— Thế thì trong khi tôi ở đây, được nâng niu trên tầng một, con ngựa tôi ở trong tàu sẽ buồn chán vì lẻ loi và đi theo một ông chủ khác mất.
— Tân binh mà thế thì khá thật! Viên trung sĩ nói. Thế là các người tùy tùng của đại tá soạn một ổ rơm mới cho Fabrice nằm ở ngay cái máng buộc ngựa của anh.
Xong, vì Fabrice tỏ ra yếu sức quá viên trung sĩ mang cho anh một cốc rượu vang nóng và trao đổi đôi lời với anh. Mấy lời khen tặng chen lẫn trong cuộc chuyện trò đó đã khiến chàng thanh niên sung sướng như lên chín tầng mây.
Đến tờ mờ sáng hôm sau, Fabrice mới thức giấc dậy. Ngựa hí dài và làm huyên náo kinh khủng, chuồng ngựa đầy những khói. Lúc đầu Fabrice không hiểu vì sao mà ồn ào như thế và cũng không nhớ mình đang ở đâu. Về sau, suýt ngạt thở vì khói, anh đoán là cái nhà quán cháy. Trong chớp mắt, anh đã ra khỏi chuồng và lên lưng ngựa. Anh ngẩng đầu, khói tuôn ùn ùn qua hai cửa sổ bên trên tàu ngựa, còn mái nhà thì bao phủ một lớp khói đen cuồn cuộn. Khoảng một trăm lính bại tẩu đã đến quán Bạch mã trong đêm. Tất cả đều la lối và nguyền rủa. Năm sáu đứa Fabrice được trông thấy gần như say mềm. Một tên định tóm anh, hét: Mày mang ngựa tao đi đâu đấy?
Fabrice cho ngựa chạy đi được một phần tư dặm thì ngoái cổ trông lại. Không ai đi theo anh cả, nhà quán đang bốc lửa. Anh nhận ra cái cầu, nghĩ đến vết thương, cảm thấy cánh tay bó chặt trong băng và rất nóng. “Còn ông đại tá già, ông ra sao rồi nhỉ? Ông đã cho chiếc áo để người ta băng bó mình!” Sáng hôm đó, Fabrice bình tĩnh lại. Lượng máu chảy khỏi người anh cũng cuốn luôn theo phần phiêu lưu lãng mạn trong tính tình anh.
Đi được một giờ anh cảm thấy yếu sức đi quá. Ái chà! Mình sắp ngất chăng? Nếu mình ngất, người ta sẽ bắt mất con ngựa, không chừng còn lấy áo quần nghĩa là luôn cả cái gia tài của mình trong đó. Anh không còn sức khiến ngựa và đang cố lấy thăng bằng trên yên thì một anh nông dân trông thấy. Anh ta đang cuốc ruộng bên đường cái, nhìn thấy vẻ mặt tái nhợt của Fabrice, bèn chạy đến mời anh một cốc bia và một miếng bánh mì.
Người nông dân bảo: “Thấy anh xanh xao, tôi nghĩ là một thương binh trong trận kịch chiến!” Sự giúp đỡ ấy quả đúng lúc. Khi Fabrice bắt đầu nhai mẩu bánh đen thì cũng là lúc mắt anh bắt đầu nhức nhối khi nhìn tới trước. Khỏe lại được một tí, anh cảm ơn người nông dân và hỏi: “Vùng này là vùng nào?” Người nông dân bảo cứ đi ba phần tư dặm nữa thì đến thị trấn Zonders, ở đấy anh sẽ được chăm sóc chu đáo. Fabrice đi bừa đến thị trấn ấy, mà tự mình cũng không hiểu mình làm gì, chỉ mỗi bước mỗi lo sao cho khỏi ngã ngựa. Anh thấy một cổng lớn rộng mở, anh đi vào, đó là quán Etrille. Liền đó, một người đàn bà đồ sộ chạy ra, đó là chị chủ quán. Giọng lạc đi vì thương hại, chị kêu cứu. Hai cô con gái đến giúp Fabrice xuống ngựa. Vừa xuống đất thì anh ngất lịm đi. Người ta mời một thầy thuốc giải phẫu đến, ông này chích máu cho anh.
Ngày hôm đó và những ngày sau, Fabrice chẳng biết người ta đã làm gì cho mình. Hầu như anh ngủ suốt. Nhát đâm ở đùi đe dọa sưng to.
Những khi tỉnh, Fabrice dặn bảo chăm sóc ngựa cho anh và lặp lại nhiều lần là anh sẽ chi tiền rộng rãi, khiến bà chủ quán và hai cô con gái phật lòng. Anh được chăm sóc vô cùng chu đáo mười lăm hôm và bắt đầu tỉnh người lại. Bỗng một tối, anh nhận thấy những phụ nữ trong nhà có vẻ hết sức bối rối. Không lâu sau đó, một sĩ quan Đức vào buồng anh, người trong nhà đối đáp với hắn bằng một thứ tiếng mà anh không hiểu, tuy vậy anh cũng thấy rõ là họ nói về anh cho nên vờ ngủ. Lát sau, đoán rằng tên sĩ quan Đức đã đi rồi, anh gọi bà chủ và các cô gái hỏi:
— Có phải viên sĩ quan ấy đến ghi tên tôi vào một danh sách để bắt tôi bỏ tù hay không?
Bà chủ rưng rưng nước mắt bảo là đúng như vậy.
— Thế thì có tiền ở trong áo tôi đó! Fabrice vùng dậy nói.- Bà ạ, bà mua hộ tôi một bộ quần áo thị dân và nội đêm nay tôi sẽ rời nơi đây. Bà đã cứu sống tôi một lần khi đón nhận tôi trong lúc tôi sắp ngã chết giữa đường. Hãy cứu tôi lần nữa bằng cách giúp phương tiện cho tôi trở về với mẹ tôi.
Hai cô gái nghe nói thế khóc òa, họ lo sợ cho số phận của Fabrice. Vì họ nghe tiếng Pháp câu được câu chăng cho nên họ đi đến giường Fabrice để hỏi han thêm. Họ bàn luận với bà mẹ bằng tiếng flamand[40], nhưng cứ luôn luôn nhìn về phía anh với đôi mắt trìu mến. Anh hiểu tàm tạm rằng việc anh bỏ trốn sẽ làm họ liên lụy nặng nề đấy, nhưng họ cũng cứ vui lòng phó mặc rủi may. Anh chắp tay lại, sôi nổi cảm ơn họ.
Một người Do Thái địa phương cung cấp cho anh đủ bộ sậu quần áo. Vào khoảng mười giờ đêm, hắn đem tới hai cô gái đo áo ngoài lên cái áo lính Fabrice thì thấy cần phải thu hẹp lại bao nhiêu. Tức thời họ bắt tay vào việc vì không còn thì giờ nữa. Fabrice chỉ mấy đồng Napoléon giấu trong áo, nhờ họ khâu vào quần áo mới mua. Cùng với quần áo có một đôi giầy mới rất đẹp. Anh không ngần ngại nhờ các cô gái đôn hậu đó rạch đôi giầy mới theo kiểu kỵ binh ở một chỗ mà anh chỉ, và cất giấu những hạt kim cương nhỏ vào lần vải lót.
