Tu Viện Thành Parme

Chương VII

Docsach24.com
ịch sử bốn năm tiếp theo đầy những chuyện vặt vãnh vô nghĩa ở chốn triều đình như chuyện chúng tôi vừa kể. Mỗi mùa xuân, hầu tước phu nhân cùng với hai cô con gái đến chơi vài tháng ở lâu đài Sanseverina hoặc ấp Sacca trên bờ sông Pô. Có những phút êm đềm thú vị và người ta nhắc nhiều đến Fabrice. Nhưng bá tước không cho phép anh đến Parme một lần nào. Công tước phu nhân và ông bộ trưởng có vài lần phải sửa chữa mấy điều dại dột thiếu suy nghĩ của anh, nhưng nói chung Fabrice tuân theo khá ngoan ngoãn đường lối xử thế vạch sẵn cho anh: Lối xử thế của một bậc đại quý tộc đang học thần học và không duy nhất dựa vào đạo đức của mình để tiến thân. Đến ở Naples, anh đâm ra ham thích khoa khảo cổ vô hạn và anh tiến hành nhiều cuộc khai quật. Sự say mê này đã thay thế sự mê ngựa. Anh bán mấy con ngựa anglais để tiếp tục khai quật ở Misène, nơi đây anh đã đào được tượng bán thân của vua Tibère thời trẻ, tượng này được liệt vào hàng những di vật quý báu nhất thời cổ đại. Việc phát hiện đó hầu như là niềm vui lớn nhất của anh ở Naples. Anh là người cao thượng, không chịu bắt chước bọn trai trẻ khác, chẳng hạn không muốn đóng vai người si tình nghiêm túc, dù nghiêm túc nhiều hay ít. Hẳn anh không thiếu nhân tình, nhưng các nhân tình ấy đối với anh không có ảnh hưởng gì. Mặc dù anh đến tuổi ấy, người ta cũng vẫn có thể nói anh không biết tình yêu là gì, do đó anh càng được yêu hơn. Không có gì cản trở anh xử sự với sự tỉnh táo nhất, bởi đối với anh, người phụ nữ trẻ đẹp này cũng ngang với người phụ nữ trẻ đẹp khác, duy có người biết sau thì anh thấy có ý vị hơn. Một bà lớn thuộc số được thán phục nhất ở Naples đã làm nhiều việc liều lĩnh vì anh, điều đó thoạt đầu khiến anh thấy thú nhưng cuối cùng lại làm cho anh chán không chịu được, đến nỗi tránh được sự săn sóc của bà công tước A. là một trong những niềm sung sướng khi đi khỏi Naples. Năm 1821, anh thi tốt nghiệp đạt kết quả, viên giáo đạo của anh được tặng thưởng một huân chương và một món quà, còn anh thì được đi Parme để xem cái thành phố mà anh ao ước đến. Anh đã là Đức ông và anh đi một cỗ xe bốn ngựa, đến trạm cuối, trước khi vào thành phố, anh chỉ lấy một cỗ hai ngựa. Vào thành phố, anh cho dừng xe trước nhà thờ Saint Jean. Ngôi mộ sang trọng của ông cố anh ở đấy, ông cố này là Ascagne Del Dongo, tổng giám mục, tác giả bộ Gia phả tiếng La tinh. Anh cầu nguyện trước mộ rồi đi chân đến lâu đài nữ công tước, trong khi bà ngỡ còn một hôm nữa anh mới về tới. Nữ công tước đang có nhiều khách, trong giây lát họ cáo lui, chỉ còn một mình bà. Fabrice lao vào vòng tay phu nhân, miệng nói:

— Nào! Cô có vừa lòng về cháu không? Nhờ cô cháu đã sống bốn năm khá lý thú ở Naples, thoát được cảnh chung đụng chán ngắt với ả nhân tình được cảnh sát chuẩn y ở Novare.

Công tước phu nhân khôn xiết kinh ngạc, nếu gặp ngoài đường, hẳn phu nhân không nhìn ra anh ta. Bà nhận thấy Fabrice đúng thực chất của anh, nghĩa là một trong những người điển trai nhất trên đất Ý. Trước hết anh có vẻ mặt muôn phần đáng yêu. Trước, phu nhân gửi đi Naples một thanh niên ngổ ngáo, trên tay luôn luôn có chiếc roi gân bò y như nó là bộ phận của cơ thể. Nay, đứng trước người ngoài, anh có dáng cao quý và mực thước nhất thiên hạ, còn giữa người thân, nữ công tước thấy anh vẫn giữ nguyên vẹn cái lửa nhiệt tuổi đầu xuân. Đúng là một viên ngọc càng mài càng có giá. Fabrice đến chưa tới một tiếng đồng hồ thì bá tước Mosca cũng đến, có phần hơi sớm. Chàng trai nói về cái huân chương ban cho viên giáo đạo với những lời lẽ rất lịch sự và anh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những ân huệ khác, mà anh không dám nói một cách rõ ràng đến như vậy. Anh ăn nói hoàn toàn đúng mức, khiến thoạt đầu bá tước đã có thiện cảm. Ông nói khẽ với nữ bá tước: “Anh cháu nảy sinh ra để làm huy hoàng tất cả những chức vị mà phu nhân muốn nâng anh ta lên sau này”.

Mọi việc xảy ra hết sức tốt lành cho đến lúc đó. Ông bá tước rất hài lòng về Fabrice và chỉ chú ý nhìn về phía nữ công tước, ông thấy ánh mắt của bà thật lạ lùng. Ông tự nhủ: “Chàng trai này gây một cảm giác thật lạ ở nơi đây”. Ý nghĩ kia quá cay đắng, bá tước đã cập ngũ tuần, ngũ tuần là một danh từ quá tàn nhẫn mà chỉ kẻ si tình mới cảm thấy hết cái sức dội. Ông là người rất tốt, rất xứng đáng được yêu mặc dù có sự nghiêm khắc của một vị bộ trưởng. Nhưng ông cảm thấy cái tiếng tàn nhẫn ngũ tuần vung một tấm màn đen lên cuộc đời ông và có khả năng làm cho ông hóa ác vì quyền lợi riêng của mình. Đã năm năm nay kể từ khi ông thuyết phục công tước phu nhân đến ở Parme, có lắm lúc bà chọc ông nổi ghen, nhất là vào buổi đầu, tuy nhiên chưa bao giờ ông phải thực sự phàn nàn về bà. Ông nghĩ rằng, và nghĩ thế là đúng, chỉ vì muốn lòng được tin lòng nên nữ công tước mới vờ để lọt vào mắt xanh một đôi chàng trai tuấn tú ở triều đình. Chẳng hạn ông biết chắc chắn phu nhân đã từ chối sự yêu chuộng của quận vương, và trong dịp đó, vương đã nói một câu có ý nghĩa:

— Nếu thần thiếp nhận lời Điện hạ, nữ công tước vừa nói vừa cười, thì làm sao còn nhìn mặt bá tước cho được.

