không, em nói đi và anh đi thì em đứng lại. Có tại sao đâu".
"Em không tin".
Chúng tôi cùng bước, chúng tôi vượt qua cửa vườn hoa Chí Linh, đài kỷ niệm chừng như mới được sơn lại, màu vàng tươi trên tấm bản đồ Việt.
Gò đất cao ấy là một chiếc hầm tránh bom được xây cất có lẽ từ lúc Nhật thả bom quân đội Pháp, người ta để nguyên như vậy và cất trên đó một đài chiến sĩ trận vong. Trông anh có vẻ làm sao ấy. Chúng tôi vượt khỏi cửa toà thị chính. Mấy hôm liền tôi không ngủ được vì những chuyện đâu đâu, thằng em nhỏ con chú tôi nó đau nặng. Quá lâu tôi không được tin của chú. Những nao núng lựa chọn của bạn hữu làm tôi không yên tâm.
Hiền dừng lại nơi trạm tàu điện:
"Mình đứng đây chờ tàu anh".
Tôi đứng lại bên cạnh Hiền, hai tay thu vào túi, bên chúng tôi có một ông già mặc chiếc áo khoác dài, đầu đội mũ da chốc chốc ho khù khụ.
Phía trong dãy tường thấp một toán thanh niên mặc quần đùi, áo lót trắng đánh bóng chuyền reo hò xen với tiếng chân chạy và tiếng bóng đập.
"Mới đầu mùa mà anh lạnh quá".
"Anh tệ quá, có lẽ anh không được khoẻ đó. Em thấy cũng thường, buổi sáng bỏ tay vào nước đâu đã thấy gì".
"Nhất em rồi còn gì".
Chuyến tàu kéo hai toa đã chạy đến, tiếng chuông đổ liên hồi, tàu đông kẹt, người ta để những quang gánh ra cả cửa sổ, người ta đứng chen trên bực lên xuống. Ông cụ đứng bên lẩy bẩy chạy ra nhưng không tìm được khe hở nào để lên, ông lẩm bẩm vẻ thất vọng một cách bực bội, Hiền quay mặt nhìn chỗ khác, không có ai xuống, chuyến tàu lại đi.
Tôi nói:
"Thôi mình đi bộ cho ấm, em đi được không?"
"Em ngại…"
"Sợ có ai gặp chứ gì, ồ bây giờ chứ đâu phải ngày xưa của các cụ".
Hiền ngại ngùng một lúc rồi đồng ý:
"Chưa bao giờ em đi chơi một mình với anh. Đi vui chắc không thấy xa, đi từ đây lên tận chợ để ăn một mẹt bún chả kể cũng mệt anh nhỉ".
"Để sau này còn có chuyện mà nhớ".
Tôi xúc động không duyên cớ. Để nhớ, tôi mỉm cười, chúng tôi qua đường đi theo bờ hồ cho dễ đi:
"Nếu bác biết em đi chơi với anh bác có rầy không?"
"Đâu phải mình hẹn hò gì" - Hiền ngập ngừng quay đầu ngó vào mắt tôi - "Anh thấy vậy không, mà mình có…"
Hiền im không nói nữa, bước chân đều và nhanh, tôi nói:
"Có gì?"
Hiền quay lại, mặt ửng đỏ. Tôi nhớ đến Thịnh:
"Giá còn anh Thịnh chắc thích lắm, hồi xưa mấy anh em còn đi chơi. Bây giờ lớn rồi chẳng còn được như trước nữa".
"Chẳng biết anh Thịnh vào trong ấy sống chết ra sao, lâu lâu mẹ con em nhắc đến và khóc. Mẹ em đang tính hỏi vợ cho anh Nghĩa, đám này có vẻ thành vì anh Nghĩa cũng bằng lòng. Nếu yên được, khi anh Thịnh về thì đã khác hẳn. Biết đâu anh ấy lại không mang về với một cô vợ Cần Thơ".
"Có thể lắm, trong ấy lấy vợ lấy chồng dễ dàng hơn. Giá hồi đó anh lớn như bây giờ anh cũng đi rồi".