Do hậu quả lạ lùng của việc mất máu và trạng thái suy yếu sau đó, Fabrice hầu như quên hết tiếng Pháp. Anh nói tiếng Ý với những người chủ nhà, họ lại nói với anh bằng một thứ thổ âm flamand, thành thử hai bên hiểu nhau hầu như chỉ qua những dấu hiệu. Khi hai cô thiếu nữ, họ tuyệt đối không vụ lợi, thấy kim cương, lòng mến phục của họ với Fabrice tăng lên không hạn độ, họ cho anh là một hoàng tử cải trang. Aniken, cô em và là người ngây thơ nhất, ôm anh hôn đại, không kiểu cách, về phần mình, Fabrice cũng thấy họ rất dễ ưa. Vào giữa đêm, khi thầy thuốc cho phép anh uống chút ít rượu vang để đủ sức đi đoạn đường dài sắp tới, anh gần như không muốn ra đi nữa. “Còn ở đâu hơn đây chứ!" Anh nói. Tuy nhiên vào lúc hai giờ sáng, anh mặc quần áo ở trong buồng.
Bước ra, anh được bà chủ cho biết con ngựa đã bị tên sĩ quan giắt đi, tên sĩ quan đã đến xét nhà mấy tiếng đồng hồ trước đây. Fabrice thét lên và văng tục:
— Lũ chó chết! Làm thế đối với một thương binh thì quá lắm.
Cái chàng người Ý trai trẻ đó chưa phải là một triết gia, nếu không anh hẳn phải nhớ chính anh tậu con ngựa đó như thế nào!
Aniken vừa khóc vừa nói cho anh biết người ta đã thuê cho anh một con ngựa khác. Cô muốn ở lại. Cảnh chia tay diễn ra trong tình quyến luyến vô hạn. Hai thanh niên cao lớn, có họ với chị chủ quán đỡ Fabrice lên yên. Dọc đường họ dìu đỡ anh ta, trong khi một người thứ ba đi trước mấy trăm bước quan sát xem có đoàn tuần tiễu khả nghi nào trên đường không. Đi được hai tiếng đồng hồ thì họ dừng lại ở nhà một người chị em họ của chị chủ quán ở Etrille. Fabrice nói thế nào hai anh thanh niên dìu dắt anh cũng không chịu rời bỏ anh, họ bảo là họ biết đường lối trong rừng rõ hơn ai hết.
“Nhưng sáng mai! Fabrice nói - khi người ta biết tôi đi trốn và thấy các anh vắng mặt thì thế nào các anh cũng bị rầy rà.
Họ lại tiếp tục đi. May sao, lúc trời sáng thì đã có sương mù dầy đặc che lấp đồng bằng. Khoảng tám giờ, đoàn đi đến một thành phố nhỏ. Một thanh niên tách ra đi lên trước xem thử ngựa trạm có bị bắt trộm không. Người trạm trưởng đã nhanh tay làm tiêu biến những con ngựa trạm ấy và thay thế vào chuồng ngựa công mấy con ngựa khác tồi tệ. Hắn vào đầm lầy bắt hai con trong bầy ngựa hắn giấu ở đó và hai giờ sau, Fabrice lên một chiếc xe con hết sức xộc xệch được thắng hai ngựa trạm này. Phút chia tay đối với mấy chàng thanh niên họ hàng của chị chủ quán lâm ly tột bậc. Họ nhất định không nhận tiền đền ơn, mặc dù Fabrice viện những lý do ân tình nhất. Họ chỉ một mực bảo: “Thưa ông, với tình trạng ông, ông cần tiền hơn chúng tôi”. Cuối cùng họ trở về với nhiều thư của Fabrice, đi đường xóc, anh đã hơi tỉnh người, cho nên cố ghi vào trong thư tất cả cảm tình của anh đối với mẹ con chị chủ quán. Anh cảm động chảy nước mắt, trong khi viết thư, và chắc chắn là bức thư gửi cho cô bé Aniken phải ướt át niềm yêu.
Hành trình còn lại không có gì lạ. Đến Amiens, anh thấy đau nhiều ở nhát kiếm đâm vào đùi, viên y sĩ nông thôn trước đấy không nghĩ đến việc nói cho nên mặc dù, nhiều lần chích máu, vết thương vẫn sưng phù, Fabrice ở lại quán Amiens mười lăm hôm, do một gia đình nịnh hót và tham lam làm chủ. Trong lúc đó, quân đồng minh xâm chiếm đất Pháp. Còn Fabrice thì trở thành như không phải chính mình nữa, chỉ vì anh có những suy nghĩ sâu sắc về những sự việc xảy đến cho anh. Anh chỉ còn trẻ con ở một điểm: “Cái mà mình nhìn thấy có phải là một trận đánh không? Thứ nữa, trận đánh đó có phải là trận Waterloo không?” Lần đầu tiên trong đời anh biết cái thú đọc sách báo. Anh luôn hy vọng tìm thấy trong báo chí, trong các bài tường thuật chiến trận một đoạn văn tả cảnh nào giúp anh xác định được những nơi anh đã đi qua với thống chế Ney, và sau đó với một tướng khác.
Những ngày trú ở Amiens, hầu như ngày nào anh cũng cố viết thư cho những người bạn tốt của anh ở Etrille. Một khi bình phục, anh đi Paris ngay. Anh tìm thấy ở khách sạn cũ hai mươi bức thư của mẹ và cô anh van anh mau chóng trở về. Cái thư sau cùng của bà bá tước Pietranera có một cái gì bí mật khiến anh rất lo ngại và không còn những mơ mộng tình tứ. Tính anh là thế, chỉ cần một tiếng là đủ cho anh dễ dàng dự kiến những tai họa lớn nhất, sau đó thì trí tưởng tượng của anh lại vẽ vời những tai họa ấy với nghìn chi tiết ghê gớm.
Bá tước phu nhân viết: “Chớ ký tên vào những bức thư anh viết để báo tin sức khỏe. Khi về, chớ vội về ngay hồ Côme, hãy dừng lại ở Lugano, trên đất Thụy Sĩ”. Fabrice phải đổi tên Vasi mà đến thị trấn nhỏ đó, anh sẽ tìm gặp ở cái quán lớn nhất người bồi phòng của nữ bá tước, người này sẽ báo cho anh biết phải làm gì. Bà cô chấm dứt bức thư bằng mấy câu sau đây:
“Hãy tìm hết cách giấu cái việc ngông cuồng anh đã làm, và cần nhất là chớ giữ trên người một giấy tờ gì in hay viết tay. Ở Thụy Sĩ anh sẽ có những người bạn của Sainte Marguerite[41] đi kèm. Nếu cô có đủ tiền, ở khách Balances và anh sẽ có được những chi tiết cô không thể viết ra giấy, nhưng mà anh cần biết trước khi bước chân lên đất nước nhà. Tôi van anh, không nên ở Paris thêm một ngày nào nữa, ở lại đó, anh sẽ bị bọn mật thám bên ta phát hiện mất”.