— Tôi cũng sẽ ngượng ngùng không kém phu nhân. Chao ôi! Ông bá tước thân yêu! Bạn của tôi mà! Tuy nhiên, điều rắc rối này cũng dễ gỡ thôi và tôi cũng đã nghĩ đến bá tước sẽ vào ở trong ngục thành cho đến mãn đời.

Fabrice vừa mới đến, nữ công tước ngây ngất trong hạnh phúc, quên đề phòng những tư tưởng mà đôi mắt mình có thể gây ra ở bá tước. Hậu quả thực sâu sắc, lòng ngờ vực khó cứu chữa nổi.

Hoàng thân tiếp kiến Fabrice hai tiếng đồng hồ sau khi anh đến Parme. Bà công tước dự đoán ảnh hưởng tốt đẹp mà cuộc bệ kiến bất ngờ sẽ gây nên đối với công chúng, đã thỉnh cầu từ hai tháng nay, ân huệ này sẽ đưa người cháu bà lên một vị trí vô song. Bà lấy cớ Fabrice chỉ đi qua Parme để đến thăm mẹ ở Piémont. Khi lá thư nhỏ tình tứ của nữ công tước đến báo với hoàng thân là Fabrice đang chờ lệnh ngài thì cũng vừa đúng lúc Điện hạ đang buồn chán. Ngài nghĩ thầm: ‘“Ta sắp được xem một ông thánh con rất khờ khạo, một vẻ mặt tầm thường hoặc giảo quyệt đây”. Quan trấn thủ đã tâu bày về cuộc thăm viếng đầu tiên của anh, cuộc viếng mộ người ông tổng giám mục. Hoàng thân thấy một thanh niên cao lớn bước vào điện, giá anh không mang bít tất tím, hẳn ngài đã cho là một sĩ quan trẻ tuổi.

Sự bất ngờ nhỏ này đã xua đuổi buồn chán đi. Hoàng thân tự nhủ: “Cái thằng nhãi này, không biết người ta sẽ thỉnh cầu cho nó những ân huệ gì, hẳn là tất cả những gì ta có thể ban đây. Nó vừa về tới, nó đang xúc động, ta sẽ chơi thứ chính trị dân chủ với nó, xem thử nó trả lời làm sao”.

Sau đôi lời thăm hỏi nhã nhặn, hoàng thân nói:

— Này, nhân dân Naples, có được sung sướng không vậy, thưa đức ông? Nhà vua có được yêu mến chăng?

— Thưa Điện hạ tôn quý! Fabrice đáp không một giây do dự - Đi ra đường, thần thầm phục nề nếp tuyệt vời của binh lính các trung đoàn hoàng gia, giới thượng lưu tôn kính các lãnh chúa của họ đúng với bổn phận họ, còn thần xin thú nhận rằng suốt đời thần không khi nào chịu để cho những kẻ ở các tầng lớp dưới nói về những gì khác những công việc làm vì đó mà thần thù lao cho họ.

”Ái chà! hoàng thân tự nhủ - Một sự thụ phong tuyệt diệu. Quả là một con vẹt luyện giỏi. Trí tuệ của mụ Sanseverina chính cống đấy!"

Thấy hay hay, hoàng thân dùng nhiều mánh lới để khiến Fabrice tỏ ý kiến về đề mục hóc búa đó. Anh chàng cảnh giác với nguy hiểm, đã may mắn tìm được những câu trả lời đáng phục.

— Tỏ ra yêu mến chúa thượng của mình thì cũng cần hỗn láo, cái cần là một sự phục tùng mù quáng mà thôi.

Thấy anh chàng quá cẩn thận như vậy, hoàng thân đâm ra gần như bực tức? ”Hình như anh chàng từ Naples đến đây với chúng ta là một con người thông minh, mà ta thì chẳng thích cái giống đó chút nào, một con người thông minh, dù xử thế theo những nguyên lý đúng đắn nhất và có thiện chí chăng nữa, về một mặt nào đó cũng là anh em thúc bá với Voltaire, Rousseau".

Cử chỉ đúng đắn và những câu trả lời không chỗ hở của anh sinh viên từ ngưỡng cửa của nhà trường bước ra như thách thức hoàng thân. Điều ngài dự kiến không xảy ra. Trong chớp mắt, ngài chuyển sang giọng thân tình độ lượng. Bằng vài lời vắn tắt, ngài đi ngược lên những nguyên lý về xã hội và nhà nước và ngài đọc mấy câu của Fénelon ứng dụng vảo hoàn cảnh hiện tại, những câu ấy, người ta bắt ngài học thuộc lòng từ thủa bé để nói trong những buổi thiết triều khi đã ở ngôi. Ngài nói với Fabrice:

— Những nguyên lý ấy làm cho anh ngạc nhiên, phải không anh bạn trẻ? (ngài gọi anh ta là đức ông lúc đầu buổi bệ kiến và cũng định cho ra đức ông nữa khi anh ra về, nhưng trong lúc nói chuyện, ngài thấy gọi anh bằng một tiếng nhẹ nhàng thân mật thì khéo léo hơn, thích hợp với giọng điệu tình cảm hơn). Những nguyên lý ấy làm cho anh ngạc nhiên, anh bạn trẻ ạ, tôi thú thật nó chẳng giống chút nào với những bài trường giang đại hải về chủ nghĩa chuyên chính (đúng là phải gọi như vậy) mà người ta có thể đọc hàng ngày trên tờ công báo của tôi… nhưng, lạy Chúa, tôi toan dẫn văn gì ra thế này? Những nhà văn làm báo này rất xa lạ với anh.