Hiền im lặng, tôi mường tượng về một Miền nam hoang vu, những cánh đồng bát ngát không có nhà cửa, ruộng không có bờ, những cánh rừng cao su tăm tối, những người phu trong đời sống lầm than như sự miêu tả của nhiều người về vùng đất đai xa xăm tôi chưa biết đến. Ở phố hàng Gạch có một nhà căng bảng mộ phu đi Nam bộ, tôi nhìn thấy ở đó những người không kiếm ra công ăn việc làm tới ghi tên, nhận một số tiền thưởng, khăn gói chờ người ta dẫn xuống tàu ra đi, tôi nghĩ họ đi và không bao giờ còn nghĩ đến ngày trở về, họ sẽ có một đời sống. Rồi họ sẽ ra sao, đời sống những người thanh niên ra đi khi Nam bộ vừa bắt đầu nổ súng chống Pháp bây giờ ra sao, nếu tôi cũng đi ngày đó. Súng không chỉ nổ ở Nam bộ, bây giờ súng nổ trên khắp đất nước, cuộc chiến không còn đơn giản như ngày nào, cái ý nghĩa kháng chiến giải phóng chống xâm lăng cũng đã thay đổi, những thay đổi khiến cho lựa chọn tham dự cùng mâu thuẫn nhau. Hiền hỏi:
"Anh tiếc không đi được phải không, tại sao bây giờ anh không đi?"
"Đi đâu?"
"Ra ngoài, có người bảo em ra ngoài".
"Anh không muốn ra ngoài và cũng không muốn ở đây".
Chúng tôi đã qua hết phố hàng Đào và sang đến phố hàng Ngang, những cửa hàng vải đã thưa, những tiệm bánh mứt san sát. Một đám người náo động và tránh phía lề đường tay trái chúng tôi đi sang phía tay phải, người ta nói nhỏ và có vẻ lo âu nhớn nhác, tôi đứng lại, người ta chỉ chỏ về phía bên kia đường, tôi hỏi một người bán hàng đứng đó:
"Chuyện gì vậy ông?"
"Một vụ ám sát".
Người lạ chỉ cho tôi thấy một người đàn ông nằm sóng sướt phía bên kia trên lề đường nơi cửa một tiệm thuốc bắc, chiếc mũ dạ nằm ngửa cách xa xác chết khoảng một sải tay, không ai dám đi ngang qua chỗ ấy những người đi đường hiếu kỳ đứng lại ngó một chút rồi rảo bước lo âu, họ đi vội vã như sợ một liên lụy có thể đến bất ngờ. Người lạ nói tiếp:
"Không biết người nào bắn, bỗng nhiên có tiếng súng nổ rồi người ta thấy người đó ngã ra".
Hiền kéo tay tôi, chúng tôi vượt khỏi đám đông, đi được một khoảng xa chúng tôi thấy một xe cảnh sát và một xe cứu thương chạy ngược chiều xuống, tiếng còi ré lên, những người qua đường không hiểu chuyện gì chợt ngừng lại rồi tiếp tục công việc, mua bán. Hiền có vẻ sợ:
"Trong thành bây giờ cũng chẳng yên gì. Mấy đêm trước ở trên chỗ em súng nổ gần lắm, mẹ em lục đục và em cũng không ngủ được. Hôm rồi em nghe nói về chuyện lựu đạn nổ trong rạp Kim Phụng mà rợn người, sao họ lại ném lựu đạn vào những người đi coi hát, mấy rạp như thế rồi ai còn dám đi coi nữa".
Chúng tôi đã tới cửa chợ, một người cảnh sát Tây đen đang cầm chiếc đòn gánh xua đuổi những người bán rong, từng đám người chạy dạt đi, chúng tôi bước vào cửa chợ, tiếng rao hàng, tiếng động huyên náo, người ta chen chúc nhau khiến tôi phải ngừng lại một lúc mới vào được thoát cửa chợ, nhưng đến khi tôi vào được trong thì tôi không tìm thấy Hiền, tôi đi theo dãy hàng hoa quả, rồi ngang qua khu hàng ăn, sau cùng tôi đành đứng lại nơi hàng bán cây cảnh và súc vật, tôi cố gắng hết sức nhưng không sao tìm ra bóng Hiền giữa vô vàn những người ra vào không ngớt xáo trộn, ồn ào, di chuyển như thác lũ. Nếu có một trái lựu đạn nổ, tôi quanh quẩn một lúc rồi tìm cách trở ra, tôi nghĩ chắc Hiền cũng đang quanh quẩn ngóng trông tìm tôi nơi nào đó. Ra phía ngoài cửa chợ, tôi đứng ngó ngàng, tôi nhìn vào mặt những người qua lại nhưng không gặp một khuôn mặt quen. Nắng đã lên cao, vẻ khô lạnh dần tan, tôi cảm thấy mồ hôi ướt trong lòng bàn tay. Tôi bỏ khu chợ trở về.