Trí tưởng tượng của Fabrice hình dung ra những điều lạ lùng nhất và anh không còn tìm thấy thú vui gì khác hơn là thú thử đoán xem cái việc ly kỳ cô anh nói đến đó là việc gì. Vượt sang đất nước Pháp, anh bị bắt hai lần, nhưng anh cũng biết cách thoát. Có sự phiền não đó là do anh mang giấy thông hành Ý và vì anh tự xưng là một người buôn hàn thử biểu, điều đó không khớp chút nào với gương mặt trẻ măng và cánh tay treo buộc của anh.
Rốt cuộc, đến Genève, Fabrice gặp người nhà của nữ bá tước, anh này nhân danh chủ mà nói cho anh biết anh bị tố giác với sở an ninh Milan là đã mang đến cho Napoléon những đề nghị của một tổ chức phiến loạn lớn đặt ở vương quốc Ý. Bức thư tố giác đó viết rằng nếu mục đích đi Pháp không phải thế thì cần gì đổi tên họ. Mẹ anh tìm cách chứng minh sự thật là:
“Anh không hề bước chân ra khỏi Thụy Sĩ. Anh bỏ đi đột ngột sau một cuộc cãi vã bất hòa với người anh cả."
Nghe câu chuyện đó, Fabrice giương giương tự đắc. Anh tự nhủ: “Ta mà là sứ thần bên cạnh Hoàng đế Napoléon! Ta có vinh dự hầu chuyện với con người vĩ đại đó, ơn Chúa!” Anh sực nhớ ông tổ thứ bảy của mình, cháu nội người đã đến Milan theo de Sforce, ông tổ ấy đã có vinh dự bị những kẻ thù của quận công chặt đầu, chúng bắt gặp ông trong khi ông mang điều ước liên minh đến cho các tổng và tuyển mộ binh lính. Anh hình dung lại bức tranh minh họa sự kiện này, đính trong gia phả.
Hỏi người hầu phòng, Fabrice thấy anh ta căm phẫn về một chi tiết mà rốt cuộc anh không giấu được, mặc dù bà bá tước năm lần bảy lượt dặn anh đừng cho Fabrice biết. Đó là việc chính người anh cả của Fabrice, Ascanio đã tố cáo em. Cái tin tàn nhẫn ấy khiến Fabrice như lên một cơn điên. Từ Genève đi Ý phải qua thành phố Lausanne, Fabrice muốn đi bộ và đi ngay nghĩa là phải vượt mười, mười hai dặm đường dù là trạm xe Genève – Lausanne chỉ hai tiếng nữa là khởi hành.
Trước khi rời Genève, Fabrice gây gỗ với một thanh niên trong quán cà phê khổ địa phương anh cho là anh thanh niên kia nhìn anh với đôi mắt kì dị. Đúng như vậy, anh thanh niên Genève phớt lạnh chỉ nghĩ đến tiền kia, tưởng là anh điên. Bởi vì khi vào quán, Fabrice đã đảo con mắt giận dữ nhìn quanh rồi lóng ngóng làm đổ cốc cà phê lên quần. Trong cuộc gây gổ này, cử chỉ đầu tiên của Fabrice là một cử chỉ đặc sệt thế kỷ XVI. Rút dao găm xông đến để đâm anh kia chứ không nói đấu gươm, đấu súng gì cả. Trong cơn cuồng nộ, Fabrice quên hết những nguyên tắc danh dự đã học, và quay trở về với bản năng, nói cho đúng, với những thói cũ của tuổi thơ.
Người tâm phúc gặp ở Lugano càng làm cho anh tức giận hơn nữa bởi những chi tiết mới mà người ấy tiết lộ, ở Grianta, mọi người đều mến Fabrice, không ai phát giác anh và nếu không có thủ đoạn đáng yêu của người anh thì ai cũng vờ tin rằng anh đang ở Milan, bọn an ninh sẽ không bao giờ chú ý đến sự vắng mặt của anh.
Người của bà cô phái đến nói: “Chắc chắn là bọn thuế quan nắm được nhận dạng của công tử, nếu chúng ta theo đường cái mà đi thì đến biên giới vương quốc Lombardo Vénitien, cậu sẽ bị bắt thôi”.
Fabrice và bọn thủ hạ biết tất cả những đường cong nẻo tắt trong cụm núi nằm giữa Lugano và hồ Côme, họ cải trang thành những người đi săn, tức là những người buôn lậu và vì họ là ba người có vẻ mặt kiên quyết, cho nên những nhân viên thuế quan gặp họ chỉ còn nghĩ đến chào họ mà thôi, Fabrice xếp đặt thì giờ để đến lâu đài vào nửa đêm, vào giờ ấy bố anh và tất cả những kẻ hầu hạ dùng phấn đều đi ngủ đã lâu. Anh leo xuống cái hồ sâu không khó nhọc gì và vào lâu đài qua một cửa sổ con ở tầng hầm. Mẹ anh và cô anh đợi anh ở đó và lát sau, chị anh và em anh cũng chạy đến. Vuốt ve âu yếm, và khóc lóc xúc động lần lượt diễn ra khá lâu, khi họ bắt đầu nói chuyện với nhau tỉnh táo thì những tia sáng đầu tiên của bình minh cũng đến nhắc cho những người tưởng mình khổ đó là thì giờ đi nhanh như bay biến.
— Cô hy vọng là anh cả không biết anh đã về! Bà Pietranera nói. - Cô không thèm nói gì với nó từ khi nó có hành động đẹp đẽ đó, cho nên nó lấy làm nhục lắm. Tối hôm qua, cô hạ cố nói chuyện với nó vì cô cần tìm cách giấu niềm vui mừng cuồng nhiệt của cô để cho nó khỏi nghi ngờ, rồi thấy nó đắc ý vì cái việc gọi là làm lành đó, cô lợi dụng sự vui mừng của nó để ép nó uống rượu vô tội vạ và chắc là nó không nghĩ đến việc rình mò mai phục, làm nốt cái nghề mật thám của nó.
— Cần giấu chú kỵ binh của chúng ta trong buồng cô! Bà hầu tước bảo - Chú không thể đi ngay đâu, vào lúc ban đầu này chúng ta không đủ tự chủ để tính toán, thế mà ta lại cần chọn cách tốt nhất để lừa cái sở an ninh Milan ghê gớm kia.
Người ta làm theo lời bà. Nhưng ngày hôm sau, hầu tước và trưởng nam của ông nhận thấy bà hầu tước cứ ở luôn trong phòng cô em chồng. Chúng tôi không dừng lại để diễn tả những cuộc bộc lộ tình cảm và những hoan hỷ của mấy con người sung sướng kia trong ngày hôm đó. Do có trí tưởng tượng nóng bỏng, người Ý bị dày vò hơn chúng ta bởi những nghi ngờ, những ý tưởng điên loạn, ngược lại cái vui sướng của họ nồng nhiệt hơn, lâu bền hơn. Ngày hôm đó, bà bá tước và bà hầu tước mất trí thực sự. Fabrice bị bắt buộc phải kể lại từ đầu tất cả những gì anh đã kể. Cuối cùng họ quyết định mang niềm vui mừng chung đến giấu ở Milan, bởi vì họ thấy khó lẩn tránh lâu hơn nữa sự kiểm soát của bố con ông hầu tước.
