Tự Thú Của Một Tín Đồ Shopping

Chương 2

CÓ MỘT THỨ mà tôi nhất thiết phải mua trên đường đi đến cuộc họp báo, đó là tờ Financial Times. Tờ FT là thứ phụ tùng tốt nhất mà một cô gái nên có. Các lợi ích chính là:

1. Màu sắc bắt mắt của nó.

2. Chỉ tốn tám mươi lăm xu.

3. Nếu bạn đi vào phòng với tờ FT trong tay, mọi người sẽ coi trọng bạn. Với tờ FT kẹp dưới nách, bạn có thể nói đủ thứ chuyện phù phiếm nhất trên đời, mà người ta sẽ chẳng nghĩ bạn dở hơi, trái lại, họ sẽ nghĩ bạn siêu thông minh và có những sở thích thật khoáng đạt.

Trong buổi phỏng vấn để xin vào làm cho tờ Successful Saving, tôi đi vào với mấy tờ Financial Times, Investor’s Chronicle – tôi chẳng bị hỏi về tài chính một tí nào. Theo tôi nhớ thì, chúng tôi dành cả buổi phỏng vấn chỉ để nói về những khu biệt thự nghỉ mát và tán phét về các biên tập viên khác.

Vì thế nên tôi dừng ở sạp báo, mua một tờ FT. Có một cái tít to đùng về Rutland Bank ở đầu trang và tôi nghĩ có lẽ mình nên đọc lướt qua một chút. Cũng lúc đó, tôi thấy bóng mình trên cửa sổ cửa hàng Denny and George.

Tôi nghĩ mình trông cũng không đến nỗi tệ. Tôi mặc một chiếc váy đen của French Connection, một áo phông trơn màu trắng của Knickerbox, một áo len lông thỏ đan tay của M&S mà nhìn qua có thể ngỡ là của Agnès b. Và cả một đôi guốc mũi vuông của Hobbs. Tuyệt hơn nữa, mặc dù tôi nghĩ sẽ chẳng có ai thấy được là bộ đồ trong – tôi đang mặc một chiếc quần lót chẽn gối mới cực đẹp, trên là chiếc áo ngực thêu hoa hồng vàng. Chúng mới là phần tuyệt nhất trong toàn bộ trang phục của tôi. Thật sự thì, tôi ước gì mình có thể cởi hết ra cho cả thiên hạ cùng chiêm ngưỡng chúng.

Đó là một trong những thói quen của tôi, liệt kê toàn bộ quần áo mà mình đang mặc, cứ như thể cho một trang tạp chí thời trang. Tôi làm thế từ lâu rồi – từ khi còn đọc Just Seventeen. Trong mỗi kỳ, họ lại chộp một cô gái trên đường, chụp ảnh rồi liệt kê tất cả trang phục của cô ta. “Áo phông: Chelsea Gril, Quần bò: Top Shop, Giày: mượn bạn.” Tôi thường ngấu nghiến đọc những danh sách ấy, và đến giờ thì, nếu tôi mua một thứ gì từ cửa hàng mà chẳng xịn mấy, tôi sẽ cắt mác đi. Để nếu có ai đó dừng tôi lại ở trên đường, tôi có thể giả vờ là mình không biết xuất xứ của chúng ở đâu ra.

Dù sao thì tôi đang ở đây, với một tờ FT kẹp nách, nghĩ rằng mình trông khá ổn và thầm ước giá như có ai đó từ tờ Just Seventeen xuất hiện với máy ảnh – đột nhiên mắt tôi nhìn vào chỗ khác và tim tôi như ngừng đập. Trên cửa sổ của Denny and George là một tấm biển khá dè dặt. Biển màu lục thẫm với hàng chữ màu kem đề: GIẢM GIÁ.

Tôi nhìn chằm chằm vào nó và da tôi như bị kim châm. Không thể như thế được, Denny and George không thể giảm giá. Chẳng bao giờ họ giảm giá. Những chiếc khăn quàng cổ và khăn choàng của họ thật đáng thèm muốn. Họ thậm chí có thể tăng giá lên gấp đôi. Tất cả những ai tôi biết trên thế gian này đều khao khát có một chiếc khăn quàng của Denny and George. (Tất nhiên trừ bố mẹ tôi. Mẹ tôi nghĩ rằng nếu bạn không thể mua một thứ gì đó ở Bentalls of Kingston, thì tức là bạn chẳng cần đến nó)

Tôi nuốt nước miếng, tiến lên vài bước, và đẩy cửa vào cái cửa hàng bé nhỏ đó. Cánh cửa két một tiếng và cô gái tóc vàng xinh đẹp làm việc ở đó ngước lên. Dù không biết tên nhưng tôi vẫn luôn thích cô. KHông giống như những con bò cái kênh kiệu ở các cửa hàng thời trang khác, cô không phiền nếu bạn đứng đấy thật lâu nhìn chằm chằm vào những bộ trang phục đắt đỏ mà bạn chẳng thể với tới được. Điều thường xảy ra là, tôi đứng hàng nửa giờ đồng hồ chỉ để nhìn hau háu thèm khát những chiếc khăn quàng ở Denny and George, sau đó đến tiệm tạp hóa, mua một cái gì đó khiến mình khuây khỏa. Tôi có cả một ngăn tủ đầy đồ thay thế cho đồ của Denny and George.

“Chào chị,” tôi cất lời chào và cố giữ bình tĩnh. “Cửa hàng... cửa hàng đang có đợt giảm giá?”

“Vâng.” Cô gái tóc vàng mỉm cười. “Hơi lạ với cửa hàng chúng tôi.”

Ánh mắt tôi quét khắp căn phòng. Tôi có thể thấy hàng dài những chiếc khăn, có gắn một tấm bìa nhỏ màu xanh lá cây thẫm đề “giảm giá 50%”. Nhung, lụa đính hạt, casdmere thêu, tất cả đều có dấu đặc biệt “Denny and George”. Chúng ở khắp nơi. Tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa. Tôi nghĩ mình đang bị một cơn khủng hoảng.