— Xin Điện hạ rộng lòng bao dung cho hạ thần, không những thần đọc tờ công báo cho quận Parme, mà thần còn thấy tờ báo đó viết khá hay, thần lại đồng ý với nó là tất cả những gì người ta đã làm từ khi vua Louis XIV qua đời năm 1715 đến nay đều là tội ác đồng thời là ngu dốt. Quyền lợi tối cao của con người là sự cứu vớt linh hồn, không thể có quan điểm thứ hai nào về vấn đề đó, và thứ hạnh phúc này là vĩnh hằng. Những danh từ tự do, công lý, hạnh phúc của số đông đều là phản phúc và tội lỗi, chúng nó gây cho trí tuệ thói xấu tranh cãi và nghi ngờ. Nghị viện thì nghi ngờ cái mà họ gọi là nội các. Một khi đã nhiễm thói quen nghi ngờ tai hại thì tính nhu nhược của loài người mang nó ứng dụng khắp nơi, người ta nghi đến cả Thánh kinh, nghi các dòng thư, nghi truyền thống … và thế là người ta mất linh hồn. Cho dù là (nói điều này là sai lạc và tội lỗi ghê gớm!) cho dù là vì nghi kị uy quyền của các bậc vương thượng, do Chúa dựng nên, mà có được hai mươi hay ba mươi năm hạnh phúc như mỗi chúng ta có thể mong hưởng, nhưng mà năm mươi năm hay cả một thế kỷ chăng nữa thì cũng có nghĩa lý gì đối với cực hình vĩnh cửu? v.v…

Nhìn cách Fabrice nói năng, người ta biết rằng anh cố chọn lựa, sắp xếp ý kiến của mình thế nào cho người nghe nắm được rõ ràng nhất, đúng là anh ta không được thuộc lòng bài bản. Được một lát, hoàng thân thấy không buồn đấu lý với chàng trai mà cử chỉ giản dị và nghiêm trang khiến cho ngài không thoải mái, ngài nói đột ngột:

— Xin chào đức ông, tôi thấy học viện tôn giáo ở Naples đào tạo đức ông rất tốt và dĩ nhiên khi những điều giáo huấn tốt đẹp đó được gieo vào một đầu óc lỗi lạc đến như vậy thì người ta phải thu được kết quả rực rỡ. Xin chào.

Hoàng thân quay lưng, còn Fabrice tự bảo: “Ta không làm cho con thú này ưa rồi!”.

Khi còn một mình hoàng thân nói:

“Bây giờ chỉ còn xem cái anh chàng đẹp trai này có khả năng say mê một cái gì không, nếu có thì hắn là một người hoàn toàn… Có thể nào đọc lại những bài học của bà cô một cách thông minh hơn thế không chứ? Ta tưởng nghe chính nàng nói, giả dụ ở nước ta có cách mạng thì chính nàng sẽ là chủ bút tờ Người huấn luyện như ả San Felice ở Naples. Tuy nhiên San Felice mặc dù mới hăm lăm tuổi và rất đẹp, cũng đã bị treo cổ như thường! Báo cáo cho những bà quá thông minh biết vậy!”.

Hoàng thân nhầm khi cho Fabrice là đồ đệ của bà cô anh. Những người thông minh ra đời trên ngai vàng hay bên cạnh mất rất nhanh khiếu tinh vi trong nhận xét, họ cấm đoán quanh họ tự do ăn nói mà họ cho là thô bạo, họ chỉ muốn nhìn thấy những mặt nạ nhưng lại sính nhận xét về vẻ đẹp của nước da, điều hài hước là họ tưởng họ tế nhị lắm. Trong trường hợp này chẳng hạn thì Fabrice hầu như tin làm lòng tất cả những gì anh nói, cũng đúng là anh không nghĩ đến những nguyên lý lớn lao ấy mỗi tháng quá vài lần. Anh có những ham thích sôi nổi, anh thông minh, nhưng anh có đức tin.

Lòng ham thích tự do, cái mốt ca ngợi và tôn thờ hạnh phúc của số đông nhất, mà thế kỷ XIX say mê, đối với anh chỉ là một thứ tà đạo, nó cũng sẽ mai một như mọi tà đạo, nhưng sau khi đã làm mất nhiều linh hồn, cũng như ôn dịch khi ngự trị ở một vùng thì làm mất nhiều thể xác. Mặc dù vậy, Fabrice say sưa đọc báo Pháp, và làm liều nhiều việc để có báo Pháp mà đọc.

Fabrice từ cuộc bệ kiến trở về bơ phờ, sau khi anh thuật hết cho bà cô nghe, bà bảo:

— Anh phải đi ngay đến dinh đức cha Landriani, vị tổng giám mục tuyệt vời của chúng ta. Đi bộ thôi, rồi nhẹ nhàng leo lên các bậc thang, đừng gây tiếng động nhiều ở các hành lang, nếu người ta bắt anh chờ thì càng hay, nghìn lần hay! Tóm lại, anh phải tỏ ra là một thánh đồ.

— Cháu hiểu! Fabrice nói, nhân vật của chúng ta là một Tartufe[56]

— Chẳng chút nào như thế, đức cha là đạo đức hiện thân.

— Bất chấp điều cha đã làm vào dịp hành hình bá tước Palanza hay sao? Fabrice ngạc nhiên hỏi lại.