Đoàn đi chiếc xuồng mà gia đình thường dùng để đi Côme, nếu làm khác thì sẽ xảy ra trăm sự nghi ngờ. Nhưng đến bến Côme thì bà hầu tước sực nhớ bà đã để quên ở Grianta nhiều giấy tờ quan trọng bậc nhất, bà vội vàng cho bọn chèo thuyền trở về nơi đó, cho nên họ không thể nhận xét gì về cách hai bà lớn dùng thì giờ ở Côme. Vừa đến nơi, các phu nhân thuê hú họa một trong những chiếc xe đỗ chờ khách bên cạnh ngôi tháp cao thời Trung cổ đứng sừng sững ở cổng Milan. Họ lên đường tức khắc, người đánh xe không có thì giờ chuyện vãn với ai. Còn cách thành phố một phần tư dặm, các bà ấy gặp một người đi săn trẻ tuổi quen biết, người ấy có nhã ý làm kỵ sĩ cho các phu nhân cho đến cửa ô Milan, nơi anh nhằm đi tới trong khi săn bắn, vì các bà không có đàn ông đi hộ vệ.
Mọi việc diễn ra êm thấm, hai phu nhân nói chuyện vui vẻ với người bạn đường thanh niên cho đến một khúc ngoặt để vòng cái đồi thơ mộng và khu rừng San Giovanni, ở đây ba viên sen đầm cải trang xông tới nắm cương ngựa. “Chao ôi! Ông chồng tôi đã phản chúng ta!” bà hầu tước thét lớn rồi ngất đi. Một trung sĩ sen đầm đi sau tiến lên, bước lảo đảo đến bên cỗ xe và nói với giọng của người ở quán ra:
— Tôi lấy làm tiếc phải thi hành nhiệm vụ. Tôi cần phải bắt ngài tướng quân Fabio Conti ạ.
Fabrice tưởng viên trung sĩ gọi anh là tướng để chế diễu anh. Anh đe thầm: “Rồi mày coi tao!” Anh nom chừng bọn sen đầm cải trang và rình cơ hội để nhảy xuống xe băng đồng chạy trốn.
Nữ bá tước cười bâng quơ rồi nói với viên trung sĩ:
— Này ông trung sĩ thân mến, ông tưởng chú bé mười sáu này là tướng Conti đó chăng?
— Cô không phải con gái ông tướng là gì?
— Ông nhìn cha tôi kia! Bà bá tước nói và chỉ Fabrice.
Bọn sen đầm cười như điên dại.
Viên trung sĩ phật ý về tiếng cười cợt nói:
— Các người hãy đưa giấy thông hành tôi xem, không lý sự gì cả.
— Quý vị phu nhân đây chả bao giờ lấy giấy thông hành để đi Milan cả! Anh đánh xe mới, vẻ thản nhiên và hiền triết.
— Các bà từ lâu đài Grianta của các bà đến. Bà lớn đây là bá tước Pietranera phu nhân, bà lớn kia là hầu tước Del Dongo phu nhân.
Viên trung sĩ tiu nghỉu đi ra phía trước đầu ngựa bàn bạc với lính của y. Cuộc hội đàm diễn ra được năm phút thì bà bá tước Pietranera yêu cầu các viên chức ấy để cho xe ngựa tiến lên mấy bước, đỗ dưới bóng cây, nắng gay gắt dù mới mười một giờ sáng. Fabrice chăm chú nhìn quanh tứ phía để tìm cách chạy trốn, sực thấy một thiếu nữ từ một lối mòn băng qua đồng đi ra con đường cái đầy bụi bặm. Thiếu nữ khoảng mười bốn mười lăm đang cầm khăn tay che miệng khóc thút thít. Cô đi tới giữa hai tên sen đầm mặc binh phục. Đi sau, cách ba bước là một người cao lớn, gầy guộc, cũng có hai sen đầm kèm hai bên, ông này lấy dáng hộ vệ của một quan quân trưởng đi trong đám rước. Viên trung sĩ bấy giờ ngấm rượu say mềm hỏi:
— Lũ bay tìm thấy họ ở đâu đó?
— Chạy trốn qua đồng, không có thông hành thông hiếc gì sất.
Viên trung sĩ hoàn toàn loạn óc, y chỉ cần tóm có hai mà bây giờ có đến những năm tù nhân. Y đi tránh ra mấy bước, chỉ để một tên sen đầm giữ người tù đang làm oai và một tên khác ghìm ngựa. Fabrice vừa nhảy xuống xe thì nữ bá tước bảo:
— Đừng đi, mọi việc sẽ dàn xếp ổn thỏa.
Một tên sen đầm lớn tiếng:
— Mặc! Nếu chúng không có thông hành thì cứ bắt lại.
Viên trung sĩ vẻ không được cương quyết như vậy. Tên tuổi bà bá tước Pietranera khiến y lo ngại, anh ta trước có biết tướng Pietranera nay vẫn chưa hay là ông đã quá cố. Anh nghĩ thầm: Trung tướng không phải là người dễ bỏ qua việc ta bắt ẩu vợ ông.
Trong khi họ bàn bạc dai dẳng với nhau như vậy thì nữ bá tước bắt chuyện với cô thiếu nữ đứng dưới đường, trong bụi bặm, bên cạnh cỗ xe, bà lấy làm kinh dị về vẻ đẹp của cô ta. Bà nói:
— Cô đứng giữa nắng sẽ mệt đấy, tiểu thư ạ. Bà lại hướng về tên sen đầm giữ ngựa, nói thêm: - Chú quyền giỏi giang kia chắc sẽ cho phép cô lên xe ngồi nghỉ tạm.
Đang đi lò dò quanh cỗ xe, Fabrice lại gần để giúp thiếu nữ leo lên xe. Được Fabrice nâng cánh tay, cô vừa bước lên bàn giậm thì con người bệ vệ ở sau xe hét, giọng cất cao để cho oai:
— Cứ ở dưới đường, đừng lên xe của người khác.
Fabrice không nghe thấy lệnh ấy, thiếu nữ không leo lên xe nữa, chỉ muốn lui xuống, còn Fabrice thì cứ tiếp tục đỡ cô, hóa nên cô ngã vào tay anh. Anh mỉm cười, thiếu nữ xấu hổ đỏ mặt. Cô nhoài ra khỏi tay anh, bốn mắt nhìn nhau một lát. Fabrice nghĩ thầm: ”Cô này mà làm bạn tù thì tuyệt! Cái trí tuệ dưới vầng trán kia coi mà sâu sắc! Chắc là nàng phải biết yêu."
Viên trung sĩ sấn lại, oai vệ:
— Trong các bà đây ai là Clélia Conti?
— Tôi, thiếu nữ đáp.