“Tôi nghĩ chị sẽ thích cái này,” cô gái tóc vàng nói, tay lấy ra một chiếc khăn màu xanh nâu bóng từ chồng khăn trước mặt.

Ôi Chúa ơi, tất nhiên rồi. Tôi nhớ cái này. Nó làm bằng nhung tơ, đè trên lớp vải xanh nhạt đính các hạt óng ánh. Khi nhìn chằm chằm vào chiếc khăn, tôi cảm thấy như có một lực đẩy vô hình lặng lẽ đẩy tôi về phía nó. Tôi phải chạm vào nó. Tôi phải quàng nó. Nó là thứ đẹp nhât mà tôi từng thấy. Cô gái nhìn mác giá. “Giảm từ 340 bảng xuống chỉ còn 120 bảng.” Cô gái quàng chiếc khăn vào cổ tôi, và tôi nhìn vào gương.

Không có gì để nói. Tôi phải có chiếc khăn này. Tôi phải có nó. Nó làm cho mắt tôi to hơn, nó làm cho tóc tôi sáng hơn; nó khiến tôi giống như một người khác hẳn. Tôi có thể quàng nó với bộ đồ nào cũng được. Mọi người sẽ gọi tôi là Cô Gái Quàng Khăn Denny and George.

“Tôi sẽ vồ lấy nó ngay nếu tôi là chị.” Cô gái mỉm cười với tôi. “Chỉ còn lại đúng một chiếc.”

Vô tình, tôi giữ chặt nó.

“Tôi sẽ lấy nó,” tôi hổn hển. “Tôi sẽ lấy nó.”

Khi cô đặt nó vào giấy gói, tôi lấy ví của mình, mở tìm thẻ VISA hoàn toàn vô thức – nhưng những ngón tay chỉ chạm vào da ví trống trơn. Tôi dừng lại bàng hoàng rồi lục lọi tất cả các ngăn của chiếc ví, tự hỏi liệu mình có để quên nó ở đâu đó với một tờ biên lai hay lẫn với một tấm danh thiếp nào đó... Và, điếng người, tôi chợt nhớ ra. Nó nằm ở trên bàn mình.

Làm sao tôi có thể ngu ngốc đến vậy được chứ? Làm sao mình có thể quên VISA trên bàn? Mình đã nghĩ gì vậy?

Cô giá tóc vàng xinh đẹp đang đặt chiếc khăn quàng được gói ghém cẩn thận vào chiếc hộp màu xanh thẫm của Denny and George. Miệng tôi khô không khốc hoảng loạn. Tôi sẽ làm gì đây?

“Chị muốn thanh toán bằng cách nào?” Cô gái vui vẻ hỏi.

Mặt tôi nóng bừng và tôi nuốt khó nhọc.

“Tôi... tôi... vừa nhớ ra rằng tôi để quên thẻ tín dụng ở cơ quan,” tôi lắp bắp.

“Ồ,” cô ta thốt lên và dừng tay lại.

“Chị có thể giữ nó cho tôi không?” Cô nhìn tôi với vẻ hoài nghi.

“Đến bao giờ?”

“Ngày mai?” tôi liều nói. Ôi Chúa ơi. Cô dài mặt ra. Cô ấy không hiểu à?

“Tôi e là không được,” cô đáp. “Chúng tôi không được giữ hàng lại không bán.”

“Chỉ đến chiều tối nay thôi vậy”, tôi nói nhanh. “Bao giờ thì cửa hàng mình đóng cửa?”

“Sáu giờ”

Sáu giờ! Tôi cảm thấy vừa nhẹ nhõm, vừa hồi hộp. Thử thách thôi mà, Rebecca. Mình sẽ đến cuổi họp báo và về sớm nhất có thể, rồi bắt taxi trở lại cơ quan. Mình sẽ lấy thẻ VISA và nói với Philip rằng mình để quên giấy tờ, rồi đến đây, và mua chiếc khăn.

“Chị có thể chờ đến lúc đó không?” tôi van nài. “Làm ơn? Làm ơn đi mà?” Cô dịu xuống.

“Thôi được. Tôi sẽ giấu nó ở quầy thu ngân.”

“cảm ơn chị” tôi hổn hển. Nói rồi tôi lao vội ra khỏi cửa hàng, hướng thẳng đến công ty Truyền thông Brandon. Cầu cho cuộc họp báo ngắn thôi, tôi cầu nguyện. Đừng có quá nhiều câu hỏi mà. Xin Chúa, làm ơn cho con mua được chiếc khăn đó.

Khi đến được hãng Truyền thông Brandon, tôi thấy thư giãn đôi chút. Mình còn cả ba tiếng nữa cơ mà. Và chiếc khăn thì được giấu an toàn ở quầy thu ngân rồi. không ai có thể cướp nó khỏi tay mình được.

Có một tấm biển trong phòng nghỉ ghi rằng cuộc họp báo Cơ Hội Cực Kỳ Có một không hai sẽ diễn ra ở phòng suite Artemis. Và, một người đàn ông vận đồng phục đang chỉ dẫn cho mọi người ở hành lang. Điều này có nghĩa là cuộc họp báo hẳn phải khá lớn. Tất nhiên không phải là cuộc-họp-báo-lớn-tướng-có-máy-quay-truyền-hình của CNN. Nhưng nó cũng-bự-chả-kém. một sự kiện quan trọng trong cái thế giới bé nhỏ xám xịt của chúng tôi.