Không khí im lặng buổi sáng trong căn nhà vẫn còn, ông tôi còn ngồi trên sập khoác trên người một chiếc chăn bông mỏng lót vải màu gụ, thấy tôi ông khẽ ngửng đầu ngó lên đứa em gái tôi mới bốn tuổi thơ thẩn ngồi nghịch những viên đá sỏi nơi chân cầu thang. Thím tôi từ dưới nhà lên hỏi:
"Cháu đã bỏ thư cho chú chưa?"
"Cháu vừa bỏ thư sáng ngày, chậm lắm ngày kia chú nhận được".
"Thím nóng cả ruột, không hiểu sao lần này quá lâu không thấy chú về, đường sá hồi này thím nghe nói cũng không an ninh gì, những người buôn bán họ cũng còn sợ nữa".
"Mới sáng này lại có một vụ ám sát ở hàng Ngang".
"Ai vậy?"
"Không biết ai và tại sao".
Tôi lên gác và nằm cuộn mình trên giường. Tôi nghĩ đến Hiền trong đám đông.
Buổi trưa khô nóng dần, tôi thiếp đi chập chờn từng lúc một, đám đông náo động, khuôn mặt một người máu me đầm đìa chạy cuồng kêu gào rồi mất tăm. Trong đám đông ấy tôi gọi Hiền không ra tiếng. Chuyến xe lửa chạy ngang qua cầu lúc hơn mười giờ, tôi nằm im tỉnh táo nghe tiếng còi kéo dài. Buổi chiều Trương đến tìm và chúng tôi đi dạo.
Chúng tôi men theo chân cầu xe lửa đi ra phía miếu Hai Cô rồi rẽ ngang qua bến Nứa, chúng tôi dừng lại nơi đầu cầu xem một toán lính Ma Rốc đang dắt ngựa từ phía Gia Lâm sang, Trương ngạc nhiên:
"Bây giờ Tây nó lại dùng ngựa để đánh nhau nữa sao?"
"Chắc họ mở mặt trận miền núi, xe cộ lên đó đâu có được".
Từng đoàn người ngựa lũ lượt xuống khỏi cầu đi về phía Thành, xe cộ mắc kẹt đông lại nơi ngả đường. Tôi ngó xuôi con đường hàng Đậu, nhà chứa nước đứng sừng sững, hai bên những bức tường cao đứng chênh vênh, dấu vết cơn lửa đạn vẫn chưa hết.
Trương nói:
"Cậu có gặp thằng Vịnh không, chẳng hiểu nó đã đi chưa".
"Tôi không gặp, nhưng chắc nó chưa đi. Nó làm bộ có vẻ dứt khoát nhưng thực ra nó chần chờ phân vân, một thứ mặc cảm. Nó tưởng nó khác nhưng thực nó cũng băn khoăn như mình. Mình có nói với mình là đừng tự lừa mình. Theo đuổi một mục đích mà mình không tin tưởng thì theo đuổi làm gì, cậu nghĩ sao".
"Hắn muốn thoát khỏi hắn, mình sợ mình ngờ vực nhiều quá. Hắn muốn hành động, đó là một điều hay, sau đó sẽ có kết luận".
Chúng tôi bỏ đám đông lại đầu cầu đi ngược lên phía trên. Bến Nứa vẫn còn bỏ hoang, một khoảng trống rộng mấy đứa nhỏ đang tập xe đạp, một trạm bán xăng đổ nát, trên đường đê thấp um tùm những cây dại mọc, xác một chiếc xe hơi cháy nằm phơi bụng han rỉ, phía ngoài xa dòng sông hẹp lại trong tầm mắt che khuất bởi những cỏ dại mọc cao hơn bãi. Cầu Long Biên xám lơ lửng trên những chân cột, trên đó những chiếc xe như bị làm nhỏ đi di động chậm chạp.
Chúng tôi đi đến đầu ngõ Hồng Phúc thì dừng lại vì gặp một đám đông người đang bu quanh nơi chiếc bậc gạch để đi từ đường đê xuống ngõ thông qua phố hàng Than, bậc gạch cao xây cẩn thận, hai bên có hai bờ tường dày, những đứa trẻ con leo lên đó ngồi đông đặc. Chợt mấy người trên phía đê kêu lên:
"Nó kia rồi".
"Ê, mấy đứa nhỏ tránh ra không chết bây giờ".
