Tuổi mới lớn và vấn đề tình dục

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

BS. HỒ MẠNH TƯỜNG

 

Một phần ba dân số thế giới ở vào độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi; và 4 phần 5 dân số này hiện sống ở các nước đang phát triển. Từ trước đến nay, các chương trình về sức khỏe của đối tượng thanh niên trẻ ít khi được định hướng ưu tiên, bởi vì hầu hết các thống kê về y tế đều cho thấy tỷ lệ bệnh tật và tử vong có khuynh hướng thấp đối với thanh niên. Gần đây, với quan niệm rộng hơn và có chiều sâu hơn về sự phát triển về nhân cách vị thành niên và các hậu quả lâu dài của nó đã đặt ra nhiều tranh cãi, đòi hỏi phải ưu tiên cho những chương trình phục vụ các yêu cầu bức thiết đảm bảo sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của lứa tuổi này.

Vị thành niên là một giai đoạn phát triển rất nhanh về thể chất, tâm sinh lý và tinh thần. Nhiều vấn đề về sức khỏe ở người lớn xuất phát từ những thói quen dung nhập trong giai đoạn vị thành niên, như hành vi tình dục, rượu chè, ma túy... Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, các giá trị văn hóa phương Tây xâm nhập vào từng thành phố, làng mạc ở các nước thứ ba, làm thay đổi và ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành vi của lứa tuổi vị thành niên. Các em đi kiếm tìm những giá trị từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè cùng lứa, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao nhạc nhẹ... để tự khẳng định mình. Trong bối cảnh đó, sức khỏe vị thành niên là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nhà hoạch định chiến lược phát triển. Bên cạnh những đặc điểm về số lượng dân số của lứa tuổi này, về tính cấp thiết và đặc thù của các nhu cầu sức khỏe của các em, chúng ta phải nhìn thấy rằng tương lai của trẻ vị thành niên là tương lai thật sự của nhân loại.

Người ta ước tính trên thế giới có khoảng 500 triệu trẻ vị thành niên đối mặt với sự chọn lựa hành vi tình dục vào những năm đầu thế kỷ XXI. Nhiều triệu trong số đó bước vào tuổi hoạt động tình dục với nguy cơ có thai ngoài ý muốn, AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Rất nhiều người lớn không chấp nhận một thực tế là con cái họ đang ở tuổi hoạt động tình dục, mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bất chấp ràng buộc về văn hóa, tập tục, tôn giáo, phần lớn đều bắt đầu có hoạt động tình dục, dưới các hình thức khác nhau, trước tuổi 20. Ở hầu hết các quốc gia, trường học, chính phủ và bố mẹ vẫn chưa cung cấp cho trẻ vị thành niên những thông tin cần thiết để chúng có thể có những quyết định và hành vi đúng đắn, ảnh hưởng đến tương lai về sức khỏe sinh sản của chính mình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tình dục của trẻ vị thành niên

Có sự khác biệt giữa lứa tuổi từ 13 đến 17 và lứa tuổi trên 18 về hành vi tình dục, ngừa thai và sự chấp nhận nguy cơ. Lứa tuổi dưới 17 có khuynh hướng ít chú ý đến những ảnh hưởng lâu dài do hành động của mình gây ra. Lứa tuổi này thường thiếu kiến thức về các phương pháp ngừa thai, dễ có thai ngoài ý muốn, dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, lứa tuổi này cũng dễ bị chấn động về tâm lý.

Tuổi dậy thì diễn ra với các thay đổi về nội tiết, dinh dưỡng và cơ thể nói chung. Dậy thì hiện nay diễn ra ngày càng sớm, làm tăng khoảng thời gian sinh sản của người phụ nữ. Khả năng có con về mặt sinh học diễn ra sớm hơn khi các em chưa trưởng thành về mặt trí tuệ, tâm lý và xã hội để có thể làm mẹ.

Thông tin đại chúng hiện nay ngày càng nhiều, hình ảnh về sex, bạo lực, hút thuốc, uống rượu, ma túy, thời trang và các buổi biểu diễn thời trang, thi hoa hậu, trình bày những kiểu thời trang theo khuynh hướng khêu gợi, ở trang phục cũng như cách biểu diễn... Thông tin đại chúng cần hướng từng cá nhân chú ý xây dựng cho mình những giá trị tinh thần bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

Thông tin đại chúng thường tránh né các vấn đề về tình dục vị thành niên, dẫn đến những thông tin nhiều mâu thuẫn và không rõ ràng. Do đó, thông tin đại chúng không đáp ứng được nhu cầu của lứa tuổi vị thành niên và sức khỏe sinh sản.