Khi tôi bước vào phòng đã có rất nhiều người ở đây trước rồi, và các cô phục vụ thì đang bưng bánh mì kẹp thịt lên. Cánh nhà báo đang uống sâm panh cứ như thể họ chưa bao giờ thấy nó vậy; những cô quan hệ cộng đồng trông có vẻ kiêu kì đang nhấp từng ngụm rượu. Một anh phục vụ mang sâm panh tới và tôi lấy hai cốc. Một để uống bây giờ, 1 giấu dưới ghế, để dành cho khoảng thời gian nhàm chán sắp tới.

Tôi nhìn thấy Elly Granger của tờ Invensor’s Weekly News ở góc kia của căn phòng. Cô ta đang bị kẹp giữa hai anh chàng chỉn chu trong bộ vest và đang gật đầu với họ, với ánh mắt trong vắt của cô ta. Elly cừ lắm. Cô ta mới chỉ làm việc cho tờ Invensor’s Weekly News được 6 tháng, sau khi đã thử 43 công việc khác. Cái mà cô ấy thật sự muốn là trở thành 1 biên tập viên chuyên mục sắc đẹp của 1 tờ tạp chí, và tôi nghĩ cô ta thật là giỏi khoản đó. Mỗi lấn nhìn thấy cô ta, Elly lại bôi 1 loại son mới và cô lúc nào cũng mặc những bộ trang phục thật kì thú. Hôm nay chẳng hạn, cô ta mặc 1 chiếc sơ mi vải sa màu cam với 1 chiếc quần vải cotton màu trắng, giày vải đế cói và một chiếc vòng cổ to đùng bắng gỗ, cái loại mà triệu năm nữa tôi cũng chắng bao giờ đeo được.

Tôi thực sự muốn trở thành một Fiona Philips của GMTV. Tôi tưởng tượng ra lúc mình ngồi trên chiếc ghế sofa đó, tung hứng với Eamonn vào mỗi buổi sáng và phỏng vấn hàng loạt ngôi sao phim truyền hình. Đôi khi quá say, chúng tôi giao ước nếu trong 3 tháng tới không lên được vị trí nào khá hơn, chúng tôi sẽ cùng bỏ việc. Nhưng sau đó ý nghĩ về việc không có tiền – dù chỉ trong 1 tháng thôi – còn đáng sợ hơn rất nhiều ý nghĩ phải viết về các công ty uỷ thác đầu tư suốt cả cuộc đời.

“Rebecca. Thật vui vì cô đã đến”

Tôi ngẩng lên, và suýt sặc sâm panh. Đó là Luke Brandon, chủ tịch hãng Truyền Thông Brandon, đang nhìn chằm chằm vào tôi cứ như thể anh ta biết chính xác tôi đang nghĩ gì. Nhìn chằm chằm xuống tôi, ý tôi là thế. Hắn cao chắc phải đến 1m83, tóc đen và mắt sẫm và... chà. Bộ vest đó không đẹp sao? Một bộ đắt tiền như thế khiến người ta muốn trở thành đàn ông ngay ấy chứ. Nó màu xanh sẫm, sọc tím nhạt, loại một hàng khuy, với những chiếc khuy bằng sừng thật. Khi tôi lướt mắt trên nó, tôi tự hỏi không biết nó có được may bởi Oswald Boateng, và liệu cái áo vest đó có lớp áo lót bằng lụa màu tuyệt đẹp hay không. Nếu đó là một ai khác, có thể tôi đã hỏi – nhưng với Luke Brandon thì không, không thể nào.

Tôi mới chỉ gặp hắn ta một vài lần, và chẳng khi nào thấy dễ chịu cả. Kể từ lúc đầu, hắn nổi tiếng kinh lên được. Mọi người đều bàn tán liên miên rằng hắn tài giỏi thế nào, kể cả sếp Philip của tôi nữa. Hắn khởi sự hãng Truyền Thông Brandon từ hai bàn tay trắng, và bây giờ, nó là công ty PR về tài chính hàng đầu ở London. một vài tháng trước, hắn được liệt kê trong danh sách của The Mail như là một trong những doanh nhân thông minh nhất thế hệ của hắn. Người ta nói rằng IQ của hắn cao phi thường và hắn có một trí nhớ siêu đẳng.

Nhưng không phải chỉ có thế. Hắn trông có vẻ luôn nghiêm nghị khi nói chuyện với tôi. Có thể Luke Brandon nổi tiếng không chỉ là một thiên tài mà còn có khả năng đọc suy nghĩ người khác. Hắn biết rằng trong khi chăm chú nhìn những biểu đồ chán ngắt, gật đầu vẻ hiểu biết, thực ra tôi đang nghĩ đến chiếc áo len tuyệt đẹp mà tôi thấy ở Joseph, tự hỏi liệu có đủ tiền mua chiếc quần hợp với nó hay không.

“Cô biết Alicia chứ?” Luke nói. Và hắn ngoắc tay về phía cô gái tóc vàng bên cạnh.

Tôi không biết Alicia. Và tôi cũng chẳng cần biết. Tất cả các cô gái ở Brandon C, người ta vẫn gọi hãng này như thế, đều giống nhau cả. Họ ăn mặc đẹp, giao tiếp tốt, kết hôn với một ông chủ ngân hàng, và chẳng có tí hài hước nào cả. Alicia rơi vào đúng mẫu nhân dạng ấy, với chiếc áo màu xanh nhạt, khăn quàng lụa của Hermès, và một đôi guốc xanh tiệp màu với áo, đôi mà tôi đã thấy ở Russel và Bromley, và chỗ đó trị giá đến cả một gia tài. (Tôi cá là cô ta cũng có cả chiếc túi đồng bộ nữa). Làn da cô ấy rám nắng, có nghĩa là cô ta vừa đi Mauritius hay đâu đó về, và đột nhiên tôi cảm thấy mờ nhạt và nhỏ bé hẳn khi so sánh với cô ta.

“Rebecca,” cô nàng thờ ơ nói rồi bắt tay tôi. “Chị làm ở tờ Successful Saving phải không nhỉ?”

