Tu Viện Thành Parme

Chương XIV

Docsach24.com
rong khi Fabrice đi săn bắt ái tình ở một làng lân cận thành Parme, thì quan chánh án Rassi không biết anh ở gần mình đến thế, vẫn xử trí vụ can phạm của anh như đối với một người thuộc phái tự do; ông vờ như không tìm thấy những nhân chứng giải tội, hay nói đúng, ông dọa dẫm họ. Công việc được tiến hành một cách thông thái trong gần một năm. Cuối cùng, độ hai tháng sau khi Fabrice trở lại Bologne lần cuối, một hôm thứ sáu, nữ hầu tước Raversi say sưa hoan hỷ tuyên bố giữa phòng khách của mình là bản tuyên án xử thằng nhóc Del Dongo, vừa quyết nghị một giờ trước đấy, sẽ được trình lên cho hoàng thân ký và phê chuẩn trong ngày hôm sau. Mấy phút sau, nữ công tước đã được nghe thuật lại những lời đó của nữ đối thủ.

“Rõ bọn thủ hạ của bá tước là đồ ăn hại! Phu nhân tự nhủ. Lúc sáng nay ông ấy còn tin rằng bản án chưa thể hoàn thành trong tám ngày tới. Có lẽ ông ấy cũng thích đẩy chú phụ tá giám mục trẻ trung của ta đi cho xa Parme hay chăng? Rồi bà nói tiếp, giọng như hát: Nhưng chúng ta rồi sẽ thấy cậu bé trở lại và một ngày kia sẽ là đức tổng giám mục của chúng ta”. Bà rung chuông gọi người hầu phòng, bảo:

— Anh hãy tập hợp tất cả bọn tôi tớ tại phòng chờ, kể cả lũ bếp. Còn anh thì đến quan trấn thủ xin giấy phép cần thiết để lấy bốn con ngựa trạm và trong vòng nửa tiếng đồng hồ, phải thắng xong lũ ngựa đó vào cỗ xe bốn bánh của tôi.

Tất cả phụ nữ trong nhà bận soạn sửa hòm xiểng, nữ công tước mặc vội một bộ quần áo đi đường. Bà thông tin cho bá tước biết về tất cả công việc này. Bà lấy làm thích thú được trêu trọc bá tước chút ít.

Khi bọn người nhà tập họp đông đủ, bà nói:

— Các bạn ạ, tôi được tin người cháu tội nghiệp của tôi sắp bị xử vắng mặt vì đã to gan dám chống lại một tên cuồng bạo để bảo vệ tính mạng, tên Giletti đó muốn giết nó. Ai trong các bạn cũng đã biết tính Fabrice hiền dịu như thế nào. Căm phẫn vì sự lăng mạ không thể chịu được này, tôi lánh đi Florence đây. Tôi để lại biếu các bạn mỗi người mười lăm tiền công mướn. Các bạn có khi nào khổ cực quá thì cứ viết thư cho tôi, hễ tôi còn một đồng vàng cỏn con nào thì các bạn cũng có phần chút ít trong đó.

Công tước phu nhân nghĩ sao nói vậy, và đến những câu cuối thì bọn người nhà sụt sùi. Đôi mắt phu nhân cũng rớm lệ; bà nói tiếp, giọng xúc động: “Hãy cầu nguyện Chúa cho tôi và cho ông lớn Fabrice Del Dongo, đệ nhất trợ tá giám mục địa phận ta, cái người ngày mai sẽ bị xử khổ dịch chiến thuyền, hoặc… bị xử tử, điều sau này còn có phần do ngu ngốc hơn”.

Bọn người nhà càng khóc dữ và dần dần tiếng than khóc biến thành gần như những tiếng la hét của người nổi loạn. Nữ công tước lên xe bảo đánh đến cung điện quận vương. Mặc dù không phải giờ bệ kiến, bà cũng bảo tướng Fontana xin cho được tiếp, Fontana là trợ tá võ phòng đang phiên trực ban. Bà không mặc đại phục triều kiến, khiến tướng trợ tá kinh hoàng. Còn hoàng thân thì chẳng lấy làm ngạc nhiên, càng không bực bội về việc xin bệ kiến ấy. “Chúng ta sẽ thấy những giọt lệ tuôn ra từ đôi mắt đẹp, ngài vừa xoa tay vừa nói vậy. Nàng đến xin ân xá đây. Cuối cùng rồi con người đẹp kiêu hãnh ấy cũng phải chịu lép với mình chứ! Nàng cũng thật quá quắt với cái dáng ung dung tự tại của nàng! Cặp mắt linh hoạt kia lúc nào cũng như nói với ta, mỗi khi có một điều bất như ý nhỏ nhặt: “Naples hoặc Milan tuồng như là những nơi trú ngụ lý thú hơn cái thành phố Parme nhỏ của ngài nhiều. Cũng đúng là ta không được trị vì trên Naples hoặc Milan. Dù sao thì cuối cùng cái bà lớn ấy cũng phải đến cầu khẩn ta về một điều hoàn toàn thuộc quyền ta, mà bà thiết tha nôn nóng muốn cầu được. Bao giờ ta cũng nghĩ rằng cái anh cháu ấy mà đến ở đây thì thế nào cũng có ngày bắt bà phải quỵ lụy ta”.

Trong khi hoàng thân mỉm cười với những ý nghĩ đó và lao vào những dự đoán thú vị thì ngài đi đi lại lại trong phòng, còn ở ngoài cửa, tướng Fontana vẫn đứng chờ, người cứng đờ như tên lính đang bồng súng. Thấy đôi mắt sáng rõ của hoàng thân và sực nhớ bộ quần áo đi đường của nữ công tước, ông ngỡ vương quyền đã sụp đổ. Sự kinh hoàng của ông không còn giới hạn khi nghe hoàng thân truyền:

— Tướng quân hãy thưa với công tước phu nhân vui lòng chờ mười lăm phút.

Tướng trợ tá xoay người nửa vòng như một anh lính diễu binh. Hoàng thân lại mỉm cười, nghĩ thầm “Anh chàng Fontana không quen thấy bà công tước kiêu hãnh kia phải chờ đợi; khi nói với bà ta về cái mười lăm phút chờ đợi này, bộ mặt kinh ngạc của anh chàng sẽ dọn đường cho nước mắt thương cảm tuôn rơi ở gian phòng này”. Mười lăm phút chờ đợi này là những phút thần tiên đối với hoàng thân; những bước đi lại của ngài đều đặn, vững chãi, ngài ngự trị. “Vấn đề là ở chỗ không nói những cái gì không phải nơi phải lúc; dù tình cảm của ta đối với nữ công tước như thế nào, thì cũng không được quên đó là một trong những phụ nữ có danh vị cao nhất ở triều đình ta. Khi Louis XIV không bằng lòng về các công chúa con người, người ăn nói với họ thế nào nhỉ?” Nói thế xong, đôi mắt ngài dừng lại trên chân dung của vị vua vĩ đại. Buồn cười là hoàng thân không hề nghĩ xem có nên ân xá cho Fabrice không và nếu ân xá thì ân xá theo cách nào. Cuối cùng, hai mươi phút sau, tướng Fontana trung thành lại đến đứng trước cửa nhưng không nói gì. “Công tước Sanseverina phu nhân có thể vào được”, hoàng thân nói to với dáng điệu người diễn kịch. Ngài lại tự nhủ: “Nước mắt sắp tuôn đây!” Và như chuẩn bị đón cảnh ấy, ngài rút khăn tay.

