Tui Bị Quỷ Bám Càng

Chương 2-2: Tiểu sử: Ngũ Thông Thần

Dịch: Erale

Beta: Cúc kiên cường

Do tính chất truyền miệng nên có rất nhiều dị bản và nhiều tên gọi do khác biệt vùng miền, không ai biết vị tà thần này có thực sự tồn tại không nhưng miếu thờ đã từng tồn tại rộng rãi với vô vàn tín đồ.

Người Trung Quốc cho rằng tiền là căn nguyên của cái ác. Tài Thần cũng có loại tốt loại xấu và Ngũ Thông Thần thì thuộc hàng tà thần, không được coi là thần chính thống, Giang Nam là vùng đất nổi tiếng với vô vàn thần linh dân gian không chính thống, đặc biệt nổi bật trong đó có vị tà thần này nên mới có câu "BẮC HỒ NAM NGŨ THÔNG". Về lai lịch của Ngũ Thông Thần thì có rất nhiều dị bản ví dụ như:

1. Chuyện kể rằng sau khi Chu Nguyên Chương thành lập Đại Minh thì phân đất phong hầu cho công thần, tướng sĩ chết trận bèn báo mộng cho hắn đòi phong thưởng. Chu Nguyên Chương đồng ý, 5 quỷ hồn một nhóm hưởng khói lửa nhân gian. Người Giang Nam lập miếu thờ cúng trên núi Thượng Phương. Tô Châu ngày nay cũng thuộc vùng Giang Nam cổ.

2. Cũng có bản nói Ngũ Thông Thần là một loại yêu ma quỷ quái giống khỉ giống vượn, bình thường ở trong rừng sâu. Thích CƯỠNG HIẾP TRINH NỮ.

Mặc dù biết Ngũ Thông Thần là tà thần nhưng tài vận có thể phất lên rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều lần so với thần linh chính thống như Quan Công, Tỷ Can...nên có rất đông tín đồ thần phục.

Tà Thần này tính tình nhỏ mọn, lúc nóng lúc lạnh, thích thì ban phát tiền tài, không thích thì thu hồi lại. "Vay nợ âm" thực ra là một hình thức giao dịch cho vay nặng lãi, tài vận phất nhanh đồng nghĩa với việc người cầu phải duy trì cúng bái thường xuyên, một khi dừng lại thì sẽ mất tất cả, nhẹ thì tai họa rủi ro tan cửa nát nhà, nặng thì con cháu đời đời kiếp kiếp không trả hết nợ âm.

Mượn nợ âm:

Mượn nợ âm là phong tục cổ hủ của Tô Châu. Trên núi Thượng Phương có ngôi miếu Ngũ Hiển Linh Thuận, ngày 17 tháng 8 là sinh nhật Ngũ Thông Thần, sẽ có rất nhiều người lên núi mượn âm nợ. Nghi thức mượn âm nợ là vào lúc hoàng hôn, một bà đồng sẽ đốt hương, hai bà đồng khác kèm hai bên chạy nhanh xuống núi, gọi là "Bão mã". Đến chân núi thì đốt nến, lên đồng như thần nhập vào người, khóc lóc om xòm rồi nuốt luôn nến đang cháy thể hiện thần uy. Người mượn tiền trên miếu sẽ cung phụng nhang đèn hoặc tế phẩm. Thầy vu ở bên cạnh giả thần giả quỷ rồi ra điều kiện, sau khi đồng ý mới lấy bốn đĩnh vàng bằng giấy trên bàn thờ xuống, đem về nhà để ý vài ngày, nếu không biến dạng thì là mượn được tài vận, nếu bị xẹp thì là không mượn được. Hoặc có thể dùng cách rút quẻ, người trúng quẻ thì là mượn được. Sau khi mượn được thì mùng 1 và ngày rằm mỗi tháng phải thắp hương hóa vàng, 17/8 hàng năm thì phải lên núi thắp hương rải tiền trả vốn lãi. Nếu người cầu đã chết thì con cháu phải tiếp tục trả, thế nên người Tô Châu mới có câu "Âm nợ trên núi còn chưa trả hết".

Kết cục:

Đến triều Thanh, tuần phủ Tô Châu là Thang Bân lên núi phá bỏ miếu thờ Ngũ Thông. Dân chúng sợ thần linh trách phạt nên ra sức ngăn cản. Thang đại nhân dùng xích sắt quấn một vòng lên mình, đầu kia thì buộc vào tượng tà thần lôi ra khỏi miếu, đạp rơi vào Thái Hồ.

Miếu trên núi không còn nhưng nợ âm thì vẫn hiển hiện, phía trên núi trở thành vùng đất chẳng lành, người không có việc thì không bao giờ lên núi nữa. Miếu thờ ở những vùng khác cũng dần bị bài xích và lụi tàn theo năm tháng.