Edit: Lan Sung nghi.
Beta: Mai Thái phi.
Đại yến của triều đình là cảnh tượng hiếm thấy. Từ trước đến nay Hoàng thượng là người cần kiệm, không thích phô trương lãng phí, cho nên cũng đã lâu rồi hắn chưa tổ chức đại yến.
Hiện tại Đại vương Hồ Nhung đích thân đến thượng kinh cầu hôn Công chúa, phần thành ý này khiến Đại Lương rất hài lòng, nên đương nhiên quy cách yến hội cũng không ngừng tăng lên.
Bất cứ ai khi đứng trước lợi ích của đế quốc thì đều phải nhượng bộ, lợi ích mà Hồ Nhung đưa ra cũng đủ rồi, vì vậy đương nhiên đế quốc cũng sẽ trả lại cho Hồ Nhung đủ lễ nghi.
Tông thân triều thần và sứ đoàn Hồ Nhung cùng ở chung một chỗ, đây là cảnh tượng khó có được. Đương nhiên Hoàng đế ngồi trên ghế chủ vị, còn Kham Bố vương Hồ Nhung thì ngồi bên dưới. Nếu trước đây thì điều này là không thể tưởng tượng được.
Lời giải thích dành cho Hồ Nhung cũng rất hợp tình hợp lý. Chúng ta sắp xếp chỗ ngồi như vậy không phải ý muốn nói Hồ Nhung cúi đầu xưng thần với Đại Lương, mà đó chỉ là để thể hiện sự cung kính của phò mã dành cho nhạc phụ của mình mà thôi.
Lí do mà Đại Lương đồng ý hôn sự này cũng có liên quan đến điều đó. Kham Bố vương từ ngang hàng biến thành vãn bối, đây sẽ trở thành một sự kiện rất có ý nghĩa về mặt chính trị.
Đẩy ly đổi chén, đương nhiên Hồ Nhung muốn gặp người sẽ trở thành Đại phi của bọn họ - Lâm Nghi Công chúa. Nhưng Hoàng đế lại lấy tập tục trước khi thành hôn là nam nữ không được phép gặp mặt để làm lý do từ chối.
Sắc mặt Kham Bố vương thực sự không đổi, nhưng sắc mặt của Vương tử Phục Khiên lại không vui. Còn tiểu Vương tử Đô Tùng Mang Tắc thì phụ trách bán manh (đáng yêu), có tác dụng trong việc thể hiện sự hiền hoà của Kham Bố vương, khiến cho tâm lý mâu thuẫn của Đại Lương hòa hoãn lại.
"Phụ vương! Chúng ta bắt buộc phải đáp ứng những điều kiện hà khắc kia của Đại Lương sao?" Trở lại dịch quán, Vương tử Phục Khiên có chút bất an. Yến hội lần này cũng không phải tốt như vậy, nếu không cẩn thận thì ngay cả ăn cũng có thể bị sặc chết!
Những điều kiện mà Đại Lương đưa ra đối với Hồ Nhung mà nói, dường như đã tương đương với việc chạm phải điểm mấu chốt giữa hai bên. Hiệp trợ Đại Lương xuất binh Bắc Mông chỉ là việc nhỏ, điều mà Đại Lương mong muốn chính là hai nước Lương - Hồ mở cửa thông thương, dân lành chăn nuôi trồng trọt, tự do mậu dịch [1]. Nhân dân của hai nước có thể dùng văn điệp [2] để di chuyển qua lại, bảo đảm an toàn của bản thân...
[1] Mậu dịch là một từ Hán Việt, theo đó từ gốc của nó là "貿易". Mậu dịch dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Mua bán". Mậu dịch thường dùng để chỉ hình thức mua bán bằng cách vận chuyển hàng hóa từ nước này qua nước khác. Chữ "dịch" ở đây là xê dịch, di dời, vận chuyển. Trước đây ở nước ta thường có hình thức mậu dịch quốc doanh, đây là hình thức buôn bán, cơ quan buôn bán do Nhà nước quản lý ở các nước xã hội chủ nghĩa.
[2] Văn điệp (文牒): văn bản có dấu ấn của Hoàng đế hoặc quan lại dùng để di chuyển giữa các vùng trong một nước hoặc giữa nước này với nước khác.
Về cơ bản dã tâm của Đại Lương đã rõ như ban ngày!
Kham Bố vương lắc lắc đầu, bình tĩnh lên tiếng: "Điều kiện mà Đại Lương đưa ra thật sự hà khắc và hướng đến mục tiêu lâu dài, nhưng đây cũng là tác phong trước sau như một của người Đại Lương, chính là đặt mình vào chỗ bất bại, nhưng không đuổi tận giết tuyệt. Điều kiện hà khắc kia đa phần là vì muốn tự bảo vệ mình hơn, cho nên không cần phải lo lắng như vậy."
