Hình ảnh những đường nét ủ rũ trên khuôn mặt khắc khổ của người đang đứng kế bên tôi lúc bấy giờ chẳng phải ai khác, đó là nội. Nội mất từ khi tôi còn tấm bé. Tất cả những gì tôi biết về nội đều thông qua những bức ảnh từ thập niên trước mà bà còn giữ lại. Đã biết bao lần tôi ao ước được trò truyện cùng với nội của mình như bao đứa trẻ non nớt khác. Nhưng có một sự thật, mơ ước chỉ là mơ ước mà thôi, nó sẽ mãi mãi viển vông trong trí tưởng tượng của mỗi con người.
Nội đứng đó, ánh mắt để lộ rõ sự u uất khi nhìn vào hình hài của đứa cháu đang đổ gục trên chiếc ghế mây đã bị mọt rũa theo năm tháng. Những gì diễn ra lúc đó đang dần rõ nét ngỡ như ở thực tại chứ chẳng phải trong mơ. Nội tiến lại phía tôi, đôi bàn tay với lớp da nhăn nheo có phần đã co quắp lại đang cố bấu víu để sốc nách đứa cháu nhỏ dậy. Nội choàng tay tôi qua vai của mình rồi từ từ tiến về phía trước, sức vóc của một người lớn tuổi có lẽ chẳng phù hợp với việc như thế này, những bước chân lê lết kéo dài trên sàn gỗ tạo ra một âm thanh loẹt..xoẹt, loẹt.. xoẹt từng hồi dài vang vọng bốn bề. Tôi tự hỏi rằng thể xác của chính mình trong giấc mơ này đang bị làm sao đây? Tại sao giấc mơ này lại tới với tôi, tại sao tôi lại phải quan sát những hình ảnh kỳ lạ này,...Tôi hoàn toàn không cảm nhận được sinh khí từ thể xác của chính bản thân mình. Khung cảnh phía trước kéo gần lại dưới góc nhìn của tôi. Cảnh vật tựa hồ như trong đêm sương, xung quanh là một không gian mở. Mọi thứ chìm trong một màu đen sẫm, rất khó để phân biệt được cảnh vật đang ở đâu, địa điểm nào. Nếu có một câu trả lời phù hợp thì tôi nghĩ đấy là âm lộ. Không khí được đan xen với những tầng khói trắng trùng trùng lớp lớp lơ lửng trong không trung. Có thứ gì đó rất đồ sộ dần hiện ra ngay phía trước, hình như là một căn lầu lớn. Căn lầu mang đậm nét kiến trúc của thời kỳ phong kiến. Phía trên triền mái thì thẳng tắp đổ xuống phía dưới cho tới tận góc mái. Ở đây, góc mái được uốn hếch lên phía trên để tạo ra sự thanh thoát tựa như mũi thuyền vậy. Ngay phía dưới mái có treo một tấm biển, trên biển họa mấy chữ “Âm Lâu Nguyễn Tộc Lầu”. Đúng là trần sao thì âm vậy, ở trên dương có nhà tầng, gác lửng thì âm ty cũng có lầu son, gác tía. Phải chăng chỉ khác nhau ở hai chữ “âm”, “dương”?
Cửa mở, đập vào mắt là một phiến đá lớn mà người ta hay gọi là tấm thư đá. Nó giống như một bức bình phong chắn đi tầm nhìn của người bên ngoài vào phía trong của căn lầu. Nội đỡ tôi vào đó, cánh cửa dần dần khép lại. Tiếng bản lề gỗ kẽo kẹt nhanh dần, từng thanh âm như đang miết vào trí óc con người ta một nỗi sợ vô hình. Cửa đóng, quanh cảnh lúc này chỉ còn lại căn lầu chừng năm thước trơ trọi giữa không gian đen khịt. Mọi thứ sẫm lại, gam sắc sẫm màu bắt đầu phủ kín mọi khoảng không. Với tâm lý của một đứa trẻ khao khát một lần được gặp ông mình, tôi la lớn.
-Ông.. ông ơi… ông đi đâu đấy, ông ơi..