"Tránh ra…"
Những người đang đứng trên bậc gạch cùng mấy đứa nhỏ cuống quít rẽ sang hai bên, từ phía trên tôi nhận thấy một tên lính da đen đang phóng chiếc xe đạp cuốc tới, hắn nằm rạp xuống thành xe rồi từ trên mặt đường lao xuống dốc, chiếc xe bật lên rớt xuống trên bậc gạch làm chiếc xe nhiều lúc mất thăng bằng nhưng vẫn xuống được đầu đường rồi chạy tiếp. Anh lính ngẩng người ngồi thẳng quay nhìn lại giơ cao tay vẫy đáp lại tiếng la cổ võ và tiếng vỗ tay của những người đứng xem. Trương cười nói với tôi:
"Hắn đang tự tử".
"Làm một thằng người có quê hương nhưng không được sống, bị bọn da trắng tới đánh chiếm rồi mang đi đánh nhau ở một nơi như thế này, đùa giỡn cái chết chứ còn biết làm gì hơn nữa".
Chắc hắn đang tưởng là một hiệp sĩ oai hùng ghê lắm, một lúc nào chiếc xe gãy đâm vào bụng, hay chiếc xe hất hắn xuống chết là hết. Thật giản dị vô cùng. Chắc hắn sẽ cười, chết một cách thật êm thắm, tôi nghĩ mà thương hại hắn, cái chết ngoài mặt trận không làm sợ hay chính làm nó sợ đến nỗi muốn tìm cái chết một cách khác, cái chết trong vui chơi mạo hiểm.
Mọi người vẫn đợi, nhưng quá lâu người ta chưa nhận thấy hắn xuất hiện trở lại. Họ bàn tán: "Chắc nó về rồi, từ chiều đến giờ chắc cu cậu mệt đừ rồi" Lâu lắm mới thấy hắn trở lại chừng như hắn mới đi trận về. "Thằng ấy mà nó ra trận thì hăng hái phải biết, nó coi cái chết như chơi, hôm nay nó đi đã tài lắm, lần trước nó làm gãy hai cái xe đến nỗi anh chàng cho thuê xe không dám cho hắn thuê xe nữa". "Gãy xe nó đền tiền chứ có mất đâu". "Cái thằng nó cũng điên ghê, nó để tiền mà uống rượu hay đi nhà thổ còn sướng, đi làm trò kể cũng tức cười. Cái thằng này nó hiền ghê, hôm trước nó đi xe chán ngồi đừ ra cho bọn con nít nó đùa rồi còn mua kẹo chia cho chúng nữa, tôi chưa thấy thằng tây nào như thằng này, nó là dân Phi châu mà". "Kìa nó lại đến kìa, chạy lẹ lên".
Hắn đang đạp xe tới, nó vừa cúi người vừa kéo dài cái môi dày ra hai mép, mồ hôi vã ra bóng loáng trên nước da đen sần sùi. Hắn phóng xe xuống, chiếc xe nảy lên loạng choạng, nghiêng ngả nhưng lần này khi vừa xuống đến mặt đường thì bánh trước quẹo ra và hắn ngã xuống, chiếc xe đè lên hắn, người ta reo lên, hắn vẫn cười và gượng dậy, một người đứng đó tới đỡ giúp hắn chiếc xe, hắn nói lí nhí: méc xi, méc xi. Hắn giữ lấy xe, bóp bóp cái lốp thăm chừng rồi để cái xe nằm xuống, tháo cái bơm ra và hì hục bơm, trẻ con bu lại bên hắn. Trương kéo tôi đi:
"Một trò xiếc hấp dẫn".
"Chiến tranh vô nghĩa làm cho người ta điên lên".
"Hắn không còn tự do, ngoài tự do chết, mình không hiểu xưa kia các cụ mình có người phải xuống tàu sang Âu châu đánh nhau với Đức thì sao nhỉ, nhất là đi đánh với những người không có thù oán gì".
"Có lẽ chẳng ai nghĩ được gì, họ đánh và giữ lấy mạng sống, đã đến mặt trận, ngửi mùi thuốc súng người ta không nghĩ gì nữa. Ví dụ lấy quân đội của cùng một bên, tất nhiên không có thù hằn gì, chia ra làm hai rồi ra lệnh phải bắn nhau, thằng nào thắng thằng ấy sống thì họ cũng bắn nhau hăng như thường. Bản năng tự vệ".
Chúng tôi đi ngược lên phía nhà dép cao su Con Hổ, đến đầu nhà nhà máy nước quẹo xuống hàng Than, Trương nói:
"Cậu nghĩ tôi có nên đi với Vịnh không? Nó nói muốn tôi cùng đi cho nó có bạn".