Chưa bao giờ nữ công tước nhanh nhẹn và xinh tươi đến thế; trông bà không đến hăm lăm tuổi. Bước chân phu nhân thoăn thoắt lướt nhẹ trên thảm, viên trợ tá tội nghiệp trông thấy phát hoảng. Bà nói, giọng nhỏ nhẹ thanh thoát:

— Tôi có lỗi không biết bao nhiêu, dám mong Điện hạ tha thứ; tôi mạo muội đến xin yết kiến Người với y phục không được đàng hoàng, tuy nhiên, đã quen được Điện hạ cao minh bao dung, tôi dám vọng tưởng Người ban ân cho tôi lần này nữa.

Phu nhân nói khá chậm rãi để còn hưởng cái thú quan sát vẻ mặt hoàng thân. Vẻ mặt ấy trông thật ngoạn mục bởi nỗi kinh ngạc sâu sắc hiện lên trên đó, lại còn bởi cái tư thế oai vệ còn sót lại ở cái đầu và đôi tay. Hoàng thân đứng ngây người như bị sét đánh. Giọng chát chúa và bối rối, chốc chốc ngài kêu lí nhí: “Không sao! Không sao!” Sau lời tạ tội, nữ công tước đứng im một lát, như cung kính để cho hoàng thân có thì giờ trả lời. Sau đó bà nói tiếp:

— Tôi hy vọng Điện hạ chiếu cố thứ lỗi cho tôi về bộ y phục khiếm lễ này.

Tuy miệng nói vậy, đôi mắt cười cợt của nàng sáng rực lên khiến hoàng thân đã không dám nhìn vào mà còn phải ngước mắt lên trần nhà; ở ngài, đó là dấu hiệu của sự cực kỳ bối rối.

— Không sao! Không sao! Ngài lặp lại. Rồi may quá, ngài tìm ra được một câu để nói: “Công tước phu nhân hãy ngồi xuống đã!” Ngài tự tay đẩy tới một chiếc ghế bành, dáng điệu cũng khá duyên dáng, nữ công tước không thờ ơ với cử chỉ lịch sự đó. Nàng khiến nhãn lực của mình dịu đi.

— Không sao! Không sao! Hoàng thân lặp lại và loay hoay trên ghế bành, tuồng như không tìm thấy một cách ngồi vững chãi.

— Tôi sắp lợi dụng cảnh đêm mát trời để đi đường, nữ công tước nói tiếp. Vì tôi có thể vắng mặt lâu lâu, cho nên tôi không muốn đi ra khỏi giang sơn của Điện hạ mà không đến cảm ơn người về những ân huệ mà Người đã hạ cố ban cho tôi.

Bà công tước nói đến đó, hoàng thân mới hiểu. Ngài tái mặt; con người đó lấy làm đau khổ nhất trần đời khi thấy mình dự kiến cái gì mà cái đó không đến. Rồi ông lấy vẻ cao đạo xứng đáng với chân dung vua Louis XIV treo ở trước mặt. “Thế mới phải chứ! Nữ công tước nghĩ thầm: Ông ấy quả là một người đàn ông”.

— Vậy lý do của việc bỏ đi đột ngột này là gì? Hoàng thân hỏi, giọng khá kiên định.

— Tôi có dự định này từ lâu, công tước phu nhân đáp, và sự thóa mạ gần đây đối với đức cha Del Dongo khiến tôi phải ra đi sớm hơn: Ngày mai người ta sẽ xử đức cha vào tội tử hình hoặc khổ dịch chiến thuyền.

— Phu nhân đến thành phố nào thế?

— Có lẽ là Naples. Bà đứng lên và nói tiếp: Tôi chỉ còn có việc bái biệt Điện hạ cao minh và tha thiết cảm ơn Điện hạ về những ân huệ xưa kia của Người.

Đến lượt nữ công tước cũng có giọng điệu kiên quyết đến nỗi hoàng thân thấy rằng chỉ vài phút nữa thôi là tất cả đều định đoạt. Việc công tước phu nhân ra đi mà bùng ra ngoài thì không còn cách nào dàn xếp nữa; nàng đâu phải là một người đàn bà quen thay đổi ý định. Hoàng thân chạy theo nàng.

— Nhưng thưa công tước phu nhân - hoàng thân vừa nói vừa nắm tay nàng - phu nhân thừa biết rằng tôi luôn yêu mến phu nhân và niềm quyến luyến ấy có thể mang một tên khác hay không chỉ tùy ở phu nhân. Một vụ giết người đã xảy ra, điều đó không chối cãi được, tôi đã giao cho mấy quan tòa công minh nhất tra xét vụ án…

Nghe đến đây, nữ công tước đứng thẳng người lên; vẻ kính cẩn, cả đến dáng lịch sự biến đi trong chớp mắt; người phụ nữ bị xúc phạm hiện ra rõ rệt, một người phụ nữ bị xúc phạm đối đáp với một kẻ mà mình biết là dối trá. Người phụ nữ đó bộc lộ lòng căm giận cháy bỏng, cả lòng khinh bỉ nữa với những câu dằn từng tiếng.

— Tôi rời bỏ vĩnh viễn đất nước Điện hạ để không bao giờ nghe nhắc đến tên chánh án Rassi và những đứa sát nhân bỉ ổi đã xử tử cháu tôi và bao nhiêu người khác. Giờ phút cuối cùng tôi được sống bên cạnh một bậc quân vương nhã nhặn và hóm hỉnh khi người không bị lừa dối. Nếu Điện hạ không muốn cho giờ phút đó dây vị đắng cay, thì tôi kính cẩn xin Điện hạ chớ nhắc đến những tên quan tòa bỉ ổi bán lương tâm lấy một nghìn écu hoặc một huân chương.