Tiếng gọi thất thanh vang dài trong bóng tối khiến tâm trí tôi giống như đang rơi xuống một vực sâu không đáy. Tôi choàng tỉnh, bốn bề đêm khuya yên ắng lạ thường. Từng đợt hàn phong luồn qua kẽ sắt của khung trấn song cửa sổ xà vào giường. Có một cảm giác cô quạnh ở đây. Tôi nhìn xuống phía cuối giường, một tiểu đồng mình đeo yếm đỏ, da dẻ hồng hào, tóc để ba chỏm đang nhìn tôi. Ánh mắt thể hiện rõ sự hồn nhiên, vô tư đối với những gì mà cậu bé ấy thấy trước mặt. Tôi định vươn người dậy thì chân tay như đã bị khóa chặt, ngay cả việc ngẩng đầu lên để nhìn cho rõ cũng quá đỗi nặng nề. Có tiếng nói trẻ con dõng dạc, âm điệu mạnh mẽ như từng đợt sóng cuồn cuộn tràn về tai tôi,
-Vừa nãy ông đưa hồn phách anh về nhà tổ họ ở dưới âm để xin được che chở đấy. Thứ lúc tối anh gặp ở lối sau nhà là ngạ quỷ. Nó loanh quanh ở đấy từ hồi ông bà xây cái nhà cấp bốn sau cách mạng để ở. Tiếng lạch cạch gõ cửa lúc khi nãy là lính của em ở dưới âm đó. Em biết hôm nay con quỷ ấy định lên dương hại anh nên cho lính vào nhà mình để đi tìm nó. Nhưng con đấy âm lực mạnh mà nó trốn cũng tài lắm, tìm chả được. Nó còn gỡ của bùa trấn trạch tứ phương của nhà mình xuống để mà làm loạn rồi ấy, anh nhớ nhắc mẹ đi thỉnh thầy dán lại ngay nhé.
Đứa trẻ này là ai nhỉ, tôi chỉ có đứa em gái thôi mà, với thân hình kia thì tôi chắc hẳn đó không phải đứa em gái nghịch ngợm của tôi rồi. Nó lại còn nhắc đến mẹ, mẹ nào? Hay là mẹ tôi, nếu là mẹ tôi thì nó ắt hẳn phải là con. Thế nó là ai? Thôi đúng rồi, nó là thằng bé giám quan, nó là đốt ngay dưới tôi, hôm bữa ở nhà thầy Hữu tôi vẫn nhớ như in rằng mình có một đứa em nữa, tôi chợt nhớ ra. Tôi vội vã hỏi ngay,
-Là em đấy à, có phải hôm nọ mình gặp nhau ở Hải Dương đúng không, sao em lại báo cho anh, em là ma à.
Đứa bé cười phá lên, hai bắp tay giống như hai củ sen tròn đầy ôm lấy bụng mà cười như thể khoái chí lắm. Tràng cười ấy thật vô ưu mà lại hào sảng,
-Đúng là em đây, em là ma, nhưng là ma được phong tước phong hiệu, có vai có vế. Em phải tranh thủ mãi lúc không có quan tuần canh mới mò được lên đây để báo tin cho anh. Anh liều liệu mà bảo mẹ cho về Hải Dương gặp ông thầy hôm nọ đi nhé, viên ngọc ông ấy cho anh chỉ bảo vệ anh được dăm bữa thôi, để lâu thì cũng chẳng còn tác dụng nữa đâu. Thế nhé, có âm lệnh rồi em phải về dưới ấy đây.
Dứt lời thì đứa bé đấy biến mất, chân tay tôi tự nhiên được thả lỏng, người nhẹ nhõm hẳn, chẳng hề có chút cảm giác nặng nề nào như ban nãy. Nằm suy nghĩ linh tinh được một hồi thì tôi ngủ lịm đi.
Những tia nắng đầu tiên của buổi sớm ôm ấp lấy da dẻ của tôi, cảm giác thật mịn màng dễ chịu. Hơi sương sớm vẫn còn vương chút hàn khí luồn qua khí quản thông thẳng xuống phổi, cái thứ khí lạnh ấy đánh thức con người từ sâu trong tận tâm can. Thức dậy tận hưởng cái tiết trời buổi sớm thật là làm cho con người ta khoan khoái, cảm giác chẳng khác nào lồng ngực mình đang căng tràn là nhựa sống.