"Con nên hiểu rõ, Phục Khiên, của hồi môn của Lâm Nghi Công chúa mới chính là mục tiêu của chúng ta. Dường như những thứ mà chúng ta muốn thì đều có ở trong đó. Đó là hi vọng phát triển trong tương lai của Hồ Nhung."
Phục Khiên nhíu mày: "Con thừa nhận những thứ đó rất quan trọng với Hồ Nhung, thế nhưng trong của hồi môn vậy mà lại bao gồm cả một vạn quân, điều này không buồn cười sao? Chẳng lẽ chúng ta lại để cho một vạn cấm quân này thâm nhập vào địa giới Hồ Nhung, tiến vào Đô thành à?"
Sắc mặt Kham Bố vương vẫn nhàn nhạt như cũ, mở miệng nói: "Nếu ta không đoán sai, thì không thể cự tuyệt một vạn cấm quân này. Nếu là điều kiện khác thì Đại Lương có thể nhượng bộ, nhưng điều này thì tuyệt đối sẽ không."
"Tứ Công chúa là Công chúa mà Hoàng đế Đại Lương sủng ái nhất. Tuy không rõ vì sao lại để nàng đi hòa thân, nhưng đối với một người phụ thân mà nói, thì việc bảo hộ an toàn cho nữ nhi là chuyện quan trọng nhất. Hồ Nhung xa xôi vạn dặm, không có quân đội bảo vệ nàng thì Hoàng đế Đại Lương sẽ không an tâm. Hơn nữa, nhìn từ góc độ khác thì đây cũng là một chuyện tốt. Công chúa được sủng ái thì sẽ không ngừng kéo dài mối giao tình giữa hai bên, đây là loại ràng buộc vĩnh viễn không rạn nứt."
"Huống chi, cũng chỉ là một vạn cấm quân mà thôi. Phục Khiên, con nên nhìn xa một chút. Một vạn nhân mã này chỉ đủ để bảo hộ an toàn cho Công chúa. Khi bọn họ tiến vào địa phận Hồ Nhung rồi thì sẽ giống như giọt nước hoà vào biển lớn, sớm muộn gì thì chúng ta cũng sẽ nuốt chửng bọn họ."
Vẻ lo âu trên gương mặt Phục Khiên cũng không giảm bớt. Đứng trên lập trường của hắn, hắn không hi vọng Công chúa sẽ gả qua. Mẫu thân của hắn chỉ là thϊế͙p͙ thất của phụ vương, địa vị thấp hèn. Còn Đại phi Bố Xích của Hồ Nhung thì mất sớm, phía trên không có ai chèn ép, cho nên mỗi ngày trôi qua cũng không tệ lắm.
Hắn là nhi tử được phụ vương coi trọng nhất, tương lai rất có khả năng sẽ kế thừa Vương vị! Nhưng hiện giờ một vị Công chúa Điện hạ gả đến, không chỉ có mẫu thân bị người quản thúc, đến cả địa vị của hắn cũng có thể bị dao động.
Ngày thứ bốn mươi mà Kham Bố vương đến thượng kinh là một ngày tốt. Ngày này sẽ diễn ra hôn nghi (nghi lễ thành hôn) giữa Kham Bố vương và Lâm Nghi Công chúa ở thượng kinh.
Đương nhiên, đây là theo nghi thức của dân tộc Hán. Đợi đến khi về Hồ Nhung thì bọn họ sẽ cử hành nghi thức một lần nữa theo phong tục của Hồ Nhung.
Kham Bố Vương mặc trang phục lộng lẫy đứng trong đại chính điện, chờ thê tử của hắn tiến vào.
Hoàng đế ngồi trên long ỷ cao cao, hai bên là triều thần đứng ngay ngắn. Cấm quân đông đảo phân ra làm hai hàng đứng bên ngoài điện, thảm đỏ trải dài từ cửa đại chính điện ra tới đại chính môn.
Từng tiếng hô cao vút của các tiểu thái giám nối tiếp nhau vang lên: "Lâm Nghi Công chúa giá lâm...", "Lâm Nghi Công chúa giá lâm...", "Lâm Nghi Công chúa giá lâm..."
Hạ kiệu ở đại chính môn, Lâm Nghi Công chúa chậm rãi bước vào. Giá y được phối giữa hai màu đỏ tươi và vàng sáng lộ vẻ tôn quý độc nhất vô nhị, đây là Hoàng đế đặc biệt cho phép.
Bên trái kim quan đính tua rua vàng, búi tóc Triều Thiên kế để lộ ra vầng trán cao cao, khiến cho dung nhan của nàng càng thêm vẻ bức người.