Giọng cứng cỏi, nhất là chân thực của phu nhân khiến hoàng thân giật mình; một thoáng, ngài sợ phẩm giá mình bị xúc phạm vì một lời tố giác trực diện hơn thế, nhưng nói chung cảm giác cuối cùng của ngài là một sự thú vị; ngài khâm phục nữ công tước. Toàn bộ con người bà đạt đến một vẻ đẹp tuyệt vời. “Trời ơi! Sao nàng đẹp thế chứ!” Hoàng thân thầm nghĩ. Cũng phải bỏ lỗi cho một người đàn bà vô song như thế và kiểu này thì dễ không có người thứ hai trên đất nước Ý ta… Ừ! Khéo xử sự một chút thì cũng có khả năng một ngày kia, con người ấy trở thành nhân tình của ta. Từ một trang quốc sắc thế này đến mụ hầu tước búp bê Balbi, quãng cách hãy còn xa quá, thế mà con mụ ấy mỗi năm còn ăn cắp ít ra là ba mươi vạn francs của những con dân tội nghiệp của ta nữa chứ! Nhưng ta có nghe rõ nàng nói gì không đã? Hoàng thân chợt nghĩ, nàng nói: Xử tử cháu tôi và bao nhiêu người khác! Nghĩ đến đấy, hoàng thân chỉ còn có giận mà thôi. Sau một phút im lặng, ngài nói với vẻ kiêu kỳ tương xứng với địa vị chí tôn:

— Nào, phải làm gì để cho bà lớn đừng đi?

— Một việc mà Điện hạ không làm được, nữ công tước đáp với giọng mỉa mai chua chát nhất và sự khinh bỉ chẳng chút nào che đậy.

Hoàng thân tức điên người, nhưng nhờ có thói quen nghề nghiệp của một ông vua chuyên chế, ngài tự chặn được thiên hướng ban đầu. Ngài tự nhủ: “Phải chiếm cho được con đàn bà này; ta có bổn phận như vậy đối với ta, rồi sau đó phải làm cho ả chết vì bị khinh bỉ… Nếu ả đi ra khỏi buồng này thì không bao giờ ta gặp lại ả”.

Nhưng ngài đang giận bừng bừng và căm thù dữ dội thì tìm đâu cho ra một lời vừa thỏa dạ mình, vừa giữ cho nữ công tước đừng rời bỏ ngay triều đình ngài? Ngài nghĩ rằng đối với một cử động thì người ta không thể nhại, cũng không thể chế giễu, cho nên ngài đến đứng chặn giữa nữ công tước và cửa buồng. Giây lát sau, ngài nghe có tiếng gõ nhẹ ở cửa, ngài quát mắng cực kỳ lớn tiếng:

— Tên vô duyên nào mang cái mặt đần đến quấy ta thế?

Tướng Fontana tội nghiệp ló cái mặt tái ngắt và hoàn toàn đờ đẫn ra, nói thều thào như người hấp hối:

— Quan lớn bá tước Mosca xin được tiếp kiến.

— Mời ông ấy vào! Hoàng thân hét. Trong khi bá tước nghiêng mình chào thì ngài nói: - Đây này, bà lớn công tước Sanseverina đây bảo là bà sẽ rời bỏ Parme ngay để đến cư trú ở Naples, ngoài ra bà còn nói với tôi những điều ngạo mạn.

— Thế à! Bá tước Mosca xanh mặt kêu.

— Sao? Ông không biết cái dự định bỏ đi đó sao?

— Chẳng biết tí gì. Tôi cáo từ phu nhân lúc sáu giờ, lúc ấy bà vui vẻ thoải mái.

Đối với hoàng thân, câu ấy có một sức tác động khó tưởng tượng. Trước tiên ngài nhìn Mosca, mặt bá tước càng lâu càng tái đi chứng tỏ ông nói thật và không hề đồng mưu trong hành động bột khởi của nữ công tước. Ngài nghĩ thầm: “Đã vậy thì ta mất hẳn ả rồi; mất lạc thú, mất trả thù, tất cả đều bay mất một lúc! Đến Naples, ả sẽ cùng với thằng cháu ả làm thơ châm biếm cơn giận lớn của một ông vua nhỏ đất Parme“. Ngài nhìn nữ công tước, sự khinh bỉ dữ dội nhất cùng với sự phẫn nộ xâu xé lòng nàng; mắt nàng lúc ấy nhìn về phía bá tước, vành môi thanh tú trên cái miệng đến xinh diễn đạt nỗi khinh thị chua chát nhất. Cả cái gương mặt ấy nói: “Đồ nịnh bợ mạt kiếp!”. Quan sát nữ công tước xong, hoàng thân nghĩ bụng: “Đã vậy thì ta không còn cách gì gọi ả trở về nữa. Mà ngay lúc này đây, nếu ả bước ra khỏi buồng này thì ta mất đứt ả rồi đó. Có trời biết ả sẽ nói gì ở Naples về bọn quan tòa của ta!… Với khiếu thông minh và sức thuyết phục thần kỳ mà trời ban cho ả, ả sẽ khiến cho mọi người tin. Vì ả, ta sẽ mang tiếng là một bạo chúa lố bịch đang đêm choàng dậy để dòm dưới gầm giường…”.

Thế rồi vận động một cách khéo léo và như để đi bách bộ cho dịu nỗi xao xuyến, hoàng thân lại đến đứng trước cửa; bá tước ở bên phải ngài, cách ba bước, mặt tái, dáng phờ phạc, người run rẩy đến nỗi phải tựa vào lưng chiếc ghế bành mà nữ công tước ngồi lúc đầu - ghế ấy trong một cơn giận dữ, hoàng thân đã đẩy ra xa. Bá tước vẫn là người si tình, ông tự nhủ: “Nếu nữ công tước ra đi, ta sẽ đi theo, nhưng nàng có chịu để cho ta theo không chứ? vấn đề ở đấy”.

Nữ công tước đứng bên trái hoàng thân, hai tay khoanh lại áp chặt lên ngực và nhìn ngài với vẻ ngạo mạn đáng kính phục; da phu nhân tái xanh tái nhợt, chứ không còn những mầu sắc tươi tắn đượm gương mặt tuyệt vời ấy trước đây. Trái với hai nhân vật kia, mặt hoàng thân đỏ gay, dáng người bồn chồn; bàn tay trái ngài vô tình mân mê cái huân chương đeo ở dây băng nhất đẳng mang choàng dưới áo lễ; tay phải ngài xoa cằm.

— Làm sao đây? Ngài hỏi bá tước, chẳng qua vì thói quen việc gì cũng hỏi ông, chứ không phải có ý định hỏi.