“Đúng thế” tôi đáp lại, lạnh nhạt chẳng kém.

“Chị đến thì tốt quá rồi” Alicia nói. “Tôi biết là cánh nhà báo các chị bận rộn lắm.”

“Có gì đâu” tôi đáp lại. “Chúng tôi vẫn muốn tham dự càng nhiều cuộc họp báo càng tốt. Để cập nhật các sự kiện kinh tế mà.” Tôi hài lòng với câu trả lời của mình. Suýt nữa tôi đã tự biến mình thành con ngốc.

Alicia gật đầu nghiêm trang, cứ như thể tất cả những gì tôi vừa nói đều rất quý giá với cô ta.

“Rebecca này, chị nghĩ sao về tin tức ngày hôm nay?” Cô ta chỉ vào tờ FT kẹp dưới tay tôi. “Khá bất ngờ, phải không nào?”

Ôi Chúa ơi, cô ta đang nói cái gì vậy?

“Quả là rất thú vị” tôi nói, vẫn cười, và cố câu giờ. Tôi liếc nhìn quanh phòng để có thêm ý, nhưng chẳng có gì cả. Cô ta đang nói cái quái gì thế? Tỉ lệ lãi suất hay cái khỉ gì vậy nhỉ?

“Tôi phải nói là, theo tôi, đó là một tin rất tệ đối với nền công nghiệp của chúng ta,” Alicia nói sốt sắng. “Nhưng chắc hẳn, chị phải có quan điểm của riêng mình.”

Cô ta nhìn tôi và chờ đợi câu trả lời. Tôi có thể nhận thấy hai má mình đang ửng đỏ cả lên. Làm sao mình thoát ra được đây? Kể từ nay, tôi tự hứa với mình sẽ đọc báo hằng ngày. Tôi không thể bị bóc mẽ như thế này một lần nữa.

“Tôi đồng ý với chị” Cuối cùng tôi lên tiếng. “Tôi cũng nghĩ đó là một tin thật khủng khiếp” Giọng tôi như bị bóp nghẹt lại. Tôi uống nhanh một ngụm sâm panh và cầu cho động đất xảy ra.

“Chị dự đoán trước được vụ này rồi phải không?” Alicia nói. “Tôi biết là cánh nhà báo luôn tiên liệu được mọi việc.”

“Tôi... đúng là tôi đã biết chuyện này sẽ xảy ra.” Tôi nói, gần như chắc rằng giọng mình rất thuyết phục.

“Và bây giờ lại còn có tin đồn Scottish Prime và Flagstaff Life đang đi cùng hướng!” Cô ta nhìn tôi chăm chú. “Chị có cho rằng đó là việc làm có chủ ý không?”

“Thật... thật khó mà nói được” tôi đáp lại, và uống thêm một ngụm sâm panh nữa. Tin đồn quái nào thế? Sao cô ta không để cho mình yên nhỉ?

Và tôi đã phạm một sai lầm, là ngước nhìn Luke Brandon. Hắn nhìn chằm chằm vào tôi, mép khẽ giật giật. Ôi, khỉ thật. Hắn biết thừa tôi chẳng hiểu tí gì, phải thế không?

“Alicia” hắn đột ngột nói, “Maggie Stevens vừa mới đến kìa. Cô có thể...”

“Tất nhiên rồi” Cô ta nói, như được huấn luyện thành ngựa đua, và lẹ làng lướt nhanh ra cửa.

“Còn nữa, Alicia...” Luke thêm vào. Cô ta nhanh nhảu quay lại. “Tôi muốn biết chính xác thằng cha nào phao mấy cái tin đồn nhảm nhí ấy.”

“Vâng” cô ta gật đầu, rồi bước đi.

Chúa ơi, hắn đáng sợ thật. Và bây giờ chỉ còn lại tôi với hắn. Tôi nghĩ tôi phải chạy biến đi ngay.

“Ừm” tôi mau mắn nói. “Tôi nghĩ tôi phải đi và...”

Nhưng Luke Brandon đã vươn về phía tôi.

“SBG thông báo rằng họ sẽ tiếp quản Rutland Bank sáng nay” hắn nói nhỏ.

Và tất nhiên rồi, giờ thì hắn đã xác nhận, tôi nhớ ra dòng tít.

“Tôi biết rồi” tôi kiêu căng đáp lại. “Tôi đã đọc trong tờ FT.” Trước khi hắn ta kịp nói thêm điều gì, tôi bỏ đi, đến nói chuyện với Elly.

Khi buổi họp báo chuẩn bị diễn ra, Elly và tôi len lén đi ra phía sau và chiếm hai chỗ ngồi cạnh nhau.Chúng tôi đang ở trong một khán phòng lớn và phải có đến hàng trăm cái ghế được xếp thành hàng ngang, đối diện với bục sân khấu và có một cái màn hình to đùng. Tôi mở cuốn sổ của mình ra, và viết “hãng ttb” ở ngay đầu trang, rồi bắt đầu vẽ những bông hoa nho nhỏ ở bên lề. Bên cạnh tôi, Elly đang bấm số nghe tử vi của mình trên điện thoại.

Tôi uống một ngụm sâm panh, ngả ra đằng sau, và sẵn sàng thư giãn. Chẳng có lý do gì để nghe họp báo cả. Thông tin luôn nằm trong tập thông cáo báo chí, và về nhà ta vẫn biết họ đã nói gì. Thật ra, tôi đang tự hỏi, liệu có ai để ý nếu tôi lôi lọ Hard Candy ra rồi làm móng không. Đúng lúc đó đột nhiên ả Alicia đáng ghét chúi mũi trước mặt tôi.

“Rebecca?”

“Vâng?” Tôi trễ nải đáp.

“Chị có điện thoại. Tổng biên tập chị gọi đấy.”