Vạt áo thật dài được cung nữ sửa sang lại mà nhẹ nhàng phủ trên mặt đất, chậm rãi chuyển động theo từng bước chân tiến về phía trước.
Mỗi một bước của nàng đều là tôn quý, mỗi người nàng lướt qua đều là hèn mọn.
Từng cấm quân đứng hai bên đều trầm mặc quỳ một gối xuống đất, rung lưỡi mác theo nhịp. Bọn họ nhìn nàng bước đến, cũng không thể cưỡng lại mà nhìn nàng rời đi.
Đây là sự kính chào dành cho vị Công chúa Điện hạ tự nguyện hòa thân, cũng là kính chào dành cho Nguyên Liệt Hoàng hậu đã qua đời, càng là kính chào dành cho hòa bình sắp tới của hai dân tộc.
Đây là lễ nghi tối cao. Hoàng đế bệ hạ bày mưu tính kế, cũng là hướng đến nguyện vọng của dân chúng.
Kham Bố vương nhìn Lâm Nghi Công chúa càng lúc càng tiến gần lại đây. Tuy không thấy rõ dung mạo, nhưng dáng người kia, dáng vẻ kia, khí thế kia... Kham Bố vương dần dần mở to hai mắt nhìn. Trong ấn tượng của hắn, nữ nhân có khí thế uy nghi như vậy chỉ có vị Quý phi nương nương đã đốt cung kia. Không ngờ nữ nhi của nàng cũng xuất sắc như thế.
Mà Vương tử Phục Khiên trước đó vẫn luôn trầm mặc, khi nhìn thấy cảnh tượng này thì trong lòng càng thêm áp lực.
Thời điểm Lâm Nghi Công chúa bước chân vào đại chính điện, các thần tử đều vén vạt áo lên, cung kính quỳ xuống, đầu chạm đất: "Công chúa Điện hạ thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!"
Cấm quân và cung nhân bên ngoài cũng quỳ lạy: "Công chúa Điện hạ thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế!"
Tiếng hô như tiếng vọng trong rừng núi, rất lâu mà vẫn chưa tiêu tán, truyền đi rất xa, rất xa...
Bước chân của Tứ Công chúa hơi khựng lại một chút, đôi mắt bình tĩnh nhuốm màu trần thế, nhưng nàng vẫn kiên định như cũ mà bước về phía trước. Đúng vậy, chỉ có hôm nay, nàng mới có thể kiêu ngạo mà bước đi như vậy.
Khi Vương tử Phục Khiên thấy dung mạo của vị Công chúa này gần trong gang tấc thì cả người đều ngây ra, cũng bởi vì khϊế͙p͙ sợ mà đồng tử trong mắt mở thật lớn. Chết đi sống lại ư?
Nhưng rất nhanh hắn đã lấy lại được phản ứng. Tuy dung mạo của vị Công chúa trước mắt này có vài phần tương tự, nhưng so với vị Hoàng hậu đã đốt cung điện ở Trầm Đô kia, thì nàng vẫn còn rất non nớt. Lễ phục dày nặng trên người cũng không che giấu được hơi thở của tuổi trẻ trên người vị Công chúa này.
Phục Khiên chậm rãi cúi đầu, biểu tình hoảng hốt. Cuối cùng thì hắn cũng đã hiểu vì sao Đại Lương không đưa ra bất kì lời giải thích nào về huyết thống của Công chúa, dù Hồ Nhung luôn nghi vấn về tính chân thật của vị Công chúa này.
Không phải vì ngạo mạn, cũng không phải vì chột dạ, mà là vì khinh thường.
Khuôn mặt giống nhau như vậy thì không cần phải giải thích thêm bất cứ điều gì nữa. Đây là Công chúa tôn quý nhất, mang theo thành ý lớn nhất của Đại Lương mà đến Hồ Nhung.
Phục Khiên nhìn vị Công chúa Điện hạ lướt qua người hắn, cũng không liếc nhìn hắn một cái. Làn gió thơm như là giấc mộng nhanh kết thúc, không để lại chút dấu vết nào, nhưng lại gieo mầm vào trong lòng hắn.
Hắn chưa bao giờ nói với bất kỳ ai, hắn bị một nữ nhân cướp mất trái tim. Người kia cao cao tại thượng, nữ nhân mà một trận lửa đã thiêu chết cả nàng và tôn nghiêm của hắn.
Hiện tại, nữ nhân kia dùng một phương thức khác mà xuất hiện trong cuộc đời hắn, lại trở thành mẫu thân của hắn.
Lâm Nghi Công chúa đi đến bên cạnh Kham Bố vương thì dừng lại.