— Còn tôi. Ông có tuổi nói - Tôi là tướng Fabio Conti, thị thần của ngài điện hạ quận vương thành Parme. Tôi thấy một người như tôi mà bị lùng bắt như một tên cướp thì khiếm lễ quá.
— Hôm kia, lúc xuống thuyền ở bến Côme, không phải ông đã xua đuổi viên thanh tra cảnh sát hỏi giấy thông hành ông là gì? Vậy hôm nay ông ấy không cho ông đi dạo chơi!
— Lúc ấy thuyền tôi đã xô ra rồi, tôi vội, trời sắp nổi giông. Một người không vận binh phục từ trong bờ thét lên đòi tôi trở lại, tôi nói tên và tiếp tục đi.
— Và buổi sớm hôm nay, ông bỏ Côme trốn đi?
— Người như tôi không lấy giấy thông hành để đi từ Milan đến xem hồ. Sáng nay ở Côme, người ta nói với tôi rằng tôi sẽ bị bắt ở cổng Milan, tôi ra đi, đi bộ với con gái tôi, tôi hy vọng tìm thấy một chiếc xe chở tôi đến Milan, ở đó chắc chắn việc đầu tiên của tôi là đến thăm tướng trấn thủ để khiếu nại.
Viên trung sĩ thấy như được cất một gánh nặng:
— Thế thì tướng quân bị bắt rồi đó, và tôi sẽ đưa ông về Milan. Còn anh, anh là ai? Y hỏi Fabrice.
— Con tôi. Nữ bá tước nói- Ascagne, con trung tướng Pietranera.
— Không thông hành sao, thưa phu nhân? Viên trung sĩ hỏi, giọng đã dịu đi nhiều.
— Với tuổi ấy, nó chả bao giờ lấy giấy thông hành. Nó có đi một mình bao giờ, nó luôn luôn đi với tôi.
Trong lúc họ trao đổi lời lẽ thì tướng Conti càng bộc lộ sự bất bình vì bị mất thể thống với bọn sen đầm. Một tên nói:
— Thôi chớ nhiều lời. Ông bị bắt, thế là đủ. Chúng tôi đồng ý để cho ông thuê một con ngựa con một bác nhà quê nào đó, thế là phúc ba đời nhà ông rồi! Viên trung sĩ nói. - Nếu không, dù bụi bặm và nắng nôi, và mặc cái chức thị thần Parme, ông vẫn cứ phải đi đất như thường giữa mấy con ngựa của chúng tôi.
Ông tướng nổi lên văng tục.
— Anh có câm cái mồm đi không? Nào quân phục cấp tướng của anh đâu chứ? Cha căng chú kiết nào lại không tự xưng là tướng được?
Viên tướng càng thấm giận. Trong lúc đó thì công việc trong xe ổn thỏa hơn nhiều.
Bà bá tước khiến bảo bọn sen đầm như người nhà của bà. Bà vừa cho một tên trong bọn một đồng écu để đi kiếm rượu vang và nhất là nước trong ở một cái nhà nhỏ nhìn thấy cách vài trăm bước. Bà có đủ thì giờ để trấn tĩnh Fabrice, anh ta trước chỉ chực chạy trốn vào rừng cây trên đồi. “Tôi có những khẩu súng tốt mà!" Anh nói. Bà xin được ông tướng giận dỗi cho phép con gái lên ngồi trên xe. Quan tướng vốn thích nói về mình và gia đình mình, bèn nhân cơ hội cho các bà biết con gái quan sinh năm 1803, ngày hăm bảy tháng mười, thì mới có mười hai tuổi, nhưng ai cũng tưởng mười bốn mười lăm tuổi bởi vì nó khôn quá.
”Một con ngựa quá tầm thường, đôi mắt nữ bá tước nói thế với hầu tước phu nhân."
Nhờ có bá tước phu nhân, mọi việc được dàn xếp ổn thỏa sau cuộc đàm thoại một tiếng đồng hồ. Một tên sen đầm bỗng thấy mình có việc cần phải vào làng lân cận, nên cho quan tướng mướn con ngựa, sau khi bá tước phu nhân bảo: “Trả cho anh mười francs." Chỉ có mỗi mình viên trung sĩ đi với quan tướng. Bốn tên kia ngồi quây quần dưới bóng cây, quanh bốn chai rượu vang to tướng mà tên sen đầm được phái đến cái nhà nhỏ kia mang về, có một bác nông dân theo giúp. Tiểu thư Clélia Conti được quan tướng thị thần cho phép ngồi trong xe của các phu nhân để trở về Milan, và thế là không ai nghĩ đến việc bắt bớ con tướng Pietranera bá tước đôn hậu. Sau những phút ban đầu dành cho xã giao và những bình luận về sự biến nhỏ vừa xảy ra. Clélia để ý thấy sắc thái sôi nổi trong những lời một bà lớn xinh đẹp đến thế nói với Fabrice. Bà hẳn không phải là mẹ anh ta. Cô để ý nhất đến những lời thường lặp lại về một cái gì dũng cảm, táo tợn, nguy hiểm mà anh vừa mới làm gần đây. Dù rất thông minh, cô Clélia non trẻ cũng không đoán ra đó là việc gì.
Cách Milan một dặm đường, Fabrice bảo anh cần đi thăm ông chú và từ giã các bà. Anh nói với Clélia:
— Vạn nhất tôi thoát nạn thì tôi sẽ đi xem những bức tranh đẹp của thành Parme, và lúc đó cô có hạ cố nhớ đến cái tên Fabrice Del Dongo chăng?
— Tốt lắm! Bà bá tước nói - Anh biết giấu tên họ khá đấy! Tiểu thư ạ, tiểu thư hãy chịu khó nhớ cái anh con trai bất trị kia là con tôi và mang tên họ Pietranera chứ không phải Del Dongo.
Tối hôm đó, vào một giờ khuya khoắt, Fabrice qua cửa ô Renza mà vào thành Milan, cửa ô này đưa đến một nơi đi dạo được ưa chuộng. Việc phái hai tên người nhà sang Thụy Sĩ hầu như làm cạn những khoản tiền dành dụm ít ỏi của hai phu nhân, may sao Fabrice còn giữ được mấy đồng Napoléon và một hạt kim cương mà họ định đem bán.
Hai bà được người ta quý mến và các bà quen biết hết mọi người trong thành phố. Những nhân vật quan trọng nhất trong cánh thân Áo và ngoan đạo can thiệp cho Fabrice với nam tước Binder, giám đốc an ninh. Họ nói họ không quan niệm được vì sao người ta quan trọng hóa trò ngông của một thằng nhãi mười sáu tuổi bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với người anh cả.
Nam tước Binder là một người khôn ngoan và buồn bã. Ông dịu dàng đáp: “Cái nghề của tôi nó bắt cái gì cũng phải cho là quan trọng cả!" Thời ấy ông lo ổn định tổ chức an ninh khét tiếng của thành Milan và nguyện ngăn ngừa một cuộc cách mạng như cuộc cách mạng 1746 đã đuổi người Áo ra khỏi Gênes. Cái cơ quan an ninh Milan ấy lừng danh từ những hoạn nạn của các ông Pellico và Andryane nó không hẳn là tàn bạo, nó thi hành đúng mức và không thương xót những luật pháp nghiêm khắc. Hoàng đế Francois đệ nhị muốn người ta làm cho những bộ óc tưởng tượng táo bạo của người Ý phải khiếp.