Các yếu tố liên quan đến gia đình có tác động xấu đến hành vi tình dục của trẻ vị thành niên bao gồm: trình độ học vấn thấp, gia đình đông con, thiếu chăm sóc, tình trạng văn hóa xã hội thấp, nghiện rượu, gia đình có người có thai trước hôn nhân (mẹ, chị), cha, mẹ ly hôn...

Trẻ vị thành niên thành công trong học vấn, có kế hoạch lâu dài cho việc học tập, say mê công việc thường có khuynh hướng chú ý đến hệ quả của hành vi tình dục; có kế hoạch cho việc lập gia đình, có con.

Giáo dục giới tính

Giáo dục giới tính tốt nhất là từ cha, mẹ. Nên cha, mẹ cần yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, hòa hợp trong cuộc sống gia đình, cởi mở và chân tình với con cái.

Giáo dục giới tính là một quá trình lâu dài để có được những thông tin chính xác, nó giúp hình thành thái độ, niềm tin và những giá trị về bản ngã, về các mối quan hệ tình cảm. Giáo dục giới tính bao gồm nhiều nội dung: sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới. Giáo dục giới tính giúp trẻ vị thành niên có một quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời, cung cấp các thông tin và kỹ năng để trẻ vị thành niên có được thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình. Các chương trình giáo dục giới tính cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Một số quan điểm lo ngại rằng nếu cung cấp cho trẻ vị thành niên những thông tin và giúp chúng phòng ngừa có thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ vô tình thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và bừa bãi. Tuy nhiên, thực tế thực hiện giáo dục giới tính ở nhiều nước cho thấy hoàn toàn ngược lại. Tổ chức y tế thế giới đã khảo sát 19 chương trình giáo dục giới tính trường học ở nhiều nước, tất cả đều cho thấy trẻ vị thành niên có hoạt động tình dục trễ hơn, giảm hoạt động tình dục, biết cách sử dụng các biện pháp ngừa thai một cách hiệu quả, và hoàn toàn không thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và nhiều hơn. Giáo dục giới tính hiệu quả nhất khi thực hiện trước khi trẻ bước vào tuổi hoạt động tình dục. Các bước tích cực này sẽ giúp khuyến khích trẻ không hoạt động tình dục sớm và biết cách sinh hoạt tình dục một cách an toàn, giảm thiểu có thai ngoài ý muốn ở các em.

Cha mẹ, tham vấn ở học đường, thầy cô, bác sĩ, y tá, đoàn thể thanh niên, thông tin đại chúng... sẽ phối hợp một cách tích cực trong các chương trình giáo dục giới tính cho trẻ. Vì hầu hết người lớn chưa có được những kỹ năng để tham vấn chính xác và có hiệu quả, cần có những chương trình huấn luyện cho các đối tượng trên về các vấn đề liên quan đến tình dục ở trẻ vị thành niên, biết cách giao tiếp một cách cởi mở, chân thành, tôn trọng và có hiệu quả với trẻ.

Thách thức trong tương lai

Để thật sự giúp đỡ thanh niên ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, cần phải tạo điều kiện cho trẻ vị thành niên hiểu biết về  tình dục, về nguy cơ có thai, cách thức ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, và biết những nơi có thể tham vấn về tình dục trước khi chúng bắt đầu sinh hoạt tình dục. Việc cung cấp dịch vụ ngừa thai cần được tổ chức để có thể đến được đối tượng thanh niên trẻ. Tình trạng có thai sớm ngoài ý muốn phần lớn có thể dự phòng và giảm đáng kể nếu chúng ta chấp nhận rằng vị thành niên là đối tượng bắt đầu hoạt động tình dục và cung cấp cho các em đầy đủ thông tin và phương tiện để ngừa thai. Bằng không, việc có thai ngoài ý muốn và tình trạng phá thai ở thanh niên trẻ sẽ tiếp tục gia tăng với những hệ lụy nguy hiểm cho từng cá nhân và xã hội.

Cuộc sống hoàn toàn không dễ dàng đối với trẻ vị thành niên, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay, đặc biệt đối với những trẻ không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với các vấn đề đặc thù của lứa tuổi. Thực trạng hiện nay đã và đang cho thấy điều đó. Nếu chúng ta mong đợi trẻ vị thành niên những quyết định đúng đắn, có trách nhiệm trước những cạm bẫy và thách thức của xã hội, chúng ta phải đảm bảo trẻ vị thành niên được cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ năng và phương tiện để quyết định và các giá trị chúng cần tôn trọng và thực hiện. Chúng ta cần nhận thức rằng đã đến lúc để đặt kế hoạch cho tương lai và chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.

(Theo Contraception and Sexuality in Adolescence của K.E. Sapire )