— Phải anh bạn ạ, bất chấp việc đó. Thân sinh ông tổng giám mục là một viên chức ở bộ tài chính, một tiểu tư sản, chi tiết này giải thích tất. Đức cha Landriani là một người có trí tuệ nhạy, sắc, sâu, rộng. Cha thành thục, cha chuộng đạo đức, cố tin rằng nếu hoàng đế Décius[57] tái sinh thì đức cha sẵn sàng chết vì đạo như Polyeucte[58] trong nhạc kịch diễn tuần trước. Đó là mặt đẹp của chiếc mề đay. Còn đây là mặt trái, khi đức cha đứng trước quận vương hay chỉ là trước thủ tướng thôi, đức cha cũng lóa mắt vì quyền uy cao cả, đức cha luống cuống và đỏ mặt, kết quả là đức cha ngọng miệng, không thể nào nói không cho được. Do đó mà xảy ra những việc cha đã làm, khiến cha mang tiếng ở khắp đất nước Ý mới cay đắng chứ. Điều mà người ta không biết là khi công luận làm mắt cha sáng tỏ về vụ án bá tước Palanza, cha tự phạt mình mười ba tuần bánh nhạt và nước trong để sám hối, tên họ Davide Palanza có bao nhiêu chứ cái thì bấy nhiêu tuần, ở triều đình ta có một thằng đểu hết sức thông minh tên là Rassi, chánh án tối cao, cũng gọi là quan tư khấu, thằng ấy đã mê hoặc đức cha Landriani trong vụ án Palanza.

Trong thời gian mười ba tuần sám hối của đức cha, bá tước Mosca vì thương, cũng có vì tinh nghịch, đã mời cha dự yến mỗi tuần một lần, có khi hai lần. Ông tổng giám mục thật thà, để làm vui lòng người quyền quý, đã đến dự yến ẩm như mọi người. Đức cha nghĩ rằng công khai hóa sự sám hối của mình về một hành động mà vương chủ đã chuẩn y tức tỏ ý phản kháng và có óc cách mạng. Nhưng người ta vẫn biết rằng bù lại một bữa tiệc mà bổn phận thần dân trung thành buộc ngài phải dự như mọi kẻ khác, đức tổng giám mục phải tự gán thêm cho mình hai ngày bánh nhạt nước trong nữa.

“Đức cha Landriani, một trí tuệ cao đẳng, một nhà thông thái bậc nhất, chỉ có một nhược điểm là ngài muốn được yêu mến. Bởi vậy, anh hãy tỏ ra trìu mến khi nhìn cha và đến lần thăm viếng thứ ba thì hãy yêu cha toàn vẹn. Điều ấy, cộng với thành phần đại thế phiệt của anh, sẽ làm cho đức cha mê anh ngay. Đừng có vẻ gì ngạc nhiên nếu cha tiễn anh xuống thang lầu, hãy tỏ ra chẳng xa lạ gì những hình thức đối xử ấy. Đó là một con người lọt lòng mẹ với tư thế quỳ bái giới quý tộc. Ngoài ra, hãy giản dị, gương mẫu, không thông minh, không xuất sắc, không đối đáp nhanh nhậy. Nếu anh không làm cho đức cha lo ngại thì đức cha sẽ ưa anh. Hãy làm sao để cho đức cha tự động chọn anh làm linh mục trợ tá của người. Bá tước và cô sẽ tỏ ra ngạc nhiên hơn thế, khó chịu về sự thăng chức quá nhanh của anh, điều này cần thiết trước con mắt quận vương”.

Fabrice chạy đến tòa tổng giám mục. May mắn sao, người hầu phòng của đức cha hơi lãng tai không nghe tiếng Del Dongo hắn báo có một linh mục trẻ tuổi tên là Fabrice. Lúc ấy đức tổng giám mục đang tiếp một cha xứ hạnh kiểm thiếu gương mẫu mà đức cha gọi đến để quở phạt. Cha đang khiển trách ông linh mục kia, khiển trách là một việc làm nhọc dạ đức cha, cha không muốn nuôi điều phiền muộn kia trong lòng lâu dài hơn nữa. Bởi vậy cha bắt người cháu của đức tổng giám mục Ascanio Del Dongo vĩ đại chờ bốn mươi lăm phút.

Sau khi tiễn cha xứ qua phòng chờ thứ hai, đức cha quay lại thấy có người đợi bèn hỏi người ấy xem mình có thể giúp được gì cho ông ta, chừng ấy đức cha mới nhìn thấy đôi bít tất tím và nghe đến cái tên Fabrice Del Dongo. Làm thế nào diễn tả nỗi thất vọng và những lời thanh minh của đức tổng giám mục? Fabrice thấy sự việc xảy ra hay hay, cho nên ngay tại cuộc thăm viếng đầu tiên này, anh đã đánh liều hôn bàn tay của vị thánh tăng trong niềm cảm kích. Phải nghe đức cha luôn miệng nhắc một cách thất vọng: ”Một người dòng dòng dõi Del Dongo mà phải chầu chực trong hành lang của ta!” nghe được như thế mới thấy thú. Để thanh minh, đức cha thấy cần thuật lại cặn kẽ vụ lỗi lầm của cha xứ cho Fabrice nghe, nào là ông ta phạm lỗi như thế nào, nào là ông ta trả lời ra sao v.v…

Khi trở về lâu đài Sanseverina, Fabrice tự hỏi đó có phải là con người đã giúp cho người ta sớm hành hình ông bá tước Palanza tội nghiệp hay không!

— Ông lớn nghĩ thế nào? Bá tước Mosca vừa cười vừa hỏi Fabrice khi thấy anh trở về dinh nữ công tước (bá tước không muốn cho Fabrice gọi mình là ông lớn).

— Tôi như người trên mây rơi xuống. Tôi chẳng hiểu gì về tính tình của con người ta, giá tôi không biết tên đức cha thì tôi có thể đánh cuộc đó là một người không dám nhìn người ta cắt tiết gà nữa.

— Và hẳn anh thắng cuộc. Tuy nhiên khi đức cha tổng giám mục đứng trước mặt quận vương, hoặc chỉ đứng trước mặt tôi thôi, ngài cũng không thể nói không. Thật ra muốn phát huy hết hiệu lực đối với ngài, tôi phải đeo cái băng choàng nhất đẳng lên trên áo; tôi mà mặc thường phục thì đức cha cãi tôi đấy, cho nên tôi cứ phải mặc phẩm phục để tiếp cha, chúng tôi đâu có nhiệm vụ đả phá uy thế người cầm quyền báo chí Pháp đang lay đổ nó khá mau lẹ đấy. Bệnh tôn quan quyền may lắm là tồn tại đến hết đời chúng tôi, còn anh, anh cháu của tôi ạ, anh tồn tại lâu hơn trong sự tôn kính: Anh, anh sẽ là một bậc hiền nhân.