— Quả tôi cũng không biết nên làm thế nào, thưa Điện hạ, bá tước đáp thều thào như một người đang trút hơi thở cuối cùng. Khó khăn lắm ông mới phát âm được những tiếng ấy. Giọng nói thiểu não của bá tước đem lại cho hoàng thân niềm an ủi đầu tiên đối với lòng tự ái của ngài bị tổn thương trong buổi tiếp kiến; nhờ có niềm vui nhỏ đó, ngài tìm ra được một câu thích hợp với phẩm giá của ngài:

— Thế thì giữa ba chúng ta, tôi là người biết điều hơn cả. Tôi vui lòng gác bỏ hoàn toàn danh vị xã hội của tôi. Tôi sẽ nói như một người bạn - ngài nói thêm với một nụ cười kẻ cả khéo học ở cái thời đại Louis XIV hoàng kim - như một người hạn nói chuyện với những người bạn. Thưa công tước phu nhân, phải làm thế nào để phu nhân xóa bỏ quyết định trái khoáy của phu nhân?

— Chính tôi cũng không biết thế nào, nữ công tước nói và thở dài; thực tình tôi không biết làm thế nào bởi vì tôi đã kinh tởm Parme quá sức.

Lời nói của phu nhân không có ẩn ý chế nhạo, người ta cảm thấy bà hoàn toàn trung thực. Bá tước quay phắt lại phía bà, con người triều thần ở ông cảm thấy uất ức vì câu nói đó; rồi ông nhìn quận vương với đôi mắt cầu khẩn. Rất đàng hoàng và bình tĩnh, hoàng thân yên lặng một phút, rồi nói với bá tước.

— Tôi thấy bà bạn quí của ông nóng giận tột bậc; dễ hiểu thôi, bà say anh cháu bà mà! Rồi quay về phía nữ công tước, với đôi mắt hết sức chiều chuộng đồng thời với dáng điệu của một người hát tuồng, ông nói tiếp:

— Phải làm thế nào cho vui đôi mắt người đẹp?

Nữ công tước đã có thời giờ suy nghĩ, giọng kiên quyết và chậm rãi, bà đáp, như đọc một tối hậu thư:

— Điện hạ viết cho tôi một lá thư ân tình, Người quen viết rất hay những thư đó; trong thư, Người nói vì không tin là Fabrice Del Dongo, trợ tá thứ nhất ở tòa tổng giám mục, có phạm tội, Người sẽ không ký bản án khi người ta trình ký và vụ án bất công này sẽ không có hiệu lực về sau.

— Thế nào, bất công à! Hoàng thân đỏ mày đỏ mặt kêu lên và lại nổi giận.

— Chưa hết! Nữ công tước đáp với một vẻ kiêu kỳ rất La Mã, ngay tối nay - bà nói tiếp và nhìn đồng hồ - bây giờ đã mười một giờ mười lăm rồi đấy, ngay tối nay. Điện hạ sẽ cho người đến báo với nữ hầu tước Raversi là Người khuyên bà về nông thôn nghỉ giải lao sau những mệt nhọc gây ra bởi một vụ án mà bà ta có nói đến ở phòng khách bà lúc vào tối.

Quận vương đi lại trong phòng như một người cuồng nộ.

— Có ai thấy một phụ nữ như thế không? … Ngài kêu lên, Người ta chẳng kính nể tôi.

Nữ công tước đáp hết sức dịu dàng:

— Suốt đời thần thiếp bao giờ thoáng có ý thiếu tôn kính đối với Điện hạ cao minh. Chẳng phải Điện hạ đã hết sức nhún mình nói rằng Người nói chuyện như một người bạn với những người bạn đó hay sao? Với lại thần thiếp cũng chẳng muốn ở lại Parme chút nào, nữ công tước nói tiếp và nhìn bá tước với đôi mắt vô cùng khinh bỉ.

Cho tới đây, hoàng thân vẫn hết sức phân vân, mặc dù những lời nói đó có vẻ báo trước một sự cam kết; cái nhìn của nữ công tước buộc ngài quyết định, ngài thường chẳng kể gì đến lời lẽ.

Họ còn trao đổi với nhau vài câu nữa. Nhưng rồi cuối cùng, hoàng thân ra lệnh cho bá tước viết mảnh giấy ân tình mà nữ công tước cầu xin. Bá tước không viết câu: “Vụ án bất công này sẽ không có hiệu lực về sau." Ông thầm nghĩ miễn hoàng thân hứa hẹn không ký bản án người ta trình ký là đủ. Khi ký vào thư hoàng thân nhìn ông, thầm cảm ơn.

Bá tước phạm sai lầm to: Hoàng thân đang mệt mỏi, chắc ông có viết gì ngài cũng ký tất. Ngài tin rằng ngài đang rút khỏi sân khấu một cách đẹp đẽ và dưới mắt ngài, trong toàn bộ vụ này, ngài chỉ thấy một câu chỉ đạo: “Nếu nữ công tước ra đi thì không quá tám hôm sau, ta sẽ thấy triều ta chán ngắt”. Bá tước để ý thấy hoàng thân chữa ngày lại, đề ngày hôm sau. Ông nhìn đồng hồ; kim sắp chỉ mười hai giờ khuya. Quan thủ tướng chỉ nhìn thấy cái ý rởm của nhà vua muốn tỏ ra mẫu mực trong giờ khắc và đúng đắn trong sự vụ chính quyền ở việc chữa ngày trên bức thư. Về việc phát lưu mụ hầu tước Raversi, hoàng thân không tỏ chút gì băn khoăn; ngài có cái thích thú đặc biệt là phát lưu người ta. Ngài hé cửa gọi to:

— Tướng quân Fontana!

Tướng Fontana hiện ra với bộ mặt hết sức kinh dị và tò mò, đến nỗi nữ công tước và bá tước đưa mắt nhìn nhau thích thú; cái nhìn đó hòa giải hai người.

— Tướng quân Fontana, hoàng thân nói, tướng quân hãy lấy xe tôi, xe đợi dưới hàng trụ trước hoàng cung, tướng quân đến dinh nữ hầu tước Raversi, cho người lên báo cho bà ta tiếp; nếu bà ta đã đi ngủ thì tướng quân bảo do tôi sai phái đến, và khi lên phòng bà ấy rồi thì tướng quân phải nói nhất nhất đúng những lời này chứ không phải những lời khác: “Thưa hầu tước phu nhân, đức Điện hạ cao minh mời phu nhân đến mai, trước tám giờ sáng, hãy đến lâu đài Velleja của phu nhân; Điện hạ sẽ cho phu nhân biết lúc nào phu nhân có thể trở lại Parme được”.

Hoàng thân đưa mắt tìm mắt nữ công tước; nữ công tước không tỏ lời cảm ơn ngài như ngài chờ đợi, mà nghiêng mình chào một cách hệt sức kính cẩn rồi nhanh nhẹn đi ra.

— Thật là một kỳ nữ! Hoàng thân quay lại nói với bá tước Mosca.

