Tuổi mới lớn và vấn đề tình dục

GIA ĐÌNH và GIÁO DỤC GIỚI TÍNH

GIA ĐÌNH và GIÁO DỤC GIỚI TÍNH

TS. NGUYỄN NGỌC THOA

 

Giáo dục giới tính là một vấn đề rất nhạy cảm và đã được nhiều người bàn tới, coi đây như là giải pháp có tính quyết định, “tháo gỡ” tình trạng báo động về nạo phá thai ở lứa tuổi học đường hiện nay.

Có ý kiến cho rằng: “Các em tuổi học trò mang thai vì ít hiểu biết về sinh lý và các biện pháp tránh thai. Vậy hãy giúp các em những nhu cầu hiểu biết cần thiết, giải tỏa sự tò mò về sinh lý để an toàn phòng tránh thai và tránh những hậu quả xấu tương tự khác”. Để thuyết phục, nhiều ý kiến viện dẫn thêm những ví dụ từ nước ngoài và thường gọi chung đó là giáo dục giới tính.

Các ý kiến khác lập luận phản biện “Vậy có khác nào vẽ đường cho hươu chạy?”. Ý kiến này thường không phải hoặc ít được các thầy thuốc nêu ra nhưng lại khá thuyết phục các giới ngoài ngành y tế, có lẽ vì họ có khoảng cách “cách ly” với sự việc hơn chăng?

Tình thế buộc chúng ta phải đặt một câu hỏi: Quả thật tình hình sẽ tốt và chúng ta thật sự yên tâm khi con em chúng ta được học Giáo dục giới tính chính khóa trong nhà trường gồm những bài giảng về sinh lý nam nữ và các biện pháp dụng cụ phòng tránh thai?

Các bậc cha mẹ khi được hỏi chuyện đều cùng bày tỏ một thái độ ngạc nhiên, ngờ vực và sau cùng là lắc đầu e ngại. Họ không nêu ví dụ nước ngoài mà nói đầy thuyết phục về chính quá khứ của bản thân họ và gia đình bạn bè. Trong mắt họ, giáo dục giới tính như một con dao hai lưỡi nhiều nguy hiểm.

Các thầy thuốc là người trực tiếp giải quyết việc nạo phá thai và những hậu quả đau lòng của nó, lại không muốn có một sự chờ đợi chậm trễ nào, càng không muốn có bất cứ sự do dự nào trong vấn đề này.

Nhưng có thể nào tiến hành giáo dục giới tính cho con em họ mà tách rời hoặc bỏ qua những ý kiến cảnh báo từ phía gia đình?

Làm sao có thể thu hẹp khoảng cách này? Xét cho cùng, vấn đề nạo phá thai và giáo dục giới tính tác động trực tiếp vào các thành viên của gia đình trước khi nó trở thành vấn đề của toàn xã hội. Vì vậy nó không thể nằm ngoài mối quan hệ gia đình, mà hơn nữa cần đặt điểm xuất phát của nó vào gia đình và nếu muốn giải quyết được nó cũng phải bắt đầu từ các giá trị của gia đình, lấy gia đình làm nguồn động lực chính để vượt qua.

Vì vậy, sẽ dễ tiếp nhận hơn nếu nội dung giáo dục giới tính được xây dựng như là những bài học của cha mẹ nói với con cái về một vấn đề rất tự nhiên và rất nghiêm túc khi các em vào tuổi dậy thì, là những bài học giúp các em nhận biết sự trưởng thành về tâm lý, về giao tiếp nam nữ, về ứng xử với bạn khác giới... Cần phải làm rõ là nội dung giáo dục giới tính chỉ có thể là một phần minh họa không tách rời của giáo dục lối sống, phải xuất phát từ giáo dục văn hóa truyền thống và lối sống Việt Nam, hướng về giá trị gia đình, làm cho các em hiểu được bản thân mình và xung quanh, không sao chép, bắt chước máy móc phim ảnh, phải phù hợp với từng lứa tuổi và phải tránh “vẽ đường cho hươu chạy”, trái lại có thể “dẫn đường cho hươu về nhà”, chỉ cho các em biết đâu là bờ vực, như những bậc cha mẹ thường làm. Nội dung giáo dục giới tính như vậy sẽ không chỉ đem lại cho lớp trẻ sự tự tin vững vàng về tâm lý, tế nhị về thái độ giao tiếp ứng xử với bạn cùng giới và khác giới, các kiến thức để tự bảo vệ và phòng tránh, mà còn lưu lại trong chúng một khát khao giữ gìn, một ước muốn về một nòi giống dân tộc được sinh nở, được nuôi dưỡng trong sự phát triển khỏe mạnh về thể chất, lành mạnh về tinh thần.

Nói rõ hơn: Đó là một phần của bài học về giáo dục lối sống, tuy nhà trường có thể đảm nhận phần lớn chương trình nhưng nội dung thì xuất phát và gắn bó từ giá trị gia đình.

Một thời gian dài cả xã hội, nhà trường và gia đình đã “thả nổi” vấn đề này, có thể nói chúng ta đã tập trung quá nhiều công sức, tiền của, phương tiện, giấy mực, năng lực và thời gian vào việc dạy kiến thức mở mang trí tuệ cho HS–SV mà sao lãng việc giáo dục lối sống, nhân cách, đạo đức truyền thống, dẫn đến hậu quả mà chúng ta (xã hội, gia đình) đang gánh chịu khá nặng nề. (Số liệu điều tra gần đây cho thấy 3% học sinh trung học và 12,8% sinh viên có quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhiều trường hợp mang thai và đa số giải quyết bằng nạo phá thai).

Giáo dục lối sống, nhân cách và đạo đức truyền thống chính là tạo ra trong bản thân lớp trẻ một năng lực tự thân làm chủ để chúng vượt qua các thử thách, biết tìm kiếm và khai thác các giá trị hạnh phúc lớn lao, biết khám phá thế giới để xây dựng và bảo vệ nó, biết tự nguyện kiềm chế và làm chủ “tốc độ”, biết đâu là sự tàn phá để loại trừ và để quyết định sự lựa chọn tốt nhất cho mình một cách sáng suốt. Chúng ta vừa phải chữa “bệnh” vừa phải lo phòng “bệnh” cho tương lai, nếu không phải bằng liều thuốc “lối sống” thì bằng liều thuốc gì đây?

Mấy năm học gần đây, mỗi năm cả nước có tới 22 triệu HS–SV. Với một số lượng lớn HS–SV như vậy sẽ chuẩn bị như thế nào để họ bước vào thế kỷ XXI – một thời đại có thể cung cấp vô số cách lựa chọn cá nhân với vô số thông tin ngày càng phát triển? Làm sao để lớp trẻ chủ nhân có đủ năng lực nắm bắt được các khái niệm mới, quyết định cách lựa chọn mới và là tốt nhất trong tương lai?

Điều đó dựa vào sự cố gắng của bản thân các em, dựa vào sự giáo dục nuôi dưỡng nhân cách, sự học tập liên tục và xử lý thích ứng liên tục mà không để đánh mất đi sự ngây thơ trong trắng của tuổi trẻ. Và như vậy cũng có nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của gia đình, nhà trường và mọi tổ chức xã hội chúng ta ngày hôm nay.