Fabrice thấy thích khi được gần gũi bá tước; đây là người bề trên đầu tiên chịu khó không đóng trò khi giao thiệp với anh. Vả lại hai người có một sở thích chung, đó là việc khảo cổ và khai quật, về phần bá tước, ông thấy đắc ý được chàng thanh niên hết sức chăm chú nghe mình nói. Thế nhưng có một trở ngại căn bản: Fabrice ở một gian trong lâu đài Sanseverina, sống với công tước phu nhân, ngây thơ bộc lộ niềm sung sướng được gần gũi phu nhân, mà Fabrice có đôi mắt và nước da tươi mát đến ngã lòng người.

Ranuce Ernest IV rất ít khi gặp một phụ nữ lạnh nhạt với mình, đã từ lâu ông thấy tự ái về chỗ nữ công tước, vốn nổi tiếng đức hạnh giữa triều, không có ngoại lệ đối với ông. Chúng ta đã thấy sự thông minh và tự chủ của Fabrice làm cho ông khó chịu ngay từ ngày đầu. Ông không thích mối quan hệ vô hạn đậm đà mà cô cháu nhà ấy phô bày một cách nhẹ dạ. Ông nghiêng tai nghe ngóng những lời bàn tán bất tận của quần thần. Việc chàng thanh niên ấy đến Parme và cuộc tiếp kiến bất thường chàng được hưởng là tin sốt dẻo và là chuyện lạ ở triều trong vòng một tháng, qua đó hoàng thân nảy ra một sáng kiến.

Trong đội cấm binh của hoàng thân, có một anh lính tửu lượng rất cừ. Hắn ta sống giữa quán rượu và báo cáo thẳng với quận vương về tư tưởng của quân nhân. Hắn tên là Carlone, hắn không có văn hóa, không thế thì đã thăng chức từ lâu. Nhiệm vụ của hắn là phải có mặt trước cung điện hàng ngày khi nghe đồng hồ lớn trong cung buông mười hai tiếng. Trước giờ đó một chút, hoàng thân vào một buồng con kế tiếp buồng thay áo quần và tự tay hé cánh cửa chớp theo một kiểu riêng nào đó. Sau ngọ một chút, hoàng thân trở lại đấy và gặp người lính. Trong túi áo hoàng thân, có một tờ giấy và một lọ mực, ngài đọc cho tên lính viết lá thư này:

“Quan lớn hẳn là một bậc đại trí, nhờ sự anh minh của ngài mà tổ quốc ta thịnh trị thế này. Tuy nhiên, thưa bá tước thân mến, những thành quả rực rỡ đó không phải không gây nên ít nhiều đố kỵ và tôi rất lo người ta cười sau lưng ngài, nếu ngài không tinh ý đoán thấy một chàng trai bảnh bao nào đó đã làm nẩy nở một mối tình thuộc loại lạ đời. Người ta nói con người trần gian sung sướng đó mới hai mươi ba tuổi và điều làm cho vấn đề hóa nên rắc rối, thưa bá tước thân mến, là cả ngài lẫn tôi đều hơn gấp đôi tuổi ấy. Buổi tối, đứng xa thì thấy bá tước rất đáng yêu, nhanh nhẹn, thông minh, niềm nở nhất đời; nhưng buổi sáng, trong cảnh thân mật, nói cho công bằng thì người bạn mới đó vẫn hấp dẫn hơn. Thế mà phụ nữ chúng tôi lại rất quý chuộng cái tươi mát của tuổi xuân, nhất là khi chúng tôi đã quá ba mươi. Người ta không nói đến việc dùng một chức vị cao để buộc chân chàng trẻ ấy tại triều là gì? Và ai là người thường nói điều đó với quan lớn hơn hết?”.

Hoàng thân lấy thư, cho tên lính hai đồng écu và lạnh lùng bảo:

— Món này ngoài lương bổng của anh. Phải ngậm miệng đối với bất cứ ai, nếu không thì vào cái hầm sâu ẩm ướt nhất ngục thành mà ở.

Trong buồng giấy hoàng thân có một loạt phong bì để sẵn địa chỉ của phần lớn nhân vật tại triều; địa chỉ cũng do tên lính kia đề, tuy hắn bị coi là không biết chữ và cũng chẳng viết gì bao giờ, dù là viết báo cáo về an ninh. Hoàng thân chọn chiếc phong bì cần thiết.

Mấy tiếng đồng hồ sau, bá tước Mosca nhận được một bức thư qua đường bưu điện. Người ta đã tính toán giờ thư đến. Người phát thư đến với một phong bì nhỏ trên tay, khi ra khỏi bộ thì bá tước Mosca cũng được hoàng thân gọi. Chưa bao giờ vị sủng thần có cái dáng ảm đạm như vậy! Để hưởng hết niềm thú vị, khi trông thấy bá tước, hoàng thân nói lớn:

— Tôi muốn đàm đạo bâng quơ một chút với ông bạn để giải lao chứ không định làm việc với ông thủ tướng. Chiều nay tôi nhức đầu đến điên người, lại còn có những ý nghĩ đen tối.

Có nên nói đến tâm trạng xốn xang uất ức của vị thủ tướng, Mosca bá tước, khi đã được phép cáo từ minh chúa? Ranuce Ernest IV là thánh sư trong nghệ thuật dày vò lòng người, tôi có thể ví ngài với con hổ vờn mồi mà không oan.

Bá tước bảo đánh ngựa phi nước đại về dinh, khi Sanseverina qua cổng, ông thét bảo không được để ai vào; ông nhắn bảo nhân viên trực phòng là ông cho phép anh ta nghỉ việc (biết có một ai có thể nghe tiếng mình, ông không chịu được).

