Bong gân cổ chân là một chấn thương thường xuyên xảy ra khi vận động mạnh hoặc té ngã. Tình trạng này xuất hiện nhiều khi bạn mang giày cao gót thường xuyên. Tuy bong gân thường nhẹ và không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng nó sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu và bất tiện do đau cũng như phải hạn chế các hoạt động vận động hàng ngày.
Tìm hiểu chung
Bong gân là tình trạng gì?
Bong gân mắt cá chân là tình trạng chấn thương các dây chằng bao quanh, kết nối các xương tại cổ chân. Thương tổn thường xảy ra khi bạn vô tình cử động vặn xoắn hoặc xoay mắt cá chân một cách đột ngột. Khi đó, dây chằng giữ xương mắt cá và khớp cổ chân có thể bị dãn hoặc bị rách.
Thông thường, tất cả các dây chằng đều có phạm vi cử động nhất định và trong giới hạn cho phép để giữ cho các khớp cố định. Khi những dây chằng xung quanh mắt cá bị đẩy quá giới hạn sẽ gây ra bong gân. Thường gặp nhất là bong gân mắt cá chân do chấn thương dây chằng ở bên ngoài.
Trong trường hợp bị bong gân, bạn nên gọi bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tổn thương và đề nghị phương pháp điều trị thích hợp. Có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để dây chằng mắt cá chân bị xướt hoặc bị rách lành lại hoàn toàn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng bong gân là gì?
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bong gân mà bạn có thể nhận thấy, bao gồm:
- Sưng;
- Khớp lỏng lẻo;
- Bầm tím vùng khớp chấn thương;
- Khớp chấn thương giảm chịu lực;
- Da đổi màu;
- Khớp căng cứng.
Mắt cá chân có thể bị nhiều loại thương tích khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần gặp bác sĩ ngay khi bạn đang gặp vấn đề với mắt cá chân. Bác sĩ có thể xác định liệu chấn thương là bong gân hay một tình trạng khác nghiêm trọng hơn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng bong gân xấu hơn và tránh được việc cấp cứu y tế, vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng này.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng bong gân?
Nguyên nhân của tình trạng bong gân cổ chân thường là do bàn chân vặn hoặc lật vào trong, buộc khớp mắt cá chân lệch khỏi vị trí bình thường. Trong các hoạt động thể chất, mắt cá chân có thể lật vào trong do hậu quả của những cử động đột ngột, bất ngờ. Điều này khiến một hoặc nhiều dây chằng quanh mắt cá bị căng ra hoặc rách. Sưng hoặc bầm tại cổ chân là hậu quả của những tổn thương rách dây chằng mắt cá chân. Bạn sẽ bị đau hoặc khó chịu khi bạn di chuyển do trọng lượng cơ thể tác động lên vùng bị tổn thương. Dây chằng, sụn và mạch máu cũng có thể bị hư hỏng do bong gân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tình trạng bong gân?
Bong gân có thể xảy ra với bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Khi bạn tham gia các môn thể thao, đi bộ trên các bề mặt không bằng phẳng hoặc thậm chí mang giày không đúng cách đều có thể gây ra bong gân.
Bạn có thể phòng ngừa bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị tình trạng bong gân?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này, chẳng hạn như:
- Thế chất kém. Tình trạng thể chất kém khiến các cơ của bạn yếu và có nhiều khả năng bị các thương tích;
- Mệt mỏi. Cơ bị mệt mỏi ít có khả năng cung cấp sự hỗ trợ tốt cho các khớp của bạn. Khi mệt mỏi, bạn cũng có nhiều khả năng không chịu được những áp lực có thể gây căng thẳng cho khớp hoặc làm căng cơ;
- Khởi động không đúng. Bạn nên làm nóng cơ thể đúng cách bằng cách thư giãn cơ bắp và làm tăng khả năng vận động của khớp trước khi hoạt động thể thao, giúp cho cơ bớt căng cứng và ít nguy cơ chấn thương cũng như bị rách cơ;
- Điều kiện môi trường. Các bề mặt trơn trượt hoặc không đều có thể khiến bạn dễ bị thương tích hơn;
- Thiết bị hỗ trợ kém. Giày dép không vừa hoặc giày dép không đảm bảo chất lượng hoặc các thiết bị thể thao không thích hợp có thể góp phần làm căng cơ hoặc bong gân.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán tình trạng bong gân?