Thích thú vì việc phát lưu nữ hầu tước Raversi sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho nhiệm vụ thủ tướng của ông, bá tước tâu bày suốt nửa tiếng đồng hồ như một triều thần mẫu mực; ông muốn vỗ về lòng tự ái của nhà vua, và chỉ xin cáo từ sau khi thấy ngài yên trí rằng trong lịch sử những giai thoại về Louis XIV không có trang nào đẹp đẽ bằng trang ngài vừa cung cấp cho các sử gia tương lai.

Về phần nữ công tước, về dinh, bà đóng cửa, truyền không cho ai vào, kể cả bá tước. Bà muốn đối diện tự xét mình và xét xem nên nghĩ thế nào về tấn trò vừa diễn ra. Bà đã tùy hứng nhất thời hành động không tính toán; nhưng dù cho có tự dẫn mình đến bước liều lĩnh nào chăng nữa, bà cũng cứ kiên quyết bám trụ ở đó. Khi bình tĩnh trở lại, bà không tự trách mình, cũng không ân hận; tính cách của bà là như thế, cho nên đến ba mươi sáu tuổi, bà vẫn là người phụ nữ xinh xắn nhất giữa triều.

Lúc này bà mơ màng nghĩ đến những gì dễ ưa có thể tìm thấy ở Parme, y như là đi lâu mới về, vì từ chín giờ đến mười một giờ, bà đã tưởng vĩnh viễn rời bỏ Parme.

“Anh bá tước tội nghiệp ấy đờ mặt ra, khi đến trước quận vương anh mới biết là ta sắp bỏ mà đi… Nói cho đúng, đó là một con người đáng mến, có tâm địa hiếm thấy ở đời. Ta mà ra đi thì anh sẽ vất cả nội các để theo ta… Cũng phải vì suốt năm năm qua, ta không hề có một sự xao lãng nào để cho anh trách cứ; trong số phụ nữ làm lễ thành hôn đàng hoàng trước bàn thờ Chúa, thử hỏi có bao nhiêu người có thể nói được như vậy với đức ông chồng? Phải công nhận rằng anh ấy không làm ra vẻ quan trọng, không dạy đời; anh không làm cho người ta thấy thích được lừa dối anh chút nào! Trước mặt ta, anh như luôn luôn có vẻ xấu hổ về uy quyền của anh…. Anh có bộ mặt thật ngộ nghĩnh khi đứng trước ông vua và ông chủ của anh; nếu có anh ở đây, ta hôn ngay… Tuy nhiên đánh đổi cái gì ta cũng không cam làm trò vui cho một vị bộ trưởng đánh mất bộ của mình; lâm cái bệnh… chết người ấy thì chỉ đến chết mới lành bệnh, cho nên trẻ tuổi mà làm bộ trưởng thì nguy lắm! Ta phải viết thư nói rõ với anh ấy; đó là một điều mà anh ấy cần được thông báo chính thức trước khi gây bất hòa với nhà vua… Nhưng ta quên nghĩ đến bọn tôi tớ trung thành của ta rồi”.

Công tước phu nhân rung chuông. Các chị hầu gái vẫn lo xếp đặt rương hòm, cỗ xe đã đánh vào dưới vòm cửa và người ta đang chất hành lý lên; những chú hầu trai không có công việc gì làm vây quanh cỗ xe, mắt ươn ướt lệ. Trong những giờ phút long trọng, chỉ có cô Chékina là được vào buồng phu nhân, chính Chékina trong dịp này đã thuật lại các chi tiết ấy với bà.

— Bảo họ lên đi, phu nhân nói.

Lát sau bà sang phòng chờ và nói:

— Người ta đã hứa với tôi là bản án xử cháu tôi sẽ không được hoàng thượng ký (ở Ý người ta xưng hô như thế đấy). Tôi gác lại việc ra đi. Chúng ta sẽ xem bọn thù địch của tôi có đủ thế lực thay đổi quyết định này không.

Sau giây lát im lặng, bọn tôi tớ vùng dậy thét lớn: Công tước phu nhân muôn năm! Và vỗ tay như điên dại. Bà công tước đã vào phòng bên lại trở ra như một nữ diễn viên được hoan hô, bà nghiêng người một chút rất duyên dáng chào bọn tôi tớ, rồi nói: “Tôi cảm ơn các bạn”. Giá bà hô một tiếng thì chắc lúc ấy cả bọn sẽ xông lên tấn công cung điện. Bà ra hiệu cho một anh đánh xe, nguyên là dân buôn lậu, rất trung thành với chủ, anh này đi theo bà.

— Chú thay quần áo làm một nông dân khá giả, chú ra đi khỏi thành phố Parme bằng cách nào tùy chú, chú thuê một chiếc xe ngựa nhỏ và chú phóng nhanh đến Bologne, càng nhanh càng tốt. Chú đi vào Bologne như một người đi đạo, theo cửa ô Florence mà vào, và chú đưa cho Fabrice một gói mà Chékina sẽ trao cho chú. Fabrice ở quán Pelegrino, cậu ấy giấu tung tích và lấy tên là Joseph Bossi. Khéo không vô ý mà thành ra phản cậu ấy đấy, phải vờ như không quen biết. Có thể bọn thù địch của tôi cho mật thám đi theo chân chú. Fabrice sẽ trả chú về sau mấy tiếng đồng hồ hoặc sau ít hôm; nhất là lúc về phải tăng cường đề phòng không thì làm lộ cậu ấy mất.

— Chà chà! Bọn tay chân của mụ hầu tước Raversi ấy à? Anh đánh xe thét. Chúng con đang chờ lũ chúng nó đây, nếu phu nhân đồng ý, chúng con sẽ làm cỏ chúng trong chốc lát.

— Có thể một ngày nào đấy cũng nên. Nhưng hãy coi chừng, thì chớ có làm gì khi chưa có lệnh tôi mà mất đầu đấy.

Công tước phu nhân muốn gửi bản sao cái giấy của hoàng thân cho Fabrice; bà không nén được cái thích thú mua vui cho anh cháu, cho nên viết thêm một câu về tấn trò đã kết thúc bằng mảnh giấy kia; cái câu định viết đó đã hóa thành một bức thư mười trang. Bà cho gọi anh đánh xe trở lại.

— Chú chỉ nên lên đường lúc bốn giờ sáng, khi mở cửa thành.

— Con định chui qua cống ngầm lớn mà ra. Con sẽ bị ngập nước tới cằm, nhưng thế nào cũng ra được.

— Không, nữ công tước nói. Ta không muốn có điều liều lĩnh nào để cho một thủ hạ trung thành nhất của ta bị cảm sốt. Chú có quen ai bên tòa tổng giám mục không?

— Anh đánh xe thứ hai là bạn của con.