“Philip ư?” Tôi hỏi một cách ngu ngốc, cứ như thể tôi có cả một đống tổng biên tập để chọn.

“Hẳn rồi.” Cô ta nhìn tôi cứ như thể tôi là một con khùng rồi chỉ chiếc điện thoại đặt ở cái bàn đằng sau. Elly nhìn tôi có ý dò hỏi và tôi nhún vai đáp lại. Philip chưa bao giờ gọi tôi trong buổi họp báo cả.

Tôi thấy vừa phấn khích vừa quan trọng khi đi đến cuối căn phòng. Có thể sẽ có một vụ khẩn cấp ở tòa soạn. Có thể ông ta vừa mới tóm được một tin tức tuyệt diệu và muốn tôi bay ngay đến New York để viết bài.

“Xin chào, ông Philip ạ?” Tôi nói vào ống nghe – rồi đột nhiên ước là mình đã nói cái gì đó ấn tượng hơn, chẳng hạn như một tiếng “Vâng” đơn giản.

“Rebecca, nghe này, tôi biết thế này là dở lắm,” Philip nói, “nhưng chứng đau nửa đầu của tôi lại tái phát. Tôi phải về nhà ngay bây giờ.”

“Thế ạ,” tôi bối rối trả lời.

“Cô giúp tôi chút việc vặt được không?”

Việc vặt à? Nếu ông ta muốn mua mấy viên thuốc đau đầu thì nên bảo thư ký mới phải.

“Tôi cũng không biết nữa,” tôi chán chường nói. “Tôi đang vướng chút việc ở đây.”

“Khi nào xong việc ở đó cũng được. Năm giờ chiều nay, Ủy ban Đặc biệt Bảo an Xã hội sẽ đưa ra thông cáo. Cô qua đó lấy giúp tôi nhé? Cô đi thẳng từ chỗ họp báo tới Westminster được mà.”

Gì cơ? Tôi kinh hoàng nhìn vào chiếc điện thoại. Không, tôi không thể lấy cái bản thông cáo chết tiệt ấy. Tôi phải về lấy thẻ VISA! Tôi phải bảo vệ chiếc khăn của mình.

“Clare không đi được ư?” Tôi nói. “Tôi đang định về toàn soạn viết cho xong bài nghiên cứu về...” Tháng này tôi phải viết về cái gì nhỉ? “Về các khoản thế chấp.”

“Clare đang bận việc trong thành phố. Mà khu Westminster thì nằm ngay trên đường cô về Fullham Sành điệu mà, phải không?”

Philip luôn luôn trêu tôi chuyện sống ở Fullham. Chỉ vì ông ấy sống ở Harpenden và luôn cho rằng bất kỳ ai mà không sống ở vùng ngoại ô xanh tươi, xinh xắn đó đều khùng hết cả.

“Cô chỉ phải nhảy lên tàu điện ngầm,” ông ta nói “đến nơi, lấy báo cáo, rồi lại nhảy lên tàu.”

Ôi Chúa ơi. Tôi nhắm mắt lại và nghĩ thật nhanh. Một tiếng nữa ở đây. Nhanh chóng quay về văn phòng, lấy thẻ VISA, trở lại Denny and George, lấy chiếc khăn, rồi lao vội đến khu Westminster, lấy bản thông cáo.Tôi nghĩ chắc mình làm được thôi.

“Vâng được,” tôi nói. “Cứ để đó cho tôi.”

Tôi về chỗ ngồi, cũng là lúc ánh đèn mờ dần, và dòng chữ Cơ Hội Viễn Đông hiện lên trên màn hình trước mắt chúng tôi. Một loạt ảnh đầy màu sắc chụp Hồng Kông, Thái Lan, và những nơi đẹp đẽ khác, chúng luôn khiến tôi mơ ước được đến nghỉ mát. Nhưng hôm nay tôi không thể thư giãn, cũng không tài nào thấy thương xót cho cô phóng viên mới của tờ Portfolio Week được, cho dù cô nàng đang điên cuồng ghi chép mọi thứ và chắc hẳn sẽ hỏi đến năm câu với ý nghĩ rằng cô ta nên thế. Tôi quá bận tâm về chiếc khăn quàng. Nếu tôi không quay lại kịp thì sao? Nếu có ai đó trả giá cao hơn? Những ý nghĩ đó làm tôi phát hoảng.

Sau đó, ngay khi những bức ảnh về Thái Lan biến mất, thì những biểu đò nhàm chán bắt đầu xuất hiện. Tôi chợt nảy ra một ý. Đúng rồi! Tôi sẽ trả tiền mặt cho chiếc khăn. Không ai lại từ chối tiền mặt cả. Tôi có thể rút 100 bảng từ thẻ tiền mặt, chỉ cần thêm 20 bảng nữa, và chiếc khăn sẽ là của tôi.

Tôi xé một tờ giấy trong sổ tay, viết “Cậu có thể cho mình mượn hai mươi bảng được không?” rồi chuyển sang chỗ Elly. Cô nàng vẫn đang lén lút nghe điện thoại. Tôi tự hỏi không biết cô nàng đang nghe cái gì. Không thể nào vẫn là tử vi của cô nàng đấy chứ, chắc hẳn thế? Cô nàng nhìn xuống, lắc đầu, rồi viết, “Không được rồi, cái máy chết tiệt đó đã nuốt thẻ của mình. Đang sống thoi thóp bằng phiếu ăn trưa đây.”

Chết tiệt.Tôi ngập ngừng, rồi viết tiếp, “Thế còn thẻ tín dụng thì sao? Mình sẽ trả lại ngay thôi. Mà cậu đang nghe cái gì đấy?”

Tôi chuyển mảnh giấy cho cô nàng, và thình lình ánh đèn bật lại. Bài thuyết trình đã xong mà tôi chẳng nghe lọt chữ nào cả. Mọi người thay đổi chỗ ngồi, trong khi một cô PR đem phát những tập giới thiệu bóng loáng. Elly kết thúc cuộc gọi và toe toét với tôi.