"Cậu trả lời hắn chưa?"
"Chưa, tôi nói để tôi nghĩ xem. Tôi nói thế nhưng tôi không nghĩ gì hết, tôi còn ông cụ với thằng Thu nữa. Ông cụ mong cho tôi học rồi còn đi kiếm tiền. Các cậu có lẽ ít bận vì những chuyện nhỏ như tôi".
Tôi lặng im, con phố dốc đang đưa chúng tôi xuống.
"Chừng như những ảo tưởng đang đầu độc mình. Chú tôi từ ngoài trở vào, tôi ngạc nhiên hỏi ông tại sao vào, cuộc sống hào hùng ở ngoài không đủ sức quyến rũ sao, chú tôi cười, tôi hỏi hay chú đã mệt mỏi, đã già, chú tôi nói có lẽ, chắc cháu nghĩ chuyện ở ngoài ghê gớm lắm, và hành động đi kháng chiến là vinh dự hào hùng lắm, chú nghiêm giọng: để tới đâu? Chú muốn về trông nom mấy đứa nhỏ. Chú không tin họ nữa, hỏng hết rồi. Mình chẳng biết làm sao nẵ. Đó là câu tôi trả lời cậu".
"Nghĩ mãi quá quẩn, tôi mơ hồ thấy rằng những điều trong sách vở mình học hợp lý cho một xã hội khác, không hợp ở đây. Ngay về chuyện giai cấp mà Vịnh nó cứ nói nhai nhải mình cũng thấy không thể có, mình đâu có công nhận, có nông dân nhưng không có tư bản. Ở đây chỉ có cái thành phần cai trị là rõ hơn cả, lớp phú nông cũng chẳng có bao, phú nông của mình đời sống cũng chẳng khác mà có khi còn thấp hơn đa số dân chúng những nước có kỹ nghệ. Ở ngoài họ chỉ có cái chiêu bài chống ngoại xâm mà thôi, cái mục đích đi tới thì mình không thể chấp nhận".
"Cậu có biết những người lính mình khi trước sang Âu châu mang về đây cái gì không, họ mang về cái đồ đàn bà bằng cao su, Tây nó phát cho để thủ dâm. Tây nó dùng mà mình không dùng".
Trương cười thành tiếng, tôi nói:
"Người mình thấy ngạc nhiên lạ lùng lắm, người ta truyền tay nhau coi rồi kêu: Tây nó văn minh thật. Xã hội mình bị thay đổi từ phía bên ngoài vào cho nên chỉ có những phong trào cải lương, mãi mãi chạy theo những trào lưu và cứ lạc hậu. Tôi nghĩ tới điều đó mà lo sợ. Về chuyện Vịnh tùy cậu, tôi có hoàn cảnh để đi với Vịnh nhưng tôi không đi. Vịnh cũng biết vậy nên hôm gặp tôi mới đây hai đứa không nói gì tới chuyện đó. Chắc nó cho tôi là một thứ đồ tồi".
Tới giữa phố chúng tôi bắt gặp tên lính Tây, mặt hắn bị vết sước chảy máu vác chiếc xe đạp gãy một bánh trên vai, hắn hút thuốc phì phèo, mướt mồ hôi, khuôn mặt lầm lì. Trương nói:
"Hắn cũng chưa chết".
Trông dáng hắn nghênh nghênh, bước dài, tôi nghĩ đêm hắn sẽ khóc nhớ vợ, nhớ quê hương khô nóng hắn đã phải rời khỏi. Tôi rủ Trương ghé vào một tiệm sách nhỏ ở đó tôi thấy bày bán những báo cũ trước chiến tranh và gặp hai đứa nhỏ vào hỏi mua Người Nhạn Trắng số 6, ít lâu nay phong trào in truyện Tam Quốc, trinh thám từng tập nhỏ bán một đồng rất phồn thịnh. Ra vườn hoa hàng Đậu chúng tôi uống mỗi đứa một cốc nước gạo rồi Trương về, tôi nói:
"Có khi tối mai tôi xuống cậu ngủ".
Tôi đi xuống chỗ nhà thương khách, ngang qua một nhà thổ tối thấy một tốp lính Tây đang xếp hàng chờ đến lượt. Tôi tới cổng trường hàng Than chờ hai đứa em rồi dẫn chúng cùng về. Buổi chiều xuống dần trong phố.