Nàng không có cách nào lướt qua người nam nhân này, đây là tôn ti, cũng là đạo phu thê.
Lâm Nghi Công chúa chậm rãi quỳ xuống, nâng tay lên ngang trán, từ từ cúi người chạm tay xuống mặt đất lạnh băng: "Nữ nhi tham kiến phụ hoàng, phụ hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế."
Đây cũng là lần đầu tiên các triều thần nhìn thấy vị đích Công chúa Điện hạ tôn quý - Công chúa Điện hạ có phong hào Lâm Nghi này. Cho dù hòa thân thì cả đời vẫn sẽ được hưởng đất phong quận Lâm Ấp như cũ.
Trong mắt triều thần thì hành vi này chỉ là bồi thường đối với Nguyên Liệt Hoàng hậu đã qua đời và ái nữ. Nhưng hiện tại khi nhìn thấy vị Công chúa Điện hạ tôn quý này, thì bọn họ mới hiểu được, nữ tử như thế thì không thể nào không khiến cho người ta tôn kính và yêu mến.
Xinh đẹp như vậy, phong thái như vậy.
Bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập.
Ninh bất tri, khuynh thành dữ khuynh quốc, giai nhân nan tái đắc [3].
[3] Đây là một phần trích trong bài ca Giai nhân ca (Lý Diên Niên ca) của tác giả Lý Diên Niên hay còn gọi là Lý Duyên Niên.
Trong mắt Hoàng đế trào dâng sự hoảng hốt. Cho đến lúc này, hắn vẫn không biết bản thân mình thỏa hiệp như vậy là đúng hay sai nữa. Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì hắn cũng không thể đổi ý: "Bình thân."
Ánh mắt Kham Bố vương không cách nào rời khỏi vị Công chúa Điện hạ này được. Luôn có người có được vẻ đẹp khuynh quốc khuynh thành mà người khác không thể nào sánh bằng. Còn đối với hắn, tuy xinh đẹp có thể khiến cho người ta yêu thích và chiếm hữu, nhưng lại không đủ để tạo nên sóng gió.
Thế nhưng nữ nhân có dung mạo đẹp nhất trên đời, nữ nhân khiến hắn yêu thích và muốn có được kia, thì lại chưa bao giờ thuộc về hắn.
Nữ nhân kia dùng phương thức kịch liệt nhất khiến hắn thấy động tâm, cũng dùng phương thức kịch liệt nhất khiến hắn chết tâm.
Trận lửa kia khiến hắn hoàn toàn yêu nữ nhân ấy, cũng là trận lửa kia khiến hắn hoàn toàn mất đi nữ nhân ấy.
Nhưng cuối cùng thì trời cao cũng coi như là thương xót hắn. Mây tía mờ nhạt trên bầu trời, ánh sáng nhu hòa chiếu qua khe hở cửa sổ, nữ tử trong lòng hắn dùng một loại phương thức khác trở về bên cạnh hắn, chậm rãi bước về phía hắn.
Kham Bố vương vươn bàn tay với khớp xương rõ ràng ra, nhẹ nhàng cầm lấy tay của Lâm Nghi Công chúa, giờ lành đã đến.
---
Giai nhân ca (Lý Diên Niên ca) - Lý Diên Niên:
佳人歌
北方有佳人,
絕世而獨立。
一顧傾人城,
再顧傾人國。
寧不知,傾城與傾國,
佳人難再得。
Giai nhân ca
Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh bất tri, khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc.
Dịch thơ:
"Phương bắc có giai nhân, tuyệt thế mà độc lập.
Một lần ngoảnh đầu khuynh thành, lần nữa ngoảnh đầu khuynh quốc.
Há không biết khuynh thành khuynh quốc, giai nhân như vậy khó có được sao."
Sách Hán thư, phần Lý phu nhân truyện chép rằng: Hán Vũ Đế thấy Lý Diên Niên hát bài ca này, hỏi thiên hạ lại có người đẹp như vậy sao. Lý Diên Niên đáp rằng chính là em gái của mình rồi tiến cử lên Hán Vũ Đế, được phong là phu nhân, sau trở thành Hoàng hậu. Bài ca này không rõ do Lý Diên Niên sáng tác hay là một bài dân ca do ông sưu tập. Sau Nhạc phủ thi tập xếp bài này vào Tạp ca dao từ với tên Lý Diên Niên ca 李延年歌.
Từ bài ca này mà đời sau thường dùng chữ "khuynh quốc khuynh thành" (nghiêng nước nghiêng thành) để chỉ những tuyệt thế giai nhân. Bài thơ này cũng có ảnh hưởng lớn tới thơ ngũ ngôn của thi nhân về sau.