“Dự đoán tình huống ấy mà,” cô nàng nói, bấm một số khác. “Cái này chính xác lắm đấy.”

“Toàn những thứ ngớ ngẩn cũ mèm.” Tôi lắc đầu phản đối. “Không thể ngờ cậu lại thích tất cả đống rác rưởi đó. Còn dám nhận mình là phóng viên tài chính nữa không?”

“Sao không,” Elly đáp. “Cậu thì được chắc?” rồi chúng tôi bắt đầu cười rúc rích với nhau, cho đến khi một lão hàng trên quay xuống và nhìn chúng tôi giận dữ.

“Thưa quý ông, quý bà.” Một giọng nói lanh lảnh ngắt lời chúng tôi. Tôi ngước lên. Đó là Alicia, đang đứng trên đầu. Cô ta có cặp giò thật đẹp, tôi bực bội thừa nhận. “Như các bạn đều thấy, Chương trình Tiết kiệm Cơ hội Cực kỳ Có một không hai đã giới thiệu tổng thể về một phương pháp đầu tư mới.” Cô ta nhìn quanh căn phòng, bắt gặp ánh mắt tôi, và nở nụ cười xã giao.

“Cơ hội Cực kỳ,” tôi thì thầm với Elly đầy khinh bỉ rồi chỉ vào tờ rơi. “Giá cả cực kỳ thì có. Cậu có biết nó tốn bao nhiêu không?”

(Tôi luôn nhìn vào biểu giá trước nhất, cũng như việc luôn nhìn vào cái mác đầu tiên.)

Elly đảo tròn mắt tỏ vẻ thông cảm, mặc dù vẫn đang nghe điện thoại.

“Đầu tư Vùng đất mũi để gia tăng giá trị,” Alicia nói tiếp bằng giọng kiêu kỳ, “Đầu tư Vùng đất mũi mang lại cho bạn nhiều hơn thế nữa.”

“Họ tính tiền nhiều hơn, ta mất tiền nhiều hơn,” tôi nói to không kịp suy nghĩ, và một tràng cười rộ lên khắp phòng. Chúa ơi, xấu hổ quá. Giờ thì cả Luke Brandon cũng gục gặc đầu. Tôi vội vàng cúi xuống và giả vờ đang ghi chép.

Mặc dù thành thật mà nói, tôi chẳng hiểu tại sao mình lại giả vờ ghi chép. Không phải là chúng tôi chẳng bao giờ đưa lên tạp chí cái gì khác những thứ dớ dẩn từ các bản thông cáo. Đầu tư Vùng đất mũi chiếm mất hai trang quảng cáo mỗi tháng, và năm ngoái người ta còn mời Philip tham dự chuyến nghiên cứu sung sướng (ha-ha) ở Thái Lan - thế nên chẳng bao giờ chúng tôi được phép nói bất cứ điều gì ngoại trừ việc tâng bốc dự án này. Như thể nó thực sự giúp ích cho độc giả vậy.

Khi Alicia tiếp tục nói, tôi với sang phía Elly.

“Nghe này,” tôi thì thầm. “Cho tớ mượn thẻ tín dụng của cậu nhé?”

“Hết sạch rồi,” Elly nói đầy vẻ xin lỗi. “Tớ tiêu cạn kiệt rồi, chứ cậu nghĩ sao tớ lại phải sống nhờ vào phiếu ăn chứ?”

“Nhưng mình cần tiền!” tôi thì thầm. “Mình tuyệt vọng rồi! Mình cần hai mươi bảng!”

Tôi đã nói to hơn dự định và Alicia dừng lại.

“Có lẽ chị nên đầu tư vào dự án Mũi đất này, chị Rebecca à,” Alicia nói. Và một tràng cười khác nổ ra khắp căn phòng. Một vài người quay lại trố mắt nhìn tôi, tôi nhìn chằm chằm họ một cách thách thức. Họ là đồng nhiệp của tôi, vì Chúa. Họ nên đứng về phía tôi mới phải. Tình đoàn kết trong Hiệp hội Nhà báo Toàn quốc đâu mất rồi? Không phải tôi thực sự có tham gia hiệp hội. Nhưng dù sao đi nữa.

“Cô cần hai mươi bảng để làm gì?” Luke Brandon hỏi, từ phía trên căn phòng.

“Tôi... bác của tôi...” tôi ngang ngạnh nói. “Bà ấy nằm viện và tôi muốn mua tặng bà một món quà.”

Căn phòng yên lặng. Và rồi, không thể tin nổi. Luke Brandon móc ví, lấy ra một tờ 20 bảng, rồi đưa cho anh chàng ngồi hàng đầu trong dãy dành cho nhà báo. Anh ta ngập ngừng, rồi chuyển nó xuống cuối hàng. Và cứ như thế, tờ giấy bạc chuyền từ tay này sang tay khác đến tôi cứ như một người hâm mộ được đám đông chuyền tay nhau trong buổi biểu diễn ca nhạc vậy. Khi tôi cầm lấy tờ tiền, một tràng vỗ tay nổi lên khắp căn phòng và tôi thấy ngượng.

“Cám ơn,” tôi ngượng nghịu nói. “Chắc chắn tôi sẽ trả lại.”

“Cầu cho bác cô sớm khỏe lại,” Luke Brandon nói.

“Cám ơn,” tôi nói một lần nữa. Và tôi ngước nhìn Alicia, cảm thấy như vừa mới giành được chiến thắng. Cô ta hoàn toàn xuôi xị.