Công tước phu nhân gửi cho đức tổng giám mục nguyên bản cái giấy của hoàng thân; vì cái giấy đó liên quan đến viên đệ nhất tổng trợ tá của tòa tổng giám mục, cho nên bà yêu cầu ngài cất giữ ở phòng lưu trữ văn thư; bà hy vọng rằng các vị trợ tá và chanoie, đồng nghiệp của cháu bà sẽ vui lòng tìm hiểu nội dung tờ giấy kia ở đó; tất cả công việc này phải tiến hành trong bí mật tuyệt đối.

Nữ công tước viết thư cho đức cha Landriani với cái giọng thân mật chắc là phải làm cho người thị dân ấy mê mẩn. Riêng chữ ký cũng đã chiếm mất ba dòng; bức thư rất thân tình sau khi chấm dứt, được đề tiếp mấy chữ:

Angelina Cornelia Isola Valserra Del Dongo, Sanseverina công tước phu nhân.

“Ta nhớ ta chưa bao giờ viết nhiều như thế từ khi ký cái hôn ước với công tước tội nghiệp ấy, phu nhân vừa nghĩ thầm vừa cười: nhưng mà những ngữ này thì chỉ khiến được bằng cách ấy mà thôi và dưới con mắt của bọn thị dân, biếm họa được coi là danh họa!”. Bị cám dỗ quá, bà chưa chịu đi ngủ mà thức để viết nốt cho ông bá tước đáng thương một bức thư chế diễu. Bà nói:

“Để ông bá tước biết cách xử sự trong mọi quan hệ với các bậc vương giả”, bà chính thức báo cho ông biết là bà cảm thấy không có khả năng giải khuây cho một quan thượng thư mất chức… “Quận vương làm cho anh sợ; khi nào anh không thể gặp ông ấy nữa, mới đến lượt tôi làm cho anh sợ chăng?” Bà cho mang thư đi ngay.

Về phần mình, sáng hôm sau, ngay lúc bảy giờ sáng, hoàng thân cho gọi ông bộ trưởng nội vụ, bá tước Zurla.

“Ông hãy ra lệnh lần nữa cho tất cả các thị trưởng, lệnh nghiêm khắc nhất, là phải bắt tên Fabrice Del Dongo. Tôi được báo là có khả năng hắn dám trở về đất nước ta. Cái tên đi trốn tội ấy đang ở Bologne, thách thức sự truy tố của các tòa án ta, ông hãy bố trí, những cảnh sát biết mặt hắn:

1) Ở các làng trên đường đi từ Bologne đến Parme.

2) Trong vùng lân cận lâu đài nữ công tước Sanseverina, ở Sacca và quanh tư thất bà ta tại Castelnovo.

3) Quanh lâu đài bá tước Mosca. Tôi hy vọng rằng ông sẽ sáng suốt biết cách giấu kỹ không cho bá tước Mossca biết những lệnh này của đức vua ông. Ông nên biết rằng tôi muốn tóm được tên Fabrice Del Dongo ấy”.

Ông bộ trưởng vừa ra khỏi thì quan tư khấu Rassi bước vào, bằng một cửa bí mật, đi lom khom, mỗi bước mỗi cúi rạp người để vái chào. Dáng dấp của tên vô lại đó quả đáng vẽ nên tranh; dáng dấp đó phù hợp với vai trò bỉ ổi của hắn, và trong khi đôi mắt hắn đảo, liếc nhanh và loạn xị chứng tỏ hắn biết tài năng của hắn, thì cái mồm nhăn nhở và khinh thị của hắn cũng nói rằng hắn biết chống lại sự khinh bỉ.

Vì nhân vật ấy sắp tác động lớn đến vận mệnh Fabrice cho nên cũng cần nói đến hắn một chút ít. Hắn cao lớn hắn có đôi mắt đẹp và rất sáng, nhưng mặt thì rỗ chằng rỗ chịt, xấu xí; thông minh thì hắn thông minh đấy, rất thông minh, loại có đầu óc tinh tế nhất; người ta cho là hắn nắm khoa luật học rất vững vàng, nhưng thực ra thì hắn cừ nhất ở khoa xoay xở biến báo. Chiều hướng vụ án dù thế nào, hắn cũng dễ dàng và mau mắn tìm được những cách hợp pháp nhất để kết án hoặc tha bổng; trước hết hắn là thánh sư về những trò tinh ranh của người biện lý.

Cái con người mà hẳn là nhiều đại vương quốc ao ước được có như quận vương Parme, con người ấy chỉ có một đam mê; đó là được nói chuyện thân mật với các bậc vương, công, khanh, tướng và làm vui lòng họ bằng những trò hề. Người ta cười về điều hắn nói hay cười bản thân hắn cũng không sao, người ta có bông đùa bất nhã về bà Rassi cũng được, miễn là hắn thấy ông lớn đó cười, ông lớn đó coi hắn như người nhà là đủ cho hắn sướng rồi. Một đôi khi quận vương không biết làm cách nào hơn để xúc phạm phẩm giá của quan chánh án tối cao đó, bèn đá đít hắn; đá đau quá thì hắn khóc, nhưng bản năng hề tuồng của hắn mãnh liệt đến nỗi hắn thích ở trong phòng khách của một ông bộ trưởng lăng mạ hắn, hơn là ở trong phòng khách của chính hắn, nơi hắn trị vì độc tôn trên tất cả bọn áo dài đen trong nước. Gã Rassi đó tự tạo cho mình một địa vị riêng biệt, bởi không có ông quí tộc nào ngạo nghễ nhất có thể làm nhục hắn; cách hắn trả thù những thóa mạ hắn nhận lĩnh hàng ngày là đem kể hết cho hoàng thân nghe, hoàng thân đã ban cho hắn cái đặc quyền được nói tất cả với ngài. Cũng đúng là nhiều khi hoàng thân trả lời hắn bằng một cái tát ra trò, làm hắn đau điếng, nhưng hắn không lấy làm điều. Sự hiện diện của quan chánh án tối cao làm khuây khỏa lòng hoàng thân trong những lúc bực bội, lúc ấy ngài thấy thích thú được làm nhục hắn. Rõ ràng Rassi là một triều thần gần như toàn thiện toàn hảo, một con người không biết sỉ nhục, không biết bất bình.

— Trước hết phải bí mật! Hoàng thân thét lên với hắn như thế và không chào đáp hắn; ngài đối đãi với hắn như với một tôi tớ trong khi rất lịch sự với mọi người. Bản án của anh đề ngày nào?

— Sáng hôm qua, thưa Điện hạ cao minh.

— Có mấy quan tòa ký?

— Cả năm đều kí.

— Làm án thế nào?

— Hai mươi năm cấm cố ngục thành, như Điện hạ đã truyền phán.