Ông chạy trốn vào gian lớn trưng bày tranh vẽ. Ở đây ông mới có thể bộc lộ tha hồ sự căm giận của mình; ở đây suốt buổi tối, không đèn lửa, ông đi ngang dọc vu vơ, như một người mất trí. Ông tìm cách nén lòng lại để tập trung trí ý xét xem nên làm thế nào. Nỗi khắc khoải hoang mang của ông, đến kẻ thù độc ác nhất cũng phải đâm ra thương hại. Ông tự nhủ: “Con người mà ta căm ghét ở trong nhà nữ công tước, giờ phút nào cũng ở cạnh nàng. Ta có nên hỏi một con hầu của nàng hay không? Nhưng không gì nguy hiểm cho bằng việc ấy, phu nhân tốt bụng quá, nàng thù lao cho họ rất hậu, họ yêu quý nàng: “Lạy Chúa ai mà không yêu nàng cho được?” Ông tức điên lên, nói tiếp:

“Vấn đề là thế này: Nên để cho nàng đoán biết nỗi ghen tức dày vò lòng ta hay nên im lặng? Nếu mình im lặng, người ta sẽ không giấu giếm mình. Mình biết Gina lắm, đó là một phụ nữ luôn hành động bột phát; nàng làm gì, chính nàng cũng không biết trước được, nếu nàng vạch trước cho mình một vai trò thì nàng sẽ quên đầu quên đuôi, luống cuống ngay. Đang giữa công việc, luôn luôn có một ý mới chợt đến với nàng, và nàng hăng hái làm theo, y như đó là điều hay nhất thiên hạ và thế là hỏng cả. Không nói gì về nỗi đau khổ của mình, người ta sẽ không giấu mình và mình sẽ trông thấy hết những gì xảy ra.

Phải. Nhưng nếu nói thì ta lại làm nẩy sinh những hoàn cảnh mới, ta buộc người phải suy nghĩ và ta có thể ngăn ngừa nhiều điều xấu xa có thể xảy đến… Có lẽ người ta sẽ cho nó đi xa (bá tước thở ra được), được như thế ta hầu như thắng cuộc; dù cho lúc đầu người ta có bực tức, thì ta sẽ dỗ dành… mà bực tức thì cũng là lẽ tự nhiên thôi!… Nàng yêu nó như con từ mười lăm năm nay. Tất cả mong ước của ta là ở chỗ này: Như con… nhưng nàng đã không thấy mặt nó từ khi nó dông đi Waterloo kia. Rồi từ Naples trở về, nó đã là một người khác, nhất là đối với Nàng. Một người đàn ông khác, bá tước uất ức lại, và người đàn ông ấy lại đáng mê. Trước hết, là cái vẻ ngây thơ và âu yếm ấy và đôi mắt tươi cười ấy hứa hẹn hạnh phúc biết bao nhiêu! Những con mắt đó, phu nhân không quen tìm thấy ở triều đình đâu!… Ở đó người ta thay bằng những con mắt âm u hoặc tai ác. Chính ta, quần quật với công việc trị vì thiên hạ chỉ nhờ ảnh hưởng đối với một người luôn luôn muốn đưa ta ra làm trò cười, ánh mắt của ta thường hiện ra như thế nào nhỉ? Chao ôi! Dù giữ gìn bao nhiêu; cái nét già nhất ở ta chính là ở đôi mắt! Niềm vui vẻ nơi ta dễ không luôn luôn ngấp ghé với sự chế diễu sao? … Còn hơn thế, ở đây phải thành thật, niềm vui đó không phải để hé thấy một cái gì rất gần với nó là tính chuyên quyền… và sự độc ác hay sao? Không phải có đôi lần ta đã tự nói với ta, nhất là khi bị chọc tức: “ta đã muốn thì ta làm được?” và ta còn nói thêm một điều dại dột: “Ta phải được sung sướng hơn kẻ khác bởi vì ta có cái mà những kẻ khác không có tức là quyền lực vô thượng trong ba phần tư công việc”… Thế thì phải công bằng, đã quen có tư tưởng như vậy thì nụ cười phải xấu đi… dáng người phải trở nên vị kỷ… và tự mãn… Còn nụ cười của nó sao mà tình tứ thế! Nó toát ra niềm hạnh phúc dễ dãi của tuổi thanh xuân và tự nó gây hạnh phúc chung quanh nó”.

Khổ thân bá tước! Đêm hôm ấy trời oi bức, báo sắp có bão tố, tóm lại một thứ thời tiết đưa đến những quyết định cực đoan ở xứ này. Làm sao kể lại hết những lý lẽ, những cách nhận xét sự việc đã giầy vò con người si tình ấy trong ba tiếng đồng hồ ác hại? Cuối cùng xu hướng thận trọng thắng thế, chỉ vì bá tước nghĩ: “Ta điên sao ấy? Tưởng là luận lý, thực ra ta chẳng luận lý gì cả, ta chỉ day qua trở lại để tìm một vị trí ít làm đau nhức hơn mà thôi, ta đã lướt qua cái lý lẽ quyết định mà không nhìn thấy nó. Ta đã hóa mù quáng vì quá đau khổ thì chỉ nên theo con đường mà những người khôn đều tán thành, đó là sự thận trọng.

Vả chăng một khi ta đã nói đến cái tiếng tai hại là ghen tuông thì vai trò của ta cũng bị vĩnh viễn sẵn. Trái lại, hôm nay không nói gì thì ngày mai ta còn nói được, ta vẫn cứ còn chủ động”.

Bài toán được giải đáp, niềm vui nhờ do việc xét đoán kia đem đến cũng nhanh chóng bay biến đi bởi vì hình ảnh Fabrice lại xuất hiện và xóa nhòa nó với dáng dấp khôi ngô tuấn nhã của mình. Y như một quả tạ nghìn cân vừa rơi xuống ngực con người khốn khổ. Bá tước giận dữ thét: “Thư nặc danh kia do ai viết, mặc, sự việc nó tố giác có vì thế mà không tồn tại đâu? Mối thích thú nhất thời của nàng có thể làm thay đổi cuộc đời ta - bá tước nói, như để thanh minh sự cuồng phẫn của mình. Nếu nàng yêu nó một cách như thế nào đó thì thoạt đầu nàng với nó càng đi Belgirate hoặc Thụy Sĩ hay một góc trời nào đấy. Nàng giàu, vả lại dù có phải sống với tí đồng louis mỗi năm, nàng có ngại gì? Cách đây tám hôm nàng đã không thú thật với ta là nàng chán cái lâu đài nguy nga tráng lệ của nàng là gì? Tâm hồn trẻ trung ấy luôn cần cái mới, mà cảnh hạnh phúc mới mẻ này lại tự dưng đến một cách đơn giản làm sao! Nàng sẽ bị lôi cuốn theo trước khi nghĩ đến sự nguy hiểm, trước khi nghĩ đến thương ta! Trong khi ta khốn khổ biết bao nhiêu!” Bá tước kêu lên, nước mắt giàn giụa.