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc khám sức khỏe để xác định dây chằng nào bị rách. Trong khi kiểm tra, bác sĩ có thể di chuyển khớp mắt cá chân của bạn theo nhiều cách khác nhau để kiểm tra phạm vi chuyển động.
Một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, cũng có thể được sử dụng để loại trừ một vết nứt xương. Chụp cộng hưởng từ MRI có thể được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bị sứt mẻ xương, chấn thương nghiêm trọng đối với dây chằng hoặc tổn thương bề mặt của khớp mắt cá.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng bong gân?
Cần phải có một số lựa chọn điều trị phù hợp đối với mắt cá chân bị bong gân để thúc đẩy phục hồi và ngăn ngừa sự khó chịu.
Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn một số lời khuyên và thiết bị y tế mà bạn có thể sử dụng để chăm sóc cho vết thương. Điều quan trọng là không nên để trọng lượng nặng lên vùng bị thương trong khi bạn đang trong quá trình phục hồi tình trạng bong mắt cá chân.
Một số phương pháp chăm sóc tại nhà mà bạn có thể làm đối với việc bong gân nhẹ bao gồm:
- Dùng băng gạc (như băng thun) để quấn mắt cá chân;
- Mang nẹp để hỗ trợ mắt cá chân;
- Sử dụng nạng, nếu cần;
- Nâng cao chân của bạn bằng gối trong khi nghỉ ngơi hoặc ngủ. Điều này sẽ giúp làm giảm sưng;
- Dùng ibuprofen (như Advil®) hoặc acetaminophen (như Tylenol®) để điều trị chứng sưng và đau;
- Nghỉ ngơi nhiều và không đặt trọng lượng lên mắt cá chân.
Phẫu thuật rất hiếm khi được khuyến cáo, nhưng nó có thể được thực hiện khi tổn thương dây chằng là nghiêm trọng hoặc khi chấn thương không cải thiện với các tùy chọn điều trị không phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi khớp. Trong khi phẫu thuật, bác sỹ có thể quan sát bên trong khớp để xem có những mảnh vỡ xương hoặc sụn không;
- Phẫu thuật tái tạo dây chằng. Đối với phẫu thuật tái tạo dây chằng, bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu lại dây chằng bị rách. Họ cũng có thể sử dụng dây chằng khác ở chân hoặc mắt cá chân để nối lại phần dây chằng bị hư.
Bạn sẽ cần phải đến thăm khám, theo dõi định kỳ với bác sĩ và tập liệu pháp thể dục hoàn chỉnh để tăng cường sức mạnh ở mắt cá chân. Tùy thuộc vào mức độ bong gân mắt cá và loại phẫu thuật được thực hiện, việc phục hồi có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng bong gân?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Băng thun phần mắt cá chân bị trầy xước;
- Mang một cái nẹp, nếu cần;
- Thực hiện các bài tập tăng cường;
- Tránh đi giày cao gót;
- Làm nóng cơ thể trước khi tập thể dục;
- Mang giày dép bền, chất lượng;
- Chú ý đến bề mặt khi bạn đang đi bộ;
- Vận động chậm lại hoặc ngừng vận động khi bạn cảm thấy mệt mỏi.
Bong gân hay trật khớp cổ chân thường không phải bệnh lý nặng. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc và điều trị sau chấn thương cần phải có lời khuyên của bác sĩ kết hợp với các thiết bị y tế hỗ trợ. Do đó, bạn hãy đến gặp ngay bác sĩ khi bị đau khớp cổ chân. Bạn cần tuân thủ nghỉ ngơi, cố định khớp đau bằng băng thun và giảm đè ép lên vùng chấn thương, đây là những lưu ý cực kỳ quan trọng cho quá trình tái tạo dây chằng. Cuối cùng, bạn nên nhớ rằng sự phục hồi tốt của dây chằng sau chấn thương cũng góp phần phòng ngừa bong gân tái phát về sau.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.