Chưa hết phần hỏi đáp, mọi người đã lục đục đứng dậy để quay về tòa soan. Đây thường là lúc tôi ra ngoài mua một cốc cappuccino và lượn lờ mua sắm. Nhưng hôm nay thì không. Hôm nay tôi quyết định ở lại cho vấn đề chán ngắt cuối cùng là cơ cấu thuế. Sau đó, tôi sẽ ra gặp trực tiếp Luke Brandon để cảm ơn lòng tốt của hắn, mà nếu ngượng quá, tôi sẽ ra hiệu một cái. Rồi sau đó, tôi sẽ đi mua chiếc khăn của mình. Tuyệt vời!

Nhưng ngạc nhiên thay, sau một vài câu hỏi, Luke Brandon đứng dậy thì thầm gì đó với Alicia, và sau đó đi ra phía cửa.

“Cảm ơn,” tôi nói nhỏ khi hắn đi qua ghế của mình, nhưng không chắc là hắn nghe thấy.

Tàu điện dừng lại trong hầm không rõ lý do. Năm phút trôi qua, rồi mười phút. Tôi không thể tin mình lại đen đến vậy. Nếu là mọi khi, tất nhiên rồi, tôi sẽ mong cho tàu trục trặc – như thế tôi sẽ có lý do để không phải về toàn soạn sớm. Nhưng hôm nay tôi cư xử cứ như một doanh nhân mệt mỏi vì bị cản trở. Tôi gõ gõ móng tay, thở dài rồi nhìn qua cửa sổ ra ngoài khoảng không tối thẫm.

Một nửa trí óc tôi nghĩ rằng mình vẫn còn nhiều thời gian để đến Denny and George trước khi cửa hàng đóng cửa. Nửa kia thì nghĩ thậm chí nếu tôi không đến kịp, cô bán hàng tóc vàng chắn không bán chiếc khăn cho người khác đâu. Nhưng nguy cơ vẫn còn đó. Vậy nên chỉ đến khi cầm được chiếc khăn trong tay, tôi mới có thể thở phào được.

Cuối cùng đoàn tàu cũng chuyển bánh, tôi ngồi thụp vào chỗ, thở dài thườn thượt và nhìn người đàn ông xanh xao, lặng lẽ ngồi bên trái. Anh ta mặc quần bò, đi giày thể thao, và tôi phát hiện rằng anh ta đang mặc áo trái. Hay chưa, tôi thầm nghĩ, anh ta cũng đọc bài báo về thời trang phá cách trong Vogue số ra tháng trước ư? Tôi định hỏi anh ta – nhưng rồi tôi nhìn lại chiếc quần bò anh ta đang mặc (một chiếc 501 hàng giả tầm thường) và đôi giày đế mềm (rất mới, rất trắng) – và có cái gì mách bảo tôi là anh ta chưa đọc bài báo.

“Ơn Chúa!” tôi nói. “Suýt chút nữa là tôi chết gí ở đây rồi.”

“Thật là bực,” anh ta khẽ đồng ý.

“Họ không biết nghĩ, phải không?” tôi nói. “Ý tôi là, có những người trong số chúng ta đang có những việc rất bức thiết. Tôi đang vội khủng khiếp!”

“Tôi cũng hơi vội,” anh ta nói.

“Nếu tàu không chạy, tôi cũng không biết phải làm gì nữa,” tôi lắc đầu, “Trông anh... mệt mỏi quá!”

“Tôi hiểu ý cô,” người đàn ông nói đầy ngụ ý. “Họ không biết rằng vài người trong chúng ta... “

Anh ta chỉ vào tôi. “Chúng ta không phải đang đi lại nhàn rỗi. Có đến nơi cần đến hay không mới chính là vấn đề.”

“Chắc chắn rồi!” tôi nói. “Anh đang đi đâu vậy?”

“Vợ tôi sắp sinh,” anh ta nói. “Đứa thứ tư của chúng tôi.”

“Ồ,” tôi thốt lên, rụt lại. “Vâng... Ôi trời, chúc mừng anh. Tôi hi vọng rằng anh...”

“Lần trước cô ấy mất có tiếng rưỡi,” anh ta nói, day day trán. “Mà giờ tôi ở trên tàu điện này đã bốn mươi phút rồi. Nhưng thôi. Dù sao chúng ta cũng đang đi.”

Anh nhún vai rồi mỉm cười với tôi.

“Còn cô thì sao? Có việc khẩn cấp gì vậy?”

Ôi Chúa ơi.

“Tôi.. à... đang đi đến...”

Tôi dừng lại yếu đuối và hắng giọng, cảm thấy ngượng ngùng. Tôi không thể cho anh ta biết công việc khẩn cấp của tôi chỉ là đi mua một chiếc khăn quàng Denny and George.

Chỉ một chiếc khăn quàng. Thậm chí còn chẳng phải là váy đầm hay áo khoác hay thứ gì đáng giá tương tự.

“Thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu,” tôi lẩm bẩm.

“Tôi không tin,” anh ta nói dễ chịu.

Và bây giờ tôi cảm thấy thật tệ, tôi ngước lên – và ơn Chúa, đến trạm của tôi rồi.

“Chúc may mắn,” tôi nói, vội vã đứng dậy. “Tôi thực sự mong là anh kịp đến đó.”

Khi đi dọc theo vỉa hè, tôi cảm thấy trong lòng xấu hổ đôi chút. Đáng ra tôi phải đưa 120 bảng của mình cho người đàn ông đó để dành cho đứa con của anh ta, thay vì mua chiếc khăn vớ vẩn này. Ý tôi là, bạn thử nghĩ mà xem, điều gì quan trọng hơn kia chứ? Quần áo – hay sự thiêng liêng của một sinh linh mới chào đời?

Khi suy nghĩ về vấn đề này, tôi thấy trong lòng một chút gì thật sâu sắc và triết lý. Thực ra, tôi mải miết suy nghĩ đến mức suýt đi qua chỗ cần rẽ. Nhưng tôi đã ngước lên đúng lúc và rẽ vào góc – cảm thấy hơi choáng váng. Một cô gái đang bước về phía tôi trên tay xách một túi hàng của Denny and George. Và đột nhiên mọi thứ trong tâm trí tôi bị quét sạch.