Ông đã thề không đến nhà nữ công tước tối hôm đó, nhưng rồi ông không cầm lòng được; chưa bao giờ mắt ông khao khát được nhìn nàng như tối hôm đó. Vào nửa đêm, ông đến nhà nữ công tước. Ông thấy chỉ có phu nhân với người cháu ngồi với nhau. Bà đã cáo khách và đóng cửa từ lúc mười giờ.

Nhìn thấy cảnh gần gũi trìu mến giữa hai người và niềm vui vẻ thật thà của công tước phu nhân, bá tước cảm thấy một trở ngại lớn dựng lên trước mặt, ghê gớm và đột ngột mà ông không hề nghĩ tới trong cuộc tự ký đàm luận ở phòng bày tranh vẽ: Làm thế nào giấu lòng ghen tuông của mình?

Không biết viện cớ gì, bá tước Mosca bảo tối hôm đó, ông thấy hoàng thân rất thành kiến với ông, ngài bác khước tất cả mọi điều ông nói v.v… Ông đau xót thấy nữ công tước nghe ông một cách lơ là, và không để ý chút nào đến những trường hợp mà giá nói vào ngay hôm trước sẽ đưa bà vào những cuộc luận lý vô cùng tận. Bá tước nhìn Fabrice: Khuôn mặt người Lombarde đó chưa bao giờ hiện ra giản dị và thanh tú như thế dưới con mắt ông. Fabrice chú ý hơn nữ công tước đến những lúng túng mà ông thuật lại.

“Đúng là tay này vừa có tấm lòng nhân ái cao cả vừa có nét vui hồn hậu và âu yếm khó chống nổi - bá tước nghĩ thầm, vẻ mặt của nó hình như nói: Chỉ có tình yêu và hạnh phúc nó mang lại là đáng kể, ở trên đời. Tuy thế khi mình đi vào một chi tiết cần đến trí tuệ thì con mắt của nó sáng lên và làm cho ta ngạc nhiên đến ngẩn người ra.

Đối với nó cái gì cũng đơn giản vì mọi thứ đều được nhìn từ trên xuống. Lạy Chúa! Làm sao chống lại một tình địch như thế?… Nhưng mà đời còn có nghĩa lý gì nếu không có tình yêu của Gina? Nàng say sưa làm sao khi nghe những câu đối đáp lý thú của chàng trai trẻ ấy; cái thông minh kia, phụ nữ tất phải cho là vô nhị ở trên đời”.

Một ý nghĩ ghê gớm chợt đến làm bá tước như bị chuột rút: “Hay là đâm chết nó trước mặt nàng rồi tự sát?”.

Mosca đã điên rồi. Trong khi họ nghiêng đầu bên nhau, ông thấy hình như họ hôn nhau, hôn ở ngay đấy, dưới mắt ông. Việc đó không thể diễn ra trước mặt ta, ông tự bảo. Ta loạn óc rồi. Phải bình tĩnh lại. Nếu ta có cử chỉ thô bạo, nữ công tước có thể chỉ tự ái mà theo nó đi Belgirate. Và ở đó, hoặc là trong lúc đi đường, biết đâu sự ngẫu nhiên không đưa tới một lời nào đó khiến cho mối cảm tình giữa hai người thành ra có tên, và sau đó, trong chốc lát tất cả hậu quả sẽ xảy đến.

Cảnh vắng vẻ khiến cho cái từ kia có hiệu lực quyết định vả lại, một khi nàng xa ta thì ta sẽ ra sao? Và nếu sau nhiều khó khăn phải khắc phục về phía quận vương, ta xuất hiện ở Belgirate với khuôn mặt già cỗi và lo âu, thì ta sẽ đóng vai trò gì bên cạnh những người điên say trong hạnh phúc đó.

Ngay ở đây ta cũng có khác gì kẻ thứ ba quấy rầy[59] (ngôn ngữ đẹp đẽ của người Ý quả là bày sẵn cho tình yêu): Terzo incomodo (người hiện diện thứ ba gây ra bất tiện). Đau đớn thay cho một con người thông minh khi cảm thấy mình đóng vai trò đáng ghét ấy mà không đủ can đảm tự mình đứng dậy ra về.

Bá tước sắp làm ầm lên, hoặc ít nhất là vô tình làm lộ nỗi đau khổ của mình qua gương mặt phờ phạc. Trong khi bách bộ trong buồng khách, ông chợt cảm thấy mình ở gần cửa ra vào; ông kêu lên một cách đôn hậu và thân mật: “Tôi về đây, hai cô cháu nhé!” và đi ra. Ông nghĩ thầm trong lòng: “Phải tránh đổ máu”.

Sau buổi tối ghê gớm đó, bá tước thao thức một đêm trắng, khi thì cặn kẽ vạch thầm những ưu thế của Fabrice khi thì dằn vặt với một nỗi ghen tuông tàn ác nhất. Sáng hôm sau, ông nảy ý gọi một người hầu phòng trẻ tuổi của ông đến; anh thanh niên ấy đang chầu chực một thiếu nữ tên là Chékina, hầu phòng của nữ công tước, người mà phu nhân ưa nhất. May là anh thanh niên ấy sống rất ngăn nắp, có thể nói keo kiệt nữa, vả anh ao ước được làm người gác cổng ở một công sở tại Parme. Bá tước ra lệnh cho anh ta gọi ngay cô nhân tình Chékina, của anh đến. Anh tuân lệnh, và một giờ sau, bá tước đột ngột vào căn buồng cô gái đang ngồi với vị hôn phu. Bá tước làm cả hai sợ khiếp đi vì số vàng ông cho họ, rồi ông nhìn vào giữa mắt cô Chékina, đang run rẩy, hỏi cụt ngủn:

— Nữ công tước có ân ái với đức ông Fabrice không?