Khoan đã, tôi sực nhớ tới lời dặn của cậu bé giám quan đêm qua nên vội vàng phi xuống dưới nhà ngay để đem sự tình kể cho mẹ. Vừa ra tới cửa phòng thì mẹ tôi tay cầm cái balo du lịch màu bộ đội mở cửa đi vào, có vẻ như mẹ rất gấp,
-Chuẩn bị mấy bộ quần áo vào đây rồi xuống dưới nhà mẹ đợi, nhanh lên đấy.
Nói rồi mẹ tôi chạy vội xuống dưới nhà, có việc gì mà phải vội vàng như vậy nhỉ. Xưa nay chả mấy khi mẹ tôi cuống lên như thế này đâu, gì thì gì chứ mẹ tôi cứ bình chân như vại thôi, hiếm khi mới thấy mẹ tôi như ngày hôm nay. Tôi vơ mấy bộ quần áo bỏ vào ba lô rồi xuống dưới nhà, thật ra trong tủ cũng chỉ có vài bộ mặc đi mặc lại, cứ đem đi tất cho chắc ăn. Có xe đợi sẵn, mẹ tôi giục,
-Lên xe ngay đi còn đứng đần ra đấy làm gì.
Leo lên xe toan ngủ một giấc cho đã thì mẹ tôi lại hỏi dồn, giọng mẹ nghe chừng như đang lo lắng điều gì đó.
-Hôm qua có mơ thấy gì không?
Đúng chủ đề, tôi đáp ngay,
-Hôm qua con mơ thấy cậu bé giám quan hôm nọ đấy, cậu ý nhắn con bảo với mẹ đưa con về nhà thầy Hữu ở dưới Hải Dương càng sớm càng tốt. Cậu ý còn bảo nhà mình có quỷ.
Mẹ tôi hoảng hồn,
-Hôm qua mẹ cũng mơ thấy ông nội con về, ông chẳng nói chẳng rằng gì cả, mẹ hỏi thế nào cũng cứ im lìm chỉ tay về phía phòng mày. Lát sau lại thấy có đứa trẻ choắt choắt dắt tay ông nội đi thế là mẹ chạy vội theo xem như thế nào, được một quãng thì mất đấu hai người. Lúc đấy mẹ không biết đường quay lại nên cứ đi tiếp. Đang đi thì mẹ bắt gặp có hai người đuổi nhau chạy cắt qua mặt, người phía trước là nữ, thân hình thanh thoát, mảnh khảnh, di chuyển rất mau lẹ, trên vai cô này còn vác một cái bị to áng chừng như người mày. Theo sau là một ông lão cũng phải chừng 70, người hơi gù, trông rất quen, thoáng nhìn qua thì mẹ không nhận ra là ai. Ông ta rượt cô gái qua mặt mẹ thì quát to,”đuổi theo con quỷ kia ngay, nó bắt thằng Quang đi rồi”. Lúc ấy sợ quá tỉnh dậy ngồi ngẫm mới ngợ ra đấy là Thầy Hữu. Mà mơ như thế nhưng cảm giác cứ như thật nên mẹ lo lắm, đánh điện cho thầy thì thầy bảo chuẩn bị quần áo đưa mày về Hải Dương ngay.
Mẹ tôi vừa kể vừa run, hai tay cứ xiết vào nhau liên hồi. Tôi biết, mẹ tôi đang rối trí lắm, tôi cũng chẳng khác là mấy, chẳng biết rồi mọi chuyện sẽ đi về đâu nữa. Cảnh sắc xung quanh cứ như một thước phim được tua nhanh trên màn kính ô tô, mọi thứ cứ vụt đến vụt đi trong nháy mắt giống như sự xuất hiện của những thứ kỳ lạ mà tôi đang gặp phải trong thời gian này…
Phóng tầm mắt ra xa, cảnh vật thu về chỉ còn lại là cả một trời non nước. Chào Hải Dương, tôi lại đến rồi…