Ôi Chúa ơi.

Nếu cô ta mua đúng chiếc khăn của tôi thì sao?

Nếu cô ta đã yêu cầu đặc biệt và cô gái bán hàng, cứ đinh ninh rằng tôi sẽ không quay lại, đã bán nó cho cô ta.

Tim bắt đầu đập loạn xạ, tôi sải bước trên phố về phía cửa hàng. Khi tới trước cửa và đẩy cửa mở ra, tôi gần như không thở nổi vì lo sợ. Nếu chiếc khăn đã biến mất thì sao? Tôi sẽ phải làm gì?

Nhưng cô gái tóc vàng đã mỉm cười khi tôi bước vào.

“Chào chị!” cô nói. “Chiếc khăn vẫn đang đợi chị đấy.”

“Ôi, cảm ơn,” tôi thở phào, rồi mệt mỏi dựa vào quầy thu ngân.

Tôi thực sự cảm thấy như mình vừa chạy trên cả một đường đua vượt chướng ngại vật để đến được đây. Thực ra, tôi nghĩ người ta nên tính mua sắm là một hoạt động ảnh hưởng đến tim mạch. Tim tôi chưa bao giờ đập nhanh bằng khi tôi nhìn thấy bảng hiệu “giảm giá 50%”.

Tôi xếp tiền ra loại mười và hai mươi đồng rồi chờ đợi, gần như run rẩy khi cô gái lúi húi phía sau quầy và mang chiếc hộp màu xanh ra. Cô gái để nó vào một chiếc túi dày, bóng có quai màu lục sẫm rồi đưa nó cho tôi, và tôi gần như muốn khóc thật to, khoảng khắc đó thật tuyệt vời biết bao.

Chính khoảnh khắc đó. Ngay khi ngón tay bạn chạm vào quai xách chiếc túi bóng bẩy, không một nếp gấp đó – và tất cả những thứ mới lạ tuyệt vời bên trong sẽ thuộc về bạn. Nó như thế nào nhỉ? Nó như cái cảm giác nhịn đói lâu ngày, rồi nhét ngập miệng một chiếc bánh nướng bơ ấm nóng. Nó như cảm giác thức dậy rồi nhận ra hôm nay là ngày cuối tuần. Mọi thứ khác đều nằm ngoài tâm trí bạn. Đó là một cảm giác thỏa mãn vừa ích kỷ vừa thuần khiết.

Tôi bước chầm chậm ra khỏi cửa hiệu, vẫn còn váng vất trong niềm vui sướng. Tôi đã có một chiếc khăn Denny and George. Tôi đã có một chiếc khăn Denny and George! Tôi có...

“Rebecca.” Một giọng đàn ông ngắt mạch suy nghĩ của tôi. Tôi ngước lên, bụng giật thót vì hoảng sợ. Đó là Luke Brandon.

Luke Brandon đang đứng trên phố, ngay trước mặt tôi, và hắn đang nhìm chằm chằm vào túi đồ của tôi. Tôi thấy mình bỗng trở nên bối rối. Hắn làm gì trên phố lúc này được cơ chứ? Những người như hắn chẳng lẽ không có nổi lái xe riêng ư? Đáng ra hắn phải có mặt ở một buổi chiêu đãi quan trọng của giới tài chính hay gì đó chứ nhỉ?

“Cô mua được rồi chứ?” Hắn nói, khẽ chau mày.

“Gì cơ ạ?”

“Quà cho bác cô ấy mà.”

“À vâng,” tôi nói, nuốt nước bọt. “Vâng, tôi... tôi mua được rồi.”

“Có phải nó đấy không?” Hắn chỉ vào chiếc túi và tôi cảm thấy tội lỗi lan dần làm đỏ hồng hai má.

“Vâng,” cuối cùng tôi nói. “Tôi thấy... tặng chiếc khăn chắc cũng hay.”

“Cô thảo tính quá. Denny and George cơ đấy.” Hắn nhướng mày. “Bác cô chắc hẳn là một quý bà sành điệu.”

“Đúng vậy,” tôi hắng giọng nói. “Bà ấy vô cùng sáng tạo và độc đáo.”

“Chắc vậy rồi,” Luke nói, rồi dừng lại. “Bà ấy tên là gì vậy nhỉ?”

Ôi Chúa ơi. Đáng ra ngay khi nhìn thấy hắn tôi nên bỏ chạy, khi còn có cơ hội. Giờ thì tôi đờ cả người ra rồi đây. Tôi chẳng thể nghĩ ra một cái tên phụ nữ nào cả.

“Erm... Ermintrude,” tôi nghe thấy mình nói vậy.

“Bác Ermintrude,” Luke nói vẻ hiểu biết. “Chà, cho tôi gửi lời hỏi thăm bà ấy nhé.”

Hắn gật đầu với tôi rồi bỏ đi, còn tôi đứng đó, tay cầm chặt túi, cố nghĩ xem liệu hắn có đoán ra mọi việc hay không.

.NGÂN HÀNG ENDWICH.

CHI NHÁNH RULLHAM

Số 3 đường Fullham

London SW6 9JH

Gửi cô Rebecca Booomwood

Căn hộ số 2

Số 4 đường Bruney

London SW6 8FD

Ngày 17 tháng Mười một năm 1999

Cô Bloomwood thân mến,

Tôi rất tiếc khi nghe tin cô đang mắc bệnh viêm bạch cầu.

Khi đã hồi phục, cô vui lòng liên lạc với thư ký của tôi, cô Erica Parnell để sắp xếp buổi gặp mặt thảo luận về tình hình hiện nay của cô.

Trân trọng,

Derek Smeath

Giám đốc

.ENDWICH – BỞI CHÚNG TÔI QUAN TÂM.