Nam tước Binder nói đi nói lại với những người che chở cho Fabrice:
— Hãy cho tôi biết từng ngày một và có căn cứ tiểu hầu Del Dongo đã làm gì kể từ khi anh ta rời Grianta ra đi, ngày 8 tháng ba, cho đến khi anh ta tới thành phố này tối hôm qua và trốn trong một buồng ở nhà mẹ. Xong, tôi sẵn sàng coi anh ta như một thanh niên đáng mến nhất và nghịch ngợm nhất trong thành phố này. Nếu ngài không thể báo cho tôi biết hành trình của anh thanh niên kia trong những ngày anh rời Grianta, thì dù anh thuộc dòng dõi thế gia nào, dù tôi kính mến những bạn hữu của gia đình anh nhất, bổn phận tôi buộc tôi cứ phải bắt anh. Bổn phận tôi không phải là cứ giam giữ anh ta cho đến khi anh chứng minh được là anh không hề chuyển đến cho Napoléon những lời tâu bày gì của bọn bất mãn có thể có ở Lombards trong đám thần dân của Hoàng đế hay sao? Các ngài nên chú ý thêm rằng nếu Del Dongo thanh minh được điều ấy, anh vẫn còn cái tội đi ra nước ngoài không có hộ chiếu hợp pháp và đã mang tên giả và cố tình dùng hộ chiếu cấp cho một người thợ bình thường, nghĩa là một người ở tầng lớp hết sức thấp so với tầng lớp anh.
Lời tuyên bố hợp lý một cách tàn nhẫn đó được kèm theo tất cả những cử chỉ lễ phép và trang trọng của một ông trùm an ninh đối với vị trí xã hội cao sang của hầu tước phu nhân Del Dongo và những nhân vật quan trọng can thiệp cho bà.
Hầu tước phu nhân lấy làm thất vọng khi nghe câu trả lời của nam tước Binder. Bà khóc và kêu lên:
— Fabrice sẽ bị bắt và khi đã bị tù thì họa có trời biết chừng nào nó được tha ra! Cha nó sẽ từ bỏ nó!
Phu nhân và bà em chồng hội ý với vài bà bạn hữu thân tín, dù họ bảo thế nào, bà cũng cứ muốn cho con bà ra đi ngay tối hôm sau.
— Nhưng mà chị cũng thấy nam tước Binder biết Fabrice ở đây chứ! Nữ bá tước nói - Ông ấy không phải là người hiểm ác.
— Đúng, nhưng ông ta muốn được lòng hoàng đế Francois.
— Nếu ông thấy bỏ tù Fabrice mà được thăng quan tiến chức thì hẳn thằng bé đã ngồi tù rồi. Cho nó trốn đi tức là tỏ ra có lòng nghi ngờ làm bẽ mặt ông ta.
— Tôi lại nghĩ rằng khi ông ta thú nhận biết Fabrice ở đâu tức là ông bảo chúng ta cho nó trốn đi! Không, tôi không có thể sống được khi tôi còn có thể tự nhủ: Trong mấy phút nữa, có lẽ con ta sẽ bị nhốt giữa bốn bức tường! Dù nam tước Binder có tham vọng gì đi nữa! Bà hầu tước nói thêm - Thì ông cũng thấy rằng tỏ ý nể nang đối với một người có vị trí xã hội như ông nhà tôi là có lợi cho địa vị của ông ta. Cứ xem thái độ cởi mở của ông khi ông nói ông biết có thể bắt Fabrice ở đâu thì đủ rồi. Hơn thế nữa, nam tước đã chịu khó kể lể chi tiết hai tội trạng mà Fabrice bị tố cáo bởi thằng anh chẳng đáng làm anh của nó. Ông giải thích là hai tội trạng ấy buộc người phạm phải vào tù. Như thế, không phải ông muốn bảo chúng ta nếu chúng ta thấy lưu vong biệt xứ là hơn thì tùy chúng ta chọn hay sao?
— Nếu chỉ chọn lưu vong! Nữ bá tước luôn luôn lặp lại - Thì suốt đời chúng ta không gặp lại nó.
Fabrice có mặt suốt cuộc hội ý cùng với một người bạn lâu năm của bà hầu tước, bây giờ là bồi thẩm của tòa án do nước Áo lập ra, anh rất tán thành việc trốn đi. Làm đúng như vậy, ngay tối hôm đó, anh trốn trong chiếc xe ngựa đưa mẹ anh và cô anh đến nhà hát Scala để ra khỏi tòa lâu đài. Không tin tên đánh xe, cho nên khi hắn theo thói quen dừng lại quán rượu như thường lệ, họ cho một tên người nhà tín cẩn coi ngựa, và Fabrice cải trang thành một nông dân, chui ra khỏi xe và rời thành phố. Sáng hôm sau, anh vượt biên giới cũng may mắn như vậy và mấy tiếng đồng hồ sau, anh đã yên vị trong một trang ấp của mẹ anh ở đất Piémont gần Novare, ngay tại Romagnano, nơi tướng Bayard[42] bị giết.
Chắc ai cũng tưởng tượng được khi ngồi ở buồng lô nhà hát Scala hai phu nhân đã chú ý vở kịch như thế nào. Họ chỉ đến đó để hỏi ý kiến mấy ngưòi bạn trong phái tự do bởi vì việc lui tới của những người này ở lâu đài Del Dongo có thể gây nghi ngờ cho bọn an ninh mật vụ. Trong buồng lô, họ quyết định vận động một lần nữa với nam tước Binder. Dùng tiền bạc để mua chuộc không thành vấn đề đối với vị pháp quan lương thiện ấy, vả lại các bà cũng nghèo lắm, các bà đã ép Fabrice mang theo tất cả số tiền bán kim cương còn lại, khi anh ra đi.
Tuy nhiên rất cần nghe tiếng nói cuối cùng của nam tước. Bạn bè của nữ bá tước nhắc đến một viên chanoie nào đó tên là Borda, một thanh niên đáng mến ngày xưa đã từng săn đón bà, săn đón một cách không đẹp đẽ lắm, không thành công, hắn đã tố giác với tướng Pietranera mối cảm tình của bà với Limercati và vì thế bị mời ra khỏi cửa như một người tồi. Ngày nay, ông chanoine đó tối nào cũng đánh bài với bà nam tước Binder cho nên cũng dĩ nhiên là bạn thân thiết của ông chồng. Bà bá tước quyết định làm cuộc vận động khó nhọc và đáng tởm là đến cầu cạnh viên chanoine ấy, sáng hôm sau, hãy còn rất sớm, bà đến nhà ông ta trước khi ông đi. Khi người giúp việc duy nhất của viên chanoine báo có bá tước Pietranera phu nhân, thì vị cố đạo xúc động đến nói không ra tiếng, ông cũng không kịp chỉnh đốn quần áo xộc xệch.