— Không, cô gái im lặng một lát rồi kiên quyết đáp… Không chưa, nhưng đức ông thường hay hôn bàn tay bà lớn, vừa hôn vừa cười đấy, nhưng mà nồng nàn.

Lời chứng ấy còn được bổ sung bằng hàng trăm câu trả lời khác cho hàng trăm câu hỏi cuồng loạn của bá tước. Sự lo ngại của người si tình đã giúp cho những người nghèo đó nhận xứng đáng số tiền lớn mà ông vứt cho. Cuối cùng ông nói với Chékina: “Nếu một ngày kia, công tước phu nhân nghi có cuộc hỏi han hôm nay thì tôi, tôi sẽ gửi vị hôn phu của cô vào sống hai mươi năm trong ngục thành, và cô sẽ chỉ gặp anh ta khi nào tóc anh ta bạc hết”.

Những hôm sau, đến lượt Fabrice mất hết vui vẻ. Anh nói với nữ công tước:

— Cháu cam đoan với cô là bá tước ác cảm với cháu.

— Mặc quan lớn thủ tướng! Bà đáp, hình như có phần bực mình.

Đó không phải thực sự là mối lo làm Fabrice mất vui. Anh tự nhủ: “Vị trí mà sự ngẫu nhiên đặt ta vào quả không ổn. Ta dám chắc là không bao giờ cô Gina mở miệng, cô Gina ghê tởm một lời quá rõ nghĩa, cũng như một quan hệ loạn luân. Tuy nhiên nếu sau một ngày dại dột và ngông cuồng nào đó mà cô phản tình trong đêm và cô tưởng ta đã đoán được là cô có vẻ thích ta, thì vai trò của ta sẽ như thế nào dưới con mắt cô? Đúng y casto Giuseppe (ngạn ngữ Ý nhắc đến vai trò lố bịch của Joseph đối với vợ viên thái giám Putiphar)[60].

Có một buổi rỉ trao tâm tình đẹp đẽ để làm cho cô Gina hiểu rằng ta không thể có khả năng yêu đương nghiêm túc, có được không nhỉ? Ta không có đủ phong độ nêu điều đó một cách tế nhị, nêu thế nào để cho nó khỏi giống với sự hỗn láo như hai giọt nước. Chỉ còn cách viện một mối tình rớt lại ở Naples, và như thế thì phải trở về đó một ngày; cách nào khéo, nhưng mất công quá! Cũng có thể tạo ra một mối tình ma chuột trong đám dân giả ở Parme; điều này có thể làm phật ý cô Gina. Nhưng gì cũng còn hơn địa vị gớm guốc của con người không muốn đoán biết. Cách sau cùng này đúng là có thể làm lầm lỡ tiền đồ của ta, cho nên phải hết sức cẩn thận và phải mua chuộc sự kín miệng quanh mình để giảm tác hại”.

Điều oái oăm giữa những câu nhắc đó là Fabrice yêu mến thực sự công tước phu nhân, yêu mến vượt lên trên hẳn bất cứ một người nào trên đời. Anh giận dữ tự trách mình: Thật là quá vụng về mới sợ không làm cho người ta tin được sự thật! Vì không đủ khôn khéo để thoát khỏi vị trí ấy, anh đâm ra âm thầm buồn bã. Ta sẽ như thế nào, lạy Chúa, nếu bất hòa với con người duy nhất trên đời mà ta trìu mến một cách say sưa? Mặt khác, Fabrice cũng không đành làm hỏng cuộc sống lý thú đó bằng một lời úp mở. Vị trí của anh thích thú biết bao nhiêu! cảnh thân cận với một phụ nữ xinh đẹp và đáng mến đến như thế thật là dễ chịu! Dưới những quan hệ thông thường trong cuộc, sự che chở của nữ công tước tạo cho anh một địa vị rất lý thú ở triều đình; nhờ phu nhân giải thích, những mưu đồ lớn, những cuộc vận động trong triều đình làm anh vui như xem một vở kịch. “Nhưng e có một lúc nào đó, ta phải thức dậy bằng một tiếng sét đánh! Những tối rất vui, rất tình cảm mặt đối mặt với một phụ nữ ý vị đến như thế, nếu mà tiến lên thân nhau hơn nữa, thì cô sẽ tưởng tìm thấy ở ta một người tình; cô sẽ đòi ta phải sôi nổi, ngông cuồng, liều lĩnh trong khi ta chỉ có thể hiến cho cô một tình cảm nồng nhiệt nhất, nhưng không phải tình yêu; tạo hóa đã không cho ta cái khả năng cuồng si cao quý đó. Ta đã nghe biết bao lời oán trách về điều này. Ta còn nghe thấy văng vẳng tiếng của nữ công tước A, mà ta từng phớt lạnh! Cô Gina sẽ tưởng ta không có tình yêu đối với cô trong khi chính tình yêu không có ở trong người ta; cô sẽ không bao giờ hiểu ta. Nhiều lúc, sau khi cô công tước của ta kể lại một việc xảy ra ở triều đình với cái duyên dáng, cái sôi nổi mà chỉ một mình cô có, những điều tường thuật này cần thiết cho việc giáo dục của ta - ta hôn tay cô và có lúc hôn má. Sẽ xảy ra gì nếu bàn tay ấy siết tay ta một cách thế nào đó?”.

Hàng ngày Fabrice đến thăm những nhà quyền quý nhất và cũng buồn tẻ nhất ở Parme. Những lời khuyên bảo khôn khéo của công tước phu nhân hướng dẫn anh chầu hầu có kỹ thuật hai bố con quận vương, vương phi Clara Paolina và đức cha tổng giám mục. Anh đạt nhiều kết quả, nhưng sự thành công đó không làm xao lãng nỗi lo chết người là lo bất hòa với nữ công tước.