— Tử hình chắc là làm cho người ta bất bình, hoàng thân nói như là tự nói với mình. Đáng tiếc thật: Giá xử vậy được thì có tác dụng đối với người đàn bà ấy bao nhiêu! Nhưng mà đó là một tên thuộc dòng họ Del Dongo, dòng họ này được sùng bái trên đất Parme, vì đã sản sinh đến ba vị tổng giám mục hầu như kế tiếp nhau… Anh nói hai mươi năm cấm cố ngục thành à?

— Vâng, thưa Điện hạ cao minh, quan chánh án tối cao đáp, vẫn đứng và gập người làm đôi; với lại, trước tiên hắn phải tạ tội công khai trước chân dung Điện hạ, rồi thì phải theo chế độ bánh nhạt nước trong tất cả những ngày thứ sáu và những hôm trước các ngày lễ chính, vì đương sự thiếu đức tin rõ ràng. Điều khoản này là để dành cho tương lai, để bẻ gẫy cổ thần tài lộc của nó.

— Anh viết đi, hoàng thân nói. “Điện hạ cao minh, sau khi hạ cố lấy từ tâm nghe những lời kêu xin của nữ hầu tước Del Dongo, mẹ tên tội phạm và nữ công tước Sanseverina, cô nó - những người này đã viện dẫn là lúc phạm tội, con cháu của họ hãy còn nhỏ tuổi lắm và lại mù quáng vì say mê dại dột vợ tên Giletti khốn khổ đã vui lòng hoán cải tội hình Fabrice ra mười hai năm cấm cố ngục thành, mặc dù ngài ghê tởm vụ sát nhân này”.

— Đưa đây cho ta ký.

Hoàng thân ký và đề ngày hôm trước, rồi trả bản án lại cho Rassi, ngài nói. Anh hãy viết ngay ở dưới chữ ký tôi: “Vì công tước Sanseverina phu nhân đến quì xin lần nữa, quận vương cho phép tội phạm những ngày thứ năm hằng tuần được hưởng một giờ đi dạo trên sân thượng cái tháp vuông, thường gọi là tháp Farnèse".

— Anh ký cái đó đi và nhớ nhất là phải kín miệng dù anh nghe trong thành phố đồn đại gì gì. Anh hãy nói với viên bồi thẩm De Capitani - người đã bỏ phiếu xử hai năm và nói huyên thuyên bênh vực ý kiến ấy là ta khuyên anh ta đọc lại luật pháp và qui chế. Một lần nữa, im lặng… và chào anh.

Quan chánh án Rassi chậm rãi cúi rạp người ba lần chào hoàng thân, nhưng ngài không nhìn đến.

Sự việc này xảy ra lúc bảy giờ sáng. Mấy tiếng đồng hồ sau, tin nữ hầu tước Raversi bị đày lan ra trong thành phố và trong các quán cà phê, mọi người nhất loạt nói về sự kiện lớn lao đó. Việc bà hầu tước bị đày đã xua đuổi buồn tẻ ra khỏi Parme một thời gian, buồn tẻ vốn là kẻ thù nghiệt ngã của các thành phố nhỏ, các triều đình nhỏ. Tướng Fabio Conti trước tưởng mình sẽ làm bộ trưởng, nay thác cớ lên cơn thấp khớp để trốn trong thành lũy mấy ngày liền. Bọn tư sản, cùng với họ là cả đám bình dân nữa, dựa vào những sự việc đã xảy ra mà kết luận là rõ ràng quận vương đã quyết định trao chức tổng giám mục Parme cho ông lớn Del Dongo. Những chính khách quán cà phê tinh tế dám khẳng định là người ta khuyên vị tổng giám mục đương vị, đức cha Landriani thác bệnh để từ chức, và người ta sẽ trích thuế trúng thầu thuốc lá mà trao cho ông một món trợ cấp lớn, họ biết chắc chắn như vậy. Tiếng đồn ấy đến tai đức tổng giám mục, ngài lo ngại lắm, và suốt mấy hôm, lòng sốt sắng của ngài đối với Fabrice cũng nguội lạnh đi. Hai tháng sau, cái tin hay ho ấy được đăng trên các báo Paris, với chút ít thay đổi là bá tước Del Dongo, cháu nữ công tước Sanseverina, sẽ được cử làm tổng giám mục.

Bà hầu tước Raversi tức điên người trong tòa lâu đài Venlleja của bà. Bà không thuộc loại đàn bà yếu đuối, loại tưởng thóa mạ địch thủ tức là trả thù. Hôm sau ngày bà thất sủng, hiệp sĩ Riscara và ba người bạn trai khác của bà đến yết kiến hoàng thân theo lệnh bà, và xin phép đến thăm bà tại lâu đài. Quận vương tiếp các vị đó hết sức nhã nhặn và việc họ đến lâu đài là một niềm an ủi lớn cho nữ hầu tước. Vào cuối tuần thứ hai, bà hầu tước đã có ba mươi tân khách trong nhà, gồm tất cả những người mà nội các cánh tự do sẽ bố trí vào các chức vụ. Mỗi buổi tối, nữ hầu tước họp hội đồng chính thức với những bạn hữu hiểu biết tình hình nhất. Một hôm, nhận được nhiều thư từ Parme và từ Bologne, bà hầu tước cáo khách sớm, lui vào buồng riêng. Chị hầu phòng đưa anh nhân tình đương vị vào trước hết: đó là bá tước Baldi một thanh niên mặt mày bảnh bao mà tài trí tầm thường nhạt nhẽo; về sau chị mời thêm hiệp sĩ Riscara, người mà Baldi kế vị; tay này là một người nhỏ bé, đen mặt đen mũi, đen cả tâm hồn. Bắt đầu làm thầy phụ đạo hình học ở trường con em quí tộc ở Parme, bấy giờ hắn đã có chân trong tham chính viện và được thưởng nhiều huân chương các loại. Nữ hầu tước nói với hai người ấy:

— Tôi quên không thiêu hủy một tờ giấy nào, ấy thế mà hóa hay; đây là chín lá thư mụ Sanseverina viết cho tôi trong mấy trường hợp. Cả hai ông hãy đi Giênes, tìm trong bọn khổ dịch chiến thuyền một viên chưởng khế cũ tên là Burati như tên của nhà thơ lớn thành Vanise ta vậy - hoặc là Durati gì ấy. Bá tước Baldi, anh ngồi lại bàn viết và nghe tôi đọc mà viết theo.