— Mời bà vào rồi anh đi đi, ông bảo, giọng nghẹn lại.
Bà bá tước vào, viên cố đạo quỳ xuống đất:
— Thằng điên cuồng khốn khổ này xin quỳ gối mà nhận mệnh lệnh của nữ bá tước.
Nữ bá tước sáng hôm đó ăn mặc xuềnh xoàng, giản dị để cho người ta đừng nhận ra, lại hóa nên hấp dẫn một cách lạ lùng, khó mà không mê được. Nỗi phiền muộn về sự lưu vong của Fabrice, cộng với niềm gượng gạo phải tìm đến nhà một người đã phản mình đến như thế, khiến cho đôi mắt bà sáng lên một cách khó tưởng tượng.
— Tôi muốn cứ quỳ như thế này mà nhận lệnh của phu nhân, vì rõ ràng là phu nhân cần tôi giúp một việc gì đây, nếu không thì phu nhân chẳng hạ cố ngự đến cái nhà tồi tàn của thằng điên dại khốn khổ này, ngày xưa, cuống cuồng lên vì say đắm, lại vì ghen tuông, hắn đã xử sự với phu nhân như một tên hèn mạt, khi hắn thấy không có hy vọng gì lọt vào đôi mắt xanh kia.
Những lời đó thành thật và càng đẹp vì viên chanoine bây giờ có quyền lực lớn. Nữ bá tước cảm động đến rơi lệ. Ngày xưa, nhục nhã và sợ hãi khiến bà giá lạnh, ngày nay động lòng và ít nhiều hy vọng thay vào. Từ trạng thái khổ sở đau đớn, trong chớp mắt bà hầu như đã bước sang trạng thái hạnh phúc. Bà đưa tay cho viên chanoine, nói:
— Anh hôn tay tôi đi và hãy đứng lên. (Phải hiểu rằng ở Ý, gọi người ta bằng anh[43] là tỏ tình bạn chân thành tin cậy cũng như để tỏ một thứ tình cảm âu yếm hơn) Tôi đến xin anh ân xá cho thằng cháu Fabrice của tôi. Sự thật như thế này, tôi xin nói trọn vẹn, không che giấu tí nào, như nói với một người bạn lâu năm. Mười sáu tuổi rưỡi, hắn vừa làm một điều ngông cuồng hy hữu. Hồi đó chúng tôi đang ở lâu đài Giranta, trên hồ Côme. Một tối! Vào lúc bảy giờ, nhà một chiếc tàu ở hồ Côme, chúng tôi được tin Hoàng đế đã đổ bộ ở vịnh Juan. Sáng hôm sau, Fabrice đi Pháp sau khi xin lại được giấy thông hành của một người bạn bình dân của nó, anh buôn bán hàn thử biểu tên gọi là Vasi. Vì nó không có vẻ gì là một anh buôn bán thử biểu, cho nên đi trên đất Pháp chưa được mười dặm đường thì nó đã bị bắt, vì dáng dấp tuấn tú của nó. Nó hăng say sôi nổi, nhưng lại diễn đạt niềm bồng bột của mình bằng những tiếng Pháp ú ớ, cho nên bị tình nghi. Được ít lâu, nó trốn tù và tìm cách đến được thành phố Genève. Chúng tôi đã cho người đến đón nó ở Lugano…
— Nghĩa là Genève, viên chanoine mỉm cười bảo.
Bà bá tước kể nốt câu chuyện. Viên chanoine bồng bột nói:
— Cái gì thế gian có thể làm, tôi sẽ làm vì phu nhân. Tôi hoàn toàn vâng chịu sự sai khiến của phu nhân. Tôi sẽ làm những điều táo bạo nguy hiểm. Thưa phu nhân, phu nhân bảo cho tôi biết tôi phải làm gì sau khi cái phòng khách khổ này đã vắng bóng dáng thần tiên, đánh dấu một kỷ nguyên lịch sử trong đời tôi.
— Phải đến nam tước Binder nói rằng ông yêu mến Fabrice từ khi nó mới sinh, rằng ông đã chứng kiến sự ra đời của nó khi ông đến chơi nơi chúng tôi, rằng nhân danh cái tình bạn mà nam tước ban cho ông, ông van xin nam tước dùng tất cả bọn thám tử của ông ấy để xác minh xem trước khi đi Thụy Sĩ, Fabrice có gặp gỡ cái bọn thuộc phái tự do mà ông ấy kiểm soát một lần nhỏ nào không. Nếu nam tước mà có những người tay chân ít nhiều mẫn cán, tất ông sẽ thấy đây chỉ là một trò dại dột của tuổi trẻ. Ông biết rằng trong gian phòng lịch sự của tôi ở điện Dugnani, có những bức tranh vẽ các trận đánh của Napoléon. Thằng cháu tôi tập đọc những lời chú giải các bức tranh ấy. Ông chồng đáng thương của tôi đã giải thích các trận đánh ấy cho nó từ khi nó lên năm. Chúng tôi chụp lên đầu nó cái mũ trận của chồng tôi và thằng bé kéo lê cây gươm lớn của ông. Ấy thế là một ngày kia, nghe tin vị thần thánh của chồng tôi. Hoàng đế, trở về Pháp, nó ra đi để theo ngài, như một đứa không suy nghĩ, nhưng rồi nó cũng không gặp được ngài. Ông hỏi nam tước của ông thử xem ông ấy định dùng hình phạt gì để trừng trị cái phút điên dại kia.
— Tôi quên một điều! Ông chanoie kêu lên - phu nhân sẽ thấy là tôi cũng xứng đáng với sự tha thứ của phu nhân lắm.
Viên chanoie vừa nói vừa tìm trong các tập giấy trên bàn:
— Đây, cái thư tố cáo của tên coltorto (giả dối) đó, phu nhân thấy chưa, ký tên: Ascanio Valserra Del Dongo, cái thư đầu mối của vụ này. Tôi lấy tối hôm qua ở buồng giấy sở an ninh và tôi đến kịch viện Scala với hy vọng gặp được một người nào thường vào buồng lô của phu nhân, để nhờ họ trao cho phu nhân. Bản sao của thư này đã ở Viên từ lâu. Đây là kẻ thù ta cần đối phó.
Ông chanoie cùng đọc lá thư với nữ bá tước và họ giao hẹn nội nhật hôm đó, ông ta trao cho bà một bản sao do một người tin cẩn chép. Bà bá tước trở về lâu đài Del Dongo lòng dạ phơi phới. Bà nói với bà hầu tước:
— Cái tên đểu cáng ngày trước đó nay lịch sự đáo để, khó có ai bì. Tối hôm nay ở nhà hát Scala, khi đồng hồ nhà hát chỉ mười giờ bốn mươi lăm thì chúng ta cho mọi người về, chúng ta tắt hết đèn đóm, đóng cửa và đến mười một giờ thì ông chanoie sẽ đến báo cho chúng ta biết ông ta đã làm được gì. Đó là cách ít rầy rà nhất cho ông ta.