“Cô chợt có một sáng kiến và cô viết thư cho anh đây. Cô về lâu đài của cô, ở gần Castelnovo, nếu anh cũng thích đến ở chơi với cô mười hai tiếng đồng hồ, thì cô sẽ vui sướng lắm; cô nghĩ rằng sau những vụ việc vừa diễn ra thì chẳng có gì nguy hiểm nữa. Trời đã quang đãng lại. Tuy nhiên, anh hãy dừng lại trước khi đi vào Castelnovo, anh sẽ gặp trên đường cái một người tôi tớ của cô, tất cả bọn chúng đều yêu quí say mê anh. Tất nhiên là anh cứ giữ cái tên Bossi trong cuộc hành trình nhỏ này. Người ta nói anh để râu dài như một tu sĩ dòng capucin mẫu mực, mà ở Parme thì người ta chỉ biết anh với vẻ mặt tử tế của một vị tổng trợ tá”.

— Anh hiểu chứ, Riscara?

— Hiểu lắm. Nhưng đi Gênes là một sự xa xỉ vô ích; tôi biết ở Parme có một người, nói cho đúng thì chưa đi khổ dịch chiến thuyền, nhưng thế nào rồi cũng đi. Hắn sẽ giả bút tích của con mụ Sanseverina một cách thần tình.

Nghe đến đó, bá tước mở to đôi mắt rất đẹp của mình, bây giờ anh ta mới hiểu.

— Anh biết nhân vật Parme quí hóa mà anh mong cho được thăng thưởng đó thì có phần chắc là nó cũng biết anh nữ hầu tước nói với Riscara; nhân tình của hắn, cha rửa tội của hắn, bạn hắn có thể được mụ Sanseverina mua chuộc. Tôi ưng thà là lui cái trò nghịch nhỏ này lại mấy hôm còn hơn là liều mình với ngẫu nhiên. Trong hai giờ nữa các anh hãy lên đường ngoan ngoãn như những chú cừu non, đến Gênes đừng tìm gặp ai, và phải lo về cho nhanh.

Hiệp sĩ cười và rút lui ngay; hắn nói giọng mũi như Polichinelle[82]: Phải soạn hành lý chứ, vừa nói vừa chạy đi một cách buồn cười. Hắn muốn để cho Baldi ở lại một mình với bà ấy.

Năm hôm sau, Riscara dắt về trả cho nữ hầu tước chú bá tước của bà, người ngợm sây sát hết; để đi tắt sáu dặm đường, người ta đã bắt ông bá tước cưỡi la vượt qua một quả núi. Ông thề là ông sẽ không bao giờ thực hiện những cuộc hành trình lớn nữa. Baldi trao cho nữ hầu tước ba bản chép bức thư mà bà đã đọc cho ông ta viết và năm sáu bức thư khác cũng một tuồng chữ ấy, do Riscara cấu tạo, đề phòng biết đâu sau này chẳng có dịp dùng! Một trong những thư ấy viết nhiều điều ngộ nghĩnh, chế diễu những cơn sợ hãi ban đêm của quận vương và thân thể gầy gò thảm hại của nữ hầu tước Balbi, nhân tình của ngài; gầy đến nỗi người ta nói bà ngồi giây lát trong ghế bành đứng dậy, thì trên nệm lót có hình của một cái cặp cời than. Xem các thư ấy, tất cả cũng phải nói quyết rằng do Sanseverina phu nhân viết.

— Bây giờ tôi biết chắc chắn là cái người bạn lòng ấy, gã Fabrice ấy, đang ở Bologne hoặc quanh quẩn gần đấy…

— Tôi ốm đau quá, Baldi hớt lời bà hầu tước, kêu lên. Tôi van xin được miễn hành trình thứ hai này, hay ít nhất tôi muốn được cho nghỉ ngơi ít hôm để phục hồi sức khỏe.

— Tôi sẽ kêu xin cho anh, Riscara nói.

Hắn đứng lên, thầm thì với nữ hầu tước.

— Ừ, thế thì thế! Tôi bằng lòng, bà mỉm cười. Anh hãy yên tâm, anh không phải đi đâu! Bà nói với Baldi, vẻ khinh thường:

— Cảm ơn, bá tước kêu lên, giọng thiết tha thốt tự đáy lòng.

Quả nhiên chỉ một mình Riscara đi xe trạm tốc hành. Tới Bologne mới hai hôm, hắn đã trông thấy Fabrice ngồi trong một chiếc xe ngựa cùng với con bé Marietta. “Gớm thật! Hắn tự nhủ, đức tổng giám mục tương lai của chúng ta có vẻ chẳng kiêng thứ gì! Phải cho bà công tước hay chuyện này mới được, chắc bà lấy làm thú vị lắm”. Riscara chỉ cất công đi theo Fabrice là biết ngay chỗ ở của anh ta.

Ngày hôm sau, Fabrice nhận được một bức thư chế tạo ở Gênes. Anh thấy thư hơi ngắn, nhưng cũng chẳng nghi ngại gì. Triển vọng gặp lại nữ công tước và bá tước khiến anh cực kỳ sung sướng, nên dù Ludovic nói sao, anh cũng lấy một con ngựa trạm phi đi. Anh không ngờ hiệp sĩ Riscara đuổi theo anh cách không xa. Cách Parme sáu dặm, nơi trạm cuối trước khi đến Castelnovo, hắn thích thú thấy có đám đông tụ tập ở trước cửa nhà ngục địa phương. Người ta vừa dẫn Fabrice đến đó; ở trạm trong khi thay ngựa, anh bị hai cảnh sát phát hiện, hai tên cảnh sát đó do bá tước Zurla chọn và phái đến đó.

Hai con mắt ti hí của hiệp sĩ Riscara sáng ngời lên vì sung sướng, với một sự kiên trì mẫu mực, hắn kiểm tra lại tất cả những người vừa mới tới cái làng bé nhỏ ấy, rồi phái một người liên lạc đem tin đến cho bà hầu tước Raversi. Sau đó, đi ra đường như để xem cái nhà thờ khá kỳ lạ, rồi để tìm một bức tranh của họa sĩ Parmesan mà người ta bảo hiện có ở đấy, cuối cùng hắn gặp viên thị trưởng, và viên thị trưởng sốt sắng tỏ lòng cung kính đối với quan tham chính. Riscara có vẻ lấy làm lạ sao ông thị trưởng chưa cho giải ngay về ngục thành Parme tên phiến loạn mà ông có diễm phúc tóm được.

Riscara nói thêm một cách hờ hững:

— Lũ bạn hữu đông đúc của nó hôm kia tìm nó để giúp nó vượt qua đất nước của hoàng thân Điện hạ, cũng nên sợ lũ này gặp bọn cảnh vệ áp giải nó, lũ nghịch đảng ấy có đến từ mười hai đến mười lăm đứa cưỡi ngựa chứ không ít.

— Intelligenti pauca![83] viên thị trưởng kêu lên một tiếng ý tứ.