Viên chanoie ấy rất khôn ngoan, ông chẳng để sai hẹn. Trong buổi gặp gỡ, ông tỏ ra hoàn toàn tốt bụng và cởi mở không dè dặt, điều chỉ thấy có ở những xứ mà tính khoe khoang không át tất cả mọi tình cảm. Việc ông ta tố giác bà bá tước với tướng Pietranera là niềm ân hận lớn trong đời ông và ngày nay ông đã tìm thấy cách thành toàn mối ân hận đó.
Lúc sáng, khi bá tước phu nhân ở nhà ông ra, ông cay đắng tự nhủ, vì đã lành bệnh tương tư đâu: “Ấy, giờ đây rõ là người ta bày trò yêu đương với cháu người ta. Kiêu kỳ là thế mà phải hạ mình đến cầu ta… Khi anh Pietranera ấy chết, nàng ghê tởm từ chối sự săn sóc của ta, mặc dù người tình cũ của nàng, đại tá Scotti đã trình bày khéo léo và nhã nhặn. Phu nhân Pietranera kiều diễm mà chịu sống với 1.500 francs mỗi năm." Viên chanoie vừa nện gót đi lại trong phòng vừa nói tiếp như vậy.- “Rồi thì lui về ở lâu đài Grianta với lão hầu tước Del Dongo, cái tên bỉ ổi ấy![44] Bây giờ thì mọi việc đã rõ. Cũng phải nhận rằng cái thằng Fabrice trẻ măng ấy quả là có duyên, người cao lớn cân đối, mặt mày tươi tỉnh… và hơn hết, một cái nhìn thế nào ấy, chất chứa những khoái cảm êm đềm… một vẻ mặt kiểu Corrège[45]." Ông chanoie nói thêm đầy chua chát.
Chênh lệch tuổi tác… không nhiều lắm… Fabrice sinh sau lúc quân Pháp đến, vào 98, có lẽ nàng thì hăm bảy hoặc hăm tám, đẹp tuyệt trần, không thể có người xinh hơn, muôn phần đáng mê. Trong cái xứ sản sinh nhiều người đẹp này, nàng ăn đứt tất, sánh với nàng Marini, nàng Gherardi, nàng Ruga, nàng Aresi, nàng Pietragrua … nữ bá tước trội hơn cả… Họ sống hạnh phúc trên hồ Côme thơ mộng, khi chàng trai nảy ý theo Napoléon… ở đất Ý mình cũng còn có những người có tâm hồn đấy chứ, mặc dù người ta làm cách gì! Ôi! Tổ quốc thân yêu!… Không! Con người có quả tim cháy bỏng ghen tuông đó nói tiếp - Không thể giải thích cách khác sự nhẫn nhục chịu sống lay lắt ở nông thôn đó, với nỗi lợm phải nhìn hàng ngày, ở mỗi bữa ăn, cái khuôn mặt bẩn thỉu của hầu tước Del Dongo cùng với dáng người vàng vọt của tiểu hầu Ascanio mai sau còn tệ hơn bố!… Ừ thì ta sẽ phục vụ nàng thành thực. Ít ra ta còn được cái thú nhìn nàng khỏi phải qua ống nhòm”.
Ông chanoie Borda giải thích khá rõ ràng vụ Fabrice cho hai phu nhân nghe. Thật ra, Binder rất sẵn lòng ủng hộ họ, ông lấy làm thích chí khi biết Fabrice đã trốn đi, ngừa trước những lệnh có thể từ Viên tới. Bởi vì tay Binder này không có quyền quyết định cái gì cả, ông đợi lệnh về vụ này cũng như tất cả các vụ khác. Mỗi ngày ông gửi về Viên bản sao chép tất cả những tin tức tình báo. Rồi ông đợi.
Trong lúc lưu vong, Fabrice cần phải:
1. Đi xem lễ hàng ngày, tìm một cha rửa tội thông minh, trung thành với vương quyền, và chỉ thú nhận trước cha rửa tội những tình cảm không chê trách vào đâu được.
2. Không đi lại giao thiệp với người nào được coi là có tri thức, và khi có giao thiệp phải nói đến việc chống đối, việc phiến loạn một cách ghê tởm, không bao giờ có thể chấp nhận.
3. Không ra mặt ở quán cà phê, không đọc báo nào khác ngoài những công báo ở Turin và Milan, nói chung tỏ ra chán ghét sách, không bao giờ đọc sách, nhất là không đọc sách nào in sau năm 1720, không có ngoại lệ, có chăng chỉ có đối với tiểu thuyết của Walter Scott là cùng.
4. Cuối cùng - Ông chanoie nói thêm với một chút ranh mãnh - Fabrice phải công khai chầu chực một phụ nữ xinh đẹp nào đó ở địa phương, thuộc tầng lớp quý tộc, dĩ nhiên. Điều đó sẽ có tác dụng chứng tỏ là anh ta không có tâm hồn u ám và bất mãn của một tên phiến loạn trong trứng.
Trước khi đi ngủ, bà bá tước và bà hầu tước viết cho Fabrice hai bức thư vô tận trong đó họ giải thích tất cả những lời khuyên của ông chanoie Borda với một mối lo ngại đáng yêu.
Fabrice chẳng hề thích phiến loạn. Anh yêu mến Napoléon và là quý tộc cho nên tưởng mình sinh ra để được sung sướng hơn kẻ khác, và anh thấy bọn thị dân lố bịch. Từ ngày rời trường anh chưa bao giờ mở một cuốn sách ra, còn ở trường thì anh cũng chỉ đọc những sách do các cha Dòng Tên chọn. Anh đến ở trong một lâu đài tráng lệ, cách Romagnano một quãng. Đó là một công trình kiệt tác của nhà kiến trúc San Micheli[46] nổi tiếng, nhưng đã ba mươi năm rồi, không ăn ở, cho nên tất cả các phòng đều dột và không một cửa sổ nào khép được. Anh chiếm ngựa của người quản lý cưõi suốt ngày chẳng câu nệ gì. Anh không nói, anh suy nghĩ. Lời khuyên kiếm một nhân tình trong gia đình bảo hoàng, anh thực hiện nguyên vẹn. Anh chọn làm cha rửa tội một viên cố đạo trẻ tuổi lắm mưu mẹo, có tham vọng lên giám mục như cha rửa tội của nhà ngục Spielberg. Nhưng anh đi bộ ba dặm đường và kín đáo đọc tờ Người lập hiến mà anh cho là tuyệt vời! “Tuyệt như Alfieri và Dante”[47]. Anh thường reo lên như vậy! Fabrice có cái này giống với thanh niên Pháp là anh chăm cho con ngựa và tờ báo của anh cẩn thận hơn là đối với người nhân tình ngoan đạo. Tuy nhiên, tâm hồn ngây thơ và cương nghị ấy chưa nhiễm thói học đòi người khác và anh không kết bạn trong thị trấn Romagnano lớn ấy. Sự giản dị của anh bị cho là kiêu kỳ, người ta không biết nói thế nào về tính cách ấy. “Đây là một thứ nam, bất bình vì không được làm trưởng nam." Cha xứ nói.